Lục độ ba-la-mật

Lục độ ba-la-mật

Chúng ta đã biết đến Ba loại tịnh nghiệp, Ba môn học (Tam vô lậu học), Sáu nguyên tắc hòa kính, bây giờ làm sao để ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày khi đối xử với mọi người trong công việc? Để giải quyết điều nầy, Đức Phật dạy cho ta pháp Lục độ ba-la-mật. Gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát-nhã. Nếu chúng ta thực hành những công hạnh nầy suốt từ sáng khi vừa thức giấc, đánh răng rửa mặt cho đến khi đi ngủ, thì chúng ta mới là người tu tập chân chính.

 hình minh họa:

  Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng pháp tại Melbourne ngày 13-6-

1. Bố thí ba-la-mật-đa

      a.Bố thí tài sản (Tài thí)

Thông thường, người đời chủ yếu truy cầu tài sản như là mục tiêu cao nhất, vì không có tài sản, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Sau đó, họ mưu cầu danh vọng và tri thức, sức khỏe và sống lâu. Bất luận họ ở phương Đông hay phương Tây, là người sống thời quá khứ hay hiện nay, đây vẫn là những mục đích truy cầu của con người. Liệu Phật pháp có đáp ứng trọn vẹn được ước nguyện, mong cầu ấy của con người không? Chúng ta thường nghe nói rằng, ‘Phật tự trong tâm, có cầu tất được đáp ứng–Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng.’ Thế tại sao có nhiều người không đạt được những gì họ mong cầu? Vì họ không hiểu được thực tướng của nhân sinh vũ trụ và không biết được phương pháp đúng đắn để thành tựu ước nguyện của mình. Nếu chúng ta biết được phương pháp đúng đắn nầy và hiểu được thực tướng của nhân sinh vũ trụ thì ước nguyện chúng ta sẽ thành tựu.

Đức Phật dạy rằng tài sản, trí huệ, sức khỏe, sống lâu đều là thuộc về quả báo. Nếu chúng ta muốn đạt được kết quả nầy, thì trước tiên chúng ta phải gieo trồng và nuôi dưỡng cái nhân. Nhân tốt sinh ra quả tốt, nhân xấu sẽ có quả xấu. Nơi nào có nhân thì nơi ấy có quả. Ở đâu có quả thì ở đó có nhân. Đây là luật bất di bất dịch, và là định luật bao trùm tất cả các luật khác trong vũ trụ tương quan.

Hãy xem một người nào đó rất giàu. Tại  sao có điều ấy? Chẳng phải do người ấy thông minh khác thường hoặc có ý tưởng rất hay làm ra tiền. Có rất nhiều người thông minh hơn và có ý tưởng độc đáo hơn, tại sao họ lại không thành công? Đức Phật dạy rằng tài sản là nghiệp quả được tạo ra do đã gieo nhân trong những kiếp trước. Nhân nầy như thế nào? Là nhờ bố thí tài sản.

Bố thí tài sản sẽ được quả báo giàu có, bố thí giáo lý sẽ được quả báo trí huệ, bố thí sự không sợ hãi (vô úy) sẽ được quả báo khỏe mạnh và sống lâu. Do vậy, nếu chúng ta muốn có tài sản, trí huệ, sức khỏe, sống lâu thì phải cần gieo trồng và nuôi dưỡng cái nhân ngay trong đời nầy. Chỉ có một ít người chưa đạt được quả báo do họ đã gieo nhân trong vài năm trước. Bất luận yếu tố thời gian, chúng ta phải gieo trồng nhân để có được quả. Đây là Luật nhân quả. Luật nầy không bao giờ thay đổi.

Bố thí là điều kiện thiết yếu để tu tập hạnh Bồ-tát. Nếu chúng ta có thể tổng kết các pháp môn tu tập Phật pháp, chúng ta sẽ thấy pháp môn nào cũng tương ưng với Lục độ ba-la-mật cả. Còn nếu chúng ta cô đúc Lục độ ba-la-mật lại, chúng ta sẽ thấy cốt tủy là Bố thí ba-la-mật. Một trong những loại để bố thí là tài sản. Khi nhiều người nghe vậy, họ cứ nghĩ là đem tiền đi cúng dường các chùa viện, hoặc đạo tràng. Thật là sai lầm vì suy nghĩ như thế thì quá cạn và quá xa với tinh thần của Bồ-tát đạo.

Luôn luôn nghĩ đến sự lợi lạc của người khác là một cách bố thí tài sản. Như thế nên mọi người đều có thể thực hành bố thí theo cách nầy, và chúng ta đang là những vị Bồ-tát. Chúng ta không để ý đến đó thôi! Chẳng hạn, khi thức dậy vào buổi sáng và chuẩn bị bữa điểm tâm cho mọi người, là chúng ta đang thực hành tâm từ và chính mình là Bồ-tát Phổ Hiền. Khi làm việc nầy chúng ta thấy mình được vui. Theo cách nầy chúng ta không bận tâm; ‘Thât khổ cho tôi!’ Gia đình xem tôi như đầy tớ, tôi phải hầu hạ họ suốt ngày!’ Nếu chúng ta cứ than van như vậy mãi, mọi duyên lành đáng ra được hưởng sẽ tiêu tan mất. Nhưng khi không than van nữa mà chuyển sang tinh thần bố thí ba-la-mật thì ngay đó chúng ta sẽ hưởng được niềm vui của lợi lạc hiểu biết.

Như người làm thuê lao nhọc suốt ngày để kiếm càng nhiều tiền càng tốt hoặc mong được thăng chức thì đó không phải là thực hành bố thí. Tuy nhiên, nếu người ấy làm việc tận tâm vì mong đem lợi ích đến cho mọi người trong công ty và xã hội, không vì mong kiếm được tiền hay khen thưởng, thì người ấy đang thực hành bố thí và sẽ không bao giờ thấy mệt. Chính tôi cũng vậy, vui vẻ đi khắp nơi để giúp cho mọi người ai có duyên thì hiểu được Phật pháp, theo cách đó, tôi cũng đang thực hành bố thí pháp. Tôi giúp cho mọi người biết cách tốt hơn để thay đổi cuộc sống mình được tốt đẹp hơn theo hướng chuyển hóa dần những phiền não, đạt được trí huệ và an lạc để dẫn đến cuộc đời tươi sáng hơn.

Năm 1984, tôi có chuyến đi đến Los Angeles để giảng pháp. Tôi đi một mạch từ phi trường đến hội trường và giảng suốt trong vòng 9 tiếng đồng hồ. Tôi đứng giảng trong khi thính chúng ngồi nghe. Nhưng cuối cùng, người nghe mệt chớ không phải tôi. Càng giảng, tôi càng cảm thấy mình như được tiếp truyền sinh lực và nói càng mạnh hơn, Sao vậy? Vì tôi rất nhiệt tâm muốn truyền dạy đạo lý sâu mầu của Đức Phật đến cho mọi người. Đây là niềm vui khi giảng giải Phật pháp, và nói thật, đó là dưỡng chất. Ngày nay, người ta nói nhiều về thực phẩm có lợi có sức khỏe. Nhưng đó là thứ dưỡng chất hư vọng. Phật pháp dạy cách giữ cho thân tâm thanh tịnh. Được như vậy, sẽ có được niềm vui khiến mình an lạc khỏe mạnh và trẻ trung. Phiền muộn sẽ làm cho chúng ta già nua và bệnh hoạn.

Ở Hoa Kỳ, có một số hội đoàn thực hành từ thiện. Một số người lại mua bảo hiểm y tế đề phòng tai họa hay bệnh tật. Thật ra, làm như thế là chuẩn bị cho một khả năng bệnh duyên sẽ đến, khi mỗi tháng ta phải đóng trước tiền bảo hiểm, thế là chúng ta bị ràng buộc (về mặt tâm lý) là sẽ trở nên bệnh. Nếu không làm chuyện đó thì cũng tiêu phí tiền vào việc khác. Nhưng nếu ta thay đổi cách nghĩ,  tiền ấy sẽ giúp cho những người đang bệnh, thì chúng ta đang thực hành bố thí và chúng ta sẽ không bao giờ bị bệnh. Sao vậy? Vì chúng ta phát khởi tâm không bệnh. Nếu chúng ta giúp đỡ và chăm sóc người già cả, thì chúng ta sẽ có quả báo tốt đẹp trong tương lai. Khi chúng ta già, sẽ có người chăm sóc chúng ta lại.

Ngày nay, ai cũng mua bảo hiểm xe hơi. Nếu chúng ta nghĩ rằng thay vì mua bảo hiểm, ta dùng tiền ấy để giúp cho những người bị tai nạn xe hơi thì chúng ta sẽ không bao giờ gặp phải bất hạnh ấy. Vì sao? Vì chúng ta đã bố thí tài sản và lòng từ bi. Thế nên, chúng ta là một vị Bồ-tát hay là kẻ phàm phu là do suy nghĩ của chúng ta. Khác nhau điều gì? Bồ-tát đã giác ngộ và luôn luôn làm mọi điều vì lợi ích cho mọi người, trong khi người phàm phu thì luôn luôn làm những gì có lợi cho chính mình. Khi chúng ta làm điều gì vì lợi lạc cho người, chúng ta sẽ được những lợi ích khó tưởng tượng được. Cách bố thí nầy nhiều vô cùng và ta có thể thực hành bất cứ lúc nào, và bất cứ cách nào.

Theo Phật pháp, bố thí tài sản gồm bố thí nội tài và bố thí ngoại tài. Ngoại tài là những tài sản thuộc sở hữu của mình, còn nội tài là thân thể mình. Chẳng hạn, hiến tặng các cơ quan nội tạng hay từng phần thân thể mình cho người bệnh. Nếu chúng ta có ý nguyện giúp cho người khác mà không mong cầu tiền bạc hoặc sự đền đáp thì đó là bố thí nội tài. Chúng ta đều có thể thực hành  bố thí nội tài trong bất kỳ lúc nào.

Chúng ta đã thấy rõ tiêu chuẩn thiện ác trong Phật pháp, mọi việc làm xuất phát từ tâm nguyện lợi lạc cho mọi người là thiện và mọi việc làm xuất phát từ lòng ích kỷ là xấu. Điều nầy có thể người mới phát tâm khó thực hành. Tại sao chúng ta lại không nên làm chỉ vì lợi lạc cho riêng mình? Vì hàng phàm phu khó thành Phật là do hai thứ chướng ngại chấp trước là ngã chấppháp chấp. Khi không còn ngã chấp, ta chứng được quả vị A-la-hán. Khi không còn pháp chấp, ta chứng được quả vị Phật. Nếu trong mỗi niệm, chúng ta đều mong làm lợi ích cho mình, thì ngã chấp càng ngày sẽ lớn mạnh. Với sự ích kỷ, ngay cả khi ta trồng được vài căn lành, thì chỉ làm lớn mạnh thêm chấp trước mà thôi; còn nếu làm được ít việc lành, thì sẽ giảm được dần sự chấp trước. Đức Phật dạy rằng nếu muốn vượt thoát luân hồi sinh tử thì nhất thiết phải trừ sạch ngã chấp và pháp chấp. Ngã chấp là phiền não làm cho tâm không được thanh tịnh. Pháp chấp là phiền não ngăn che không phát khởi được trí huệ chân thật.

b.Bố thí sự hiểu biết (Pháp thí)

Dạng bố thí nầy sẽ đưa đến quả báo trí huệ và thông minh. Nói chung, bố thí nầy có hai trường hợp: Phật pháp và pháp thế gian. Nhiệt tâm chia xẻ tri thức hiểu biết cho mọi người, những người hiếu học, đó là Bố thí sự hiểu biết (Pháp thí). Không chỉ giới hạn trong giáo lý Phật pháp, chẳng hạn như dạy cho người khác kỹ thuật, cách nấu ăn...Đều là cách chia xẻ không điều kiện những kiến thức hiểu biết trong mọi lĩnh vực. Vị thầy dạy học với nhiệt tâm giúp đỡ mọi người chính là đang thực hành pháp thí. Còn người dạy chỉ mong kiếm tiền và uy tín thì không phải. Người chân chính thực hành pháp thí thì rất nhiệt tâm và không bao giờ thấy mỏi mệt với việc nầy. Khi chúng ta làm việc gì vì lợi ích cho riêng mình, chúng ta sẽ bị thất vọng khi không có ai khen tặng hoặc không thấy được lợi lạc thêm điều gì, như vậy nên chúng ta thường đánh mất nhiệt tình. Ngược lại, Bồ-tát luôn luôn làm vì lợi ích cho chúng sinh và không bao giờ vướng bận vào bất kỳ điều kiện nào khi bố thí.

Trong Kinh Vô lượng thọ, Đức Phật dạy rằng trong tất cả các loại bố thí, thì pháp thí là lớn hơn cả. Học thức thế gian không giúp giải quyết được mọi vấn đề trọng yếu. Phật pháp là nền giáo dục viên mãn có thể giúp ta đạt được công đức, trí huệ vô biên khiến thoát khỏi phiền não, ra khỏi luân hồi sinh tử, rốt ráo đạt được Phật quả. Bố thí nầy rất viên mãn, chỉ có trong truyền thống Phật giáo Đại thừa. Tất cả chư Phật đều tán thán việc bố thí nầy. Hình thức bố thí pháp thông dụng nhất là kinh sách, băng giảng, dĩa CD, cũng như nhận lời giảng dạy Phật pháp, đều là tạo cơ hội cho mọi người được học hỏi Phật pháp.

Tuy nhiên, hiện nay đang lưu hành nhiều kinh sách Phật giáo được in ấn với luật bản quyền. Những ấn phẩm nầy không phải là hình thức pháp thí mà là vì mục đích thương mãi. Có một số Pháp sư, khi mời giảng, đã hỏi sẽ được trả bao nhiêu. Đây không phải là pháp thí chân thật. Bổn nguyện của Bồ-tát là vì lợi ích cho chúng sinh, chứ không phải cho mình. Nếu có một chúng sinh thực lòng muốn học Phật pháp, thì Bồ-tát chân thật sẽ đến và giúp cho họ được toại nguyện. Họ sẽ không bao giờ làm điều gì khó khăn cho bất kỳ ai muốn học, miễn là người ấy thực sự đạt được lợi ích khi học Phật.

3. Bố thí sự không sợ hãi (Vô úy thí)

Sự bố thí nầy liên quan đến ý nghĩa rất rộng vì nó giúp giải trừ cho mọi người sự sợ hãi và thiếu tự tin. Chẳng hạn, nếu ngoại bang xâm chiếm nước ta, chúng ta phải gia nhập quân đội để bảo vệ tổ quốc, để cho người ở hậu phương an cư lạc nghiệp, đó cũng là hình thức vô úy thí. Nếu có người ban đêm sợ về nhà một mình, chúng ta đưa họ về. Ăn chay là một điển hình của vô úy thí, vì nếu chúng ta đều ăn chay cả thì mọi chúng sinh không còn xem chúng ta là nỗi đe dọa của họ. Mọi hành vi giúp cho mọi loài chúng sinh cảm thấy an tâm và tin cậy thì đó là vô úy thí. Nếu chúng ta thực hành một cách toàn vẹn, thì chắc chắn sẽ hưởng được sức khỏe và sống lâu.

Vua Càn Long của nhà Thanh là người có được cả trí huệ, khỏe mạnh và sống lâu, ‘Quý thay thiên tử, phước trùm bốn biển–Quý vi thiên tử, phước hữu tứ hải.’ Ông làm vua 60 năm sau đó nhường ngôi cho con và làm Thái Thượng Hoàng trong 4 năm nữa mới mất. Sở dĩ ông có được phước báo nầy là do trong những đời trước ông đã tu tập tài thí, pháp thí và vô úy thí.

Đức Phật dạy hàng Bồ-tát phải tu tập bố thí ba-la-mật. Ba-la-mật có nghĩa là thành tựu viên mãn. Vấn đề là làm sao để chúng ta thực hành bố thí đến thành tựu viên mãn? Chỉ bằng cách rất đơn giản là thay đổi suy nghĩ, không còn lo cho mình nữa mà vì mọi người. Theo cách nầy, chúng ta có thể tu tập bố thí trong bất kỳ lúc nào, bất kỳ ở đâu. Nhưng chúng ta vẫn chưa đạt đến bố thí ba-la-mật được. Bố thí ba-la-mật là phóng xả, dâng tặng tất cả những gì sở hữu của mình để giúp đỡ mọi người. Cho và nhận là một. Nếu chúng ta không thực hành Bố thí ba-la-mật thì chúng ta không bao giờ nhận được điều gì cả. Khi bố thí ít, thì nhận được ít. Khi bố thí nhiều, thì nhận được nhiều. Quý vị có sợ hãi, âu lo không? Quý vị có bị luân hồi sinh tử không? Tại sao quý vị không muốn tống khứ những thứ ấy đi? Bố thí ba-la-mật là cắt đứt những thứ nầy để đạt được Đại viên mãn và Đại tự tại. Đây là sự thành tựu rốt ráo nhất, nên được gọi là Bố thí ba-la-mật.

Chúng ta sẽ bắt đầu với việc bố thí các tài sản vật chất mình có và dần dần xả bỏ những thứ khác. Nếu có thể cắt đứt mọi phiền não, luân hồi sinh tử có nghĩa là chúng ta đã khôi phục lại được năng lực thanh tịnh giác ngộ sáng suốt trong tự tánh của mình.

2. Trì giới ba-la-mật

Ba-la-mật thứ hai là Trì giới, có nghĩa là tuân thủ đúng theo giới luật và các phong tục, luật lệ, tập quán ở địa phương nơi mình cư ngụ. Mọi việc dù lớn hay nhỏ, dù thế gian hay xuất thế gian, đều có luật tắc tự nhiên của nó. Chúng ta cần phải làm đúng, vì như vậy chúng ta mới hoàn thành công việc mà ta đã phát nguyện. Chẳng hạn như quy củ nề nếp trong gia đình. Luân thường đạo lý là mối quan hệ giữa cha con, vợ chồng, anh em. Có lớn nhỏ, có trật tự tự nhiên, không được điên đảo. Nếu không giữ được vậy, tức là gia đình rối loạn, cha không ra cha, con không ra con. Cũng như khi nấu cơm, ta phải vo gạo, đổ vào nồi, rồi bắt lên bếp, không theo tuần tự như vậy  thì cơm không chín được.

Điều nầy càng đúng cho việc tu học Phật pháp. Nếu muốn thành tựu, chúng ta phải theo sự hướng dẫn của Đức Phật, thực hiện Bốn lời nguyện lớn của chư Phật và Đại Bồ-tát. Trước hết, chúng ta nguyện giúp đỡ tất cả chúng sinh. Tiếp đến chúng ta nguyện chuyển hóa mọi lo âu phiền muộn, tập khí, chấp trước để diệt trừ sạch mọi phiền não. Chỉ có như vậy chúng ta mới thông đạt được hết thảy mọi pháp môn. Sau cùng chúng ta mới thành tựu Phật đạo. Khi đã thành Phật rồi, ta lại có được năng lực cứu giúp tất cả chúng sinh, thế nên chúng ta mới thành tựu được lời nguyện lớn thứ nhất, “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.”

Có người sẽ hỏi, ‘Nhất định phải thành Phật, làm Bồ-tát không được hay sao?’ Dù Bồ-tát có đủ năng lực để cứu giúp chúng sinh, nhưng chưa có đủ năng lực để giúp cho hàng Bồ-tát có giai vị ngang mình hoặc cao hơn. Như hàng Đẳng giác Bồ-tát chưa thể độ được hàng Đẳng giác Bồ-tát, chỉ khi thành Phật rồi, mới có năng lực rộng lớn độ hết chúng sinh trong 9 pháp giới nầy. Vời lời nguyện như vậy, chúng ta mới phát tâm từ bi rộng lớn nguyện giúp đỡ mọi chúng sinh, nguyện tinh cần chuyển hóa phiền não và thông đạt mọi pháp môn tu.

Ngày nay, người tu không thiết tha thực hành các lời nguyện mặc dù họ tụng đọc hằng ngày. Sao tôi nói vậy? Vì họ vẫn còn tâm phân biệt, tâm thị phi, tâm nhân ngã, tâm yêu ghét. Nên họ chỉ giúp người mà họ thích và bỏ qua người mà họ không thích. Đó không phải là lời nguyện chân chính, không phải là lời nguyện viên mãn. Lời nguyện viên mãn là của Bồ-tát không xuất phát từ tâm phân biệt. Bồ-đề tâm rất vi diệu, không thể nghĩ bàn và vượt xa tâm phàm phu của chúng sinh.                           

3. Nhẫn nhục ba-la-mật

Bất luận làm việc gì, cũng cần phải thực hành tâm nhẫn nhục. Vào thời xưa các Pháp sư dịch kinh thấy người Trung Hoa có cá tính quật cường. Trong sách cổ thường thấy ghi câu, ‘Kẻ sĩ chỉ chịu chết chứ không chịu nhục–Sĩ khả sát bất khả nhục.’ Dù có chém đầu cũng không can hệ gì. Nhưng đó chỉ là sự nhịn nhục và xem thường chứ chưa phải là nhẫn. Do vậy nên các pháp sư dịch kinh mới đưa thêm vào danh từ nhẫn nhục– 忍辱 để chỉ cho cá tính quật cường của người Trung Hoa, vốn ban đầu chỉ có từ nhẫn nại –忍耐 chứ không có ý nghĩa chữ nhục  . Kinh Kim Cương có nói, ‘Tất cả các pháp được thành tựu là nhờ nhẫn nhục.’[1] Không có tâm nhẫn nhục thì không thành tựu điều gì cả. Chẳng hạn, nếu muốn tốt nghiệp đại học thì phải kiên nhẫn nhục học bốn năm. Quý vị phải nhẫn nhục ngồi đây suốt hai tiếng đồng hồ để nghe tôi giảng rồi quý vị mới mong có kết quả mỹ mãn khi thực hành. Không có tâm nhẫn nhục thì không bao giờ làm được điều gì cả, bất luận chúng ta có duyên lành đến đâu. Trong Sáu pháp ba-la-mật-đa, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhấn mạnh nhất đến Nhẫn nhục ba-la-mật trong Kinh Kim Cương. Đó là chìa khóa thành công trong tu tập.

Người đời thường nói, ‘Xử sự là khó, xử thế với người càng khó hơn–Xử sự nan, xử nhân cánh nan.’ Đối với thời xưa, việc ứng xử giữa người với nhau không khó. Nhưng ngày nay thì khác. Sao vậy? Vì nền giáo dục thời xưa thường dạy con người nhân cách và đạo lý để sống với nhau, giáo dục ngày nay chỉ dạy con người cách làm việc để kiếm sống. Nên chẳng ngạc nhiên gì khi chính chúng ta chẳng biết gì về mình để xử sự đúng với những người chung quanh. Chúng ta còn không biết được những biến đổi tâm tính của mình,  biết về người khác lại càng ít hơn. Do vậy nên càng khó để xử sự cho hài hòa với mọi người.

Có ba loại nhẫn nhục. Thứ nhất là nhẫn nhục khi bị người khác ngược đãi, mắng chửi hoặc hãm hại. Nhẫn nhục chính là công đức, với sự nhẫn nhục, ta mới có được tâm thanh tịnh, như vậy dễ có được định lực và tu tập dễ thành tựu. Khi thực hành hạnh nhẫn nhục thành tựu rồi, chúng ta sẽ có được phước báo rất lớn. Thứ hai là nhẫn nhục khi gặp nghịch cảnh do thời tiết, nóng lạnh, mùa hạ mùa đông, đói khát cũng như các tại họa do thiên nhiên gây ra. Thứ ba là nhẫn nhục trong khi khổ nhọc tu tập. Trước khi có được sự hỷ lạc trong công phu tu tập cũng như năng lực công phu được vững chãi, chúng ta phải gặp rất nhiều chướng ngại. Tuy nhiên, khi đã vượt qua giai đoạn nầy rồi, chúng ta sẽ có được sự an lạc. Sao vậy? Vì chúng ta đang đi trên con đường chính. Điều nầy cũng giống như khi đi trên xa lộ, trước khi đến nơi ta phải chạy vòng và phải tìm lối vào. Điều nầy thường  làm cho ta nản lòng nhưng vì trên đường đi có quá nhiều xe khiến ta không thể chạy nhanh được. Một khi đã vào xa lộ cao tốc rồi, sẽ thấy dễ chịu hơn vì xe chạy nhanh hơn, êm hơn và không còn chướng ngại. Tu tập Phật pháp cũng giống như vậy.

Ban đầu, chúng ta đi đường vòng, thử qua rất nhiều trường với rất nhiều môn. Chúng ta sẽ chọn môn nào? Sẽ học cái gì? Có người may mắn vì họ chỉ mất vài năm là thấy được con đường chính. Có người kém may mắn, phải mất 10 đến 20 năm hay trọn cả cuộc đời mới có được con đường chân chính. Có được may mắn là do nhiều căn lành, công đức, nhân duyên đời trước ta đã vun trồng. Với những điều kiện trên, chắc chắn chư Phật, các Bồ-tát sẽ hỗ trợ chúng ta, vì họ không bao giờ bỏ rơi chúng sinh. Và khi đã phát tâm thọ trì Phật pháp, chúng ta sẽ được chư Phật hộ niệm đưa đến giác ngộ. Lúc đó tương lai sẽ được tươi sáng hơn.

Thế tại sao Đức Phật không nói chỉ đơn giản những gì chúng ta cần biết thôi? Ngài có nói. Nhưng chúng ta không nghe. Chúng ta đã được Đức Phật dạy về pháp môn tu, nhưng chúng ta lại nghĩ rằng, ‘Đây có thể không phải là pháp tu hay nhất. Tôi còn nghe có một pháp môn khác hay hơn.’ Như vậy là chúng ta đã làm trái lời các Ngài đã dạy. Thế nên các Ngài không đến với chúng ta. Quý vị hãy suy nghĩ kỹ điều nầy. Chúng ta cần phải nhẫn nhục trước khi đạt đến giác ngộ. Không có tâm nhẫn nhục, chúng ta không thể nào tiến lên giai vị cao hơn, vì nhẫn nhục là điều kiện tiên quyết để có định lực và tinh tấn.

4. Tinh tấn ba-la-mật

Trong tiếng Hán chữ tinh tấn được ghép lại gồm hai chữ tinh là tinh chuyên; tấn là tiến bộ. Cả hai việc đều phải đi cùng nhau. Phật pháp không bảo thủ mà cũng chẳng lạc hậu, mà mong cầu sự tiến bộ hằng ngày. Có người cho rằng Phật pháp ngày nay không còn thích ứng nữa. Những đánh giá nầy hoàn toàn sai lầm vì người nói không biết đến tinh tấn ba-la-mật. Tiến bộ là điều tốt, nhưng điều quan trọng là phải tiến bộ trong tinh thần tinh chuyên. Hiện nay, ở phương Tây nhiều nhà khoa học có rất nhiều khám phá mới, họ rất kiên trì, miệt mài tìm kiếm hằng ngày và không bao giờ ngưng nghỉ. Điều ấy cũng được áp dụng cho việc học Phật. Chúng ta tu học tinh tấn sau khi đã chọn được tông phái và pháp môn, tinh tấn tập trung trong các môn học cho đến khi thông suốt trước khi học qua môn khác. Sẽ chẳng có hiệu quả nếu tập trung vào nhiều môn khác nhau trong cùng một lúc. Khi chúng ta đã thành tựu được một môn, chúng ta sẽ thông hiểu được tất cả. Nên nói ‘nhất thông nhất thiết thông.’ Nếu chúng ta muốn thử nhiều pháp môn thì chúng ta sẽ bị chướng ngại trước khi được giác ngộ. Tôi sẽ kể cho quý vị nghe một vị tăng chuyên tâm tu tập pháp môn niệm Phật.

Vào những năn Dân quốc đầu tiên, Pháp sư Đế Nhàn có một vị đệ tử, vị nầy hơn 40 tuổi mới xuất gia. Hai vị là bạn thời thơ ấu, cùng  lứa tuổi với nhau. Pháp sư Đế Nhàn xuất thân trong gia đình khá giả, nên được học hành, hưởng được nền giáo dục chu đáo. Trong khi người bạn của ngài xuất thân từ gia đình nghèo, ít được học hành. Khi lớn lên, người bạn ấy làm nghề lao động thủ công nên đời sống rất chật vật.

Một lần sau khi ở lại chùa viếng thăm Pháp sư Đế Nhàn vài hôm, ông ta nói với Pháp sư  rằng ông muốn xuất gia làm tăng. Pháp sư hỏi vì sao,  ông ta trả lời, ‘Đời sống quá khó khăn và tôi muốn làm người xuất gia.’ Ban đầu Pháp sư từ chối vì thấy giáo dục Phật pháp rất nghiêm túc và việc học kinh điển sẽ khiến cho anh bạn già và chậm lụt nầy khó theo nổi so với các chú điệu còn trẻ. Các vị tăng khác sẽ cả nể vì anh ta là bạn của pháp sư. Thấy mọi chuyện đều là thử thách quá lớn đối với người bạn mình nên Pháp sư từ chối. Nhưng người bạn cứ nài nỉ nên Pháp sư phải nhận lời  và đưa ra những điều kiện, ‘Tôi đồng ý thế phát cho ông xuất gia, nhưng ông đừng mong mình sẽ thọ giới vì chắc ông không thể nào chịu nổi 53 ngày tập sự khắc nghiệt. Ở trong làng Ninh Ba, có rất nhiều ngôi miếu nhỏ vắng người, tôi sẽ tìm cho ông một cái để ở.’ Pháp sư nhờ vài người Phật tử ở gần đó cung cấp thực phẩm cho vị tăng mới. Rồi hướng dẫn ông ta niệm danh hiệu Nam mô A-di-đà Phật. Ngài nói, ‘Chỉ cần lúc nào cũng niệm câu nầy. Khi mệt thì hãy nghỉ, nhưng khi nghỉ cũng nhớ đến câu danh hiệu. Tôi tin chắc ông sẽ được lợi lạc rất lớn khi làm như vậy.’

Rồi vị tăng mới ẩn mình trong ngôi miếu nhỏ và chỉ tập trung niệm Phật. Ba năm sau, ông ta trở về thăm bạn bè và người thân rồi trở về lại ngôi miếu và nói với người phụ nữ thường đem cơm rằng: ‘Ngày mai đừng đem cơm cho tôi nữa.’ Người phụ nữ nghĩ rằng vị tăng đã không rời khỏi chùa ba năm nay quyết định sẽ về thăm bạn bè lần nữa vào ngày mai.

Ngày hôm sau, người phụ nữ trở lại ngôi miếu để xem vị tăng đã về chưa. Cô ta vào và cất tiếng gọi, không thấy ai trả lòi, cô ta đi vào trong và thấy vị tăng đang đứng với xâu chuỗi hạt trên tay. Cô ta chào vị tăng nhưng không thấy trả lời. Khi đến gần cô ta mới biết ông ta đã chết nhưng vẫn đứng! Chưa bao giờ thấy chuyện như vậy xảy ra trong đời nên cô ta báo cho các vị Phật tử đến xem. Họ gởi điện cho Pháp sư Đế Nhàn  báo tin lạ vừa xảy ra và thỉnh thị nên làm như thế nào?

Vì đi lại khó khăn, nên phải ba ngày sau Pháp sư mới đến được ngôi miếu. Pháp sư biết người bạn mình đã vãng sanh cõi Tây phương Cực lạc. Ngài nhìn người  bạn đã tịch trong tư thế đứng và thán phục nói: ‘Ông đã chứng tỏ rằng quyết định xuất gia làm tăng cách đây ba năm của ông là đúng đắn. Không một Pháp sư chuyên giảng kinh thuyết pháp, các vị phương trượng trú trì danh sơn bảo sát ở đây cũng chưa có vị nào đạt được như ông.’ Trong ba năm, vị tăng ‘thất học’ không làm gì hết ngoài việc niệm Nam mô A-di-đà Phật. Sự nhất tâm, tinh cần không gián đoạn của vị tăng đã đưa đến kết quả thoát khỏi luân hồi sinh tử và vãng sinh Tây phương Cực lạc.

Thực hành tinh tấn rất quan trọng bất luận trong công việc gì. Dù niệm Phật, ngồi thiền, trì chú, hay học kinh, chúng ta cũng phải tinh tấn. Trong việc học kinh, nếu muốn có ích cho mình và giúp người thì tốt nhất là chuyên tâm nghiên cứu giảng giải chỉ một bộ kinh. Theo cách nầy, mỗi khi chúng ta nghiên cứu và giảng giải, chúng ta sẽ đạt đến cảnh giới tâm chứng mới lạ, chúng ta sẽ được tiến bộ không ngừng. Người giảng Kinh A-di-đà trong 10 năm sẽ trở thành Phật A-di-đà. Người giảng phẩm Phổ môn trong 10 năm sẽ trở thành Bồ-tát Quán Thế Âm. Còn người cố gắng học 10 bộ kinh trong 10 năm thì thành nghề gì cũng biết nhưng chẳng tinh nghề nào. Bây giờ quý vị mới biết tầm quan trọng của tinh tấn như thế nào!

Vào năm Dân quốc thứ 58, tôi được Hòa thượng Tinh Vân mời sang Phật Quang Sơn, một trường Đại học Phật giáo ở Đài Loan để giảng dạy. Tôi đề xuất với vị hiệu trưởng rằng, ‘Mỗi học tăng nên chuyên tâm nghiên cứu một bộ kinh. Có vậy, sau từ 10 năm đến 20 năm, Phật quang sẽ chiếu khắp toàn cầu.’ Tuy nhiên, ý kiến của tôi không được chấp nhận. Nếu không thì sẽ có rất nhiều chuyên gia hoằng pháp. Thành quả ấy kỳ diệu biết bao! Theo cách nầy, nếu có người muốn nghe Kinh A-di-đà thì sẽ có Đức Phật A-di-đà thuyết pháp, nếu có người muốn nghe Kinh Địa Tạng sẽ có Bồ-tát Địa Tạng thuyết pháp. Người nào đã tốt nghiệp đại học nầy đều là những chuyên gia hoằng pháp. Chỉ bằng cách ấy, Phật pháp mới được hoằng truyền rộng rãi.

Thế nên tôi mong mỏi rằng các vị hoằng dương Phật pháp đều là những chuyên gia, chứ không phải chỉ là những học giả, chỉ học nhiều môn, nhưng thực tế thì không thông suốt môn nào cả. Ngược lại, nếu học tăng  chuyên chú vào một môn thì kết quả sẽ thông suốt tất cả các môn. Chư Phật và Bồ-tát đều tinh thông nhiều mặt, nhưng vẫn dạy chúng ta chú tâm vào một pháp môn. Tinh tấn có nghĩa là thâm nhập chỉ riêng vào một pháp môn. Công đức của tinh tấn thật là vô lượng vô biên.

5. Thiền định ba-la-mật

Thứ năm là thiền định ba-la-mật, gồm thiền định thế gian và xuất thế gian. Thiền định thế gian gồm Bốn thiền tám định,[2] nếu siêng tu tập thiền định nầy, tương lai chắc chắn sẽ sinh vào cõi trời Sắc giới, Vô sắc giới. Đó là những cảnh giới cao, chỉ do tu tập thiền định mới đạt được. Đại thừa, Tiểu thừa đều có thiền định xuất thế gian, chư Phật đều tu tập thiền định nầy. Chúng ta gọi đó là Xuất thế gian thượng thượng thiền. Yếu quyết tu tập mọi pháp môn đều ở thiền định.

Thật sai lầm khi cho rằng chỉ có Thiền tông Phật giáo mới tu tập thiền định. Thật ra các tông khác đều có pháp tu tập định lực. Tịnh độ tông dùng phương pháp niệm Phật để đạt nhất tâm bất loạn, đó là một cách tu tập thiền định. Tông Thiên Thai tu tập Chỉ quán, đó cũng là một cách thiền định. Mật tông dùng Tam mật tương ưng, sự tương ưng của ba nghiệp thân, khẩu, ý đó chính là thiền định. Nên phải biết, mỗi tông phái, pháp môn dùng tên gọi khác nhau những đều tu tập thiền định. Do vậy nên trong Lục độ ba-la-mật, thiền định bao quát tất cả các phương diện kia, đều liên quan đến mọi sinh hoạt chúng ta hằng ngày.

Thiền định nầy là gì? Là làm chủ tâm ý mình. Chúng ta có mục đích, có phương hướng, tuyệt nhiên không để cho hoàn cảnh chung quanh chi phối, làm dao động, đó gọi là ‘định’. Như các nhà khoa học, họ thành công trong việc nghiên cứu là nhờ không để cho các việc khác chi phối, thế nên họ đạt được cái mà nhà Phật gọi là ‘tam muội’, đó là ‘khoa kỹ tam muội’. Người tu tập pháp môn niệm Phật đạt được nhất tâm bất loạn được gọi là ‘niệm Phật tam muội’, như vị tăng đệ tử của Pháp sư Đế Nhàn đã thành tựu. Qua đó, mới biết nhẫn nhục là nền tảng để tu tập, có nhẫn nhục ta mới siêng năng tinh tấn và nhờ vậy mới đạt được định lực, đó là cốt tủy của việc tu hành.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục tổ Huệ Năng có giải thích thiền định không chỉ có nghĩa là là ngồi thiền (đả tọa), đó chỉ là một trong vô số pháp tu thiền định mà thôi. Ngài chứng ngộ nhờ nghe Kinh Kim Cương, do vậy nên mọi lời giảng của Ngài đều lưu xuất từ yéu chỉ của kinh nầy. Thiền là ngoài không chấp trước vào tướng.[3] Định là trong không động tâm. Trong kinh Đức Phật  dạy ngài Tu-bồ-đề[4] cách hoằng pháp lợi sanh qua câu ‘Bất thủ ư tướng, như như bất động.’

Kinh Hoa Nghiêm trình bày Thiện Tài đồng tử trải qua cuộc tham vấn 53 vị thiện tri thức. Khi đến gặp Chúc Hương trưởng giả[5] để học về thiền định, Thiện Tài không thấy vị nầy. Ông ta ở đâu? Ông ta không ngồi thiền trong một đạo tràng nào, cũng không ngồi thiền trong nhà, mà Thiện Tài gặp ông đang đi lang thang ngoài chợ. Ông ta đang làm gì ngoài đó? Ông ta đang tu tập thiền định, giữ cho tâm thanh tịnh bằng cách không dao động bởi các hiện tượng (ngoại bất trước tướng, nội bất động tâm). Ông ta không ngồi kiết già xoay mặt vào tường hằng giờ trong tư thế mà ta hằng mong ước được thành thục. Chúng ta không biết rằng Chúc Hương trưởng giả đã đạt đến trình độ thiền định cao cấp hơn những người mà chúng ta thường thấy họ ngồi trong tư thế kiết già. Trình độ thiền định bậc cao hoặc còn gọi ‘tam muội’ là có thể đạt được ngay cả trong khi làm việc, trong cả bốn tư thế đi, đứng, nằm, ngồi.

Tại sao thiền định lại rất quan trọng? Tại sao Đức Phật dạy ta ‘Ngoài phải xa lìa các tướng, trong không được động tâm.[6]’? Vì tất cả các hiện tượng đều hư vọng, các pháp hữu vi đều như mộng, huyễn, ánh chớp, bọt bóng. Đức Phật đã thấy rõ nên khuyên chúng ta đừng khởi tâm phân biệt  chấp trước. Nếu chúng ta làm được như vậy, thì sẽ khôi phục lại được tự tánh chân thật của mình và có được trí huệ như chư Phật khi nhìn các hiện tượng chung quanh. Đó là Bát-nhã ba-la-mật.

6. Bát-nhã ba-la-mật.

Thứ sáu là Bát-nhã ba-la-mật. Chúng ta ứng dụng điều nầy trong sinh hoạt hằng ngày, khi chúng ta thực hành theo Bồ-tát đạo. Chúng ta nhận biết tất cả các hiện tượng chung quanh mình nhưng không vướng mắc với nó khi chúng ta làm hết sức mình để cứu giúp chúng sinh. Sao vậy? Vì việc cứu giúp chúng sinh phát xuất từ tâm nguyện và công hạnh của chư Phật và Bồ-tát, ‘đồng thể đại bi, vô duyên đại từ.’ Điều nầy cũng giống như khi một người dùng tay trái đuổi muỗi đang đậu trên tay phải mình. Tay phải có hỏi tại sao nó giúp tay trái không? Dĩ nhiên là không. Vì nó cùng có chung thân thể.

Bây giờ chúng ta tạm thời quên mất tự tánh của mình, nên không biết mọi chúng sinh va mình vốn đồng một tự thể. Thế nên chúng ta có sự phân biệt giữa mình và người, trở nên rắc rối phức tạp, càng lắm mê mờ, phạm nhiều ác nghiệp nên gieo nhiều khổ đau cho mình và người . Đức Phật dạy chúng ta cách dẹp trừ mê lầm, thức tỉnh, nhận ra chân lý giúp người chính là giúp mình. Lòng thương yêu mọi người không điều kiện (vô duyên đại từ) xuất phát từ nhận thức chúng sinh và mình vốn đồng một tự thể (đồng thể đại bi).

Nói tóm lại, mọi việc đều có trình tự và phương pháp. Đó là phải giữ giới. Có lòng nhẫn nại, chúng ta sẽ có được nhẫn nhục. Chuyên tâm vào việc tu tập không lơ là gọi là tinh tấn. Làm chủ được tâm và không bị dao động bởi các hiện tượng bên ngoài gọi là thiền định. Thông đạt mọi tri thức và hiện tượng gọi là trí huệ (bát-nhã ). Do vậy Đức Phật dạy chúng ta áp dụng Lục độ ba-la-mật, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ (bát-nhã) vào trong đời sống hằng ngày. Theo cách nầy, chúng ta thực sự đang tu tập Bồ-tát đạo. Sẽ sai lầm khi nghĩ rằng mình đã thọ Bồ-tát giới rồi thì hiển nhiên mình là Bồ-tát. Nếu chúng ta không tu tập Lục độ ba-la-mật, không áp dụng các điều nầy, dù có thọ giới Bồ-tát, cũng giống như tượng Bồ-tát bằng đất, đến mình cũng chẳng độ được, nói gì đến độ người.

 

Thích Nhuận Châu dịch



[1] 一切法得成於忍.

[2]   Tứ thiền: Sơ thiền, đệ nhị thiền, đệ tam thiền, đệ tứ thiền; Bát định: Sơ thiền thiên, Nhị thiền thiên, Tam thiền thiên, Tứ thiền thiên. Không vô biên xứ định , Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi phi tưởng xứ định.

[3] 不執著一切境界相是禪.         

[4] 須菩提   s: Subhuti  

[5] Chúc Hương    c: Yuxiang; Còn gọi là Ưu-bát-la-hoa Trưởng giả (Kinh Hoa Nghiêm. Bản dịch Hòa thượng Thích Trí Tịnh).

[6] 外要離相,內不動心.      

Chia sẻ: facebooktwittergoogle