Cư Sĩ Nguyên Giác
Khái
niệm Ông Trời đã có từ lâu trong kho tàng văn chương dân gian Việt, nhưng hình
ảnh Ông Trời không hề mang ý nghĩa một đấng sáng tạo vũ trụ, mà chỉ là một chúng
sinh, một người rất người trên cõi trời.
Ngay cả khi ca dao nói lên lời dân gian xin cho mưa xuống – như, “Lạy trời mưa
xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp...”
– cũng không có nghĩa là xin một Ông Trời có quyền lực toàn năng của Đấng Sáng
Tạo, mà chỉ là xin cho sự vận hành bốn mùa mưa thuận, gió hòa. Như thế nghĩa là tin vào lý tuần hoàn “thành, trụ, hoại, không” của
nhà Phật, chứ không hề có lời cầu nguyện cho mưa trái mùa, cho gió nghịch hướng.
Và thậm chí, khi thấy đất trời không thuận, ông bà mình còn mắng cho vị cõi trên
những câu như, ”Trời già cay độc,” hay như, “Trời xanh ghen phận má hồng.”
Nghĩa là, ông bà mình tin rằng có nếu có một Đấng Thượng Đế, một Đấng Sáng Tạo,
thì có những lúc vị trời này hẳn là bất nhân, độc ác.
Cho nên văn học dân gian Việt Nam mới có những chuyện như “Con cóc là cậu ông
Trời.”
Niềm tin về những chúng sinh trên cõi trời có đầy tham sân si như thế, và cũng
bất toàn như thế... cho thấy dân tộc Việt cổ thời đã thấm nhuần triết lý Phật
Giáo. Bởi vì, Đức Phật dạy rằng không hề có Đấng Sáng Tạo nào
hết.
Một số nhà truyền giáo nước ngoài ưa nhắc tới những lúc Đức Phật im lặng, từ
chối trả lời một số câu hỏi; họ diễn giải rằng, khi Đức Phật im lặng, không có
nghĩa là Đức Phật bác bỏ kháí niệm vũ trụ vĩnh hằng (câu hỏi: vũ trụ này thường
hằng?) hay khái niệm vũ trụ không vĩnh hằng (câu hỏi: vũ trụ này là đoạn, là
không thường hằng?). Và các nhà truyền giáo này diễn giải tiếp rằng, khái niệm
vũ trụ vĩnh hằng là căn bản thần học của niềm tin vào một Đấng Thượng Đế Sáng
Tạo, kẻ được họ tin là “vĩnh hằng, toàn năng, sinh ra vũ trụ và con người...”
Thực tế, những khái niệm như thế đã bị Đức Phật phủ nhận ngay từ những bài kinh
đầu tiên: Tất cả các pháp đã là vô ngã, thì lấy ngã nào mà thường hằng? Tất cả
các pháp đều do duyên khởi, khi duyên hợp thì pháp hiện ra, và khi duyên tan thì
pháp biến mất, dù có nói về “thường hay đoạn” đều là trật cả.
Đó là lý do Đức Phật giữ im lặng trong Bài Kinh 63 của Trung Bộ Kinh,
“Cula-Malunkyovada Sutta: The Shorter Instructions to Malunkya” (Bản dịch của HT
Thích Minh Châu: Tiểu Kinh Malunkyaputta). (1)
Chuyện này dễ hiểu, cũng tương tự như một giáo sư toán bậc Đại Học, khi giải
thích một bài toán cho nhiều học sinh ở nhiều trình độ khác nhau, sẽ dùng nhiều
cách giải thích tùy trình độ các lớp của các học sinh, và có khi thì giữ im
lặng.
Những điểm rất căn bản đã được Đức Phật nêu ra ngay từ những bài kinh đầu tiên:
vô ngã, và duyên khởi. Đó là những nền tảng để phủ bác khái
niệm về cái gọi là Đấng Thượng Đế Vĩnh Hằng, Đấng Thượng Đế Sáng Tạo.
Nhưng cũng có lần Đức Phật đã trả lời minh bạch rằng có những
vị Bà-la-môn “luận bàn về phía quá khứ tối sơ, chấp kiến về quá khứ tối sơ...
chủ trương Thường trú luận, và chấp rằng bản ngã và thế giới là thường còn” đều
là sai lầm. Lời Đức Phật nơi
đây rất minh bạch, rằng không hề có cái gì gọi là Đấng Sáng Tạo, và đó chỉ là
chấp kiến.
Đức Phật đã diễn giải chi tiết câu trả lời đó trong Bài Kinh 1 của Trường Bộ
Kinh, “Brahmajāla Sutta: The All-embracing Net of Views” (Bản dịch của HT Thích
Minh Châu: Kinh Phạm Võng). (2)
Có thể trích như sau từ Kinh Phạm Võng để làm sáng tỏ rằng, Đức Phật đã bác bỏ
khái niệm về một Nước Trời Vĩnh Hằng, nơi tà kiến tin là có một Bản Ngã và Nước
Trời Thường Trú:
“...Này các Tỷ-kheo có những Sa-môn, Bà-la-môn, luận bàn về quá khứ tối sơ, chấp
kiến về quá khứ tối sơ, y cứ về quá khứ tối sơ, đề xướng nhiều sở kiến sai khác,
với mười tám luận chấp...
...Người ấy nói rằng: "Bản ngã và thế giới là thường trú, bất sanh, vững chắc
như đảnh núi, như trụ đá; còn những loại hữu tình kia thời lưu chuyển luân hồi,
chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú. Tại sao vậy? Vì rằng tôi do nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ
cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm... còn những loại hữu tình kia
thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú".
Này các Tỷ-kheo đó là lập trường thứ nhất, y chỉ theo
đó, căn cứ theo đó, một số những vị Sa-môn, Bà-la-môn, chủ trương Thường trú
luận, và chấp rằng bản ngã và thế giới là thường còn...
36. Này các Tỷ-kheo, Như Lai tuệ tri như thế này: "Những sở kiến ấy, chấp trước
như vậy, chấp thủ như vậy, sẽ đưa đến những cõi thú như vậy, sẽ tác thành những
định mạng như vậy". Như Lai biết như vậy, Ngài lại biết hơn thế nữa, và Ngài không chấp
sở tri ấy. Nhờ không chấp trước sở tri ấy, nội tâm
chứng được tịch tịnh. Ngài như thật biết sự tập khởi,
sự diệt trừ của các thọ, vị ngọt, những nguy hiểm và sự xuất ly của chúng.
Nhờ biết vậy, này các Tỷ-kheo, Như Lai được giải thoát hoàn toàn, không có chấp
thủ.
37. Những chấp pháp ấy, này các Tỷ-kheo, là những pháp sâu kín, khó thấy, khó
chứng, tịch tịnh, mỹ diệu, vượt ngoài tầm của luận lý suông, tế nhị, chỉ những
người có trí mới có thể phân biệt. Những pháp ấy, Như Lai đã
thắng tri, giác ngộ và tuyên thuyết; và chính những pháp ấy, những ai như thật
chân chánh tán thán Như Lai mới nói đến.”(hết
trích)
Không chỉ bác bỏ khái niệm Thượng Đế Sáng Tạo, trong Kinh
Phật còn có một số nơi chế giễu các vị Vua Cõi Trời. Nghĩa là, không hề có một Đấng
Thượng Đế Toàn Năng nào, mà thực ra chỉ có một số chúng sinh trên nhiều cõi trời
khác nhau, và họ cũng theo nghiệp thọ sinh mà thôi.
Và chúng ta hãy tin rằng, khi đã chế giễu khái niệm Thượng Đế Toàn Năng, có
nghĩa là không tin rằng có cái gọi là Thượng Đế Toàn Năng đó. Cũng tương tự như
dân tộc Việt Nam thời xưa khi kể chuyện “Con cóc là cậu ông Trời” để chế giễu
khái niệm Thượng Đế Toàn Năng đó.
Ấn Độ Giáo tin vào Đấng Thượng Đế (vua các cõi trời), có khi
gọi là Sakka (Thiên Chủ), có khi gọi là Mahabrahmanah (Đại Phạm Thiên).
Một thí dụ tìm thấy trong Kinh 37 trong Trung Bộ Kinh, “Culatanhasankhaya Sutta:
The Major Discourse on the Destruction of Craving” (Bản dịch của HT Thích Minh
Châu: Tiểu kinh Ðoạn tận ái). (3)
Trích từ bản dịch của HT Thích Minh Châu:
“...Tôn giả Maha Moggallana liền thị hiện thần thông lực, dùng ngón chân cái làm
cho lầu Vejayanta rung động, chuyển động, chấn động mạnh. Thiên chủ Sakka, đại
vương Sessavana và chư
thiên ở cõi trời Ba mươi ba, tâm cảm thấy kỳ diệu, hy hữu: "Thật kỳ diệu thay,
thật hy hữu thay đại thần thông lực, đại oai lực của Tôn giả Sa-môn!
Với ngón chân cái, vị này làm cho thiên cung này rung động, chuyển động, chấn
động mạnh!"...” (hết trích)
Chúng ta thấy rằng, chưa cần tới Đức Phật, mà một học trò của Đức Phật như ngài
Maha Moggallana (Đại Mục Kiền Liên) cũng đủ sức làm chấn động 33 cõi trời, và
làm Đấng Vua Trời phải chấn động.
Hay như khi vị Vua Cõi Trời bế tắc trước câu hỏi về bốn đại chủng, Đấng Vua Nước
Trời này đã phải chịu thua, và khuyên người hỏi rằng nên tìm câu trả lời từ Đức
Phật, vị có trí tuệ toàn mãn.
Chuyện này ghi ở Kinh thứ 11 trong Trường Bộ Kinh, “Kevatta (Kevaddha) Sutta: To
Kevatta” (Bản dịch của HT Thích Minh Châu: Kinh Kiên Cố). (4)
Trích từ kinh này như sau:
“...81. Này Kevaddha, không bao lâu, Ðại Phạm thiên xuất hiện. Lúc bấy giờ, này Kevaddha, Tỷ-kheo ấy đến Ðại Phạm thiên. Khi
đến xong, liền hỏi Phạm thiên: "Này Hiền giả, bốn đại chủng này - địa đại...
phong đại - đi đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?" - Này Kevaddha, được nghe nói
vậy, Ðại Phạm thiên nói với Tỷ-kheo ấy: "Này Tỷ-kheo, Ta là Phạm thiên, Ðại Phạm
thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo
chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng
sanh đã và sẽ sanh".
82. Này Kevaddha, lần thứ hai Tỷ-kheo ấy nói với Phạm thiên: "Này Hiền giả, tôi
không hỏi: "Ngài có phải là Phạm thiên, Ðại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối
thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Ðại tôn,
Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh". Này
Hiền giả, tôi hỏi: "Này Hiền giả, bốn đại chủng này - địa đại... phong đại - đi
đâu, sau khi biến diệt hoàn toàn?"...
...Này Kevaddha, khi bấy giờ Ðại Phạm thiên cầm tay Tỷ-kheo ấy, kéo ra một bên
rồi nói với Tỷ-kheo: "Này Tỷ-kheo, chư Thiên Brahmà Kayikà xem rằng không có gì
Phạm thiên không thấy, không có gì Phạm thiên không hiểu, không có gì Phạm thiên
không chứng. Do vậy, trước mặt chúng, ta không có trả lời: "Này Tỷ-kheo, ta
không được biết bốn đại chủng ấy - địa đại... phong đại - đi đâu, sau khi biến
diệt hoàn toàn". Do vậy, này Tỷ-kheo, Ngươi đã làm sai, Ngươi đã lầm lẫn, khi
Ngươi bỏ qua Thế Tôn, hướng đến người khác để trả lời câu hỏi ấy. Này Tỷ-kheo,
Ngươi hãy đi đến Thế Tôn hỏi câu hỏi ấy, và hãy thọ trì những gì Thế Tôn trả
lời"...”(hết trích)
Chúng ta cũng có thể dẫn ra một số nơi khác trong Kinh Phật, khi Vua Cõi Trời
phải tới xin học với Đức Phật. Thí dụ, như khi Vua Cõi Trời thấy vòng hoa trên
người bắt đầu héo, nên phải tới xin vấn pháp Đức Phật.
Như thế, rõ ràng rằng Đức Phật đã nói rất minh bạch, không hề có cái gì gọi là
Thượng Đế Sáng Tạo. Và Đức Phật cũng nói rõ rằng, chính các
Vua Cõi Trời vẫn phải tới xin học với Đức Phật.
Tương tự, kháí niệm ông Trời trong ca dao tục ngữ Việt Nam
cũng là cháu của con cóc thôi.
GHI CHÚ:
(1) Nối kết ở: Tiểu kinh Màlunkyà,
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-781_5-50_6-1_17-27_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
(2) Nối kết ở: Kinh Phạm Võng,
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-108_5-50_6-1_17-41_14-1_15-1/.
(3) Nối kết ở: Tiểu kinh Ðoạn tận ái,
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-718_5-50_6-1_17-27_14-1_15-1/#nl_detail_bookmark
(4) Nối kết ở: Kinh Kiên Cố,
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-118_5-50_6-1_17-35_14-1_15-1/