Sinh hoạt gia đình Phật tử trong bối cảnh mới: Thời cơ và thách thức

sinh hoat gia dinh phat tu

Minh Thạnh

 

Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã có dịp đề cập đến hoạt động Gia đình Phật tử trong bối cảnh số lượng thanh thiếu niên tăng trong mức gia tăng chung của dân số. Đồng thời, cũng điểm qua mối quan hệ giữa hoạt động Gia đình Phật tử với số lượng Phật tử đi chùa, trong đó, đáng lưu ý là so sánh với thanh niên Phật tử nói chung.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ có đôi nét so sánh hoạt động Gia đình Phật tử hiện nay trong tình hình các tổ chức đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên (không kể các tổ chức Đoàn, Đội, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam…), đang trong tiến trình khôi phục, tái tổ chức, gia tăng hoạt động cũng như mới thành lập một cách tự phát, không chính thức (như Hướng đạo, các tổ chức thanh thiếu niên tôn giáo mang màu sắc Hướng đạo ngoài Phật giáo…).

Từ các năm 2010, 2011…, mỗi sáng chủ nhật, tại các công viên lớn ở thành phố Hồ Chí Minh như: Tao Đàn, 23 tháng 9, Hoàng Văn Thụ, Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám…, dần dần xuất hiện ngày càng nhiều những nhóm sinh hoạt thanh thiếu niên. Thường số thanh thiếu niên này tập họp thành từng nhóm khoảng vài chục em, để ca hát, nhảy múa, liên hoan ngoài trời, chơi các trò chơi tập thể…, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn, có khi là tự các em, có khi là một người lớn tuổi.

Ban đầu, có thể thấy sinh hoạt như thế còn mang tính tự do, lỏng lẻo, nhóm nhỏ, không đồng phục. Tuy nhiên, sau đó, số thanh thiếu niên tham gia trong từng nhóm ngày càng đông, bắt đầu có những trò chơi lớn, quy tụ có thể đến hàng trăm em. Đồng phục cũng bắt đầu định hình. Từ quần áo cùng màu, nay đã tiến đến một số dạng đồng phục như hướng đạo, hay có tính chất tương tự, có mũ, khăn quàng, huy hiệu, nghi thức…, khá đa dạng.

Có thể thấy, một trong số những đoàn thể thanh thiếu niên được hình thành như thế là sự phục hồi của phong trào Hướng đạo. Tuy nhiên, xen vào đó, là những tổ chức thanh thiếu niên từ nhiều xuất xứ (không phải Gia đình Phật tử), đặc biệt là từ các tôn giáo khác.

Tổng số thanh thiếu niên tham gia các hình thức sinh hoạt tập thể ngoài trời như thế, có khi, còn đông hơn cả số người dạo chơi, tập thể dục ở các công viên vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần.

Sự kiện được ghi nhận ở trên nói lên điều gì?

Đó là người dân thành phố bắt đầu có xu hướng đưa con em mình vào sinh hoạt theo hình thức Hướng đạo và tương tự. Việc cha mẹ chở con cái, mặc các loại đồng phục đến công viên tham gia sinh hoạt là điều thường thấy hiện nay trên đường phố Sài Gòn.

Xu hướng này vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với hoạt động của Gia đình Phật tử.

Thời cơ, đó là khi Gia đình Phật tử, một tổ chức đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên Phật tử mang màu sắc Hướng đạo, phải kịp thời nắm bắt xu hướng này, để vận động, thúc đẩy phụ huynh là Phật tử đưa con em mình tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử nhiều hơn. Tự thân tổ chức Gia đình Phật tử phải kịp thời triển khai những phương thức thích hợp, nhằm thu hút thanh thiếu niên Phật tử vào đội ngũ, mở rộng tổ chức Gia đình Phật tử, sao cho số lượng đoàn sinh quy mô trong sinh hoạt… phát triển vượt bậc, tương xứng với xu hướng chung của hoạt động thanh niên đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam như đã ghi nhận ở trên.

Thách thức, đó là khi hoạt động Gia đình Phật tử không bắt kịp xu thế thời đại. Con em trong gia đình theo đạo Phật lại không tham gia sinh hoạt Gia đình Phật tử, mà lại tham gia các hình thức đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên tự phát khác, có thể không rõ xuất xứ, mục tiêu.

Hiện nay, các Huynh trưởng Gia đình Phật tử, phần đông những người chỉ đạo, hướng dẫn Gia đình Phật tử, qua quá trình sinh hoạt, nay tuổi đã cao, quỹ thời gian không còn nhiều…Tuy có đào tạo nên một thế hệ Huynh trưởng trẻ, nhưng thế hệ Huynh trưởng này chưa có kinh nghiệm, chưa từng trải với sinh hoạt Gia đình Phật tử trong giai đoạn khó khăn hiện tại và là thành phần phụ thuộc.

Vì vậy, theo chúng tôi, thời gian hiện nay, và chỉ trong vài năm, là thời gian có ý nghĩa quyết định đối với việc đẩy mạnh hoạt động Gia đình Phật tử, sao cho tương xứng với sự phát triển sinh hoạt thanh thiếu niên nói chung, đáp ứng một xu thế mới, xu thế đang lên của xã hội.

Nếu triển khai không kịp thời, không tích cực, không đạt được yêu cầu cần có, thì Gia đình Phật tử sẽ trở nên mờ nhạt trong sự phát triển chung của phong trào thanh thiếu niên hiện nay, và trở nên tụt hậu, diễn tiến xuống cấp với một tỷ lệ không tương xứng với số lượng thanh thiếu niên được tập hợp như đã trình bày ở trên.

Điều càng băn khoăn, lo lắng là các tổ chức thanh thiếu niên của các tôn giáo khác, lâu nay, vẫn sinh hoạt âm thầm, kín đáo, thì bây giờ đó đây, đã có những biểu hiện bột phát về mặt bề nổi. Đã thấy những khăn quàng màu lạ kết nhau từng đoàn nối dài vào những chiều chủ nhật trên đường phố một số tỉnh thành, dù mới là việc “xé rào”?

Người ta đang ở trong giai đoạn tăng tốc để thu hút tổ chức, đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên trong sự phức tạp của nó.

Trước bối cảnh đó, trách nhiệm đặt ra cho hàng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đối với việc tạo nên một chuyển biến đột phá trong hoạt động Gia đình Phật tử là hết sức nặng nề. Chậm chân, mọi việc có thể muộn màng, sa sút.

Vì thế, những người lãnh đạo cần có một dự báo cho hoạt động của Gia đình Phật tử trong xu hướng bộc phát, có tính bước ngoặt của phong trào sinh hoạt thanh thiếu niên nói chung vào thời gian sắp tới. Tuy nhiên, nếu chúng ta xét thấy tình trạng hoạt động của Gia đình Phật tử hiện nay, không thể có một dự báo lạc quan, thì nên thay vào đó, một dự báo dè dặt, tương đối.

Nhìn bức tranh tổng thể, với một dự báo như vậy, không phải là để chúng ta bi quan, mà là để chúng ta quan tâm nhiều hơn đến vấn đề, để có những bước thúc đẩy thích hợp trong hoàn cảnh mới.

Là người Phật tử, chúng ta hoan hỷ với xu hướng phát triển các hình thức giáo dục thanh thiếu niên theo hướng lành mạnh, trong sáng. Nhưng chúng ta còn có trách nhiệm là thúc đẩy sự phát triển của đoàn thể thanh thiếu niên của Phật giáo chúng ta, cụ thể là Gia đình Phật tử, làm sao cho hoạt động của đoàn thể này cũng phát triển tương xứng trong bức tranh chung của toàn xã hội.

 

 

ảnh minh họa

Gia đình Phật tử là một di sản quý giá mà liệt vị tiền bối hữu công của Phật giáo Việt Nam đã dày công khai sáng, và để lại chúng ta hôm nay. Như thế thì việc duy trì và phát triển hoạt động của Gia đình Phật tử sao cho tương xứng với hoàn cảnh chung trong mọi thời điểm, luôn luôn là trách nhiệm nặng nề của tất cả người con Phật, kể cả xuất gia lẫn tại gia.

Nhất là những người đang trực tiếp cầm trịch vận mệnh tổ chức Gia đình Phật tử hôm nay, càng nên ý thức để nắm bắt Thời cơ và Thách thức trong giai đoạn nóng bỏng này. Nếu không, thì tổ chức Gia đình Phật tử không chỉ bị tụt hậu so với sự phát triển chung của các phong trào thanh thiếu niên đang bột phát ngày càng mạnh mẽ như chúng ta đã thấy, mà còn làm suy yếu một lực lượng đầy tiềm năng của Đạo pháp cả hôm nay và ngày mai.

Nguồn: Hoằng Pháp 33

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle