Minh Thạnh
Ngày 2/7/2013, báo chí đưa tin, đoàn xe mở đường hộ tống bảo vệ
an ninh cho Nick Vujicic tại TPHCM đã bị xử phạt, còn đoàn xe làm việc tương tự
ở Hà Nội thì không, vì không vi phạm. Báo chí có đăng ảnh đoàn xe mở đường, hộ
tống, bảo vệ an ninh cho Nick Vujicic ở Hà Nội có xe công an lắp đèn ưu tiên (bảng
số 31A-2121) mở đường, ngoài ra có 8 mô tô phân khối lớn và 10 ô tô con.
Cuộc đón tiếp Nick Vujicic trên đường phố Hà Nội và TPHCM diễn ra
như đón quốc khách, nguyên thủ quốc gia. Tại TPHCM còn có việc múa gậy chỉ huy
giao thông, huơ dùi cui chặn xe để dẹp đường, sử dụng còi hụ, đèn báo ưu tiên
lưu thông gây náo loạn đường phố.
Chuyện đón tiếp nhà truyền bá phúc âm và diễn thuyết Nick Vujicic
như thế có liên quan gì đến Phật giáo chúng ta mà ở đây phải ghi lại?
Chuyện liên hệ đó là điều so sánh. Trong khi sự kiện Hội thảo
Khoa học “50 năm phong trào Phật giáo ở
miền Nam (1963-2013)”, sự kiện chính kỷ niệm 50 Pháp nạn lịch sử, chỉ được
truyền thông bằng việc thụ động chờ báo chí đưa tin, thì được coi là “ấn tượng”.
Đề xuất cần truyền thông hơn nữa thì bị nói là “dạy đời” (1). Còn phía tổ chức
truyền thông cho sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam thì tận dụng cả đoạn đường đi
để truyền thông, bên cạnh báo chí đưa tin, trực tiếp truyền hình sự kiện ở sân
vận động, làm phóng sự đủ loại, phát hành băng dĩa bằng DVD, bằng internet…
So sánh 2 kiểu làm truyền thông, thì thấy phía Phật giáo trong
truyền thông sự kiện của mình, tỏ ra hết
sức thụ động yếu kém, thua sút… Nó phản ánh một nhận thức kém cỏi, cần phải
tác động để điều chỉnh.
Nick Vujicic, một nhà truyền bá phúc âm và diễn giả tật nguyền
đâu có phải chính khách mà sợ ám sát, khủng bố, mà cần bảo vệ bằng xe công an
dẹp đường, đoàn mô tô hộ tống, hàng chục xe con tháp tùng, lại còn dùng cả còi
hụ đèn báo ưu tiên lưu thông, không khác đối với xe quốc khách, lãnh đạo nhà
nước.
Đó chẳng qua là họ muốn
truyền thông cho sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam. Báo in, đài phát thanh
truyền hình, trang mạng, phát tờ rơi, dựng pano, vẽ áp phích chân dung… Chưa đủ.
Còn cần truyền thông trên đường phố, có cả xe công an, mô tô phô trương cho mọi
người biết mới đủ.
Ở đây, công chúng truyền thông trước hết là người dân tham gia
giao thông ở Hà Nội, TPHCM, người ở ven đường nơi Nick Vujicic đi qua. Rồi chụp
ảnh, quay video. Hình ảnh thu được sẽ quảng bá trên truyền hình, trên mạng, ảnh
chụp thì đăng trên báo giấy trên mạng.
Không có bất kỳ vấn đề an ninh nào cả, mà cần thêm nhiều người
Việt Nam nữa biết đến chuyến đến thăm, công tác của diễn giả truyền bá phúc âm.
Do đó, đoạn đường đi của Nick Vujicic trở thành cơ hội để truyền thông, với cả
xe công an có dàn đèn chớp được huy động.
Tôi không chứng kiến cuộc dẹp đường hùng hậu này, nhưng chắc chắn
để truyền thông thì không cần tốc độ cao, không đi đoạn đường ngắn nhất, mà cốt
cho nhiều người biết đến chuyến công tác của Nick Vujicic càng nhiều càng tốt.
Đó mới là truyền thông.
Truyền thông có nội dung thông báo về sự kiện Nick Vujicic đến
Việt Nam chưa đủ, hoạt động truyền thông như thế còn nhằm vẽ nên những tia hào
quang xung quanh Nick Vujicic. Có xe công an mở đường, mô tô hộ tống, Nick
Vujicic không còn là một người bình thường. Anh ta đã
trở thành một sứ giả đặc biệt. Vị trí đó sẽ hỗ trợ những lời anh ta nói về
sau, trong đó có những lời truyền bá phúc âm, chức năng mà anh ta đã khẳng định,
sẽ được khai thác triệt để sau chuyến đi, cũng bằng các phương tiện truyền thông,
như DVD, internet, sách vở… Việc phát hành sách của một con người đặc biệt như
vậy, với chuyến đi có xe công an mở đường, mô tô hộ tống cũng không thể như một
tác giả bình thường.
Những kế hoạch truyền thông, quảng bá cho Nick Vujicic được bố
trí gắn kết liên hoàn chặt chẽ, bổ trợ cho nhau tối đa, tận dụng từng phút, từng
bước đi. Tin đưa ào ạt như thế nào đã đủ, nào đã thành “ấn tượng” gì cho cam.
Nếu chỉ coi việc đưa tin đã là “ấn tượng”, thì tổ chức tập kích truyền thông
liên hoàn như trường hợp Nick Vujicic là đến mức nào, “siêu ấn tượng” à?
Sự kiện Nick Vujicic diễn ra đồng thời với những sự kiện kỷ niệm
lớn của Phật giáo Việt Nam trong năm 1963 nên không thể không so sánh. Càng so
sánh càng thấy những người làm truyền thông Phật giáo Việt Nam càng thấp kém,
thiển cận, hạn hẹp trong tầm nhìn, nghèo nàn trong tư duy, cố chấp khi đánh giá.
Trong Phật giáo, để tôn cao một cá nhân, như một vị giảng sư, thì
cũng có cung thỉnh quang lâm, tôn kính đón rước, hương án, chuông trống nghi vệ…,
nhưng chỉ đi… vòng quanh sân chùa, tác động đến công chúng vài trăm người, nhiều
nhất là đến số ngàn. Làm gì có khách mời Phật
giáo, dù là đức tăng thống các nước láng giềng, được công an mở đường, mô tô hộ
tống mấy chục km, tác động đến cả trăm ngàn người trên đường phố, rồi chiếu lên
đài lên mạng cho khán giả xem như nghênh
đón vĩ nhân, thần tượng.
Qua bài này, tôi muốn nói rằng, truyền thông tinh vi lắm, phong
phú lắm, đa dạng lắm, nhiều cách lắm, khôn khéo lắm. Cần phải học truyền thông
nhiều để ứng dụng vào đạo Phật, không nên chỉ nghĩ truyền thông chỉ là vẻn vẹn
báo chí đến đưa tin, là đủ để liệt kê ra mà mãn nguyện, khoe khoang.
Cần nói thêm là việc xe công an mở đường mô tô hộ tống “bảo vệ an
ninh” cho Nick Vujicic ở Hà Nội không bị xử lý vì không vi phạm có thể được coi
là một bước truyền thông thăm dò, chưa vượt đèn đỏ, múa dùi cui, chặn xe, lấn
tuyến. Từ đó vào TPHCM, người ta mới làm tới để truyền thông ấn tượng hơn, ưu
tiên dùng âm thanh ánh sáng đặc biệt để tác động, lấn tuyến, vượt đèn đỏ nên mới
bị xử lý.
Về mặt lý luận, phô trương chưa phải truyền thông, nhưng
tạo ra tác động đến công chúng rộng rãi, dù là người đi trên đường, người ở
bên đường, thì đã là truyền thông.
Vấn đề là ở chỗ tác động đó!
(1)
Có thể tham khảo thêm bài
viết về truyền thông đối với một sự kiện Phật giáo của tác giả Thích Ngộ Dũng,
đăng trên trang “Đạo Phật ngày nay”, “Phật
tử Việt Nam”…