Không thể quản lý văn hóa một cách tùy tiện

Tác giả: Trần Minh Quân

Quản lý văn hóa, trước hết cần những người có am hiểu và nhất là phải có văn hóa. Chúng ta không thể quản lý văn hóa và văn hóa sẽ không thể phát triển hay được bảo tồn bằng cách ứng xử thô bạo, tùy hứng. Đó là một thực tế mà những người được giao trọng trách quản lý văn hóa, cần nhìn nhận và thấu hiểu.

Văn hóa là một lĩnh vực khá rộng và trừu tượng. Văn hóa có liên hệ mật thiết với mọi mặt của đời sống xã hội và đặc biệt là nó luôn vận động không ngưng nghỉ. Do đó, việc quản lý văn hóa được xem là một lĩnh vực rất khó khăn, nhất là khi các giá trị văn hóa thường được xác định dưới dạng định tính, qua một quá trình lâu dài nhưng lại rất dễ bị các định kiến chủ quan dẫn dắt.

Quản lý văn hóa... mỗi nơi một kiểu

Nói như thế để biết rằng muốn quản lý và điều chỉnh những hành vi, sự việc thuộc phạm trù văn hóa rất cần những cái đầu có đủ trí tuệ nhưng phải thật sáng suốt, công minh dựa trên một nền tảng pháp luật rõ ràng, minh bạch. Nói cách khác, không thể quản lý văn hóa bằng sự cảm tính và nhất là lấy cái "phản" văn hóa để quản lý văn hóa.

Nếu để những điều này xảy ra thì thật là tai hại. Nhưng thật không may, đang có những biểu hiện như thế trong cung cách quản lý văn hóa tại xã hội chúng ta thời gian qua, khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng như việc quản lý, tôn tạo các di tích lịch sử, quản lý việc phát hành sách, tổ chức biểu diễn...

Trong phạm vi bài viết nhỏ này, thử nhìn lại một vài sự việc nhỏ gần đây nhưng đã gây sự chú ý của dư luận, để cùng nhìn lại công tác quản lý và công tác cấp phép các hoạt động văn hóa như thế nào.

Quản lý văn hóa, trước hết cần những người có am hiểu và nhất là phải có văn hóa

 

Sự việc thứ nhất liên quan đến tập truyện ngắn "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông" của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Cuốn sách vừa bị Sở Thông tin - Truyền thông (TT- TT) TP.HCM ra quyết định thu hồi với lý do "dâm ô, đồi trụy".

Đây là một cuốn sách phát hành trên cả nước đã được nửa năm thì bỗng dưng có lệnh thu hồi. TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên và duy nhất  ra quyết định thu hồi cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, ngay lập tức nhiều nhà văn cũng như các nhà phê bình đều lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Đã có một cuộc tọa đàm được tổ chức vào ngày 8/11 vừa qua với sự tham dự của một số nhà văn, nhà phê bình có uy tín. Theo đó đa số ý kiến đều không đồng tình với quyết định thu hồi của Sở TT- TT TP.HCM.

Có thể thấy lĩnh vực quản lý văn hóa đang được làm... mỗi nơi một kiểu.

Trao đổi với báo chí, nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết: "Các đại biểu dự tọa đàm đã đọc rất kỹ cuốn sách này và không có ý kiến nào đồng tình với nhận định: Tác phẩm có nội dung "truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy". Trong khi đó, trong một bài viết đăng trên Sài Gòn tiếp thị, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên gọi đó là hành động bất thường.

Ông viết "Quả thật là bất thường đối với đời sống văn hóa, tinh thần của một xã hội đang cố gắng hoàn chỉnh về luật pháp của chúng ta. Nhưng ngẫm ra, cái sự bất thường đó lại vẫn là bình thường lâu nay".

Sự việc thứ hai: Liên quan đến các đêm diễn của ca sĩ Chế Linh tại Việt Nam.

Mặc dù các đêm diễn trước đó của người ca sĩ được mệnh danh là "ông hoàng Bolero" này tại Đà Nẵng (29/10), Hà Nội (21/10 và 12/11) có gặp một số trục trặc, do đơn vị tổ chức sai phạm về quảng cáo tại Hà Nội, nhưng các đêm diễn được phép diễn ra và nhìn chung vẫn suôn sẻ.

Nhưng đến trước khi đêm diễn diễn ra tại TP.HCM một  ngày thì lại bị đình chỉ với lý do "chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay".

Lý do này được một số người đánh giá là rất mơ hồ, chung chung và vô thưởng vô phạt dành cho một chương trình ca nhạc.

Thông qua một vài ví dụ điển hình trên đây, có thể thấy lĩnh vực quản lý văn hóa đang được làm... mỗi nơi một kiểu.

Điều đáng nói là những quyết định hành chính được đưa ra đều rất cảm tính, mang nặng tính chủ quan theo kiểu "ông thích thì ông làm". Bởi có cố gắng cách mấy người ta cũng không thể hiểu nổi cái lý do "trời ơi" như "chưa phù hợp trong tình hình thành phố hiện nay" là gì. Chưa phù hợp là chưa ở điểm nào? Tại sao phải là hiện nay mà không phải là quá khứ hay tương lai? Và bao lâu nữa mới phù hợp? Tại sao TP.HCM lại không phù hợp trong khi tại các thành phố khác thì phù hợp?..

.Đối với cuốn "Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông" cũng vậy. Vẫn với lối áp đặt chủ quan, các nhà quản lý đã vội vàng kết luận "truyền bá lối sống dâm ô, đồi trụy", nhưng không giải thích cho dư luận và tác giả biết rằng nó "dâm ô" hay "đồi trụy" ở điểm nào? Đâu là cái thước đo để đánh giá những nhận xét đó?...

Không thể quản lý văn hóa một cách tùy tiện, thô bạo

Cứ sau mỗi cái quyết định như thế, thay vì phải giải thích cho dư luận được tỏ tường thì các cơ quan quản lý lại chọn cách im lặng. Sẽ có nhiều người tự hỏi liệu có những khuất tất gì đằng sau những quyết định ấy? Tại sao lại phớt lờ, thậm chí không tham khảo ý kiến của những người có kiến thức chuyên môn trước khi đưa ra quyết định?...

Sau những gì xảy ra, có thể thấy vẫn còn đâu đó những nhà quản lý đang thể hiện sự độc đoán hay theo kiểu "phép vua thua lệ làng", lạm dụng uy quyền của mình để tha hồ phán xét, bất kể đúng sai và không quan tâm đến những người trong cuộc hay dư luận nghĩ gì, thậm chí là xem thường pháp luật.

Quản lý văn hóa là một việc khó, thậm chí rất khó. Nhưng không phải cứ thấy khó thì cấm theo kiểu "bắn lầm hơn bỏ sót". Chính vì khó nên rất cần sự nghiêm chỉnh, thận trọng, cố gắng tìm hiểu phản ứng của dư luận trước khi ra quyết định, và cần nhất là sự trong sáng, công tâm và đủ tầm trí tuệ.

Một quyết định thu hồi nếu không chuẩn về mặt giá trị, sẽ là cái hố ngăn cách khiến cho độc giả không thể tiếp cận một tác phẩm hay. Đồng thời cũng làm thui chột ý tưởng, và nản lòng người sáng tạo nghệ thuật...

Một quyết định đình chỉ một đêm biểu diễn đã được ấn định từ trước sẽ là một sự phung phí rất lớn tiền bạc, công sức của những người thực hiện. Làm cho người ca sĩ lẫn người hâm mộ cảm thấy hụt hẫng, khó chịu. Riêng với đêm nhạc Chế Linh, được xem là nhạy cảm bởi yếu tố "nước ngoài". Do đó, một quyết  định cấm đoán chóng vánh và bất thường sẽ khiến cho nhiều người dễ suy diễn sai.

Quản lý văn hóa đòi hỏi mỗi quyết định đưa ra không thể tùy tiện, mà cần dựa trên những quy định của pháp luật, khiến người thi hành tâm phục, khẩu phục.

Quản lý văn hóa, trước hết cần những người có am hiểu và nhất là phải có văn hóa. Chúng ta không thể quản lý văn hóa và văn hóa sẽ không thể phát triển hay được bảo tồn bằng cách ứng xử thô bạo, tùy hứng. Đó là một thực tế mà những người được giao trọng trách quản lý văn hóa, cần nhìn nhận và thấu hiểu.

(tuanvietnamnet)

Chia sẻ: facebooktwittergoogle