Minh Thạnh
Bạn đọc đã email cho tôi
đường dẫn để vào xem bài “Phóng sinh chim,
cá trong lễ cầu quốc thái dân an”, đặc biệt lưu ý đến phần phản hồi, được
đăng trên VN Express, từ ngày 17/2/2014.
Phản hồi rất nhiều và
cũng rất đa dạng, không ít ý kiến trái ngược. Đến khi viết bài này, tối ngày
18/2/2014, đã có 331 phản hồi. Các phản hồi được xếp theo số người thích. Phản
hồi được nhiều người thích nhất có 1189 người bấm “thích” có nội dung là: “Cách duy nhất để phóng sinh là bỏ thủ tục
phóng sinh, sẽ không còn ai bắt”.
Các phản hồi khác xoay
quanh tranh luận nên hay không nên phóng sinh như thế, tức là thả ra những con
vật người khác đã bắt vào rồi bán. Nhiều phản hồi tỏ ra rất bức xúc phản đối
phóng sinh như một nguyên nhân thúc đẩy việc lùng bắt sinh vật, phóng sinh không
kể đến hiệu quả sống của sinh vật, phóng sinh chỉ cho có hình thức.
Tất nhiên, Phật tử chúng
ta không tán thành những ý kiến không thấu hiểu sự vi diệu, thiện lành của phóng
sinh.
Tuy vậy, cũng cần lưu ý
đến các vấn đề sau, là nội dung chính của bài viết này:
-
Sự phản đối đối với việc tạo nhu cầu bắt
sinh vật để có người thả.
-
Phóng sinh sao cho thực chất, hiệu quả.
Trước hết, chúng ta tìm
hiểu về những phản đối.
Những ý kiến phản đối
không phải không đồng tình với lòng từ bi của nhà Phật. Cái họ phản đối là cách
làm.
Tuy nhiên, việc tập họp
lại quá nhiều ý kiến phản đối như thế trên truyền thông vô hình trung lại tạo ra
hình ảnh không có lợi cho Phật giáo trên truyền thông đại chúng. Những ý kiến
phản đối đã làm cho công chúng nghĩ hoạt động phóng sinh được miêu tả qua ảnh và
chú thích chỉ là một hoạt động hình thức, mê tín, không kể đến hiệu quả, vô tình
gián tiếp hại thêm sinh vật, thúc đẩy việc bắt bẫy chim cá để cung ứng cho nhu
cầu phóng sinh.
Hệ quả của việc tập
trung nhiều ý kiến phản đối, cũng như nhiều người bày tỏ thái độ ủng hộ việc
phản đối bằng cách bấm thích, tất yếu sẽ làm một số đông hơn nữa có cái nhìn
tiêu cực về đạo Phật, rằng những Phật tử chỉ là những người thiển cận, thiếu
hiểu biết, ngờ nghệch, làm những việc không tính đến kết quả.
Người theo đạo Phật có
thể vững tin ở tâm thiện lành, từ bi và phước báu trong việc phóng sinh, để qua
một bên những ý kiến khác biệt.
Tuy nhiên, chúng ta cũng
đều biết người theo đạo Phật phải đặt hạnh lắng nghe lên hàng đầu. Bất kể đến
điều người khác đã nói và nói nhiều không phải là tư duy nhà Phật.
Hơn nữa, việc duy trì
một cách bất kể hình ảnh không hay, tiêu cực về Phật giáo trên truyền thông cũng
là điều người Phật tử chúng ta không thể chấp nhận.
Phật tử chúng ta lắng
nghe những ý kiến không đồng tình với cách làm phóng sinh. Nhưng, cụ thể, lắng
nghe như thế nào và có những động thái thế nào cho phù hợp?
-
Trước hết, vẫn là kiên trì mục tiêu phóng
sinh, tinh thần phóng sinh, quan điểm cần phải phóng sinh. Phóng sinh là một yêu
cầu không thể thiếu được đối với việc tu hạnh từ bi, tích lũy phước đức.
-
Những biện pháp phóng sinh cụ thể là điều
có thể xem xét lại, như phóng sinh con gì, đặc điểm ra sao, vào thời điểm nào là
thích hợp, làm sao bảo đảm phóng sinh có kết quả, có thực chất, phóng sinh sao
cho không gián tiếp thúc đẩy hoạt động bẫy bắt sinh vật…
-
Cần xác định rõ tỷ lệ sinh vật được cứu
tử cao, phóng sinh có kết quả, không tạo nên những tác động tiêu cực ngoài ý
muốn làm phương hại đến sinh vật thì người phóng sinh mới thật có phước lớn.
Phóng sinh nhưng tạo ý kiến không có lợi cho đạo Phật trên truyền thông, tỷ lệ
sinh vật thực tế được phóng sinh không cao, vô tình thúc đẩy việc bẫy bắt sinh
vật… là những điều cần phải cân nhắc.
Tóm lại, phóng sinh phải
thực chất, tạo được sự tán thành, đồng thuận, nhất trí hoàn toàn, tuyệt đối.
Cũng cần có cái nhìn xa về phóng sinh, làm sao thúc đẩy xã hội cùng nỗ lực phóng
sinh, phát tâm đại hoan hỷ phóng sinh, không còn những ý kiến bất bình, trái
ngược.
Do đó, việc thay đổi ở
đây cần tập trung vào cách thức phóng sinh.
Trước hết, cần xác định
làm thế nào để phóng sinh thật sự có hiệu quả, đi vào thực chất. Mua chim, mua
cá ở những người bán chim, bán cá, những người đặt hàng những người bẫy chim,
lưới cá… liệu có ổn không? Nếu không thì cần phóng sinh con gì, từ nguồn nào,
vào môi trường nào, vào thời điểm nào? (1).
Trước đây, chúng tôi đã
đề xuất cần có cẩm nang phóng sinh, đưa phóng sinh vào thực chất, tạo thuận lợi
thúc đẩy phóng sinh, thế nhưng đến nay vẫn chưa có. Người Phật tử vẫn tiếp tục
mua chim mua cá ở những người bán chim bán cá, thậm chí trực tiếp ở người săn
chim, đánh cá, rõ ràng tạo nhu cầu bẫy bắt chim cá, không tránh khỏi thúc đẩy
tàn hại sinh vật. Nếu cứ tiếp tục làm theo cách phóng sinh cũ, ngoài việc không
đi vào thực chất, thực tế không phóng sinh được bao nhiêu, có thể gây hại cho
sinh vật, thì mỗi lần báo chí có đưa tin về phóng sinh thì lại làm dậy lên làn
sóng ý kiến bất bình, nhận xét tiêu cực về Phật giáo, kích thích những trách cứ
đối với Phật tử.
Vì vậy, việc phóng sinh
chẳng những không được tạo nên sự thúc đẩy gián tiếp đối với việc săn bắt sinh
vật, mà cũng còn nên chú ý đến việc không nên đưa những sinh vật chỉ thích hợp
nuôi dưỡng nhân tạo vào không gian tự nhiên, hay phóng sinh những sinh vật có
thể gây hại cho môi trường.
Có tạo nên môi trường
truyền thông tốt cho việc phóng sinh, thì mới vận động được nhiều người cùng
phóng sinh, hoan hỷ phóng sinh. Như thế, từ bi mới thật có nhiều, công đức mới
thật sự lớn.
Phóng sinh, suy cho cùng
cũng vì mục tiêu không sát sinh. Vì vậy, đồng thời với truyền thông, tạo đồng
thuận phóng sinh, thì cũng cần truyền thông cố định không sát sinh, không ăn
thịt, không tàn phá môi trường sống sinh vật. Đó là một dạng phóng sinh tích cực,
hiệu quả, mà phước báu chắc chắn là lớn.
(1)
So với trước đây, việc phóng sinh của Phật tử đã có nhiều lựa chọn hơn, theo
hướng bảo đảm phóng sinh thật sự hiệu quả. Thí dụ, thay vì chỉ thả chim tại chùa,
vì không bao lâu chim bị bắt lại vì bị cắt cánh hoặc không còn đủ sức bay, thì
người phóng sinh đã thả cá, ốc, cua…, thay vì chỉ thả ở bờ sông thì đã đi thuyền
ra giữa sông hay lựa chọn địa điểm khác mà sinh vật được phóng sinh có khả năng
sống sót cao.