Nêu lại câu hỏi về truyền thông Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam – Bài 1

 

Nêu lại câu hỏi về truyền thông Hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam – Bài 1

 

Minh Thạnh

1.      Ít lâu sau khi bài “Yếu kém trong truyền thông về HTKH “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” của tôi được đăng tải, trên trang Đạo Phật ngày nay có đăng bài “Trả lời các thắc mắc về Hội thảo Khoa học: 50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” của tác giả Thích Ngộ Dũng (TND).

Trong bài viết kể trên, tác giả TND có trả lời một số câu hỏi. Nhưng đó không phải là những câu hỏi mà tôi đã nêu ra với Ban Tổ chức Hội thảo phía Phật giáo. Những câu hỏi đó vẫn còn chưa được trả lời.

Vì tác giả TND đã không hiểu được những câu hỏi mà tôi nêu ra với Ban Tổ chức Hội thảo phía Phật giáo, nên tôi thấy cần phải có thêm bài viết này, với mức độ giải thích một cách chi tiết hơn, để phù hợp với trình độ người đọc.

Như vậy, bài viết của tôi vừa là sự thuyết minh chi tiết các câu hỏi đã nêu ra với Ban tổ chức Hội thảo, đồng thời cũng là một số ý trao đổi với tác giả TND.

Qua tên ký ở bài viết, “Thích Ngộ Dũng”, thì đây là một vị tu sĩ. Tôi xin bày tỏ sự tôn kính trong quan hệ tín đồ-tu sĩ, nhưng xin phép được trình bày ý kiến trao đổi trong bài viết này với tư cách là những tác giả làm học thuật Phật giáo, cùng mục tiêu muốn góp phần xây dựng đạo pháp hưng thịnh, xương minh, với cách xưng hô tương ứng.

2.      Trước hết, tôi không hề có ý “khinh thường” Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, là một phía trong Ban tổ chức, có ghi rõ trong nội dung các văn bản về hội thảo nói trên được chính thức công bố. Vì nếu khinh thường, tôi sẽ không nêu câu hỏi. Vì làm sao nêu câu hỏi với đối tượng không thể trả lời, không có khả năng trả lời, hoặc không thể trả lời với nội dung thỏa đáng. Câu hỏi chỉ được nêu ra với đối tượng có năng lực và trách nhiệm. Trong ý đó, đã có sự tôn trọng cần thiết!

Cùng từ ý đó, nên tôi không coi bài của tác giả TND là bài trả lời những câu hỏi của tôi. Vì tác giả TND không có trong Ban Tổ chức Hội thảo phía Phật giáo, do vậy không có quyền và trách nhiệm để trả lời, trừ khi có sự ủy nhiệm (nhưng theo tác giả TND viết đây chỉ là những gì tác giả “trực tiếp làm và cảm nhận được”, như một chia sẻ cá nhân).

Tôi, và có lẽ nhiều bạn đọc, tiếp tục chờ đợi câu trả lời từ những vị có trách nhiệm trong Ban Tổ chức Hội thảo phía Phật giáo. Đó vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của những người được xác định có trách nhiệm.

Tôi không tin là một vị thượng tọa có tài năng, có học vị và chức vụ cao như TT. Thích Nhật Từ lại bảo với tác giả TND “không nên bận tâm” về bài viết nêu câu hỏi của tôi. Khi làm việc có trách nhiệm, thì người chịu trách nhiệm nghiêm túc (từ lãnh đạo đến nhân viên thừa hành) đều sẽ hết sức quan tâm khi có những nhận xét, đánh giá, phản hồi đối với công việc mình làm, cho dù đó là nhận xét tốt hay không tốt, làm vui lòng hay buồn lòng. TT. Thích Nhật Từ là người đã thể hiện trách nhiệm qua nhiều Phật sự, biết lắng nghe, tu hạnh lắng nghe, giảng dạy hạnh lắng nghe chắc chắn sẽ không có những lời khuyên như thế. Vì vậy, tôi xin nêu ra câu hỏi ở chỗ này và mong câu trả lời của thượng tọa phủ nhận lời thuật lại như thế, một lời không phù hợp với tinh thần “lắng nghe” của nhà Phật, làm ảnh hưởng uy tín thượng tọa.

3.      Cũng trong nội dung đang bàn luận, tác giả TND có viết “nếu như muốn nói Ban tổ chức Hội thảo thì phải nêu cụ thể là ai”. Yêu cầu này có liên quan đến đối tượng tôi nêu câu hỏi trong bài viết trước, nên xin diễn giải chi tiết. Ban Tổ chức hội thảo Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)” được nêu đầy đủ trong văn bản Thư mời viết bài…, ký ngày 1/2/2013, có ghi chú rõ cơ quan công tác sau tên người, do đó, có thể xác định rõ đâu là thành viên Ban tổ chức phía Phật giáo.

Do tác giả TND yêu cầu nói rõ tên “cụ thể là ai”, nên tôi xin nêu lại dưới đây (chỉ về phía Phật giáo), căn cứ nội dung thư mời, dù là tôi chỉ muốn nêu chung chung, tế nhị:

Đồng Trưởng Ban chỉ đạo: HTTS Thích Trí Quảng (Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM).

Đồng Trưởng ban tổ chức: TTTS Thích Nhật Từ (Phó Viện Trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM).

Nội dung Thư mời viết bài… ký ngày 1/2/2013, không có số văn bản, phần “I. Mục đích và chủ đề của Hội thảo” xác định rõ Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM “đồng tổ chức Hội thảo Khoa học…”. Căn cứ văn bản trên, nêu rõ tên đơn vị tổ chức như thế là không hề “mang tính ngông cuồng, theo kiểu coi ai không ra gì và thích chứng minh mình là số một’ như tác giả TND viết.

Tôi chỉ muốn bình luận việc, không muốn nói tới cá nhân, không muốn nhấn mạnh đến người, không muốn đề cập đến ai, nên chỉ nêu tên cơ quan đứng tên tổ chức, theo văn bản hành chính. Rất tiếc, là đã có việc không hiểu, rồi do không hiểu lại phản ánh gay gắt.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp tác giả TND, từ đây, những bài viết sau của tôi sẽ cố gắng ghi rõ tên cá nhân có liên hệ với những chú thích thật đầy đủ và thật rõ ràng, thật chính xác, chức vụ, trách nhiệm.

Kính mong quý bạn đọc và cả những cá nhân được nêu rõ tên trong bài viết của tôi từ đây về sau hiểu và thông cảm cho việc chuyển đổi kỹ năng hành văn của tôi, khi mà việc dùng những danh từ chỉ đơn vị, hay hàm ý phiếm chỉ đã gây ở bạn đọc tình trạng không hiểu và phản ứng gay gắt đáng tiếc. Trong những phần bình luận, nhận xét dẫn tới câu hỏi, nội dung cũng sẽ được nhắm đến cá nhân xác định. Tất nhiên, là việc không trả lời sẽ có giá trị như xác định, như sự thừa nhận tính đúng đắn của bình luận, nhận xét của tôi để dẫn vào câu hỏi. Còn nếu thấy sai, hay có hiểu lầm, thì xin giải đáp thỏa đáng, tường tận, theo hạnh “lắng nghe” của nhà Phật.

4.      Qua cách trình bày vấn đề của tác giả TND, tôi thấy là  chẳng những tác giả TND không hiểu ở cấp độ chi tiết, mà còn không hiểu ở cấp độ toàn thể vấn đề tôi đặt ra.

Trước mắt, tôi vẫn tin là hội thảo thành công (từ tin tức trên truyền thông Phật giáo), cho nên không bàn về chính sự kiện hội thảo. Trong bài viết của mình, tôi viết rõ “Nếu không tổ chức truyền thông về Hội thảo khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở miền Nam (1963-2013)”, thành công của Hội thảo chỉ giới hạn trong vài trăm người tham dự hội thảo, vài ngàn người đọc quyển sách tuyển các bài viết (nhưng số người đọc bài viết cũng không thể cảm nhận được nội dung “hội thảo” với nghĩa như đã nói ở trên)”.

TT Thích Nhật Từ còn đưa ra mức giới hạn thấp hơn: “trên 400 người tham dự”, và không kể đến những người đọc quyển sách tuyển các bài viết. Hai phía không có khác biệt gì về kết luận Hội thảo thành công.

Đối tượng truyền thông mà tôi muốn Ban tổ chức Hội thảo phía Phật giáo hướng đến là tất cả những người không được dự hội thảo, trong nước và ngoài nước.Vì thế, cụm từ dùng ở tựa bài viết của tôi là “truyền thông về Hội thảo Khoa học…”. Với đối tượng chưa biết đến thành công của hội thảo MỘT CÁCH CỤ THỂ, CHI TIẾT, thì chúng ta mới tổ chức truyền thông, với ĐẶC TRƯNG TRUYỀN THÔNG VỀ HỘI THẢO KHOA HỌC. Còn với những người tham dự, thành công là quá rõ ràng, cần truyền thông làm gì.

Cái mà tôi đặt vấn đề là TRUYỀN THÔNG HẬU SỰ KIỆN. Tác giả TND đặt lại vấn đề ở sự kiện chính. Tới đây, hai bên không ăn nhập gì nhau. Tôi tự trách mình diễn đạt không kỹ, để người đọc không hiểu.

Truyền thông HẬU SỰ KIỆN là việc diễn ra sau khi sự kiện đã kết thúc, có thể kéo dài hàng nhiều tháng, đến thậm chí cả hơn cả năm, tùy trường hợp.

Tôi xin phép đi sâu vào vấn đề này, để đóng góp chút ít về truyền thông Phật giáo cho bạn đọc, cũng là giúp tác giả TND hiểu đúng hơn vấn đề.

Việc Ban Tổ chức Hội thảo gửi thư mời các đơn vị báo chí truyền thông đến dự là điều rõ ràng, đọc đâu, xem đâu cũng thấy tin. Điều đó Ban tổ chức không lẽ không làm, không lẽ không biết.

Điều mà tôi gọi là yếu kém truyền thông không phải chỉ giới hạn là “communication”, mà là “propaganda” (hiểu theo cách định nghĩa của Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô, không phải cách gọi “tuyên truyền” của phương Tây).

Tôi cảm thấy khó khăn khi tìm cách diễn đạt, cho trước hết là tác giả TND, sau đó, là đông đảo bạn đọc hiểu tại sao tôi đặt vấn đề “yếu kém về truyền thông” đối với “Hội thảo Khoa học 50 năm…”, vì thuật ngữ về khoa học truyền thông còn rất nghèo nàn, thiếu chuẩn xác, lại nhiều cách hiểu cách dịch (thí dụ “propaganda” theo quan điểm phương Tây có ý xấu nhưng tôi được học trong nhà trường là hoạt động tốt, có ích).

Dẫn chứng mà tác giả TND dẫn ra có thể tạm gọi là đưa tin. Điều này giới hạn ở hoạt động báo chí (đúng như tác giả TND liệt kê danh sách các đơn vị báo chí). Hoạt động đưa tin diễn ra khi sự kiện sắp được tổ chức, trong khi sự kiện tổ chức (trực tiếp truyền hình, phát thanh, online trực tiếp) VÀ SAU KHI SỰ KIỆN KẾT THÚC MỘT THỜI GIAN NGẮN thường là vài ngày, nhưng quan điểm truyền thông hiện đại, với truyền hình, internet là chỉ khoảng 24g, có khi từ sáng tới chiều). Quá thời gian giới hạn đó, nói theo lời của dân làm báo, tin đã “thiu”. Như bây giờ, không còn tờ báo nào đưa tin về Hội thảo Khoa học 50 năm… nữa.

Còn hoạt động truyền thông, thường DO CHÍNH ĐƠN VỊ TỔ CHỨC SỰ KIỆN TIẾN HÀNH là không giới hạn thời gian và có thể NHẰM MỤC TIÊU KHÁC VỚI ĐƯA TIN.

Đưa tin thì có kỹ thuật, có quy tắc của đưa tin (chẳng hạn chuyện gì, ở đâu, lúc nào, với những ai, diễn tiến). Ở từng tờ báo, tin có các mức giới hạn âm tiết cụ thể, buộc viết theo kỹ thuật hình tháp ngược…). Tin video, theo giáo khoa, thường có thời lượng 1 phút 30 giây, có nhà báo, đài truyền hình quan niệm ngắn hơn.

Một thí dụ, việc đưa tin về sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu chỉ giới hạn trong khoảng tháng 6/1963 hay hơn một chút.

Nhưng việc truyền thông cho sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu thì bây giờ chúng ta vẫn đang làm, 100 năm sau nữa vẫn làm.

Mục tiêu của 2 việc trên (đưa tin và truyền thông) trong trường hợp này khác nhau.

“Viết phê bình” như tác giả TND nói, là một hoạt động của truyền thông. Không nên lầm lẫn truyền thông chỉ là bao nhiêu đó. Thí dụ bây giờ, quảng cáo để bán quyển sách “Nhìn lại Phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963”, hay tái bản quyển sách đó cũng có thể được coi là hoạt động truyền thông cho sự kiện Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu hay cho hội thảo. Bởi người đọc sách nhiều, cũng có nghĩa là người nhận thấy đó là một hội thảo thành công tăng lên.

Yêu cầu truyền thông như thế không phải là “đòi hỏi chẳng chuyên nghiệp chút nào” như tác giả TND quan niệm, mà đó là đi sâu vào truyền thông chuyên nghiệp.

Xin cho phép nêu một thí dụ nữa, kẻo tôi bị mang tiếng oan là nêu “ý chủ quan”, “dài dòng”, “lạc đề”. Ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền – AJC (Academy of Journalism and Communication), hoạt động mà tác giả TND dẫn chứng là hoạt động đào tạo ở khoa Báo chí (Journalism), còn việc tôi đặt vấn đề có phạm vi đào tạo ở các khoa khác như khoa Tuyên truyền, Khoa Quan hệ công chúng – quảng cáo, Khoa Phát thanh Truyền hình, Khoa Quan hệ Quốc tế, Khoa Xuất bản, Khoa Văn hóa Phát triển… Ở đây “tuyên truyền” lại dịch ra “communication”, không phải dịch là “propaganda” như tên Học Viện lúc trước. Tác giả TND không hiểu câu hỏi của tôi nêu ra với Ban Tổ chức Hội thảo phía Phật giáo là cũng do sự phức tạp này về thuật ngữ của khoa truyền thông.

MT

Đón đọc “Bài 2: Thêm những câu hỏi…”

Tôi kính gửi loạt bài viết này đến địa chỉ email goibaidaophatngaynay@yahoo.com, đề nghị được đăng tải trên trang “Đạo Phật ngày nay”, để rộng đường ý kiến công chúng, tạo sự khách quan trong khoa học, và đề nghị trang “Phật tử Việt Nam” đăng toàn bộ bài viết của tác giả Thích Ngộ Dũng liên hệ đến vấn đề này. Đề nghị này xuất phát từ tinh thần thảo luận khoa học, mong được xem xét vì ý muốn đóng góp cho việc hoàn thiện truyền thông của Phật giáo Việt Nam.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle