Phật giáo Nga: phát triển đa dạng

phat giao nga

Minh Thạnh

KHÁI QUÁT

Nga, có thể nói, là một quốc gia theo đạo Phật, vì Phật giáo được luật pháp xác định là một trong bốn tôn giáo truyền thống của Liêng Bang Nga (bên cạnh Cơ đốc Chính thống giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo). Vì vậy, Phật giáo Nga, tuy chỉ phát triển mạnh ở một số địa phương, nhưng lại là một tôn giáo quốc gia. Các trường học trên toàn lãnh thổ Liên Bang Nga, về nguyên tắc, phải giảng dạy giáo lý và lịch sử Phật giáo Nga trong môn học về các tôn giáo ở Nga.

Phật giáo ở Nga có thể chia làm 2 phần: Phật giáo học thuật và Phật giáo tôn giáo. Phật giáo học thuật bao gồm tất cả tông phái Phật giáo, trong đó có Phật giáo Nam tông, là đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học Nga. Còn Phật giáo tôn giáo chủ yếu là Phật giáo Bắc Tông Tạng truyền, mang màu sắc Mông Cổ, thuộc dòng Mũ vàng Truyền thừa Phật giáo này có từ thế kỷ XIV và truyền bá vào nước Nga vào thế kỷ XVII.

Trước đây, các cơ sở thờ tự Phật giáo Nga hầu như đều theo truyền thừa này, với một tổ chức là Giáo hội Tăng già Phật giáo cổ truyền Nga. Tăng sĩ Phật giáo Nga được gọi là Lạt Ma.

Hiện nay, nhiều tông phái mới du nhập vào Nga, hình thành diện mạo Phật giáo phát triển đa dạng.

GIAI ĐOẠN KHỞI NGUYÊN TRUYỀN BÁ

Phật giáo có mặt trên lãnh thổ Nga từ những người Mông Cổ. Vùng truyền bá đầu tiên là hạ nguồn Volga và ngoại Baikan. Cư dân vùng này đã sớm sùng tín Phật giáo. Ngoài người Mông Cổ Kalmưk , Buriat, một số dân tộc khác ở địa phương cũng theo đạo Phật Lạt Ma, gồm cả vùng Tuva, Enisêi.

Trước khi Phật giáo được truyền bá, tín ngưỡng ở những vùng trên thuộc lãnh thổ Nga theo Sa Man giáo. Những dấu ấn Phật giáo đầu tiên xuất hiện ở Nga từ thế kỷ XIII. Việc truyền bá Phật giáo được thực hiện theo phương thức du mục. Chùa Phật được lập trên các xe kéo, thường là gồm 3 xe. Trên đó, có các bàn thờ Phật. Bàn thờ Phật cũng được dựng tạm trong các lều du mục. Các chùa Phật du cư này được gọi là Khuluda.

Sau thời gian thờ Phật du cư, trên lãnh thổ Nga đã có các chùa Phật được xây bằng gỗ. Đó là vào thế kỷ XVII. Người ta thường nhắc đến tự viện có tên “Đarkkhan – Dorgin – kit”, có người dịch là “Bảy điện”, thời gian xây dựng được cho là đầu thế kỷ XVII, tại Semipalatinsk hiện nay.

Từ thế kỷ XVII, chùa Phật bằng gỗ được xây dựng ở nhiều nơi trên đất Nga, kể cả phần lãnh thổ châu Âu (vùng Kalmưkia). Phật giáo phát triển, nhưng tín ngưỡng Saman bản địa vẫn tồn tại song song. Ở nhiều nơi đạo Saman trộn lẫn với Phật giáo Lạt Ma tạo thành một tín ngưỡng đặc biệt.

Thế kỷ XVII, tại Nga, cùng với việc xuất hiện chùa Phật, tập thể Tăng sĩ (Lạt Ma) cũng bắt đầu trở nên đông đảo. Các chùa lớn là Xongolski, Gusinoorzerski, Khorinski…

Thế kỷ XVIII, Triều đình Sa hoàng Nga đã công nhận Phật giáo là tôn giáo chính thức của Nga. Phật giáo ở Nga kết thúc giai đoạn du nhập, chuyển sang giai đoạn phát triển.

PHẬT GIÁO LÀ TÔN GIÁO CHÍNH TẠI NHIỀU ĐỊA PHƯƠNG Ở NGA

Các địa phương theo Phật giáo ở Nga là Buratia, Kalmưkia, Nam Sibêri (người Tuvin).

Số Tăng sĩ Phật giáo ở từng vùng lên đến nhiều ngàn người, thực hiện những phương thức tu hành Tạng truyền.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có tài liệu ghi nhận tình trạng Tăng sĩ sống ngoài tu viện, do tình trạng đông đảo và điều kiện sống ở một số tu viện xuống thấp từ những biến động do cải cách hành chính, cải cách ruộng đất.

Các vị cao tăng ở giai đoạn này là các Lạt Ma Agvan Dorgiev, Iroltuev… Riêng Lạt Ma A. Dorgiev đã chủ trì xây dựng chùa Gunzetroinei ở Saint Peterburg. Đây là chùa Phật giáo lớn đầu tiên ở thủ đô Nga và là trung tâm Phật giáo đầu tiên ở châu Âu, do chính Lạt Ma A. Dorgiev trụ trì. Phật giáo Tạng truyền là tông phái Phật giáo đầu tiên truyền đến châu Âu với tư cách một tôn giáo thông qua con đường Á - Âu của nước Nga.

Trình độ Phật học chư tăng ở các vùng Phật giáo truyền thống của Nga được nâng cao.

Hoạt động nghiên cứu Phật học do các nhà khoa học người Nga chủ trì phát triển tại thủ đô Nga với nhiều công trình được xuất bản.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Phật giáo Nga phát triển đến giai đoạn đỉnh cao, cả về học thuật lẫn truyền bá. Nhiều người Nga trí thức và quý tộc tìm hiểu về Phật giáo.

Sau Cách mạng Tháng Mười, Phật giáo Liên Xô vẫn còn phát triển trong khoảng 10 năm nữa, với sự ủng hộ của Dân ủy Giáo dục Chính phủ Xô Viết là Lunacharski.

Trong Phật giáo Nga đã diễn ra sự phân hóa, giữa một bên hướng về việc tích cực thay đổi theo chính quyền Xô Viết và một bên giữ những truyền thống cũ.

Từ năm 1930 đến năm 1945, Phật giáo Liên Xô gặp nhiều khó khăn. Nhiều chùa Phật giáo bị giải thể, không còn tu sĩ. Tình hình như thế là chung ở Buriatia, Kalmưkia và Tuna, cho dù trên danh nghĩa, Tuna là độc lập.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, các Phật tử Liên Xô đã góp phần tích cực trong kháng chiến. Vì vậy, quan hệ giữa chính quyền Xô Viết và Phật giáo được cải thiện. Một số chùa được khôi phục. Năm 1946, đã diễn ra một hội nghị Phật giáo và sau đó dẫn đến việc thành lập Giáo hội Phật giáo Liên Xô, cơ quan Trung Ương là “Hội đồng Trung Ương Giáo hội Phật giáo Liên Xô”, chủ tịch hội đồng là một Panđiđo – Khambô Lạt Ma Lobsan – Nima Darmaev.

Tuy nhiên Phật giáo Liên Xô vẫn có 2 thành phần: hợp pháp, thân nhà nước và không hợp pháp, độc lập với nhà nước, không đăng ký.

Hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo Liên Xô có một số hoạt động về đối ngoại và giáo dục.

Phía Phật giáo Liên Xô không công khai thì có những hoạt động về nghi lễ mang tính nội bộ và y học cổ truyền Tây Tạng (1).

PHẬT GIÁO NGA PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG

Phật giáo Liên Xô đẩy mạnh bước khôi phục sau khi Liên Xô tiến hành chính sách đổi mới.

Năm 1990, sau bước hoàn trả nhiều chùa ở Tuva và Kalmưkia, chùa ở Leningrat được hoàn trả và tái hoạt động.

Từ năm 1991, với sự thành lập SNG, Phật giáo Nga phát triển mạnh mẽ.

Năm 1993, Lạt Ma Troi Dorgie Buđaev được tấn phong Khambô – Lạt Ma.

Tuy nhiên, nhiều tổ chức Phật giáo mới được thành lập, cả trong Phật giáo truyền thống ở Nga lẫn Phật giáo mới du nhập. Con số tổ chức Phật giáo ở Nga, theo một số tài liệu, đã lên đến mức 200. Họ hoạt động tương đối độc lập với nhau, trong khi Giáo hội Phật giáo cổ truyền Nga vẫn giữ vai trò chủ đạo ở Buratia, Kalmưkia và Tuva.

Ở những vùng này, sự phục hưng Phật giáo gắn liền với sự khôi phục bản sắc các dân tộc ở địa phương.

Một trong những vấn đề lớn mà Phật giáo cổ truyền Nga phải giải quyết là đào tạo tăng tài. Nhiều Tăng sĩ đã được cử đi du học và số tăng sĩ có trình độ đã tăng lên thấy rõ. Việc phổ cập giáo lý được cải thiện.

Những tổ chức Phật giáo mới thành lập từ sau khi nhà nước Liên Bang Nga ra đời được gọi là Phật giáo mới (phân biệt với Phật giáo cổ truyền Mũ Vàng).

Phật giáo mới ở Nga rất đa dạng, gồm nhiều tông phái, trong đó có cả một số dòng của Phật giáo Tạng truyền. Bên cạnh đó, là nhiều tông phái Bắc tông, Nam tông, trong đó có thể kể đến Tịnh độ Tông Việt Nam. Nhiều tổ chức Phật giáo từ nhiều nguồn trên thế giới đã và đang tích cực truyền bá Phật giáo tại Liên Bang Nga.

Đức Đạt Lai Lạt Ma XIV cũng đã có chuyến viếng thăm Liên Bang Nga và được hoan nghênh nhiệt liệt.

Tuy nhiên, về mặt trái, cũng có thể kể đến xu hướng truyền bá những “sự thần bí phương Đông” dưới màu sắc Phật giáo.

Nhóm Phật giáo mới thu hút được một số đông tín đồ là thành phần trí thức Nga đã tạo nên một diện mạo mới cho Phật giáo Nga hiện đại.

MT

 

Chùa Samye Dzong , ngoại ô thủ đô Moscow

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle