Thông điệp từ chim bồ câu

Cao Huy Hóa

Dáng điệu chất phác, thật thà của chim bồ câu có cái giá đặc biệt của nó, một cái giá càng ngày càng quý hiếm trong thời đại ngày nay.

Ngày nay, đô thị hóa nông thôn là một thực tế ở nhiều nước đang phát triển và là kết quả của tiến trình công nghiệp hóa. Con người được hưởng văn minh đô thị nhiều hơn, nhưng ngược lại, cảnh yên ả nông thôn đã bị mất đi, trong đó con người thành phố dần dần xa lạ với chim, ngay cả những con chim vốn quá thông thường trong đời sống như én, chào mào, se sẻ, và cha mẹ ở đô thị đất chật người đông, muốn cho con biết về thế giới chim, chỉ biết đưa con đến chim nuôi trong lồng của những nhà chơi chim hoặc buôn bán chim. Nhưng có một loài chim vẫn gần gũi với cuộc sống đô thị, một loài chim vừa được nuôi, vừa được thả: đó là bồ câu.

Bồ câu có dáng tròn trịa, nặng nề, chậm chạp, chỉ đáng tượng trưng cho sự hiền lành, thật thà, không dọc ngang đất trời như hải âu, chim én, không sánh với vẻ đẹp của sếu, cò, vạc,... còn tiếng kêu của nó thì không thể là hót được, vì vậy nó thua xa họa mi, sơn ca, chào mào, và tất nhiên, tiếng gù của nó làm sao sánh với tiếng cu gáy thanh bình vào trưa hè, dầu hình dáng giông giống. Tuy nhiên cái chất phác, thật thà, tròn trịa có cái giá đặc biệt của nó, một cái giá càng ngày càng quý hiếm trong thời đại ngày nay.

"Tóc ngắn, mắt bồ câu rất hiền..." Một cô ca sĩ tài danh đã từng hát như thế, câu hát như nói về mình, mắt to tròn, trong sáng như mắt bồ câu. Nhưng mắt bồ câu là chuyện nhỏ, chuyện lớn về bồ câu là chuyện ... hòa bình thế giới: chim bồ câu được dùng làm hình tượng cho hòa bình. Vì sao? Không lẽ chỉ vì nó hiền lành, như biết bao nhiêu người hiền lành trên khắp thế gian, không hề muốn chiến tranh?  Tôi đi tìm tư liệu cho sự ra đời của hình tượng hòa bình này, bằng công cụ Google:

Năm 1940, phát xít Đức chiếm đóng thủ đô Paris của  nước Pháp, bọn chúng đến đâu là hàng loạt dân lương thiện ở đó bị giết hại. Một hôm nhà danh họa Pablo Picasso đang ngồi trầm tư trong phòng tranh. Bỗng cánh cửa bật mở, một ông già hàng xóm đem đến xác con chim bồ câu, vừa bước vào phòng vừa khóc vừa nói: "Đứa cháu tôi đang chơi với con chim câu, liền bị bọn phát xít bắn chết, cả con chim câu cũng bị chết theo. Ngài Picasso, tôi van ngài hãy vẽ cho tôi con chim câu, để kỷ niệm ngày đứa cháu tôi bị lũ phát xít giết hại". Picasso vừa an ủi ông già đáng thương, vừa mang bút vẽ ngay con chim bồ câu. Năm 1949, Picasso đã tặng bức tranh "chim câu" này cho Đại hội hoà bình thế giới ở Paris. Từ đó chim bồ câu trở thành biểu tượng cho hoà bình. (Câu chuyện có vẻ thiếu tính chính xác, tuy nhiên chuyện nhà danh họa vẽ tranh chim bồ câu như là biểu tượng hòa bình thì đúng như vậy, trên thế giới đã lưu lại nhiều tranh chim bồ câu của Picasso).

 

Dáng điệu chất phác, thật thà, tròn trịa của chim bồ câu có cái giá đặc biệt của nó, một cái giá càng ngày càng quý hiếm trong thời đại ngày nay.

Quốc xã Đức, Phát xít Ý, quân phiệt Nhật bị tiêu vong, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, nhưng hòa bình trên thế giới vẫn luôn luôn bị đe dọa, chiến tranh cục bộ vẫn xảy ra nơi này nơi khác, xung khắc vẫn nóng bỏng giữa các quốc gia, giữa các sắc tộc, tôn giáo, ý thức hệ; như vậy phải chăng thông điệp hòa bình qua hình tượng chim bồ câu cần phải được tuyên dương rộng khắp?

Riêng thế giới bồ câu thì được hòa bình yên ổn ít nhất là tại các nước phát triển. Tôi đã từng chứng kiến hằng hà sa số bồ câu trên công viên ở Pháp, nhất là ở khu công viên nhà thờ Notre Dame de Paris, bay trên đầu và làm vướng víu chân du khách. Mỗi khi có người cho miếng bánh, chúng sà tới bu đầy.

Không chỉ chim bồ câu, mà mọi chim chóc đều được hưởng cảnh thanh bình trên những đất nước phát triển, ở đó người dân không nhẫn tâm bắn giết chim, không ăn thịt chim, lại còn đối xử thân ái với chim, rải thức ăn cho chim, rồi môi trường đầy cây xanh cho chim tụ hội,... Những ngày sống tại thành phố nhỏ thuộc ngoại ô Paris, vừa thức dậy theo thói quen ở quê nhà khoảng 4 giờ sáng, tôi bỡ ngỡ thích thú vì tiếng chim: ban đầu còn nhỏ, sau rõ dần, chim đua nhau hót, reo vang reo ca vang ca, lẫn trong đó, văng vẳng có tiếng gù gù, chắc là tiếng gù của bà con với anh chị cu gáy bên nhà; đến sáng, chim tụ hội trong những tàng cây, nhảy nhót trong vườn, và tôi nhận ra những loài không xa lạ, trong đó dễ nhận ra chào mào, se sẻ.

Thôn quê xưa nay là đất lành, bây giờ thành phố cũng là đất lành cho chim với tàng cây, hương hoa, côn trùng, thức ăn của người..., và nhất là công viên là không gian quá lý tưởng, cho nên một số loại chim càng ngày càng tiến về thành phố, cùng sinh hoạt hữu nghị với bồ câu, đều dạn dĩ với con người, cùng tranh nhau mẩu bánh từ bàn tay con người (mà bồ câu chậm chạp thường là kẻ thua).

Không những chim, loài ong rất bất ngờ đến nhập cư tại khu vực sang trọng nhất của thủ đô Paris, lâu đài Versailles, rạp hát Opéra ở Lille và những dinh thự khác ở nước Pháp. Một người chăm sóc những tổ ong trên mái cung điện Grand Palais ở Paris, cho biết: "Tụi ong tìm thấy ở thành phố tất cả những gì tự nuôi sống. Hằng hà sa số hoa và cây xanh cung phụng chúng. Ngược lại ở thôn quê, cảnh quan chỉ là cánh đồng canh tác hết vụ này qua vụ khác, chẳng có gì để ong hưởng thụ."

Những đàn ong đã tìm thấy ở lâu đài Grand Palais một nơi chốn ăn chốn ở tốt, nhất là ở công viên điện Elysée và vườn Tuileries. Môi trường trong thành phố chắc chắn không phải là lý tưởng, nhưng, như người nuôi ong giải thích: "có một chuyện khác trầm trọng hơn, do bởi thuốc diệt sâu bọ, phân bón và thuốc diệt nấm đủ mọi loại. Tại thôn quê, tỷ lệ ong chết là từ 30% đến 50%, trong khi ở thành phố, tỷ lệ đó ít hơn rất nhiều."

Một điều hấp dẫn và bất ngờ nữa là, ong ở nơi vương giả như thế cho sản lượng mật ngon và nhiều hơn hẳn. Ở Paris, trung bình mỗi tổ ong thu hoạch mỗi năm đạt 100 kg mật ong, so với trung bình ở nông thôn khoảng 10 kg. Mật ong có thương hiệu "Miel de l'Opéra" được bán trong những cửa hàng sang trọng, và là một trong những loại mật ong đắt nhất thế giới. Không chỉ là lợi ích kinh tế, sự phát triển của đàn ong được xem như là phép thử của môi trường tại nơi đó. Năm 2006, Hiệp hội nuôi ong của Pháp đã xây dựng một chương trình mang tên: "Abeilles, sentinelles de l'environnement" (Ong, lính gác của môi trường) có mục đích đánh động công chúng, không những về sự biến mất vô cùng lớn lao của những đàn ong, mà còn vì tính cách quan trọng của việc gìn giữ tính đa dạng sinh thái[1][1]

Khi con người đã biến đổi hình thái tổ chức xã hội và thay đổi thiên nhiên thì chim chóc, ong bướm cũng phải tìm đường sống thích nghi, và may sao, ngày nay con người đã cảnh tỉnh để bắt đầu nhận thức sống chan hòa với thiên nhiên, trồng thêm cây xanh, và thân thiện với muôn loài. Con người thân thiện không chỉ vì thương sinh vật mà cũng vì lợi ích của chính mình, vì có thế thì thế giới của mình mới được phong phú và ý nghĩa hơn. Và sinh vật đã đáp lễ, ăn khế trả vàng, vàng là tiếng chim hót reo vang bình minh, nhí nhảnh  đùa vui trong vườn đem lại niềm lạc quan và tươi trẻ; vàng là cuộc sống kỳ diệu qua nét đẹp muôn màu muôn vẻ của chim, với tiếng hót say mê lòng người; vàng là tinh túy mật ngọt mà đàn ong dâng cho người,...

Bồ câu cũng đã đáp lễ con người từ xa xưa. Xin gạt qua một bên chuyện bồ câu hầm thuốc bắc, bồ câu quay,... để nói một sự kỳ diệu của tạo hóa: bồ câu đưa thư. Trước đây, tôi chỉ đọc trên báo chuyện bồ câu vượt ngàn dặm để đưa thư bên trời Tây, chứ không thấy thực tế gần gũi tại Việt Nam, dầu là trên báo. Lâu ngày, chuyện bồ câu đưa thư trở thành như là huyền thoại của tình yêu hé nụ. Bồ câu làm trung gian nối kết nửa này với nửa kia, mà bồ câu cũng có thể là vẩn vơ "mây ngàn ơi cho ta nhắn ..." Nhưng mới đây, đọc tin trên báo Tuổi Trẻ, thật bất ngờ và thích thú khi được biết có một cuộc đua 410 km của bồ câu từ Bình Định về Tp. HCM: "... Ga Sài Gòn chiều 17/12/2010, 42 chú chim bồ câu được nhốt cẩn thận vào lồng, khóa lồng cũng được niêm phong, và theo chuyến tàu S6 chạy suốt đêm để đến ga Diêu Trì khi trời vừa sáng. Tại nhà ga của thị trấn trung tâm huyện Tuy Phước (Bình Định), những chú bồ câu sẽ bắt dầu hành trình vượt qua vùng phía nam miền Trung và Đông Nam Bộ để tìm về đích là những ngôi nhà của gia chủ tại Tp. HCM. (...) Đúng 15 giờ 20 chiều 18/12, "tay đua xám trống" (...) đã về nhất sau 8 giờ 55 phút chinh phục đường bay 410 km. (...) Ngay trong chiều 18/12, có thêm 2 bồ câu về tổ. Các chú bồ câu còn lại do trời tối đã nghỉ đêm đâu đó dọc đường và trong buổi sáng hôm sau đều đồng loạt bay về tổ ấm an toàn."

Để thực hiện cuộc đua này, chủ nhân của bồ câu đã cho bồ câu thử thách những chuyến đi xa và luyện khả năng nhớ đường về. Để bồ câu có thể đưa thư, người ta buộc thư vào chân nó tại điểm xuất phát, chở nó đến nơi nhận thư. Hành động đó lặp lại nhiều lần, bồ câu sẽ nhớ lộ trình. Do đâu mà bồ câu có khả năng kỳ diệu đó? Người ta đã giải thích về khả năng của bồ câu "đưa thư", đại để là nhờ khứu giác bắt mùi, nhờ có hạt từ tính nơi mỏ nên nó có "la bàn" định vị,... Nói chung, giải thích thiếu rốt ráo, và có lẽ ta chỉ bằng lòng với đáp án là ở năng lực kỳ diệu nơi chim bồ câu.

Không chỉ chim bồ câu, biết bao điều kỳ diệu nơi những sinh vật, cây cỏ, như ong cho mật, như hoa tỏa hương, như người có trí tuệ. Và chắc chắn biết bao nhiêu điều kỳ diệu mà ta chưa biết từ vũ trụ bao la cũng như từ mỗi chúng sinh nhỏ bé. Hạnh phúc thay con người biết cảm nhận những kỳ diệu đó, và ước ao thay con người cho sinh vật, cây cỏ được cộng sinh với mình trong môi trường trong lành.

Thông điệp của hình tượng chim bồ câu không chỉ là hòa bình giữa con người với con người, mà là con người tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cuộc sống của chúng sinh, yêu cây cỏ, chim chóc, sinh vật. Yêu chim chóc, say mê tiếng hót, không phải là bắt chim về làm của riêng để làm đẹp cho nhà mình, để hót cho mình nghe trong cảnh giam cầm,  mà yêu chim tung cánh, yêu tiếng hót thênh thang, là tôn trọng tự do, là thích trời cao biển rộng. Yêu hòa bình, yêu tự do, và hòa bình đi đôi với tự do.

Loài chim bồ câu đã trải qua một quá trình tiến hóa lâu dài, từ lâu bỏ quên hồ hải phong trần để ngày nay chịu kiếp ăn nhờ ở đậu nơi con người, làm trang trí cho cảnh quan khu vườn, thỉnh thoảng phải hóa kiếp làm thức ăn khoái khẩu trên bàn tiệc. Những người chơi chim bồ câu theo kiểu bồ câu đưa thư đã làm việc rất có ý nghĩa là trả chim về trời cao, đất rộng, tha hồ sải cánh - dầu không phải thường xuyên - như được trở về từ thuở hồng hoang. Một trò chơi thú vị, với tình thương của người dành cho một loài chim hiền lành.

 

Theo: Tuanvietnam.net

Chia sẻ: facebooktwittergoogle