Tình thương của mẹ còn hơn món quà của Santa Claus

tinh thuong cua me

Tác giả: Cao Huy Hóa

Hay nhất là cha mẹ để con “khám phá” tình thương yêu của cha mẹ qua món quà của ông già Noel, và qua chăm chút hàng ngày của cha mẹ cho chính mình. Santa Claus qua đi, còn mẹ thì sờ sờ đó, chẳng cần vẽ vời chút nào mà vẫn đẹp như huyền thoại.

Trong một thế giới mà mọi dân tộc càng ngày càng dễ gần gũi với nhau nhờ những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, thì văn hóa Tây phương có thế mạnh để thâm nhập vào đời sống của người dân trên khắp mọi châu lục, đặc biệt về tôn giáo và lối sống. Ngày nay, Kitô giáo đã phát triển lan rộng ra toàn thế giới, từ đó các lễ nghi và sinh hoạt của tôn giáo này đã không xa lạ với mọi người, dù người đó không là tín đồ của đạo Chúa. Ngày lễ Nöel là ngày lễ trọng đại nhất của Kitô giáo thì cũng là ngày mà nhiều người dân trên thế giới đã vui chơi, trong không khí của mùa lễ hội, kéo dài từ 24 tháng 12 đến đầu năm dương lịch.

Ông già đi tặng quà cho trẻ thơ... trong giấc mơ là ai? Đó là nhân vật tưởng tượng Santa Claus được sáng tạo từ hình ảnh thánh Nicholas, một nhân vật lịch sử, cổ tích và huyền thoại. Theo website nicholascenter.org (website lấy tên thánh), "vị thánh này sinh vào thế kỷ thứ ba trong một ngôi làng của Patara, thời đó thuộc Hy lạp, ngày nay ở bờ biển phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ ông giàu có, muốn ông trở thành một tín đồ đạo Chúa sùng kính. Hai ông bà đã mất trong một trận dịch trong khi Nicholas còn trẻ. Vâng lời chúa Jesus 'hãy bán những gì sở hữu và lấy tiền cho người nghèo', Nicholas dùng toàn bộ tài sản thừa kế để giúp người thiếu thốn, ốm yếu và đau khổ. Ông đã dâng hiến cuộc đời để phụng sự Thượng Đế từ khi còn thanh niên. Ông trở thành Giám mục Nicholas và nổi tiếng về lòng quảng đại đối với kẻ thiếu thốn, tình thương trẻ em, và lòng ưu ái với thủy thủ và nghề biển".

Nhiều nước đã tạo Santa Claus theo văn hóa và tập quán của nước mình. Trong khi Thánh Nicolas thường được miêu tả mặc áo choàng giám mục, thì Santa Claus dân gian thường được miêu tả như một ông già râu tóc trắng, mập mạnh, vui tươi, mặc áo khoác đỏ cổ trắng và quần dài đỏ gấu trắng, thắt lưng đen, mang giày ống. Hình ảnh đó trở thành phổ thông ở Mỹ và Canada vào thế kỷ 19. Hình ảnh đó được phổ biến vô cùng hiệu quả bằng âm nhạc, truyền thanh, truyền hình và phim ảnh. Ở Anh và Châu Âu, Santa Claus được gọi theo tiếng Anh là Father Christmas, theo tiếng Pháp là Père Nöel, có nghĩa là cha Nöel, và cũng được miêu tả như ở Mỹ.

 

 

Chuyện ông già Nöel đã quen thuộc với quá nhiều gia đình trên thế giới, dù theo hay không theo đạo Chúa. Nhưng ông già Nöel thực sự là ai? Ngoài ông già Nöel huyền thoại, ông già Nöel thực sự là cha mẹ của trẻ em, đã truyền cho trẻ huyền thoại này. Những cha mẹ này đã muốn con hưởng niềm vui bất ngờ khi vào độ tuổi biết nhận thức thế giới xung quanh, và bước đầu cảm nhận và thích thú những câu chuyện thần tiên, đã "sao chép" (copy) câu chuyện ông già Nöel và "dán" (paste) vào tâm hồn đứa con, làm cho con tin rằng: Trong đêm Nöel, ước gì được nấy, ông già Nöel sẽ tặng quà, nếu con ngoan. Những "ông già" này, đã chuẩn bị quà trước đêm Nöel, theo ước mơ của con, để vào nửa đêm, nhẹ nhàng đặt bên gối trẻ, và sáng hôm sau, trẻ vui mừng rạng rỡ với món quà mơ ước.

Câu chuyện hay, có tính thực dụng, lại được tôn giáo và các phương tiện truyền thông loan truyền rộng rãi, đã làm cho trẻ tin chuyện "thần tiên" này là có thật, và kỳ diệu thay, chỉ trong vòng một đêm, hiện thực y chang như ước mơ. Nhưng bao giờ thì trò chơi của người lớn hết tác dụng? Bao giờ thì trẻ em nhận ra được chuyện quà trong đêm Nöel chỉ là trò sắp đặt của cha mẹ?

Con nít nào cũng đặt câu hỏi làm sao ông già Nöel đi phát quà cho tất cả con nít trên thế giới chỉ trong một đêm? Trả lời bằng cách nói các con tuần lộc này có vận tốc siêu thanh thì người lớn cũng ngượng lắm chứ! Tác giả nhớ năm ngoái con gái của bà, 4 tuổi,  khi giúp bà thu dọn các giấy gói quà sau đêm Nöel, đã nói: "ông già Nöel dùng giấy gói quà giống như giấy mẹ mua ở siêu thị Asda." Tác giả nhớ đã nói với con rằng món quà con mới chọn đắt tiền quá. Tức thì, đứa con đáp: "Nhưng mẹ nói các chú lùn làm đồ chơi bằng tay cơ mà!" Tác giả đã ngượng nghịu trả lời: "ờ thì nhiều cha mẹ có gởi séc đến địa chỉ ông già Nöel để giúp thêm cả, con ạ!"

Lẽ dĩ nhiên con nít cũng muốn giữ bí mật vì sợ nếu không tin thì không có quà. Cũng như có một số người lớn không tin Thượng đế nhưng sợ nếu không tin thì sau khi chết sẽ đọa địa ngục. Vì vậy nhiều người tự bảo mình là bất khả tri, tức là trung lập về vấn đề thượng đế, không dám nói là vô thần. Tác giả nói những người này đã được huấn luyện từ nhỏ khi được dạy về việc tin vào ông già Nöel.

Tác giả bảo có nhiều cách để dạy con nít tin vào ông già Nöel, truy cập Internet là có. Ngoài ra có nhiều nhà tâm lý trẻ em cho rằng, tin vào ông già Nöel là tốt cho sự phát triển đạo đức của trẻ em. Cha mẹ dùng bài hát Nöel (rất phổ biến ở Mỹ) đại ý: Ông già Nöel liệt kê danh sách tất cả trẻ em, xem đi xem lại để coi đứa nào giỏi, đứa nào hư. Cha mẹ thường hay dọa "coi chừng nghe, ông già Nöel biết hết!"

Huyền thoại về ông già Nöel đến thời đại này chắc là đẹp đến hết mức rồi, không thể phong phú hơn, trong khi những tiến bộ khoa học kỹ thuật và kỹ thuật truyền thông tiến nhanh như vũ bão, làm cho con người chạy theo cuộc sống "trần trụi" và tâm hồn không còn là vườn ươm cho những tưởng tượng phiêu du, thần tiên. Con nít cũng vậy thôi, bốn tuổi đã "vọc" máy tính, đã vào Internet, cho nên người lớn khó "phỉnh" dầu là "phỉnh" vì mục đích tốt. Thế giới thần tiên được thay bằng thế giới ảo trên mạng, bằng trò chơi game.

Nhưng ông già Nöel trong thời đại này lại hành nghề cách khác. Santa Claus bí ẩn, thần tiên nay đã được lai tạo thành không biết bao Santa Claus. Trước hết là những Santa Claus tiếp tục hành nghề ông già Nöel, áo mão hóa trang y như truyền thống, nhưng chẳng cần đêm hôm khuya khoắt gì, cứ đi giữa thanh thiên bạch nhật, tuần lộc được thay bằng xe máy, làm dịch vụ do cha mẹ trẻ em đặt: mua quà, đến nhà lúc thích hợp để trao quà, chúc mừng bé. Rồi ông già Nöel sống động ở các cửa hàng thay cho những người giả Santa Claus. Rồi ông già Nöel bán vé số, luôn miệng tươi cười chào mọi người. Ông già Nöel làm hoạt náo viên tiệc mừng, ông già Nöel quảng cáo sản phẩm.

Ông già Nöel đã làm cho thị trường mua bán nhộn nhịp, tạo kích cầu những ngày cuối năm, là "ân nhân" của các nhà sản xuất đồ chơi, của siêu thị và các cửa hàng bán quà tặng, góp phần tạo nhu cầu cho xã hội lấy quà tặng làm thứ không thể thiếu trong nếp sống văn minh của bộ phận cư dân khá giả ở đô thị: quà sinh nhật, quà Valentine Day,  quà Nöel, quà Ngày của Cha, quà Ngày của Mẹ, quà kỷ niệm 5 năm, 10 năm, ... và những năm gần đây chiến dịch tiếp thị và quảng cáo thị trường, cùng thế hệ thanh thiếu niên đô thị lớn đã "nhập khẩu" từ Mỹ ngày gọi là Halloween Day (30/10), khiến mấy mặt hàng hóa trang ma quỷ, các trang phục kinh dị và các sản phẩm đặc trưng của ngày đó được giới trẻ tiêu thụ. Quà tặng theo phong trào, theo định hướng của số đông, theo tiếng gọi của thị trường, của công nghệ tiếp thị, quảng cáo.

Văn hóa quà tặng, văn hóa tặng hoa nẩy nở một cách tràn lan và dễ dãi, theo công thức, nhiều khi không thể hiện tình cảm chân thành mà chỉ là ước lệ thời thượng, hoặc để mua chuộc tình cảm, - tôi xin không nói chuyện hối lộ, mánh mung - đã làm cho con người càng thực dụng và càng kém tinh tế; trong khi đó, các giá trị văn hóa truyền thống càng bị lu mờ. Phong tục Tết truyền thống có gì hấp dẫn hơn là đi nghỉ mát Vũng Tàu?  Cổ tích, chuyện thần tiên, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, lịch sử Việt Nam có gì hấp dẫn con nít? Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan ... sao mà xa vắng trong đầu thế hệ trẻ?

Trẻ em thì vô tư tiếp nhận văn hóa, cho nên thật đáng buồn nếu thả nổi các hiện tượng văn hóa dễ dãi, hời hợt, thiếu tính giáo dục, thiếu chiều sâu nội tâm, thiếu tình cảm sâu lắng, mà hàng ngày trẻ nhận ra trong chính cuộc sống thực tế của nó.

Trở lại chuyện mất thiêng của ông già Nöel. Không sao, trẻ em tự nhận ra huyền thoại, trẻ cũng có thể giả bộ chọc quê cha mẹ để nhận quà, nhưng thời gian dễ thương đó qua đi nhẹ nhàng. Hay nhất là cha mẹ nhận ra khi nào thì chấm dứt trò chơi đó, và để con "khám phá" tình thương yêu của cha mẹ qua món quà, và qua chăm chút hàng ngày của cha mẹ cho chính mình. Santa Claus qua đi, còn mẹ thì sờ sờ đó, chẳng cần vẽ vời chút nào mà vẫn đẹp như huyền thoại.

Nguồn: tuanvietnam

Chia sẻ: facebooktwittergoogle