Học viện PGVN tại TPHCM và vấn đề đối thoại truyền thông

Minh Thạnh

Từ một so sánh

Trung tuần tháng 6/2013, trên các trang mạng Phật giáo, hầu như đăng tải đồng thời hai bài viết của tôi, cùng có yêu cầu trả lời, hướng đến những đối tượng cụ thể.

Bài viết hướng tới Ban hưng công Quốc thái dân an Phật đài về chất lượng thẩm mỹ của khuôn mặt tượng Phật đã được Tỳ kheo Thích Kiến Nguyệt nhanh chóng trả lời sau đó.

Trong khi đó, bài viết đặt vấn đề yếu kém trong truyền thông về Hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963 - 2013)” hướng đến phía Phật giáo trong ban tổ chức hội thảo, là Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, đến lúc viết bài này vẫn chưa được trả lời. Thay vào đó, là bài trả lời những câu hỏi khác của một vị không có trách nhiệm và thẩm quyền.

Thư trả lời của Ban Hưng công Quốc thái dân an Phật đài, do thầy Thích Kiến Nguyệt ký tên, có nhiều đoạn văn rất mộc mạc, thể hiện sự chân thành, tha thiết của phía trả lời. Nhưng trên hết là tinh thần trách nhiệm và ý thức được vai trò của truyền thông hiện đại.

Trong khi đó, các vị tu sĩ khoa bảng lãnh đạo Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, những vị lẽ ra rất nhạy bén và sớm thích ứng với truyền thông hiện đại, lại vẫn cứ tỏ ra xa lạ với đối thoại trên truyền thông.

Đối thoại trong truyền thông hiện đại

Cách đây chỉ hơn mười năm, các sơ đồ thể hiện hoạt động truyền thông thường là chỉ một chiều. Tức là chỉ có mũi tên từ phía phát thông điệp đến phía nhận thông điệp, không có chiều ngược lại.

Ngày nay, sơ đồ đó luôn luôn là nhiều chiều, cơ bản là 2 chiều. Truyền thông hiện đại là truyền thông đối thoại, không còn độc thoại.

Có lẽ nhiều người vẫn nghĩ đó là do internet, với khả năng phản hồi, tương tác, định lượng người tiếp nhận… của nó.

Không hẳn như vậy, vì phát thanh, truyền hình, những công nghệ có từ mấy thập kỷ trước, cũng chuyển từ độc thoại sang đối thoại. Hình thức khán giả, thính giả gọi điện vào studio, trực tiếp tham gia các chương trình là một ví dụ.

Khi cần, ngày nay người ta có thể lập ngay cầu truyền hình, đường điện thoại để nêu câu hỏi và phát trực tiếp câu trả lời. Người hỏi người trả lời có thể là nhiều người, thành hội thoại, hội luận trực tiếp, không phải chỉ đối thoại 2 người. Từ “đối thoại ngày” nay trong truyền thông phải được hiểu là “đối” giữa hỏi và trả lời, không phải chỉ là 2 phía.

Tinh thần đạo Phật là tinh thần đối thoại

Kinh Phật, về cơ bản, là bản ghi những cuộc đối thoại. Đối thoại giữa đức Phật và các đệ tử, đối thoại giữa thánh chúng và đại chúng.

Kinh Phật không phải là những bản luận văn soạn sẵn để thuyết giảng một chiều, mà là lời đáp cho những câu hỏi nêu ra từ đại chúng. Nếu Đức Phật không trả lời, ngài cũng vẫn giải thích về sự im lặng đó, cũng là một hình thức trả lời. Tìm cách tránh né không trả lời là việc xa lạ với đạo Phật.

Đối thoại như trong kinh Phật là sự thể hiện của trí tuệ. Không có trí tuệ thì mới lẫn tránh đối thoại vì thực chất là không có năng lực trả lời. Chính qua đối thoại, trí tuệ mới được hiển lộ. Đối thoại trí tuệ cũng khác xa với hý luận, vì hý luận không đem lại lợi ích. Ở đây, lợi ích là tiêu chí để xác định đối thoại. Đúng là không phải chuyện gì cũng trả lời, nhưng trốn tránh đối thoại lại còn tệ hại hơn nữa.

Truyền thông hiện đại là sự phát triển không ngừng của đối thoại

Buổi đầu, internet chỉ là một kiểu thư viện điện tử. Còn truyền hình chuyển từ phát trực tiếp (như thập niên 1970) sang phát bằng băng từ là một bước tiến.

Nhưng sau đó, web thì phải có phản hồi, rồi đến chat, voice chat, webcam… Nay facebook là một bước tiến mới trong đối thoại. Người ta đối thoại dưới mọi hình thức, ngay cả nguyên thủ quốc gia cũng trả lời trực tuyến, chia sẻ trên blog. Nhiều trang mạng chỉ là trang đối thoại, chủ yếu để mọi người trao đổi ý kiến, không lấy bài viết làm điểm nhấn.

Còn chương trình phát thanh truyền hình thu hút khán thính giả là chương trình trực tiếp, có tiếng nói của khán thính giả đối thoại với biên tập viên và trao đổi với nhau trong thời gian. Tức là quay trở lại thời kỳ phát trực tiếp, để qua một bên thời kỳ chương trình băng từ video.

Phật giáo và văn hóa đối thoại truyền thông hiện đại

Đối thoại đã trở thành một dạng văn hóa của truyền thông hiện đại. Đó là truyền thông nhiều chiều, cùng nhau nêu vấn đề, tìm hiểu vấn đề, phân tích vấn đề, giải quyết vấn đề.

Vì vậy, Phật giáo, tôn giáo của đối thoại, không phải chỉ là tìm cách thích nghi với sinh hoạt văn hóa mới này, mà chính là làm sao lấy chính sinh hoạt văn hóa này làm thế mạnh cho truyền thông Phật giáo, trở lại bản chất đối thoại của Phật giáo.

Truyền thông Phật giáo nhưng chỉ là những bài viết dài dòng thuyết lý, một chiều thì chẳng những không phù hợp với tinh thần Phật giáo, mà cũng không phù hợp với truyền thông hiện đại. Phật giáo không phải là tôn giáo “giảng đạo”, mà là tôn giáo “vấn đạo” (từ “vấn đạo” thường gặp trong Phật giáo, mà rất hiếm trong các tôn giáo khác). Vì vậy, truyền thông Phật giáo hiện đại phải là truyền thông vấn đáp.

Câu hỏi có thể là từ một người nêu, nhưng thường là suy nghĩ chung của đại chúng, như cách chúng ta vẫn thường thấy trong kinh Phật. Trả lời câu hỏi trên phương tiện thông tin đại chúng trong mọi cơ hội có thể, không phân biệt báo điện tử, web, blog, facebook… là việc làm phù hợp với truyền thông Phật giáo.

Ngược lại, tránh né trả lời, lẫn trốn trả lời chính là một sự thể hiện tiêu cực trước công chúng. Bản thân việc đó cũng là một câu trả lời, nhưng rất bất lợi đối với người được hỏi. Nó diễn ra trước mặt của bao nhiêu người, lưu dấu tích lâu dài lại đó, hàng loạt  truy cập tiếp sau đều xem thấy.

Vì vậy, không chỉ những nhà lãnh đạo Phật giáo, mà tất cả tăng ni Phật tử, cần tiếp xúc với truyền thông Phật giáo bằng tinh thần mới, tinh thần đối thoại, sẵn sàng cho những câu hỏi và câu trả lời trên tinh thần đạo pháp.

Điều đó lại càng bức thiết hơn trong môi trường hành chính giáo hội, văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo (như trường hợp Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM).

MT

Chia sẻ: facebooktwittergoogle