Viếng thăm Non nước- Ngũ Hành Sơn

Tiến Đạt 

Là một hướng dẫn viên làm trong lĩnh vực du lịch, tuy tuổi đời và thâm niên công tác chưa cao nhưng tội thực sự cảm thấy yêu quý cái nghề “Làm dâu trăm họ” này. Sở dĩ như vậy vì tôi mang những nét đẹp văn hóa, những danh lam thắng cảnh của địa phương mình, đất nước minh giới thiệu với du khách tham quan, giúp cho mọi người hiểu sâu hơn về một vùng đất, một giá trị văn hóa đã được kết tinh từ hơn 4000 năm mỗi khi họ viếng thăm.

Mỗi một vùng đất trên đất nước hình chữ “S” đều mang trong mình một giá trị văn hóa riêng, được thể hiện qua nhiều hình thái khác nhau có thể là giá trị văn hóa vật chất hoặc giá trị văn hóa tinh thần. Tùy theo bề giày lịch sử của mỗi vùng miền mà những giá trị văn hóa được thể hiện khác nhau, đó có thể là những giá trị văn hóa được hình thành từ những giai đoạn sơ khởi trên kinh đô Thăng Long – Hà Nội, Hơn muộn hơn một chút như Cố Đô Huế,…Tuy nhiên, đó là những trung tâm văn hóa lớn có từ lâu đời, còn những mảnh đất mới thì sao? Những mảnh đất mới (trong bài viết này tôi xin được gọi là những thành phố trẻ) không phải là không tồn tại những giá trị văn hóa đó mà nó cũng được hiển hiện ở trạng thái này hoặc trạng thái kia, Thành phố Đà Nẵng là một minh chứng cho điều đó.

Đà Nẵng là một trong những “Thành Phố Trẻ” của cả nước, nhưng giữ một vai trò quan trọng về mặt kinh tế, là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung Ương. Tuy là thành phố trẻ nhưng Đà Nẵng cũng mang trong mình rất nhiều những giá trị văn hóa đặc trưng. Nằm ngay dưới chân đèo Hải Văn (được coi như ranh giới phân chia khí hậu, địa chính và đặc biệt là sự chuyển giao văn hóa giữ Trung Bộ và Nam Trung Bộ), Đà Nẵng được coi như là điểm bắt đầu cho văn hóa Phương Nam. Bên cạnh những giá trị văn hóa về mặt tinh thần như: Phương ngữ (giọng nói), hay nhưng tập quán sinh hoạt,…thì những di tích lịch sử hay những danh thắng nơi đây cũng mang nhiều dấu ấn. Trong bài này tôi xin giới thiệu danh thắng

Nươc – Ngũ Hành Sơn với ngôi Cổ Tự Tam Thai.

Đôi nét về danh thắng Non Nước – Ngũ Hành Sơn

Ai về Non Nước thì về

Trước sông, sau biển, núi kề một bên

            Đó là câu ca dao của người dân Quảng Nam – Đà Nẵng giới thiệu về danh thắng Non Nước – Ngũ hành Sơn này. Non Nước – Ngũ Hành Sơn bao gồm 5 ngon núi đột khởi nằm ngay sát biển. Sở dĩ thủa ban đầu có tên Non Nước là ở đây một bên là non, một bên là nước non nước hữu tình nên dân gian đã ghép 2 yếu tố đó lại để đặt tên cho khu đồi núi này. Tuy nhiên vào năm 1825, trong một chuyến vi hành của Vua Minh Mạng tới thăm nơi đây,  nhà Vua đã nhìn thấy vẻ đẹp của 5 ngọn núi nên liền đặt lại tên 5 ngọn núi nơi đây theo Ngũ Hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ): Kim Sơn, Mộc Sơn, Thổ Sơn, Thủy Sơn và Hỏa Sơn. Đồng thời nhà Vua cũng đã cho khắc bút tích của mình lên 5 ngọn núi nơi đây. Tuy nhiên đối vơi người dân nơi đây Non Nước – Ngũ Hành Sơn là tên gọi thân thương được người dân sử dụng.

            Trong 5 ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn thì Thủy Sơn là ngọn núi cao và đẹp nhất, đây cũng chính là nơi tập trung nhiều những cảnh đẹp và nhiều công trình kiến trúc nhất với những hang động (như: Động Huyền Không, Hoa Nghiêm, Vân Thông,…), chùa chiền (như: Chùa Tam Thai, Ling Ứng,…). Trong số những cảnh đẹp đó thì đáng nói nhất đó là ngôi Cổ Tự Tam Thai.

Tam Thai tự chốn bồng lai

            Tam Thai là một trong những ngôi Cổ Tự ghi dấu ấn đậm nét của Phật Giáo còn lưu giữ lại nơi mảnh đất này, một ngôi Quốc Tự dưới thời các ông Vua nhà Nguyễn với đầy đủ những vẻ đẹp của một danh thắng vào bậc nhất cả nước.

Đôi dòng lịch sử

Tam là chỉ ba dãy núi phía sau chùa (Thượng Thai, Trung Thai và Hạ Thai), Thai là cảnh thiên nhiên đẹp của núi rừng nơi đây. Chùa Tam Thai tọa lạc tại ngọn núi Thủy Sơn, là ngôi chùa cổ nhất ở Ngũ Hành Sơn. Chùa này theo  "Việt Nam danh lam cổ tự" thì được xây dựng vào đời hậu Lê khoảng năm 1630 là ngôi chùa xưa nhất trên địa bàn Thành Phố Đà nẵng hiện nay. Theo "Hải ngoại kỷ sự" thì vào năm Ất Hợi (1695) Ngài Thích Đại Sán (Thạch Liêm) đã đến thăm chùa này. Từ Huế vào biển cửa Đại - Hội An để trở về Trung Quốc, Giám quan chỉ tay bảo rằng : " Đây là núi Tam Thai, ngôi chùa trong ấy tức là Đạo tràng của Ngài Quả Hoằng (Hưng Liên) Quốc Sư, ngày mai chắc lẽ qua đó chơi ... Đi quanh qua mé núi, thấy đá có viên mọc đứng thẳng lên lại có chổ dựng đứng như bứt vách, nhưng chẳng thấy chùa ở đâu, tưởng chẳng có gì kỳ thú vậy. Chúng tôi đi cách núi chừng nửa dặm thấy một thầy sãi đứng nhìn chăm chỉ, rồi chạy vội chui vào kẻ đá sau núi đi mất. Trước núi có một cái gò, trước gò treo lên chừng trăm bước có một ngôi chùa cổ, sãi trong chùa đánh chuông trống. mặc áo tràng ra rước vào lễ Phật, mời ngồi, thết trà, cung đón tươm tất. Nghĩ sao nhanh chóng thế ! mới biết vừa rồi thầy Tăng đứng trông chừng rồi chạy lui, cốt để thông báo cho nhà chùa chuẩn bị trước vậy. Nhà chùa muốn dọn chay, ta bảo hãy chờ sau khi lên núi về đã hay ". (Hải ngoại kỷ sự, tr 147 - 148).

Như vậy, ngôi chùa này vào năm 1695 đã có tăng chúng và do Ngài Quốc Sư Quả Hoằng - Hưng Liên làm Trụ trì. Ngôi chùa này đã bị hủy hoại trong các cuộc giao tranh và phải trùng tu nhiều lần. Khi Nguyễn Ánh ( Vua gia Long ) lánh nạn tại đây, gặp một vị thiền sư giảng đạo . Vua nghe xong liền phát nguyện rằng : " Sau này tôi phục quốc xong, tôi sẽ tô điểm thêm nơi danh lam thắng cảnh này cho được huy hoàng tráng lệ ". Sau khi Vua Gia Long phục quốc nhưng vì bận công việc triều chính chưa thực hiện được lời nguyện, nên vua di chúc lại cho con là Vua Minh Mạng để hoàn thành đại nguyện của mình. Năm Minh Mạng thứ VI ( 1825 ), Vua Minh Mạng mới ngự chế Ngũ Hành Sơn, nhà Vua đã cho xây dựng lại chùa này, vua ban cho chùa một tấm biển ghi rõ :

Âm : "Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo" .

Nghĩa : Ngự chế chùa Tam Thai, năm Minh Mạng thứ VI phụng tạo.

 

Và một tấm biển bằng đồng "Quả Tim lửa" cở 35 * 45 cm, chung quanh có hình ngọn lửa, hai mặt rập chính nét chữ của nhà vua .

Hai bảo vật này hiện còn lưu giữ tại chùa Tam Thai. Chùa Tam Thai này cùng chùa Ứng Chơn (chùa Linh Ứng sau này) được công nhận là "Quốc Tự", các qui định về giáo phẩm, Tăng đồ, phân bố Tăng chúng đều do triều đình quyết định. Sau khi công nhận Quốc Tự, nhà vua đã sắc dụ bổ nhiệm Ngài Trần Văn Trừng, Pháp danh Viên Trừng ở làng Xuân Đài, Huyện Đồng Xuân, Tỉnh Phú Yên, lúc đó đang hành đạo tại chùa Thiên Mụ ở Huế về làm Trụ Trì Chùa Tam Thai ở Ngũ Hành Sơn. Đồng thời triều đình cấp lương cho quí vị Trụ Trì và Tăng chúng hai chùa Tam Thai và Ứng Chơn. 

Lúc bấy giờ có Công chúa con Vua Gia Long, tức là em gái vua Minh Mạng đến xuất gia và thọ giới với Ngài Viên Trừng. Nhà vua cho triệu hồi về lấy chồng nhưng công chúa không chịu về và làm một bài thơ gởi về cho vua Minh Mạng :

Thế sự nhìn xem rối cuộc cờ
Càng nhìn càng ngắm lại càng dơ
Khua tan tục niệm hồi chuông sớm
Gõ vỡ trần tâm tiếng mõ trưa
Châu Tử chán mùi nên giải ấn
Đỉnh chung lọng đọng hóa chay dưa
Lên đàng cứu khổ toan quay lại
Bể ái trông ra nước đục lờ.

Vua Minh Mạng là người dã có nhiều công lao mở mang, tôn tạo khu danh thắng Ngũ Hành Sơn này. Có thể nói bắt đầu từ thời vua Minh Mạng, Ngũ Hành Sơn nói chung và chùa Tam Thai nói riêng đã được tô điểm càng thêm đẹp đẽ. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) Vua cho đúc tượng Phật, Chuông bằng đồng ban cho các chùa, nhưng qua chiến tranh đã bị thất lạc, bây giờ chùa Tam Thai còn lại một quả chuông khoảng gần 100 kg.

Quá trình trùng tu tôn tạo

Chùa Tam Thai là ngôi chùa cổ được dựng vào thời Hậu Lê. Thiền sư Hưng Liên, pháp danh Quả Hoằng, từ Trung Quốc sang, đã trụ trì chùa vào cuối thế kỷ XVII. Thời gian này, năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm Thích Đại Sán có ghé viếng chùa, cảm tác bài thơ vịnh núi Tam Thai, ca ngợi cảnh động Hoa Nghiêm phía sau chùa.

Chùa bị hỏng hoàn toàn vào thời Tây Sơn. Năm1825, Vua Minh Mạng cho xây dựng chùa mới bằng vật liệu gạch ngói.Vua Minh Mạng đã có sắc dụ chỉ định ngài Viên Trừng, quê Phú Yên, đang tu ở chùa Thiên Mụ (Huế) về trụ trì chùa Tam Thai. Ngài trụ trì suốt 27 năm, viên tịch năm 1853.

Năm 1895, Hòa thượng Ấn Lang, pháp hiệu Từ Trí được sắc tứ Tăng cang trụ trì cả hai chùa. Năm 1901, cơn bão Tân Sửu đã tàn phá ngôi chùa. Đến năm 1907, chùa mới xây dựng lại.

Chùa được trung tu nhiều lần. Hòa thượng Thích Trí Giác đã cho trùng tu chùa vào năm 1995, mặt xây hướng Nam, mái hai tầng lợp ngói lưu ly, nóc trang trí lưỡng long chầu nguyệt.

Cảnh quan và cách bài trí Tam Thai Tự

Chúng ta ở dưới đường Huyền Trân Công Chúa đi đến đường cấp đầu tiên  tức đường cấp phía tây) lên hết đường cấp 156 bậc là đến một khoản đất rộng trước cổng Tam Quan, có cây cổ thụ to lớn tỏa bóng mát khắp mặt sân, có hai dãy ghế đá ngồi nghĩ ngơi, hai bên là những tấm biển đúc bằng xi măng ghi những bài kinh Pháp Cú song ngữ (Anh - Việt). Tại đây, chúng ta sẽ thấy cổng Tam Quan và toàn cảnh chùa Tam Thai.

Mặt tiền xây về hướng Nam, mái hai tầng lợp ngói, trên nóc trang trí Lưỡng Long Chầu Nguyệt và trang trí Tứ Linh (Long, Lân, Quy, Phụng) các cột tiền đường đều có trang trí Rồng Phụng. Đặc biệt là cổng Tam Quan và bờ thành chung quanh chùa rất cổ kính được xây dựng từ thời Minh Mạng còn đến bây giờ. Từ cổng Tam quan đi vào khoảng 10m, có tôn trí tượng Đức Phật Di Lặc to lớn ngồi trên tòa sen bằng đá xanh do nghệ nhân ở Ngũ Hành Sơn điêu khắc, chánh điện hiện tại chính giữa thờ Đức Phật A Di Đà đứng trên tòa sen cao khoảng 2,5m. Hai bên thờ Đức Quán Thế Âm và Đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Tiền đường hai bên thờ Ngài Hộ Pháp và Ngài Tiêu Diện. Hai trụ cột chính giữa chánh điện có hai câu đối bằng đá :

Phiên âm : 

Tam thừa giáo điển viên dung vô ngại chơn như 
Thai hành diệu pháp quảng khai phương tiện độ quần sanh .

Tam dịch : 

Giáo điển tam thừa viên dung vô ngại rõ chơn như 
Thực hành diệu pháp rộng mở phương tiện độ chúng sanh .

            Sau lưng chánh điện là nhà thờ Tổ. Nhà Tổ này nguyên trước đây ở Chánh điện khoảng 30m về phía bên phải. Sau khi đại trùng tu 1995, nhà Tổ được xây dựng ngay sau chánh điện và được chuyển từ nhà Tổ cũ về thờ tại đây. Chính giữa trên thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, dưới thờ các long vị Hòa thượng Trụ trì hoằng hóa tại chùa. Hai bên thờ Tăng chúng và bàn thờ chư hương linh ký tự và tín đồ Phật tử quá cố. Trên các trụ cột Tổ đường treo các liển đối :

Phiên âm :

Ưu bát hoa khai hương biến thiền lâm quang Tổ ấn
Bồ đề thọ trưởng ấm thùy phước địa chấn Tông phong .

 

Tạm dịch :

Hoa Ưu đàm tỏa hương khắp rừng thiền ngời Tổ ấn 
Cội Bồ đề xanh tốt gây cõi phúc chấn Tông phong .

           

Phiên âm :

Tích thiện hữu do lai Tiên nguyên Khánh diễn
Đắc đạo vị khả lượng pháp phái vinh thăng.

           

Tạm dịch :

Chứa đức dày sâu đời nào trở lại dòng Tiên Khánh diễn 
Chứng đạo nhiệm mầu người không kể xiết môn phái sinh sôi.

Thay lời kết

            Ngôi chùa trải qua hơn bốn thế kỷ cũng như cũng như bao thăng trầm của chiến tranh tan phá nhưng ngôi cổ tự Tam Thai vẫn giữ được sự trang nghiêm cổ kính và hài hòa với khung cảnh thiên nhiên thanh tịnh.

            Ngày nay ngôi chùa trở thành điểm tham quan không thể thiếu đối với du khách thập phương mỗi khi viếng thăm thắng cảnh Non Nước – Ngũ Hành Sơn. Đến với nơi đây du khách không chỉ được trải hồn vào một thế giới của chốn Bồng Lai thanh tịnh Tam Thai Tự, mà du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của của con song Trường Giang từ Vọng Giang Đài, khám phá sự huyền bí trong động Huyền Không, Vân Thông,…

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle