Khuyên tu Tây phương Tịnh độ

khuyen tu

 Ông Long Thư nói rằng: “Người ta khi còn sống có đủ mọi vật, như cha mẹ, vợ con, nhà cửa, ruộng vườn, bò dê, xe ngựa... cho đến bàn ghế, chén bát, y phục... Những vật ấy, dù lớn dù nhỏ, hoặc do cha ông để lại, hoặc tự mình làm ra, hoặc do con cháu hay người khác giúp cho mà có. Hết thảy những vật ấy đều là của mình.

“Đến như một tờ giấy mỏng là nhỏ nhặt, bị người khác xé rách cũng sanh lòng giận; một cây kim chẳng đáng là bao, bị người lấy mất cũng sinh lòng tiếc! Kho lẫm chứa đầy, lòng vẫn không thấy đủ; vàng lụa đã nhiều, vẫn sắm mãi không thôi. Mỗi một hành vi trong đời sống đều nặng lòng ái luyến, vướng chấp. Vắng nhà một đêm mà lòng đã canh cánh nỗi nhớ nhà. Người giúp việc chưa kịp về đã lo rằng đi mất. Không một công việc nào không ôm lòng lo lắng.

“Một mai khi cái hạn kỳ lớn nhất trong đời đã đến, mọi thứ đều phải vất bỏ hết. Đến như thân xác này cũng là vật bỏ đi, huống chi những vật ngoài thân?

“Lắng lòng mà suy xét, thấy cuộc đời này thật mơ hồ như giấc mộng!

“Cho nên Trang tử nói rằng: “Phải có sự tỉnh giác lớn rồi sau mới rõ biết được giấc mộng lớn lao này.”

“Người xưa nói:

Một mai vô thường đến,
Mới hay mộng đời dài.
Muôn vật đều vất bỏ,
Chỉ còn nghiệp mang theo.

“Lời ấy thật rất hay! Vì thế tôi mượn hai câu sau, thêm vào hai câu thành bài kệ rằng:

Muôn vật đều vất bỏ,
Chỉ còn nghiệp mang theo.
A-di-đà thường niệm,
Cõi Phật ắt sanh về.

“Nói nghiệp đó là chỉ cả nghiệp lành và nghiệp dữ. Cả hai loại nghiệp ấy sau khi chết đều mang theo. Vậy lẽ nào không thể dùng phép tu Tịnh độ làm nghiệp của mình hay sao?

“Có vị trưởng lão đã thấu triệt sáng suốt, rộng vì mọi người mà giảng giải. Ngài chỉ vào thân này mà nói: ‘Thân này là vật chết, nhưng bên trong có chỗ linh hoạt, đó là vật sống. Đừng dựa trên vật chết mà thực hành phương thức sống, nên dựa trên vật sống mà thực hành phương thức sống.’ Tôi rất thích lời dạy ấy nên thường đem ra nói với người khác.

“Nói chung mọi sự tham muốn những vật bên ngoài để cung phụng cho cái thân này đều là dựa trên vật chết mà thực hành phương thức sống. Người đời cho dù chưa ai thoát được việc ấy, nhưng trong cuộc mưu sanh để nuôi sống cái thân này, nếu có được một khoảnh khắc nào đó quay về soi rọi tự tâm, đem lòng hướng về Tịnh độ, thì đó chính là dựa trên vật sống mà thực hành phương thức sống.

“Bằng như cứ mãi hối hả gấp rút trong công việc làm ăn, thì cho dù giàu có đến như Thạch Sùng, sang quý đến bậc nhất phẩm, cuối cùng rồi cũng có hạn kỳ chấm dứt, lẽ nào sánh được với cõi Tịnh độ an vui mãi mãi hay sao?”

 

 

Chuẩn bị hành trang trên đường về Tịnh độ

 

Ông Long Thư nói rằng: “Ví như người vừa đến một thành phố lớn, trước hết phải tìm một nơi trú ngụ, rồi sau mới đi lo công việc. Đến khi chiều tối mới có chỗ nghỉ ngơi.

“Trước hết phải tìm một nơi trú ngụ, đó là nói phải lo tu tập pháp môn Tịnh độ. Đến khi chiều tối, đó là nói khi cái hạn kỳ lớn nhất trong đời đã đến. Có chỗ nghỉ ngơi, đó là nói được hóa sanh từ hoa sen, không đọa vào các cảnh giới xấu ác.

“Lại ví như người đi xa vào mùa mưa, trước hết phải chuẩn bị áo đi mưa. Khi trời thình lình đổ mưa mới không bị cái nạn ướt dầm khốn khổ.

“Trước hết phải chuẩn bị áo đi mưa, đó là nói phải lo tu tập pháp môn Tịnh độ. Khi trời thình lình đổ mưa, đó là nói khi mạng sống sắp dứt. Không bị cái nạn ướt dầm khốn khổ, đó là nói không phải chìm đắm vào các nẻo dữ mà nhận chịu khổ não.

“Vả lại, việc trước hết tìm nơi trú ngụ cũng không hại gì đến công việc phải làm; việc chuẩn bị áo đi mưa cũng không hại gì cho việc đi xa. Cũng vậy, việc tu tập pháp môn Tịnh độ không hại gì cho hết thảy mọi công việc trong đời sống. Vậy mọi người vì sao lại không tu?

“Dù là người đã phạm tội ác cũng có thể tu. Vì sao vậy? Ví như sắt đá rất nặng, nhưng nhờ có ghe thuyền nên có thể chở qua sông. Như cây kim tuy là nhẹ, nhưng nếu không nhờ vào ghe thuyền cũng không thể đưa qua sông.

“Cho nên nói rằng, người dù có tội nặng nhưng nương nhờ sức Phật vẫn có thể sanh về Tịnh độ. Dù tạo tội nhẹ mà không nương nhờ sức Phật cũng không thể được vãng sanh.

“Lại như loài kiến, dù có trải qua muôn kiếp sống cũng không đi được đến một dặm, nhưng nếu bám trên thân người thì có thể đến được nơi xa ngàn dặm! Người nương nhờ sức Phật được vãng sanh Tịnh độ cũng giống như vậy.

“Trong lúc còn đang khỏe mạnh nếu không chuẩn bị, đến khi nhắm mắt biết làm thế nào? Cho nên phải gấp rút tu trì, cầu sanh Tịnh độ.

“Sự đời có ngày ắt phải có đêm, có lạnh ắt phải có nóng, ai ai cũng rõ biết không thể che giấu được. Cũng như nói có sống ắt phải có chết, nhưng người ta lại sợ chẳng dám nói ra! Sao lại che giấu quá đáng vậy?

“Này các vị! Nếu ngay bây giờ không lo tu thì đáng tiếc lắm thay! Thật đáng tiếc lắm thay!”

 

Nguyễn Minh Tiến biên dịch

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle