Tìm hiểu về vấn đề sinh diệt trong Phật giáo

TÌM HIỂU VỀ VẤN ĐỀ SINH DIỆT TRO

TÌM HIỂU VỀ VẤN ĐỀ SINH DIỆT TRONG PHẬT GIÁO

Viên Định - Lý Tú Nga


 

 

Với quyết tâm giải thoát mạnh, hành giả chỉ ghi nhận và hành trì ba điểm: (1) Vạn hữu đều sinh diệt nên vô ngã, không thể tự ngã; (2) Vạn hữu đều sinh diệt nên vô thường và dẫn đến khổ đau, cho nên không có cái gì của ta, không có cái gì là ta, và cũng không có gì là tự ngã của ta; (3) Nhờ thành tựu quán chiếu và không phóng dật (appamāda) mà hành giả đoạn trừ tất cả thọ (lạc, khổ, không khổ không lạc) khởi lên từ thân tâm mình ở mọi lúc mọi nơi. Đó chính là ba yếu chỉ công phu trong bài kinh Sáu sáu - số 148, thuộc Trung bộ. Công phu này cũng tương tự như công phu “chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách” trong Bát-nhã Tâm kinh, hay công phu quán chiếu “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán” trong kinh Kim cang.

1.      Nội hàm sanh diệt đã được thấy

Theo luận giải về chánh tri kiến, hành giả thể nhập được chánh kiến là nhờ thành tựu bảy diệu pháp gồm tín, tàm, quý, đa văn, tinh tấn, niệm, và trí tuệ (kinh Hữu học, Trung bộ). Tuệ ở đây là trí tuệ thấy rõ sự sinh và diệt của các pháp, trí tuệ cao quý và sâu sắc, đưa đến chấm dứt hoàn toàn đau khổ (Tương ưng 55.33). Đức Phật nhận thấy mỗi vi tử gồm có bốn nguyên tố chính - đất, nước, gió, lửa, và những thuộc tính của chúng. Ngài phát hiện ra rằng những vi tử này là những phần tử căn bản kết hợp thành vật chất, và chúng sinh ra rồi diệt đi rất nhanh - hàng tỉ tỉ lần trong một giây. Trên thực tế, không có sự chắc đặc trong thế giới vật chất; không có gì ngoài sự bùng cháy và những rung động. Các nhà khoa học hiện đại đã xác nhận những phát hiện của Đức Phật và đã chứng minh bằng thí nghiệm là thế giới vật chất gồm có những hạt cơ bản sinh diệt rất nhanh. Tuy nhiên, các nhà khoa học này không thể thoát khỏi khổ đau bởi vì họ chỉ hiểu bằng tri thức. Không giống như Đức Phật, họ không chứng nghiệm trực tiếp được sự thật bên trong chính họ. Chỉ khi nào ta tự chứng nghiệm được thực tại vô thường nơi chính mình, khi đó ta mới có thể thoát khỏi đau khổ.[1] Việc xác nhận 36 chi pháp (xem bảng 1) là nhằm nói đến sự vô ngã (kinh Sáu sáu).

Khái niệm vô ngã ở đây được thể hiện qua việc quán vô ngã từng chi phần của 36 chi pháp; trong đó, theo chiều ngang tích lũy dần (từ căn đến ái) của bảng chi pháp, sự sinh và diệt (upapajjati) đã được thấy. Thể thức này được lặp lại cho hàng kế tiếp của bảng chi pháp cho đến hết các hàng, tức là từ hàng của chi pháp mắt cho đến hàng chi pháp ý (xem bảng 1). Có thể tóm tắt theo công thức như sau:


 

Bảng  STYLEREF 1 \s 1. 36 chi pháp

Nội căn

Ngoại căn

Sáu thức    

Sáu xúc

Sáu thọ

Sáu ái  

Thần kinh mắt

Sắc

Nhận thức cảnh sắc-nhãn thức

Nhãn xúc

Nhãn thọ

Nhãn ái

Thần kinh tai

Thinh

Nhận thức cảnh thinh-nhĩ thức

Nhĩ xúc

Nhĩ thọ

Nhĩ ái

Thần kinh mũi

Hương

Nhận thức cảnh hương-hương thức

Hương xúc

Hương thọ

Hương ái

Thần kinh lưỡi

Vị

Nhận thức cảnh vị-vị thức

Vị xúc

Vị thọ

Vị ái

Thần kinh thân

Xúc

Nhận thức cảnh xúc-thân thức

Thân xúc

Thân thọ

Thân ái

Ý 

pháp

Ý thức

Ý xúc

Ý thọ

Ý ái


 

Trong kinh Lửa cháy (Aggi-Sutta), Đức Phật nói rằng “Tất cả đang bùng cháy”. Từ tất cả ở đây chỉ cho sáu căn, sáu trần, các thức xuất phát từ chúng, và những xúc chạm và cảm thọ liên hệ đến chúng. Hiểu và hành trì sự sinh và diệt qua cụm từ bùng cháy là con đường đi đến giải thoát: tất cả đang bùng cháy với những ngọn lửa phiền não và khổ đau (S.IV.35.38-40). Đó là do vô minh mà ra. Kinh Tương ưng, chương Sáu xứ đã lặp đi lặp lại rằng, để xóa bỏ vô minh và phát sinh chánh trí, chúng ta phải quán chiếu tất cả các căn và cảm thọ xuất phát từ chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Đây là con đường trực tiếp đi đến Niết-bàn (S.IV.41-6). Theo cách quán khác, cần phải thấy rằng sáu căn là trống không, không có một tự ngã hay bất cứ những gì thuộc về một tự ngã, nghĩa là thế giới là trống không (S.35.96-97). Vì thức khởi sinh từ sáu căn nên không có tự ngã, hay thức cũng vô ngã (S.35.274-276) (xem cột thức của bảng 1).

Cũng như thế, mọi sự đều đổi thay, sinh và diệt từng giây phút, nhưng tiến trình này xảy ra quá nhanh và liên tục nên tạo ra ảo tưởng mọi việc đều bất biến, không thay đổi. Ngọn lửa của cây nến và ánh sáng của bóng đèn điện đều thay đổi không ngừng. Nếu ta phát hiện được tiến trình thay đổi bằng các giác quan của mình, như trong trường hợp ánh sáng của đèn cầy, ta có thể thoát khỏi ảo tưởng. Nhưng khi sự thay đổi xảy ra quá nhanh và liên tục như trường hợp của bóng đèn điện mà các giác quan của ta không thể phát hiện được, thì sự phá vỡ ảo tưởng khó hơn rất nhiều.

Trong kinh Tương ưng, cụm từ uppajjati được hiểu là sinh khởi minh hay sanh khởi tà kiến: “Này Tỳ-kheo, do biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sinh khởi.[2] Hay, “Với kẻ bị vô minh chi phối, không biết, này các Tỳ-kheo, tà kiến sinh.”[3] Mặt khác, bản chất sinh và diệt trong kinh Tạng Pāli (M.2.14-25, kinh Tất cả lậu hoặc) chính là tính không ổn định hay tính vô thường của thế gian, được cô đọng lại là sát-na tâm lý trong giáo pháp của Đức Phật. Tâm thức là một đơn vị tâm lý, về bản chất chỉ tồn tại nhất thời, gồm ba giai đoạn rõ rệt: sinh (uppāda), trú (thiti) và diệt (bhaga). Trong bối cảnh nhất thời ấy, một hành động đoạn trừ (pahāna) dù bằng bất cứ hình thức nào rốt cuộc cũng là sự diệt, đó là sự không tái hiện của cùng hiện tượng ấy. Không có gì được xem là bất biến, chẳng có gì tồn tại thường hằng. Bất cứ cái gì đã diệt hay tan hoại đều không thể tái hiện. Tương tự thế, 36 chi pháp nếu được xem xét theo cách này thì rõ ràng chúng không có gì cả, nghĩa là không có gì là tự ngã ở mắt, ở tai, v.v.

Người (thành tựu) chánh kiến là người được xem có thể nhổ bật gốc các lậu hoặc cố chấp (bhīnivesa) lót đường cho sự trở thành (bhava) sinh tử bất tận trong ba giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới). Do bị bám chấp thúc đẩy, ta lại tạo ra những hành động có chủ ý làm nhân cho hữu (bhava-trở thành nghiệp), tức là một hiện hữu mới. Vào lúc chết, tiềm năng phát sinh một hiện hữu mới sẽ trở thành hiện thực với đời sống mới bắt đầu bằng sinh (ra)[4] và chấm dứt bằng già và chết.

