Bộ đồ cố muồi

bo do

Hoàng Công Danh

Ai đó nói Tết nhất mà không có áo quần mới là như không có Tết. Hẳn là vì ngày xưa người ta nghèo quá mà sinh ra vậy. Mỗi năm cùng lắm chỉ được may một bộ đồ mới vào dịp Tết, thành ra đó là bộ áo quần đẹp nhất. Người Quảng Trị gọi nó là bộ đồ cố muồi.

Lúc chúng tôi nhỏ thường nghe, bây giờ thì chỉ thi thoảng các cụ mới nhắc tới hai chữ cố muồi. Tôi đã hỏi nhiều người về nghĩa của hai từ ấy. Giới trẻ hầu như không biết. Các cụ cũng chẳng giải thích được. Chỉ nói rằng đó là từ ngày xưa hay dùng.

Trẻ con chúng tôi cần đồ mới hơn cả, vì sự hiếu thắng với bạn bè cùng trang lứa, thích khoe mẽ. Mấy mạ ở quê nói may áo trẻ con thì đừng dùng vải tốt mà thay vào đó là nên may thường xuyên những bộ vải xấu. Trẻ con đâu biết tốt xấu, cứ có đồ mới thì chúng mừng, mau lớn.

Ở quê, đứa trẻ nào thích mặc đồ đẹp đều bị quở là mần đị (làm đỏm). Không biết từ đâu mà người ta bảo những ai mắt một mí thì thường ăn mặc điệu đà khéo léo, như câu vè: “Mắt một mí mần đị nhất làng”. Ngày Tết ra đường toàn gặp người mần đị.

Ngày đó nghèo khó, tới Tết nhà ai khá giả mới may áo cho con, còn như lũ trẻ chúng tôi thì không được may. Bạn tôi ở làng có thằng Cưng tội nhất, hầu như toàn mang đồ cũ của người ta cho. Ừ, thì cũ người mới ta. Nhưng Cưng lanh lẹ, hắn biết cách biến đồ cũ thành đồ mới. Cưng lấy tờ giấy hoa ở trang đầu cuốn vở học, thứ giấy mỏng lót đệm loại vở tập Olympia, cắt những hình thù vui nhộn rồi đặt lên trên áo. Dùng bàn ủi nén lên mảnh giấy một lúc thì cái màu hoa giấy in ra vải áo. Vậy là chiếc áo trong chốc lát được tân trang rất xịn. Mặc Tết cũng chả thua ai. Đó là bộ đồ cố muồi độc đáo nhất của trẻ con nhà nghèo.

Để được mặc bộ đồ cố muồi thì phải tắm rửa sạch sẽ. Chiều tất niên, mạ nấu cho một ấm nước bồ kết rồi bảo tắm gội. Ba trái bồ kết khô bẻ ra bỏ vào nấu một lúc thì được màu nước cau cáu nhưng rất thơm. Múc từng gáo nước mà xõa xuống tóc rồi cầm xác trái bồ kết cào cào vào tóc, thích lắm. Mạ kể rằng ngày xưa có một chàng trai với một cô gái ở cùng làng. Cô gái đi hái dăm trái dại ven sông về phơi khô rồi nấu nước gội đầu cho chàng trai. Dần dà hương trái dại quấn riết hai người lại và họ yêu nhau, vì thế trái đó gọi là trái bồ kết, nói ngược là… kết bồ.

Bộ đồ cố muồi còn để thanh niên trai tráng mặc đi tán gái. Chú nào có được áo đẹp hẳn nhiên sẽ chứng tỏ mình giàu, các cô rất dễ ưa. Người ta chuộng của chuộng công, nào ai đi chuộng người không bao giờ. Tết năm đó, hai người chú của tôi may một bộ đồ mới. Coi như bộ đồ cố muồi cưa đôi cho hai người. Mỗi khi đi tán gái, hai chú lại đổi phiên cho nhau, người hôm trước kẻ hôm sau. Mệ nội nói sợ con gái nó không ưa thôi, chớ đã ưa thì có ở lỗ (không mặc gì) nó cũng lấy. Mệ nói con gái nó không ưa vì tấm áo, mà ưa bởi tấm lòng. Dù nghèo nhưng tấm lòng và tâm hồn mình đừng có nghèo nàn là được. Bởi thế người Quảng Trị gọi tính keo kiệt bủn xỉn là “bần”. Chữ “bần” (nghèo) ở đây để ví cho sự nghèo nàn về tấm lòng.

Các cụ cũng thế, già thì già nhưng vẫn thích làm đẹp. Có người được bộ đồ cố muồi là giữ rất cẩn thận. Nếu nhà không có rương thì xếp áo bỏ bao rồi lấy viên gạch chằn lên ở dưới chân giường để khỏi mất trộm. Bộ đồ cố muồi chỉ được mang trong ba ngày Tết và những khi đi đám cưới đám giỗ quan trọng. Bộ đồ lễ phục của các cụ ông là nghiêm chỉnh hơn cả. Vì mỗi người một số đo khác nhau và bắt buộc phải chuẩn xác. Áo quần thường có thể mượn mặc được, nhưng lễ phục thì nhất quyết của ai người ấy dùng. Khó nhất là chiếc khăn đóng đen, người thợ may giỏi đến mấy mà không quen thì không may được. Mỗi cụ ông có một số đo vòng khăn đóng riêng, và con số đó buộc họ phải nhớ để lần khác đi may thì chỉ cần nói số ra cho người thợ.

Mỗi năm có dăm ba ngày Tết, thế mà chuyện ăn mặc thôi cũng đã tốn kém, người nhà quê thì càng khổ. Được bộ đồ mới rồi ai cũng mặc riết không chịu cởi ra, nhớp cũng không chịu cởi, cứ mặc cho mốc muồi lên. Người quê nói: mần ăn quần quật cả năm đến Tết mới được bộ đồ mới thì cố mà mặc cho muồi (mốc meo) đi mới sướng. Ấy vậy mà gọi là bộ đồ cố muồi chăng.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle