Vô thường giữa lòng thực tại
vo thuong
Giáo
sư Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948 tại Hà Nội, đậu Tú tài năm 1966, rồi
học một năm tại l’Ecole Polytechnique de Lausanne, Thụy Sĩ. Sau đó ông
đã theo học các đại học có tiếng tại Hoa Kỳ, California Institute of
Technology (Caltech), và Đại học Princeton, nơi đã trao bằng Ph.D. cho
ông vào năm 1974, về môn Vật lý học Vũ trụ (astrophysics), dưới sự hướng
dẫn của Giáo sư Lyman Spitzer, người sáng chế viễn vọng kính Hubble.
Từ năm 1996 ông là giáo sư Vật lý
Vũ trụ tại Đại học University of Virginia tại Charlottesville. Ông cũng
là giáo sư Đại học Paris 7, làm việc tại Thiên văn đài Meudon, tại IAP
(Institut d’astrophysique de Paris) và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học
(CNRS) của nước Pháp. Ông đã viết trên 230 bài tường trình khảo cứu trên
đề tài chuyên khảo là sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà
(galaxies); về sự tạo lập vũ trụ theo lý thuyết “Vụ Nổ Lớn” (Big Bang).
Một đóng góp của ông được giới khoa
học thảo luận với lòng thán phục là việc ông khám phá thiên hà “trẻ
nhất” trong vũ trụ, mang ký hiệu I Zwicky 18. Ông là một trong số người
sáng lập Hội Quốc tế Khoa học và Tôn giáo (International Society for
Science and Religion).
Phật giáo phân chia ra hai loại vô thường, thô và tế. Thô bao gồm tất
cả những đổi thay hiển nhiên của cả con người và sự vật mà chúng ta
chứng kiến trong cuộc sống hàng ngày: sự đổi mùa, núi mòn sông lở, quá
trình biến đổi từ tuổi trẻ đến tuổi già, những tình cảm luôn biến chuyển
trong ta.
Thể vi tế của vô thường cụ thể như: trong mỗi sát na, bất cứ những gì
có vẻ hiện hữu đều thay đổi. Vũ trụ không phải được tạo thành bởi những
thực thể riêng biệt, rắn chắc mà ngược lại, giống như một dòng suối bao
la của những sự kiện, và những dòng chảy năng động mà trong đó tất cả
đều được nối kết và liên tục tác động lẫn nhau. Khái niệm về sự thay đổi
không ngừng và khắp nơi trong Phật giáo tương ứng với chủ đề quan trọng
về thuyết tiến hoá trong mọi lãnh vực khoa học của thế kỷ XX.
Bây giờ hãy nhìn đến khoa vũ trụ học đương đại. Khái niệm về những thiên
giới không hề biến đổi của Aristote và vũ trụ tỉnh lặng của Newton đã
đi vào quá khứ. Mọi sự mọi vật đều biến đổi và chuyển động, tất cả đều
vô thường, từ một hạt cơ bản cực nhỏ cho đến toàn thể vũ trụ, kể cả
những dải ngân hà, tinh tú, hành tinh cũng như nhân loại.
Vũ trụ không ở thể tỉnh, mà không ngừng trương giãn do bởi những xung
lực ban đầu nhận được từ vụ nổ sơ khởi. Cái vũ trụ năng động này được
mô tả bởi những phương trình về luật Tương Đối Tổng Quát. Với lý thuyết
“Big Bang”, vũ trụ không còn là một cái gì đó thường hằng vĩnh cửu. Nó
có một khởi đầu, một quá khứ, một hiện tại và một tương lai. Nó đang có
một lịch sử.
Theo những quan sát gần đây, nó sẽ trương giản bất
tận, ngày càng lạnh giá hơn và cuối cùng chết trong trạng thái băng
giá. Bên cạnh sự chuyển động trương giãn, tất cả những cấu trúc của vũ
trụ – những vẩn thạch, sao chổi, hành tinh, tinh tú, những dải ngân hà,
nhóm thiên hà - tất cả đều không ngừng chuyển động và dự phần vào một
khúc luân vũ mênh mông của toàn vũ trụ: chúng quay quanh trục của mình,
quanh tinh thể khác, xúm lại hay dang ra khỏi nhau. Chúng cũng có một
quá trình, được sinh ra, trưởng thành, rồi chết. Những tinh tú có một
sinh mệnh kéo dài hàng triệu hoặc hằng tỷ năm.
Thay đổi và tiến
hoá cũng đi vào những lãnh vực khác của khoa học. Trong địa chất học,
những đại lục mà chúng ta nghĩ rằng đã dính chặt vào vỏ Trái đất bây giờ
được biết là đã di động khoảng vài cm mỗi năm, tạo nên những núi lửa và
động đất tại những vùng tiếp giáp của các thềm lục địa. Mặt Trái đất
luôn luôn thay đổi và tự tu sửa. Trong lãnh vực sinh học cũng thế, khái
niệm về thuyết tiến hoá đã được nhà tự nhiên học Charles Darwin đưa ra
vào năm 1859.
Con người không còn là một cái gì đó thuộc giòng
dõi thánh thần. Họ không là những hậu duệ của Adam và Eva do Thượng đế
sáng tạo ra như trước đây người ta đã nghĩ mà là sản phẩm của cả một
chuỗi dài tiến hoá được hình thành bởi sự lựa chọn tự nhiên. Đi ngược
lại quá khứ, tổ tiên của con người từng là những động vật linh trưởng,
những loài bò sát, cá tôm, những loài động vật không xương sống và những
sinh thể đơn bào sơ khai.
Định luật vô thường không phải chỉ
có mặt ở trong thế giới vĩ mô mà ngay cả ở trong những lãnh vực nguyên
tử và hạ nguyên tử (subatomic). Những hạt được biết là có khả năng tự
sửa đổi bản chất của mình: quark có thể tự thay đổi gia hệ hoặc “hương
vị”, proton có thể biến thành nơtron trong khi phát xạ pozitron và
neutrino.
Vật chất và phi-vật-chất có thể tiêu diệt lẫn nhau để trở thành năng
lượng thuần khiết. Năng lượng chuyển động của một hạt có thể chuyển hoá
vào trong một hạt khác và ngược lại, cụ thể như phẩm tánh của một vật
thể có thể biến thành một vật thể.
Những hạt điện tử trong
những vật thể bao quanh chúng ta không bao giờ đứng yên một chỗ. Ngay
chính trong khoảnh khắc này đây, có đến hàng tỉ những hạt phù du
neutrinos đi ngang qua thân xác chúng ta trong từng giây một.