Theo tâm lý học Phật giáo, sự trải nghiệm những cảnh tượng, những âm thanh, những mùi vị, những xúc chạm nơi thân thể, và những hiện tượng trong tâm thức, biểu hiện như là những khoảnh khắc của hiểu biết. Thân thể vật chất, những cảm xúc về khoái lạc và đau đớn, những tri giác về nhiều thứ, những tâm thế, những hoạt động và những ý tưởng tất cả đều được biết; ngay cả sự biết cũng được biết.[5] Mỗi khi dục vọng vi tế được phơi bày, chúng ta buông xả nó và an trú một cách thoải mái trong sự ngưng bặt chính dục vọng ấy. Trong thời khắc này, hạnh phúc không được theo đuổi và đạt tới, tức là nhờ ly dục nhưng mà không có cầu đạt được. Ngay tại đó, đơn giản chúng bị phát hiện và đưa ra ở bên trong; giống như ngọn sóng được phát hiện nó có tánh nước mà không theo đuổi hình tướng của ngọn sóng là gì. Cũng chính tại đây, các pháp với ý niệm tự ngã đã được chiếu sáng bằng tuệ giác, tức thành tựu thiện xảo về xứ phi xứ.

Bốn giới (S.4.305-8) đất, nước, lửa và gió tiêu biểu cho “bốn kiểu hành xử” của vật chất như chất cứng, chất lỏng, chất nóng và chất hơi. Bốn giới kết hợp bất khả phân trong bất cứ đơn vị vật chất nào, từ đơn vị nhỏ nhất cho đến lớn nhất và phức hợp nhất. Tuy nhiên, bốn giới không chỉ thuộc về thế giới bên ngoài mà còn ở chính trong cơ thể con người. Vì không hiểu rõ (S.12.625-7), chúng sinh mãi lang thang trong vòng luân hồi bởi vì họ không thấy và hiểu pháp đúng. Thấy pháp (S.12.637-8) là phương thuốc chữa trị vô minh, mà theo đó được định nghĩa là tuệ tri về Tứ diệu đế. Sự thâm nhập đầu tiên về Tứ diệu đế xảy ra cùng với việc chứng quả Nhập lưu. Đạt được bước đột phá này không hề dễ dàng, nhưng nếu không làm được việc này thì không thể nào chấm dứt khổ đau. Vì vậy, hành giả cần phải quán chiếu Tứ niệm xứ (M.10.131-150, kinh Niệm xứ), ở đó đã dạy những trạng thái tâm cần được thiết lập đó là nhiệt tâm, tinh cần, tỉnh giác cho đến khi nào đạt đến giác ngộ. Theo ngài Bodhi, công thức tiêu chuẩn đi kèm theo mỗi bài thực hành trên một niệm xứ (satipatthāna) là một kiểu an trú tâm (viharati). Bốn giới ấy có thể được xem là vô thường và do duyên sinh (sự sinh và diệt); hay có thể được xem từ ba lập trường về vị ngọt (sự sinh), sự nguy hiểm và sự vượt thoát (sự diệt); là “khuôn mẫu Tứ diệu đế”. Như vậy, không ai định nghĩa khuôn mẫu này mà chính vô thường và do duyên sinh hay cụm từ sinh và diệt đã hình thành dòng tâm thức Tứ diệu đế. Đó là con đường giải thoát từ từ, con đường giải thoát đạt đến đỉnh cao trong việc chứng ngộ Tứ diệu đế (M.27, Tiểu kinh dấu chân voi; M.10, Kinh Niệm xứ).

