Quyển Phật Thuyết Bào Thai Kinh nói rằng để thân trung ấm có
thể đi tái sinh, phải có được ba thuận duyên và ba nghịch duyên phải vắng mặt:
1. Người mẹ phải mạnh khỏe, không bệnh tật và không ở trong thời kỳ có kinh
nguyệt.
2. Thực Hương Ấm [thân trung ấm] phải đang ở gần đó và muốn nhập thai.
3. Người nam (cha) và người nữ (mẹ) phải có ý ham muốn lẫn nhau và giao hợp.
4. Dạ con người mẹ phải hoàn hảo, không bị bệnh hoạn, hư hỏng, nghĩa là dạ con
không được nhỏ như hạt lúa mạch, không được nhỏ như eo con kiến hay như miệng
con lạc đà, hơn nữa, cũng không được tắc nghẽn bởi khí, mật hay đàm.
5. Cả cha và mẹ không có hạt giống hư hỏng, nghĩa là tinh hay huyết bị nghẽn,
không di chuyển xuống được, hoặc là một trong hai thứ xuống trước quá sớm, hoặc
là cả hai thứ xuống đồng thời nhưng một trong hai thứ lại bị thui chột hư hỏng.
6. Thực Hương Ấm phải hoàn toàn không bị khuyết điểm là không tích tụ đủ duyên (nghiệp)
để sinh làm con của hai người nam nữ đó, và cả hai nam nữ cũng không bị khuyết
điểm là không tích tụ đủ duyên (nghiệp) để được làm cha mẹ của vị này.
Điều này cũng y như ý nghĩa ghi trong các trang kinh luật là muốn đầu thai phải
cần có 6 điều duyên hợp đầy đủ.
Thực Hương Ấm hội đủ 6 điều kiện này sẽ thấy ảo cảnh cha và mẹ ăn nằm với nhau.
Do ham muốn giao hợp, và nếu sẽ phải đầu thai làm thân nam thì thân trung ấm sẽ
nổi lòng ham muốn người mẹ và muốn tách lìa người cha ra; còn nếu sẽ phải đầu
thai làm thân nữ thì thân trung ấm sẽ nổi lòng ham muốn người cha và muốn tách
lìa người mẹ ra. Rồi khi thân trung ấm bắt đầu ôm lấy người nó muốn, qua nghiệp
lực của quá khứ, nó chẳng thấy gì của thân thể mà chỉ thấy bộ phận sinh dục của
người đó, vì vậy mà nổi cơn sân hận. Chính lòng ham muốn và tâm sân hận này tác
động làm nguyên nhân cái chết của thân trung ấm, và nó nhập vào thai trong dạ
con người mẹ.
Khi nhập thai, người ít công đức thiện nghiệp sẽ nghe tiếng ồn ào ầm ĩ và có cảm
giác giống như đi vào trong đầm lầy, rừng rậm đen tối; trong khi người có nhiều
thiện nghiệp nghe các âm thanh nhẹ nhàng an ổn dễ chịu và có cảm giác đi vào
trong căn nhà đẹp đẽ, v.v...[55]
Trong chương mang tựa đề ‘Các Địa’ của quyển Du Già Sư Địa, Tổ Vô Trước có viết
là trong khi người cha và mẹ không thực sự ăn nằm với nhau [vào lúc đó], nhưng
thực hương ấm khi thấy tinh và huyết, đã nhận thức sai lầm là cha mẹ nằm với
nhau. Tuy nhiên, ngài Thế Thân trong bài luận A Tỳ Đàm Câu Xá Luận Thích (Kho
Tàng Trí Tuệ) lại viết là thân trung ấm [thực sự] nhìn thấy cảnh cha mẹ ăn nằm
với nhau.[56]
Khi người nam và người nữ bị thu hút nhau [trong việc giao hợp], qua lực khuấy
động của hai bộ phận sinh dục, khí chuyển hạ đi ngược lên và nội hỏa bình thường
trong ba giao điểm [của kinh mạch trung ương, trái và phải ở điểm rối dương] bốc
lửa. Sức nóng làm hòa tan các giọt khí trắng và đỏ, và chảy xuống dọc theo bên
trong ống rỗng của 72.000 kinh mạch. Qua điều này, thân và ý cảm nhận khoái lạc
thỏa mãn và sau cùng, trong một lúc tham ái mạnh mẽ, một thể dịch phục hồi đặc
sệt chảy ra. Sau đó, các giọt tinh và huyết, dứt khoát chảy ra từ cả hai người
nam và nữ, hòa trộn trong dạ con người mẹ. Thần thức của thân trung ấm đang chết
lúc đó nhập vào giữa chất hòa trộn này, giống như kem thành hình từ sữa đun sôi.
Nhập vào xảy ra như thế nào? Đầu tiên là thần thức nhập vào bằng một trong ba
cửa: miệng của người nam, đảnh đầu của người nam, hay là dạ con của người nữ.
Sau đó nó liên kết với thể dịch phục hồi chảy xuống dọc theo 72.000 kinh mạch [của
người nam và của người nữ, rồi hòa trộn trong dạ con]. Khí gây ra các hiện hành
của tâm sở trong trạng thái trung ấm tan rã, và lúc đó, màn tâm thức xuất hiện,
đỏ tăng và đen cận mãn hé rạng theo thứ tự. Các thứ này và ánh tịnh quang của sự
chết của thần thức hiện ra rất nhanh chóng – đơn thuần chỉ phát xuất trong một
giây lát, ngắn hơn cả các tiến trình đã giảng trong phần thần thức chết lìa khỏi
thân xác thô.
Các dấu hiệu từ ảo tượng đến tịnh quang xuất hiện, và – từ trung tâm của chất
tinh và huyết hòa trộn – tình trạng tương tợ ánh tịnh quang kéo dài, tạo thành
sợi dây liên hệ với đời sống mới. Sự tái sinh và sự tạo thành của tâm cận mãn
của tiến trình ngược xảy ra đồng thời.
Thời điểm đầu tiên của tâm cận mãn là lúc căn bản mà ta gọi theo quy ước là
‘trạng thái tái sinh’, và cũng là tâm thức đầu tiên liên hệ với đời sống mới ở
nơi chốn tái sinh. Từ đó, các thời điểm sau và tiếp theo của tâm cận mãn phát
sinh; theo sau là tâm đỏ tăng, và sau đó là màn trắng xuất hiện, tiếp theo là 80
tâm sở hiện hành cũng như là xuất hiện của các khí căn cứ của nó.
Từ khí căn cứ của tâm màn trắng xuất hiện, một loại khí[57] khác phát sinh mang khả năng đặc biệt là giữ vai trò làm
căn cứ của thần thức. Từ nó, hỏa đại mang khả năng đặc biệt là làm căn cứ của
thần thức phát sinh; sau đó, thủy đại căn cứ và địa đại căn cứ phát sinh.
Về cánh cửa nhập vào dạ con của thần thức, ngài Long Bồ Đề viết trong quyển ‘Thứ
Đệ Đạo Đạt Tam Nghiệp Bí Mật Pháp’ giảng là thần thức nhập vào qua cánh cửa Tỳ
Lô Giá Na – là đảnh đầu – trong khi Kinh Samvarodaya Mật tông (Samvarodaya) và
Kinh Vajrashekhara Mật tông (Vajrashekhara) giảng là thần thức nhập vào từ miệng
người nam. Do đó, đầu tiên thần thức nhập vào miệng hay đảnh đầu người nam rồi
thoát ra từ đầu chỗ kín [dương vật], nhập vào luân xa hoa sen [âm đạo] của người
mẹ. Thần thức của thân trung ấm đang chết bèn kết nối liên hệ với đời sống mới ở
giữa chất hòa hợp của tinh và huyết ấy. Cũng thế, khi ngài Thế Thân trong Luận
Kho Tàng Trí Tuệ giảng là thần thức nhập vào bằng cánh cửa dạ con người mẹ,[58] thì phải hiểu là có ba cánh cửa cho thần thức nhập vào dạ
con: miệng người nam, đảnh đầu người nam và cánh cửa đi vào dạ con người nữ.
Phần giảng này tương ứng với phương cách nhập vào thân người của thân trung ấm
khi phải tái sinh ra từ dạ con. Tuy nhiên, vì nói chung thì vật chất không cản
trở được thân trung ấm, vì vậy nó không cần lỗ mở để làm cánh cửa nhập vào. Bởi
thế, ngài Thế Thân trong Luận Kho Tàng Trí Tuệ nói là sự hiện diện của những
sinh vật đã được tìm thấy trong một khối sắt bị chẻ đôi là một điều đã có nhiều
người biết đến.[59] Cũng thế, có sự hiện diện của những chúng sinh hữu tình
trong các khối đá và sỏi cứng rắn không hề có một kẽ hở nào.
Diệu Hạnh dịch