Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Chuyện ông thợ săn dám kêu đức Phật bằng “bạn của ta” làm cho ai cũng mỉm
cười, ai cũng ngạc nhiên.
Nhưng có vẻ ai cũng hỷ xả, chẳng chấp trách gì vì biết bản
chất ông ta thuần hậu, chất phác. Có người đoán vì đức Phật thấy tâm xuất
ly của ông quá mạnh, căn cơ lại sâu dày nên cho xuất gia ngay. Mà quả thật vậy, khi được mặc y, mang bát, trông tăng tướng Upaka
đẹp và uy nghi như một vị tôn túc trưởng lão.
Mấy ngày hôm sau, đức Phật định thuyết một thời pháp có sự tham dự đầy đủ cả
tăng ni hai viện, đầy đủ hai hàng cư sĩ, có sự tham dự
của đức vua Pasenadi, hoàng hậu Mallikā và cả triều thần trước khi rời Kỳ Viên.
Hai vị đại đệ tử đã cho chư
tăng thông báo rộng rãi chuyện ấy.
Hôm ấy, đại giảng đường Kỳ Viên chỗ chứa hơn hai ngàn mà chật ních người. Chư vị trưởng lão
tăng ni và các bậc có thắng trí tình nguyện nhường chỗ. Các vị thâm niên, nghe pháp đã nhiều cũng nhường chỗ cho lớp hậu
sinh.
Hai vị đại đệ tử đã cho người thu xếp chỗ ngồi khá chu đáo và hợp lý. Tăng bên trái giảng
đường, ni bên phải. Chính giữa dành cho đức vua,
hoàng hậu, các quan cùng các trưởng lão gia chủ, nam nữ cư sĩ lớn tuổi.
Ngoài hiên, các hành lang là những người tuổi trẻ thuộc
tất cả các giới.
Tôn giả Ānanda thông minh, đứng ở cuối sảnh - chỗ
tận cùng còn nghe được lời đức Phật - do trí nhớ tốt, có thể thuyết lại đúng
nguyên văn, nhận nhiệm vụ thuyết lại cho rất đông thính giả cư sĩ đứng đầy ngoài
vườn rừng!
Sau khi nói vài lời khen ngợi tăng ni có tâm cầu học, tán thán đức vua, hoàng
hậu và triều thần đã chịu khó đến nghe pháp, hai hàng cận sự nam nữ cũng như
thính chúng đủ mọi giai cấp đã vân hội về đây thật như một biển lớn - rồi
đức Phật thuyết về biển lớn! Sau, các vị A-xà-lê thuật lại:
- Này chư vị! Vừa rồi đây, sau hạ thứ
tám (1), Như Lai đi du
hóa nhiếp độ hai tộc rồng và dạ-xoa ở miền Nam đảo. Đặc biệt hôm ấy là do
long vương Mahādaranāga thỉnh mời. Như Lai đã đến Kalyānī, rồi
đến đỉnh núi Sumanakūṭa, để lại ở đấy mấy dấu chân (2). Lúc
trở lại đất liền, khi Như Lai đang ngắm biển thì A-tu-la vương (3) quản nhậm biển
Nam, có tên là Pahārāda, từ đâu đó với dung sắc đỏ sáng, trang phục y áo, mũ
miện, binh khí chói ngời - hóa hiện ngay bên cạnh Như Lai. Nó cất giọng tự nhiên,
nói:
- Tôi biết sa-môn Gotama đấy!
- Ta cũng biết ngươi đấy, này Pahārāda!
Nó cười:
- Sa-môn Gotama đứng làm gì ở đây, tại miền biển xa xôi, lạnh lẽo nầy!
- Ừ, Như Lai đang ngắm biển!
- Biển có gì thích thú mà ngắm, thưa tôn giả?
- Vậy ngươi, Như Lai biết là ngươi cũng thích thú biển lắm mà, tại sao?
- Ồ, tôi ấy à! Không những tôi mà các A-tu-la đại thần, binh
tướng của tôi cũng rất thích thú biển lớn. Chúng dựng lâu đài trên biển,
ca vũ nhạc kịch trên biển, tiệc tùng, dạ yến trên biển, vợ chồng, con cái chúng
cũng say sưa trên biển. Bày mưu, tập trận đánh nhau cũng trên biển! Thú vị lắm!
- Ngươi quản nhiệm biển, sống lâu trên biển; vậy ngươi có nhận biết biển lớn có
những tính chất đặc thù như thế nào chăng?
- Biết chứ! Biết rất rõ ràng và sành sõi là khác! Tôi còn có thẩm quyền đệ nhất
để nói về điều ấy - nói về biển - hơn bất cứ ai trên đời này, kể cả tôn
giả, vốn được thế gian tôn xưng là bậc thầy của trời và người!
Như Lai mỉm cười:
- Khá lắm! Vậy thì ngươi hãy nói về biển cho Như Lai nghe với nào!
- Thưa vâng! A-tu-la vương đáp rồi bắt đầu nói - Biển
lớn có tám đặc tính mà không ở nơi nào có được.
Thứ nhất, biển xuôi dần dần, xuôi từ từ, từ cạn đến sâu - không có thình lình,
không có đột ngột tạo nên những hang,
những vực...
Thứ hai, biển muôn đời vẫn đứng một chỗ, không xê dịch như sông, như suối; nó
lại còn thủ phận, nhẫn nại không phá vượt qua bờ này hay qua bờ
kia...
Thứ ba, biển không chứa chấp, không dung nạp những xác chết người và thú - nó
quăng vất ngay lên bờ hết, không bao giờ lưu giữ những vật bất tịnh ấy trong
lòng mình!
Thứ tư, phàm có con sông lớn nào như sông Gaṅgā, sông
Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū, sông Mahī... khi chảy
về biển lớn, chúng liền bỏ quên tên tuổi của mình để hoà nhập với cái đại đồng.
Thứ năm, dầu tất cả sông cái, sông con chảy vào biển một trăm năm, một ngàn năm...;
dầu mưa trên trời cũng đổ xuống một trăm năm, một ngàn năm... lòng biển cũng
dung chứa hết mà không bao giờ tràn ra ngoài; nó còn chẳng vơi, chẳng đầy là
khác nữa!
Thứ sáu, biển chỉ thuần nhất một vị mặn - dẫu cả triệu triệu năm cũng không thay
đổi tính chất của mình.
Thứ bảy, lòng biển lớn chứa giữ tất cả châu báu của trần gian như: Trân châu
(muttā), maṇi châu (maṇi), lưu ly (veluriyo),
xa-cừ (sangho), ngọc bích (silā), san hô (pāvālaṃ), bạc, vàng, ngọc đỏ
(lohitanko), mã não (masāragallam).
Thứ tám, biển là trú xứ của vô lượng chúng sanh - nhất là những chúng sanh lớn. Ngoài Asura, Nāgā,
Gandhabba... còn có những chúng hữu tình dài 100 do-tuần, 200 do-tuần đến 500
do-tuần...
Nói thế xong, Asura vương kết luận:
- Đấy là tám tính chất thù thắng, vi
diệu - nên chúng tôi rất thích thú cư trú ở đây! Còn sa-môn Gotama thì sao? Khi ngài thiết
lập giáo pháp, rao giảng giáo pháp - thì những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di,
sa-di-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di... có thích thú sống trong giáo pháp ấy không, như
chúng tôi vô cùng hoan hỷ và thích thú biển lớn?
- Có chứ, này Pahārāda! Đức Phật đáp
- Họ cũng hoan hỷ và thích thú trong pháp và luật của Như Lai, tương tợ như
ngươi hoan hỷ và thích thú trong biển lớn vậy đó!
- Thế pháp và luật của sa-môn Gotama có những đặc tính thù thắng gì, tính chất
vi
diệu gì - mà chúng đệ tử có thể hoan hỷ và thích thú để sống trong đó?
- Như biển lớn có tám tính chất đặc thù mà ngươi vừa kể cho Như Lai nghe - thì
pháp và luật của Như Lai cũng có tám tính chất đặc thù, vi diệu, thù thắng -
chẳng nơi nào có được, này Pahārāda!
Asura vương rất thú vị:
- Tôi xin được rửa tai
để lắng nghe tám điều kỳ diệu chưa từng có ấy?
Rồi đức Phật mở lời:
- Này Pahārāda Asura vương! Hãy nghe! Như Lai sẽ giảng nói đây!
Thứ nhất, pháp và luật của Như Lai cũng xuôi từ từ, xuôi dần dần, từ cạn vào sâu
- không có đột ngột tạo hang, tạo vực. Tại sao vậy, vì pháp và luật mà Như Lai giảng nói bao giờ cũng tuần
tự thứ lớp từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, từ cạn vào sâu. Học pháp là
phải thuận thứ như vậy, con đường hành trì cũng thế mà sự chứng ngộ cũng tương
tự thế - không bao giờ có chuyện thình lình mà thể nhập, không có sự đột nhiên
mà chứng ngộ!
Asura vương reo lên:
- Hay quá là hay! Vậy cho nghe điều thứ hai - là biển chỉ đứng
một chỗ, không vượt qua bờ?
-
Điều thứ hai, giáo pháp của Như Lai là từ chứng nghiệm, giác ngộ sự thực, từ
chân lý như thực mà nói ra - nên không thay đổi, biến hoại theo thời gian. Đệ tử của Như Lai sống trong lòng giáo pháp
ấy, thích thú trong giáo pháp ấy, ở yên một chỗ, không bao giờ dám vượt qua một
giới hạn nào, bờ này hay bờ kia của tri kiến. Có vị thà chịu hy sinh thân mạng
để giữ gìn pháp và luật ấy - huống hồ là vượt qua hay phá rào!
- Kỳ diệu vậy thay!
-
Thứ ba, biển lớn không chứa chấp vật bất tịnh - thì giáo pháp của Như Lai cũng
tương tợ vậy. Người nào ác giới, sống theo ác pháp, có sở hành bất tịnh đáng
ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là sa-môn mà tự nhận là sa-môn, không
sống phạm hạnh mà lại giả danh phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục bất
chánh - thì tăng-già cũng sẽ quăng vứt người ấy, hội họp rồi trục xuất người ấy,
không cho sống chung cùng với tăng đoàn nữa!
Thứ tư, những con sông về với biển đều phải bỏ tuổi, bỏ tên. Cũng vậy, trong giáo
hội của Như Lai có bốn giai cấp: Sát-đế-lỵ, bà-la-môn, phệ-xá, thủ-đà-la. Khi họ
xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình - họ cũng từ bỏ giai cấp,
bỏ họ, bỏ tên, bỏ danh vọng, bỏ địa vị, bỏ sự nghiệp, bỏ quê hương, chủng tộc
- để chỉ còn là những tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, là những sa-môn Thích tử
(Sakyāputta) mà thôi!
Thứ năm, trăm sông đổ về biển, trăm lượng nước mưa xuống từ trời cũng không làm
cho biển đầy hay vơi. Cũng vậy, này Pahārāda! Có nhiều tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni nhập
Niết-bàn không có dư y, mà sau này, nếu có vô lượng, vô lượng tỳ-khưu, vô lượng
tỳ-khưu-ni nhập Niết-bàn không có dư y như thế - thì Niết-bàn cũng không tràn,
cũng không đầy, cũng không vơi như biển vậy.
Thứ sáu, này Pahārāda! Nếu biển chỉ có một vị mặn thuần nhất thì giáo pháp của
Như Lai cũng thế: Nó cũng chỉ có một vị thuần nhất, thuần chất - ấy là vị
giải thoát.
Thứ bảy, này Asura vương! Nếu biển tích lũy mọi châu báu của
nhân gian thì giáo pháp của Như Lai cũng là nơi chứa giữ những châu báu siêu
thế. Đấy là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực,
bảy giác chi, thánh đạo tám ngành.
Thứ tám, biển là trú xứ của rất nhiều chúng sanh lớn - thì giáo pháp của Như Lai
cũng là trú xứ của những bậc thánh nhân, còn hơn là chúng sanh lớn, còn hơn là
các vị đại vương, các vị thiên vương - ấy là các bậc Dự lưu đạo, Dự lưu quả,
Nhất lai đạo, Nhất lai quả, Bất lai đạo, Bất lai quả, A-la-hán đạo, A-la-hán
quả.
Đức Phật nói xong tám tính chất đặc thù của giáo pháp, Asura vương Pahārāda kính
cẩn thốt lên:
- Quả thật là vi diệu, thưa sa-môn Gotama!
Trước đây tôi chỉ nghe tin đồn đức Thế Tôn là như vậy, là như vậy với những danh
xưng, tôn xưng thắng vượt tam giới. Nay thì tôi thấy rõ, sa-môn Gotama là
bậc lợi tuệ, thông tuệ, quán tuệ, ưu việt tuệ... mà thế gian, cả triệu lần sinh
diệt của quả địa cầu cũng không có người thứ hai! Tôi vô cùng ngưỡng mộ, và xin
được làm kẻ hộ trì cho giáo pháp của đức Tôn Sư!
Kể xong câu chuyện, đức Phật nói:
- Này chư vị! Biển lớn với tám đặc tính ưu việt ấy cũng
vẫn là chưa đủ so với giáo pháp của Như Lai, chưa vi
diệu bằng giáo pháp của Như Lai.
Tại sao vậy?
Ví như tại đại giảng đường Kỳ Viên ngày hôm nay, chẳng khác gì một biển lớn, gồm
tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận sự nam, cận sự nữ; đầy đủ cả bốn giai cấp, đầy đủ các
vị thánh sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả; đầy đủ những chúng sanh lớn như đức
vua Pasenadi, hoàng hậu Mallikā... các quan đại thần và các đại gia chủ - đều
cùng nhau nghe pháp, tu học nhưng không lấn bức nhau, ăn hiếp nhau; ai có chức
phần, bổn phận, nhiệm vụ nấy. Còn biển lớn kia
thì chúng sanh lớn ăn thịt chúng sanh nhỏ, cá lớn nuốt cá bé để nuôi mạng mình.
Như thế, giáo pháp của Như Lai vi diệu hơn biển lớn kia
nhiều.
Còn nữa, biển lớn kia, những chúng hữu tình thấp thỏi,
nhỏ bé - thì muôn đời là thân phận thấp thỏi, nhỏ bé, không bao giờ trở thành
chúng sanh lớn được. Giáo pháp Như Lai hoàn toàn khác thế! Tại
sao vậy?
Vì một chúng sanh nhỏ sanh trong giai cấp thấp thỏi, hạ liệt, ví như làm nghề đổ
phân, hốt rác, nạo vét ống cống... có thể trở thành một thánh nhân, nghĩa là trở
thành một chúng sanh lớn! Ví dụ như tỳ-khưu Sunīta xuất thân
là một người gánh phân, mấy năm trước, xuất gia ở đây, bây giờ đã trở thành một
chúng sanh lớn, một vị thánh. Ví như con một nữ nô lệ trong đại gia đình
trưởng giả Cấp Cô Độc, là tỳ-khưu Dasaka, bây giờ cũng đã là một chúng sanh lớn,
một vị thánh. Ví như tỳ-khưu-ni Ambapali trước đây là một kỹ nữ, bây giờ cũng đã
là một chúng sanh lớn, một vị thánh sơ quả!
Như thế, giáo pháp của Như Lai vi
diệu hơn biển lớn kia quá nhiều!
Còn nữa, những chúng sanh trong biển lớn, chúng sanh ra trong biển lớn, lớn lên
trong biển lớn, ăn giết nhau trong biển lớn, già đời trong biển lớn rồi chết đi
trong biển lớn. Còn biển lớn của Như Lai hoàn toàn khác thế. Biển lớn
Niết-bàn của Như Lai không sanh, không già, không bệnh, không chết, không sầu bi
khổ ưu não...
Còn nữa, biển lớn kia chỉ thuần nhất một vị mặn, một vị
vô tri, bên trong chẳng chứa giữ một thuộc tính ưu việt nào.
Giáo pháp của Như Lai tuy cũng thuần một vị giải thoát; nhưng có vị giải thoát
lại có luôn những năng lực thắng trí, tứ vô ngại giải, tứ vô lượng tâm cùng
những khả năng siêu việt khác.
Còn nữa, trong biển lớn, chúng sanh nhỏ là chúng sanh nhỏ, không có chuyện vừa
nhỏ vừa lớn. Giáo pháp của chư Phật khác thế. Ví như có người sanh thuộc giai cấp
thủ-đà-la, làm nghề chân tay, nặn đồ gốm - là chúng sanh nhỏ - nhưng người ấy
thật vô cùng lớn: Giới lớn, tín lớn, tâm lớn, tuệ lớn... ngay chuyện bố thí cúng
dường, của cải, tài sản có bao nhiêu - thế mà được đức Phật Kassapa tán thán là
bậc đàn tín hộ trì tối thượng, còn hơn cả đức vua Kikī kinh thành Bārāṇasī!
Thuyết đến ngang đây, đức Phật yên lặng. Ai
cũng náo nức muốn nghe câu chuyện lạ kỳ.
Nôn nóng nhất là số hội chúng đã từng nghe chuyện “Sa-môn
trọc đầu” bên bờ sông Aciravatī.
Và người tò mò muốn nghe tiếp theo, chính là đức vua
Pasenadi - vì ông ta tự nghĩ:
“- Người thợ gốm ấy có khả năng tài sản như thế nào mà lại được tán thán là bố
thí tối thượng, hơn cả đức vua Kikī cai trị một quốc độ
Bārāṇasī hùng cường và giàu mạnh?”
Trích từ: Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt 4
(1) Theo Đức Phật và Phật pháp của ngài Nārada thì hạ thứ 8, đức Phật ở tại
rừng Bhesakalā gần tảng đá Sumsumāra, thị trấn Bhagga.
(2) Theo Pháp Hiển, hai dấu chân cách nhau 15 do tuần. Dấu chân trên đỉnh có xây một bảo tháp cao 400 bộ,
được trang hoàng bằng châu báu.
(3) Có rất nhiều A-tu-la vương. Đây là A-tu-la vương biển
Nam - Còn các A-tu-la vương biển Đông, Tây nữa. Trên
đất liền cũng có rất nhiều. Riêng A-tu-la vương cõi trời có tên là Vepacitta - Asurina.