Minh Thạnh
Vấn đề
Hiện nay, vào một nhà sách, chúng ta không khó để tìm những tựa
sách Phật học. Nhưng để tìm sách Phật giáo cho riêng đối tượng
thiếu niên, nhi đồng (khoảng từ tuổi biết đọc cho đến 16 tuổi) thì lại là
điều vô cùng khó. Thỉnh thoảng, có thể thấy trên kệ có vài
quyển Truyện cổ Phật giáo hay truyện tranh. Chỉ
có thế thôi và thường không vượt qua được giới hạn đó.
Chất lượng in ấn sách
Phật giáo dành cho thiếu nhi thường cũng không cao, truyện tranh thường chỉ là tranh
đen trắng, hiếm thấy tranh màu. Cái lợi giá thành hạ thì đã
đành nhưng nhược điểm kém hấp dẫn đối với trẻ nhỏ cũng bộc lộ rõ.
Tìm sách Phật giáo dành
cho thiếu nhi ở phòng phát hành kinh sách các chùa càng
là một việc khó hơn.
Đó là về sách. Còn báo chí Phật giáo dành riêng cho đối tượng thiếu niên
nhi đồng có thể nói là một mảng trắng. Báo, tạp chí hay
dạng ấn phẩm định kỳ Phật giáo cũng đã có thể chiếm một số vị trí trang trọng
trong một số nhà sách. Trong khi đó, báo, tạp chí, ấn phẩm định kỳ Phật
giáo dành riêng cho đối tượng thiếu niên
nhi đồng không có. Điều đáng tiếc này diễn ra trong bối
cảnh tạp chí, ấn phẩm định kỳ Phật giáo nhìn chung đã có chuyển biến trong việc xuất bản, phát hành thời
gian qua. Bài viết trên các tạp chí, ấn phẩm định kỳ Phật giáo hiện nay đi vào
chiều sâu, thích hợp với người có học am hiểu Phật pháp, không thích hợp với
giới trẻ, thiếu niên, nhi đồng, với đặc điểm riêng về lứa tuổi, về tâm lý, trình
độ Phật học cũng như trình độ lãnh hội nói chung còn giới hạn.
Tuy nhiên, thiếu niên
nhi đồng lại là đối tượng có nhu cầu lớn về việc đọc sách, báo.
Nhìn
chung, mảng sách báo dành riêng cho thiếu niên nhi đồng vẫn là một mảng
lớn của hoạt động xuất bản, phát hành sách báo. Sách dành cho thiếu
nhi luôn chiếm một diện tích nhất định, thường là ở mức tương đối khá
trong các nhà sách. Sách thiếu nhi thường có số lượng bản in vượt trội so với sách dành cho
người lớn và chu trình tái bản cũng thường là ngắn hơn.
Bối cảnh thực tế như trên đặt ra vấn đề đối với những người có
trách nhiệm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách báo Phật giáo. Tình hình chung
như thế, không thể nói là mảng sách báo Phật giáo dành cho thanh thiếu niên
không có nhu cầu. Nhu cầu đó lại càng đáng lưu ý trong khi trẻ em hư hỏng, phạm
tội gia tăng, bạo lực học đường trở thành vấn nạn, các kênh giáo dục thiếu niên
nhi đồng cần phải được đầu tư hơn bao giờ hết.
Chắc hẳn, rất nhiều gia
đình Phật tử muốn con em mình sớm được tiếp cận với sách báo Phật giáo có nội
dung thích hợp với lứa tuổi, trình độ, khả năng tiếp nhận và sở thích các em.
Sách báo Phật học dành cho người lớn, nhìn chung hiện
nay là rất dễ tìm. Trong khi điều đó, như đã phân tích ở trên,
không có được đối với sách báo Phật giáo dành cho con trẻ.
Có thể làm gì để giải
quyết vấn đề
Trong lịch sử phát triển
Phật giáo Việt Nam hiện đại, vấn đề sách báo cho thiếu niên nhi đồng đã được quan tâm từ rất sớm.
Bài viết “Về
lịch sử hình thành và hoạt động của Gia đình Phật tử trong Phật giáo Việt Nam”
của tác giả Lê Văn Đính, đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo số 3 năm
2004 có cho chúng ta thông tin, mà có lẽ bây giờ chúng ta phải lấy làm ngạc
nhiên. Đó là từ những năm 1940, trong bối cảnh sơ khai của tổ chức Gia đình Phật
tử Việt Nam, Đoàn Phật học Đức Dục, đơn vị tiền thân của Gia đình Phật tử Việt
Nam đã “xuất bản các tập san như Phật pháp và Đức dục, Đời vui, Ánh đạo vàng,
Thanh niên Đức dục, Đạo Phật…”
Nếu so sánh thông tin kể
trên với hiện trạng năm 2012, Phật giáo Việt Nam đã không có tờ báo chính thức
nào cho thiếu niên nhi đồng Phật tử, thì quả thật là
điều đáng băn khoăn!
Hiện trạng bất hợp lý, không bình thường như thế khiến Phật giáo
Việt Nam chúng ta phải tìm hướng giải quyết.
Nếu tờ báo chính thức còn
là ước mơ, thì sách thiếu nhi Phật giáo, các hình thức phụ bản dành cho thiếu nhi của
những tờ báo, tạp chí Phật giáo là điều có thể nghĩ đến.
Các cơ quan hữu quan của
Giáo hội, các chùa lớn có thể tổ chức những cuộc vận động sáng tác biên soạn
sách Phật giáo dành cho thiếu nhi.
Những đơn vị, cá nhân làm
sách Phật giáo có thể hướng đến các hình thức tủ sách Phật giáo dành cho thiếu
nhi, sưu tầm chọn lọc, trích tuyển những tác phẩm Phật giáo phù hợp với
thiếu nhi xuất bản thành những thư mục riêng, hướng đến đối tượng bạn đọc cụ thể
này.
Tổ chức những cuộc vận
động, những giải thưởng sáng tác văn học Phật giáo dành cho thiếu
nhi để có được tác phẩm cần thiết cũng là điều cần được tính đến.
Những gì đã làm được thì cần tập trung nâng cấp. Ở đây chúng tôi muốn nói đến mảng truyện tranh
Phật giáo.
Truyện tranh là thể loại sách thu
hút nhiều bạn đọc nhỏ tuổi. Điều đáng mừng là Phật giáo Việt Nam chúng ta đã có một số đầu sách
là truyện tranh. Tuy nhiên, phần lớn chỉ mới là truyện
có tranh minh họa, chưa phải là truyện tranh đúng nghĩa, với ngôn ngữ hình vẽ là
chính. Chắc chắn, truyện tranh Phật giáo sẽ có tác động
mạnh mẽ hơn đến bạn đọc nhỏ tuổi khi nó được hoàn thiện, nâng cấp.
Với tầm nhìn xa, nên
hướng đến ấn phẩm định kỳ phục vụ riêng cho Phật tử thiếu niên nhi đồng, hình thức đẹp, bắt mắt, nội dung phong phú. Công
việc nên bắt đầu từ các đơn vị, tập thể đang tổ chức thực hiện báo Phật giáo
cũng như các ấn phẩm Phật giáo định kỳ bằng phương thức phụ bản dành cho thiếu
nhi, tiến dần từng bước đến mục tiêu một tờ báo thiếu nhi có chất lượng.