Đất
nước Việt Nam với hình chữ S hiện tại
đã trải qua nhiều thế kỷ hình thành và phát triển.
Trong quá trình ấy, cũng như nhiều nước khác,
Việt Nam cũng trải qua các cuộc chiến tranh bảo
vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, Việt Nam đã phải chịu
quá nhiều các cuộc chiến tranh không mong muốn với
tính ác liệt được lịch sử phản ảnh.
Trước vận mệnh của đất nước,
Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc để từ
đó tạo thành tinh thần đặc trưng của Phật
giáo Việt Nam qua câu nói “đạo pháp – dân tộc.” Cùng với
sự thăng trầm của lịch sử nước
nhà, lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng không tránh
khỏi số phận. Ở mỗi giai đoạn lịch
sử khác nhau, tinh thần giáo lý Phật giáo được
áp dụng một cách linh động nhằm phục vụ
nhu cầu của con người và nhu cầu của Tổ
quốc. Theo quan điểm này, giáo sư Lê Mạnh Thát
đã chia lịch sử Phật giáo theo yêu cầu thời
đại được trình bày trong bộ Lịch
sử Phật giáo Việt Nam mới xuất bản
được 3 tập, thay vì chia theo lịch sử các triều
đại như các học giả khác từng làm. Dựa
trên quan điểm và dữ liệu này, bài viết sẽ
thảo luận vai trò của Phật giáo đối với
sự tồn vong của quốc gia. Trong đó, vai trò của
các nhà lãnh đạo Phật giáo và tinh thần giáo lý
được nêu bật
để phân tích và thảo luận. Trong bài này, người
viết giới hạn giai đoạn lịch sử từ
khi nước nhà độc lập [nhà Ngô (939 – 965)] đến đầu nhà Lý (1010 – 1225).
Có thể nói Phật
giáo là một nguồn giáo lý sinh động. Nguồn giáo lý
ấy có thể áp dụng vào những điều kiện
xã hội khác nhau mà không vấp phải chướng ngại
nào do giáo lý ấy quy định. Chính vì tính linh động
ấy mà thuật ngữ “tám mươi bốn ngàn pháp môn”
xuất hiện biểu trưng cho giáo pháp phong phú và phù hợp
với nhiều hạng người
khác nhau đang hiện hữu trên hành tinh này. Trong rất
nhiều pháp môn tu tập của Phật giáo, những điều
căn bản hay bổn phận mà một người Phật
tử phải tuân theo là phải thực hành giáo lý bốn
ân gồm: ân cha mẹ, ân chúng sanh, ân Tổ quốc (quốc
vương) và ân Tam bảo. Bản kinh Đại thừa bản sanh
tâm địa quán giải
thích phải tri ân và báo ân Tổ quốc mà đại diện
là vị vua hay chính quyền vì nhờ họ mà người
dân trong nước được sống an bình để
làm ăn mưu sinh. Những vị đại diện này
nói chung là những người có phước báu lớn. Họ
là những người soạn ra pháp luật trị nước
làm lợi ích nhân dân. Họ giữ gìn đất nước
không để nước ngoài xâm lược, không để
phản nghịch bên trong, không để dịch bệnh hay đói kém hoành
hành, bản thân họ làm thiện và hướng nhân dân làm
thiện… Dĩ nhiên, quốc
vương hay chính quyền đều phải cần sự
ủng hộ hay sự đồng thuận của nhân dân.
Phật giáo với tư cách là cộng đồng gồm
những công dân của đất nước tất phải
có vai trò xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vai trò ấy
đã được thể hiện khác nhau trong mỗi
giai đoạn lịch sử mà ở đây muốn đề
cập là trong thời bình và thời chiến tranh loạn lạc.
Sau khi lập lại
hòa bình (939), Việt Nam bước vào quá trình xây dựng và phát triển
đất nước. Trong những yếu tố thiết
yếu để xây dựng đất nước thì nhân
tố nhân lực đóng vai trò quan trọng nhất. Nhà nước
sơ khai đã thực hiện điều này qua việc
“chế định triều nghi phẩm phục”. Do Ngô Quyền
mất sớm nên sự nghiệp nhà Ngô của ông chưa
có kết quả gì đáng kể. Đến nhà Đinh và
tiền Lê, sử sách đã ghi chép rõ ràng sự đóng góp của
Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Thiền sư Ngô Chân Lưu được
vua Đinh Tiên Hoàng mời về triều và phong làm Khuông Việt
Đại sư kiêm
Tăng Thống. Theo GS Lê Mạnh Thát thì chức vụ trên
chứng tỏ thiền sư có những đóng góp to lớn
trong sự nghiệp đế vương của nhà vua. Thiền sư cũng
đã cảm hóa cả gia đình hoàng gia họ Đinh trở
thành Phật tử. Hơn nữa, với những tràng kinh
được phát hiện và xác định là do Đinh Liễn
cho khắc trên đá, nó cho thấy “triều đình nhà
Đinh đã ra đời trên cơ sở sự ủng hộ
của những Phật tử gồm tại gia và xuất
gia”. Chính họ đã
giúp Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn các sứ quân thống nhất
Tổ quốc.
Sang nhà tiền
Lê, Khuông Việt tiếp tục được vua Lê Đại
Hành mời tham gia vào việc triều đình và đảm
trách công tác ngoại giao. Thiền sư được phép
tham dự ở triều đình để bàn việc quân,
việc nước. Đặc quyền này cho thấy vai
trò của thiền sư rất quan trọng trong sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngoài Khuông Việt, Lê Đại
Hành còn có sự trợ giúp của Pháp Thuận. Thiền
sư đã được tin tưởng giao trọng
trách soạn thảo văn thư ngoại giao kiêm làm công
tác ngoại giao. Pháp Thuận cũng được tin là đã
tham gia vào việc “vận trù kế sách cho Lê Hoàn lên ngôi và
chuẩn bị tiến hành cuộc chiến tranh vệ quốc
năm 981”. Một người
được vua tín nhiệm và giao trọng trách lớn
như thế ắt hẳn vị ấy phải là người
được vua kính trọng và có đóng góp lớn cho triều
đình. Thật vậy, trước hoàn cảnh đất
nước đối diện với thù trong giặc ngoài,
vua đã hỏi ý Pháp Thuận về vận nước.
Thiền sư đáp: “Vận
nước như mây cuốn, trời nam mở thái bình, vô
vi trên điện các, xứ xứ hết đao binh”. Bài thơ có nghĩa là “Vận nước ngắn
dài đều nằm trong tay người dân. Người
lãnh đạo biết nắm lấy dân, biết đoàn kết
với dân, biết tu bồi tài đức thì vận mệnh
của triều đại mình sẽ lâu dài và ngược
lại thì dễ dàng bị sụp đỗ”. Như vậy, sự
đoàn kết của toàn dân và người lãnh đạo
tài đức là hai yếu tố căn bản để
xây dựng và bảo vệ đất nước tồn tại
lâu dài. Đây là tư tưởng rất có giá trị để
các nhà lãnh đạo chính trị tham khảo.
Nếu như
nhà Đinh có Khuông Việt – một cố vấn nổi bậc,
nhà tiền Lê có Pháp Thuận thì nhà Lý có thiền sư Vạn
Hạnh. Không ai có thể phủ nhận Vạn Hạnh là
người có vai trò rất lớn trong việc nuôi dưỡng
và tạo điều kiện thuận lợi cho Lý Công Uẩn
lên ngôi vua. Sự ra đời của nhà Lý thực sự
đã đem lại hưng thịnh cho nước nhà về
mọi mặt, trong đó có đạo Phật. Bình luận
về sự kiện này, GS Lê Mạnh Thát cho rằng: “Người Phật tử
lúc ấy muốn sống đạo phải thực hiện
nghĩa vụ với đời là phải đấu tranh
xây dựng và bảo vệ quyền làm chủ đất
nước mà đại diện là vị vua anh minh. Bởi
vì, chỉ khi nào đất nước có người làm chủ
thì Phật giáo mới phát triển và hưng thịnh”. Đây được cho là quan
điểm chính trị của thiền sư Vạn Hạnh
cũng như của người Phật tử yêu nước
lúc bấy giờ. Sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã quyết
định dời đô từ Hoa Lư về Thăng
Long. Đây là một quyết định hoàn toàn đúng
đắn được lịch sử nước nhà
minh chứng và quyết định ấy cũng được
cho là có sự tham mưu của Vạn Hạnh. Đạo pháp
nằm trong lòng dân tộc đã được các Phật
tử Việt Nam chứng minh rõ ràng và thuyết phục qua
sự dấn thân cống hiến của họ.
Đến nhà
Lý, Phật giáo trở thành quốc giáo nên vai trò của nó
trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc càng
rõ hơn. Lấy Phật giáo làm nền tảng đạo
đức để phát triển xã hội, Lý Thái Tổ
đã cho xây và trùng tu nhiều chùa cũng như cho xuất
gia hàng ngàn Tăng
sĩ ngay sau khi ông dời đô về Thăng Long. Nhiều
Nho gia đã phê phán hành động trên là phung phí của cải
và công sức nhân dân. Tuy nhiên, GS Lê Mạnh Thát chứng minh
chính sách của nhà vua là đúng đắn vì muốn phát triển
kinh tế trước hết phải kiểm soát gia
tăng dân số. Hơn nữa, chùa chiền lúc đó chính
là trung tâm văn hóa của dân tộc. “Nó vừa là trường
học, vừa là nơi diễn ra lễ hội của quần
chúng trong làng”. Cho nên, xây
thêm chùa tức là phát triển giáo dục, nâng cao đời
sống văn hóa tinh thần của người dân. Đây
có thể nói là chính sách đầu tư dân trí của nhà
lãnh đạo nhằm đưa Đại Việt thành một
nước hùng mạnh lúc bấy giờ.
Kế thừa
thành quả của phụ hoàng, Lý Thái Tông đã tiếp tục
phát huy và đề ra nhiều chính sách phát triển nước
nhà phù hợp với thời đại dựa trên hệ
tư tưởng Phật giáo. Vua đã thực hiện rất
nhiều chính sách tiến bộ trong đó có chính sách dân tộc
đối với đồng bào miền núi phía bắc, thi
hành chính sách độ lượng với các cuộc nổi
loạn miền núi…. Đặc biệt, vua được
tôn vinh là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông,
trong lúc ông phải bận rộn lo việc nước chu
toàn.
Trong khoảng
thời gian từ nhà Ngô đến nhà Lý, nước Đại
Việt vẫn chưa được yên mà còn phải trải qua thêm hai cuộc
chiến tranh vệ quốc nữa. Cuộc chiến vệ
quốc thứ nhất là chống lại quân Tống xâm
lược nước ta năm 981 và cuộc chiến thứ
hai là chống lại quân Chiêm Thành năm 982. Trong hai cuộc
chiến này đều có sự tham gia đóng góp của Khuông
Việt, Pháp Thuận và Vạn Hạnh. Sự tham gia của
họ cho thấy Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc
cả trong thời bình và thời chiến.
Từ những
phân tích trên, ta rút ra được hệ tư tưởng
Phật giáo được các Phật tử lúc bấy giờ
vận dụng là từ Phật giáo quyền năng chuyển
sang Phật giáo chống ngoại xâm và mở đường
cho Phật giáo thế sự sau này. Nếu như
giai đoạn Phật giáo quyền năng chưa xác định
được Phật ở đâu thì giai đoạn Phật
giáo chống ngoại xâm đã xác định rõ Phật ở
trong mỗi con người chúng ta. Phật không phải ở
bên Ấn hay bên Tàu mà Phật ở ngay tại đất
nước Việt Nam nếu người Việt giác ngộ
tự tâm, thấy được Phật tánh. Khi đã xác
định Phật ở Việt Nam, là người Việt
Nam thì Phật giáo không còn là ngoại lai mà là Phật giáo Việt
Nam có quyền phát triển trên đất nước Việt
Nam. Do đó, Phật giáo phải có trách nhiệm đấu
tranh bảo vệ Tổ quốc khi có loạn lạc hay
ngoại bang xâm lược.
Tư tưởng
“chủ nghĩa địa linh” là một bước tiến
quan trọng trong quá trình truyền bá Phật giáo từ Ấn
Độ đến các nước khác. Phật giáo khi
đến đâu trở thành Phật giáo xứ ấy với
chủ quyền đầy đủ để phát triển.
Ta thấy rằng Tổ
sư người Hoa rất táo bạo khi biến các vị
Bồ-tát người
Ấn thành Bồ-tát
người Hoa có nơi xuất thân cụ thể. Bồ-tát Quán Thế Âm ở núi
Phổ Đà, Văn Thù ở núi Ngũ Đài, Phổ Hiền
ở núi Nga Mi, và Địa Tạng ở núi Cửu Hoa…. Thế
thì, việc xác định Phật ở tại Việt Nam
chưa phải là táo bạo và hoàn toàn phù hợp vì Phật
xuất phát từ chính mỗi con người Việt Nam theo
giáo lý “Phật tại tâm”.
Phật giáo
không phải là hệ thống giới điều hay giáo điều
cứng nhắc mà là hệ thống giáo lý sinh động.
Hiểu và áp dụng đúng tinh thần giáo lý ấy sẽ
đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho bản
thân và xã hội. Phật giáo làm chính trị hay không làm chính
trị là tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của
nước nhà trong từng giai đoạn lịch sử
khác nhau. Những dẫn chứng vừa nêu cho thấy Phật
giáo là một phần của dân tộc, luôn đồng hành
cùng dân tộc. Trong thời bình, Phật giáo góp phần xây dựng
đất nước phồn vinh thịnh vượng
thông qua sự đóng góp của người Phật tử
và thông qua chính sách xã hội mang tinh thần Phật giáo. Khi
thời chiến, Phật giáo luôn cùng nhân dân đấu tranh
bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng chính là tinh thần
tùy duyên của đạo Phật.