Đạo Phật là đạo của sự thật vô ngã và vô thủ trước các cảm thọ, các tri kiến. Đừng đi vào cái lưới mê hồn kiến chấp làm mất thì giờ và cơ hội tu tập đạo giải thoát. Vì tất cả những kiến chấp đều phát sinh do sự lường gạt của tư tưởng, tri giác và cảm thọ. Vì không tu tập chánh niệm và quán chiếu nên người ta không biết được chân tướng của tư tưởng, tri giác và cảm thọ do đó bị chúng lường gạt. Một khi thấy được nguồn gốc và bản chất của tư tưởng, tri giác và cảm thọ, chúng ta sẽ thấy được tự tánh vô thường và duyên sinh của sự vật. Lạ lùng thay, tất cả những điều này có ngay nơi tự thân của mỗi người, vì vậy chúng ta chỉ cần quay về nhận rõ sự sanh và diệt của tất cả pháp ở nơi tự thân, đó là nội hàm vô ngã và cũng chính  là câu nói “xoay nhìn chính mình” trong Thiền tông Việt nam.

Nguồn gốc và sự đoạn diệt của thế giới (S.2.134) nói rằng từ sáu căn và sáu ngoại căn (sáu nội căn thường là chi phần thứ 5) và thức (chi phần thứ ba) sinh khởi theo sau bởi xúc, thọ, ái và tất cả các chi phần còn lại của lý duyên khởi. Hệ lụy của việc chấp các ngã luận thủ sẽ dẫn con người đến phiền não, khổ đau, chấp thường/đoạn (M.28.242, Đại kinh dụ dấu chân voi). Qua đây, để hiển lộ những nhân duyên duy trì vòng luân hồi và từ đó thấy rõ những gì cần phải làm để được giải thoát khỏi vòng luân hồi ấy, chúng ta cần nhìn thấy rằng: “Cái này không phải là tôi, cái này không phải là của tôi, không phải là tự ngã của tôi”. Đây là việc tháo gỡ dòng nhân quả nằm bên dưới thân phận của chúng ta, đó là dòng tâm thức của nhân quả ngay trong chính tự thân chúng ta. Tiến trình này bắt đầu bằng việc hiểu rõ dòng nhân quả. Vì không có một cái ngã để giữ chuỗi nhân duyên với nhau, những gì kết nối đời này với đời sau không có gì khác hơn là nguyên lý duyên sinh, tức là sự sinh và diệt.

Mặt khác, trên con đường gột sạch 13 tâm cấu uế,[6] hành giả cũng nên cẩn thận với cái thấy tự ngã đã được gột sạch bằng cách tu Thất giác chi để rải tâm từ (M.40, Tiểu kinh xóm ngựa). Tương tự thế, một vị hành Bồ-tát đạo cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng sống không nên dính mắc khi hòa mình với mục đích làm lợi ích cho chúng sinh. Khi thực hành chuyên tâm lâu ngày, hành giả có thể chứng đắc vô lậu tâm giải thoát.

 Cần quán năm uẩn để thấy rằng mỗi uẩn này là vô lực, biến hoại (sinh và diệt) (M.112.357, Kinh Sáu thanh tịnh) không an ổn; đối với những sắc là những chấp thủ phương tiện (upāyupādānā) như tà kiến và tham ái, là những tâm cố chấp, thiên chấp, tùy miên. Đối với những sắc ấy, với sự đoạn tận, đoạn ly, đoạn diệt, đoạn trừ, đoạn xả, hành giả tuệ tri tâm mình được giải thoát. Đó là công phu tu tập vô ngã bằng cái nhìn thiền quán ngũ uẩn qua 11 yếu tố.[7] Thậm chí với suy nghĩ “những hành động do vô ngã làm đã được ngã nào cảm thọ kết quả” cũng không được coi là một câu quán đúng pháp (M.109.342, Kinh Đại mãn nguyệt).

Theo luận giải về bản kinh mật Hoàn (M.18.151), nghĩa của cụm từ “sinh và diệt” là duyên khởi-nhận thức. Xúc là kết quả của căn-trần-thức và là duyên tạo cảm thọ: “Do nhơn con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ”. Có tiếp xúc của giác quan, đối tượng và nhận thức là có sự tranh chấp đời. Phàm duyên nhãn xúc/ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; do biết và thấy cảm thọ ấy là vô thường nên thân kiến được đoạn trừ…; do biết và thấy cảm thọ ấy là vô thường nên thân kiến được đoạn trừ (S.4.242, thiên Sáu xứ, phẩm Duyệt hỷ tiêu tận).

Ngài Nyanatiloka đã giải thích tầm quan trọng của vô ngã như sau: “Bất kỳ ai không thể nhập vào được tính vô ngã của mọi hiện hữu, và không hiểu rằng trong thực tế chỉ có tiến trình tự-hủy-diệt liên tục của các hiện tượng thân-tâm đang sinh và diệt, và rằng không có một thực thể, tôi riêng biệt bên trong hay bên ngoài tiến trình này, họ sẽ không thể nào hiểu được đạo Phật… họ sẽ nghĩ rằng chính cái tôi của họ, chính cá nhân họ, cảm thọ khổ, chính cá nhân họ thực hiện những hành động thiện và ác, cá nhân họ sẽ đi vào Niết-bàn, cá nhân họ thực hành hay bước đi trên Bát Chánh đạo”. Vấn đề đáng quan tâm ở đây là tại sao bước đi trên con đường Bát Chánh đạo nhưng người tu vẫn có những hành động thiện và ác? Tuy là chánh kiến, nhưng loại chánh kiến này thuộc thế gian nên vẫn còn phải bị phiền não cấu uế (M.117.238-9, Đại kinh bốn mươi). Mặc dù loại chánh kiến này tự nó không đưa đến giải thoát, nhưng nó rất cần thiết cho sự tiến bộ trong vòng luân hồi và đáp ứng như là nền tảng cho chánh kiến vượt thoát thế gian, giúp xóa bỏ vô minh những phiền não cấu uế liên hệ.[8] Đó là lý do lần thứ ba Đức Phật thúc giục người tu tiếp tục làm rõ sự tập khởi và đoạn diệt của tham tùy miên, sân tùy miên và si tùy miên trong bản kinh Sáu sáu.

2. Áp dụng vào cuộc sống hiện nay

Quán tưởng vô ngã là gì? Ở đây, vị Tỳ-kheo đi vào rừng, đến gốc cây, hoặc một túp lều trống, vị Tỳ-kheo quán xét: “Mắt là vô ngã, cảnh sắc là vô ngã; tai là vô ngã; mũi là vô ngã; mùi hương là vô ngã; lưỡi là vô ngã; vị là vô ngã; thân là vô ngã; cảnh xúc là vô ngã; trí là vô ngã; cảnh pháp là vô ngã. Do đó vị Tỳ-kheo ấy quán niệm vô ngã với sáu căn sáu cảnh. Đây gọi là quán tưởng vô ngã.” Nên lưu ý rằng việc này phải được thấy trên thiền chứng, không phải là ngồi nói hay nhủ thầm tất cả pháp là vô ngã.

Khi quán về vô thường, ta thấy mọi thứ đều trôi chảy liên tục, hình thành và đổ vỡ theo những nguyên nhân và điều kiện luôn thay đổi. Một số người có thể khiếp đảm trước sự vô thường của cuộc đời và lập luận rằng nếu không có sự tồn tại của ngã, cuộc sống sẽ vô nghĩa hoặc vô vọng. Tuy nhiên, việc trung thành với những ý niệm về vô thường cũng có thể khiến con người hành động theo những cách khắt khe và cứng nhắc.[9] Mặt khác, việc chấp nhận giáo lý vô ngã sẽ giúp chúng ta cảm thấy thư giản hơn và hài lòng hơn với bất cứ điều gì xuất hiện (tức là sự sinh), bởi vì chúng ta biết rằng những trải nghiệm dễ chịu lẫn khó chịu đều là những điều kiện tạm thời.

Có lẽ hơn bao giờ hết, con người cảm nhận sự thay đổi quá nhanh chóng (vô thường) của xã hội hiện nay: kinh tế lên xuống, bệnh dịch Covid-19 không những ảnh hưởng sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Đó là những điều bất như ý luôn xảy ra trong cuộc sống. Do vậy, chúng ta cần quán vô thường đ không khổ sở trước những thay đổi của ngoại cảnh, không khổ sở trước sự thay đổi của người khác.[10]

 Ngài Lục Tổ dạy rằng: “Ở trên cảnh mà tâm chẳng nhiễm, tức là vô niệm. Ở trên niệm của chính mình mà thường lìa cảnh, chẳng ở trên cảnh sinh tâm. Lìa cảnh thì sáng ngời, chẳng sinh tâm ở trên cảnh.” Tu hành như vậy thì không mê được. Tức là cũng biết, nhưng không sinh tâm trên cảnh. Cũng thấy nghe nhưng lìa cảnh. Mê là dính cảnh theo cảnh. Đó là “Đối cảnh vô tâm mặc vấn thiền”. Tự tánh chân như khởi niệm, ngay trong tự tánh chân như. Niệm mà chưa từng niệm, không rời tự tánh, không đánh mất mình. Không bị cảnh dẫn là thường tự tại, vừa động niệm, rơi vào hai bên là bất giác. Tổ Lâm Tế bảo rằng: “Cái đã dấy lên chớ để tiếp tục, khởi lên phải có diệt. Cái mà chưa dấy thì đừng cho dấy còn hơn công phu hành cước 10 năm.”

Con đường hành trì sự tập khởi và đoạn diệt thân kiến là gì? Đời thường ai cũng yêu quý thân và tâm mình trước hết; điều gì mang đến sự vừa lòng khả ái cho thân và tâm là bám vào; và khi cái đó mất đi thì thân-tâm bị chi phối hay khổ đau. Vì vậy, Đức Phật dạy quán tất cả chi pháp theo thể thức: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Thiền quán 32 thể trược là cách giúp cho hành giả không còn chấp thủ vào tự thân. Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới. Khi thực hành đối diện lo sợ cái chết ở nghĩa địa, ngài Ajahn Chah tự hỏi: Khi lo sợ cái chết. Cái chết ở đâu? Cái chết ở trong ta. Nếu ở trong Ta thì không trốn đâu được.[11]

Thực ra, ý nghĩa thâm sâu của thực hành giáo pháp này là việc rải tâm từ đến người khác, vì khi chính bản thân chúng ta không còn bị vướng vào vòng khát ái-chấp thủ thì năng lượng yêu thương này mới lan tỏa ra đến đối tượng khác. Vì vậy, sau mỗi khóa thiền Vipassana thường là thực hành thiền từ bi quán. Trong câu chuyện số 15 của Tiểu bộ kinh, tu tập tâm từ được thể hiện qua việc thực hành tác ý đối với sân và chuyển hóa não hại (K.15.64, Lâu đài của Uttrā ). Đó cũng là tâm từ của một hành giả Bồ-tát vào thời Đức Phật cũng như ngày nay. Theo Phật giáo Đại thừa, hành giả Kim cang phải trụ vô sở trụ thì mới sinh được tâm Bồ-tát. Vô sở trụ là vô sở trụ của sắc, của thanh, của hương, của vị, của xúc, của pháp: “Chư Bồ-tát Ma-ha-tát ưng như thị sinh thanh tịnh tâm: Bất ưng trụ sắc sinh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.[12]

Tương tự thế, người tu có thể tu tập sự kham nhẫn qua sự quán chiếu người khác mắng nhiếc, chỉ trích, chọc tức v.v., qua việc thấy xúc-thọ-tưởng-hành-thức là vô thường. Đó là cách tu quán nhân duyên khi gặp điều bất như ý. Người tu có thể áp dụng những kỹ thuật phòng hộ ở bài kinh Tất cả lậu hoặc, nhưng không chỉ để "thu thúc" tự thân không thôi mà còn nhằm vào việc phục hồi sự lành mạnh và hài hòa trong tâm, đồng thời làm cho nó miễn nhiễm với những nguy hại của các lậu hoặc như thân kiến. Theo ngài Phật Âm, những phương pháp này được gọi là trấn phục đoạn trừ và chỉ áp dụng hiệu quả khi hành giả đã có "chơn chánh giác sát", nghĩa là đã có một sự hiểu biết sâu sắc về sự thuận-nghịch (anurodhapaivirodha), nhận biết rõ phản ứng của tâm khi bị tham chi phối (thuận) và sân chi phối (nghịch) bởi một đối tượng nào đó trong một tình huống, và một sự chọn lựa thận trọng xem kỹ thuật nào là thích hợp để đương đầu với tình huống ấy. 

Ngoài ra, quan niệm sai còn gọi là vô minh. Đây là tri giác (tưởng) sai lầm của chúng ta khi cho rằng con người và vạn vật là thường hằng. Tưởng uẩn được sinh ra trong trí như kết quả của sự kết hợp các giác quan, đối tượng bên ngoài hoặc bên trong, sự liên hệ, nhận thức, sự lưu ý và cảm thụ. Ví dụ, một bức hình được tạo thành từ những điểm màu của ánh sáng trên màn hình máy tính, thế nhưng thay vào đó, điều mà chúng ta trông thấy là “hình của tôi”, “tôi”, hay “hình ảnh của tôi”. Thực tế, không điểm nào trên tấm hình hay trên màn hình máy tính là khái niệm “tôi,” “của tôi,” hay “tự ngã” cả. Thế thì những ý tưởng này đến từ đâu? Chúng đến từ thông tin thuộc về khái niệm đã được lưu trữ trước đó trong tâm trí. Chúng ta gộp những khái niệm này vào tấm hình, điều chỉnh tri giác để phát triển sự trói buộc hay ác cảm đối với những thành phần khác nhau của hình ảnh “của tôi”. Quán niệm giúp chúng ta nhìn thấy những khái niệm này sinh từ tâm trí mà không phải từ đối tượng cảm thụ: mọi thứ đều phải thay đổi.

Cuối cùng, xin nói về hành trì thiền quán cảm thọ của dòng thiền ngài Goenka. Trong khóa thiền 10 ngày, khoảng 3-4 ngày đầu là thực hành thiền định (thiền trên hơi thở). Những ngày sau đó là thiền quán toàn thân, là đưa tâm (đã định) quét từ trên đỉnh đầu xuống tới gót chân, không bỏ sót chỗ thân phần nào cả. Trong quá trình này, đơn thuần chỉ ghi nhận các cảm nhận xảy ra trên thân, không tác ý gì thêm. Ví dụ, quán đến thân phần đầu ngón tay phải, cảm nhận sự tê cứng thì hành giả chỉ ghi nhận là tê cứng, không để thêm suy nghĩ là tại sao tê cứng, tê cứng thế nào. Sau khi quán từ trên xuống, hành giả quán theo chiều từ dưới chân lên đến đỉnh đầu từng phần, từng phần một. Công năng của thiền quán này là ghi nhận các cảm thọ: lạc (dễ chịu), bất lạc (ngứa, đau nhức), khi đó tâm hành giả không phản ứng mà chỉ tỉnh giác-buông xả hoàn toàn. Đây là cách tập cho thiền sinh một thói quen mới. Thói quen này sẽ giúp hành giả không phản ứng (hoan hỷ, tham đắm…) trước những điều bất như ý/như ý trong cuộc sống hằng ngày. “Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt…, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, cảm giác lạc thọ thuộc nội tâm, không vn đục. (M.27.232, Tiểu kinh dụ dấu chân voi). Tướng chung tức là tướng vô thường, vô ngã của 36 pháp (xem bảng 1). Tướng riêng tức là tính chất đặc thù của từng tướng hữu vi. Thí dụ như đất, nước, gió, lửa… đều có tướng vô thường; như đất thì có tính cứng, nước thì tính ướt, lửa có tính nóng, gió có tướng động. Tướng riêng của mỗi pháp đều khác nhau nên chúng muôn màu muôn vẻ. Việc chấp tướng chung hay tướng riêng của một pháp nào đó đều sai lầm cả. Nó khiến tâm dao động và dẫn đến phóng tâm theo trần cảnh. Lời cảnh tỉnh của Tổ Huệ Năng nói với hai vị Tăng khi bàn về lá cờ bay cũng nói lên tinh thần mà Phật đã dạy ở trên.  

Tài liệu tham khảo

1.      Thích Minh Châu, Tương ưng bộ kinh 4, VNCPHVN, Hồ Chí Minh, 1980.

2.      Thích Minh Châu, Trung bộ kinh 1, 2, VNCPHVN, Tp.HCM, 1992.

3.      S.N.Goenka, The Discourse Summaries of S.N. Goenka, William Hart dịch, Tóm lược các bài giảng của Thiền sư S.N.Goenka, Ngày thứ 3, tr.9 [https://budsas.net/sach/vn65.pdf].

4.      Tỳ-kheo Bodhi, In the Buddha’s words an anthology of discourses from the Pāi cannon, Nguyễn Nhật Trần Như Mai dịch, Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pāi: Chiếu sáng tuệ quang, NXB. Hồng Đức, 2016, tr.47, 414

5.      Acharya Buddharakkhita, Mind overcoming its cankers, Pháp Thông dịch, Đoạn trừ lậu hoặc, 2014, tr.24 [https://phapthihoi.org/kinh/Ebooks/Sach-Noi/Quoc-Te/Doan-Tru-Lau-Hoac-TK-Phap-Thong-Dich.pdf]

6.      Andrew Olendzki, Unlimiting Mind: The Radically Experiential Psychology of Buddhism, Nguyễn Tiến Văn dịch, Tâm vô lượng - Tâm lý học Phật giáo triệt để trải nghiệm, NXB.Văn Lang, 2018, tr.54

7.      Gunaratana, Meditation on Perception, Thành Khang - Diễm Quỳnh dịch, Thiền định về tri giác: 10 pháp đối trị để vun trồng Quán niệm, NXB.Văn Lang, 2018, tr.43, 44, 89.

8.      Thích Trí Quảng, Hai mươi mùa an cư, quyển 2A, Tứ chánh cần, NXB.Hồng Đức, 2015, tr.47.

9.      Ajahn Chah, Lê Kim Kha dịch, Lẽ sinh diệt-lý tu hành, NXB.Hồng Đức, 1992, tr.104 [https://thuvienhoasen.org/a23564/le-sinh-diet-ly-tu-hanh]

10.  Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Minh Tiến dịch, Chư kinh tập yếu, Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh, NXB.Tôn Giáo Hà Nội, 2010, tr.163


 

[1] Thiền sư S.N.Goenka, The Discourse Summaries of S.N. Goenka, William Hart dịch. Tóm lược các bài giảng của Thiền sư S.N.Goenka, Ngày thứ 3, tr.9 [https://budsas.net/sach/vn65.pdf].

[2] Cakkhuṃ kho, bhikkhu, aniccato jānato passato avijjā pahīyati, vijjā uppajjati. (S.IV.30)

[3] Avijjāgatassa, bhikkhave, aviddasuno micchādiṭṭhi pahoti. (S.V.1)

[4] Tỳ-kheo Bodhi, In the Buddha’s words an anthology of discourses from the Pāḷi cannon, Nguyễn Nhật Trần Như Mai dịch, Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh Tạng Pāḷi: Chiếu sáng tuệ quang, NXB.Hồng Đức, 2016, tr.414

[5] Andrew Olendzki, Unlimiting Mind: The Radically Experiential Psychology of Buddhism, Nguyễn Tiến Văn dịch, Tâm Vô Lượng-Tâm lý học Phật giáo triệt để trải nghiệm, NXB.Văn Lang, 2018, tr.54

[6] Tham dục, sân hận, phẫn nộ, thù hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lẫn, man trá, xảo trá, ái dục và tà kiến.

[7] Quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đối với tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thấy được như thật với trí tuệ.

[8] Tỳ-kheo Bodhi, In the Buddha’s teachings on Social and Communal Harmony, Nguyễn Nhật Trần Như Mai dịch, Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội, Chánh kiến, NXB.Hồng Đức, 2016, tr.47

[9] Gunaratana, Meditation on Perception, Thành Khang-Diễm Quỳnh dịch, Thiền định về tri giác: 10 pháp đối trị để vun trồng Quán niệm, NXB.Văn Lang, 2018, tr.89

[10] Thích Trí Quảng, Hai mươi mùa an cư, quyển 2A, Tứ chánh cần, NXB.Hồng Đức, 2015, tr.47

[11] Ajahn Chah, Lê Kim Kha dịch, Lẽ sinh diệt-lý tu hành, NXB.Hồng Đức, 1992, tr.104 [https://thuvienhoasen.org/a23564/le-sinh-diet-ly-tu-hanh]

[12] Đoàn Trung Còn, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Minh Tiến dịch, Chư kinh tập yếu, Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật kinh, NXB. Tôn Giáo, 2010, tr.163

Chia sẻ: facebooktwittergoogle