Không lấy “an thân” làm trọng

Đầu năm bạn đi chùa dương sao, cầu an, không dám tham lam ham hố khấn những lời thô tục, kiểu như “Cầu Phật cho thăng chức, cho buôn bán một vốn bốn lời”, chỉ dám thì thầm hứa với Đức Phật Tổ sẽ cố gắng lương thiện, cố làm một điều tốt những mong một chữ “An” cho gia đình.

Nhớ lại ngôi chùa yên tĩnh ở một góc ngoại ô lắm gương mặt trẻ khiêm tốn cúi đầu lắng nghe tiếng kinh kệ, bỗng lăn tăn thắc mắc còn trẻ trung nhiệt huyết sao sớm quan tâm chữ “An” vậy! Hai phần thời gian một năm cũng đã qua, vậy mà sân chùa ngày Rằm dường như còn đông hơn dạo nào.

Cuộc sống đang bất an đến nghẹt thở. Thỉnh thoảng lại nghe một người quen biết, người hàng xóm, bạn bè biến mất vì làm ăn thua lỗ. Đôi khi lại thảng thốt kêu lên vì một vụ án mà ở đó tính chất tội ác luôn lập đỉnh mới.

Chỉ cần mỗi sáng, mở báo ra là chúng ta đã thấy.

Một cô gái xinh đẹp cứa cổ người tình hờ. Một đứa trai chưa đủ 18 tuổi đã ra tay tàn độc, nhẫn tâm cầm dao giết 3 người để cướp vàng. Một con thú đội lớp người ở Sơn Tây xâm hại cô bé 8 tuổi và giết chết em gái 4 tuổi của cô bé rất man rợ. Một thiếu nữ ở quê ra tham quan hồ Hoàn Kiếm, bị lừa cưỡng bức giữa trung tâm thủ đô. Những băng cướp giật luôn nhắm vào du khách quanh chợ Bến Thành... Điểm dừng ở đâu khi đôi mắt chúng ta không thấy cái đẹp của sự bình yên?

Mỗi buổi tối bước ra đường, thấy mấy đứa trẻ đạp xe lượn vòng quanh con hẻm, người lớn lập tức quát đuổi chúng về nhà: “Trời tối thế này còn ở ngoài đường không sợ à!”. Bọn trẻ ngơ ngác nhìn lên bầu trời đầy sao, tóc chúng vắt qua vắt lại đón ngọn gió mát cuối Hè đầu Thu, chúng thắc mắc về một thế giới người lớn luôn sợ hãi, dè chừng!

Sống trong nỗi sợ quả là mệt mỏi khi chúng ta lao đến cửa hàng hỏi mua bình xịt tự vệ cá nhân cho con gái! Bàn về những bản án, mọi người đòi hỏi phải đưa ra những khung hình phạt mới phạt thật nặng cho những đỉnh cao tội ác như thế. Đó là cuộc bàn đau đớn trong những lúc trà dư tửu hậu.

Những lúc như thế người ta lại nhớ đến phong trào “Thành phố năm không” của Đà Nẵng khởi xướng cách đây 10 năm, đến nay, phong trào đó đã bám rễ và cho nơi này một thương hiệu thành phố văn minh và bình yên nhất.

Mỗi một chính sách mới ra, Đà Nẵng lại nhận được một tiếng “huýt còi” vi phạm về luật định. Nhưng hãy điểm lại, có lẽ Đà Nẵng là thành phố duy nhất của Việt Nam, cũng có thể là duy nhất ở Đông Nam Á, suốt 10 năm trên địa bàn thành phố này không xảy ra một vụ giết người với mục đích cướp của.

Án mạng có xảy ra vì những lý do khác, nhưng không vì nghèo đói, vì xã hội nhiễu nhương hỗn loạn mà cướp của giết người. Ngay các băng nhóm người nhập cư cũng không thể hoạt động như những kẻ tội phạm giết người cướp của ở đây được. Chương trình “Thành phố năm không” của Đà Nẵng nên được coi là một công trình khoa học xã hội có giá trị nhân văn và giá trị thực tiễn cao qua 10 năm thực hiện, xứng đáng được nghiên cứu  thấu đáo để nhân rộng thành một mô hình, có ảnh hưởng tốt đến các chính sách kinh tế xã hội của chính quyền đô thị.

Công trình khoa học xã hội đó có chủ nhiệm đề tài là chính quyền với năng lực là các chính sách hỗ trợ người nghèo đói có việc làm, được chữa bệnh miễn phí, hỗ trợ người có tiền án, nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng bằng đồng vốn lập nghiệp... Nhân tố thực hiện đề tài này là tổ dân phố kiểm soát tất cả những biểu hiện bất thường dẫn đến nguy cơ về an ninh, trật tự xã hội. Những chính sách đó cho mỗi người có việc làm, có thu nhập, không bị đẩy vào bước đường cùng.

150 nghìn hộ gia đình bị giải tỏa nhà cửa di dời đến nơi ở mới gặp khó khăn trong an cư lạc nghiệp, nhưng hiện trạng xã hội không bị rối loạn từ đó, mặc dù đô thị có tốc độ phát triển rất nhanh nhưng các giá trị nền tảng văn hóa ít chao đảo, lung lay giúp cho con  người bình tâm hướng thiện.

Ở đô thị nào tại Việt Nam bạn có thể đi ngắm chiếc cầu quay hoạt động vào lúc 1 giờ sáng rồi ung dung tản bộ về khách sạn, không bị cảm giác sợ hãi nguy hiểm lấn át cảm xúc? Ở đâu không có người lang thang xin ăn ban ngày và ngủ bụi gầm cầu, vỉa hè ban đêm? Đó là Đà Nẵng.

Chúng ta tin rằng thành phố này không cầu một chữ “An”, họ cần chữ “Dũng” để tập hợp nghị lực, sức mạnh không để đổ vỡ những thành quả tốt đẹp đạt được về kinh tế và xã hội. 

Tiếc rằng đến nay bao đoàn chính quyền thành phố trong nước đã đến tham quan kinh nghiệm làm “Thành phố 5 không” của Đà Nẵng, nhưng cả nước vẫn chưa thấy chính quyền của thành phố nào quyết tâm đặt ra những chương trình xã hội mang tính toàn diện để giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng về an sinh của người dân đô thị. Tội ác vẫn leo thang. Khoảng cách giàu nghèo vẫn ngày càng nới rộng. Sự bất bình  của dư luận về nền tảng văn hóa đạo đức xuống cấp.  

Xã hội ta không nên cầu một chữ “An” cho riêng mình, nên cầu một chữ “Dũng” cho những gương mặt trẻ quanh đây, cho thế hệ này có đủ sức mạnh để nhìn thẳng vào những khó khăn của gia đình, của đất nước. Đừng để chữ “Dũng” mòn đi, mềm đi trên thương trường, trên biên giới và trong chính mối quan hệ đối nhân xử thế vốn lấy “an thân” làm trọng.


BÍCH HỒNG

DNSG

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle