Yếu kém trong truyền thông về HTKH “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”

Minh Thạnh

1. Hội thảo khoa học có đề tài liên hệ đến Phật giáo là một hoạt động đem lại lợi ích cho Phật giáo. Tiếc rằng, những hội thảo như thế được tổ chức chưa nhiều.

Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” do Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức là một trong số những hội thảo ít ỏi như thế.

Vì vậy, lẽ ra, truyền thông về cuộc hội thảo này phải được khai thác tối đa, để quảng bá hình ảnh Phật giáo. Và phía ban tổ chức Phật giáo, vốn là những vị tu sĩ khoa bảng, nếu có cái nhìn đúng tầm, thì nên xem đây là một cơ hội.

Nhưng rất tiếc, việc truyền thông cho hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” từ phía Phật giáo đã rất yếu kém, đến mức hết sức ngạc nhiên và đáng tiếc, hoàn toàn không tương xứng với tầm vóc Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM.

2. Được tin Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” sẽ được tổ chức, tôi rất hoan hỷ và định chắc chắn sẽ viết bài gửi đến hội thảo. Thêm vào đó, một vị tu sĩ trong ban tổ chức, có lẽ, cũng mời khéo tôi, khi cho tôi biết… mức nhuận bút của bài viết.

Tất nhiên, như thế là rất hay cho việc thúc đẩy việc đóng góp cho hội thảo. Tôi đã viết bài gửi đến hội thảo theo địa chỉ email thông báo trên thư mời được công bố trên phương tiện truyền thông, có ghi rõ địa chỉ, điện thoại liên lạc của tôi.

Tôi cũng định là qua tham dự hội thảo sẽ góp phần truyền thông cho hội thảo.

Tuy nhiên, tôi đã không được mời tham dự hội thảo, dù là chỉ được đến nghe dự thính!

3. Rất tiếc là không được dự, nhưng tôi vẫn rất quan tâm đến Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”, tôi vẫn rất quan tâm về hội thảo. Sau khi hội thảo diễn ra, tôi nhiều lần tìm kiếm thông tin về hội thảo trên mạng internet, thì ngoài văn bản pdf sách “Nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963” nhiều tác giả, nhà xuất bản Phương Đông 2013, là tài liệu liên quan, còn các hoạt động truyền thông về hội thảo đều rất sơ sài, chủ yếu là hình ảnh như những sự kiện khác, không phải truyền thông đặc trưng cho một hội thảo khoa học. Và truyền thông cho hội thảo khoa học càng không phải chỉ là đăng tải văn bản các báo cáo khoa học.

Thông tin tương đối đầy đủ hơn cả về Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo miền Nam (1963-2013)” là một bản tin trên Giác Ngộ nhưng cũng chỉ miêu tả diễn tiến hội thảo, tên các tham luận, diễn giả, phiên họp… Cũng không phải là truyền thông về hội thảo khoa học, mà cũng chỉ là đưa tin sự kiện.

4. Hội thảo khoa học không phải chỉ là cách để tập họp bài viết in sách. Kỷ yếu chỉ là một phần của hội thảo khoa học. Việc cốt lõi của hội thảo là gặp gỡ, trình bày, trao đổi, bàn luận, có thể là thảo luận, tranh luận xung quanh những ý kiến, những quan điểm, những đề xuất, những giải pháp. Truyền thông về hội thảo khoa học là chuyển tải việc cốt lõi này, làm sao để những người quan tâm được thông tin về việc “hội thảo”, tức việc bàn luận, thảo luận. Phải cho thấy sự khác biệt, nội dung của những lập luận khác biệt, những ý kiến, đặc biệt là ý kiến phản biện và ý kiến bảo vệ. Hội thảo không phải chỉ là nơi để đọc và nghe những bài viết. Truyền thông về hội thảo, mà chỉ thông tin cho công chúng việc đọc và nghe những bài viết, là không truyền thông gì hết, không phải truyền thông về hội thảo!

5. Khoa học trong hội thảo khoa học là yêu cầu về điều mới, về cái mới, về sự phát hiện, khám phá, về bước tiến trong hoạt động nghiên cứu. Hội thảo khoa học không phải là nơi để đọc, để nói về những điều mọi người đã biết, đã có bài viết, đã in thành sách. Thế thì đương nhiên, truyền thông về hội thảo khoa học là phải chuyển tải, làm sáng tỏ nêu bật được cái mới, cái phát hiện, bước tiến, điều khám phá mới.

Chỉ đưa tin ai đọc bài gì, tuyên dương, trao tặng…, chưa phải là truyền thông về hội thảo khoa học. Như thế, thì không có nội dung “hội thảo” lẫn nội dung khoa học!

6. Hội thảo khoa học còn liên quan đến một vấn đề nữa là thời sự khoa học. Hội thảo khoa học thường được dùng để giải quyết, để trả lời những vấn đề đang được đặt ra, là chuyện thời sự khoa học.

Cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 hiện vẫn là một vấn đề của khoa học lịch sử, giai đoạn lịch sử Việt Nam hiện đại. Hơn nữa, đó còn là một vấn đề của thời sự chính trị hiện đại, khi mà đang có những nỗ lực ở nước ngoài nhằm xuyên tạc, bôi nhọ lịch sử (vấn đề này là không nhỏ khi chúng ta tìm kết quả bằng những công cụ tìm kiếm trên internet với những từ khóa như “Thích Quảng Đức”, “Phật giáo đấu tranh”, “Ấn Quang”, “Thích Trí Quang”… Các nội dung trái ngược nhau quả thật đã làm thành những vấn đề lớn của thời sự khoa học lịch sử và thời sự chính trị.

Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo miền Nam (1963-2013)” đã góp phần ra sao trong việc giải quyết những vấn đề thời sự khoa học như đã nói ở trên? Đó là điều công chúng rộng rãi cũng như giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn rất muốn biết. Rất tiếc, là nội dung không kém phần quan trọng này cũng chưa được truyền thông!

7. Và như thế chính là việc tự hạn chế kết quả của hội thảo khoa học. Đáng tiếc là cuộc hội thảo khoa học này, đứng ra tổ chức về phía Phật giáo là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, một trường đại học hàng đầu của Phật giáo Việt Nam, với những nhà điều hành, các giảng viên đều có học vị cao, không xa lạ gì với hoạt động truyền thông về hội thảo khoa học. Xin đặt một câu hỏi ở đây. Hẳn không phải là vấn đề năng lực, nhưng tại sao? Nêu câu hỏi như thế, thật lòng tôi vẫn thấy kỳ kỳ, ngường ngượng cho Học viện.

8. Trong khi đó, truyền thông về hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” lại là một hoạt động thiết thực để kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963, là đưa hoạt động kỷ niệm lịch sử trọng đại này đi vào chiều sâu, nâng cao những giá trị truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đưa những giá trị lịch sử Phật giáo Việt Nam đến với công chúng rộng rãi.

Đáng tiếc, qua những phương tiện truyền thông đại chúng, người đọc, người xem chỉ biết đến Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” như là một cuộc họp, chỉ với những thông tin như tên gọi, đơn vị tổ chức, những người tham dự, thời gian, địa điểm, tên những bài được đọc, vậy thôi!
Theo tôi, cần có những bài tường thuật chi tiết, dựa trên những đặc trưng của một hội thảo khoa học như đã phân tích ở trên.

Để thực hiện hoạt động truyền thông như thế, chỉ cần là một tăng hay ni sinh học khá một chút, mà học viện có đến hàng trăm, hàng ngàn. Sao lại để một cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh Phật giáo trôi qua uổng phí như thế?

Nếu không tổ chức truyền thông về Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”, thành công của hội thảo chỉ giới hạn trong vài trăm người dự hội thảo, vài ngàn người đọc quyển sách tuyển các bài viết (nhưng số người đọc bài viết cũng không thể cảm nhận được nội dung “hội thảo” với nghĩa như đã nói ở trên).

9. Cuối cùng, kính mong quý vị trong bản tổ chức hội thảo phía Phật giáo giúp tôi có thể có được quyển sách tuyển những bài nghiên cứu tham gia hội thảo để tìm hiểu. Tôi đã tìm mua ở một số nhà sách, nhưng chưa thấy bán, nay xin giúp để có thể mua. Xin chân thành cảm ơn. Vì không được mời dự, tôi chỉ xin một chút giúp đỡ việc tìm mua sách như vậy.

10. Nhưng trên hết, là mong mỏi Ban Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tổ chức hoạt động truyền thông hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”, theo cách thức truyền thông một hội thảo khoa học. Nếu không làm được, xin vui lòng giải thích vắn tắt lý do cho bạn đọc được biết.

M

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle