Tìm Hiểu Thêm Về Thân Thế và Chí Nguyện Xuất Gia của Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Chơn

chim nhan

 Thích Hải Tạng

 

 Khi vào trang chủ chualinhmu.com, tìm đọc tiểu sử của Hòa Thượng Thích Trí Chơn do chính Người ghi lại, chúng ta tìm thấy thông tin về thân thế của Hòa Thượng như sau: Thân phụ là cụ Ông Trương Xuân Quảng (mất năm 1945), nguyên quán làng Kim Thành, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; làm quan dưới thời Pháp thuộc, được bổ nhậm chức Kiểm học tỉnh Bình Thuận (1933 – 1939), và Đốc học tỉnh Quảng Ngãi (1939 - !945). Thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Nữ Quyên (mất năm 1958), người làng Bích Trâm, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Đọc những dòng chữ ngắn gọn trên, làm cho chúng tôi lưu ý, tò mò về thân thế của một cậu ấm con quan, sinh ra và lớn lên giữa chốn quan đường, quyền môn trướng phủ, về sau lại ra tận đất cố kinh xuất gia học đạo, để rồi trở thành một vị Đại Hòa Thượng, một nhà văn hóa, một học giả được quý Ôông, quý Thầy hết lời xưng tán, ngợi khen.

Sự lưu ý tò mò ấy đã đánh động trong tâm trí của tôi về một câu chuyện ngày xưa, có lần hầu trà Hòa Thượng Bổn Sư tôi - Ôông Linh Mụ, tôi đã được nghe Ngài kể về chuyện thầy Thích Trí Chơn khi xưa đến xin xuất gia tại chùa Linh Mụ. Để rõ hơn về câu chuyện ấy, để cho sáng tỏ về những dòng thông tin ngắn gọn mà đầy gợi ý ấy. Tôi quyết định về quê, tìm đến Điện Bàn; hy vọng được tiếp cận với những người thân bên nội cũng như bên ngoại của Hòa thượng, mà lâu nay không hề nghe Ngài nhắc đến.

Từ quốc lộ IA đi qua Quảng Nam, đến ngã ba Điện Thắng, quận Điện Bàn, đi về hướng Tây độ chừng 4 km, đến xã Điện Hòa hỏi làng Bích Trâm, hỏi các cụ Nghè Dung, Đốc Hóa thì ai cũng biết, nhưng hỏi làng Kim Thành, hỏi cụ Trương Xuân Quảng trước đây làm quan, thì ai cũng ngẩn ngơ ! Tôi đến nhà Thờ Họ Nguyễn làng Bích Trâm, là họ ngoại của Hòa Thượng, ngôi nhà thờ cổ kính, được người thân trong họ tộc cho biết nơi đây hằng năm giỗ lạp cúng tiến gì cũng đều chay tịnh cả, có mời Thầy về tụng kinh cầu nguyện nữa. Nơi đây, tôi cũng được xem gia phả họ Nguyễn, tôi lưu ý đọc kỹ từ cụ ông Nguyễn Nhự, tức ông ngoại của Hòa Thượng Thích Trí Chơn, người đã sinh hạ ra: Ông Nghè Dung, bà Nguyễn Thị Nữ Quyên, ông Đốc Đóa ..., Gia phả ghi rõ về Cụ Nguyễn Nhự như sau:

 

NGUYỄN NHỰ

(Ất Sửu 1865 – Nhâm Tuất 1922)

Chiến sĩ phong trào Duy Tân, quê làng Bích Trâm, huyện Điện Bàn ( nay là xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Là cựu học sinh trường Huấn – Điện Bàn, trường Đốc – Quảng Nam, đỗ cử nhân khoa Quí mão tại trường thi Nghệ An ( đúng là ông thi năm 1900 tại trường Thừa Thiên, nhưng quan Đề tuyển làm mất quyển thi của ông, nên Bộ Lễ cho Phụ thi ở trường Nghệ An năm 1903)

Ông là một trong các nhân vật nòng cốt tại các hội thương, hội học ở Phong Thử, Diên Phong, Phú Bông ( Điện Bàn ) cùng với tú tài Mai Luyện ( thân phụ cử nhân Mai Dị (1880 – 1928) từng học và dạy Quốc ngữ,  mặc Âu phục, cúp tóc sớm nhất làm gương cho lớp hậu học và đồng bào. Chính các ông từng mặc đồ Tây, hớt tóc ngắn ... họp ở văn miếu Quảng Nam hô hào đồng bào biểu tình xin xâu giảm thuế năm 1908.

Cùng năm trên (1908) ông bị bắt một lần với Phan Thúc Duyện, Mai Luyện, Lê Bá Trinh..., Pháp và Nam triều kết án 3 năm tù, đánh 100 gậy, đến năm 1911 mới được trả tự do.

Năm 1916 ông tham gia khởi nghĩa Duy Tân, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông lại bị bắt giam, kết án đày Côn Đảo, nhưng ngay lúc đó ông bị bạo bệnh (kiết lị) nên vẫn còn giam tại nhà lao Hội An. Năm 1918 bệnh ông thêm nặng, nhà cầm quyền Quảng Nam cho đưa về quê nhà chờ chết!

Về quê được bốn năm, ông mất tại quê nhà, thọ 57 tuổi. Theo tài liệu của cuộc khởi nghĩa, nếu đại sự thành công, ông sẽ giữ chức Án sát Quảng Nam của chính quyền mới.

Hồi đậu cử nhân (1903), Tổng tài Quốc sử quán Nguyễn Thuật (1832 – 1911) có câu đối mừng ông đỗ đại đăng khoa:

“Khoa cử luân tài, thùy bả sĩ lưu khái tàm nghị,

Văn chương đắc ý, hảo tương vận sự phú hồng ngư

Nghĩa:

Khoa cử chọn người tài, ai đem sĩ  phu thở than cùng tằm kén,

Văn chương đắc ý thì làm những bài phú hay về hồng ngư.

Gia đình bên ngoại thì rõ ràng như vậy, nhưng khi tôi hỏi hỏi về gia đình cụ ông Trương Xuân Quảng, thì lạ thay: một người làm rễ nhà mình, chồng của cô ruột, dì ruột mình, mà phần lớn không ai biết cả, một vài người lớn chỉ biết rằng: gia đình ấy từ sau năm 1945 ly tán đã lâu rồi! Thậm chí trong gia phả họ Nguyễn cũng không ghi bà Nguyễn Thị Nữ Quyên, bởi lẽ giản đơn là không ai muốn liên lụy đến một ông quan dưới thời Pháp thuộc và đã bị chính quyền cách mạng xử lý năm 1945 .”

Ai có sống, có biết về giai đoạn lịch sử 1945, 1946 ... mới có thể hiểu hết sự khắt khe đến tàn nhẫn của chính quyền mới thời đó đối với những thành phần được gọi là phong kiến. trí, phú, địa, hào ... và mới có thể thấu hiểu được nỗi bi thương về hoàn cảnh gia đình của Hòa Thượng Thích Trí Chơn ngày ấy.

Nhớ về câu chuyện cũ, có lần Hòa Thượng Bổn Sư tôi – Ôông Linh Mụ , kể cho tôi biết: Thầy Trí Chơn ngày xưa là chú Bình, vốn là con của một vị quan dưới thời chính phủ Nam Triều, bị thảm sát trong cuộc cánh mạng tháng 8 - 1945. Gia đình điêu tán, bị xóa sạch hết gia sản, anh em phải đào tẩu mỗi người một nơi để mưu tìm sự sống. Chú Bình được một người cậu ruột là ông Nguyễn Đóa (1) cưu mang, đưa về Huế và cho đi học thợ giày, tuổi đã 16 – 17 nên chú Bình đã hiểu rõ về cuộc đời và thân phận. Một hôm theo cậu đi chùa lễ Phật, chú Bình đã được cậu Đóa dẫn vào hầu thăm và giới thiệu với Hòa Thượng. Lần đầu được bái kiến Hòa Thượng Trụ trì chùa Linh Mụ, chú Bình liền có tâm cảm mến. Sau đó, có lần chú đã một mình đạp xe lên chùa Linh Mụ, lễ Phật xong rồi xin vào hầu Hòa Thượng. Nghe nói là cháu ông Đốc Đóa,  và đã được nghe kể rõ về hoàn cảnh của chú Bình lần trước, Hòa Thượng liền bảo thị giả cho chú vào liêu gặp Ngài. Vì là người đã trãi qua bao chuyện thương tâm của một giai đoạn lịch sử, Hòa Thượng với tâm từ bi lân mẫn, đã ân cần hỏi han chia sẻ với người thiếu niên bất hạnh ấy. Rồi Hòa Thượng ân cần giảng giải: Từ ngàn Xưa đến nay, thế gian là trường tranh đấu, huyết hận ngập tràn, triều đại nào rồi cũng trải qua bao cảnh thăng trầm, thịnh suy, vinh nhục ... chứ có triều đại nào mà hưng thịnh mãi đâu. Bởi thế nên cụ Nguyễn Du cũng đã từng than:

Thiên niên cự thất thành quan lộ

Nhất phiến tân thành một cố cung

 (Nghìn năm nhà lớn thành đường cái ( là con đường rộng, lớn)

Một dãy thành mớ mọc lên,  cung cấm xưa nay còn đâu)

Do đó, cuộc đời chính trị, quyền bính lợi danh... xưa nay thật lắm vinh quang, nhưng cũng lắm chuyện đau lòng, oan khiên, hệ lụy... Cho nên Đạo Phật dạy chúng ta phải biết nuôi lớn từ tâm, biết sống khoan dung, mà không tranh giành thù hận, có thế mới thoát khỏi những nỗi khổ của oan gia trái chủ vay trả, trả vay! Con có duyên lành gặp được Tam Bảo, thường đến chùa lạy Phật, thì hãy chí thành vì người thân mà bái sám nguyện cầu cho những oan xưa nợ cũ sớm được tiêu tan, chứ đừng nên để sự buồn tủi, oán hận vướng bận trong lòng thì đâu có ích gì! Và như thế thì không những tự mình sẽ sớm có được một đời sống thanh thản tâm hồn, mà còn báo được ân sâu của cha mẹ.

Thấy cậu bé chăm chú lắng nghe, đầy cảm kích, cung kính vái vái cúi đầu, Hòa Thượng như vị thầy thuốc thấy con bịnh đã thấm được thuốc hay, nên Ngài cũng phấn chấn kể tiếp: Ngày xưa, ở xứ Huế nầy, khi Nguyễn Huệ dẫn quân Tây Sơn tiến vào đất Phú Xuân diệt nhà Nguyễn. Cơ nghiệp nhà Chúa mấy trăm năm, chỉ sau một đêm đã sụp đổ tan tành. Kho tàng, voi ngựa, lầu các,  quyền uy... bỗng chốc đã trở thành huyễn mộng. Trong cơn binh lửa loạn lạc ấy, có một vị quan nhà Nguyễn đã đào tẩu thoát thân. Men theo dòng sông Hương về hướng Tây, đến ngay chùa Linh Mụ, bỗng dưng nghe tiếng chuông khuya ngân lên với âm thanh trầm hùng sâu lắng, như đã làm vơi nhẹ bao nỗi hãi hùng khổ lụy đang đầy ắp cả lòng ông. Ông dừng lại, lần vào bên trong, bước qua dãy nghi môn, ông nhìn thấy các nhà Sư trong chùa Linh Mụ đang thanh thản, bình an trong thời công phu khuya thường lệ. Và mầu nhiệm thay, lời kinh thiêng trong khung cảnh tĩnh mịch ấy của thiền môn, như đã dẫn dắt mọi  suy nghĩ của ông vượt ra ngoài mọi sự lo âu, hơn thua, được mất. Trong niền xúc cảm ấy, vị quan già đương khi thất cơ lở vận, đã nhặt một viên đá cuội khắc lên vách cổng tam quan chùa Linh Mụ hai câu thơ thật thấm thiá thế nầy:

Khả liên nhị bách niên cơ nghiệp

Bất cập sơn Tăng nhất mộng trường.

(Đáng thương thay cho hai trăm năm cơ đồ nhà chúa

Giờ nhìn lại không bằng một giấc mộng của một ông Sư trên núi).

Thế mới biết cái giá trị sai biệt của một sự nghiệp được xây dựng trên nền tảng trí tuệ, từ bi và một sự nghiệp được xây đắp nên bằng quyền uy và thù hận !

Sau nầy, nhà Nguyễn đã trả thù được nhà Tây Sơn, nhưng rồi cũng đã kết thúc vào mùa thu năm 1945 như con đã thấy! Ôi thế gian lẩn quẩn mê lầm, khổ não hận thù, oan khiên bất tận. Bởi thế đức Phật dạy:

Hận thù diệt hận thù, không bao giờ hết được,

Từ bi diệt hận thù là quy luật ngàn thu.

Những lời dạy đầy đạo lý mà thực tiễn, được nói ra từ một trái tim đầy yêu thương của Hòa Thượng đã là những giọt nước cam lồ tưới mát được thân tâm của chàng thiếu niên mười bảy tuổi, đang vì hoàn cảnh bi thương mà phải mưu sinh nơi đất khách xứ người. Nghĩ lại chuyện xưa như cơn ác mộng, chàng thiếu niên ấy đã quyết định giả từ những suy nghĩ về quá khứ bi thương để bước sang một con đường mới, quyết chọn cho mình một sự nghiệp mới: sự nghiệp được xây dựng nên bởi trí tuệ từ bi, chứ không phải là quyền uy và thù hận như Hòa Thượng đã khai thị cho chàng. Và, cậu thiếu niên mười bảy tuổi: Trương Xuân Bình đã phát tâm xuất gia từ đó.

Hòa Thượng còn cho biết, từ khi vào chùa, chú Bình đã sống một nếp sống rất thầm lặng, không ồn ào, ít giao thiệp, cũng chẳng thích phô trương, tháng ngày chỉ biết miệt mài kinh kệ tinh chuyên, và chăm lo học tập; căn phòng của chú là một góc ở sau điện Quan Âm. Bây giờ gặp những người Phật tử chùa Linh Mụ  ngày xưa, hỏi Thầy Trí Chơn thì không mấy ai biết được, nhưng nói chú Bình ở điện Quan Âm thì ai cũng nhớ, cũng nhắc và không thiếu lời thán phục, ngợi khen.

                                                          

                                                                 *  *  *

 

Như vậy, thời thơ ấu, Hòa Thượng Thích Trí Chơn đã được sinh ra và lớn lên giữa chốn quan đường, trong tư thế là một cậu ấm con quan. Gia đình bên nội, bên ngoại đều là khoa bảng, môn đăng hộ đối, nền nếp Nho phong. Thế nhưng, cuộc đời vô thường; nghiệp nhà vận nước lắm cảnh tang thương. Cậu ấm mới mười hai tuổi đã phải chứng kiến bao điều oan trái: gia cảnh ly tan, cha bị thảm sát, gia đình bị đấu tố, gia sản bị khánh kiệt, anh em mỗi người mỗi ngã vì cuộc tồn sinh! Sau nhờ người cậu ruột tìm được cưu mang, rồi lại nhờ có nhân duyên gặp được Phật pháp, liền rủ sạch trần ai, xuất gia học đạo. Cảm bội phúc lành, nhuần ân hóa độ, Hòa Thượng đã thực hiện chí nguyện xuất gia một cách rốt ráo, theo lý tưởng của người xưa:

Nhất bát thiên gia phạn

Cô thân vạn lý du

(Một bát cơm ngàn nhà

Một thân ngoài muôn dặm)

 

Kể từ lúc cất bước ra đi cho đến cuối đời, Ngài đã không một lần về thăm quê cũ; gần 50 năm xuất ngoại, chưa một lần trở lại cố hương. Không một đồng bạc gởi về cho người thân, nhưng tâm từ bi thì phủ trùm lên tất cả. Gia cảnh bị thảm hại đau thương, mà lòng thì không bao giờ vấn vương oán hận, cụ thể là tiểu sử chỉ ghi lại: con ông Trương Xuân Quảng, mở vòng đơn: mất năm 1945, mà không ghi thêm, không muốn nhắc lại hoàn cảnh cha mất như thế nào, dù đó là một cái chết phản ảnh lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Dân tộc.

Học hành đỗ đạt, Tú tài, Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ, xứng đáng là hậu duệ của cụ Đốc, cụ Nghè. Hoằng pháp lợi sanh, vị cả ngôi cao, lãnh đạo giáo quyền, rỡ ràng nối dòng Trừng Nguyên long tượng. Thế nhưng, cuộc sống thì hết sức giản dị khiêm cung; chẳng có ô tô, chẳng cần võng lọng. Kiến lập pháp tràng, mở mang Giáo hội, tất cả là làm cho Phật Pháp chứ chẳng bận riêng tư; khi biết hóa duyên đã mãn, thì thanh thản buông tay, chẳng muốn phiền lụy đến người, thật là an nhiên tự tại.

Kính bạch giác linh Thầy,

Trước khi dừng bút bài viết nầy, con xin thành tâm sám hối, nếu như những điều con viết ra trên đây có xúc phạm đến hạnh nguyện của Thầy. Thầy đã từng cầm bút viết cả hàng vạn trang sách, thế nhưng những điều trên Thầy lại không muốn viết ra; mà con lại viết. Những điều mà suốt cuộc đời Thầy không bao giờ nhắc lại, mà con lại gợi nhắc kiếm tìm. Con viết ra đây không phải là đề gợi lại một quá khứ đau buồn để cho người đời cảm thông, thương hại; vì điều đó Thầy có cần chi ! Con kể lại chuyện trên không phải là để khoe khoang nhân ngã, phân giải thị phi; vì tất cả những điều đó Thầy đã từng buông bỏ!

Con viết những dòng nầy ra đây, là muốn nêu lên một tấm gương sáng của một bậc thượng nhân xuất gia trọn vẹn. Cát ái từ thân, xa quê bỏ xứ, đó là Thầy đã xuất thế tục chi gia. Ân oán sạch không, thị phi chẳng bận, khiêm hạ khoan dung, suốt đời thong dong thanh thoát, đó là Thầy đã xuất phiền não chi gia. Dự tri thời chí, chánh niệm an nhiên, thâu thần viên tịch, đó là điềm lành chắc chắn Thầy sẽ xuất tam giới chi gia.

Tất cả những điều nầy, dù Thầy không muốn nói, nhưng chúng con thì phải biết, cần biết. Biết để chiêm nghiệm, biết để học hỏi và biết để noi theo. Bởi lẽ thời nay, trong tất cả chúng con, đâu có phải đã không còn những người: thân tuy xuất gia, mà lòng thì còn đa mang hệ lụy, hành xử thế thường; khiến nổi đạo nhà nhiểu nhương loạn động, Chánh pháp vì thế suy vong!

Thiện tai đại trượng phu

Năng liểu thế vô thường

Khí tục thú Nê Hoàn

Hy hữu nan tư nghị.

 (Lành thay một bậc đại trượng phu

Khéo hiểu được cuộc đời vô thường

Lìa bỏ Thế tục, tìm đến Niết Bàn,

Thật là hy hữu, khó thể nghĩ bàn!)

Lời xưng tán nầy đối với Thầy, thật thấm thía và xúc động ngay từ buổi ban đầu thế phát xuất gia. Và, giờ đây nghĩ lại cũng thật xứng đáng biết bao, khi mà giữa cảnh đời dẫy đầy ác trược nầy, Thầy đã trở thành một bậc thiện thệ, đi trọn con đường quang minh và cao khiết một cách tuyệt vời, con đường mà Thầy đã chọn từ dưới mái chùa Linh Mụ thiêng liêng, khi Thầy vừa gặp được một bậc minh sư: Ôông Linh Mụ .

 

Chùa Long An, cuối xuân Tân mão  - 2011

Pháp đệ Hải Tạng

 

 

_________________________

 

(1)  Ông Nguyễn Đóa (1896-1993), người làng Bích Trâm-Điện Bàn-Quảng Nam, từng là Giáo sư trường Quốc Học – Huế, sau giữ chức Đốc học tỉnh Thừa Thiên đến năm 1945, sau năm 1945 là Giáo sư Trung học Bồ Đề tại Huế.

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle