Mỹ học từ cái chết

my hoc

 

Hoàng Long

 

 

 

Đây là bức thư gửi về từ Nhật Bản của nhà văn, dịch giả Hoàng Long, sinh 1980, quê ở Đà Lạt (hiện anh đang làm nghiên cứu sinh tại đất nước này). Chứng kiến những gì đã và đang xảy ra, anh tự nhận thấy “mình phải làm một điều gì đó cho Nhật Bản” và bằng bức thư này, anh đã bày tỏ những suy nghĩ của mình về “tính cách Nhật Bản”.

 

 

1. Mấy ngày nay, trên truyền hình và báo chí thế giới tràn ngập những hình ảnh về động đất, sóng thần và nguy cơ rò rỉ hạt nhân từ Nhật Bản. Một điều ngạc nhiên là chính những nước khác lại hoảng loạn hơn người dân Nhật Bản. Rồi sau khi đã vội vàng tháo chạy, người ta đã bình tĩnh hơn và bắt đầu khâm phục sự điềm tĩnh ứng phó với thảm họa, tinh thần bình thản vươn lên từ hoang tàn của những con người xứ sở Phù Tang. Đâu là nguyên nhân của cách ứng xử tuyệt vời ấy? Câu trả lời chính là văn hóa.

 

 

Từ xưa, người Nhật đã ý thức được đất nước mình là một đất nước của núi lửa và động đất. Truyền thuyết ngày xưa của Nhật Bản đã nói rằng loài cá trê namazu sống ở dưới đất sâu, mỗi lần quẫy mạnh là tạo ra địa chấn nên muốn tránh là phải yểm một tảng đá lên đầu cá. Những tranh khắc gỗ (ukiyoe) miêu tả rõ điều này. Người Nhật từ xa xưa đã biết mình phải sống chung với thiên tai, không cách nào tránh khỏi. Từ đó hình thành nên một văn hóa ứng xử với động đất. Trẻ em, ngay từ khi còn học tiểu học đã được dạy rất kỹ cách hành xử như thế nào mỗi lần có động đất. Đầu tiên phải tắt lửa, ngăn không cho hỏa hoạn phát sinh. Thứ hai phải chui xuống gầm bàn để tránh các vật nặng rơi vào người. Nếu ở trong một tòa nhà lớn thì phải đứng gần sát cột vì nơi này là vững chắc nhất. Trường hợp không chui xuống nấp dưới gầm bàn ghế được thì có thể lấy cặp sách che chắn nhưng phải để cách đầu 5cm để nếu có vật rơi xuống cũng không gây chấn thương trực tiếp vào phần mềm. Những quy định này hầu như tất cả người dân Nhật Bản cũng đều biết. Vì thế, khi động đất xảy ra, mọi người không bất ngờ mà trật tự giúp nhau tìm chỗ trú ẩn.

 

 

Nhìn sâu hơn vào cội nguồn văn hóa, ta thấy rằng Nhật Bản tiếp biến văn hóa Trung Hoa, đưa tư tưởng Nho giáo và Phật giáo vào cộng sinh với nền văn hóa bản địa. Nho giáo dùng để cai trị đất nước, Phật giáo hình thành nên văn hóa mỹ học đặc thù của Nhật Bản. Những khái niệm như vô thường (mujo), phù du (hakanasa) đã đưa kinh nghiệm trực tiếp của người Nhật Bản về sự mong manh, ngắn ngủi của đời người và nói thế lên một chiều cao triết học. Những khái niệm mỹ học Nhật Bản như “aware” (bi cảm), “Yugen” (u huyền), “Wabi” (đà), “Sabi” (tịch) đều nội hàm trong mình ý nghĩa diệt vong.

 

 

Sang đến thời trung đại như Kamakura và Muromachi, khi nội chiến lan tràn giữa các lãnh chúa Daimyo, hình ảnh người võ sĩ (samurai) được đề cao như những chiến binh vĩ đại. Từ đó mà có câu “hoa có hoa anh đào, người có người võ sĩ”. Tại sao hoa anh đào là quốc hoa Nhật Bản? Bên cạnh việc tượng trưng cho sự đoàn kết, tập thể (vì hoa anh đào không phải là đẹp riêng lẻ, cô độc mà phải thành những đám mây hoa, thành một rừng hoa mới là đẹp nhất), hoa anh đào còn biết rời bỏ cuộc sống của mình lúc đẹp nhất để đi vào cõi bất tử. Điều này đã gợi hứng cho biết bao nhiêu thi nhân trong chiều dài lịch sử Nhật Bản. Người samurai thì tận trung, coi cái chết cho chủ tướng mình là một niềm vinh dự. Và nếu như thua trận, hay phạm một lỗi lầm nghiêm trọng, người samurai xem việc được ban cho cái chết mổ bụng tự sát (seppuku hay harakiri) là một vinh dự tối cao. Hay các cặp tình nhân không đến được với nhau cũng hay rủ nhau tự sát đôi (shinju) dưới bóng hoa đào.

 

 

Người Nhật từ xưa, chưa bao giờ sợ chết vì lý tưởng. Hình ảnh những phi công cảm tử Kamikaze (Thần phong) giành nhau lái máy bay cảm tử đã gây kinh ngạc cho thế giới. Người ta đã bình luận rằng một phần Nhật Bản thua trận chỉ vì không có đủ máy bay cho những phi công cảm tử mà thôi.

 

 

2. Hiện nay, nếu như ở Việt Nam mỗi ngày có gần trăm người chết vì tai nạn giao thông thì mỗi ngày Nhật Bản cũng có chừng đó người chết vì tự sát. Đối với người Nhật, cái chết không hề đáng sợ. Cuộc sống mà không có một ý nghĩa gì mới là thảm thê. Mặt trái của cái mỹ học về sự diệt vong này là sự hân thưởng đời sống này trong từng khoảnh khắc, thấy cái đẹp tuyệt đỉnh trong sự phù du. Như Issa đã nói “chiều mùa đông này, bước trên mái vòm địa ngục, ta nhìn hoa bay” (Nhật Chiêu dịch). Mặt đất dưới chân có thể là địa ngục, có thể là hủy diệt nhưng trước mặt ta hoa vẫn nở, và trong khoảnh khắc này ta còn hân thưởng được một đóa hoa bay? Nếu có vài ngụm sake, một geisha xinh đẹp kề bên thì còn đòi hỏi gì hơn nữa?

 

 

Chính trong cái ngắn ngủi phù du, mà vẻ đẹp mới trở nên quý giá và đáng tận hưởng. Hay có thể nói chính cái chết làm cho cuộc đời trở nên có ý nghĩa. “Đời người chỉ một tu du, búng tay một cái sương mù đã tan” (Phạm Công Thiện). Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, ta phải tìm ra được một ý nghĩa sống cho cuộc đời mình. Và nếu cuộc đời không còn ý nghĩa nữa thì tự sát. Kawabata tự sát chỉ sau bốn năm nhận giải Nobel, Dazai Osamu tự sát đến lần thứ năm vì thấy đời không đáng sống, Mishima Yukio mổ bụng tự sát vì lòng kêu gọi ái quốc bất thành, anh vợ của Kenzaburo Oe nhảy lầu tự sát vì bị yakuza lấy dao rạch mặt sau khi làm một bộ phim châm biếm về lũ mafia này. Akutagawa tự sát vì thấy “lo lắng mơ hồ cho tương lai”. Những nhà văn Nhật Bản ấy đã sống và đã chết theo đúng những gì mình cảm nhận. Rõ cuộc đời khi cần dứt bỏ là dứt bỏ vì như Akutagawa nói “đời người không đẹp bằng một câu thơ của Baudelaire...”

 

 

3. Đó là tìm về nguồn cội. Còn phải nói thêm một điều nữa là về mặt tu dưỡng văn hóa. Đây chính là một điểm thành công của giáo dục Nhật Bản. Ngay từ thuở nhỏ, trẻ em đã được tập cách ứng xử và chịu đựng. Giáo dục Nhật không cần phải đao to búa lớn mà bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhặt. Cách phân loại rác ra sao, cách biết quý trọng thức ăn thế nào, (như phải biết ơn những mạng sống nhỏ như tôm cua cá đã hy sinh làm thức ăn cho mình khôn lớn), trên tàu điện phải nhường chỗ cho người già ra sao... Lớn lên một chút, trẻ em Nhật sẽ được học về cách chịu đựng. Một truyện ngắn của Akutagawa cho ta thấy cách nén chặt tâm trạng của người Nhật. Trong truyện Chiếc khăn tay, một bà mẹ Nhật Bản đến báo tin cho giáo sư đại học là con mình vừa mới mất. Trong khi nói chuyện bà mẹ vẫm mỉm cười khiến ông giáo sư vô cùng kinh ngạc. Khi cúi xuống sàn lượm chiếc quạt bị đánh rơi, giáo sư mới thấy tay người mẹ nắm chặt chiếc khăn mùi xoa đang run lên bần bật. Dù cuối truyện, vị giáo sư phát giác ra cách hành xử đó theo một khuôn mẫu “văn hóa” đã quy định nhưng cách biểu hiện nén chặt như thế nếu một người không có một sự tu dưỡng văn hóa cao độ thì không tài nào làm nổi. Sự tinh tế tột bậc ngay cả trong nỗi đau thì chỉ có ở riêng Nhật Bản, duy nhất Nhật Bản. Đẹp ngay cả trong đau thương.

 

 

Và thử liên hệ đến thảm họa vừa qua. Một bà cụ được cứu liên tục nói lời cảm phiền với những người cứu nạn và hỏi xem là trước bà có còn ai đáng cứu hơn không. Một em bé chín tuổi đã làm cho một vị tiến sĩ Việt rơi nước mắt về cách hành xử cao thượng của mình. Người dân Nhật Bản kiên nhẫn xếp hàng trong trật tự chờ lấy nước mà không kêu than. Hoàn hảo trong đau thương. Đẹp trong tận cùng thống khổ. Trời, Phù Tang, Phù Tang. Hơn bao lần ta cầu nguyện, trong những đền thần Jinja. Mặt trời soi từng đổ nát, bóng người in xuống sân ga. Ta vẫn là người năm cũ, chờ em mùa sakura. Đằng sau nụ cười chói sáng, ẩn mật một mùa đông qua. Suốt đời ta hoài mắc nợ, ru tình trong cơn phong ba.

 

 

Nguồn: TT&VH

 

Mời xem: http://sac-khong.blogspot.com

Chia sẻ: facebooktwittergoogle