Minh Thạnh
1)
Vấn đề giáo dục xã hội
Mặc dù cố gắng trở đi trở lại đề tài
giáo dục xã hội của Phật giáo, nhưng loạt bài về đề tài này của chúng tôi có lẽ
vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của bạn đọc tăng ni Phật tử. Dường như chưa có
một chuyển biến nào, trong khi câu chuyện thúc giục giới Phật giáo chú ý nhiều
hơn đến hoạt động giáo dục xã hội, tích cực hơn nữa cho giáo dục mầm non, ra sức
chuẩn bị cho việc triển khai giáo dục các cấp học trong tương lai vẫn là câu
chuyện xa vời nơi đâu đâu. Hình như chỉ mỗi mình Phật tử Minh Thạnh đặt vấn đề
giáo dục xã hội Phật giáo một cách lẻ loi, đơn độc, còn các bài viết trên các tờ
báo Phật giáo vẫn say mê với trầm hương, chung trà, tiếng chuông, câu kệ…
Thực ra, giáo dục xã hội không phải là
việc tương lai, mà đã là vấn đề thường trực, nhưng giới Phật giáo chúng ta không
quan tâm đến. Trong khi đó, tôn giáo khác cũng tiến hành hoạt động giáo dục xã
hội một cách thầm lặng, phần nào cố ý che giấu, vì họ chưa được phép. Đồng thời,
cũng có lẽ vì họ muốn đạt những kết quả mà không ai hay biết. Mà có hay biết thì
họ đã tiến rất xa, kết quả và những tác động của nó trong mối so sánh tương đối
với các tôn giáo khác sẽ không thể ảnh hưởng vì bất cứ lý do gì. Nói cách khác,
trong lãnh vực giáo dục xã hội, đã có tôn giáo âm thầm tích lũy kết quả, không
để bị làm phiền quá trình tích lũy kết quả đó. Chờ đến khi đạt được sự chuyển
biến về chất thì kết quả đó đã tuyệt đối vững chắc, xã hội sẽ phải chấp nhận.
Đó là khi hoạt động cải đạo tín đồ
Phật giáo đã được đưa lên một tầng nấc mới. Phía Phật giáo sẽ bị rơi vào tình
trạng bị động, đã rồi, xuôi tay, thúc thủ. Lãnh vực giáo dục xã hội sẽ là một
lãnh vực của tôn giáo đẳng cấp, mà Phật giáo bị đuổi ra ngoài một cách vĩnh viễn,
để mãi mãi chỉ là tôn giáo cầu cúng, bái lạy, chỉ biết đám ma hay cúng sao, đội
sớ.
Đó không phải là nguy cơ, mà là việc
đang diễn ra. Phật giáo chúng ta chưa lưu tâm một phần vì có sự khéo léo trong
việc tiến hành và chuẩn bị của các tôn giáo khác, phần khác phải chăng, vì Phật
giáo chúng ta còn hời hợt, thiếu một tầm nhìn tư duy về giáo dục?
2)
Giáo dục biệt lập để giữ đạo và cải
đạo
Trong các thể kỷ XVIII, XIX khi Phật
giáo đang chìm trong bóng tối suy thoái, trở thành một tôn giáo mê tín, lạc hậu,
hủ hóa chỉ chuyên cúng bái, thì giáo dục xã hội đã trở thành một chiến lược của
đạo Ca tô La Mã.
Trong buổi đầu có mặt tại Việt Nam,
bên cạnh sự biệt lập về cư trú, biệt lập về sinh hoạt (xóm đạo, làng đạo, cấm
hôn nhân khác đạo), biệt lập về tống táng (đất thánh), một trong những lãnh vực
biệt lập được đạo Ca tô La Mã nhắm đến là biệt lập về giáo dục.
Họ đã nghiên cứu để hình thành một
loại chữ viết mới là chữ quốc ngữ, biết lập với văn tự Hán Nôm.
Chưa xây dựng được một hệ thống giáo
dục biệt lập, nhưng đạo Ca tô La Mã tại Việt Nam cũng đã cách riêng đào tạo và
đào tạo nâng cao một số trí thức theo một nền học thuật biệt lập với chế độ khoa
cử lúc bấy giờ. Điển hình là học giả Petrus Trương Vĩnh Ký.
Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX,
một nền giáo dục xã hội biệt lập đã bắt đầu hình thành.
PGS TS Nguyễn Hồng Dương, nguyên Phó
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, trong sách “Công
lý trong văn hóa Việt Nam”, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội 2001, cho
chúng ta nhiều thông tin (trang 285): “Công giáo trước Công đồng Vatican II do tính
biệt lập khép kín để giữ đạo, nên có những quy định khá ngặt nghèo, như cấm con
em giáo dân học Nho, học thuốc do thầy đồ ngoại đạo dạy. Đó là nội dung tinh
thần Thư chung đề ngày 21 tháng 11 năm 1890 của Giám mục Phê rô Maria Đông. Để
con em có điều kiện học tập, giáo hội lo mở trường riêng để dạy văn hóa. Từ thế
kỷ XIX về trước thường thì vài ba xứ đạo mới có một trường tư thục dạy văn hóa
tương đương với trình độ tiểu học ngày nay. Từ đầu thế kỷ XX những vùng đạo như
Bùi Chu, Phát Diệm, Xã Đoài mỗi xứ lớn thường có một trường tư thục.
Giáo dục Công giáo được thể hiện ở cộng đồng xứ, họ đạo và cộng đồng gia
đình”.
“Ngày
21-9-1894, giám mục Phê rô Maria Đông ra Thư chung về việc coi sóc con chiên
trong đó có một số điều về giáo dục Công giáo.
Lại có điều khốn nạn này nữa, là bổn đạo không còn chăm lo học kinh bổn,
cho nên đã ru mê dốt nát hơn khi trước nhiều, mà cũng không sạch trong sự ấy
đâu; Vì chưng phép địa phận buộc thầy cả phải lo liệu cho bổn đạo bản xứ thi bổn
một năm hai kỳ, trong lễ phục sinh và các lễ thánh mà khi trước vẫn giữ điều ấy;
mà bởi phép thi làm vậy thì bổn đạo cũng chịu khó ôn lại kinh bổn cho thuộc.
Song bây giờ những xứ còn giữ sự thi bổn một năm hai lần thật hiếm lắm, phần
nhiều chỉ giữ một năm một lần thôi; lại cũng thường bày lẽ mà bỏ sự thi bổn cả
hai lần, hóa ra bổn đao không còn học kinh, học bổn quanh năm, thì lẽ nào trông
thuộc sự đạo và giữ cho xứng đáng được nữa.
Ấy là về sự coi sóc người lớn, ta phải xưng thật không được lòng sốt sắng
cho lắm. Còn về sự coi sóc trẻ con, cũng có nhiều nơi thày cả mắc lỗi vì để cho
chúng nó đi học Nho vuối thày ngoại đạo, mà không có ý lo cho chúng nó về sự đạo
làm cần, chỏ cho chúng nó học kinh bổn một năm mấy ngày trong tuần làm phúc mà
thôi, cho nên nó vẫn mê muội, dốt nát, mà khi lớn lên thì khô khan ra như không
còn tin sự đạo nữa.
Ta phải tận tâm coi sóc trẻ con hết sức mới trông được sự đạo sẽ tấn tới
trong địa phận dần dần.
Tòa thánh năng nhắc sự ấy xưa nay, như vừa rồi đã gửi thư cho thày về việc
ấy mà rằng: “Tòa thánh hằng lo lắng thổn thức cho cho chiên khắp phương được học
lẽ đạo từ bé, cùng muốn cho mỗi một họ có ít là một tràng dạy trẻ, ban ngày hay
là ban tối, về các điều cần trong đạo, các tích tóm tắt sấm truyền, về các kinh
quen đọc trong nhà thờ.
Tòa thánh lại thêm rằng: “Đừng để các tràng phần đạo vừa nói, lại phải
liệu tràng học chữ phần đời, kẻo trẻ nhà đạo phải đi học vuối thầy ngoại đạo thì
thiệt nhiều đàng, vì mở dịp cho trẻ tin rối. Nơi nào khó tìm được thầy có đạo mà
phải cho trẻ đi học vuối thầy vô đạo thì buộc linh hồn đấng chăn chiên phải xê
xếp thế nào cho linh hồn trẻ khỏi thiệt.
Vậy tòa thánh bảo sự gì ta phải tuân cứ mới đẹp lòng Đức Chúa Lời; cho nên
thầy muốn vâng lời Tóa thánh dạy và muốn làm ích cho con chiên thì truyền ba
điều sau này:
1.
Các ông phải lập mỗi dòng học một
tràng dạy trẻ nam, một tràng dạy trẻ nữ, mỗi tràng sẽ đặt một người đạo đức chắc
chắn làm thầy giáo, mà trẻ sẽ đến học tràng ấy cho đến mười sáu tuổi mới thôi;
mà thầy giáo sẽ dạy chúng nó quanh năm, trừ mùa màng mà thôi. Việc ấy các ông
phải thu xếp từ bây giờ cho đến tết thì phải trình sở lại cho thày được hay.
2.
Phải làm hết sức mà đặt một họ một
thày đồ có đạo dạy chữ nho cho trẻ Tòa thánh truyền; Ở đâu chưa liệu được thì
phải tìm thày vô đạo đã bằng lòng làm tờ tha các việc đồng môn cho trẻ có đạo
mới được cho trẻ đi học; mà điều ấy thày buộc linh hồn các ông phải liệu làm
vậy.
3.
Từ rày mà đi sẽ cứ phép địa phận và
cho hàng xứ thi bổn một năm hai kỳ đừng sai. Nếu có gì ngăn trở, phải trình bề
trên trước, bằng không trình thì lỗi nặng, mà bề trên không được làm thinh.
Phần trích dẫn trên đây của chúng tôi hơi dài một chút, vì chúng tôi nhấn
thấy đây là bức Thư chung đề cập tương đối đầy đủ về sự học (học đạo cũng như
học văn hóa).
Lập ra làng Công giáo tách biệt với làng lương, Công giáo Việt Nam cũng lo
“biệt lập sự học”. Đó là nguyên nhân dẫn đến việc ra đời các trường tư thục Công
giáo được lập ở mỗi xứ đạo mà chúng tôi đã đề cập ở phần trên.
Trợ giúp linh mục chính sứ dạy bổn cho trẻ là những ông bà quả. Quản là
một trong những chức vị thuộc tổ chức Ban hành giáo xứ họ đạo ra đời từ rất lâu
mà thời gian thật khó đoán định vì hiện tại chúng tôi vẫn chưa có nguồn tư liệu
trong tay.
Nhằm cổ súy cho công việc dạy kinh bổn của các ông bà quản, ngày 15 tháng
4 năm 1905 Giáo hoàng La Mã ra Thư chung
“Về sự giảng dạy lẽ cần trong đạo cùng về sự
lập hội giáo”. Mục IV Thư chung viết: “Mỗi
xứ phải cứ lề lối, mà lập hội thánh gọi là hội quản giáo vì bởi hội thánh ấy mọi
nơi, nhất là những nơi thiếu thày cả, sẽ tìm được bổn đạo sẵn lòng giúp thày cả
trong việc dạy trẻ con bổn lễ cần cho được làm sáng danh Cha cả và ăn mày các
Indu Tòa thánh đã ban cách rất rộng rãi cho những kẻ vào họ ấy”.
Như vậy, đối với đạo Ca tô La Mã, hoạt
động giáo dục chính là hoạt động tôn giáo, được hết sức khuyến khích. Giáo dục
trước hết chính là để giữ đạo một cách căn cơ, tạo một nền học vấn riêng của
đạo. Giáo dục tôn giáo như thế sẽ trở thành một thành tố căn bản của con người
trưởng thành. Người đó sẽ sống, sẽ nghĩ, sẽ dạy con cái bằng kiến thức được đào
tạo ở nhà trường tôn giáo, mà đây chỉ là đạo Ca tô La Mã. Cái học đó đối lập, có
thể nói là đối kháng, với nền giáo dục khoa cử truyền thống của dân tộc. Hấp thụ
nền giáo dục tôn giáo như thế từ nhỏ, người tín đồ sẽ bám chặt rễ vào đời sống
đạo, không bao giờ bỏ đạo.
Hệ thống giáo dục tôn giáo đạo Ca tô
La Mã, sau khi đáp ứng nhu cầu nội bộ, tức là thực hiện mục tiêu giữ đạo, sẽ mở
rộng ra cho đối tượng học sinh ngoại đạo, trong vai trò trường tư thục. Lúc này
hệ thống đó sẽ được bổ sung chức năng cải đạo, đưa người ngoại đạo vào đạo. Đây
cũng là hoạt động chính yếu của hệ thống giáo dục đạo Ca tô La Mã ở miền Bắc đến
năm 1954 và ở miền Nam đến năm 1975. Học sinh trường đạo dù có đạo hay không
cũng được quản lý gần như nhau. Học sinh chưa vào đạo sẽ bước đầu làm quen, tiếp
cận, rồi trở nên quen thuộc với sinh hoạt đạo Ca tô La Mã, là môi trường thuận
lợi để nhập đạo.
Hệ thống giáo dục giữ đạo và cải đạo
này đã đạt được kết quả, khi chúng ta nhìn vào hệ thống giáo dục miền Nam trước
năm 1975 và những tác động của nó. Giáo dục xã hội đạo Ca tô La Mã đã trở thành
hệ thống giáo dục tốt nhất “Việt Nam Cộng hòa”, tốt hơn cả giáo dục công lập, và
dĩ nhiên là vượt xa các trường tư thục riêng lẻ. Hệ thống giáo dục xã hội đạo Ca
tô La Mã ở miền Nam đã là một bộ phận tương xứng của hệ giáo dục đạo Ca tô La Mã
toàn cầu, vẫn được coi là hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới.
Hệ thống giáo dục xã hội đạo Ca tô La
Mã không chỉ là những trường học tư thục bên cạnh nhà thờ, mà còn là hệ thống đã
tổ chức đào tạo đại học nhiều chuyên ngành ở nước ngoài cho các linh mục tu sĩ,
kể cả các ngành khoa học tự nhiên. Trong hệ thống giáo dục đại học miền Nam
trước năm 1975, trong danh sách giảng viên có nhiều “linh mục tiến sĩ”, tác giả
nhiều công trình nghiên cứu khoa học, là kết quả của hoạt động giáo dục đào tạo
kể trên. Dĩ nhiên là Phật giáo bị bỏ xa lại phía sau cho đến khi nghe nhắc tới
thượng tọa tiến sĩ Thích Minh Châu.
Còn số trí thức miền Nam đã học qua
trường đạo chiếm tỷ lệ không nhỏ, vì học sinh trung học trường đạo thường có
chất lượng cao, dễ học lên trên.
Nhận thức được vai trò giáo dục xã
hội, Phật giáo miền Nam Việt Nam từ năm 1964 đã có những nỗ lực rất lớn, nhưng
chỉ mới có thành quả ở bậc đại học, với Viện Đại học Vạn Hạnh. Còn các cấp trung
tiểu học, hệ thống trường Bồ Đề vẫn còn kém xa so với hệ thống trường học nhà
thờ.
Cũng để giữ đạo, sau năm 1954 ở miền
Bắc, giáo dân đạo Ca tô La Mã không cho con em theo học các trường trong hệ
thống giáo dục quốc dân.
Trong quyển “Giáo hội giữa dòng đời”, nhiều tác giả,
Câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình 2010, sách không có thông tin thủ tục xuất
bản, trang 9, có đăng thư của Hồng Y GB Phạm Minh Mẫn, mà điểm 1 là:
“1.
Năm 1954, trước Vatican II, GHCG phía Bắc có thái độ cứng rắn, bất hợp tác với
Nhà nước Cộng sản, gia đình Công giáo không gửi con em đến trường Nhà nước”.
Như thế, thì đối với đạo Ca tô La Mã,
rõ ràng giáo dục gắn rất chặt với tôn giáo, chủ trương giáo dục tách biệt đến
cực điểm không được học trường đạo thì thà chịu thất học để giữ đạo.
3)
Chuẩn bị nắm lấy giáo dục
Đến năm 1975, hệ thống giáo dục tôn
giáo không còn trên phạm vi cả nước. Người theo đạo Ca tô La Mã đành chấp nhận
hệ thống giáo dục nhà nước. Tuy nhiên, thái độ của họ có 2 điểm chính:
1.
Phủ nhận chất lượng giáo dục công lập
2.
Luôn yêu cầu cho đạo Ca tô La Mã nắm
trở lại hoạt động giáo dục
Chẳng hạn, trong sách “Giáo hội giữa dòng đời”, bài 1:
Suy nghĩ mục vụ về tương quan giữa giáo hội với nhà nước, Giám mục Phao lô
Nguyễn Thái Hợp viết:
“MỘT
SỐ VẤN ĐỀ LẤN CẤN
4.1. Nhờ chủ trương “Đổi mới”, Việt Nam tăng trưởng mạnh về kinh tế và
đang dần dần ra khỏi tình trạng nghèo đói, lạc hậu. Rất tiếc là chúng ta chỉ mở
cửa về kinh tế, mà chưa thực sự đổi mới tư duy và mở cửa về xã hội, chính trị.
Kết quả là cơ chế chính trị, luật pháp và xã hội của Việt Nam vẫn chưa cập nhật
với thời đại. Xã hội dân sự chưa xuất hiện và hệ thống giáo dục vẫn bị không chế
bởi “cơ chế bao cấp”, nên giống như một ngôi nhà cổ lỗ, chẳng theo qui tắc thông
thường, càng phát triển, cơi nới và sửa chữa thì càng dị dạng.
Dự thảo “Chiến lược giáo dục Việt Nam 2009-2020” của Bộ GD-ĐT, công bố
ngày 18-12-2008, công nhận rằng giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng và
đưa ra “Mục tiêu chiến lược giai đoạn 2009-2020” để “phấn đấu xây dựng một nền
giáo dục Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc, làm nền tảng cho sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững đất nước”. Để thực hiện mục tiêu
này, dự thảo khuyến khích và tạo điều kiện cho việc mở các trường Đại học vốn
100% vốn nước ngoài ở Việt Nam. Nhiều người thắc mắc: Tại sao Nhà nước khuyến
khích “tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ
chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục” thế mà lại không cho phép các tôn
giáo trong nước tham gia trực tiếp vào lãnh vực Y tế và Giáo dục? Bao giờ các tu
sĩ chuyên lo về giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả khả quan trên bình diện
quốc nội, cũng như quốc tế, mới có cơ hội đóng góp tim-óc cho giới trẻ Việt Nam?”.
Bài viết trên (trang 31) cho biết: “Những
lấn cấn đó làm cho mối tương quan giữa Giáo hội với Nhà nước tại một địa phương
trở nên căng thẳng trong thời gian vừa qua. Nhưng bất chấp những khó khăn và
giới hạn nói trên, Giáo hội Công giáo đã biểu lộ sức sống và tính năng động như
chưa từng thấy. Thật vậy, chưa bao giờ Giáo hội Việt Nam có con số Giám mục,
linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên… nhiều như hiện nay. Hầu hết các thánh
đường và cơ sở cũ đã được trùng tu. Nhiều thánh đường và cơ sở mới đang tiếp tục
mọc lên.
Nhiều khó khăn và giới hạn về việc tuyển sinh của các Dòng, các Đại Chủng
viện cũng như việc thụ phong linh mục… trên cơ bản đang được giải quyết. Các Đại
Chủng viện, các Học viện của các Dòng tu, cũng như các Trung tâm Mục vụ của Giáo
phận đang sinh hoạt bình thường”.
Kết quả này cần được ghi nhận trong
bối cảnh quan điểm của đạo Ca tô La Mã về giáo dục xã hội không thay đổi.
Như vậy, đó cũng là một sự chuẩn bị
rất tích cực về nhân sự. Đào tạo linh mục, tu sĩ đạo Ca tô La Mã có nghĩa vẫn là
đào tạo trí thức và nhà sư phạm đa ngành. Các trung tâm mục vụ có chức năng giáo
dục đào tạo, với trang thiết bị hiện đại, và đang hoạt động như một hệ thống bồi
dưỡng giáo dục, có thể đào tạo những khóa học ngắn hạn hay dài hạn cho giới trẻ.
Trong khi đó, chuyển biến trong việc
tổ chức các khóa tu cho giới trẻ Phật giáo là một dạng hoạt động giáo dục có
phần chững lại, giới hạn ở một số ít tự viện, không phát triển ra nữa. Còn số
trường mầm non Phật giáo cũng thế, không được bao nhiêu trong so sánh Trường Bồ
Đề chỉ dừng lại ở một trường ở Thủ Thừa, Long An, rồi thôi.
Hiện nay bên cạnh nhà thờ và chùa đều
không có trường chính thức. Nhưng một hệ thống lớp dạy có tính chất bồi dưỡng
giáo dục và một số trường mầm non đã mở bên cạnh nhà thờ. Còn chùa Phật giáo vẫn
chưa quan tâm nhiều đến giáo dục. Xu hướng đào tạo tu sĩ vẫn thiên về hướng
thuần túy tôn giáo. Tu sĩ có cử nhân, tiến sĩ Phật học một số không ít rồi cũng
về làm trụ trì, chuyên cúng bái mà thôi.
So sánh để thấy vấn đề nằm ở chỗ này
và ngày càng nặng nề cho Phật giáo.
Thông tin riêng:
vinasat132@yahoo.com
hoặc www.facebook.com/cusiminhthanh