Tàu quên

Truyện ngắn của Hoàng Công Danh

 Bốn mươi tuổi, chị chưa chồng, hằng ngày bán bánh mỳ trên những chuyến tàu. Lý lịch ngắn gọn và đơn giản nhưng cả vùng này biết đến chị. Những người làm trên tàu, từ đầu lái đến nhân viên đều biết chị rõ ràng. Chị nổi tiếng. Đúng. Cái sự nổi tiếng không ồn ào như ca sĩ diễn viên minh tinh màn bạc. Chứng tỏ ở đời người bình thường vẫn có thể nổi tiếng, chỉ cần họ khác người. Chị khác người ở chỗ chị hay quên, đãng trí, không phải đoảng trí. Bánh mỳ rất ngon nhưng trao tay cho khách rồi nhiều khi lơ láo quên lấy tiền. Như thế mà cũng buôn bán thì đúng là khác người chứ còn gì nữa.

 

 

Minh họa của Trung Dũng

Buổi sáng, tàu hú hồi còi dài và loa rao giục hành khách mau mau lên tàu thì chị tất tả xách hai cái giỏ phóng lên cửa một toa bất kỳ. Nhanh thoăn thoắt, không cần vé. Mười lăm năm bán bánh mỳ trên tàu, chị quen tất cả nhân viên kiểm vé. Họ cho chị lên. Thỉnh thoảng chị nộp cho họ tiền phí. Người ta quen gọi chuyến tàu này là tàu chợ, chạy một hành trình chừng trăm rưỡi cây số, đi qua ba tỉnh miền Trung. Sáng từ tỉnh phía bắc vào tỉnh phía nam, chiều ngược lại. Gọi tàu chợ là vì cái hành trình nội vùng ấy.

Nhà gần ga. Chị sống với mẹ, vốn trước bà làm ở bệnh viện, nay đã nghỉ hưu ở nhà chăm vườn. Mẹ nhiều lần ngăn chị đừng đi bán bánh mỳ nữa. Ở nhà phụ bà làm vườn nuôi heo. Nhưng chị không nghe. Đơn giản chị thích được đi tàu. Thích được nhìn ngắm những hàng cây lướt qua ngoài ô cửa tàu mỗi sớm mai và thấy những đàn bò vàng nhởn nhơ bên đường lúc hoàng hôn. Hành trình của tàu chợ cố định. Ngày nào bánh ray cũng đi và về qua những vùng đất đó. Vẫn những hàng cây đó, đàn bò đó, coi hoài không chán sao? Không. Chị cười. Nó gợi cho tôi nhiều ký ức. Chị đang luyện tập trí nhớ, cố gắng khơi lại thật nhiều hình ảnh của tuổi hai mươi đã bị xóa sạch sau một vụ chấn thương. Vụ chấn thương làm chị đãng trí xảy ra tại xứ sở tuyết trắng xa xôi, nước Nga. Năm ấy chị hai mươi tuổi, gia đình thuộc diện lý lịch đỏ nên được cho đi xuất khẩu sang Liên Xô làm thợ may công nghiệp. Hằng ngày chị bắt chuyến tàu sáu giờ sáng để đi từ ốp khu chung cư đến công xưởng may. Mười lăm cây số buổi sáng, chiều lại mười lăm cây số đường về. Chị yêu nước Nga và những rừng cây đổi màu rõ rệt, mọc rụng rõ ràng. Khảng khái như tình cảm của người xứ ấy.

Chính bánh mỳ, thứ hàng mà chị chọn bán, cũng là để nhắc chị nhớ về một thời ở Nga. Bánh mỳ Nga phong phú. Bánh mỳ baton, bánh mỳ sandwich, bánh mỳ đen. Còn bánh mỳ chị bán ở trên tàu thì chỉ độc một loại. Mỳ ổ. Chị bỏ thêm thịt hoặc chả vào, gọi là mỳ xíu. Xíu của chị có vị riêng, đó là chị quệt thêm một ít mù tạt, giống kiểu ăn của người Nga. Nhiều hành khách ăn bánh mỳ của chị bị mù tạt xốc lên nồng tận đầu mũi, ứa cả nước mắt. Chị bảo, thế cho nhớ, lần sau có đi tàu thì ăn bánh của chị, nhé.

Có đôi khi đang làm bánh mỳ cho khách, chợt thấy bên ngoài ô cửa tàu một khóm cây trụi lá, chị thẫn người đi. Nước Nga. Miền đất yêu thương của chị. Ký ức của chị dội về. Chúng mày ơi tuyết sắp rơi. Chị reo lên khiến khách trên toa được một phen hú hồn. Lại có lần chị gặp trên toa tàu này một cậu choai choai tóc vàng. Tóc nhuộm hoe vàng, mốt của giới trẻ muốn thể hiện đẳng cấp. Ngỡ như gặp người quen cũ, chị mừng rỡ buông một câu chào bằng tiếng Nga. Chị chỉ nhớ mỗi một câu này bằng tiếng Nga. Nhưng đáp lại, cậu tóc vàng quay mặt ra cửa, ném tiếng chửi. Điên.

Nhớ nhớ quên quên. Chị rơi vào trạng thái này từ lúc phải về nước, không, nói chính xác là chị được hồi hương về nước. Chị đâu có vi phạm gì đến nỗi bị trục xuất. Đại sứ quán đứng ra vận động đồng hương quyên góp tiền giúp đỡ chị. Rồi một cô bạn gái tình nguyện đưa chị về. Buổi sáng đầu tiên khi quay về lại ngôi nhà của mình, nghe tiếng tàu hú, chị giật bắn mình rồi lao ngay ra ga. Anh ơi nhanh lên kẻo không kịp. Chị luống cuống bảo với người trực ghi. Mấy năm sau đầu óc chị có hồi phục khá nhiều. Chị được tập luyện trí nhớ dần dần. Bác sĩ bảo tránh kích động mạnh, tránh làm ảnh hưởng đến vùng não. Bệnh nhân bây giờ như một đứa trẻ, phải tập từ từ mới nắm được. Chỉ mong nhớ những thứ hiện tại là tốt rồi. Đừng tiếc nuối ký ức quá khứ của chị ấy.

Cũng vì cái sự đãng trí này mà nhiều lần chị bị lừa. Có lần đi bán về chị không còn một đồng. Kẻ nào đó trên tàu nắm được điểm yếu của chị, đã lấy hết tiền ngay trước mặt chị. Lúc ấy chị đang mải mê theo những hàng cây nhuốm nắng bên đường. Chị mê vẻ màu của những hàng cây khi hoàng hôn. Dưới gốc màu đen, giữa thân xanh thẫm, đến ngọn thì vàng hoe. Nó giống sắc màu của những hàng cây bên xứ tuyết. Chị say sưa ngắm nhìn đến khi người ta bảo chị bị mất tiền. Chị cười. Mất tiền không tiếc, đã có những hàng cây. Thế mất gì mới tiếc? Mất tình mới tiếc. Chị đáp rất văn vẻ khiến ai nấy bật cười mà rấm ran thương.

Lại có lần chị bị một nhân viên trên tàu dụ dỗ vào buồng trực của hắn. Gã sở khanh muốn lợi dụng chị. Một gã nhân viên mới được điều về đây, chỉ nghe loáng thoáng người ta bảo chị bán mỳ đãng trí là đã nảy sinh ý đồ ăn vụng. Hắn đã đưa được chị vào buồng trực. Cho chị xem những hình ảnh về rừng cây lá vàng của mùa thu nước Nga. Chị thẫn thờ. Hắn ỡm ờ sàm sỡ. Nhưng bất giác chị reo lên một câu thơ của Olga Bergolts. Đừng chạm vào cây mùa lá rụng. Gã sở khanh giật bắn mình, vội buông chị ra. Một câu thơ rơi rụng trong trí nhớ đã cứu chị.

Chị có thể bắt chuyện với bất cứ ai trên tàu lúc bánh mỳ đã bán hết. Bắt chuyện bất kể người ta có thích nghe hay không. Đấy là lúc sự rỗi rãi kích hoạt vòm não, giúp chị nhớ một câu chuyện nào đó của thời đi xuất khẩu lao động. Chị say sưa kể về những hàng cây xứ tuyết. Vẫn chỉ là những hàng cây mà sao chị nhắc đi nhắc lại hoài. Cây thẳng tắp, phóng lên cao như phi lao. Rồi một hình ảnh loáng qua dữ tợn. Hình ảnh chàng trai bị trúng đạn ngã gục xuống, vẫn ngửa mặt nhìn trời, nhìn những ngọn bạch dương vút cao tận mây xanh, trên đó có đàn chim vừa trở về. Đó là cảnh trong phim Khi đàn sếu bay qua, một bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh Xô Viết. Hồi đó chị đã khóc nhiều lần lúc xem phim. Khóc sướt mướt khi đoạn kết, cô gái chạy ra đón người trở về. Chị rơm rớm nước mắt kể về rừng cây trong mùa thay lá. Xôn xao lạ kỳ. Cả khu vườn dậy lên thanh âm buồn bã. Đứng ở vườn đó mà đọc thơ của thi sĩ họ Lưu mới thấm. Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc.

Chị có nhan sắc. Một thứ nhan sắc tự nhiên. Làn da trắng mịn. Khuôn mặt dễ mến. Cái nhan sắc đủ để vùi lấp, bù đắp cho khiếm khuyết về bộ nhớ của chị. Đã có vài người muốn lấy chị. Đàn bà khiếm khuyết đến đâu vẫn có thể lấy được chồng. Huống nữa là chị, chỉ trục trặc một chút về trí óc. Có ông bác sĩ tâm lý bảo nếu lấy chồng, có khi chị sẽ khắc phục được sự cố não bộ. Âm dương hòa hợp là một phương pháp chữa bệnh hữu hiệu khi mà khoa học thực tiễn bó tay. Nhưng chị từ chối tất. Chị chỉ yêu những hàng cây lướt qua con tàu. Những hàng cây là người tình của chị. Tâm hồn chị được nuôi dưỡng bằng thiên nhiên.

Sự dớ dẩn nhớ nhớ quên quên của chị lúc đầu khiến bà mẹ lo lắng, nhưng rồi cũng quen, coi đó là chuyện bình thường. Va đập ký ức và hiện tại là một chứng bệnh thần kinh, nặng hơn mộng mơ và nhẹ hơn mộng du. Một cuộc sống lẫn lộn giữa nhớ quên cũng thú vị. Đối với chị là vậy.

 *

Vụ chấn thương tâm lý hai mươi năm trước cụ thể như sau. Chị yêu một chàng thanh niên người Nga. Hai người cùng đi làm và trở về chung chuyến tàu mỗi ngày. Lần đó chàng trai bỗng dưng xuống tàu giữa quãng. Rồi đi lẫn vào vườn cây bạch dương. Tàu chạy, qua ô cửa sổ, chị kịp nhìn thấy dáng anh khuất dần lặng lẽ sau những thân cây mùa lá rụng. Từ đó mỗi ngày chị đi làm một mình. Và rơi vào trạng thái hoang mang tâm lý, nhớ nhớ quên quên bất thường.

Vụ chấn thương này được người bạn gái đưa chị hồi hương kể lại. Nhiều người khuyên chị quên cái anh chàng tóc vàng mắt xanh ấy đi. Quên cái anh chàng da trắng máu lạnh ấy đi. Quên để mà lấy chồng. Nhưng, chị có nhớ đâu mà bảo chị quên.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle