Quán chiếu sâu sắc kinh nghiệm tự thân

quan chieu sau sac

Đạo Phật mô tả những bất ổn và khổ đau của chúng ta, những nguyên nhân gây ra chúng, con đường để tự mình thoát khỏi mọi khổ đau và trạng thái hạnh phúc có được nhờ dứt trừ hoàn toàn mọi kinh nghiệm đau khổ. Đạo Phật là một phương thức tiếp cận đời sống giúp ta hành xử một cách hiệu quả với lòng thương yêu. Đạo Phật có những phương pháp thực tiễn có thể giúp ta đối trị với những khuynh hướng xấu và những bất ổn trong đời sống hằng ngày.

Trong suốt một ngày, ta trải qua biết bao cảm xúc. Có những cảm xúc cao quý như lòng từ bi, yêu thương chân thật. Có những cảm xúc luôn khuấy động sự an bình nội tâm và thúc đẩy ta hành động gây hại người khác như tham ái, sân hận, kiêu mạn, ích kỷ và ganh ghét. Các chương trong phần II này sẽ xem xét các khuynh hướng cảm xúc gây hại này và tìm hiểu một số phương pháp đối trị để làm lắng dịu và chuyển hóa chúng.

Toàn bộ các khuynh hướng cảm xúc gây hại được dựa trên nhận thức cố hữu cho rằng hạnh phúc và khổ đau đều đến từ bên ngoài chúng ta. Dường như mọi đau khổ hay hạnh phúc của ta đều là do những sự vật và người khác gây ra. Do đó, chúng ta luôn dựa vào các đối tượng bên ngoài mà ta tiếp xúc qua năm giác quan - thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm - để tìm kiếm hạnh phúc. Ta đinh ninh rằng hạnh phúc đang nằm ở “ngoài kia”, trong vật kia, chỗ kia hay con người kia. Chính vì vậy mà chúng ta luôn cố săn đuổi để có được những sự vật nào đó hay để được gần gũi với người nào đó. Tương tự, ta luôn cố tránh xa những sự vật và con người làm ta đau khổ, vì có vẻ như khổ đau của ta đã đến từ những sự vật, con người đó.

Quan điểm cho rằng hạnh phúc và khổ đau đến từ các sự vật, con người bên ngoài sẽ đặt chúng ta vào một tình cảnh nan giải, vì ta không bao giờ có thể kiểm soát hoàn toàn mọi sự vật và con người quanh ta. Chúng ta luôn cố để có được những gì mình muốn, nhưng ta chẳng bao giờ có đủ. Thường xuyên phải hứng chịu nỗi thất vọng, chúng ta luôn lùng sục để có được nhiều hơn, tốt hơn những gì mà ta cho là sẽ mang lại hạnh phúc cho mình. Nhưng có bao giờ ta gặp một người giàu có nào được hoàn toàn thỏa mãn đâu? Có bao giờ ta thấy được người nào hài lòng với tất cả các mối quan hệ bè bạn, thân tộc của họ đâu?

Tương tự như thế, bất cứ khi nào ta gặp phải một vấn đề bất ổn, ta luôn nghĩ đó là do một người hay sự vật bên ngoài gây ra. Ta quy trách rằng những bất ổn tâm lý của ta là do cách hành xử của bố mẹ đối với ta khi ta còn nhỏ. Ta đổ lỗi cho cấp trên của ta, nhân viên dưới quyền ta, và những người thân hay thầy dạy ta, rằng họ đã gây ra những bất mãn hiện nay của ta. Ta mong muốn mọi người quanh ta phải biết cách đối xử tốt hơn với ta. Người khác chẳng bao giờ được như ta mong muốn. Và ta cứ mãi thất vọng trong nỗ lực cố làm cho họ thay đổi.

Cuộc sống của ta có thể sẽ trở nên hết sức phức tạp nếu ta cố làm cho cả thế giới thay đổi theo ý mình. Thật không may là thế giới này chẳng chiều ý ta. May mắn lắm thì những ước mong và dự định của ta cũng chỉ thực hiện được phần nào. Dù ta có thể thành công nhất thời trong việc gây ảnh hưởng đến hành vi của người khác, nhưng ta không thể kiểm soát được những gì họ suy nghĩ và cảm nhận. Khi thực sự đạt được điều mình muốn, ta ngất ngây sung sướng; khi không đạt được, ta đâm ra thất vọng, phiền muộn. Như những cái xích đu cảm xúc, chúng ta cứ lên cao rồi xuống thấp tùy thuộc vào bất kỳ đối tượng hay con người nào mà ta tiếp xúc. Chỉ cần nhìn vào số lần thay đổi tâm trạng của ta trong một ngày hôm nay thôi, cũng đủ để khẳng định điều này.

Thế nhưng, khi quan sát những kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày của mình, ta nhận ra rằng hạnh phúc và sự tốt đẹp, khổ đau và điều bất như ý không nằm ở các đối tượng, con người bên ngoài. Vì nếu chúng nằm ở các đối tượng, con người bên ngoài thì lẽ ra tất cả chúng ta đều phải có cùng một cảm nhận và phản ứng như nhau đối với sự vật, bởi vì chúng ta đang cùng tiếp nhận những gì “ở ngoài kia”, vốn hoàn toàn độc lập với tự thân chúng ta.

Nhưng tất cả chúng ta không cùng thích những người hay sự vật: có người thích loại âm nhạc này trong khi người khác lại không. Bản thân chúng ta cũng không phải luôn luôn ưa thích một điều gì đó: lúc nhỏ ta thích truyện tranh, nhưng lớn lên ta thấy chúng chán ngắt. Điều đó cho thấy cảm xúc của ta đối với con người hay sự vật phụ thuộc vào cách thức mà chúng ta nhìn nhận và tiếp cận với đối tượng.

Do đó, bằng cách thay đổi nhận thức và phương cách tiếp cận đối với sự vật và con người, chúng ta có thể thay đổi cảm xúc của ta về đối tượng. Chúng ta có thể nhận ra suy tưởng quá cường điệu hoặc chưa đúng mức về sự vật và con người để rồi điều chỉnh những khái niệm sai lầm. Bằng cách này, chúng ta sẽ tiếp cận với sự vật một cách thực tiễn hơn, và ta sẽ được hài lòng hơn. Bằng sự đoạn trừ những nhận thức sai lạc dẫn đến chấp thủ, sân hận, ích kỷ, kiêu mạn và ghen tỵ, chúng ta sẽ có thái độ sống quân bình, an ổn trong sự liên hệ với của cải vật chất và mọi người xung quanh.

Hoàng Nguyên-Nguyễn Minh Tiến dịch

Chia sẻ: facebooktwittergoogle