Minh Thạnh
BẠO
LỰC!
“Bụi
đời Chợ Lớn” là một bộ phim hành động của các đạo diễn Charlie Nguyễn và
Johnny Trí Nguyễn. Phim này đang thu hút sự quan tâm cao độ của khán giả điện
ảnh hiện nay, có lẽ đến mức chưa từng có. Một phần vì phim đã được quảng cáo với
cường độ cao. Phần khác, vì phim bị cấm chiếu sau một cuộc duyệt nhiều tranh
luận, rồi bị ai đó tung lên mạng bản nháp. Bản được tung lên mạng đã thu hút số
người xem kỷ lục ở nhiều trang web. Đĩa phim in lậu cũng được phát hành mạnh,
càng nâng cao số lượng khán giả. Việc quan tâm của chúng tôi là vì ảnh hưởng của
bộ phim “Bụi đời Chợ Lớn” đến khán giả
rất lớn, dù là chỉ theo kiểu phát hành như vậy.
Dù sao thì hàng nhiều triệu khán giả
đã xem phim “Bụi đời Chợ Lớn”, dù phim bị cấm chiếu. Vì vậy, dù muốn, dù không,
phim cũng vẫn là một đối tượng của giới phê bình điện ảnh. Việc cấm chiếu phim,
xem ra, còn làm cho khán giả và những nhà phê bình quan tâm đến bộ phim.
Việc cấm chiếu bộ phim, có thể coi là
một sự tiêu hủy bộ phim, mục tiêu là cách ly hoàn toàn tác phẩm điện ảnh với
khán giả, trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, rõ ràng là không hiệu quả.
Phim “Bụi đời Chợ Lớn” bị cấm chiếu vì lý do chính là bạo lực. Là người
Phật tử, chúng ta phản đối bạo lực trong tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đây đã là
một thực tế phải chấp nhận, vì làm sao phim hành động mà không thể không có bạo
lực? Riêng tôi, tôi nghĩ đâm chém theo kiểu phim “Bụi đời Chợ Lớn”, với số người chết trong mỗi trận hỗn chiến chỉ là
con số vài ba chục người, vẫn còn dễ chấp nhận hơn rất nhiều so với những bộ
phim nhấn nút kích hoạt vũ khí nguyên tử, điều động siêu pháo đài bay ném bom
tấn, nã pháo bằng dàn đại bác cả trăm khẩu… Những phim như thế bạo lực hàng ngàn
lần, so với bạo lực chỉ bằng dao phay, mã tấu trong phim “Bụi
đời Chợ Lớn”, nhưng bây giờ, cứ lượt qua các kênh truyền hình cáp, thì vẫn
thấy nhan nhản kiểu bạo lực giết người hàng loạt đó.
Ấy là kiểu bạo lực, mà những tên giết
người không là những gã ít học, lưng nách, cục súc, dơ dáy như trong phim “Bụi
đời Chợ Lớn”, mà kẻ giết người là những tiến sĩ, kỹ sư, mặt mày sáng láng,
lịch sự, nho nhã, với phương tiện giết người là những thành tựu khoa học tiên
tiến. Những kẻ giết người đó ngồi trước máy vi tính, khai hỏa hỏa tiễn bằng một
cái nhấp chuột. Như thế, mới là đỉnh điểm bạo lực, chứ không phải đấm nhau, chém
nhau, như thời trung cổ.
Ngoài ra, còn có vấn đề bạo lực chính
nghĩa và bạo lực phi nghĩa, bạo lực hại người và bạo lực để tìm sự bình an. Không thể đánh đồng mọi thứ bạo lực như nhau.
Theo chúng tôi, bạo lực trong phim “Bụi
đời Chợ Lớn” là bạo lực để tìm sự bình an chống lại bạo lực phi nghĩa. Ở đây
bạo lực có cái điều, mà đạo diễn bộ phim đã nói, là thông điệp chống băng đảng,
có thể hiểu là thông điệp chống bạo lực.
Vì vậy, bộ phim là tiếng nói của
những người trong vòng bạo lực muốn trốn
chạy ra khỏi bạo lực. Trong phim “Bụi đời Chợ Lớn”, những kẻ trốn chạy khỏi bạo lực đã tìm đến Phật.
Đó là điều bài phê bình này muốn nói đến.
Trong phim “Bụi đời Chợ Lớn”, có 2 trường đoạn miêu
tả việc tìm đến tín ngưỡng của những người muốn trốn chạy khỏi bạo lực. Trong
một trường đoạn, nhân vật Lâm tìm đến một đền thờ người Hoa để cầu khấn, nhưng
đối tượng cầu khấn không phải là Phật. Ở một trường đoạn khác, nhân vật Hùng Bi
da thắp hương trên bàn thờ Đức Quan Thế Âm Bồ Tát trước cuộc tử chiến với Phong
Bụi. Bài viết này muốn nói đến Phật ở đây.
TRƯỚC ĐÂY CHỈ CÓ TÌNH YÊU TRONG CUỘC
CHẠY TRỐN BẠO LỰC
Mô típ những người trong vòng xoáy
bạo lực chay trốn khỏi bạo lực đã có trong văn học nghệ thuật miền Nam từ trước
năm 1975. Tiêu biểu cho xu hướng này là nhà văn Duyên Anh, với các tác phẩm như
“Luật hè phố”, sau chỉnh sửa thành “Con
suối ở Miền Đông”, “Điệu ru nước mắt”… Ý tưởng từ dòng tác phẩm này được
dựng thành một số phim truyện đã từng gây xôn xao trong giới kịch trường điện
ảnh Sài Gòn một thời, như “Vết thù trên lưng ngựa hoang” (còn lưu
hành nhạc phim), “Điệu ru nước mắt”, “Xa lộ không đèn” (còn lưu hành nhạc phim). Lúc
đó, tôi còn nhỏ, chỉ đọc một số tác phẩm. Truyện cũng như phim cùng đều xem cách
đây đã 40 năm, việc nhắc lại tất nhiên sẽ có điểm không chính xác.
Truyện của Duyên Anh miêu tả những
pha đâm chém rất ác liệt của băng đảng, những cái chết đầy hãi hùng, thương tâm,
bi tráng. Còn poster phim “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do diễn viên Trần Quang đóng vai chính
thì na ná poster phim “Bụi đời Chợ Lớn”. Cho nên xem phim “Bụi đời Chợ Lớn”, tôi nhớ ngay đến tác
phẩm Duyên Anh, nghệ sĩ Trần Quang, phim và bài nhạc “Vết
thù trên lưng ngựa hoang”…
Người ta chỉ chạy trốn khi hoàn cảnh
sống quá nghiệt ngã khủng khiếp. Vì vậy, các nhà văn, đạo diễn theo ý tưởng sáng
tác này đương nhiên phải miêu tả, phải trình bày bạo lực ở đỉnh điểm của sự ác
nghiệt, tàn bạo, nhẫn tâm. Từ đó, mới phát sinh bi kịch và bi kịch mới thuyết
phục đối với người đọc, với khán giả. Và khi đó số phận của những con người muốn
chạy trốn khỏi bi kịch mới là những số phận bi kịch.
Nếu bạo lực, đâm chém trong phim,
trong truyện chỉ là cuộc xô xát vui đùa, thì người ta cứ việc đùa vui với nó,
việc gì phải vùng vẫy chạy trốn như trong “Vết
thù trên lưng ngựa hoang” hay trong “Bụi
đời Chợ Lớn”. Ở đây, chúng ta cần chú ý đến tính triết lý của vấn đề. Nó
giống như muốn người ta tìm cách thoát khổ, thì phải miêu tả cái khổ ở mức có
tác động cùng cực của nó. Chúng tôi mong khán giả xem phim “Bụi
đời Chợ Lớn” hay đọc truyện Duyên Anh với tinh thần này, và cũng là điều
muốn gửi đến những người có trách nhiệm duyệt những phim loại như phim “Bụi
đời Chợ Lớn” hôm nay. Cái mô típ nghệ thuật này có triết lý của nó. Và từ
cái nhìn của một Phật tử, tôi thấy nó không khác gì với cách trình bày cái khổ
của đạo Phật. Bạo lực trong những tác phẩm nghệ thuật như vậy không gì khác hơn
phải là một cái chảo lửa khủng khiếp của địa ngục, làm người đọc, người xem và
cả những người có trách nhiệm duyệt phim, phải kinh hoàng, phải sốc!
Trên cái nền đó, nhà văn hay đạo diễn
tạo dựng hành động chạy trốn. Và tiểu thuyết, bộ phim… chính là câu chuyện cuộc
chạy trốn, cuộc vùng thoát khỏi chảo lửa đó. Tính nhân văn của loại tác phẩm mà
chúng ta đang bàn luận nằm ở chỗ này.
Lời của tác phẩm âm nhạc “Vết
thù trên lưng ngựa hoang” (nhạc Phạm Duy, và theo tôi, lấy ý từ Duyên Anh)
miêu tả tình trạng bạo lực ấy như sau:
“Ngựa
phi như điên cuồng
Giữa
cánh đồng, dưới cơn giông
Vì
trên lưng cong oằn
Những vết roi vẫn in hằn”
Trong phim “Bụi đời Chợ Lớn”, ngựa hoang chính là Hùng Bi da, là Lâm, là Phong
Bụi, là Bi trong quan hệ với Phong Bụi… Còn bạo lực được miêu tả với hệ quả “…
trên lưng cong oằn/Những vết roi vẫn in hằn”.
Với cái nhìn từ đạo Phật, đó là địa
ngục. Cuộc đời chính là cuộc tra tấn, với những vết roi. Cây roi bạo lực chỉ là
công cụ, là phương tiện. Mọi cái đều bắt nguồn từ tam độc (tham, sân, si).
Lời bài hát trong phim “Xa lộ không đèn” (của nhạc sĩ Y Vân), một
phim cũng nói về xã hội đen băng đảng (đạo diễn Hoàng Anh Tuấn), cuộc đời là “xa
lộ tối ám không đèn”, “xa lộ giết chết tâm hồn”, “xa lộ sống chết vô tình”,
“cuộc đời sao tăm tối như xa lộ không đèn”, “cuộc
đời sao tối ám như xa lộ tối đen”… Cũng là một suy nghĩ triết lý về cuộc đời
như “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “Bụi đời Chợ
Lớn”…
Hầu như, trong tất cả những tác phẩm
tiểu thuyết, điện ảnh theo mô típ nói trên, những cuộc chạy trốn, vùng vẫy đào
thoát khỏi chảo lửa địa ngục đều là những bi kịch. Kết thúc tác phẩm những nhân
vật chính đều chết với đủ kiểu và đều mang tính chất cái chết băng đảng xã hội
đen. Bị đâm như trong “Bụi đời Chợ Lớn”,
“Xa lộ không đèn”, bị cột trong bao bỏ xuống sông như trong “Luật
hè phố”, “Con suối ở miền Đông” (1). Đó là:
“Những
đời làm ngựa hoang chết gục
Và
trên lưng nó Ôi!
Còn
nguyên những vết thù”
(Vết
thù trên lưng ngựa hoang)
PHẬT TRONG PHIM “BỤI ĐỜI CHỢ LỚN”
Trước phim “Bụi đời Chợ Lớn”, điểm tựa của cuộc chạy
trốn khỏi chảo lửa bạo lực đều là tình yêu, chưa có tính chất tôn giáo, mặc dù
trong một số tác phẩm, những lời lẽ từ
giáo lý nhà Phật đã được thể hiện.
Trong ca khúc “Vết thù trên lưng ngựa hoang”, “nhẫn nhục”, một khái niệm mà nhà
Phật coi là Ba la mật, đã được nói đến.
“Ngựa
hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục
Dòng
sông mơ màng mát trong thơm ngọt”
Tính chất mát, trong của nhẫn nhục là
ý trong kinh Phật. Hình tượng so sánh “dòng sông” là sáng tạo của Phạm Duy.
Còn trong lời ca khúc nhạc phim “Xa
lộ không đèn” (Y Vân), thì sống chết chỉ là “giọt nắng sớm, cánh sương đêm”, cũng là ý
trong kinh Phật.
Vì vậy, triết lý cuộc trốn chạy khỏi
cuộc đời đau khổ vì bạo lực, cơ bản là triết lý Phật giáo.
Tuy nhiên, đến phim “Bụi đời Chợ Lớn”, điểm tựa tôn giáo, cụ
thể là Phật giáo, mới xuất hiện, với việc nhân vật Hùng Bi Da thắp hương trước
bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát trước giờ quyết đấu với Phong Bụi, để trả món nợ giết
Bi, em của Phong Bụi.
Đây là một bước tiến của những tác phẩm thuộc xu hướng mà
chúng ta đang bàn luận. Cuộc chạy trốn không chỉ vì tình yêu (2), mà còn là vì
yếu tố đạo đức. Đạo diễn, trong trường đoạn này, đã đặt camera từ phía tượng Bồ
tát, qua cái nhìn của Bồ tát, từ đó, để cho nhân vật Hùng Bi Da thể hiện tâm
trạng.
Có thể thấy rằng, Hùng Bi Da không cầu nguyện Bồ tát phù hộ
để anh đánh thắng Phong Bụi, mà chỉ mong tìm ở Bồ tát chiếc phao bình yên cuối
cùng cho cuộc đào thoát khỏi cuộc đời bạo lực đã không còn hy vọng. Đây là chi
tiết rất có ý nghĩa. Các tác giả bộ phim thể hiện điều này bằng ngôn ngữ điện
ảnh, tức là trông cậy vào diễn xuất của diễn viên, không qua lời thoại. Nhân vật
im lặng cầu nguyện và chúng ta thấy lời muốn nói qua ánh mắt diễn viên.
Nếu nhân vật Hùng Bi Da cầu nguyện Bồ tát phù hộ đánh thắng
Phong Bụi thì bản chất của bộ phim đã hoàn toàn khác. Khi đó, “Bụi đời Chợ Lớn” chỉ còn là một bộ phim
bạo lực trả thù, thanh toán, đâm qua chém lại thấp kém. Đàng này, sự im lặng, sự
thành kính, tha thiết xen lẫn hối hận, nuối tiếc trong ánh mắt Hùng Bi Da là
điều làm nên giá trị của bộ phim tập trung ở trường đoạn Hùng Bi Da cầu nguyện
Quan Thế Âm Bồ Tát.
Đó là một trường đoạn không thoại và chỉ có một nhân vật,
Hùng Bi Da đối diện tượng Bồ tát Quan Thế Âm. Trường đoạn rất ngắn, chỉ có 2
shot, trước hết là camera từ phía Hùng Bi Da nhìn lên Quan Thế Âm Bồ Tát, và sau
đó là từ Bồ Tát Quan Thế Âm nhìn xuống Hùng Bi Da, để nhân vật thể hiện tâm
trạng. Ở giữa là không gian mờ mờ hương khói hư ảo…
Kết phim, hầu như tất cả các bên đều chết trong vòng xoáy ác
nghiệt của bạo lực kể cả Tài Nhớt, dù là đâu đó vẫn hy vọng ở cuộc chạy trốn đến
một nơi nào đó. Nhìn kỹ, chúng ta sẽ thấy đó đều từ tham sân si. Tài Nhớt tham,
Hùng Bi Da sân (vì giết Bi em Phong Bụi), Phong Bụi và Bi si (bị Tài Nhớt gài
bẫy). Và ở mỗi người cùng đều có đủ tham sân si cao độ (nhất là nhân vật Lâm),
động lực của bạo lực.
Xem phim “Bụi đời Chợ
Lớn” với con mắt đạo Phật, chúng ta còn nhìn thấy sự vận động của
trục ái dục song song với trục bạo lực. Bên cạnh mỗi nhân vật chính đều có
một người đàn bà. Riêng Phong Bụi, người đàn bà đó là ẩn hình, chỉ được Tài Nhớt
nhắc đến như một miếng mồi, ở một nơi xa xăm vô định, chỉ với lời hứa hão huyền
được gặp, mà Phong Bụi lao vào cuộc đâm chém đến mức điên cuồng. Vì ái dục, người ta chạy trốn khỏi bạo lực, và cũng vì ái dục, người ta
mắc lại trong vòng bạo lực. Cũng có một thông điệp mang tính triết lý ở đây.
Khi người ta tìm đến Bồ Tát Quan Thế Âm thì đã quá muộn màng…
Có lẽ hàng triệu người đã xem bộ phim “Bụi
đời Chợ Lớn”, mong rằng bài phê bình này đến được với khán giả của phim, để
người đọc người xem, người nghe “Bụi đời Chợ Lớn”, cũng như “Xa
lạ không đèn”, “Vết thù trên lưng ngựa
hoang”, “Điệu ru trước mắt”, “Luật hè phố”, “Con suối ở miền Đông”… không
xem đó chỉ là những tác phẩm kích thích bạo lực, mà thấy ở đó triết lý nhân văn
của tác phẩm, một thứ triết lý bắt nguồn từ tư tưởng Phật giáo “Đời là bể khổ”
(1) Riêng trong phim “Bụi
đời Chợ Lớn”, cuộc chạy trốn của nhân vật Lâm thành công, nhân vật thoát
khỏi cuộc sống băng đảng hoàn lương sau khi thi hành án. Theo tôi, chi tiết này
rất tích cực, thể hiện yếu tố phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa
của bộ phim. Rất tiếc là dấu ấn phương pháp sáng tác xã hội chủ nghĩa có tính
lạc quan này không được ghi nhận khi duyệt phim.
(2) Đúng ra mô típ tình yêu là điểm tựa của cuộc chạy trốn
khỏi cuộc đời bạo lực có từ Nam Cao với tác phẩm “Chí
Phèo”, Duyên Anh chỉ là tác giả đi sau. Có điều, “Chí Phèo” chỉ du đãng bạo lực ở mức cá nhân. Từ Duyên Anh đến
Charlie Nguyễn, bạo lực mới phát triển đến mức băng đảng.