Ngôn ngữ của nghệ thuật vườn cảnh

Xứ Huế mộng mơ của chúng ta là một vườn cảnh rộng lớn, mênh mông, êm đềm và chan chứa nghĩa tình

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 

Xứ Huế mộng mơ của chúng ta là một vườn cảnh rộng lớn, mênh mông, êm đềm và chan chứa nghĩa tình. Thiên nhiên cỏ cây, hương hoa và sông núi có sẵn nghìn đời ở đây cùng với cá tính lặng lẽ, thâm trầm của con người Huế dường như đã hòa quyện với nhau để tạo nên một bản sắc riêng không thể lẫn lộn với một nơi nào khác được. Từ nội hàm bản sắc ấy, chúng ta có chùa chiền Huế, lăng tẩm, cung đình Huế, nhà vườn Huế, ẩm thực Huế, màu sắc Huế, con gái Huế, nón bài thơ Huế, tiếng nói Huế, phong cách Huế, ca dao, điệu hát Huế... vân vân và vân vân.

Đi thăm cố đô, hoàng thành, lăng tẩm trong không gian của đế kinh xưa, ta mang mang cảm giác u hoài, bùi ngùi tựa như “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài, bóng tịch dương” của bà huyện Thanh Quan là tại làm sao? Có thể đó là tiếng nói của một bờ tường rêu phong, sân chầu rộng mênh mông, của những tòa nhà trầm mặc, có cái gì đó như đìu hiu, hoang vắng, những gốc cổ thụ hằng trăm tuổi, của lối đi đá xám hoặc rơi lạc đâu đó một viên gạch vỡ, cũng có thể là âm thanh của một tiếng lá khô rơi khẽ!? Nó có ngôn ngữ đó chứ!

 

 

   Thủy tạ đình, Huyền Không Sơn Thượng, Huế


Đến một ngôi chùa Huế (chùa xưa trầm mặc, cổ kính, rêu phong, khiêm tốn - chứ không phải là những ngôi chùa “hoàng tráng, phô trương” như hiện nay), vừa qua khỏi cổng tam quan là dường như ta đã quăng bỏ những ồn ào, huyên náo và bụi bặm ở bên ngoài. Và sau đó ta như chìm đắm trong không gian tĩnh lặng, thanh bình - lại còn cái gì đó như là tôn nghiêm và thiêng liêng nữa! Có thể là do khung cảnh thanh u, cô tịch? Có thể chỉ là một làn hương vừa thoảng qua trong gió? Có thể chỉ là một cụm non bộ phong sương tuế nguyệt bạc đầu? Hoặc là tiếng chuông mơ hồ đâu đó vọng lai? Hay là một tiếng chim lảnh lót cao vút giữa rừng cây? Và cũng có thể do lối kiến trúc cửa khẩu tạo nên cảm giác thân gần, ấm cúng? Nó có ngôn ngữ tâm linh đấy!

Đến một ngôi nhà vườn kiểu mẫu Huế, bản sắc Huế - ta thấy nó hoàn toàn khác xa với nhà vườn Trung Hoa, nhà vườn Nhật Bản, nhà vườn Tây và nhà vườn các tỉnh thành khác... là tại làm sao vậy?

Vườn cảnh Trung Hoa thì từ thờ tự, nhà cửa, ngoại viên... đâu đâu cũng theo Khổng Nho mà chi li, cân phân và đăng đối đến bực mình, khó chịu! Có một áp lực nào đó làm cho tâm hồn ta không được lắng dịu, thanh thản! Nó cất tiếng nói như vậy đó.

Vườn cảnh Nhật Bổn tuy phá cách, vứt bỏ sự cân phân của không gian vật lý, lấy cảm giác tâm làm chủ đạo nhưng lại áp đặt thiên nhiên, bắt thiên nhiên tùng phục mình thì cũng hơi quá đáng. Ví dụ, các lùm cây, lùm hoa, thậm chí cả khóm trúc cũng cắt tỉa cụt rồi xắn khoanh tròn! Nói cách khác, khi mà “lý tính” tham dự quá nhiều vào “nhiên tính” - một là nói lên sự tham vọng, chiếm hữu của bản ngã, hai là trước ý và áp đặt ngoại giới một cách thái quá! Rồi còn sự láng lẩy, phẳng phiu, sắp đặt cố ý chỗ này, chỗ kia hoặc gởi gắm triết lý, tư tưởng cũng làm phiền đầu óc của chúng ta quá lắm! Trường hợp nó tỏa ra chất hồn để cảm nhận - thì khác! Nói tóm lại, vườn cảnh Nhật Bổn phá bỏ sự đăng đối, cân phân của Khổng Nho, lấy tâm làm chủ đạo (quân bình cảm giác) do ảnh hưởng thiền Zen - nhưng quá tinh tế, chi li từ cục đá, bờ ao, cụm cỏ... thì ảnh hưởng lý trí Tây phương rồi đó. Tôi nghe được nó nói như vậy.

Vườn cảnh Tây phương thì ngay hàng, thẳng lối, vuông, chữ nhật, tam giác, vòng tròn, tươm tất, kỷ hà học và sự tính toán đến độ trí xảo nên cũng chẳng phải là nơi để cho ta thật sự thư giãn, buông xả những mệt mề, bức xúc, phiên tạp, đa đoan của đời sống, của xã hội công nghiệp. Dường như ai cũng cảm nhận được như vậy. Dường như ai cũng muốn trở về với thế giới tự nhiên, thiên nhiên chưa có bàn tay mưu đồ, sắp xếp, kiến tạo của con người!

Còn vườn Huế? Vườn Huế là một sự hòa điệu lạ lùng không nơi nào có được. Nó là nhu cầu thanh bình, yên ấm cả tinh thần và cả vật chất. Ở đây là cây trái bốn mùa, tuy không nhiều nhưng cái gì cũng có. Ở đây là hương hoa bốn mùa, tùy theo tiết thời mà lặng lẽ phụng hiến cho gia chủ. Đau đầu, đau bụng, cảm gió ư? Nơi góc vườn có sẵn cây lá thuốc tự nhiên. Nấu một món canh ư? Tha hồ là các loại rau lá, trái, môn, khoai, gừng, hành, hẹ, sả, lá lốt, chanh, khế, chuối, đu đủ, tỏi, ném... tùy theo mùa tiết - lúc nào cũng có. Ngoài ra, ngôi nhà vườn Huế đặc trưng đều có hàng chè tàu xanh xanh, bức bình phong ngăn chướng khí, nghịch khí, sân lát gạch bát tràng, hòn non bộ, chỗ ngồi uống trà, nơi đọc sách, nơi treo võng nằm hóng mát trưa hè, có ao cá thả sen súng, nơi sum họp gia đình, nơi thờ tự có riêng một không gian cổ kính, thiêng liêng... Phải nói là nhà vườn Huế là tinh hoa của văn hóa Huế, bản sắc Huế cần phải biết cẩn trọng nâng niu, gìn giữ. Nó là báu vật tinh thần, là mỹ học thiêng liêng của tổ tiên, cha ông chúng ta để lại đó! Người Huế xưa ai cũng cảm nhận thấm thía, đậm đà và sâu sắc như vậy mà!

Món ăn Huế nữa. Ôi! Sao mà chi li, cẩn trọng, tỉ mỉ, tinh vi, tế nhị đến thế? Cả mâm bát, chén đũa, sắp xếp và màu sắc nữa! Có phải đó là do tâm hồn, bàn tay của bà mẹ Huế, phụ nữ Huế, con gái Huế họ cũng chi li, cẩn trọng, tinh vi và tế nhị như thế? Nó toát ra cái nhỏ nhẻ, in ít, chừng mực, gợi cảm và khiêm tốn đến nao lòng, đến dễ thương! Dường như đấy là ăn cái hương, cái hoa, cái tinh, cái mật... chứ không phải ăn cho đầy căng da bụng một cách phàm phu tục tử!

Tiếng nói Huế, câu ca, điệu hát Huế thì mang mang, u hoài, sâu lắng có tí chút âm hưởng Chàm - thật không thể lẫn lộn với các vùng miền khác được.

Tất cả những đặc trưng mà chúng ta vừa đề cập ở trên, cái tinh túy của bản sắc Huế ấy đang mất dần, phai nhạt dần hoặc biến chất dần. Âu đó cũng là một định luật tất hữu, cái cay nghiệt của nhu cầu và phương tiện, của xã hội công nghiệp, của văn hóa toàn cầu! Tôi nghe nói, ở đâu đó đang cố gắng gìn giữ, phục hồi - nhưng có thể chăng, khi tinh thần bản sắc đã mất đi, giá trị minh triết bên trong không còn nữa thì những hình thức bên ngoài nó sẽ khô chết, sẽ không còn sức sống nữa! Tôi đã đi thăm một vài nơi, các ngôi nhà rường Huế đang được phục chế, tân trang “rất đẹp đẽ, rất láng lẩy, rất công phu, rất hoành tráng” lại để làm nhà hàng ăn uống, nhậu nhẹt, các quán cà phê đèn đỏ, đèn mờ, để cho khách du lịch viếng thăm như cỡi ngựa xem hoa - thì có quá đáng không? Có bỉ báng lên tinh thần của tiên tổ, cha ông chúng ta không? Và hãy coi chừng! Những cung cách phục vụ du lịch, ví dụ như cho khách làm vua, làm hoàng hậu, ngồi ngai vàng, điện ngọc, cung phi mỹ nữ hầu hạ... để kiếm bạc xu, tiền cắc của các đại gia, doanh gia, người nước ngoài - thì có nên duy trì, quảng cáo, phô trương, tiếp thị không? Hỏi tức là đã trả lời rồi đấy! Các bậc thức giả, trí giả, nhân giả, danh sĩ Huế họ biết cả đấy nhưng họ không muốn nói ra đó thôi. Tại sao vậy, vì ngay chính họ cũng đã trở thành món đồ cổ lâu rồi!

Cái điều mà chúng ta vừa khái quát ở trên nó lớn rộng quá - bây giờ chỉ xin gói gọn đề tài trong “ngôn ngữ nghệ thuật vườn cảnh” mà thôi. Mà vườn cảnh thì cũng nhiều quá, có các loại cây, có khóm đá, có giả sơn, có hồ, có suối, có cầu kỳ đình tạ, có lối đi, có tượng nghệ thuật, có đồ cổ, có hoa, cả họa, cả thơ... nếu viết cả quyển sách cũng không hết. Như ngôn ngữ của không gian bố cục vườn cảnh, ngôn ngữ của cây, ngôn ngữ của đá và ngôn ngữ của chi tiết, đường nét tạo hình...

Vậy khi thiết kế vườn cảnh thì ta phải có một bố cục, sắp xếp thế nào đó cho được tự nhiên, thật tự nhiên như không có bàn tay con người! Ngoài ra, có một điều quan trọng nhất là phải toát ra cái ngôn ngữ mà ta muốn gởi gắm, hiến tặng cho đời. Nói cách khác, cụm đá hoặc góc cảnh ấy phải nói lên một số đức tánh thầm lặng nội tâm. Ví dụ: Vững chãi, tự tin, trầm mặc, tự nhiên, ấm cúng, bản lãnh, hạo khí, cô đơn nhưng không cô độc, thanh bình, tĩnh lặng, êm đềm, dân dã...  

Cũng nhờ sự nghe được có tính cách riêng tư và chủ quan này mà tôi đã thể hiện được một vài. Và sau đây là một số hình minh họa, chỉ như là một gợi ý khiêm tốn để đóng góp cho gia tài và bản sắc văn hóa chung của Đông phương, của thiền, của con người nội tâm Huế. Nó còn rất thô sơ và khái lược, nếu ai đó có chút quan tâm đến hệ đề tài này mà đào sâu thêm, nới rộng ra để làm cho phong phú thêm ngôn ngữ của nghệ thuật vườn cảnh Huế thì quý hóa biết chừng nào!


Để kết luận,
Ở đây vì giới hạn đề tài nên tôi không đề cập đến lãnh vực phong thủy, địa khí - tuy nó cũng có ảnh hưởng nhất định đến đời sống tâm-sinh-lý của gia chủ.
Nhưng chúng ta hãy lưu ý rằng, đá-nước-cây và sự kết hợp với bố cục tạo hình như thế nào đó - chúng cũng có lực, có xạ, có từ, có khí nên ta phải cẩn trọng, thận trọng lúc tạo cảnh tại chùa chiền, thiền viện, am thất, tư gia... Nó có lợi, có hại, có vượng, có suy, có sức khỏe, có bệnh tật, có thuận, có nghịch, có bình an, rối loạn, có tốt, có xấu, có tĩnh lắng, có thanh thản... Tất thảy đấy là do chính ngôn ngữ của chúng nói lên. Tôi cảm nhận sao thì nói vậy, không qua một bài bản, sách vở, trường lớp nào cả. Xin chư vị trí giả, thức giả lượng thứ cho và nên xem đây chỉ như là một sự đóng góp khiêm tốn, chủ quan và rất dè dặt của chúng tôi trong hệ đề tài liên quan đến ngôn ngữ của nghệ thuật vườn cảnh Huế vậy!

Nguồn: Hoằng Pháp số 32

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle