Thảnh thơi trong bước chân trở về

THẢNH THƠI TRONG BƯỚC CHÂN VỀ

(Pháp Thoại Thầy Thái Hòa Giảng Ngày 17/4/Tân Mão – 19/5/2011), Cho Hương Linh Nguyễn Thị Vỹ, Pháp danh Nguyên Khai, Tại Làng An Bằng, Vinh An, Phú Vang, TT Huế) .

Tiếp Xúc Trong Thiền tập:

Xin tất cả quý vị trong tang quyến, cũng như toàn thể quý vị có mặt để hộ niệm cho buổi lễ này, xin tất cả quý vị đưa hai bàn tay của mình chạm vào trái tim, tập trung tâm ý theo dõi hơi thở, khi nghe tôi thỉnh tiếng chuông.

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm”.(C)

Thở vào, thở ra, tôi ý thức rất rõ là tôi đang thở vào và thở ra . Thở vào và thở ra tôi ý thức rất rõ trong trái tim tôi giờ này, đang có mặt của tổ tiên, ông bà nội ngoại của chúng tôi, đang có mặt của cha mẹ chúng tôi, đang có mặt của anh em chúng tôi và của tất cả mọi người và mọi loài. Trái tim đang hiện hữu nơi tôi là thành quả của quá khứ và tác nhân của thế hệ con cháu ở trong tương lai của chúng tôi.

Dù cha mẹ của chúng tôi đã qua đời hay còn tại thế, thì vẫn luôn luôn có mặt ở trong trái tim chúng tôi trong từng hơi thở vào và ra.

Chúng tôi thực tập hơi thở có ý thức đối với tổ tiên, ông bà nội ngoại thì tức khắc, ông bà tổ tiên, ông bà nội ngoại sẽ có mặt ngay trong giờ phút này.

Thực tập với hơi thở có ý thức đối với cha mẹ chúng tôi thì tức khắc dù cha mẹ đã qua đời hay còn tại thế vẫn có mặt trong giờ phút này ở trong trái tim tôi.

Và chúng tôi thở với ý thức tỉnh giác thì anh chị em của chúng tôi dù đang có mặt hay đang hiện hữu ở phương trời nào, thì cũng đều đang có mặt ở trong trái tim tôi trong giờ phút này.

Thở và ý thức tỉnh giác tôi biết trong trái tim tôi sẽ mở ra những hoa trái giác ngộ cho mỗi chúng tôi, cho tổ tiên của chúng tôi trong quá khứ và cho những thế hệ con cháu của chúng tôi trong tương lai.

Xin tất cả quý vị bỏ tay xuống , ngồi trong tư thế thoải mái hướng về Tam Bảo, hướng về thân linh của mình để nghe pháp thoại.

 

Hai Hạt Minh Châu Cho Người Sống:

Cùng tất cả quý vị thân mến .

Sống chưa hẳn là hạnh phúc hay may mắn, thì chết chưa phải là rủi ro hay bất hạnh.

Nếu ta sống mà trong đời sống của mỗi chúng ta, thiếu đi chất liệu của Hiếu và Kính, thì chúng ta sẽ trở thành con người bất hạnh ở trong gia đình, chúng ta sẽ trở thành người con, người cháu bất hạnh ở trong dòng họ của chúng ta và chúng ta sẽ trở thành con người vĩnh viễn bất hạnh ở thế giới loài người.

Cho nên ở nơi gia đình nào, ở nơi xã hội nào mà con người sống thiếu hai chất liệu Hiếu và Kính thì ở nơi gia đình đó, ở nơi xã hội đó có sự bất hạnh, có sự khổ đau và có sự đi xuống nơi cảnh giới thấp kém.

Thiếu chất liệu Hiếu và Kính là sống rủi ro, là sống bất hạnh, càng sống thì càng rủi ro, càng sống thì càng bất hạnh, càng sống thì càng đau khổ, càng sống thì càng thất vọng và một ngày đi qua đời ta là một ngày đẩy ta đi tới với thế giới địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

Thế giới địa ngục là thế giới dành cho con người thiếu chất liệu Hiếu và Kính, ở thế giới đó người ta muốn gọi tiếng Cha ơi cũng không được, muốn gọi lên tiếng Mẹ ơi cũng không được. Sống mà mất hết chất liệu Hiếu và Kính, thì sẽ sa vào cảnh giới của ngạ quỷ.

Cảnh giới đó là cảnh giới đói nghèo và trong cảnh giới đói nghèo đó là đói nghèo về tình cảm, đói nghèo về đức tin, đói nghèo tình cảm quý báu nhất đó là tình cảm Cha và Mẹ. Cho nên ai mà trong đời sống của họ thiếu đi chất liệu Hiếu và Kính, người đó sẽ vĩnh viễn đói nghèo, đói nghèo tình cảm và đói nghèo đời sống tinh thần. Tuy thân họ sống trong cung điện, nhưng đó là trá hình của loài ngạ quỷ đói nghèo.

Ở trong đời, ai mà sống thiếu chất liệu Hiếu và Kính, thì trước sau gì, họ cũng rơi vào thế giới của loài súc sinh, đó là cảnh giới mà không biết cha mình ở đâu, mẹ mình ở đâu, không biết quê hương xứ sở của mình ở đâu. Dù ở bên mẹ mà vẫn dày xéo mẹ, làm cho mẹ mình khổ đau, thì đó là cảnh giới của loài súc sinh.

Cho nên, ở trên đời, cái rủi ro lớn nhất của con người, cái bất hạnh lớn nhất của con người là rơi đi hai hạt minh châu Hiếu và Kính ở trong tâm hồn của mình, ở trong đời sống của mình, sống mà mất  đi hai hạt minh châu Hiếu và Kính thì đó là một đời sống rủi ro và bất hạnh. Chết mà trong tâm hồn khô kiệt hai chất liệu Hiếu và Kính đó là một cái chết rủi ro, một cái chết bất hạnh, vì cái chết đó là cái chết lầm lũi đi vào cảnh giới của địa ngục, thế giới của nga quỷ, thế giới của súc sinh và chịu muôn vàn khổ đau, nên chết như vậy là chết khổ đau và bất hạnh.

Ở trong đời người nào có đủ hai chất liệu Hiếu và Kính, người đó là người may mắn, người đó là người hạnh phúc, người đó là người có đầy đủ phước đức.

Bởi vì Hiếu và Kính là hai hạt minh châu quý báu tạo ra phước đức cho chúng ta đời này và đời sau.

Hiếu và Kính là hai chất liệu quý báu, là hạt minh châu tạo ra phước báu cho ta trong cõi người, khiến ta sinh ra trong cõi người, ta sẽ có người cha thông minh đức hạnh, ta sẽ có bà mẹ hiền dịu, dễ thương đã hy sinh toàn bộ cho con. Nếu ta sinh lên cõi trời, thì cũng từ hạt minh châu đó mà phước báu chư thiên của chúng ta được sung mãn và nếu chúng ta bước vào cõi Thánh,  cõi Phật cũng được thiết lập trên nền tảng của Hiếu và Kính. Không có vị Thánh nào bất hiếu mà trở thành Thánh cả. Không có vị Phật nào bất hiếu mà thành bậc Toàn giác bao giờ.

Cho nên sống mà có hai chất liệu Hiếu và Kính trong đời sống của mình, trong mỗi trái tim của mình, trong mỗi cử chỉ, trong mỗi hành động của mình, đó là đời sống cao đẹp, đời sống hạnh phúc, đời sống có ý nghĩa. Vì sao? Vì đó là có cơ hội tiếp tục thăng hoa của mình từ một điểm đến toàn thể, từ một điểm đến chỗ cao quý tột cùng. Và nếu ta chết là hình hài này rã đi, các yếu tố vật chất không còn đủ để cho ta hành hoạt. Nhưng nếu trong tâm thức ta có đầy đủ hai chất liệu Hiếu và Kính, thì tuy hình hài ta hư rã, nhưng ta vẫn hạnh phúc và may mắn, bởi vì ta có viên minh châu Hiếu và Kính trong tâm ta, trong nghiệp thức của ta, thì dù hình hài này có rã đi nữa, thì ta sẽ tiếp tục có một hình hài khác đẹp hơn, quý báu hơn, đầy đủ tướng tốt hơn. Vì sao như vậy? trong ta có hạt minh châu Hiếu và Kính.

Nếu ta có chết đi và bỏ ngôi nhà này đi nữa, thì ta sẽ đi đến ngôi nhà rộng lớn hơn, ta có bỏ quê hương này đi nữa, ta cũng sẽ đi đến một quê hương rộng lớn mênh mông hơn cao đẹp hơn, nơi đó có đấng Từ Phụ chăm sóc ta không những về đời sống vật chất, mà còn chăm sóc ta đời sống tinh thần; không những tạo điều cho ta đầy đủ phước báu một đời, mà còn có khả năng tạo cho ta phước báu nhiều đời. Phước báu ấy giúp ta có thể thăng hoa và phát triển đến chỗ viên mãn, đến chỗ y báo, chánh báo trang nghiêm như chư Phật.

Vì vậy chết mà trong tâm thức ta có hai hạt minh châu Hiếu và Kính, thì đó là cái chết vinh quang, cái chết đó là cao quý, chứ không phải chết là một sự rủi ro.

Vậy giờ đây tất cả quý vị trong tang quyến cũng như đại chúng có nhận ra được rằng, thế nào là sự sống rủi ro và cái chết rủi ro của con người chúng ta?

Thế nào là sự sống may mắn và hạnh phúc cũng như cái chết may mắn và hạnh phúc của con người chúng ta?

Khi nhận ra được cái rủi ro trong đời sống con người của chúng ta, thì chúng ta dứt khoát loại bỏ nó ra khỏi tâm thức ta, loại bỏ nó ra khỏi lời nói của chúng ta hàng ngày. Và khi ta ý thức được rằng, hạt minh châu làm đẹp đời ta, làm vinh quang đời ta, thì ta hãy ôm ấp nó, chăm sóc nó, phát triển nó, từ nơi một điểm của tâm hồn trở thành toàn thể của tâm hồn ta. Và từ nơi tâm hồn ta mà biểu hiện ra trong lời nói của chúng ta mỗi ngày, cho nên lời nói của chúng ta khi nào cũng hiển bày chất liệu của sự thương yêu, của sự quý trọng, của sự chân thật và nó sẽ chuyển tải ra trong hành động của mỗi chúng ta, để mỗi khi ta hành động là ta luôn nghĩ đến lợi mình, lợi người, lợi đời này và lợi đời sau, lợi cho ta ở thế giới này, mà còn lợi cho những người thân yêu của ta ở thế giới khác, chúng ta phải thực tập như vậy, sau khi chúng ta ý thức được thế nào là một đời sống có ý nghĩa, thế nào là một sống vô nghĩa, thế nào là một cái chết có ý nghĩa, thế nào là một cái chết vô nghĩa, cái chết rủi ro bất hạnh.

Cũng vì tất cả quý vị trong tang quyến ý thức được rằng, chết có chất liệu Hiếu và Kính là thăng hoa cuộc sống và làm đẹp cho cuộc đời hiện tại và tương lai, cho nên quý vị đã dâng hoa lên cúng dường mẹ mình, chị mình, em mình, cô mình, dì mình, bác mình, thím mình, mợ mình… và những người thân yêu của mình bằng tất cả chất liệu Hiếu và Kính và quý vị cũng đã nói lên được tất cả những gì trân quý nhất, đẹp nhất đối với mẹ mình, đối với người thân yêu của mình đã qua đời và quan trọng hơn hết là có những đau buồn khi người thân qua đời quý vị đã nén được và biết chuyển hóa niềm đau của mình thành ra niềm hạnh phúc, biết chuyển hóa cái nhìn tầm thường của mình trở thành ra cái nhìn cao quý xuyên suốt mọi không gian, xuyên suốt mọi thời đại, cho nên việc thể hiện sự Hiếu Kính của quý vị là sự thể hiện Hiếu Kính một cách có ý nghĩa đối với chánh pháp, biết nén sự đau thương, biết nén sự sinh ly tử biệt, thành ra bồ đề tâm, trở thành ra đại nguyện, trở thành ra sự cầu nguyện cao khiết, đó là một việc làm có ý nghĩa.

 

Buông Bỏ Và Lên Đường:

Giờ đây xin quý vị trong tang quyến hướng về Tam Bảo hướng về thân linh của mình, để tôi có vài lời khai thị đối với thân linh.

Hỡi hương linh chị Nguyễn Thị Vỹ,

Pháp danh Nguyên Khai, mặc nhiên lắng nghe!

Hương linh của chị nghe Thầy hỏi, trước khi chết chị có sợ chết không? Khi mang thân người chị có sợ chết không? Khi mang thân người, làm mẹ cũng khổ, làm vợ cũng khổ, làm người cũng khổ, nhưng có khi nào chị không sợ chết không?

Ở thế gian này ai cũng sợ chết cả, dù họ sống rất đau khổ, dù sống đang bị đày đọa, nhưng người ta vẫn ham sống và dù ham sống đến cỡ nào, thì những cái chết vẫn đến với tất cả mọi người.

Cái chết không phải từ trên trời rơi xuống, không phải từ dưới đất vọt lên, không phải từ phía phải, từ phía trái đi tới với mình, mà nó tới với mình ngay nơi sự sống của mình mới sinh ra. Mình sinh ra ở đâu là cái chết có mặt ở đó; mình sinh ra lúc nào, thì cái chết có với ta từ lúc ấy. Cho nên, sợ chết là một điều vô lý nhất của con người.

Những bậc Thánh trí trên đời, không ai sợ chết cả, chỉ có những kẻ phàm phu vô trí mới sợ chết mà thôi. Bậc Thánh trí chỉ sợ mình sống không có ý nghĩa, sống mà không nhận ra được chân lý của sự sống, để rồi tạo nghiệp sinh tử luân hồi – đó là cái sợ của bậc Thánh trí. Cho nên, các bậc Thánh trí biết rằng, chết không phải là hết, mà chết là tiếp tục sống với một đời sống khác, tùy theo nghiệp thiện ác của mình đã tạo.

Nếu trong đời hiện tại tạo nghiệp ác, thì sau khi kết thúc sinh mệnh sẽ sinh vào thế giới thấp kém và nếu trong đời hiện tại mình biết tin Tam Bảo, biết ăn chay niệm Phật, biết tin nhân quả tội phước, biết Hiếu Kính đối với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ; có niềm tin chân thật đối với con cháu; có nếp sống chân tình với mọi người xung quanh, thì một lần chết là một lần thăng hoa của sự sống, một lần chết là một lần bông hoa nở ra thơm và đẹp, các bậc anh tú thấy rõ như vậy, cho nên mới tuyên dương chánh pháp để cho chúng sanh nhận thấy con đường sống và chết thế nào, để tự mình chọn lựa mà lên đường một cách dứt khoát và khuyến khích mọi người lên đường một cách dứt khoát và có ý nghĩa.

Chính bây giờ chị cũng đã lên đường, đang lên đường và sẽ lên đường. Vậy, khi lên đường Thầy tin chắc rằng, trong tâm thức của chị đã có Phật,  có Pháp, có Tăng, có Năm giới quý báu và chị lên đường Thầy tin tưởng rằng, trong con người chị, trong tâm hồn chị, đã có đầy đủ hai chất liệu Hiếu và Kính đối với tổ tiên ông bà cha mẹ. Trong tâm hồn của chị đã có sự chung thủy đối với người yêu của mình và có sự hy sinh to lớn đối với con cháu của mình; sống có nhân ái với mọi người, cho nên hôm nay chị xả bỏ thân này, chị sẽ thay đổi thành thân khác cao đẹp hơn, chị đừng luyến tiếc gì nơi thế giới hư huyễn này nữa, chị hãy mạnh dạn lên đường!

phat tren cao

Tỉnh Giác Với Những Ánh Sáng Trước Mặt:

Hỡi hương linh chị Nguyễn Thị Vỹ,

Pháp danh Nguyên Khai, lắng nghe thầy nói!

Giờ đây, trước tâm thức của chị bao nhiêu ánh sáng đang chập chờn, chập chờn quyến chị đi theo hướng ấy.

Ánh sáng màu đen xám đang chập chờn trước tâm thức của chị, cho nên chị phải chánh niệm tỉnh giác và biết ánh sáng đó chiếu ra từ thế giới địa ngục, nên giờ phút nầy, chị phải giữ tâm chánh niệm, nghĩ rằng, tôi đã quy y Tam Bảo, đã từng thọ trì năm giới quý báu, đã tin tưởng vào ánh sáng đỏ rực của đức Phật A di đà, cho nên ánh sáng này không thích hợp với tâm nguyện của tôi khi sinh tiền. Vì vậy, chị không đi tới với ánh sáng đen xám, chập chờn trước tâm thức của chị.

Bây giờ là một loại ánh sáng khác, ánh sáng màu đỏ đang chập chờn trước tâm thức của chị. Chị phải giữ chánh niệm tỉnh giác và biết ánh sáng màu đỏ đang chập chờn đó là ánh sáng của loài ngạ quỷ, đó là ánh sáng của loài đói nghèo. Chị phải giữ gìn chánh niệm không đi tới với ánh sáng đỏ đó, chị phải khởi lên tâm nguyện rằng, tôi là Nguyễn Thị Vỹ, pháp danh Nguyên Khai đã từng quy y Phật, đã từng quy y Pháp, đã từng quy y Tăng, đã từng giữ gìn năm giới quý báu, đã biết ăn chay niệm Phật và nguyện khi xả bỏ thân này được sanh về thế giới Tịnh độ của đức Phật A Di Đà ở phương Tây, để tu tập và thoát ly sinh tử, nên ánh sáng màu đỏ chập chờn trước tâm thức tôi, không phải là ước nguyện của tôi.

Hương linh của chị giờ phút này đã vượt qua được ánh sáng màu đỏ chập chờn rồi, thì một loài ánh sáng khác xuất hiện, quyến hấp dẫn chị đi theo, đó là ánh sáng màu xanh. Chị phải biết rằng, ánh sáng màu xanh là ánh sáng của loài súc sinh, đó là ánh sáng của sự ngu dốt, của sự cố chấp, của sự sống theo bản năng thú tính, cho nên trong giờ phút này, chị hãy duy trì năng lượng chánh niệm; phải nhớ rằng, tôi đã từng quy y Phật, đã từng quy y Pháp, đã từng quy y Tăng, đã từng giữ gìn năm giới quý báu, đã từng ăn chay, niệm Phật và có tâm nguyện sanh về thế giới Tịnh độ của đức Phật A Di Đà ở Phương Tây. Cho nên, ánh sáng này không phải là ánh sáng của tôi hướng tới, tôi ước vọng. Chị phải chánh niệm tỉnh giác như thế, mới không bị cuốn hút bởi ánh sáng màu xanh đang chập chờn trước tâm thức của chị.

Vượt qua ánh sáng màu xanh, thì giờ đây, trước tâm thức của chị đang đối diện với một loại ánh sáng khác màu xanh lục, màu xanh của loài Atula, đó là loại ánh sáng từ nơi tâm thức kiêu ngạo, từ nơi tâm thức giận hờn, ưa tranh hơn thua mà sinh khởi, nên thế giới atula là thế giới chiến tranh và cực kì khổ đau; cực kỳ thất vọng và sân hận cực kì. Cho nên, trong giờ phút này, ánh sáng màu xanh lục đó, đang chập chờn chập chờn trước tâm thức của chị, chị phải duy trì năng lượng tỉnh giác và biết rằng, mình đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đã quy y Phật, thì không còn đọa vào địa ngục; Đã quy y Pháp, thì không còn đọa vào ngạ quỷ; Đã quy y Tăng, thì không còn bị đọa vào súc sinh và phát tâm giữ năm giới, thì thành tựu phước báu trời người, để thoát ly sanh tử. Cho nên ánh sáng màu xanh lục của loài atula không phải là nơi đến của chị, không phải là cõi đi về của chị, chị hãy nhớ và dứt khoát không đi theo ánh sáng ấy.

Này hương linh chị Nguyễn Thị Vỹ, pháp danh Nguyên Khai, mặc nhiên lắng nghe!

Tâm thức của chị giờ này, đã vượt qua 4 loại ánh sáng rồi, giờ này tâm thức chị đang tiếp xúc với ánh sáng màu vàng nhạt, chập chờn, chập chờn  trước mắt chị, đó là ánh sáng của nhân loại. Đây là ánh sáng của phước báu làm người.

Hơn ai hết, hơn 59 năm có mặt giữa cuộc đời, chị cũng nếm thấm những hạnh phúc, những đau khổ do thế giới con người đem lại. Ở trong thế giới con người, dù được làm vua, quan, làm tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, là nhà giàu có, tỷ phú, nhưng chỉ cần sa cơ thất thế, thì bao nhiêu sự nghiệp trở thành mây khói tan tành. Nên, phước báu loài người tuy có đó, nhưng rất mong manh, sự có mặt của phước báu loài người như sương mai, như nắng chiều, như ánh chớp hoàng hôn.

Vì vậy, những bậc Thánh trí trong đời, khi được phước báu làm người rồi, thì liền quy y Tam Bảo để trau dồi phước đức đó và tu tập để thành tựu phước báo cao hơn, đó là phước báo của các bậc thánh, bồ tát và Phật.

Cho nên, trong giờ phút này ánh sáng màu vàng nhạt đang chập chờn, chập chờn trước tâm thức của chị, chị hãy duy trì năng lượng chánh niệm, chị phải nghĩ rằng, chị đã từng quy y Phật, đã từng quy y pháp, đã từng quy y Tăng, giữ gìn năm giới quý báu là để thoát ly sinh tử luân hồi, chứ không phải tu tập là để nhận lấy cái phước báo mong manh của cõi người mà mạng người chỉ trong hơi thở. Chỉ một hơi thở ra, không thở vào là mọi điều trong thế giới con người đều trở thành vô nghĩa.

Vượt qua được ánh sáng màu vàng nhạt của thế giới loài người rồi, thì loại ánh sáng khác liền xuất hiện trước tâm thức của chị, đó là ánh sáng màu trắng của chư thiên. Ánh sáng này do tu tập thập thiện nghiệp đạo mà thành. Nhưng dù sanh vào thế giới của chư thiên; được làm trời Đế Thích; được làm Chúa trời ở Dục giới; được làm Phạm Thiên ở Sắc giới; hoặc được làm chư thiên Vô sắc giới, cũng còn ở trong sinh tử luân hồi mà thôi.

Bởi vì cõi trời Dục giới, vẫn còn bị ái dục làm khổ đau; cõi trời Vô sắc giới, thì vẫn còn sắc kiến và sắc ái làm cho khổ đau; cõi trời Vô sắc giới, thì vẫn còn tưởng ái và vô tưởng ái làm cho khổ đau. Còn khổ đau là còn trôi lăn trong sinh tử luân hồi. Vì vậy mà khi sinh tiền chị đã phát tâm quy y Tam Bảo.

 

Quay Về Nương Tựa:

Quy y Phật thì thề trọn đời không quy y trời thần quỷ vật hay đời đời kiếp kiếp không quy y trời thần quỷ vật. Đã quy y Pháp thì thề trọn đời không quy y ngoại đạo tà giáo hay nguyện đời đời kiếp kiếp không quy y ngoại đạo tà giáo. Đã quy y Tăng, thì thề trọn đời không quy y bè bạn xấu ác hay đời đời kiếp kiếp không quy y bè bạn xấu ác.

Vì sao không quy y trời thần quỷ vật? Vì trời thần quỷ vật vẫn còn trong sinh tử luân hồi, thì vẫn còn khổ đau, nên ta không quy y.

Vì sao quy y Pháp là không quy y ngoại đạo tà giáo? Vì tất cả những học thuyết, giáo thuyết của các tôn giáo, chỉ diễn tả những cái nằm trong sinh tử luân hồi, mà chưa có phương pháp đoạn diệt ái dục của Dục giới, đoạn diệt ái kiến của Sắc giới và đoạn diệt vô tưởng ái của Vô sắc giới để thoát ly sanh tử luân hồi. Chỉ có giáo pháp của Phật mới đầy đủ năng lực giúp cho người thực hành đoạn từ được ái dục của Dục giới; đoạn từ sắc ái của Sắc giới và đoạn từ vô tưởng ái của Vô sắc giới để thóat ly sinh tử luân hồi. Bởi vì vậy mà người đệ tử Phật không quy y với ngoại đạo tà giáo.

Vì sao người đệ tử Phật, quy y Tăng mà không quy y tà sư ác hữu? Vì Tăng là một đoàn thể đẹp đã chọn lựa đức Phật là thầy, đã chọn Pháp là phương pháp thực hành; là con đường đi đến Niết bàn và Tăng là một đoàn thể sống đời sống hòa hợp và thanh tịnh. Tăng là một đoàn thể xuất gia đệ tử của Phật, lấy thanh tịnh làm bản chất, lấy hòa hợp làm sự sống, lấy lợi tha làm nghĩa vụ. Tăng là đoàn thể đẹp như vậy, cho nên chị đã từng phát nguyện quy y Tăng không quy y bất cứ một đoàn thể nào khác, không nương tựa vào bất cứ một bạn bè nào khác là bởi vì muốn cùng nương tựa Tăng để đi trên con đường thoát ly sinh tử luân hồi.

Tăng là đoàn thể giúp ta nương tựa tu học để thoát ly sinh tử luân hồi, mà khi sinh tiền chị đã phát tâm như thế, đã phát nguyện như thế, vậy trong giờ phút này, trước tâm thức của chị, ánh sáng màu trắng nhạt, đang chập chờn, chập chờn, đó là ánh sáng của các loài chư thiên, đang đối diện trước tâm thức của chị. Vậy, chị phải giữ gìn hạnh nguyện và phát huy tố chất của ngươì Phật tử và chị nói rằng: ánh sáng của cõi trời Dục giới, ánh sáng của cõi trời Sắc giới và Vô sắc giới, không phải là điểm đến của người Phật tử. Người Phật tử chúng tôi là quy y Tam Bảo và giữ gìn năm giới, phát bồ đề tâm, hành bồ tát đạo, thiết lập tịnh độ của tự tâm để tu tập và hướng tới tha phương Tịnh độ để học hỏi.

nho me

Hướng Đến Tịnh Độ Tự Tâm Và Tịnh Độ Phương Tây:

Cho nên, mô thức Tịnh độ thiết thực nhất, mà nhiều Phật tử tu tập thường hướng tới là Tịnh độ của Phật A Di Đà. Vậy, trong giờ phút này, chị hãy đánh thức hạt giống Tịnh độ trong tâm của chị dậy, khiến cho ánh sáng Tịnh độ trong tâm thức chị phát ra, để có thể tương ứng với Tịnh độ của chư Phật mười phương. Và trong Tịnh độ của chư Phật mười phương, thì Tịnh độ của Phật A di đà là Tịnh độ mà hằng ngày chị hằng mơ ước.

Bây giờ chị hãy khởi tâm hướng về Tịnh độ của Phật A di đà. Khi chị khởi tâm hướng về Tịnh độ của Phật A di đà, thì ánh sáng vô lượng từ nơi Tịnh độ của Phật A di đà sẽ chạm vào tâm thức của chị. Chị nên biết rằng, thế giới Tịnh độ của Phật A Di Đà là ánh ánh vô lượng, ánh sáng đó được xây dựng trên Đại nguyện của đức Phật A di đà, khi Ngài còn hành Bồ tát đạo, cho nên ánh sáng của Phật A Di Đà là ánh sáng đỏ rực. Ánh sáng đó thường trực chiếu khắp cả mười phương thế giới, nhưng chúng sinh nào, chư thiên  nào, nhân loại nào có tín tâm đối với cõi Tịnh độ của Phật A di đà và muốn sanh về thế giới của Ngài, mà chí thành, chí thiết, niệm từ một  niệm cho đến mười niệm,  mà tâm không điên đảo, vọng tưởng, thì ánh sáng đó xuyên qua tâm thức của chư thiên đó, của nhân loại đó, của chúng sanh đó, và khi ánh sáng đó đã xuyên qua được tâm thức của người đó, thì hạt giống tịnh độ nơi tâm thức người đó trổi dậy và tương ưng với ánh sáng đó và chỉ trong khoảnh khắc là được nhập vào ánh sáng ấy để về Tịnh độ của Phật A Di Đà.

Vậy, trong giờ phút này chị hãy quay vào trong tâm thức của chị làm cho hạt giống Tịnh độ trong chị phát khởi một cách mãnh liệt “bằng Tín; bằng Hạnh; bằng Nguyện.

Tín có nghĩa là tin. Tin rằng,ngoài ánh sáng của thế giới Tịnh độ Phật A di đà, chị không đi theo bất cứ ánh sáng nào nữa cả, không rơi vào cảnh giới nào nữa cả, chỉ có Tịnh độ của Phật A di đà và chị chỉ nguyện sanh về đó mà thôi.

Chỉ có một Hạnh nguyện duy nhất là giữ tâm chánh niệm thực sâu lắng, thực vững chắc để được sanh về Tịnh độ của Phật A di đà mà thôi.

Khi chị đã phát nguyện như vậy rồi thì ánh sáng đỏ rực của đức Phật A Di Đà đã xuyên qua tâm thức của chị và khi chị tiếp xúc được với ánh sáng đỏ rực của đức Phật A Di đà, chị đừng lo lắng, đừng sợ hãi, đừng khiếp đảm mà chỉ nói:

“Kính bạch đức Phật A Di Đà ở Phương Tây Thế giới.

Kính bạch Đức Bồ tát Quán Thế Âm là vị kế thừa ở phương Tây thế giới của Phật A Di đà.

Kính bạch đức Đại Thế Chí Bồ tát cũng là vị Bồ tát sẽ kế thừa thế giới Tịnh độ của đức Phật A Di đà trong tương lai.

Xin các ngài thương con, dùng ánh sáng vô lượng của các Ngài mà rọi vào tâm tư con, để cho bao nhiêu hạt giống chấp ngã, vô minh, phiền não, tham lam, tật đố nơi tâm con được tiêu trừ; để cho tâm con giờ phút này sáng choang lên, cảnh giới của đức Phật A di đà  đã hiện tiền trong tâm con và tâm con đã có cảnh giới Tịnh độ của các Ngài”.

Chị hãy phát khởi rằng: “Xin các Ngài đem thuyền thọ mạng mà chuyên chở hình hài con, để hình hài con có cơ hội nhập vào thuyền thọ mạng vô lượng của các Ngài mà đạt tới chỗ vô sinh, bất diệt và xin các Ngài đem công đức vô lượng của các Ngài trùm lên hình hài con, trùm lên tâm thức con; để hình hài con có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp như các Ngài; để tâm thức của con cũng có đầy đủ bồ đề tâm, đầy đủ bồ đề hạnh, đầy đủ bồ đề nguyện, như các Ngài; để trong tương lai các con tu tập và thiết lập Tịnh độ như các Ngài; để cho những ai có cơ duyên với chúng con đều về nơi Tịnh độ cùng chúng con tu học”.

Khi tiếp xúc với ánh sáng đỏ rực của đức Phật A Di Đà, chị hãy giữ tâm chánh niệm và luôn luôn nhớ những điều mà Thầy vừa nhắc nhở cho chị.

Vậy, bây giờ chị đã thấy ánh sáng đỏ rực của đức Phật A di đà xuyên qua tâm thức của chị chưa?

Những hạt giống tốt đẹp ở nơi tâm thức chị đã sáng lên chưa? Đã hiện khởi chưa? Nếu chưa, thì chứng tỏ rằng, nghiệp chướng của chị còn dày, báo chướng còn trở ngại, thì giờ này đây, chị hãy duyên nơi tâm Thầy, hãy duyên nơi trí của Thầy, hãy duyên nơi hạnh nguyện của Thầy và hãy duyên nơi tâm Hiếu Kính của con cháu, bà con thân thuộc của chị có mặt hôm nay, như là một năng lực trợ niệm, khiến cho tất cả những  hạt giống tốt đẹp trong tâm thức chị phát sinh.

Bây giờ muốn phát sinh tâm thức đó, thì giờ này chị hãy phát tâm sám hối để cho bao nhiêu nghiệp chướng được tiêu trừ.

Giờ đây chị hãy duyên vào tâm của Thầy, trí của Thầy, tâm Hiếu Kính của con cháu… và con cháu đại diện cho chị mà nói theo Thầy:

“Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm

Tâm tịnh còn đâu dầu lỗi lầm

Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhỏm

Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong”.

Hỡi hương linh chị Nguyễn Thị Vỹ, pháp danh Nguyên Khai!

Như vậy, giờ phút này tâm thức của chị đã hoàn toàn lắng yên rồi, cội nguồn tâm linh của chị đã mở ra rồi, cho nên chị hãy ôm lấy chất liệu Nguyên khai của mình, mà đi về Tịnh độ, nguyên là cội nguồn tâm linh, khai là mở ra. Từ nơi cội nguồn tâm linh mà được khai mở.

Từ nơi cội nguồn tâm linh của Phật pháp; từ nơi cội nguồn tâm linh Tịnh độ đã mở ra cho tâm  linh của chị đi vào, bây giờ tâm linh của chị hãy đi về đó, hoa sen chín phẩm đang nở ra để đón chờ tâm linh của chị. Đức Phật A Di Đà và Thánh chúng ở phương Tây đang mỉm cười, đang phóng quang và đưa tay vàng tiếp độ tâm linh của chị. Vậy, tâm linh của chị hãy:

“Nhẹ gót lên đường về cõi Phật

xa lìa phiền não chốn trần ai.

Chín phẩm hoa sen là cha mẹ

vui đăng tiêu dao dưới Phật đài”.

Nam Mô Đăng Vân Lộ Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Phật tử Tâm Lý và Nguyên Phán Biên Chép

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle