LUẬN
CÂU-XÁ
Nguyên tác Phạn ngữ Abhidharmakośa của Thế Thân
Bản dịch Hán A-tỳ-đạt-ma-câu-xá
luận của Huyền Trang - Việt dịch: Đạo Sinh
Chương 6
Phân biệt hiền thánh
Phần 21
Trước đây đã bàn về vấn
đề tại sao sự đoạn trừ các phiền não (prahāṇa) lại có
tên là biến tri (parijñā). Tiếp theo sẽ nói về các tính chất của đạo lực trong
sự đoạn trừ này:
已說煩惱斷
由見諦修故
見道唯無漏
修道通二種.
[Đã nói đến sự đoạn trừ
phiền não
Là do kiến đế và Tu đạo.
Kiến đạo chỉ có vô lậu;
Tu đạo có cả hai loại.]
Luận: Trước
đây đã giải thích chi tiết sự đoạn trừ phiền não là do kiến đế đạo (Kiến đạo) và
Tu đạo.
(Hỏi) Kiến đạo và Tu đạo
là vô lậu (anāsrava) hay hữu lậu (sāsrava)?
(Đáp) Tu đạo có loại là
đạo thế tục (laukika) hoặc hữu lậu và đạo xuất thế (lokottara) hoặc vô lậu.
Kiến đạo đối trị phiền
não ở cả ba giới; Kiến đạo đốn đoạn toàn bộ chín nhóm (cửu phẩm) phiền não thuộc
kiến đế đoạn; vì thế Kiến đạo chỉ có một loại xuất thế. Khả năng đoạn trừ không
thuộc về thế tục đạo.
(Hỏi) Ở trên có nói “do
kiến đế”; như vậy “đế” có nghĩa là gì?
諦四先已說
謂苦集滅道
彼自體亦然 次第隨現觀.
[Bốn dế đã được nói trước
đây
Là khổ, tập, diệt, đạo,
tự thể của chúng cũng như vậy.
Thứ tự này theo hiện quán.]
Luận: Đế có
bốn loại và đã được nói đến từ trước.
(Hỏi) Được nói đến ở đâu?
(Đáp) Ở chương đầu tiên
có nói: “Các pháp vô lậu là đạo đế…” và đặt tên cho sự thật về thánh đạo này là
đạo đế; “trạch diệt (pratisaṃkhyānirodha) là ly hệ” và đặt tên cho sự thật về diệt pháp
này là diệt đế; cho đến “khổ, tập, thế gian….” Và đặt tên cho các sự thật này là
khổ đế, tập đế.
(Hỏi) Có phải đó là thứ
tự của các đế?
(Đáp) Không phải. Thứ tự
của các đế là khổ, tập, diệt và đạo. Khi nói “là” (tathā; vị) là để chỉ cho thể
tánh của các đế cũng giống như thể tánh đã được nói đến ở chương đầu tiên.
Thứ tự của chúng chính là
thứ tự mà theo đó chúng được “quán sát” (hiện quán); loại đế nào được quán sát
trước thì được nói đến trước. Nếu không phải như vậy thì lẽ ra phải nói đến nhân
trước (tập đế, đạo đế) rồi sau đó mới nói đến quả (khổ, diệt).
Có khi các pháp này được
sắp xếp theo thứ tự sinh khởi; như trong trường hợp các niệm trụ (smṛtyupasthānas), các loại thiền định (dhyānas).
Có khi lại được sắp xếp
theo thứ tự thuận tiện cho sự giảng dạy (pratirūpaṇa =
pradarśana); đây là trường hợp của các loại chánh thắng (samyakprahānas) - tức
các pháp đã sinh khởi và các pháp đen thì dễ quán sát hơn các pháp bất sinh và
các pháp trắng - bởi vì không có nguyên tắc nhất định nào bắt buộc người tu nỗ
lực đoạn trừ các pháp đã sinh trước khi nỗ lực ngăn chặn các pháp chưa sinh.
Đối với các đế thì chúng
được kể tên tùy theo thứ tự chúng được quán xét (abhisamaya).
(Hỏi) tại sao chúng được
quán xét theo thứ tự này?
(Đáp) Bởi vì trong giai
đoạn chuẩn bị cho thánh đạo căn bổn, tức là giai đoạn của sự khảo sát (gia hành
vị), thì hành giả trước tiên phải khởi tưởng đối với pháp mình đang chấp trước,
đối với pháp đang làm cho mình phiền não, đối với pháp mà mình đang tìm cách xả
bỏ, tức là đối với khổ. Tiếp đó hành giả tìm hiểu nguyên nhân của khổ là gì và
lại khởi tưởng về nguyên nhân này (tập đế). Rồi hành giả tự hỏi sự diệt trừ pháp
này là gì và lại khởi tưởng về sự diệt trừ (diệt đế). Rồi hành giả lại tự hỏi
con đường diệt trừ (diệt đạo) là gì và lại khởi tưởng về con đường này (đạo đế).
(Vibhāṣā, 78, 13).
Cũng giống như trường hợp
sau khi đã phát hiện ra bệnh thì tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, sự chữa bệnh và
thuốc chữa bệnh. Tỷ dụ này về các đế cũng đã được kinh nói đến.
(Hỏi) Đó là kinh nào?
(Đáp) Kinh lương dược:
“Người thầy thuốc có đủ bốn đức tánh thì có khả năng nhổ mũi tên độc ra. Bốn đức
tánh là (1) biết rõ bệnh trạng, (2) biết rõ nguyên nhân gây bệnh, (3) biết rõ
cách chữa lành bệnh, (4) biết rõ thuốc chữa lành bệnh.”
Ở giai đoạn gia hành,
hành giả khởi tưởng về các đế theo thứ tự này, và ở giai đoạn hiện quán (abhisamaya),
hành giả cũng quán sát các đế theo thứ tự như vậy; vì sự quán sát này do lực của
gia hành (pūrvāvedhsāt, pūrvākṣepāt) dẫn
khởi, cũng giống như một con ngựa có thể chạy nhanh không chút dè dặt là nhờ quá
quen thuộc một vùng nào đó.
(Đáp) Ý nghĩa của từ
“hiện quán” (abhisamaya) là gì?
(Đáp) Từ này có nghĩa là
hiện đẳng giác (abhisaṃbodha).
Ngữ căn I có nghĩa là “giác”
(Hỏi) Tại sao hiện quán
chỉ thuộc về vô lậu?
(Đáp) Bởi vì đó chính là
sự hiểu biết (aya, giác) hướng đến (abhi) Niết-bàn và đúng đắn (sam, saṃyak,
chánh). Nói “chánh” là vì phù hợp với thực tại.
Khi làm quả thì năm thủ
uẩn (upādānaskandhas) chính là sự thật về khổ - tức là những gì phải thực sự
quán sát về khổ. Khi làm nhân thì năm thủ uẩn chính là sự thực về tập bởi vì khổ
phát sinh từ các uẩn này. Như vậy khổ và tập khác nhau về danh nhưng lại không
khác nhau về sự bởi vì chúng đều là các thủ uẩn được xem như là quả hoặc nhân.
Đối với diệt đế và đạo đế thì cả hai đều khác nhau về danh cũng như sự.
(Hỏi) Kinh gọi các sự
thật này là thánh đế (āryasatya); vậy thánh đế có nghĩa là gì?
(Đáp) Các sự thật này có
tên gọi như vậy vì chúng là những sự thật đối với thánh giả, là những sự thật
của thánh giả.
(Hỏi) Nếu nói như vậy có
phải chúng là giả dối đối với những người không phải là thánh?
(Đáp) Chúng là những sự
thật đối với tất cả mọi người bởi vì chúng không sai lầm (vô điên đảo). Tuy
nhiên chỉ có thánh giả mới nhìn thấy chúng đúng như chúng là (thực kiến), có
nghĩa là nhìn chúng dưới mười sáu hành tướng. Thánh giả nhìn thấy khổ (tức là
các thủ uẩn) là khổ, vô thường, v.v.; trong khi những người khác lại không nhìn
thấy như vậy. Vì thế những sự thật này được gọi là “sự thật của thánh giả” chứ
không phải là sự thật của những người khác bởi vì cái nhìn của những người này
không chính xác. Thật vậy, họ thường nhìn khổ đau như là những gì không phải là
khổ đau. Có bài tụng viết: “Điều mà thánh giả gọi là lạc (Niết-bàn) thì những
người khác lại gọi là khổ; điều mà những người khác gọi là lạc thì thánh giả gọi
là khổ”. (Saṃyutta, iv, 127)
Có luận sư cho rằng có
hai đế thuộc riêng về thánh giả và hai đế vừa thuộc về thánh giả vừa thuộc về
những người khác (phi thánh).
(Hỏi) Chỉ một phần của
thọ (vedanā) có tự tánh khổ; như vậy làm thế nào có thể nói rằng tất cả các pháp
hữu vi (saṃskṛta) hữu
lậu (sāsrava) đều là khổ?
Tụng đáp:
苦由三苦合 如所應一切
可意非可意 餘有漏行法.
[Khổ do ba loại khổ hợp
thành;
Tùy theo điều kiện tương
ưng,
đó là tất cả các hành
pháp hữu lậu khả ý phi khả ý,
và các hành pháp hữu lậu
khác.]
Luận: Có ba nguyên
tắc về khổ: (1) Khổ vì nó là khổ (duḥkhaduḥkhatā,
khổ khổ); (2) khổ vì là pháp hữu vi (saṃkāraduḥkhatā,
hành khổ); (3) khổ vì biến đổi (pariṇāmaduḥkhatā,
hoại khổ).
Vì ba nguyên tắc trên mà
tất cả các pháp hành hữu lậu đều là khổ: Các pháp vừa ý (khả ý) là khổ vì phải
chịu sự biến đổi (hoại khổ); các pháp không vừa ý (phi khả ý) là khổ vì tự thân
chúng là khổ (khổ khổ); các pháp không phải vừa ý cũng không phải không vừa ý
(phi khả ý phi phi khả ý) là khổ vì chúng là hành pháp (hành khổ).
(Hỏi) Các pháp khả ý, phi
khả ý và phi khả phi phi khả ý là gì?
(Đáp) Theo thứ tự trên,
các pháp này chính là ba thọ; và vì do ba thọ này mà tất cả các pháp hữu vi vốn
dẫn khởi lạc thọ, v.v. (thuận lạc thọ đẳng) có tên là khả ý, v.v..
Lạc thọ là khổ vì bị biến
đổi (vipariṇāmaduḥkhatā),
như kinh nói: “Lạc thọ là lạc khi sinh, lạc khi trụ, là khổ khi biến đổi (pariṇāme, hoại).”
Khổ thọ có tự thể vốn là
khổ (duḥkhaduḥkhatā)
như kinh nói: “Khổ thọ là khổ khi sinh, là khổ khi trụ (upādaduḥkhā sthitiduḥkhatā)”.
Bất khổ bất lạc thọ là
khổ vì vốn tạo thành bởi các duyên (pratyayābhisaṃskaraṇāt) như
kinh nói: “Cái gì vô thường là khổ”.
Vì thế pháp hữu vi nào
dẫn khởi các loại thọ này (thuận thọ chư hành) cũng đều giống như các loại thọ
này.
Có luận sư cho rằng sở dĩ
gọi là khổ khổ bởi vì khổ chính là tính chất của khổ, gọi là hoại khổ bởi vì sự
biến đổi chính là tính chất của khổ, và gọi là hành khổ bởi vì hành chính là
tính chất của khổ. Ý nghĩa của giải thích này không khác với giải thích trên.
Các pháp khả ý không can
dự vào loại khổ khổ; và các pháp bất khả ý không can dự vào loại hoại khổ: Có
nghĩa là tính chất thứ hai của khổ (hoại khổ) chỉ thuộc về các pháp khả ý; và
tính chất khổ thứ nhất (khổ khổ) chỉ thuộc về các pháp bất khả ý. Tuy nhiên tất
cả các pháp hữu vi đều là khổ bởi vì đều có tính chất hành khổ (saṃkāraduḥkhatā),
và chỉ có hàng thánh giả mới quán chiếu được chúng dưới loại hành tướng này.
Có bài tụng viết (Madhyamakavṛtti, tr. 467): “Người ta không có cảm giác về một sợi lông mi
(ūrṇapakṣman) được
đặt trong lòng bàn tay, nhưng sợi lông mi này nếu nằm trên con mặt thì sẽ làm
khổ và làm tổn thương. Cũng như vậy, những người ngu, giống như bàn tay, đều
không có cảm giác về sợi lông mi “hành khổ; nhưng thánh giả giống như con mắt,
lại rất khổ sở vì nó.”
Thánh giả khi nghĩ đến
cuộc sống ở nơi cao nhất trong cõi trời (bhavāgra, hữu đảnh) còn cảm thấy khổ
tâm hơn cả những người ngu khi nghĩ về cuộc sống ở địa ngục vô gián.
Tuy nhiên người ta sẽ nói
rằng đạo được tạo thành bởi các duyên (hành, saṃskṛta); và
như vậy đạo cũng là khổ vì có tánh hành khổ (saṃkāraduḥkhatā).
Thật ra dạo không phải là
khổ. Bởi vì khổ vốn được định nghĩa là cái khả ố (vi thánh tâm) (pratikūlam hi
duḥkham iti lakṣaṇāt);
trong khi đạo lại không phải là cái khả ố đối với thánh giả vì đạo phát khởi sự
hủy diệt tất cả các nỗi khổ của chúng sinh: Khi thánh giả quán sát Niết-bàn là
tịch tĩnh (śānta) thì cái mà thánh giả xem như là tịch tĩnh chính là sự hủy diệt
cái mà thánh giả đã xem như là khổ [tức là các pháp hữu vi hữu lậu chứ không
phải là sự hủy diệt của đạo].
(Hỏi) Nếu thừa nhận vẫn
có lạc (sukha), tại sao lại chỉ có một mình khổ là sự thật của các thánh giả
(thánh đế)?
(Đáp) (1) Có giải thích
cho rằng vì sự ít ỏi của lạc. Cũng giống như trong một đống đậu đen mặc dù có
lẫn những hạt đậu xanh nhưng vẫn gọi là đống “đậu đen”; và cũng không có ai có
hiểu biết mà lại xem một cái nhọt bị lở loét là lạc chỉ vì đã cảm nhận được một
lạc thọ nhỏ nhoi nào đó khi người ta rửa ráy cái nhọt này.
(2) Lại có bài tụng giải
thích: “Vì là nhân của khổ, vì được sinh khởi do nhiều nổi khổ, vì là đều được
mong muốn khi bị khổ cho nên mới nói rằng lạc cũng chính là khổ”.
(3) Thật ra, cho dù có
lạc kèm theo thì toàn thể sự hiện hữu (bhava) vẫn có cùng một vị của hành khổ
cho nên thánh giả vẫn xem nó như là khổ. Đây chính là lý do tại sao khổ là một
sự thật của thánh giả mà không phải lạc.
(Hỏi) Làm thế nào thánh
giả có thể quán sát tự tánh của các lạc thọ là khổ?
(Đáp) Vì các lạc thọ đi
ngược lại thánh tâm do tính chất vô thường của chúng. Cũng giống như khi thánh
giả quán sát sắc (rūpa), tưởng (saṃjñās),
v.v., là khổ cho dù các sắc, tưởng, v.v., này không phải là khổ giống như trường
hợp của khổ thọ.
Có giải thích cho rằng
“lạc là khổ vì lạc là nhân của khổ”. Tuy nhiên giải thích này không đúng bởi vì
(1) nếu là nhân của khổ thì đó chính là hành tướng (ākāra) của tập, tức là xem
các sự vật như là nguyên nhân của khổ chứ không phải xem chúng là khổ; (2) các
thánh giả sinh vào Sắc giới và Vô sắc giới làm thế nào có thể có được ý tưởng về
khổ? Bởi vì các uẩn ở các giới này không phải là nguyên nhân của khổ; (3) tại
sao kinh còn nói đến tính chất hành khổ? Nếu thánh giả đã xem lạc là khổ vì đó
là nhân của khổ thì tính chất hành khổ (có nghĩa là “những gì vô thường đều là
khổ”) được nói đến để làm gì.
(Hỏi) Nếu vì vô thường mà
thánh giả quán lạc là khổ thì có gì khác nhau giữa hành tướng của khổ và vô
thường? Một mặt thì quán sát sự vật là khổ; mặt khác lại “quán sát sự vật là vô
thường”: Như vậy sẽ có sự tạp loạn.
(Đáp) Quán sát sự vật là
vô thường bởi vì thể tánh của chúng là sinh và diệt; quán sát sự vật là khổ bởi
vì chúng đi ngược lại thánh tâm. Khi đã quán sát được sự vật là vô thường thì
chúng sẽ trở thành loại đi ngược lại thánh tâm. Tính chất vô thường bao hàm tính
chất khổ nhưng không tạp loạn với tính chất này.
Có luận sư (Vibhāṣā, 78, 6)
cho rằng thật ra không có lạc thọ mà tất cả đều là khổ; và họ đã đưa ra các giáo
chứng cũng như lý chứng để chứng minh điều này.
Giáo chứng: Kinh nói “hễ
có thọ là khổ”, “lạc thọ phải được xem là khổ”, “thật điên đảo khi xem khổ là
lạc”. (Saṃyutta, iv, 216)
Lý chứng: (1) Bởi vì các
nhân của lạc không phải lúc nào cũng là nhân của lạc (sukhahetvavyavasthānāt).
Những sự vật mà chúng ta tưởng là nhân của lạc như đồ ăn, đồ uống, cái lạnh, cái
nóng, v.v., nếu được thọ dụng quá độ hoặc không đúng lúc cũng sẽ trở thành nhân
của khổ. Vì thế không thể chấp nhận rằng chỉ vì tăng trưởng hoặc vì xuất hiện ở
một thời điểm khác (phi thời) dù vẫn giữ nguyên như vậy (bình đẳng) mà một nhân
của lạc lại tạo ra khổ. Như vậy những gì lầm tưởng là nhân của lạc, ngay từ
nguồn gốc, đã là nhân của khổ chứ không phải lạc: Càng về sau khổ càng tăng
thạnh và trở thành cái được cảm nhận; cũng giống như trường hợp của bốn uy nghi
(iryāpatha) nằm, ngồi, v.v..
(2) bởi vì ý tưởng về lạc
có cảnh sở duyên không phải là một loại thực lạc mà có khi chỉ là một loại làm
giảm khổ (duḥkhapraikāra, trị khổ), có khi chỉ là một sự biến đổi của khổ
(duḥkhavikalpa,
khổ dịch thoát). Chừng nào con người chưa bị hành hạ bởi nỗi khổ do đói, khát,
lạnh, nóng, mệt mỏi, ham muốn gây ra thì chừng đó con người sẽ không có bất kỳ
một cảm thọ nào để cảm nhận đó là lạc (sukham iti). Vì thế khi những người ngu
có một ý tưởng về lạc thì đó không phải là một loại thực lạc mà chỉ là một sự
làm giảm bớt khổ. Những người ngu cũng có một ý tưởng về lạc khi làm cho khổ đau
thay đổi; giống như trường hợp đưa gánh nặng trên vai cho người khác. Vì thế lạc
không thực hữu.
Các luận sư Đối pháp nói
rằng lạc vẫn thực hữu và chúng ta có thể thấy rõ được điều này:
(1)
Chúng ta hãy xem những người bác bỏ lạc thọ (bác vô lạc giả) xem khổ là gì. Nếu
họ trả lời: “Đó là những gì gây ra khổ đau”, thì chúng ta sẽ hỏi tiếp: “Gây ra
khổ đau như thế nào?” Nếu họ trả lời: “Bởi vì chúng tạo tác điều ác” thì chúng
ta sẽ nói rằng: “Những gì tạo tác điều thiện” chính là lạc. Nếu họ trả lời “bởi
vì chúng không được mong cầu”, thì chúng ta sẽ nói rằng “những gì được mong cầu”
chính là lạc.
(2)
Nhưng người ta sẽ nói rằng chính điều “được mong cầu này cũng không còn là điều
đáng mong cầu đối với thánh giả đã đắc được sự xả ly (vairāgyakāle); cho nên vẫn
không thể lập thành tính chất của lạc. Tuy nhiên lập luận này không có giá trị
bởi vì khi một thánh giả không còn mong cầu vì đã đắc được sự xả ly thì đó chỉ
vì điều này không còn đáng mong cầu đối với thánh giả nữa.
Một cảm thọ nếu tự thân
của nó là cái được mong cầu (khả ái) thì không bao giờ trở thành cái không được
mong cầu (phi khả ái). Do đó khi thánh giả không còn ham thích lạc thọ nữa thì
đó không phải vì tự tánh của lạc thọ này mà chỉ vì một lý do khác: Thánh giả
chán ghét lạc thọ vì những khuyết điểm của nó; vì lạc thọ chính là cơ hội làm
thối thất thiện pháp (pramādapada), vì phải mất nhiều công sức để đắc được lạc
thọ, vì lạc thọ sẽ trở thành khổ thọ, và vì lạc thọ vốn vô thường. Nếu như loại
thọ này vốn là cái không được mong cầu thì có những ai không ham muốn nó? Chỉ vì
muốn xả ly nên thánh giả mới quán sát lạc thọ qua các khuyết điểm của nó (dư
hành tướng) chứ không phải dựa vào tự tánh (khả ái) của nó; vì thế tự thân lạc
thọ vẫn thực hữu.
(3)
Về lời dạy của đức Phật: “Hễ có thọ là có khổ” thì chính ngài đã xác định ý
nghĩa của câu nói này qua đoạn kinh (Saṃyutta,
iv, 216): “Này A-nan, chính vì để chỉ cho sự vô thường, chính vì để chỉ cho sự
biến đổi của các pháp hữu vi mà ta đã nói rằng: Hễ có lạc là có khổ”. Vì thế có
thể xác định rằng lời đạy trên đây không có ý chỉ cho tính chất khổ khổ (duḥkhaduḥkhatā).
Nếu tự thể của tất cả các
cảm thọ đều là khổ thì lẽ ra thánh giả A-nan (Ārya Ānanda) không nên đưa ra câu
hỏi: “Thế tôn đã dạy rằng có ba loại cảm thọ là lạc, khổ và khổ lạc không khổ.
Thế tôn đã đạy rằng hễ có thọ là có khổ. Như vậy Thế tôn có chủ ý gì khi dạy
rằng hễ có thọ là có khổ?”. Lẽ ra A-nan phải hỏi: “Vì sao Thế tôn lại dạy rằng
có ba loại cảm thọ?”. Và Thế tôn lẽ ra phải trả lời: “Chính vì có dụng ý riêng
mà ta dạy rằng có ba loại cảm thọ”. Như vậy, nếu Thế tôn đã nói: “Ta có ẩn ý khi
nói rằng hễ có thọ là có khổ”, thì đó chỉ vì tự thể của thọ vốn có ba loại.
(4)
Về lời dạy: “Phải xem lạc thọ là khổ” (sukhā vedanā duḥkhato draṣtavyā), thì lạc thọ vốn vẫn là lạc bởi vì có khả năng mang
lại niềm vui (manapā), nhưng theo cách nhìn nào đó thì lạc thọ lại là khổ
(paryāyeṇa duḥkhā) vì
vẫn bị biến đổi và không thường hằng. Nếu xem lạc thọ là lạc thì những người
chưa ly dục (rāgin) sẽ bị trói buộc bởi vì họ vẫn còn thọ hưởng hương vị của nó.
Nếu xem lạc thọ là khổ thì thánh giả sẽ được giải thoát bởi vì họ đã xả ly sự
ham muốn đối với lạc thọ. Đây là lý do tại sao Thế tôn dạy rằng hãy quán sát lạc
thọ theo cách nào đó thuận lợi cho sự đắc được giải thoát.
(Hỏi) Tại sao biết được
tự thể của lạc thọ là lạc?
(Đáp) Có bài tụng (Saṃyukt, 17, 17) nói: “Đức Phật, đấng chánh biến tri, vì biết
được sự vô thường và biến đổi của các pháp hữu vi nên nói rằng thọ là khổ”.
(5) Về lời dạy: “Thật
điên đảo khi chấp khổ là lạc”, thì lời dạy này cũng hàm chứa một ẩn ý nào đó.
Thế gian khởi lạc tưởng đối với lạc thọ, đối với các sự vật tạo ra khoái lạc
(kāmaguṇa), đối
với sự hiện hữu (upapatti). Như vậy, theo một cách nào đó (paryāyeṇa) lạc
thọ vẫn là khổ và nếu xem nó là hoàn toàn (ekāntena) lạc thì đó chính là sự điên
đảo. Những sự vật gây khoái lạc chứa đựng nhiều đau khổ (bahuduḥkha)
nhưng lại ít niềm vui (alpasukha); và nếu xem chúng là sự an lạc tuyệt đối thì
đó cũng chính là sự điên đảo; quan niệm về sự hiện hữu cũng giống như vậy. Vì
thế bản kinh này không có ý nói rằng lạc không hiện hữu.
(6) Nếu tự tánh của thọ
là khổ thì làm thế nào để giải thích lời dạy của đức Phật về sự hiện hữu của ba
loại thọ? Nếu cho rằng khi dạy như vậy có lẽ đức Phật đã thuận theo cái nhìn của
thế gian (lokānuvṛttyā) thì điều này không thể chấp nhận được bởi vì (1) đức
Phật có nói: “Nếu ta nói rằng tất cả cảm thọ đều là khổ thì đó là lời nói có ẩn
ý (mật thuyết)”; (2) Khi giảng về ba loại thọ, đức Phật đã sử dụng nhóm từ: “Phù
hợp với thực tại” (yathābhūtam, như thực). Thật vậy, sau khi nói: “Lạc căn
(sukhendriya), hỷ căn (saumanasyendriya) là lạc thọ (sukhāvedana)”, đức Phật đã
nói tiếp: “Người nào, nhờ vào sự phân biệt chính xác (samyakprajñā, chánh tuệ),
mà thấy được năm căn (hoặc thọ) như vậy, phù hợp với thực tại (), thì sẽ đoạn
trừ được ba hệ phược…”; (3) hơn nữa, nếu như thọ chỉ là khổ thì làm thế nào thế
gian có thể đi đến kết luận rằng (vyavasyet) thọ có ba loại? Có phải các ông sẽ
nói rằng người ta có thể có ý tưởng hoặc cảm giác về lạc thọ đối với loại khổ
thọ yếu ớt, có ý tưởng về loại cảm thọ trung hòa đối với loại khổ thọ trung
bình, và có ý tưởng về khổ thọ đối với loại khổ thọ mạnh mẽ? Nếu như vậy, lạc
cũng có ba mức độ và lẽ ra cũng sẽ có ba trường hợp khởi lạc tưởng lớn đối với
loại khổ thọ yếu ớt, khởi lạc tưởng trung bình đối với loại khổ thọ trung bình
và khởi lạc tưởng ít ỏi đối với loại khổ thọ mạnh mẽ.
Ngoài ra, trong trường
hợp cảm nhận lạc thọ phát sinh từ một hương, vị hoặc vật được xúc chạm đặc biệt
nào đó thì lúc đó sẽ có loại khổ yếu ớt gì làm nền tảng cho sự sinh khởi của lạc
tưởng?
[Và nếu các ông cho rằng
lạc tưởng sinh khởi có liên quan đến một loại khổ yếu ớt] thì khi loại khổ yếu
ớt này chưa sinh hoặc khi nó đã diệt thì lúc đó lẽ ra phải có lạc tưởng mạnh mẽ
hơn nữa (cực lạc giác) bởi vì lúc đó khổ đã hoàn toàn biến mất. Đối với trường
hợp của hương, vị, v.v., và của dục lạc cũng như vậy (kāmasukhasaṃmukhībhāva).
Hơn nữa, theo chủ trương
của các ông thì một “cảm giác” yếu ớt (vedita), một nỗi khổ nhỏ được biểu hiện
bởi một cảm thọ rõ ràng và mạnh mẽ (lạc tưởng); và một “cảm giác” có lực trung
bình được biểu hiện bởi một cảm thọ không rõ ràng (phi khả ý phi bất khả ý); tuy
nhiên chủ trương có vẽ không được chặt chẽ cho lắm. Bởi vì kinh có dạy rằng ba
tầng thiền đầu tiên đều có lạc (sukha) đi kèm theo; và như vậy, nếu theo các
ông, cũng sẽ có một loại khổ thọ yếu ớt (ở đó). Kinh cũng dạy rằng trong tầng
thiền thứ tư có loại thọ phi khả ý phi bất khả ý (xả thọ); và như vậy, theo các
ông, cũng sẽ có một loại khổ trung bình (ở đó). Như vậy chủ trương “lạc thọ,
v.v., tương ưng với một khổ thọ yếu ớt, v.v.,” sẽ không thể chấp nhận được.
Cuối cùng, Thế tôn có
nói: “Này Đại danh (Mahānāman) nếu sắc chỉ là khổ mà không phải lạc, không có
lạc đi kèm theo,… thì sẽ không có lý do nào để người ta phải tham đắm sắc…” (Saṃyutta,
ii. 173).
Kết quả là các lập luận
dựa vào kinh điển được dẫn chứng trên đây không có giá trị.
(7) Lập luận đầu tiên về
một thứ tự hợp lý mà những người chủ trương trái ngược với chúng tôi đưa ra cũng
không có giá trị; bởi vì khi nói “các nhân của lạc không phải lúc nào cũng là
nhân của lạc” thì họ đã không giải thích rõ ràng cái gì là nhân của lạc.
Một cảnh sở duyên nào đó
làm nhân của lạc hoặc khổ tùy thuộc vào trường hợp của người cảm thọ (sở y phần
vị); nó không phải là nhân của lạc hoặc khổ một cách tuyệt đối. Nếu một cảnh sở
duyên nào đó đã là nhân của lạc khi nó có liên hệ với một thân đang ở vào một
trạng thái nào đó, thì cảnh sở duyên này cũng sẽ luôn luôn là nhân của lạc khi
tiếp tục liên hệ đến thân này trong cùng một trạng thái như vậy. Vì thế nhân của
lạc vẫn luôn luôn là nhân của lạc.
Tỷ dụ như cùng một ngọn
lửa sẽ cho ra các kết quả nấu chín khác nhau tùy theo tình trạng của loại gạo
được nấu chín (pākyabhūtāvasthā) và sẽ có trường hợp thức ăn có thể ăn được ()
hoặc không ăn được; nhưng tác dụng của lửa vẫn không thay đổ cho dù gạo đang ở
vào tình trạng nào đi nữa.
Mặt khác, ở các tầng
thiền làm sao có thể không thừa nhận rằng các nhân của lạc luôn luôn là nhân của
lạc?
(8) Về lập luận “lạc
tưởng có sở duyên không phải là một loại thực lạc mà chỉ là một sự làm giảm khổ
hoặc một sự biến đổi của khổ”, thì chúng tôi xin nói rằng:
(i) Trong trường hợp cảm
nhận lạc thọ phát sinh từ hương, vị, v.v., thì sở duyên của lạc tưởng sẽ là sự
giảm bớt của loại khổ gì? Trước khi loại khổ này sinh khởi hoặc vào khi nó đã
diệt, tức khi không còn một sự giảm khổ nào cả thì lẽ ra phải có sự cảm nhận lạc
thọ mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, ở các tầng thiền, lạc thọ chắc chắn không thể bao hàm
sự giảm khổ bởi vì ở những nơi này vốn không có khổ.
(ii) Khi một người chuyển
một gánh nặng sang vai người khác thì thật sự sẽ có một loại lạc phát sinh từ
một trạng thái mới của thân (thân phần vị) và loại lạc này sẽ tiếp tục sinh cho
đến khi trạng thái mới này của thân biến mất. Nếu không phải như vậy thì ý tưởng
hoặc cảm giác về lạc này lẽ ra phải trở nên càng ngày càng mạnh hơn. Đối với cảm
giác về loại lạc phát sinh do sự thay đổi các tư thế (tứ uy nghi) đã mệt mỏi
cũng được giải thích giống như vậy.
(9) Nếu các ông hỏi: “Nếu
khổ không bắt đầu ngay từ đầu thì về sau làm sao có thể có cảm giác về khổ?”,
chúng tôi xin trả lời: “Vì do sự biến đổi nào đó của thân [tiếp theo sau việc
hấp thụ thức ăn, v.v., cho nên khổ sẽ không xuất hiện chừng nào mà tình trạng
thuận hợp với lạc này của thân còn kéo dài]; cũng giống như sự nối tiếp nhau của
các loại vị ngọt và chua trong trường hợp của rượu, v.v..
Vì thế vẫn có thể lập
thành lạc thọ, và tất cả các pháp hữu vi hữu lậu đều được gọi là khổ là do ba
tính chất của khổ.
A-tỳ-đạt-ma khi chủ
trương khổ đế chính là tập đế - có nghĩa là các thủ uẩn vốn là khổ nhưng đồng
thời cũng là nguồn gốc của khổ - đã căn cứ vào lời dạy của khế kinh (Vibhāṣā, 78, 7). Bởi vì theo khế kinh
(Mahāvagga, i. 6, 20; Madhyama, 7, 22) chỉ có ái (tṛṣṇā) mới là nguồn gốc của khổ.
Kinh nói rằng ái chính là
tập bởi vì tính chất cường thắng của nó. Tuy nhiên tất cả các pháp hữu lậu khác
cũng là nguồn gốc của khổ.
Thật ra các pháp khác
cũng được khế kinh nói đến. Thế tôn nói: “Nghiệp, ái và vô minh là nhân của các
hành ở đời sống kế tiếp”; Ngài còn nói: “Năm loại hạt giống (chủng tử), tức loại
thức (vijñāna) tương ưng với thủ (upādāna); địa giới, tức bốn thức trụ
(vijñānasthitis)”.
Như vậy định nghĩa
(nirdeśa) “ái là nguồn gốc của khổ” của kinh được ngầm hiểu theo một gốc độ
riêng (ābhiprāyika) (mật ý ngôn); trong khi định nghĩa của A-tỳ-đạt-ma lại dựa
theo các tính chất của một sự vật hiển nhiên (lākṣaṇika) (y
pháp tướng thuyết).
Mặt khác, khi Thế tôn
nói: “Chính ái là tập” là có ý định nghĩa nguyên nhân của sự tái sinh khởi
(abhinivṛttihetu). Và trong bài tụng,
khi ngài nói đến nghiệp, ái và vô minh là có ý định nghĩa nguyên nhân của các sự
sinh khởi khác nhau (upapattihetu, sinh nhân) chính là nghiệp, nguyên nhân của
sự tái sinh khởi chính là ái; nguyên nhân của sự sinh khởi và của sự tái sinh
khởi chính là vô minh. Chúng ta sẽ giải thích ý nghĩa của các cách nói này. Kinh
nói: “Nghiệp là nhân của sinh (upapatti); ái là nhân của khởi (abhinivṛtti)”; và kinh còn nói về thứ tự nối tiếp của nhân duyên
(sahetusapratyayasanidānakrama): “Nhãn có nhân (hetu-pratyaya-nidāna) là nghiệp;
nghiệp có nhân là ái; ái có nhân là vô minh; và vô minh có nhân là sự phán đoán
sai lạc (phi lý tác ý)”.
Vấn đề thức và các uẩn
khác được xem như là nguồn gốc của khổ cũng xuất phát từ việc kinh có nói rằng
các pháp này cũng giống như hạt giống và ruộng đồng.
(Hỏi) Sinh là gì? Khởi là
gì?
(Đáp) Sinh (upapatti) có
nghĩa là sự sinh ra hoặc sự hiện hữu thuộc riêng về một giới (Dục giới, v.v.),
một thú (thiên, nhân, v.v.), một cách sinh sản (thai, trứng, v.v.), một giới
tính nào đó, v.v.. Khởi (abhinivṛtti) là sự tái hiện trở lại và không thuộc riêng về một loại
nào cả.
Nhân của sinh là nghiệp,
nhân của khởi là ái; cũng giống như hạt giống là nhân của một mầm mộng có đặc
tính riêng, như mầm mộng của thóc, của lúa mạch, v.v.; trong khi nước chỉ là
nhân cho sự nảy mầm (prarohamātra) của tất cả các loại mầm mộng và không có
chủng loại khác nhau.
(Hỏi) Làm sao có thể
chứng minh ái là nhân của khởi?
(Đáp) Do sự kiện một
người đã xả ly ái thì không còn sinh trở lại. Khi một người còn ái và một người
ly ái chết đi thì chúng ta biết rằng người thứ nhất sẽ tái sinh nhưng người thứ
hai thì không. Như vậy, vì không có sự tái sinh ở nơi nào không có ái nên chúng
ta biết rằng ái chính là nhân của sự tạo ra một hiện hữu, là nhân của sự tái
hiện hữu (bhavābhinirvṛtti). Do
một sự kiện khác nữa là chuỗi tương tục được ái dẫn dắt. Chúng ta biết rằng
chuỗi tương tục của tâm không ngừng hướng đến sự vật mà nó khao khát. Đối với sự
tái sinh cũng như vậy.
Không có phiền não (kleśa)
nào đeo dính vào sự hiện hữu (ātmabhāva) giống như ái; cũng giống như bột đậu
một khi đã khô thì dính chặt vào tay. Không có loại nhân nào trói buộc vào sự
tái sinh giống như ngã ái (ātmasneha). Đây là lý do lập thành ái chính là nhân
của khởi.
(Hỏi) Thế tôn đã dạy về
bốn sự thật; đồng thời ngài cũng nói đến hai sự thật là sự thật tương đối (saṃvṛtisatya,
thế tục đế) và sự thật tuyệt đối (paramārthasatya, thắng nghĩa đế). Vậy hai sự
thật này là gì?
Tụng đáp:
彼覺破便無
慧析餘亦爾
如瓶水世俗
異此名勝義.
[Cái biết về nó không còn
khi nó bị phá;
Cái được tuệ phân tích và
những cái khác cũng vậy,
Giống như bình và nước
đều là thế tục đế.
Khác với điều này gọi là
thắng nghĩa đế.]
Luận: nếu cái biết
về một sự vật không còn hiện hữu khi sự vật này bị vỡ tan thành từng mảnh thì sự
vật này chỉ hiện hữu một cách tương đối (saṃvṛtisat);
tỷ dụ như một chiếc bình: Ý tưởng về chiếc bình sẽ không còn hiện hữu khi chiếc
bình chỉ còn là các mảnh vụn. Nếu cái biết về một sự vật không còn hiện hữu khi
dùng tuệ để phân tích sự vật này thì sự vật này cũng được xem như hiện hữu một
cách tương đối; tỷ dụ như trường hợp của nước. Nếu chúng ta rút ra từ nước các
pháp như màu sắc, v.v., thì ý tưởng về nước cũng sẽ biến mất.
Tùy theo một cách nhìn có
tính cách tương đối hoặc một cách dùng có tính cách quy ước (saṃvṛtitas) mà
nhiều tên gọi khác nhau đã được gán cho các sự vật này, như bình, áo, nước, lửa,
v.v.. Vì thế nếu từ cách nhìn tương đối (saṃvṛtivaśena)
mà nói rằng “có cái bình (ghatośti), có nước” tức đã nói thật chứ không phải giả.
Như vậy đó vẫn là một sự thật tương đối (thế tục đế).
Khác với điều trên là sự
thật tuyệt đối. Khi một sự vật đã bị vỡ hoặc đã được tuệ phân tích nhưng ý tưởng
về nó vẫn còn thì sự vật này hiện hữu một cách tuyệt đối (paramārthasat); tỷ dụ
như sắc pháp (rūpa): Người ta có thể giản lược sắc pháp thành những cực vi,
người ta có thể dùng tuệ để rút ra mùi vị và các pháp khác nhưng vẫn còn cái
biết về tự thể của sắc pháp; đối với thọ, v.v., cũng thế. Bởi vì sắc pháp hiện
hữu một cách tuyệt đối (paramārthasat) nên đó là sự thật tuyệt đối (paramārthasatya,
thắng nghĩa đế).
Các luận sư đời trước nói
rằng các pháp thuộc thắng nghĩa đế là các pháp được tri nhận bởi trí tuệ xuất
thế (lokottarajñāna, xuất thế trí) hoặc bởi trí tuệ thế tục (laukikajñāna, thế
trí) đắc được tiếp theo sau (pṛṣṭhalabdha) xuất thế trí (thử hậu đắc thế gian chánh trí). Các
pháp này có thật một cách tuyệt đối nhờ vào cách chúng được tri nhận bởi tất cả
các loại thế trí nhiễm hoặc vô nhiễm khác.
Trên đây đã nói về các đế;
tiếp theo là phần giải thích làm thế nào để thấy được các đế này:
將趣見諦道
應住戒勤修
聞思修所成
謂名俱義境.
[Trước khi hướng đến con
đường kiến đế
Cần phải an trụ vào giới
luật, chuyên cần tu tập
Các tuệ do văn tư tu
thành tựu
Có cảnh là danh, cả danh
lẫn nghĩa, nghĩa.]
Luận: Những người
mong muốn nhìn thấy được các đế (kiến đế) trước hết phải giữ gìn giới luật
(śīla, thi-la). Sau đó đọc tụng các lời dạy (śrutra) nói về kiến đế hoặc lắng
nghe ý nghĩa của kiến đế. Sau khi đã hiểu (śrutvā) thì phải suy nghĩ cho đúng
đắn (aviparīta, vô đảo). Sau khi đã suy nghĩ đúng đắng thì mới bắt đầu tu định
(samādhibhāvanā). Nhờ nương vào loại tuệ phát sinh từ các lời giáo huấn
(śrutamayī, văn tuệ) nên mới có loại tuệ phát sinh từ sự suy nghĩ (cintāmayī, tư
tuệ); và nhờ nương vào loại tuệ phát sinh từ sự suy nghĩ mới có loại tuệ phát
sinh từ sự tu tập (bhāvanāmyī, tu tuệ).
(Hỏi) Các tính chất của
ba loại tuệ này là gì?
(Đáp) Theo Tỳ-bà-sa, văn
tuệ có sở duyên là danh (nāman); tư tuệ có sở duyên là danh và nghĩa (artha):
Thật vậy, có khi tư tuệ nắm bắt (ākarṣati) ý nghĩa nhờ dựa vào lời
văn (vyañjanena), có khi lại nắm bắt lời văn nhờ dựa vào ý nghĩa. Tu tuệ có sở
duyên là ý nghĩa vì chỉ nắm bắt ý nghĩa chứ không chấp thủ lời văn. Cũng giống
như ba người cùng vượt sông: Người không biết bơi thì không thể tháo bỏ đồ bơi,
người mới biết bơi thì có khi phải đeo bám có khi lại tháo bỏ đồ bơi, người đã
biết bơi thì không cần nương vào vật gì cả (Vibhāṣā, 81, 14, 41, 8).
(Kinh bộ) Theo giải thích
trên, không thể lập thành tư tuệ. Bởi vì khi có sở duyên là danh thì tư tuệ
chính là văn tuệ; và khi có sở duyên là nghĩa thì tư tuệ chính là tu tuệ cho nên
sẽ không có tư tuệ. Vì thế nên giải thích rằng văn tuệ là sự xác tín (niścaya)
phát sinh nhờ nương vào sự hiểu biết (pramāṇa) được
gọi là “lời nói của một người có khả năng” (āptavacana) (y văn chí giáo); tư tuệ
là một sự xác tín phát sinh từ sự xem xét đúng lý (yuktinidhyāna = yuktyā nitīraṇam) (y tư
chánh lý); tu tuệ là một sự xác tín phát sinh từ định (y tu đẳng trì). Như vậy
các tính chất khác nhau của ba loại tuệ này vẫn được lập thành một cách đúng
đắn.
Trong từ ngữ “văn sở
thành” (śrutamayī), v.v., thì tiếp ngữ maya (sở thành) nhằm chỉ cho nhân: Loại
tuệ (prajñāna) do văn thành tựu (śrutamayī) là loại tuệ lấy văn (śruta) làm nhân
(hetu), có nghĩa là lấy “lời nói của một người có khả năng” (āptavacana) làm
nhân. Hoặc tiếp vĩ ngữ maya được dùng như một từ để chỉ cho “sự chuyển hóa của
…”, tức loại tuệ do văn thành tựu chỉ là một sự chuyển hóa của văn (śruta). Tuy
nhiên nên hiểu từ ngữ “sự chuyển hóa” này theo ý nghĩa ẩn dụ: Đó chỉ là một sự
ước chừng; thật vậy, trong thực tế vẫn phải kể thêm các tính chất khác. Cũng
giống như khi nói: “Sinh khí được tạo thành từ các chất dinh dưỡng, những con bò
được tạo thành từ cỏ” (anamayāḥ prānāḥ tṛṇamayā gāvaḥ).
(Hỏi) Nếu áp dụng sự tu
tập (bhāvanā) này thì làm thế nào để thành công?
Tụng đáp:
具身心遠離
無不足大欲
謂已得未得
多求名所無
治相違界三
無漏無貪性
四聖種亦爾
前三唯喜足
三生具後業
為治四愛生
我所我事欲
暫息永除故.
[Thân và tâm viễn ly;
Không phải “bất túc” và
“đại dục”;
Có nghĩa là đã có hoặc
chưa có
Nhưng muốn có nhiều nên
gọi là không phải (hỷ túc, thiểu dục).
Pháp đối trị là pháp
tương vi ở tam giới,
Và vô lậu vì có tánh vô
tham.
Bốn thánh chủng cũng thế;
Ba loại đầu chỉ là hỷ
túc,
Nhằm đối trị sinh cụ
Loại cuối đối trị sự
nghiệp;
Để đối trị bốn ái sinh
khởi;
Để tạm thời chấm dứt hoặc
vĩnh viễn đoạn trừ
Sự ham muốn về ngã sở và
ngã sự.]
Luận: Khi hành giả
thu thúc (vyapakṛṣta) được thân và tâm bằng cách xa rời (dūrīkaraṇa) tình trạng tương tạp (saṃsarga) và
các ý nghĩ xấu xa (akuśalavitarka, bất thiện tầm) thì họ sẽ thành công.
(Hỏi) Ai có thể thực hiện
dễ dàng hai điều nói trên?
(Đáp) Những người đã xả
ly hoặc những người có ít ham muốn (alpeccha, thiểu dục) và biết đủ (saṃtuṣṭa, hỷ túc) chứ không phải những người “không biết đủ” (bất hỷ
túc) và “không biết chán” (đại dục).
(Hỏi) “Không biết đủ” và
“không biết chán” nhằm chỉ cho cái gì?
(Đáp) Các luận sư Đối
pháp (Vibhāṣā, 41,
16) nói: Đối với các đồ vật tốt đẹp (praṇīta) đã có như áo quần, v.v. mà vẫn muốn có nhiều hơn nữa thì
đó chính là “bất ỷ túc”. Thèm muốn những cái chưa có chính là “đại dục”.
(Hỏi) Chăng phải “bất hỷ
túc” cũng có thể xảy ra đối với những thứ chưa có sao? Và nếu vậy thì có gì khác
nhau giữa hai khuyết điểm này?
(Đáp) Bất hỷ túc là sự
cảm thấy không thỏa mãn đối với cái đã có vì cho rằng chúng quá tầm thường (apraṇīta, bất diệu) hoặc ít ỏi (aprabhūta, bất đa). Đa dục chính
là sự ham muốn cái tốt hơn hoặc nhiều hơn những thứ đang có.
Các pháp trái ngược với
bất hỷ túc và đại dục, tức hỷ túc và thiểu dục, chính là các pháp có khả năng
đối trị hai khuyết điểm này. Chúng thuộc về cả ba giới và có tánh vô lậu. Trái
lại bất hỷ túc và đại dục chỉ có ở Dục giới.
(Hỏi) Thể tánh của hỷ túc
và thiểu dục là gì?
(Đáp) Thể tánh của chúng
là thiện căn vô tham. Căn nguyên của thánh giả (āryavaṃśas, thánh chủng) chính là vô tham (alobha). Sở dĩ có tên như
vậy là vì thánh giả sinh ra từ vô tham và thể tánh của thánh chủng cũng chính là
vô tham.
Trong bốn loại thánh
chủng thì ba loại đầu - tức biết đủ đối với quần áo (cīvara), biết đủ đối với đồ
ăn đồ uống (piṇdapāta), biết đủ đối với các thứ dùng để nằm, ngồi
(śayanāsana) - có thể tánh là hỷ túc.
Thánh chủng thứ tư - tức
là sự cảm thấy hoan hỷ đối với diệt pháp và thánh đạo (lạc đoạn tu) - không phải
là hỷ túc.
(Hỏi) Làm sao biết được
thánh chủng thứ tư cũng là vô tham?
(Đáp) Vì quay lưng với sự
chấp trước tham dục và sự chấp trước hiện hữu (bhavarāga, hữu tham).
(Hỏi) Qua bốn thánh chủng
trên Thế tôn muốn dạy về điều gì?
(Đáp) Thế tôn, vị vua của
pháp, đã dạy về cách sử dụng các nhu cầu về ăn, ở có chừng mực (sinh cụ) và cách
sinh hoạt cho các đệ tử của ngài; những người bắt đầu tìm kiếm sự giải thoát sau
khi đã từ bỏ các nhu cầu và cách sống cũ. Qua ba thánh chủng đầu ngài dạy về các
nhu cầu trong cuộc sống và qua thánh chủng cuối ngài dạy về cách sinh hoạt: “Nếu
các ông thực hiện những hành động này cùng với cách sống này thì chẳng bao lâu
các ông sẽ được giải thoát.”
(Hỏi) Tại sao Thế tôn lập
ra hai sự việc trên?
(Đáp) Để ngăn ngại (đối
trị) sự sinh khởi của ái. Kinh (Mahāsaṃgīti = Dīgha, iii. 228; Anguttara,
ii. 10, 248) dạy rằng sự sinh khởi của ái có bốn trường hợp: “Này các Bí-sô, khi
sinh khởi thì ái sẽ sinh từ y phục, từ thức ăn, từ chỗ nằm, từ chỗ ngồi; khi trụ
thì ái sẽ trụ ở y phục, v.v.; khi đeo bám thì sẽ đeo bám ở y phục, v.v.; này cá
Bí-sô, khi sinh thì ái sẽ sinh từ sự hiện hữu và sự không hiện hữu như thế…”.
Chính vì để ngăn ngừa ái mà bốn thánh chủng đã được tuyên thuyết.
Nói cách khác, bốn thánh
chủng được tuyên thuyết là để ngăn chận tạm thời hoặc vĩnh viễn sự hàm muốn đối
với các đối tượng của ý thức về ngã sở và ngã (ngã sự). Đối tượng của ý thức về
ngã sở chính là y phục. Đối tượng của ý thức về ngã chính là thân sở y (āśraya).
Sự ham muốn chính là ái.
Ba thánh chủng đầu tiên
nhằm diệt trừ sự ham muốn các sự vật được xem như là “thuộc riêng về mình” đã
nói ở trên. Thánh chủng cuối cùng nhằm diệt trừ vĩnh viễn tất cả sự ham muốn
này.
(Hỏi) Trên đây đã nói về
các phẩm tánh cần có cho sự tu tập (bhāvanā) thành công. Như vậy, hành giả đã
như là một cái bình chứa thích hợp (tu sở y khí) thì sẽ bước vào con đường tu
tập bằng cánh cửa nào?
Tụng đáp:
入修要二門
不淨觀息念
貪尋增上者
如次第應修.
[Vào đường tu cần có hai
cửa
Là bất tịnh quán và tức
niệm;
Có người tham và tầm tăng
thượng
Nên tu theo thứ tự này.]
Luận: Hành giả bước
vào con đường tu tập bằng cách quán sát về sự bất tịnh (aśubhā) và sự chú ý đến
hơi thở (ānāpānasmṛta).
(Hỏi) Ai tu bất tịnh quán
và ai tu tức niệm?
(Đáp) Theo thứ tự trên là
những người có tham và tầm tăng thạnh. Sở dĩ nói “tham tăng thạnh” (rāgādhika)
và “tầm tăng thạnh” (vitarādhika) là vì tham và tầm đang tăng trưởng rất mạnh ở
những người này. Người nào có tham sinh khởi nhanh và mãnh liệt cho dù chỉ do
một động lực nhỏ (pratyāsannam atyarthaṃ rāgacarita) sẽ bước vào Tu đạo
bằng bất tịnh quán; người nào có tầm làm cho loạn tâm (vitarkacarita, tầm hành)
sẽ tu bằng tức niệm. Có luận sư nói rằng tức niệm (ānāpānasmṛti) vì có
cảnh sở duyên không đa dạng (avicitra) - tỷ dụ như chỉ duyên vào “hơi thở”
(vāyu, phong) mà hơi thở thì không có những sự khác nhau về hình và hiển sắc cho
nên có khả năng chặn đứng tiến trình của tầm (vitarka); trong khi bất tịnh quán,
vì có cảnh sở duyên vừa là hình sắc vừa là hiển sắc, cho nên sẽ dẫn khởi tầm.
Có luận sư khác cho rằng
tức niệm có khả năng chận đứng tầm vì tức niệm không hướng ra bên ngoài
(abhirmukhatvāt, nội môn chuyển) khi chỉ duyên vào hơi thở. Bất tịnh quán thì
hướng ra bên ngoài, giống như trường hợp của nhãn thức (cakṣurvijñānavat); nhưng nó không phải là nhãn thức mà chỉ là sự
quán chiếu (upanidhyāna = nirūpaṇa) cảnh sở duyên của nhãn thức.
(Hỏi) Bất tịnh quán là
gì?
Tụng đáp:
為通治四貪
且辯觀骨鎖
廣至海復略
名初習業位
除足至頭半
名為已熟修
繫心在眉間
名超作意位.
[Là đối trị tất cả bốn
tham.
Nay nói về sự quán sát
các đốt xương
Rộng ra đến hải biên
Sau đó lại giản lược,
Gọi là giai đoạn “mới tập
tu”;
Trừ xương chân ra, quán
sát cho đến một nửa xương đầu
Gọi là “tu đã thành
thục”,
Chú tâm giữa “hai hàng”
lông mày
Gọi là giai đoạn “đã
thành tựu tác ý”.]
Luận: Tham (rāga)
có bốn loại: (1) Hiển sắc tham, (2) hình sắc tham, (3) diệu xúc tham, (4) cung
phụng tham. Để đối trị loại tham thứ nhất là bất tịnh quán có cảnh sở duyên là
thi thể đã chuyển qua màu xanh (vinīlaka) và hư thối (vipūyaka), v.v.. Để đối
trị loại tham thứ hai là bất tịnh quán có cảnh sở duyên là thi thể đã bị ăn
(vikhāditaka) và xé nát (vikṣiptaka).
Để đối trị loại tham thứ ba là bất tịnh quán có cảnh sở duyên là thi thể đã bị
côn trùng đục khoét (vipaḍumaka = utpannakrimika) và
chỉ còn xương với gân. Để đối trị loại tham thứ tư là bất tịnh quán có sở duyên
là thi thể bất động.
Nhìn chung, bốn đối tượng
của tham là hiển sắc, hình sắc, các thứ xúc chạm và cung phụng đều không thể tìm
thấy trong một chuỗi các đốt xương (cốt tỏa) cho nên nếu quán sát bộ xương để tu
bất tịnh quán thì có thể đối trị tất cả các loại tham.
Tu bất tịnh quán không
nhằm đoạn trừ (prahāṇa) các
phiền não (kleśa) mà chỉ là sự chế phục (viṣkambhaṇa) các phiền não bởi vì bất tịnh quán là một hành động chú
tâm (tác ý) có sở duyên không phải là thực tại mà là một biểu tượng thuộc về ý
chí; không duyên toàn thể các sự vật mà chỉ duyên một phần sắc pháp của dục
giới.
Hành giả (yogācāra,
Du-già sư) tu bất tịnh quán có thể chỉ là một người mới tập tu (ādikārmika, sơ
tập nghiệp), một người dã thành thạo (kṛtaparijaya, dĩ thục tu) hoặc một
người đã hoàn toàn làm chủ về tác ý (atikrāntamanaskāra, siêu tác ý).
Hành giả muốn tu bất tịnh
quán trước tiên phải chú tâm vào một phần của thân mình (tự thân phần), vào ngón
chân, vào trán hoặc vào một bộ phận tự chọn nào đó; sau đó, hành giả “làm cho
thanh tịnh” phần xương, có nghĩa là tách phần thịt ra khỏi phần xương bằng cách
tưởng tượng (giả tưởng tư duy) rằng phần thịt đã bị hư rã; hành giả nới rộng sự
quán sát của mình cho đến khi chỉ cần quán sát phần xương mà hành giả cũng có
thể thấy được toàn bộ thân thể để tăng trưởng khả năng quán sát (adhimukti,
thắng giải) của mình, hành giả cũng tu tập theo cách này; có nghĩa là hành giả
cũng khởi tưởng giống như thế đối với một người thứ hai, đối với một người thuộc
một tự viện (vihāra), một khu vườn (ārāma), một ngôi làng, một nước, cho đến tận
cùng ranh giới của vũ trụ, của biển cả, đều phải được nhận biết như đang chứa
đầy những bộ xương và rồi hành giả lại thu nhỏ cái nhìn của mình lại để cho cái
nhìn của mình trở nên mạnh mẽ hơn cho đến khi thấy được toàn bộ thân thể của
mình chỉ còn là một bộ xương. Lúc đó sự tu tập bất tịnh quán được hoàn mãn; và
kể từ đó, hành giả được gọi là “sơ tập nghiệp” (ādikārmika).
Để tăng thêm khả năng
quán sát đã được thu nhỏ này, hành giả lại bỏ qua các đốt xương chân mà cứ lần
lượt thu nhỏ cái nhìn của mình lại để xem xét các đốt xương khác cho đến khi chỉ
còn xem xét đến nửa phần bộ xương đầu, tức đã chừa lại nửa phần còn lại; lúc đó
hành giả được gọi là “dĩ thục tu” (kṛtaparijaya);
tức đã có được sự thành thục trong loại tác ý tạo thành sự quán sát này.
Hành giả lại bỏ qua một
nửa phần xương đầu nói trên và chỉ chú tâm vào giữa hai hàng lông mày. Lúc đó
hành giả được gọi là người “đã thành tựu tác ý của bất tịnh quán” (siêu tác ý).
Bất tịnh quán có thể bị
nhỏ hẹp vì sự nhỏ hẹp (parītta) của cảnh sở duyên (ālambana) chứ không phải vì
khả năng thành thục (vaśitā) của hành giả. Vì thế có bốn trường hợp: (1) Hành
giả thành thục về loại tác ý hình thành khả năng quán sát (jitamanaskāra;
atikrānta manasikāra) và chỉ quán sát thân thể của chính mình (saṃkṣepacitta);
(2) hành giả chưa thành thục về tác ý nhưng đã quán sát cả vũ trụ chất đầy các
bộ xương (vistāracitta); (3) hành giả chưa thành thục về tác ý và chỉ quán sát
thân thể của chính mình; (4) hành giả đã thành thục tác ý và quán sát toàn bộ vũ
trụ chất đầy các bộ xương.
(Hỏi) Thể tánh của bất
tịnh quán là gì? Bất tịnh quán thuộc về bao nhiêu địa? Cảnh sở duyên của nó là
gì? Ai khởi loại quán này?
Tụng đáp:
無貪性十地
緣欲色人生
不淨自世緣
有漏通二得.
[Tánh vô tham, ở mười địa,
Duyên sắc pháp Dục giới,
Do người sinh khởi,
Hành tướng bất tịnh,
duyên cảnh cùng thời,
Hữu lậu, đắc được do hai
loại.]
Luận: Thể tánh của
bất tịnh quán là vô tham (alobha).
Mười địa trong đó hành
giả có thể phát khởi sự quán sát này là bốn tầng thiền, bốn cận phần tĩnh lự
(sāmantakas), trung gian tĩnh lự (dhyānāntara) và Dục giới.
Cảnh sở duyên là những
cái được nhìn thấy (dṛśya)
thuộc Dục giới. Ở đây chữ “sắc” được dùng để chỉ cho cả hiển sắc và hình sắc. Có
nghĩa là bất tịnh quán có cảnh sở duyên là “sự vật” (arthālambana, nghĩa) chứ
không phải “tên gọi” (nāman, danh).
Chỉ có loài người sinh
khởi loại quán này; chứ không phải chúng sinh ở các thú khác, cho dù đó là chúng
sinh thuộc về các giới trên (thượng giới). Những người ở Bắc châu (Uttarakuru)
cũng không khởi loại quán này.
Vì có tên là bất tịnh
quán (aśubhā) nên loại quán này chỉ có loại hành tướng (ākāra) bất tịnh. [Nó
không có các hành tướng khác như vô thường (anitya), v.v.: nó quán sát các cảnh
sắc và xem đó là bất tịnh chứ không phải là vô thường, v.v..]
Nếu là quá khứ thì nó có
cảnh sở duyên quá khứ; nếu là hiện tại thì có cảnh sở duyên hiện tại; nếu là vị
lai thì có cảnh sở duyên vị lai: Nói cách khác, cảnh sở duyên của bất tịnh quán
cùng thời với bất tịnh quán (yadadhvikā tadadhvikālambanā). Khi bất tịnh quán
thuộc loại “không nhất định sẽ sinh khởi” (anutpattidharmikā) thì cảnh sở duyên
thuộc về cả ba thời.
Bởi vì bất tịnh quán là
loại tác ý về một cảnh được tưởng tượng (adhimuktimanasikāra, thắng giải tác ý)
cho nên nó có tánh hữu lậu.
Bất tịnh quán có thể đã
được tu tập hoặc chưa được tu tập trong một đời sống trước đó cho nên nó có thể
được hoạch đắc nhờ vào sự xả ly (vairāgyalābhikī) hoặc sự luyện tập (prayoga).
Trên đây là tất cả các
tính chất của bất tịnh quán; tiếp theo là phần nói về Trì tức niệm.
息念慧五地
緣風依欲身
二得實外無
有六謂數等
[Tức niệm là tuệ, thuộc
năm địa,
Duyên vào gió, nương thân
Dục giới,
Đắc được bằng hai cách,
là tác ý chân thực, ngoại đạo không tu được,
Có sáu giai đoạn là đếm,
v.v.]
Luận: Trì tức niệm
là ānāpānasmṛti (a-na-a-ba-na niệm)
Āna có nghĩa là sự thở
vào (śavāsa), tức là sự đi vào của gió; apāna có nghĩa là sự thở ra, tức là sự
đi ra của gió. Sự ghi nhớ (smṛti) duyên
theo sự thở ra hoặc vào được gọi là Trì tức niệm.
Trì tức niệm có thể tánh
là tuệ (prajñā), tức là cái biết về sự thở vào và sự thở ra. Loại tuệ này được
gọi là niệm, cũng giống như trường hợp của các niệm trụ (smṛtyupasthānas),
[tức là các ứng dụng của tuệ (tuệ trụ), nhưng lại có tên là “các ứng dụng của
niệm” (niệm trụ)] bởi vì loại tuệ này, tức trì tức tuệ (ānāpānaprajñā), được dẫn
khởi bởi lực của niệm (smṛtibalādhānavṛttitvāt).
Trì tức niệm được tu tập
ở năm địa là ba cận phần tĩnh lự đầu tiên, trung gian tĩnh lự và Dục giới bởi vì
chỉ tương ưng với xả (upekṣa), truyền thuyết nói rằng lạc thọ
và khổ thọ [của Dục giới] thì thuận hợp với tầm (vitarka) trong khi trì tức niệm
lại tương vi với tầm cho nên không thể tương ưng với lạc và khổ. Ngoài ra hỷ thọ
và lạc thọ [của các tầng thiền] thường gây chướng ngại (pratyanīka, paripanthin)
cho sự chuyên chú của tâm đối với cảnh (avadhāna, ābhoga); trong khi trì tức
niệm không thể tu tập được nếu không có sự chuyên chú này.
Tuy nhiên theo các luận
sư vốn tin tưởng rằng vẫn có xả thọ (upekṣendriya, xả căn) ở các tĩnh lự căn bổn (mūladhyānas) thì trì
tức niệm có thể được tu tập ở tám địa, tức thêm vào ba tầng thiền đầu tiên: Ở
các địa phía trên thì chúng sinh không còn cần đến hơi thở.
Cảnh sở duyên của trì tức
niệm chính là gió và thân sở y (āśraya) của nó là Dục giới, có nghĩa là trì tức
niệm được tu tập bởi con người và chư thiên thuộc Dục giới bởi vì ở đó có rất
nhiều tầm (vitarkabhūya stvāt). Trì tức niệm có thể được hoạch đắc bởi sự xả ly
hoặc sự luyện tập. Nó là một loại tác ý chân thực (tatvamanasikāra), tức là một
sự xem xét có đối tượng, là một sự vật có thực. Nó chỉ dành riêng cho Phật tử
(idaṃdharman) chứ không phải cho ngoại đạo bởi vì ngoại đạo không
có được sự giảng dạy về trì tức niệm đồng thời họ cũng không có khả năng tự mình
tìm ra (avabodha) các pháp vi tế.
Trì tức niệm được tu tập
hoàn mãn khi có đủ sáu loại hoạt động là đếm (sổ), nương theo (tùy), chăm chú
(chỉ), quán sát (quán), chuyển dịch (chuyển) và làm thanh tịnh (tịnh).
Sổ (gaṇanā) là
để tâm vào sự thở vào và ra mà không cần phải gắng sức (abhisaṃskāra), buông xả thân cũng như tâm,
đồng thời chỉ dựa vào niệm để đếm từ một cho đến mười. Vì sợ tâm quá tập trung
(abhisaṃskṣepa, cực
tu) hoặc quá phân tán (vikṣepa) cho nên không được đếm dưới
hoặc trên số mười. Có ba khuyết điểm cần tránh: (1) Đếm giảm, tức đã hai lần mà
lại đếm là một; (2) đếm tăng, tức mới một lần mà đã đếm là hai; (3) đếm nhầm,
tức hơi thở vào nhưng lại đếm là hơi thở ra. Nếu tránh được ba điều trên thì gọi
là đếm đúng. Nếu trong khi tập (antarā) mà tâm bị phân tán (vikṣipta) thì
phải đếm lại từ đầu cho đến khi được định.
Tùy (anugama) là theo dõi
một cách bình thản tiến trình của hơi thở vào và ra cho đến nơi mà nó đã đi theo
hai hướng: Hơi thở hít vào đang đi khắp toàn thân hay chỉ đến được một phần
thân? Hành giả theo dõi hơi thở được hít vào họng, tim, lỗ rốn, ngang lưng (kaṭi), bắp
vế, và tiếp tục như thế cho đến hai chân; hành giả lại thoe dõi hơi thở ra xa
đến bàn tay, đến đầu ngón tay. Có luận sư cho rằng cần phải theo dõi hơi thở ra
cho đến phong luân (vāyumaṇḍala) duy trì thế giới và cho đến các loại gió Vairambhas
(phệ-lam-bà) (Divya, 105).
Quan niệm này không thể
chấp nhận được bởi vì trì niệm tức là loại tác ý chân thật chỉ xem xét các sự
vật đúng như thực.
Chỉ (sthāna) là buộc niệm
làm thế nào để nó có thể nằm ở chóp mũi, giữa hai hàng lông mày, hoặc ở một chỗ
khác cho đến ngón chân, chú tâm vào một chỗ; quán sát hơi thở đình trụ ở trong
thân giống như sợi chỉ của một chuỗi hạt trai (manisūtravat); xem xét hơi thở
lạnh hay nóng, thông suốt hay trở tắc (Vibhāṣā, 26,
12).
Quán (upalakṣaṇā) là
quán sát, phân tích: “Những hơi thở này không chỉ là gió (vāyu) mà còn là bốn
đại chủng (mahābhūta), là sở tạo sắc; và tâm cùng với các tâm sở đều nương vào
những hơi thở này”: Nhờ vậy, cuối cùng hành giả sẽ tìm thấy năm uẩn nhờ vào sự
phân tích này (upalakṣayati).
Chuyển (vivartanā) là di
chuyển loại tâm vốn duyên vào gió này (duyên tức phong giác) để hướng tâm này
đến các pháp càng ngày càng trở nên thuần thiện hơn (smṛtyupasthānas, uṣmagata) cho đến khi có được các
pháp cao cả nhất của thế gian (lokottaradharmas, thế đệ nhất pháp).
Tịnh (pariśuddhi) là nhập
vào Kiến đạo (darśanamārga) và Tu đạo (bhāvanāmārga).
Theo các luận sư khác
(Vibhāṣā, 26, 12) thì giai đoạn chuyển (vivartanā) chính là sự thăng
tiến từ các niệm trụ cho đến Kim cương dụ định (Vajropamasamādhi). Giai đoạn
tịnh (pariśuddhi) chính là Tận trí (kṣayajñāna), vô sinh trí (anutpādajñāna) và vô học chánh kiến
(aśaikṣī samyagdṛṣṭi).
Có bài tụng viết: “Người
ta dạy rằng trì tức niệm có sáu hành tướng là sổ, tùy, chỉ, quán, chuyển và
tịnh”.
(Hỏi) Làm sao biết được
các hành tướng này?
Tụng đáp:
入出息隨身
依二差別轉
情數非執受
等流非下緣
[Hơi thở vào ra nương
theo thân,
Chuyển theo hai hướng
khác nhau,
Thuộc loài hữu tình,
không được chấp thọ,
Là đẳng lưu, không phải
sở duyên của hạ địa.]
Luận: Hai loại hơi thở là
một phần (pradeśa) của thân cho nên cũng thuộc cùng một địa với thân.
Hơi thở không có ở chúng
sinh Vô sắc giới, ở chúng sinh đang còn trong dạng phôi bào (yết-thích-lam), ở
chúng sinh vô tưởng (acitta), ở chúng sinh đã nhập vào tầng thiền thứ tư: Vì thế
hơi thở có được là do thân (thân không hiện hữu ở Vô sắc giới), là do một loại
thân nào đó (một thân có các khoảng trống, loại thân mà chúng sinh ở dạng phôi
bào không có), là do tưởng (chúng sinh vô tưởng không có tưởng), là do một loại
tưởng nào đó (ở tầng thiền thứ tư không có loại tưởng này). Khi thân có các
khoảng trống (śuṣirakāya) và khi tâm thuộc về một địa mà ở đó có sự hít thở
(āśvāsapraśvāsabhūmicitta) thì lúc đó mới có sự thở vào và thở ra ().
Có sự thở vào khi sinh và
khi rời khỏi tầng thiền thứ tư; có sự thở ra khi chết và khi nhập vào tầng thiền
thứ tư.
Hơi thở thuộc về loài hữu
tình (sattvākhya, hữu tình số) chứ không phải loài phi tình (asattvākhya, phi
tình số) bởi vì nó không tạo thành một phần của các giác quan (phi hữu chấp thọ)
(indriyapṛthavṛtti,
indriyavinirbhāgin; căn tương ly).
Hơi thở thuộc loại đẳng
lưu. Nó giảm thiểu khi thân thể tăng; vẫn tiếp tục sau khi đứt đoạn; vì thế nó
không thuộc loại trưởng dưỡng (aupacayikī), không sinh từ dị thục (vipākaja).
Thật vậy, một sắc pháp được sinh từ dị thục sẽ không thể tiếp tục được (punaḥpratisaṃdhāna) sau khi đã bị đứt đoạn (chinna).
Hơi thở cũng không được
quán sát bởi một tâm thuộc hạ địa. Chỉ có loại tâm ở cùng địa với hơi thở hoặc
một tâm ở một địa cao hơn mới có thể quán sát các hơi thở này; chứ không phải
loại tâm uy nghi (airyāpathika) hoặc thông quả (naimāṇika) của
một địa thấp hơn.
Phần 22
Trên đây đã nói về hai
cửa dẫn vào đường tu. Sau khi đã đắc định nhờ vào hai cửa này, hành giả tiếp tục
tu tập gì nữa?
Tụng đáp:
依已修成止
為觀修念住
以自相共相
觀身受心法
自性聞等慧
餘相雜所緣
說次第隨生
治倒故唯四.
[Nương vào chỉ đạo được
tu thành
Để tu quán bằng các niệm
trụ.
Dùng tự tướng và cộng
tướng
Quán thân, thọ, tâm,
pháp.
Niệm trụ tự tánh và văn
tuệ, v.v.;
Còn lại là niệm trụ tương
tạp và niệm trụ sở duyên
Thứ tự của chúng là thứ
tự chúng sinh khởi
Để đối trị điên đảo nên
chỉ có bốn loại.]
Luận: Sau khi đã đắc định
(samādhi, sa-ma-tha), hành giả sẽ tu các niệm trụ (smṛtyupasthānas) để đắc quán
(vipaśyanā, tỳ-bát-xá-na).
(Hỏi) Tu các niệm trụ như
thế nào?
(Đáp) Tu bằng cách quán
sát các tính chất riêng (svalakṣaṇa, tự
tướng) và các tính chất chung (sāmānlakṣaṇa, cộng
tướng) của thân, của thọ, của tâm và của các pháp.
Tự tướng chính là thể
tánh riêng (svabhāva, tự tánh)
Công tướng tức là “tất cả
các pháp hữu vi (saṃskṛta) đều
vô thường; tất cả các pháp hữu lậu (sāsrava) đều khổ; tất cả các pháp đều trống
không (śūnya) và vô ngã (anātmaka)”.
Tự tánh của thân là các
đại chủng và sắc pháp (rūpa) được tạo thành từ các đại chủng này (sở tạo sắc).
Khi nói “pháp” (dharmas)
là để chỉ cho các pháp không phải thân, thọ hoặc tâm (Vibhāṣā, 187, 2).
Theo truyền thuyết thì
thân niệm trụ (kāyasmṛtyupasthāna) được tu tập khi hành
giả đắc định (samāhita) quán sát các cực vi và các sát-na kế tiếp nhau (kṣaṇa) ở trong thân.
(Hỏi) Thể của các niệm
trụ là gì?
(Đáp) Có ba loại: Niệm
trụ tự tánh (svabhāvasmṛtyupasthāna),
niệm trụ tương tạp (saṃsargasmṛtyupasthāna)
và niệm trụ sở duyên (ālambanasmṛtyupasthāna).
Niệm trụ tự tánh chính là
tuệ (prajñā).
(Hỏi) Đó là loại tuệ gì?
(Đáp) Là loại tuệ xuất
phát từ sự nghe (śrutamayī, văn sở thành), sự suy nghĩ (cintāmayī, tư sở thành)
và sự định tâm (bhāvanāmayī, tu sở thành). Niệm trụ cũng có ba loại như vậy; tức
niệm trụ do văn thành tựu, do tư thành tựu và do tu thành tựu.
Niệm trụ tương tác là các
pháp khác, tức các pháp không phải là tuệ mà chỉ tương ưng với tuệ.
Khi các pháp này là cảnh
sở duyên của tuệ và là các pháp cùng khởi với tuệ (nói cách khác, khi chúng là
sở duyên của niệm trụ tự tánh và niệm trụ tương tạp) thì chúng là niệm trụ sở
duyên.
(Hỏi) Làm sao biết được
niệm trụ tự tánh chính là tuệ?
(Đáp) Bởi vì kinh
(Madhyama, 20) nói: “Tuần tự quán sát thân ở nơi thân gọi là thân niệm trụ” (ư
thân trụ tuần thân quán danh thân niệm trụ).
(Hỏi) tuần tự quán sát
(anupaśyanā) là gì?
(Đáp) Đó là tuệ. Thật
vậy, khi nói tuệ là hàm ý những ai có tuệ thì sẽ trở thành người có sự tuần tự
quán sát (anupaśya, tuần quán). Từ ngữ “người tuần tự quán sát thân”
(kāyānupaśyin, tuần thân quán) được giải thích như sau: Người nào thành tựu sự
“tuần tự quán sát” hoặc sự “nhìn thấy” (darśana, kiến) thì gọi người “tuần
quán”; người nào có sự tuần quán đối với thân thì được gọi là “tuần thân quán
giả”.
(Hỏi) Tại sao gọi tuệ là
niệm trụ?
(Đáp) Các luận sư
Tỳ-bà-sa nói: “Là vì vai trò ưu việt (udrekatva, abhikatva) của niệm (smṛti), [tức khả năng hiển bày
cảnh sở duyên cho tuệ]; cũng giống như sự góp sức của một cái nêm (kīla) trong
việc xẻ gỗ; chính nhờ có lực của niệm mà tuệ có thể chuyển động đối với cảnh
(tuệ đắc chuyển nghĩa).
Tuy nhiên giải thích sau
là hợp lý nhất: Niệm được sử dụng (upatiṣṭhāte) bởi tuệ; vì thế tuệ chính là niệm trụ, có nghĩa là làm
cho niệm được đứng vững (smṛter
upasthānam, linh niệm trụ). Thật vậy, sự vật (artha) được tuệ nhìn thấy theo
cách nào thì nó cũng sẽ được “biểu thị” (abhilapyate) theo cách đó, có nghĩa là
sẽ được niệm nắm bắt theo cách đó. Vì thế Vô diệt (Āyuṣmān
Aniruddha) nói: “Nếu ở nơi thân thường tuần tự quán sát thân (kāyekāyanupaśyī
viharati) thì loại niệm có thân làm sở duyên này (duyên thân niệm) sẽ được an
trụ” (Saṃyutta, v. 294). Thế tôn cũng nói:
“Nếu trụ ở thân tuần tự quán sát thân thì niệm được an trụ (upaṣṭhita) và không bị suy yếu (asaṃmuṣta)” (Saṃyutta, v. 331).
(Vấn nạn) Nhưng kinh có
nói: “Này các thầy, sự tập hợp (samudaya) và sự tán diệt của các niệm trụ xảy ra
như thế nào? - Nhờ vào sự tập hợp của thức ăn, sự tập hợp của thân; do sự tán
diệt của thức ăn, sự tán diệt của thân, nhờ sự tập hợp của xúc, sự tập hợp của
thọ…; nhờ sự tập hợp của danh sắc (nāmarūpa)…; nhờ sự tập hợp của tác ý
(manasikāra)….”(Saṃyukta,
20, 4). Như vậy, các niệm trụ chính là thân, v.v..
(Trả lời) trong kinh này,
loại niệm trụ được nói đến không phải là niệm trụ tự tánh mà là niệm trụ sở
duyên: Niệm được gắn chặt ở đó cho nên đó là niệm trụ. Tên gọi khác nhau là do
cảnh sở duyên (kāyasmṛtyupasthānam
= kāyaḥ smṛtyupasthānam).
Mỗi niệm trụ đều có ba
loại tùy theo cảnh sở duyên được xem xét là chính mình, người khác hay cả chính
mình và người khác. [Hành giả quán sát thân mình, thân người khác, v.v..]
Thứ tự của các niệm trụ
là thứ tự chúng sinh khởi.
(Hỏi) Tại sao sự sinh
khởi của chúng lại theo thứ tự này?
(Đáp) Theo Tỳ-bà-sa, bởi
vì những gì thô hiển hơn thì được thấy trước. Hoặc vì thân (1) là sở y của dục
tham (kāmarāga) có nguồn gốc ở sự ham muốn cảm thọ (2); sở dĩ có sự ham muốn này
là vì tâm (3); không được điều hòa và tâm không được điều hòa là vì các phiền
não (4) chưa đoạn được.
Theo thứ tự này, các niệm
trụ được đề ra để đối trị bốn loại mê lầm (viparyāsa) là sự tin tưởng vào sự
thanh tịnh, sự an lạc, sự thường hằng, và vào chính mình (tịnh, lạc, thường,
ngã).
Vì thế chỉ có bốn loại
niệm trụ, không nhiều hơn mà cũng không ít hơn.
Trong bốn niệm trụ này,
ba loại có sở duyên không tạp loạn (asaṃbhinna, amiśrālambana); loại thứ tư gồm cả hai loại: Khi chỉ
duyên các pháp thì sở duyên của nó không tạp loạn; khi duyên cùng lúc hai, ba,
bốn pháp thì sở duyên của nó là tạp loạn.
(Hỏi) Sau khi đã tu các
niệm trụ có sở duyên là thân, v.v., hành giả sẽ tu tiếp cái gì nữa?
Tụng đáp:
彼居法念住
總觀四所緣
修非常及苦
空非我行相.
[Hành giả trụ ở pháp niệm
trụ,
quán chung bốn sở duyên.
Tu các hành tướng vô
thường, khổ,
Không, vô ngã.]
Luận: Khi đang ở vào pháp
niệm trụ (dharmasmṛtyupasthāna)
có sở duyên tạp loạn gồm thân, thọ, v.v., thì hành giả quán sát các sở duyên này
dưới bốn hành tướng vô thường, khổ, không và vô ngã.
(Hỏi) Sau khi đã tu loại
quán này thì có thiện căn nào sinh khởi?
Tụng đáp:
從此生煖法
具觀四聖諦
修十六行相
次生頂亦然
如是二善根
皆初法後四
次忍唯法念
下中品同頂
上唯觀欲苦
一行一剎那
世第一亦然
皆慧五除得.
[Tu pháp quán này sẽ sinh
khởi Noãn pháp,
Quán đủ bốn thánh đế,
Tu mười sáu hành tướng;
Kế đó sẽ sinh khởi Đảnh
cũng như vậy.
Hai thiện căn trên đây
Lúc đầu đều nương pháp
niệm trụ, và sau nương cả bốn loại.
Kế đến là nhẫn, chỉ nương
pháp niệm trụ;
Hạ và trung phẩm giống
như Đảnh,
Thượng phẩm chỉ quán dục
khổ.
Một hành tướng một
sát-na.
Thế đệ nhất pháp cũng
vậy;
Đều là tuệ, năm uẩn, loại
trừ đắc.]
Luận: Từ sự tu tập pháp
niệm trụ nói trên, cuối cùng sẽ phát sinh (krameṇa) một thiện căn (kuśalamūla). Thiện căn này có tên là Noãn
(uṣmagata) vì nó tương tợ như hơi nóng
đạo (uṣmaprakāra),
là hiện tượng đầu tiên (pūrvanimitta, pūrvasvabhāva) của thánh đạo (āryamārga),
là ngọn lửa đốt cháy củi phiền não (hoặc tân).
Noãn thiện căn có thể kéo
dài trong một thời gian (prakarṣakatvāt =
prābandhikatvāt) nên có sở duyên là cả bốn thánh đế.
Noãn thiện căn có đến
mười sáu hành tướng. Quán khổ đế có bốn hành tướng là khổ (duḥkha), vô
thường (anitya), không (śūnya), vô ngã (anātmaka); quán tập đế có bốn hành tướng
là tập (samudaya), sinh (prabhava), nhân (hetu), duyên (pratyaya); quán diệt đế
có bốn hành tướng là diệt (nirodha), tĩnh (śānta), diệu (praṇīta), ly (niḥsaraṇa); quán
đạo đế có bốn hành tướng là đạo (mārga), như (nyāya), hành (pratipatti), xuất
(nairyāṇika). Sự khác nhau của cá hành tướng này sẽ được bàn đến sau.
Noãn pháp tăng trưởng dần
từ yếu, đến khá, đến mạnh; và cuối cùng phát sinh thiện căn thứ hai là Đảnh
(mūrdhan).
Giống như Noãn, Đảnh cũng
duyên cả bốn thánh đế và có mười sáu hành tướng nhưng lại mang tên khác là vì
tính chất thù thắng của nó.
Thiện căn này được gọi là
“Đảnh” hay “đầu” bởi vì đó là thiện căn cao nhất hoặc đứng đầu trong các thiện
căn “không cố định” (cala, động); có nghĩa là người ta có thể bị rơi xuống từ
các thiện căn này; hoặc người ta có thể bị rơi xuống lần nữa từ các “đỉnh” này,
hoặc người ta có thể vượt qua chúng bằng cách tiến vào nhẫn (kṣānti).
Chính nhờ có pháp niệm
trụ mà hai thiện căn Noãn và Đảnh mới có thể “in dấu” (sơ an túc).
(Hỏi) “In dấu” có nghĩa
là gì?
(Đáp) Đó là sự ngăn chặn
đầu tiên các hành tướng khác nhau vào thánh đế.
Noãn và Đảnh tăng trưởng
dần dần qua bốn niệm trụ. Về sau khi hành giả đã tăng tiến (vivardhayan) thì
không làm hiện hữu (saṃmukhībhāva) các thiện căn đã đắc
trước đó bởi vì hành giả đã ít coi trọng chúng (abahumānāt).
Đảnh thiện căn cũng tăng
trưởng dần từ yếu, đến khá, đến mạnh; và cuối cùng lại phát sinh thiện căn thứ
ba là nhẫn (kṣānti).
Nhẫn được gọi tên như vậy
là vì ở giai đoạn này các thánh đế đã tạo ra một sự an lạc (kṣamate = rocate) rất mạnh mẽ. Ở giai đoạn của Noãn, các thánh
đế chỉ tạo ra một sự an lạc yếu ớt; ở giai đoạn của Đảnh, các thánh đế tạo ra
một sự an lạc vừa phải; và chúng ta còn thấy rõ điều này qua sự việc hành giả có
thể bị thối đọa từ hai thiện căn đầu tiên nhưng không thể bị thối đọa từ nhẫn.
Nhẫn thiện căn cũng có ba
loại: Yếu, trung bình và mạnh (hạ trung thượng).
Hai loại yếu và trung
bình đều giống như Đảnh bởi vì chúng cũng là loại “in dấu đầu tiên” (sơ an túc)
và đều nương vào pháp niệm trụ; nhưng lại khác với Đảnh về sự tăng trưởng.
Dù yếu, trung bình hay
mạnh thì tất cả đều tăng trưởng nhờ vào pháp niệm trụ chứ không phải các niệm
trụ khác.
Loại nhẫn mạnh chỉ lấy
khổ của Dục giới làm sở duyên vì nối tiếp với Thế đệ nhất pháp (agradharmas).
Sự hạn chế này không xảy
ra đối với các giai đoạn trước đó (tức Noãn và Đảnh); vì thế cả hai thiện căn
này đều có sở duyên là khổ, tập, v.v., của ba giới.
Kể từ sát-na hành giả
ngưng quán sát hành tướng thứ mười sáu (nairyāṇika) vốn duyên hai giới ở trên (Sắc
giới và Vô sắc giới) và tiếp tục giảm dần các hành tướng và các giới này cho đến
lúc chỉ còn in dấu hai hành tướng (anitya, duḥkha) trong hai sát-na của tâm (nhị niệm) đối với khổ đế của
Dục giới thì đó là loại nhẫn trung bình (trung nhẫn vị).
Khi hành giả, trong một
niệm duy nhất, chỉ còn quán sát một hành tướng của khổ để Dục giới thì đó là
loại nhẫn mạnh (thượng phẩm nhẫn). Trên đây là các giải thích của các luận sư
Tỳ-bà-sa. Loại thiện căn này thuộc loại sát-na diệt vì thế không tạo thành chuỗi
tương tục.
Đối với Thế đệ nhất pháp
cũng thế. Các pháp này, giống hệt như loại thượng phẩm nhẫn, chỉ duyên khổ đế
Dục giới và cũng thuộc loại sát-na diệt (ekakṣaṇa). Chúng
thuộc về hữu lậu nên được gọi là “thế gian”, là pháp thù thắng nhất trong các
pháp thế gian nên được gọi là “Thế đệ nhất pháp”. Chúng là pháp tối thắng vì chỉ
nương vào năng lực riêng của chúng (puruṣakāra, sĩ
dụng) và mặc dù không có đồng loại nhân (sabhāgahetu) nhưng chúng vẫn lôi kéo
được, phát khởi được con đường kiến đế (darśamārga, kiến đạo).
Bốn thiện căn trên đều có
thể tánh là niệm trụ; vì thế chúng chính là tuệ. Tuy nhiên, nếu phân tích các
thiện căn này cùng với các pháp đi kèm theo (trợ bạn) thì chúng vẫn có năm uẩn.
Các pháp đắc (prāptis) -
tức là sự hoạch đắc các thiện căn Noãn, v.v.- không được bao hàm trong các thiện
căn Noãn, v.v., này bởi vì đã là thánh giả thì không hiện khởi các thiện căn
Noãn, v.v., một lần nữa (), và do đó thánh giả sẽ không có pháp đắc của các
thiện căn này.
i.
Khi Noãn bắt đầu sinh khởi và duyên ba thánh đế thì chỉ có một niệm trụ, tức
pháp niệm trụ, ở hiện tại; ở vị lai thì có cả bốn niệm trụ [một trong các hành
tướng được quán sát ở hiện tại; và bốn hành tướng được thành tựu ở vị lai]. Khi
Noãn duyên diệt đế thì cũng chỉ có pháp niệm trụ nói trên ở hiện tại và đó cũng
là niệm trụ duy nhất được thành tựu ở vị lai. Trong tất cả các trường hợp, các
hành tướng đều là các hành tướng của loại thánh đế đang được quán sát ở hiện
tại. [Người ta đang đắc được ở vị lai các hành tướng của các thánh đế không phải
là hiện tại].
Trong thời kỳ tăng
trưởng, khi Noãn duyên ba thánh đế thì đều có ở hiện tại bất kỳ loại niệm trụ
nào; ở vị lai thì có cả bốn niệm trụ. Khi Noãn duyên diệt đế thì có niệm trụ thứ
tư ở hiện tại; ở vị lai thì có cả bốn niệm trụ. Tất cả các hành tướng vị lai đều
được thành tựu. Bởi vì các chủng tánh (gotras) đã được đắc trước đó.
ii.
Về trường hợp của Đảnh, khi duyên bốn thánh đế ở giai đoạn đầu (ākaraṇa) và duyên diệt đế ở giai đoạn tăng trưởng thì có bốn loại
niệm trụ cuối cùng (pháp niệm trụ) ở hiện tại; tu vị lai có cả bốn niệm trụ; tất
cả các hành tướng ở vị lai đều có. Khi duyên ba đế còn lại ở thời kỳ tăng trưởng
thì đều có ở hiện tại bất kỳ loại niệm trụ nào; ở vị lai có cả bốn niệm trụ; và
tất cả các hành tướng.
iii.
Về trường hợp của nhẫn, ở giai đoạn đầu cũng như giai đoạn tăng trưởng dù quán
sát bất kỳ thánh đế nào thì cũng chỉ có niệm trụ cuối cùng ở hiện tại; ở vị lai
có cả bốn niệm trụ; và tất cả các hành tướng.
iv.
Về trường hợp của Thế đệ nhất pháp thì có niệm cuối cùng ở hiện tại; ở vị lai có
cả bốn niệm trụ - các niệm trụ này thuộc loại không nhất định sinh khởi
(anutpattidharman, bất sinh pháp); chỉ có bốn hành tướng, tức các hành tướng của
khổ đế - bởi vì các hành tướng của các thánh đế khác không thuộc Thế đệ nhất
pháp (anyābhāvāt), bởi vì Thế đệ nhất pháp tương tợ như Kiến đạo - trong Kiến
đạo chỉ tu được ở vị lai bốn hành tướng của loại thánh đế được quán sát dưới
cùng một hành tướng.
Trên đây đã nói về thể
tướng của các thiện căn đã sinh; tiếp theo là phần bàn về các điểm khác nhau của
chúng:
此順決擇分
四皆修所成
六地二或七
依欲界身九
三女男得二
第四女亦爾
聖由失地捨
異生由命終
初二亦退捨
依本必見諦
捨已得非先
二捨性非得.
[Bốn thuận quyết trạch
phần này
Đều do tu thành tựu
Ở sáu địa; hai loại ở bảy
địa;
Nương thân Dục giới, chín
xứ.
Ba loại đầu tiên được đắc
ở hai thân nam nữ;
Loại thứ tư đối với nữ
nhân cũng thế.
Thánh giả xả khi bỏ mất
địa;
Dị sinh xả khi mạng
chung.
Loại thứ nhất và thứ hai
bị thối thất hoặc bị xả bỏ.
Nương căn bổn định tất
thấy được các đế.
Xả rồi mà đắc lại không
phải là cái cũ.
Tánh của hai loại xả đều
là phi đắc.]
Luận: Bốn pháp Noãn,
Đảnh, nhẫn và Thế đệ nhất pháp là các thiện căn có tên là thuận quyết trạch phần
(nirvedhabhāgīya).
Noãn và Đảnh là loại
không cố định (cala) và vì có thể bị thối thất cho nên chúng chỉ là loại thuận
quyết trạch phần yếu ớt (mṛdu); nhẫn
là loại trung bình; và Thế đệ nhất pháp là loại mạnh nhất.
(Hỏi) Quyết trạch phần là
gì?
(Đáp) (1) Quyết trạch
(nirvedha) có nghĩa là quyết đoạn giản trạch (niścita vedha), vì thế đó chính là
thánh đạo. Nhờ có thánh đạo, nghi (vicikitsā) mới được đoạn trừ vì thế thánh đạo
là “quyết đoạn” (niścita), và các đế mới được phân biệt (vibhājana, vedha): “Đây
chính là khổ… đây chính là đạo”; (2) Kiến đạo (darśanamārga) là một phần (bhāga)
của thánh đạo; vì thế Kiến đạo cũng là quyết trạch phần.
Quyết trạch phần [được
dùng với tiếp vĩ ngữ chan (thuận)] là các pháp có ích (hita) cho một phần của
thánh đạo bởi vì chúng dẫn dắt thánh đạo (āvāhaka).
Tất cả bốn quyết trạch
phần này đều sinh từ định (bhāvanāmayam, tu sở thành) chứ không phải văn hoặc tư
(śruta, cintāmaya).
Các địa của chúng là Vị
chí định (anāgāmya), Trung gian định (dhyānāntara) và bốn tầng thiền: Chúng chỉ
đắc được trong sáu giai đoạn này của thiền định. Chúng không hiện hữu ở các địa
thuộc Vô sắc giới vì chúng là các pháp trợ bạn (quyến thuộc) của Kiến đạo. Kiến
đạo không có ở Vô sắc giới vì Kiến đạo chỉ duyên Dục giới: Hành giả trước tiên
phải biết rõ (parijñā, biến tri) và đoạn trừ Dục giới vốn được xem như khổ và
tập.
Quả báo (vipāka, dị thục)
của các quyết trạch phần bao gồm năm uẩn của sắc giới (Vibhāṣā, 60,
15). Chúng thuộc loại mãn nghiệp (paripūraka) chứ không phải dẫn nghiệp (ākṣepaka)
bởi vì chúng chán ghét sự hiện hữu (bhavadveśitvāt).
Chữ “hoặc” nhằm chỉ cho
một ý kiến khác. Theo tôn giả Diệu âm (Bhadanta Ghoṣaka), hai quyết trạch phần đầu tiên có ở cả bảy địa, tức cộng
thêm Dục giới.
Tất cả bốn loại đều thuộc
về chúng sinh Dục giới. Ba loại chỉ sinh khởi được ở loài người của ba châu
(dvīpas). Một khi đã sinh khởi thì chúng có thể được làm cho hiện khởi (saṃmukhībhāva) bởi chư thiên. Loại thứ tư có thể được sinh khởi
bởi chư thiên.
Ba loại (Noãn, Đảnh,
Nhẫn), do nam và nữ đã đắc được, đều có thể tìm thấy ở thân nam hoặc thân nữ.
Khi do nữ đắc được thì
Thế đệ nhất pháp (tức loại thứ tư) sẽ được tìm thấy trong một thân nữ (tức loại
thân đang ở hiện tại) và trong một thân nam (tức thân mà phụ nữ này nhất định sẽ
đắc được ở đời sống kế tiếp); khi do nam đắc được thì Thế đệ nhất pháp chỉ sẽ
được tìm thấy trong một thân nam - bởi vì đối với Thế đệ nhất pháp thì sẽ có sự
“hủy diệt” tính chất của nữ giới (nữ giới phi trạch diệt).
(Hỏi) Các quyết trạch
phần được xả bỏ như thế nào?
(Đáp) Thánh giả sẽ xả bỏ
các quyết trạch phần khi đánh mất một địa (bhūmityāga) mà ở đó thánh giả đã đắc
được các quyết trạch phần này. Thánh giả không đánh mất các quyết trạch phần khi
mạng chung hoặc khi thối thất. Một địa được đánh mất là vì phải chuyển sang một
địa khác (bhūmisaṃcāra), [chứ không phải là do
xả ly địa này, vairāgya].
Đối với dị sinh thì dù có
chuyển sang hay không chuyển sang một địa khác cũng sẽ đánh mất các quyết trạch
phần khi đoạn trừ chúng đồng phần (nikāyasabhāga).
Di sinh đánh mất hai loại
quyết trạch phần đầu tiên vào lúc mạng chung và lúc bị thối đọa (parihāṇi). Thánh
giả không bị thối đọa từ hai loại đầu; và dị sinh thì không bị thối đọa từ hai
loại cuối.
Hành giả nào dã khởi được
quyết trạch phần khi tu các tầng thiền căn bổn thì ngay trong đời sống này chắc
chắn sẽ nhìn thấy được các đế (satyadarśana) bởi vì sự chán ghét sinh tử
(udvega) rất mãnh liệt ở các hành giả này.
Khi các quyết trạch phần
đã bị đánh mất (vihīna) và được đắc lại thì sẽ đắc được các quyết trạch phần mới
(apūrva), cũng giống như trường hợp của luật nghi biệt giải thoát (prātimokṣasaṃvara);
người ta không đắc các quyết trạch phần đã xả ly trước đó (pūrvatyakta). Bởi vì
các quyết trạch phần đã không được tu tập thành thục (anucita) nên chúng không
đắc được nhờ vào sự xả ly (vairāgya); và vì do gia hành mà tu tập (yatnasādhya)
nên một khi đã đánh mất thì không thể đắc chúng lại.
Nếu hành giả gặp được vị
thầy đã đắc được nguyện trí (praṇidhijñāna) (phần vị thiện thuyết
pháp sư) thì sẽ khởi các quyết trạch phần bắt đầu từ loại quyết trạch phần mà
người này đánh mất sau khi đã đắc được. Nếu không gặp được thì phải khởi các
quyết trạch phần kể từ loại đầu tiên (tòng bổn tu).
Chúng ta đã biết rằng
thánh giả chỉ đánh mất (tyajati, thất) các quyết trạch, nhưng dị sinh thì đánh
mất chúng vì bị thối đọa (parihāṇi). Như
vậy người ta đã chia thành hai loại là chỉ đánh mất (vihāni, xả) và đánh mất do
thối đọa (parihāṇi, thối).
(Hỏi) Cả hai sự đánh mất
này bao gồm cái gì?
(Đáp) Chúng chính là phi
đắc (aprāti, asamanvāgama, asamanvaga). Sự đánh mất do thối đọa (thối) xuất phát
từ chính các phiền não (kleśa); nhưng sự đánh mất thuần túy (vihāni, xả) thì
không phải như thế mà lại có thể xuất phát từ một điều tốt (guṇa), chẳng hạn như sự đánh mất dị sinh tánh vào lúc khởi được
thánh đạo, v.v..
(Hỏi) Đắc được các thiện
căn này có lợi gì?
Tụng đáp:
煖必至涅槃
頂終不斷善
忍不墮惡趣
第一入離生.
[Noãn tất đến được
Niết-bàn;
Đảnh rốt ráo không đoạn
thiện căn;
Nhẫn không đọa ác thú;
Thế đệ nhất pháp nhập
được “ly sinh”]
Luận: Bất kỳ ai đắc được
Noãn, ngay cả khi đánh mất vì thối đọa, thì nhất định sẽ đến được Niết-bàn
(nirvāṇadharman).
(Hỏi) Nếu vậy, sự khác
nhau giữa Noãn và thuận giải thoát phần (mokṣabhāgīya) trong trường hợp này là gì? Bởi vì bất kỳ ai trồng
được loại thiện căn “dẫn đến Niết-bàn” (nirvāṇabhāgīya) cũng sẽ đắc được Niết-bàn.
(Đáp) Nếu không có chướng
ngại thì Noãn gần với kiến đế hơn.
Người nào đã đắc được
Đảnh thì cho dù có đánh mất dù thối đọa cũng không chặt đứt các thiện căn; nhưng
họ có thể đi đến các thú ác và phạm phải các tội vô gián (ānantarya).
Người nào chỉ đánh mất
(xả) nhẫn thì không đi đến các thú ác bởi vì người này đã xa rời các hành động
và các phiền não dẫn đến các thú này.
Đối với người đã đắc nhẫn
thì một số các thú, chỗ sinh ra, sự tái sinh (xứ), thân hình, các hữu và các
hoặc nào đó sẽ ở vào tình trạng không phải sinh khởi (anutpatti-dharmatā, bất
sinh pháp): Khi nói “các thú” (gati) là chỉ cho các thú ác (apāya); chỗ “sinh
ra” (yoni) là noãn sinh, thấp sinh; sự tái sinh (upapatti) là sự sinh làm chúng
sinh Vô tưởng, Bắc-câu-lô châu, Đại phạm; thân hình (āśraya) là hai loại vô tính
và lưỡng tính; hữu (bhava) là lần tái sinh thứ tám, thứ chín, v.v.; các hoặc là
phiền não được đoạn trừ bởi kiến đế. (Vibhāṣā, 32, 9)
Sự đoạn trừ này có liên
quan đến các mức độ của nhẫn: Với loại nhẫn yếu ớt (hạ nhẫn) thì các ác thú ở
vào tình trạng không sinh khởi;… với loại nhẫn mạnh (thượng nhẫn) thì tất cả các
ác pháp kể trên đều ở vào tình trạng không sinh khởi.
Các quyết trạch phần được
chia làm ba loại vì sự khác nhau của các chủng tánh (gotras). Hành giả có thể
thuộc chủng tánh Thanh văn (Śrāvakas) Độc giác Phật hoặc Phật; và Noãn, Đảnh,
v.v., sẽ thuộc về chủng tánh của hành giả tu tập các pháp này.
(Hỏi) Các thiện căn này
có thể chuyển hướng đến các chủng tánh khác (dư thừa) không?
Tụng đáp:
轉聲聞種性
二成佛三餘
麟角佛無轉
一坐成覺故.
[Chủng tánh Thanh văn
chuyển
Thành Phật bằng hai thiện
căn, thành Phật khác bằng ba thiện căn.
Độc giác và Phật không
chuyển
Và chỉ một lần ngồi là đã
giác ngộ.]
Luận: Một người thuộc
chủng tánh Thanh văn có thể rút ra (vivart) Noãn và Đảnh từ chủng tánh này mà
trở thành Phật (vô thượng chánh đẳng). Tuy nhiên khi đã đắc nhẫn thì lại không
thể làm như vậy (Vibhāṣā, 68, 6) bởi vì các ác thú sắp tới đều bị tiêu diệt bởi sự
đắc được nhẫn này. Các vị Bồ-tát vì muốn làm lợi lạc cho người khác nên mới đi
vào các ác thú. Trên đây là giải thích của Tỳ-bà-sa. Chúng tôi sẽ nói rằng một
người thuộc chủng tánh Thanh văn, một khi đã đắc nhẫn thì không thể thành Phật;
bởi vì chủng tánh Thanh văn một khi đã được thâm nhập và xác lập (paribhāvita)
bởi nhẫn thì không còn có thể bị chuyển đổi (avivartya).
Chữ “khác” (itara, dư) ở
trên là để chỉ cho Độc giác Phật. Một người thuộc chủng tánh Thanh văn có thể
rút ra ba quyết trạch phần đầu tiên (Noãn, Đảnh, nhẫn) từ chủng tánh này mà trở
thành Độc giác Phật.
Và các quyết trạch phần
thuộc chủng tánh của Phật và Độc giác Phật thì chúng không thể được rút ra
(avivartya, vô di chuyển).
Đạo sư, tức chỉ cho đức
Phật. Lân giác, tức tương tợ như con lân, là Độc giác Phật. Cả hai chủng tánh
này đều nương vào tầng thiền thứ tư bởi vì tầng thiền này là một loại định không
còn bị khuấy động (āniñjya, bất khuynh động) và rất mãnh lợi (paṭu). Chỉ trong một lần ngồi xuống mà không đứng dậy là các vị
Phật này đã từ các quyết trạch phần đi đến sự sinh khởi của giác ngộ (bodhi).
Ở phần sau sẽ thấy được
sự giác ngộ này chính là Tận trí (kṣayajñāna) và vô sinh trí (anutpādajñāna).
Có luận sư (Vibhāṣā, 68, 7)
cho rằng “một lần ngồi” này (nhất tọa) khởi đầu cùng với bất tịnh quán (aśubhā).
Đối với các luận sư Đối
pháp (Ābhidharmikas) vốn thừa nhận sự hiện hữu của các Độc giác Phật có khác
biệt với Lân giác, thì việc các Độc giác Phật chuyển đổi chủng tánh của mình
không có gì sai trái.
(Hỏi) Sự chuẩn bị
(prayoga, gia hành) các quyết trạch phần và sự dẫn khởi các quyết trạch phần có
thể xảy ra trong cùng một đời này không?
(Đáp) Không thể.
前順解脫分
速三生解脫
聞思成三業
殖在人三洲.
[Trước đó là thuận giải
thoát phần.
Qua ba đời mới giải thoát
Là ba nghiệp do văn, tư
tạo thành,
Được trồng ở ba châu của
loài người.]
Luận: trước tiên phải
khởi giải thoát phần. Sự gieo hạt, sự tăng trưởng của cây và sự cho quả là ba
giai đoạn khác nhau. Trong đạo cũng giống như vậy, thân tương tục nhập đạo, trở
nên thuần thục và được giải thoát theo một tiến trình tiệm tiến: Trong đời sống
thứ nhất là gieo trồng các thiện căn có tên giải thoát phần; trong đời sống thứ
hai là sinh khởi các quyết trạch phần; và đời sống thứ ba là sinh khởi thánh
đạo.
Theo truyền thuyết (Vibhāṣā, 7, 15) giải thoát phần được thành tựu từ văn và tư chứ
không phải định (tu).
(Hỏi) Có bao nhiêu loại
nghiệp có thể làm giải thoát phần?
(Đáp) Có ba loại. Chính
yếu (prādhānyena) là ý nghiệp. Nhưng thân nghiệp và ngữ nghiệp cũng là giải
thoát phần khi chúng được bao hàm (parigrahaṇāt) bởi quyết tâm (praṇidhāna) được giải thoát; quyết tâm này chính là một loại tư
(cetanā): Khi có nguyện lực giải thoát hỗ trợ cho một thân nghiệp như bố thí,
cho một ngữ nghiệp như trì giới, thì người ta đã phát khởi (ākṣipati) được một giải thoát phần.
Chỉ có con người ở ba
châu (dvīpas) mới có thể phát khởi hoặc trồng được các giải thoát phần. Thật
vậy, tất cả các sự yểm ly (nirveda) hoặc trí tuệ (prajñāna), hoặc cả yếm ly và
trí tuệ đều xem như không có ở chư thiên, ở chúng sinh bị đọa và con người ở Bắc
châu.
Chúng ta đã nhân tiện bàn
về các giải thoát phần; nhưng chủ yếu là chúng ta đã giải thích thứ tự quán sát
các đế (satyābhisamaya) và đã theo sát thứ tự này cho đến Thế đệ nhất pháp. Đến
đây cần phải trình bày các điểm còn lại.
世第一無間
即緣欲界苦
生無漏法忍
忍次生法智
次緣餘界苦
生類忍類智
緣集滅道諦
各生四亦然
如是十六心
名聖諦現觀
此總有三種
謂見緣事別.
[Thế đệ nhất pháp trực
tiếp
Sinh khởi pháp nhẫn vô
lậu
Duyên khổ đế Dục giới,
Sau đó pháp nhẫn sinh
khởi pháp trí;
Kế tiếp sinh khởi loại
nhẫn, loại trí,
Duyên khổ đế các giới
khác;
Khi duyên các đế tập,
diệt, đạo,
Mỗi đế cũng có bốn pháp
như vậy.
Mười sáu tâm như thế
Gọi là thánh đế hiện
quán;
Hiện quán có ba loại khác
nhau
Là kiến, duyên và sự.]
Luận: từ Thế đệ nhất pháp
xuất phát một loại nhẫn vô lậu là pháp nhẫn (dharmakṣānti).
Nói thật chính xác thì đó là một pháp trí nhẫn (dharmajñānakṣānti) đi liền ngay sau Thế đệ nhất pháp.
(Hỏi) Cảnh sở duyên của
pháp trí nhẫn là gì?
(Đáp) Là khổ của Dục giới
(kāmadhātvacacara duḥkha); vì
thế có tên là khổ pháp trí nhẫn (duḥkhe
dharmajñānakṣānti).
Để chứng tỏ loại nhẫn này
là vô lậu (anāsrava) người ta đã dựa vào kết quả hay đẳng lưu (niṣyanda) của nó vốn là một loại pháp trí. Vì thế nhóm từ “pháp
trí nhẫn” có nghĩa là một loại nhẫn (kṣānti) sinh ra một pháp trí, có quả
là một pháp trí (dharmajñānārtham). Cũng giống như một cây có hoa, có trái thì
được gọi là cây hoa (puṣpavṛkṣa, hoa
thọ), cây trái (phalavṛkṣa, quả
thọ).
Loại nhẫn này chính là sự
nhập vào “sự quyết định” (niyāma), bởi vì đó là sự bước vào sự nhất định đắc
được (niyama) cái thiện tuyệt đối hay chánh tánh (samyaktva). Vậy thì chánh tánh
là gì? Kinh nói rằng chánh tánh chính là Niết-bàn. Sự quyết định tuyệt đối
(niyama) đối với chánh tánh là cái mà người ta gọi là niyāma và còn gọi là
niyama.
Bước vào (avakramana) sự
quyết định đắc được chánh tánh tối hậu này có nghĩa là đạt đến (abhigamana), là
hoạch đắc được quyết định này. Một khi sự hoạch đắc (prāpti) sinh khởi thì hành
giả trở thành thánh giả (āryapudgala).
Ở giai đoạn vị lai
(anāgata), tức ở trạng thái sẽ sinh, loại nhẫn này sẽ làm ngưng lại (vyāvartana)
tính chất dị sinh, bởi vì đã thừa nhận rằng ở vị lai chỉ loại nhẫn này mới có
được tác dụng này, một tác dụng không thuộc về bất cứ một pháp nào khác; cũng
giống như ngọn đèn ở vị lai sẽ hủy diệt bóng tối, cũng giống như sinh tướng sẽ
là một pháp vị lai sinh khởi.
Các luận sư khác (= chủ
trương thứ nhất của Tỳ-bà-sa) cho rằng chính Thế đệ nhất pháp xả bỏ dị sinh
tánh. Có người sẽ nói rằng chủ trương này không đúng bởi vì Thế đệ nhất pháp là
pháp của dị sinh (taddharmatvāt). Tuy nhiên bác bỏ này không có giá trị bởi vì
Thế đệ nhất pháp tương vi (virodhitva) với dị sinh tánh: Trường hợp này cũng
giống như một người leo lên vai kẻ thù để giết chết kẻ thù này.
Có luận sư khác (Vibhāṣā) lại cho rằng dị sinh tánh được xả bỏ là do Thế đệ nhất
pháp thế chỗ cho Vô gián đạo (ānantaryamārga) hoặc do nhẫn thế chỗ cho Giải
thoát đạo (vimuktimārga). Trong trường hợp đầu, dị sinh tánh được đoạn trừ dần
dần (prahīyate); trong trường hợp sau dị sinh tánh được đoạn trừ ngay tức khắc
(prahīna).
Ngay sau khổ pháp trí
nhẫn sẽ sinh khởi một pháp trí có sở duyên là khổ đế của Dục giới và có tên là
khổ pháp trí (duḥkhe dharmajñāna).
Tính chất “vô lậu” của
loại nhẫn thứ nhất cũng là tính chất của tất cả các loại theo sau; vì thế loại
trí đang được bàn đến cũng có tánh vô lậu.
Giống như một pháp trí
nhẫn và một pháp trí khi sinh khởi đều duyên khổ đế của Dục giới, và một nhẫn và
một trí tiếp theo đó cũng sẽ duyên phần còn lại của khổ đế.
Ngay sau khổ pháp trí sẽ
sinh khởi một loại trí nhẫn (), có sở duyên chung (samastālambanā, tổng duyên)
là khổ đế của Sắc giới và Vô sắc giới. Loại nhẫn này có tên là Khổ loại trí nhẫn
(duḥkhe
‘nvayajñānakṣānti). Từ loại nhẫn này lại sinh ra một loại trí có tên là
Khổ loại trí (duḥkhe
‘nvayajñāna).
Pháp trí là sự chứng tri
các pháp và sở dĩ có tên như vậy là vì pháp trí là sự chứng tri đầu tiên về thể
tánh của các pháp như khổ, v.v., mà hành giả đắc được kể từ vô thỉ. Sở dĩ loại
trí, tức sự chứng tri kế tiếp, có tên như vậy là vì nó có một pháp trí làm nhân
(tadanvaya = taddhetuka), vì nó cũng chứng tri thánh đế theo cách giống như pháp
trí (tathaivānugamāt).
Giống như trường hợp bốn
pháp (tức hai nhẫn và hai trí) khi được sinh khởi đều duyên Khổ đế, thì một Pháp
trí nhẫn khi được sinh khởi ngay sau Khổ loại trí nói trên sẽ duyên Tập đế của
Dục giới (tập pháp trí nhẫn); và từ loại nhẫn này lại sinh khởi Tập pháp trí; và
trong chuỗi liên tục sinh khởi nối tiếp nhau như vậy sẽ sinh khởi một loại trí
nhẫn có sở duyên là phần còn lại của tập đế (tập loại trí nhẫn); và tiếp theo là
tập loại trí.
Kế tiếp sẽ sinh khởi một
pháp trí nhẫn có sở duyên là diệt đế của Dục giới (nirodhedharmajñānakṣānti, diệt pháp trí nhẫn) và tiếp theo là diệt pháp trí. Kế
tiếp sẽ sinh khởi một loại trí nhẫn có sở duyên là phần còn lại của diệt đế
(diệt loại trí nhẫn); và tiếp theo là diệt loại trí.
Kế tiếp sẽ sinh khởi một
pháp trí nhẫn có sở duyên là loại đạo đế (mārga) tương vi với khổ đế của Dục
giới (dục đạo); và tiếp theo là đạo pháp trí (Mārge dharmajñāna). Kế tiếp sẽ
sinh khởi một loại trí nhẫn duyên phần còn lại của đạo đế; và tiếp theo là đạo
loại trí.
Như vậy, theo thứ tự tiệm
tiến trên đây, sự quán sát các thánh đế (satyābhisamaya, thánh đế hiện quán) có
tất cả mười sáu tâm.
Có bộ phái cho rằng sự
quán sát thánh đế chỉ xảy ra trong cùng một lúc (duy đốn hiện quán); tuy nhiên
cần phải nghiên cứu thêm chủ trương này. Ở trên khi nói “hiện quán” [có mười sáu
tâm] là vì không nêu ra các điểm sai biệt (abhedena). Nếu phân tích chi tiết thì
hiện quán có đến ba loại là kiến hiện quán, duyên hiện quán và sự hiện quán.
Kiến hiện quán
(darśanābhisamaya) là sự quán sát các đế nhờ vào tuệ vô lậu.
Duyên hiện quán
(ālambanābhisamaya) là sự quán sát các đế nhờ vào tuệ vô lậu nói trên và các
pháp tương ưng (saṃprayukta) với tuệ này.
Sự hiện quán
(kāryābhisamaya) là quán sát các đế nhờ vào tuệ vô lậu nói trên, nhờ các pháp
tương ưng với tuệ này, và cũng nhờ các pháp không tương ưng (viprayukta) cùng
hiện hữu như giới luật, sinh tướng, v.v..
Khi hành giả thấy được
khổ đế thì điều có đủ ba loại quán này đối với khổ đế; nhưng đối với các đế còn
lại thì chỉ có loại hiện quán thứ ba (sự hiện quán) bởi vì tập đã đoạn, diệt đã
hiện tiền (sākṣātkṛta) và
đạo đã được tu tập (đoạn chứng tu).
Nếu đối với các đế mà dựa
vào loại kiến hiện quán để cho rằng chỉ có một loại “đốn hiện quán” thì không
đúng; bởi vì hành tướng của các đế rất khác nhau: Người ta không thể nhìn thấy
tập đế, v.v., dưới các hành tướng của khổ đế. Nếu cho rằng có thể nhìn thấy tất
cả các đế dưới một hành tướng chung là vô ngã (anātmākāreṇa) thì sẽ không thể thấy được cá đế
dưới các hành tướng khổ, v.v.; và như vậy sẽ trái với khế kinh. Kinh (Saṃyukta, 15, 18) nói: “Chư thánh đệ
tử khi quán xét (manasikaroti, tác ý) khổ đế là khổ, tập đế là tập, diệt đế là
diệt, đạo đế là đạo thì lúc đó đối với họ sẽ có được sự phân biệt các pháp
(trạch pháp) tương ưng với những sự quán sát vô lậu này…”. [Nếu cho rằng đoạn
kinh trên chỉ nhằm chỉ cho giai đoạn chuẩn bị (prayogāvasthā) có trước giai đoạn
hiện quán thì cũng không đúng bởi vì ở giai đoạn này chưa có sự quán xét vô
lậu]. Nếu cho rằng đoạn kinh trên chỉ nhằm chỉ cho giai đoạn Tu đạo
(bhāvanāmārga), tức là giai đoạn tu tập các đế đã được nhìn thấy, thì cũng không
đúng bởi vì các đế đều được tu tập theo cách giống như đã được nhìn thấy (như
kiến tu).
Nếu cho rằng chỉ có “đốn
hiện quán” bởi vì hành giả khi nhìn thấy được một đế tức có được sự thành thục
(vaśitvalābhāt, đắc tự tại) đối với các đế khác - có nghĩa là nhờ thấy được khổ
đế nên hành giả đắc được khả năng làm hiện khởi sự nhìn thấy các đế khác mà
không cần phải có sự chuẩn bị lần nữa (antareṇa prayogam) - thì chúng tôi cũng đồng ý. Tuy nhiên cần phải
xét xem ở trung gian có khởi hay không khởi sự xuất quán.
Nếu cho rằng vẫn có sự
thuần nhất của hiện quán bởi vì một khi khổ đế đã được tri nhận (parijñāte) tức
tập đế sẽ được đoạn trừ, diệt đế sẽ được chứng hiện và đạo đế được tu tập thì
chúng tôi cũng đồng ý; bởi vì chúng tôi đã nói rằng khi một đế được “nhìn thấy”
tức sẽ có loại Sự hiện quán (kāryābhisamaya) - hay sự quán sát được xem như là
quả đối với ba đế còn lại.
(Vấn nạn) Nếu đồng ý với
chủ trương trên tức trái với khế kinh đã dạy rằng chỉ có “tiệm hiện quán”. Chính
vì để chỉ cho kiến hiện quán mà kinh dạy rằng chỉ có tiệm hiện quán đối với các
đế: “Này người chủ của gia đình (trưởng giả), hiện quán không phải là đốn mà là
tiệm (anupūrva)…. V.v..” Cả ba kinh đều có các tỷ dụ kèm theo.
(Trả lời) Kinh cũng có
nói rằng “người nào không có sự mê mờ hoặc sự nghi ngờ đối với khổ đế thì cũng
sẽ không có sự mê mờ hoặc sự nghi ngờ đối với Phật”. Vì thế hiện quán không phải
là tiệm mà chính là đốn.
(Giải thích) Nói như vậy
cũng không đúng bởi vì kinh chỉ muốn nói rằng (mật ý thuyết) khi đã hiểu được
khổ đế thì sự mê mờ hoặc sự nghi ngờ đối với Phật sẽ không còn hiện hành
(asamudācāra) và nhất định sẽ được đoạn trừ (avaśyaṃprahāṇa).
(Hỏi) Trên đây có nói đến
mười sáu tâm; vậy mười sáu tâm này nương vào các địa nào?
Tụng đáp:
皆與世第一
同依於一地.
[Điều cùng Thế đệ nhất
pháp
Nương vào một địa.]
Luận: Mười sáu tâm này có
cùng địa với Thế đệ nhất pháp. Ở trên đã nói có tất cả sáu địa.
(Hỏi) Tại sao nhất định
phải có các nhẫn và trí?
Tụng đáp:
忍智如次第
無間解脫道.
[Nhẫn và trí, theo thứ tự
này,
Là Vô gián đạo và Giải
thoát đạo.]
Luận: Không thể ngăn cản
(antarayitum aśkyatvāt) nhẫn trong việc đoạn trừ (viccheda) sự hoạch đắc
(prāpti) các phiền não; vì thế nhẫn chính là con đường không thể ngăn cản được
(ānantaryamārga, Vô gián đạo).
Ở những người đã thoát
khỏi sự hoạch đắc nói trên đối với phiền não (giải thoát hoặc đắc) thì trí sinh
khởi cùng thời với sự đắc được việc xa lìa các phiền não (visaṃyoga); vì
thế trí chính là con đường giải thoát (vimuktimārga, Giải thoát đạo).
Như vậy, nhẫn và trí cũng
giống như hai hành động: Đuổi ăn trộm đi và đóng cửa lại.
Nếu sự đắc được việc xa
lìa phiền não chỉ xảy ra cùng với loại nhẫn hoặc Vô gián đạo thứ hai (duḥkhe ‘nvayajñānakṣānti, khổ
loại trí nhẫn), thì trí vốn đã đoạn nghi (vicikitsā) sẽ không thể sinh khởi để
duyên các cảnh của Vô gián đạo thứ nhất, tức khổ đế của Dục giới.
(Hỏi) Nếu phiền não được
đoạn trừ là nhờ có nhẫn thì điều này có trái với Bổn luận khi Bổn luận nói rằng
“có chín nhóm kết sử” (saṃyojananikāya)
không?
(Đáp) Không trái với Bổn
luận, vì nhẫn là các pháp hỗ trợ (parivāra, quyến thuộc) cho trí; Bổn luận đã
thêm vào cho trí các tác dụng của nhẫn cũng giống như trường hợp có những việc
do chính tay các cận thần của nhà vua làm ra nhưng lại nói là nhà vua làm.
(Hỏi) Mười sáu tâm trên
đều thấy được thánh đế; như vậy có phải tất cả các tâm này đều là Kiến đạo
(darśanamārga)?
Tụng đáp:
前十五見道
見未曾見故.
[Mười lăm tâm trước là
Kiến đạo
Vì thấy được điều chưa
từng thấy.]
Luận: Mười lăm sát-na, từ
khổ pháp trí nhẫn cho đến đạo loại trí nhẫn, tạo thành Kiến đạo; bởi vì sự nhìn
thấy những gì chưa từng được nhìn thấy đã xảy ra liên tục.
Vào sát-na thứ mười sáu
thì không còn gì để nhìn thấy đối với những điều trước đây chưa nhìn thấy.
Sát-na này tu tập thánh đế giống như đã được nhìn thấy vì thế đã trở thành một
phần của Tu đạo (bhāvanāmārga).
(Hỏi) Chẳng phải chính
sát-na thứ mười sáu nhìn thấy sát-na thứ mười lăm, tức Đạo loại trí nhẫn, vốn
chưa được nhìn thấy trước đó sao?
(Đáp) Đúng như vậy. Tuy
nhiên điều muốn nói ở đây chính là có biết được đạo đế đã được nhìn thấy hay
chưa, chứ không phải là sát-na (của thánh đế này) đã được nhìn thấy hay chưa. Sự
kiện một sát-na chưa được nhìn thấy không có nghĩa là thánh đế này chưa được
nhìn thấy, cũng giống như trường hợp không thể vì còn một bông lúa chưa được cắt
mà nói rằng cánh đồng không được thu hoạch.
Hơn nữa, sát-na thứ mười
sáu (đạo loại trí) là một phần của Tu đạo bởi vì (a) nó tạo thành một quả (śrāmaṇyaphala); (b) nó có sự tu tập
(bhāvanā), tức sự hoạch đắc tám trí và mười sáu hành tướng (bhāvitāṣṭajñānaṣoḍaśākāratvāt),
[trái ngược với Kiến đạo]; (c) nó xả bỏ (vihāni) một loại thánh đạo
(pratipannaka); (Đáp) vì nó thuộc về một chuỗi tương tục (prābandhika).
(Vấn nạn) Sát-na thứ mười
sáu phải được xem như một phần của Kiến đạo bởi vì chắc chắn nó không có sự thối
đọa (āvaśyakāparihāṇitva). Và sự không thối đọa của nó
(aparihāṇis, tu)
là do khả năng giúp gìn giữ (saṃdhāraṇa, nhậm
trì) sự đoạn trừ các phiền não được đoạn trừ bởi Kiến đạo.
(Giải thích) Nếu vì lý do
trên mà cho rằng sát-na thứ mười sáu thuộc về Kiến đạo thì điều này sẽ dẫn kết
quả phi lý như sau: Sát-na thứ mười bảy và các sát-na kế tiếp, và còn cả sự nhìn
thấy các thánh đế ở ngày thứ hai và các ngày kế tiếp, cũng sẽ là Kiến đạo bởi vì
chúng cũng giúp gìn giữ sự đoạn trừ các phiền não được đoạn trừ bởi Kiến đạo.
(Hỏi) Cả tám trí đều nhìn
thấy những gì nhẫn đã nhìn thấy trước đó, nhưng tại sao chỉ bảy trí đầu tiên là
thuộc về Kiến đạo?
(Đáp) Bởi vì sự nhìn thấy
các đế chưa hoàn mãn (samāpta, chu biến); phải đến sát-na thứ mười lăm thì sự
nhìn thấy này mới hoàn mãn. Bảy trí đầu tiên thuộc về Kiến đạo bởi vì khi sự
nhìn thấy các đế chưa được hoàn mãn thì chúng chỉ khởi ở trung gian
(tadantarāla), có nghĩa là ở trong tiến trình của Kiến đạo hoặc ở giữa hai nhẫn.
Trên đây đã nói về sự
sinh khởi của Kiến đạo và Tu đạo. Tiếp theo sẽ nói về những người (pudgala,
bổ-đặc-già-la) có các thánh đạo sinh khởi.
Trong tiến trình của mười
lăm sát-na vốn có thể tánh là Kiến đạo, có các hàng thánh giả khác nhau:
名隨信法行 由根鈍利別
具修惑斷一
至五向初果
斷次三向二
離八地向三.
[Gọi là tùy tín hành và
tùy pháp hành
Vì có căn độn và lợi khác
nhau
Vẫn còn phiền não thuộc
tu đoạn, đoạn một phẩm
Đến năm phẩm thì gọi là
hướng sơ quả;
Kế đến đoạn ba phẩm gọi
là hướng đệ nhị quả;
Xả ly tám địa gọi là
hướng đệ tam quả.]
Luận: Khi đang ở vào các
sát-na này, hành giả có các căn chậm chạp (mṛdu, độn) được gọi là tùy tín hành (śraddhānusārin); hành giả
có các căn lanh lợi (tīkṣṇa) được gọi là tùy pháp hành (dharmānusārin). Ở đây khi nói
“căn” là để chỉ cho các căn tín, định, v.v..
Tùy tín hành có nghĩa là
sự đi theo nhờ có tín (śraddhāya anusāraḥ =
śraddhānusāraḥ); người có sự theo đuổi này, hoặc người có thói quen làm
điều này nhờ có tín được gọi là tùy tín hành giả (śraddhānusārin), bởi vì trước
đó (pūrvam) người này đã theo đuổi thánh đế (arthānusevana) [có nghĩa là đã có
sự hiểu biết các đế] nhờ vào sự thúc dục của người khác, nhờ sự tin tưởng vào
người khác (parapratyayena).
Tùy pháp hành cũng có ý
nghĩa tương tợ như vậy, tức là sự theo đuổi nhờ có các pháp (dharmair anusāraḥ =
dharmānusāraḥ). Chính nhờ dựa vào các pháp, tức nhờ vào khế kinh nói về
mười hay chi, mà bản thân hành giả đã theo đuổi được thánh đế trước đó.
Hai hàng thánh giả này
nếu chưa đoạn được các phiền não thuộc về tu đoạn thì sẽ là người đang hướng đến
quả đầu tiên. Quả đầu tiên tức là quả của thánh giả Dự lưu (Srotaāpanna) bởi vì
Dự lưu chính là quả thứ nhất trong thứ tự đắc quả.
Những người thuộc hạng
tùy tín hành và tùy pháp hành nếu trước đó chưa đoạn được một nhóm các phiền não
(nhất phẩm) thuộc tu đoạn nhờ vào thế đạo mà vẫn còn bị trói buộc bởi tất cả các
loại hệ phược (sakalabandhana) thì họ được gọi là “người hướng đến quả Dự lưu”
(sơ quả hướng) kể từ khi bước vào kiến đạo.
Nếu nương vào thế đạo mà
họ vẫn chưa đoạn được nhóm phiền não thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư hoặc thứ
năm thuộc tu đoạn của Dục giới thì họ cũng được gọi là “người hướng đến sơ quả”
một khi đã bước vào kiến đạo.
Nếu trước đó họ đã đoạn
nhóm phiền não thứ sáu, thứ bảy hoặc thứ tám (bhūyovītarāga) thì gọi là “người
hướng đến quả thứ hai” (đệ nhị quả hướng), tức là quả của thánh giả Nhất lai
(Sakṛdāgāmin).
Trong trường hợp (1) họ
đã tách rời Dục giới nhờ đoạn được nhóm phiền não thứ chín thuộc tu đoạn của Dục
giới (kāmavītarāga), (2) hoặc đã tách rời các giới cao hơn cho tới Vô sở hữu xứ
(ākiñcanyāyatana) thì gọi là “người hướng đến quả thứ ba” (đệ tam quả hướng),
tức là quả của thánh giả Bất hoàn (Anāgāmin).
至第十六心
隨三向住果
名信解見至
亦由鈍利別.
[Đến tâm thứ mười sáu,
Trong ba quả, hướng đến
quả nào thì trụ ở quả đó;
Được gọi là tín giải,
kiến chí
Cũng do căn độn lợi khác
nhau.]
Luận: Vào sát-na thứ mười
sáu, hai hàng thánh giả này không còn mang tên tùy tín hành và tùy pháp hành
nữa; họ không còn được gọi là “hướng đến” mà đã là “người ở trong một quả”
(phalastha, trụ quả), tức những người hướng đến quả Dự lưu, Nhất lai, bất hoàn
trước đó nay đã trở thành những người cư trú trong quả Dự lưu, Nhất lai, bất
lai, bất hoàn.
Đối với phẩm tánh của
A-la-hán (arhattva) thì không thể đắc được một cách trực tiếp (āditas) - có
nghĩa là không thể đắc quả A-la-hán nếu trước đó chưa đắc quả bất hoàn - bởi vì
các phiền não nếu đã thuộc về loại được đoạn trừ bởi Tu đạo thì không thể được
đoạn trừ bởi kiến đạo (Vibhāṣā, 51,
10) và vì không thể xả ly Hữu đảnh () nhờ vào thế đạo.
Vào sát-na này hàng thánh
giả độn căn vốn có tên là tùy tín hành nay được gọi là Tín giải
(Śraddhāchimukta), và hàng thánh giả lợi căn vốn có tên là tùy pháp hành nay
được gọi là Kiến chí (Dṛṣṭiprāpta). Khi tín (śraddhā) thống ngự (hành giả độn căn) thì
hành giả được “thông tri” (prabhāvita) nhờ vào sự hy vọng này (adhimokṣa, thắng giải) nên có tên là tín giải. Khi tuệ (prajñā) thống
ngự (hành giả lợi căn) thì hành giả được “thông tri” nhờ vào sự nhìn thấy này (dṛṣṭi, kiến) nên có tên là Kiến chí.
(Hỏi) Vào sát-na thứ mười
sáu, tại sao hành giả đã đoạn các nhóm phiền não đầu tiên (từ một cho đến năm
nhóm) thuộc tu đoạn của Dục giới chỉ trở thành “người trụ quả Dự lưu” mà không
phải là “người hướng đến quả Nhất lai”? Vấn đề trên đây cũng được đặt ra đối với
các thánh giả đã đoạn các nhóm thứ sáu, thứ bảy và thứ tám nhưng vào sát-na thứ
mười sáu thì chỉ trở thành những người trụ ở quả Nhất lai chứ không phải là
người hướng đến quả bất hoàn; và cũng được đặt ra đối với các thánh giả đã đoạn
trừ các nhóm phiền não cao hơn nhưng vào sát-na thứ mười sáu cũng chỉ trở thành
người trụ ở quả bất hoàn chứ không phải là người hướng đến quả A-la-hán.
Tụng đáp:
諸得果位中
未得勝果道
故未起勝道
名住果非向.
[Ở các giai đoạn đắc quả
Đều không đắc được đạo
cao hơn quả này;
Vì chưa khởi đạo cao hơn
Nên gọi là “trụ quả” chứ
không phải “hướng (hậu)”.]
Luận: Lúc đắc được một
quả thì không thể đắc được một thánh đạo cao hơn quả này (phalaviśiṣto mārgaḥ = phalād viśiṭo mārgaḥ, thắng quả đạo): Như khi đắc quả Dự lưu thì thánh giả chưa
đắc được thánh đạo của Nhất lai. Vì thế đối với người đang trụ ở một quả thì
chừng nào người này còn chưa gắng sức (prayujyate) tiến bộ cao hơn (viśeṣāya) đễ đắc được một quả mới - có nghĩa là chừng nào người
này chưa tu tập loại gia hành (prayuga) dẫn đến sự đoạn trừ các phiền não chưa
được đoạn trừ đồng thời cũng là nhân cho việc đắc được một quả mới - thì người
này vẫn chưa phải là “người hướng đến” một quả mới.
Tuy nhiên nếu hành giả đã
xả tầng thiền thứ ba [nhờ vào thế đạo] để nhập vào chánh tánh quyết định
(niyāma) hoặc kiến đạo bằng cách nương vào một địa thấp hơn tầng thiền này [có
nghĩa là nương vào vị chí tĩnh lự (anāgamya), tầng thiền thứ nhất và thứ hai,
trung gian tĩnh lự] thì chắc chắn người này sẽ chứng được một thánh đạo cao hơn
quả (phalaviśiṣṭaṃ mārgam). Nếu không phải như vậy thì trong trường hợp tái
sinh ở một địa cao hơn (tầng thiền thứ tư hoặc vô sắc) thánh giả sẽ không thể
đắc được lạc căn (sukhendriya). (Vibhāṣā, 90. 6; Jñānaprasthāna, 6, 5)
Trên đây đã giải thích
các trường hợp nhập vào kiến đạo, có khi đó là trường hợp bội ly dục - tức xả ly
nhóm phiền não thứ sáu, thứ bảy và thứ tám của Dục giới -, có khi đó là trường
hợp toàn ly dục (kāmavītarāga) - tức xả ly nhóm phiền não thứ chín; tiếp theo sẽ
nói về sự tu tập dần dần của hành giả. Đối với vấn đề này, cần phải thành lập
các điểm sau đây:
地地失德九
下中上各三
[Mỗi địa đều có chín
khuyết điểm và công đức;
Ba nhóm hạ, trung, thượng
đều có ba loại.]
Luận: Mỗi địa, từ địa
thấp nhất cho đến Hữu đảnh, đều có chín nhóm khuyết điểm và chín nhóm công đức.
Chín nhóm công đức (guṇa) là chín loại thánh đạo có khả năng đối trị các khuyết điểm
trên; đó là các Vô gián đạo và Giải thoát đạo.
Có ba nhóm căn bổn là yếu
(hạ), trung bình (trung) và mạnh (thượng). Mỗi nhóm căn bổn lại chia thành yếu,
trung bình và mạnh. Như vậy có tất cả chín nhóm: Hạ hạ, hạ trung, hạ thượng,
trung hạ, trung trung, trung thượng, thượng hạ, thượng trung, thượng thượng.
Loại thánh đạo hạ hạ có
khả năng đoạn trừ loại phiền não thượng thượng; và cứ như thế cho đến: Loại
thánh đạo thượng thượng lại có khả năng đoạn trừ loại phiền não hạ hạ. Bởi vì
loại thánh đạo thượng thượng không thể sinh khởi ngay từ đầu; và vì không thể có
loại phiền não thượng thượng vào lúc đang có loại thánh đạo thượng thượng. Cũng
giống như khi giặt một tấm vải: Các vết bẩn dễ thấy được giặt trước và sau đó
mới đến các vết li ti; cũng giống như những chỗ tối tăm rộng rãi thì chỉ cần một
ánh sáng nhỏ cũng đủ thấy, nhưng những chỗ ngõ ngách tối tăm thì phải cần đến
nhiều ánh sáng hơn. Đó là các tỷ dụ có thể dẫn trưng.
Một thánh đạo yếu liệt
trong một sát-na vẫn có khả năng tận trừ các phiền não đã tăng trưởng do có sự
tiếp nối giữa các nhân của chúng trong sự triển chuyển từ vô thủy - thánh đạo
này chặt đứt sự đắc được (prāptis) các phiền não vốn tương tợ với các căn này -
bởi vì các pháp “trắng” có lực mạnh nhưng các pháp “đen” thì yếu ớt. Cũng giống
như các tỳ vết của gió, của đảm trấp, v.v., tích tụ lâu ngày được tẩy trừ bởi
một hạt thuốc bột của rễ cây trivṛt (trivṛtkardṣa); cũng
giống như một vùng rộng lớn tối tăm bị làm tan vỡ () chỉ trong thoáng chốc bởi
một luồng ánh sáng nhỏ bé.
未斷修斷失
住果極七返.
[Chưa đoạn các khuyết
điểm thuộc tu đoạn
Thì hành giả trụ quả tái
sinh tối đa bảy lần.]
Luận: Thánh giả trụ quả
nhưng chưa đoạn được một nhóm các phiền não thuộc tu đoạn (bhāvanāheya) thì đó
là hàng Dự lưu (Srotaāpanna). Thánh giả này vì có thể tái sinh đến bảy lần nhưng
không thể nhiều hơn nên nói là “tối đa bảy lần” (cực thất phản). Vì không nhất
thiết phải tái sinh đến bảy lần nên mới nói là “tối đa”. Kinh nói “sinh bảy lần
là tối đa” (saptakṛtvaḥ paramaḥ, cực thất phản sinh). Ở đây chữ “cực” (paramaḥ) có nghĩa là “tối đa” (prakarṣeṇa).
Trong từ Dự lưu thì lưu
có nghĩa là dòng sông (srotas), là dòng sông Niết-bàn, là đạo, bởi vì người ta
đi được (gamyate) là nhờ có dòng sông. Hành giả khi đã bước vào đó, khi đã đến
được đó, thì gọi là “nhập vào dòng sông” (srota-āpanna, dự lưu).
(Vấn nạn) Làm thế nào để
nhập vào đó? Có phải là nhờ đắc được thánh đạo đầu tiên (sơ đắc đạo)? Nếu như
vậy thì trong hai trường hợp Bội ly dục và Toàn ly dục khi đắc được quả đầu tiên
mà họ đã đắc được thì họ cũng phải là Dự lưu; tuy nhiên các ông đã nói rõ ràng
họ chính là Nhất lai và bất hoàn.
(Giải thích) Hành giả
nhập vào dòng sông nhờ đắc được quả thứ nhất; nhưng đó không phải là loại quả mà
một thánh giả nào đó lần đầu tiên có thể đắc được; mà là loại quả người ta đắc
được trước tiên trong tiến trình chứng đắc cả bốn thánh quả.
(Vấn nạn) Tại sao thánh
giả thứ tám đã nhập vào dòng sông của thánh đạo nhưng lại không phải là Dự lưu?
(Giải thích) bởi vì chỉ ở
sát-na thứ mười sáu (mārge ‘nvayajñāna, đạo loại trí) thì mới đắc được (1) thánh
đạo hướng đến quả gồm mười lăm sát-na (hướng đạo) và quả đạo, (2) đắc được kiến
đạo và Tu đạo; bởi vì vào lúc đó hành giả mới quán sát (abhisamaya, hiện quán)
được “dòng sông”, tức toàn bộ thánh đạo, trong đó bao hàm cả sát-na thứ mười
sáu.
Tỳ-bà-sa nói rằng khi rời
khỏi đời sống hiện tại thì thánh giả Dự lưu sinh trở lại giữa loài người, gồm
bảy lần sinh hữu (upapattibhava), bảy lần trung hữu (antarābhava); thánh giả này
khi tái sinh vào cõi thiên cũng với số lần như thế. Như vậy sẽ tái sinh cho đến
hai mươi tám lần. Tuy nhiên chúng ta đã biết rằng mỗi chuỗi tái sinh chỉ có bảy
lần nên hành giả được gọi là “tái sinh tối đa bảy lần”; cũng giống như một Bí-sô
được gọi là “thất xứ thiện” (saptasthānakuśala) thì thông thạo được bảy việc;
cũng giống như một cây được gọi là “có bảy lá” (saptaparṇa) bởi vì mỗi cành đều mọc bảy lá.
(Vấn nạn) Kinh nói:
“Tuyệt đối không có trường hợp một vị thánh (pudgala) đã thành tựu được sự nhìn
thấy (dṛṣṭisaṃpanna, kiến viên mãn) mà lại có lần sinh thứ tám”. Như vậy
đoạn kinh này đã trái ngược với chủ trương của Tỳ-bà-sa?
(Giải thích) Không phải
như vậy, bởi vì đoạn kinh trên phải được hiểu như thế này: “Thánh giả không có
lần sinh thứ tám trong cùng một thú (ekasyaṃgatau)”.
Hoặc nếu muốn hiểu theo nghĩa đen (yathārutaṃ vā kalpyamāne) của kinh là “sau khi chuyển tiếp, sau khi đã
trải qua bảy lần ở cõi trời cũng như cõi người, thánh giả sẽ chứng được sự chấm
dứt của khổ”, thì lẽ ra phải kết luận rằng những lần tái sinh của chư thiên và
của con người sẽ không có trung hữu (antarābhava) trước đó bởi vì kinh chỉ nói
đến trời và người.
(Vấn nạn) Nếu có nghĩa là
“thánh giả không có lần sinh thứ tám trong cùng một thú” thì làm sao có thể nói
rằng thánh giả Thượng lưu (Ūrdhvasrotas) thuộc loại Cực Hữu đảnh
(bhavāgraparama) tái sinh tám lần trong cùng một thú?
(Giải thích) Tỳ-bà-sa trả
lời rằng bản kinh không thừa nhận lần sinh thứ tám là chỉ nhằm để chỉ cho lần
sinh thứ tám ở Dục giới.
Tuy nhiên bản kinh nào và
lập luận nào có thể chứng minh rằng bản kinh trên chỉ nhằm chỉ cho Dục giới? Và
điều gì chứng minh rằng thánh giả tái sinh bảy lần ở cõi trời, bảy lần ở cõi
người mà không phải là chỉ có bảy lần được tính chung cho cả hai cõi? Bởi vì
kinh chỉ nói: “Sau khi tái sinh bảy lần ở cõi trời và cõi người”.
Ẩm quang bộ kinh
(Kāśyapiyas) nói: Sau khi tái sinh bảy lần ở cõi trời, bảy lần ở cõi người
(saptakṛtvo devān
saptakṛtvo manuṣyān)”. Vì thế không có lý do gì để cố chấp vấn đề trên
(nātrābhiniveṣṭvyam).
Thánh giả nào đắc quả Dự
lưu ở cõi người sẽ trở lại cõi này để đắc Niết-bàn; thánh giả đắc quả Dự lưu ở
cõi trời sẽ trở lại cõi trời để đắc Niết-bàn.
(Hỏi) Tại sao hàng Dự lưu
không tái sinh lần thứ tám?
(Đáp) Bởi vì trong khoảng
thời gian này với bảy lần sinh thì chuỗi tương tục nhất định sẽ thành thục (saṃtatiparipāka). Thể tánh của thánh đạo là như thế; cũng giống
như tính chất của nọc độc của loài “rắn bảy bước” (saptapadāśīrviṣa) là
người bị cắn sẽ phải chết sau khi bước đi được bảy bước; cũng giống như tính
chất của bệnh “sốt bốn ngày” (caturthakajvara) là bệnh sẽ trở lại trong suốt bốn
ngày.
Thánh giả không đắc
Niết-bàn trong khoảng thời gian ít hơn thời gian này bởi vì vẫn còn bảy kết (saṃyojanas):
Hai kết thuộc loại hạ phần (avarabhāgīya) là dục tham (kāmacchanda) và dục sân
khuể (vyāpāda); và năm kết thuộc loại thượng phần (ūrdhvabhāgīya) là hai ái
(rāgas) của Sắc giới và Vô sắc giới, trạo (auddhatya), mạn (māna), và vô minh
(moha). Bởi vì thánh giả, mặc dù chứng được thánh đạo (của Nhất lai và Bất
hoàn), vẫn không thể đắc Niết-bàn ở khoảng thời gian này (trung gian) vì cần
phải trả xong lực của các nghiệp trong bảy kiếp này. Nếu không có Phật vào thời
điểm thánh giả đắc Niết-bàn (buddhānutpāda) thì thánh giả sẽ đắc quả A-la-hán ở
nhà; nhưng sau khi đắc được thì không ở lại nhà nữa: Nhờ lực của pháp tánh
(dharmatā), tức là nhờ lực của thánh đạo A-la-hán và thánh đạo vô học, mà thánh
giả có đủ hình tướng của một Bí-sô (bhikṣulinga); có luận sư cho rằng đó là hình tướng của Bí-sô ngoại
đạo.
(Hỏi) Tại sao thánh giả
Dự lưu được gọi là “không thể rơi vào một ác thú” (avinipātadharman, vô thối đọa
pháp)?
(Đáp) Bởi vì thánh giả
không tích tập các nghiệp có khả năng làm cho thánh giả phải thối đọa (thối đọa
nghiệp); bởi vì, đối với loại nghiệp làm thối đọa mà thánh giả đã tích tụ xưa
kia, thì ngày nay khi thánh giả đã huân tập các thiện căn cường thạnh nhờ có sự
thanh tịnh của đạo hạnh, nhờ có sự thanh tịnh của ý lạc đối với Tam bảo thì
thánh giả không còn bị tác động bởi sự chín mùi của loại nghiệp này nữa.
Một người nếu đã tích tập
loại nghiệp nhất định phải chín ở các ác thú thì sẽ không thể nào sinh khởi được
nhẫn (kṣānti)
huống hồ là đạo vô lậu (anāsrava mārga). Vì thế có bài tụng viết: “Người ngu dù
chỉ phạm một tội nhỏ cũng bị đọa; người trí dù phạm một tội lớn cũng thoát khỏi
ác thú; một khối sắt dù nhỏ cũng bị chùm; một cái thùng sắt dù lớn cũng có thể
nổi”.
(Hỏi) Kinh nói: “Dự
lưu….. làm ra ‘ranh giới cuối cùng của khổ’” (duḥkhasyāntaṃ
karoti, tác khổ biên tế). Vậy, “khổ biên tế” là gì?
(Đáp) Là cái khổ mà ở bên
kia của cái khổ này thì không còn khổ nữa; tức hàm ý thánh giả làm cho cái khổ
không còn sinh trở lại được nữa (apratisaṃdhikaṃ
duḥkhaṃ karoti). Hoặc khổ biên tế chính là Niết-bàn.
(Hỏi) Nếu vậy làm sao có
thể nói “làm ra” Niết-bàn?
(Đáp) Vì trừ bỏ được các
chướng ngại của Niết-bàn (tatprātivibandhāpanayanāt): [Những chướng ngại này
chính là sự hoạch đắc phiền não (kleśaprāpti). Cũng giống như khi nói: “Hãy tạo
thành khoảng trống! Hãy phá sập ngôi nhà!” (ākāśaṃ kuru maṇḍapaṃ pātaya).
Ngoài hàng Dự lưu ra vẫn
có trường hợp tái sinh tối đa bảy lần: Tức trường hợp của dị sinh có tâm đã
thành thục (paripakvasamtāna). Tuy nhiên điều này không nhất định: Hàng dị sinh
này có thể đắc được Niết-bàn ngay từ đời này hoặc có thể ở trung hữu, v.v.; vì
thế không được nói đến.
Phần 23
Đã nói về trường hợp
thánh giả trụ ở quả (phalastha) nhưng chưa đoạn trừ các hoặc thuộc Tu đạo nên có
tên là Dự lưu và có nhiều nhất là bảy lần sinh (saptakṛtvaḥparama).
Tiếp theo là phần nói về thánh giả ở vào giai đoạn đoạn trừ các hoặc để lập
thành Nhất lai hướng và Nhất lai quả.
斷欲三四品
三二生家家
斷至五二向
斷六一來果.
[Đoạn ba hoặc bốn phẩm
thuộc Dục giới,
Có hai hoặc ba lần sinh
được gọi là Gia gia.
Đoạn đến phẩm thứ năm gọi
là hướng và quả thứ hai;
Đoạn được phẩm thứ sáu
tức thành Nhất lai quả.]
Luận: Hàng Dự lưu trở
thành Gia gia (kulaṃkula) khi (1) đoạn được
phiền não, tức nhờ đoạn trừ ba hoặc bốn nhóm phiền não của Dục giới; (2) thành
tựu căn, tức nhờ đắc được các căn vô lậu (anāsrava) có khả năng đối trị các
hoặc; (3) thọ sinh, tức chỉ còn hai hoặc ba lần sinh. Tụng văn chỉ nói đến hai
duyên đầu và cuối bởi vì nếu nói rằng sau khi đắc quả Dự lưu mà đoạn trừ được
các hoặc tức cũng có nghĩa đồng thời thành tựu các căn vô lậu có khả năng đối
trị các loại hoặc này vì thế không cần phải nói đến duyên còn lại. Tuy nhiên về
số lần sinh phải nói rõ là hai hoặc ba bởi vì sau khi đắc quả Dự lưu, thánh giả
có thể có các tính chất của hàng Nhất lai, bất hoàn hoặc A-la-hán và số lần sinh
có thể thay đổi, hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn.
(Hỏi) Tại sao hàng Dự lưu
đoạn nhóm phiền não thứ năm không được gọi là Gia gia?
(Đáp) bởi vì khi đã đoạn
nhóm thứ năm thì nhóm thứ sáu cũng đoạn được và lúc đó thánh giả đã trở thành
Nhất lai. Chỉ một nhóm các phiền não thì không thể cản trở việc đắc quả, cũng
giống như trường hợp của nhất gián (ekavīcika): Khi đắc được một quả mới thì
chưa thể chuyển sang một giới khác (dhātu).
Nên biết rằng Gia gia có
hai loại: (1) thiên Gia gia (devakulaṃkula) là
các thánh giả sau khi đã chuyển sinh vào hai hoặc ba nhà ở cõi thiên sẽ chứng
được Niết-bàn ở ngay cõi trời đó hoặc ở cõi trời khác; (2) nhân Gia gia (manuṣyakulaṃkula) là các thánh giả sau khi đã chuyển sinh vào hai hoặc ba
nhà ở cõi người sẽ chứng được Niết-bàn ở châu này (dvīpa) hoặc ở một châu khác.
Các thánh giả thuộc hàng
Dự lưu này nếu đoạn được từ một đến năm nhóm phiền não thì được gọi là “hướng
đến quả thứ hai” (Nhất lai quả hướng); nếu đoạn được nhóm phiền não thứ sáu tức
thành tựu quả Nhất lai. Thánh giả thuộc hạng Nhất lai sau khi lên cõi trời chỉ
còn sinh trở lại một lần ở cõi người mà chứng Niết-bàn, tức từ đây trở về sau
không còn sinh trở lại cho nên gọi là Nhất lai. Kinh (Saṃyukta, 29, 1) nói rằng thánh giả trở thành Nhất lai “nhờ trừ
được tham (rāga), sân (dveṣa) và si (moha)” bởi vì chỉ còn lại ba nhóm thuộc hạ phẩm của
các phiền não này (mṛdvadhimātra,
mṛdumadhya mṛdumṛdu).
Trên đây đã nói về sự
khác biệt giữa Nhất lai hướng và Nhất lai quả. Tiếp theo là phần lập thành bất
hoàn hướng và bất hoàn quả.
斷七或八品
一生名一間
此即第三向
斷九不還果
[Đoạn bảy hoặc tám phẩm,
Chỉ có một lần sinh được
gọi là nhất gián,
Còn gọi là hướng đến quả
thứ ba.
Đoạn được phẩm thứ chín
Tức thành bất hoàn quả.]
Luận: Hạng Nhất lai trở
thành nhất gián vì (1) đoạn trừ bảy hoặc tám nhóm phiền não; (2) thành tựu các
căn vô lậu có khả năng đối trị các phiền não này; (3) vì chỉ còn một lần tái
sinh.
(Hỏi) Tại sao chỉ còn một
nhóm phiền não, tức nhóm thứ chín, mà lại có thể chướng ngại việc chứng đắc bất
hoàn quả?
(Đáp) Bởi vì muốn đắc
được quả này thì phải chuyển sang một giới khác (Sắc giới). Trước đây có nói tam
thời nghiệp là loại chướng ngại mạnh nhất (bởi vì chúng cản trở sự đắc nhẫn,
phẩm tánh bất hoàn và phẩm tánh A-la-hán). Ở đây phiền não cũng giống như
nghiệp. Cả hai đều ngăn cản sự vượt qua các địa thuộc quả dị thục - tức chỉ cho
nghiệp - và quả đẳng lưu - tức chỉ cho phiền não.
“Gián” (vīci) có nghĩa là
gián đoạn, cách trở. Thánh giả Nhất lai bị gián đoạn (vyavahita) với Niết-bàn
bởi một lần sinh và bị gián đoạn với quả bất hoàn bởi một nhóm phiền não cho nên
gọi là nhất gián. Sau khi đoạn trừ được bảy hoặc tám nhóm, hàng thánh giả được
gọi là “hướng đến quả thứ ba” (bất hoàn quả hướng).
Các thánh giả trước đó
nhờ nương vào kiến đế mà đoạn được ba, bốn, bảy hoặc tám nhóm phiền não (của Dục
giới) và sau đó đắc được quả Dự lưu hoặc Nhất lai nhưng vẫn không được gọi là
Gia gia hoặc nhất gián nếu chưa tu tập loại thánh đạo cao hơn quả (thắng quả
đạo) và chưa thành tựu các căn vô lậu có khả năng đối trị các loại phiền não
này.
Nếu đoạn được nhóm phiền
não thứ chín (hạ hạ phẩm) của Dục giới tức trở thành bất hoàn vì sẽ không còn
tái sinh vào Dục giới. Các phiền não thuộc nhóm thứ chín được gọi là năm kết sử
thuộc hạ phần (avaraghāgīya). Tuy trước đó có đoạn hai hoặc ba kết sử nhưng phải
đến giai đoạn này mới có thể đoạn trừ tất cả.
Khế kinh đều nói đến các
trường hợp khác nhau của thánh giả hạng bất hoàn vì thế ở đây xin trình bày thêm
về các tính chất khác nhau này.
此中生有行
無行般涅槃
上流若雜修
能往色究竟
超半超遍歿
餘能往有頂
行無色有四
住此般涅槃.
[Trong đó có trung, sinh,
hữu hành,
Vô hành bát Niết-bàn,
Và thượng lưu. Nếu thượng
lưu tạp tu tĩnh lự,
Có thể lên đến Sắc cứu
cánh thiên;
Trường hợp này có ba
loại: Toàn siêu, Bán siêu và Biến một.
Những trường hợp còn lại
chỉ lên đến Hữu đảnh.
Thánh giả bất hoàn thuộc
hành sắc giới có bốn loại.
Thánh giả bất hoàn chứng
đắc Niết-bàn ngay tại cõi này.]
Luận: Trung bát Niết-bàn
(antarāparinivṛti) có nghĩa là chứng đắc Niết-bàn ở trung gian, tức ở giai
đoạn của trung hữu. Các tên gọi khác cũng được giải thích như vậy: [Sinh bát
Niết-bàn là] sau khi sinh (utpanasya); [Hữu hành bát Niết-bàn là] nhờ có gia
hành; [Vô hành bát Niết-bàn là] không nhờ gia hành mà chứng đắc Niết-bàn.
Có năm loại bất hoàn:
Trung bát Niết-bàn (Antarāparinivvāyin), Sinh bát Niết-bàn
(Upapadyaparinirvāyin), Hữu hành bát Niết-bàn (Sābhisaṃskāraparinivvāyin), Vô hành bát Niết-bàn (Anabhisaṃskāraparinivvāyin), và Thượng lưu (Ūrdhvasrotras).
Loại thứ nhất đắc được
Niết-bàn trong giai đoạn của trung hữu [khi đang trụ ở Sắc giới].
Loại thứ hai đắc được
Niết-bàn ngay khi tái sinh (utpannamātra) và rất nhanh chóng bởi vì thánh giả đã
có đủ năng lực (abhiyukta), vì thánh đạo thuộc loại tấn tốc, và có tu chứng
(abhiyuktavāhimārgatvāt). Đây là loại Niết-bàn “hữu dư y” (sopadhiśeṣa). Có luận sư cho rằng không phải
Hữu dư y mà là Vô dư y (nirupadhiśeṣa), giống như thánh giả bất hoàn thuộc loại thứ nhất; có
nghĩa là sau khi đắc được phẩm tánh A-la-hán, hàng thánh giả này đắc được
Niết-bàn mà không xả bỏ thọ mạng. Điều này không đúng bởi vì các thánh giả bất
hoàn thuộc loại thứ hai này chưa có được sự tự tại đối với việc xả bỏ thọ mạng.
Loại thứ ba đắc được
Niết-bàn sau khi sinh, không xả bỏ gia hành (apratipraśrabdha-prayoga), bởi vì
thánh giả có năng lực; thánh đạo không thuộc loại tấn tốc nên phải có sự nỗ lực.
Loại thứ tư đắc được Niết-bàn mà không có sự nỗ lực bởi vì thánh giả không có đủ
năng lực và thánh đạo không thuộc loại tấn tốc. Trên đây là giải thích của
Tỳ-bà-sa về hai hàng thánh giả này.
Có thuyết cho rằng sự
khác nhau giữa hữu hành và vô hành là hữu hành đắc được Niết-bàn nhờ vào loại
thánh đạo có sở duyên là các pháp hưu vi (saṃskṛta) như
khổ đế, tập đế và đạo đế; trong lúc vô hành lại nương vào loại thánh đạo duyên
các pháp vô vi (asaṃskṛta) như
diệt đế. Thuyết này phi lý vì mắc lỗi thái quá (atiprasangāt): Nếu nói như thế
thì sự khác biệt này cũng có thể tìm thấy trong hai loại đầu tiên của hạng bất
hoàn.
Theo khế kinh (Saṃyukta,
27, 23), Vô hành bát Niết-bàn được nói đến trước Hữu hành bát Niết-bàn và đây là
thứ tự rất hợp lý (tathā ca yujyate). Bởi vì trường hợp đầu là thánh đạo vô
hành, đắc được không do dụng công (ayatnaprāpti) cho nên sự chứng đắc thuộc loại
tấn tốc (vāhin); trong khi trường hợp sau là thánh đạo hữu hành, tất cả đều nhờ
vào sự dụng công cho nên không thể nhanh chóng chứng đắc Niết-bàn. Trong trường
hợp của Sinh bát Niết-bàn, thánh đạo còn tấn tốc hơn (vāhitara = jitatara) và
thù thắng hơn (adhimātratara) trong khi các phiền não (anuśayas) lại yếu ớt hơn
(mṛdutara).
Loại thứ năm là các thánh
giả có sự “lưu chuyển” (srotas), có nghĩa là có sự di chuyển (gati), lên cõi cao
hơn. Ở đây chữ srotas và gati có cùng nghĩa. Thánh giả này không đắc Niết-bàn ở
nơi đã tái sinh khi rời khỏi Dục giới mà lại đi lên cõi cao hơn.
Thánh giả hàng Dự lưu
được chia làm hai loại: Một loại tạp tư tĩnh lự và vì thế khi lên đến cõi trời
Sắc cứu cánh (akaniṣṭha) mới chứng đắc Niết-bàn; một
loại không tạp tu tĩnh lự và vì thế phải lên đến cõi trời Hữu đảnh.
Các thánh giả tạp tu tĩnh
lự và chứng đắc Niết-bàn khi lên đến cõi trời Sắc cứu cánh lại được chia làm ba
loại là Toàn siêu (pluta), Bán siêu (ardhapluta) và Biến một (sarvacyuta).
Thượng lưu toàn siêu là
khi ở Dục giới đã tạp tu cả bốn loại tĩnh lự; sau đó bị thối thất ba loại ở trên
mà chỉ còn loại sơ tĩnh lự. Đến khi mạng chung sinh lên cõi Phạm chúng thiên
(brahmakāyikas), nhờ vào thế lực từng tu tập tĩnh lự trước đây mà đã tạp tu đệ
tứ tĩnh lự trở lại. Đến khi mất ở cõi Phạm chúng thiên lại sinh thẳng lên cõi
trời Sắc cứu cánh, tức đã không “rơi xuống” (animajjana) cõi nào trong tất cả
mười bốn cõi trời ở giữa cõi trời đầu tiên của Sắc giới (brahmakāyika) và cõi
trời cuối cùng (akaniṣṭha) cho nên được gọi là Toàn siêu.
Thượng lưu Bán siêu là
khi mất ở cõi Phạm chúng thiên đã sinh lên cõi Tịnh cư thiên (śuddhāvāsa); sau
đó lại vượt qua mỗi cõi ở trung gian để sinh vào Sắc cứu cánh thiên. Vì không
hoàn toàn vượt qua tất cả các cõi ở trung gian cho nên chỉ gọi là Bán siêu.
Không bao giờ có trường
hợp thánh giả tái sinh vào Đại phạm thiên (mahābrahma) vì đây là cõi của tà
kiến: Chúng thiên ở cõi này xem Đại phạm như là người đã tạo ra thế gian và là
vị đạo sư độc nhất ở cõi này trong lúc đã là thánh giả bất hoàn thì không thể
thấp hơn Đại phạm.
Thượng lưu Biến một khi
mất ở cõi Phạm chúng thiên đã lần lượt thọ sinh ở tất cả các cõi trời tiếp theo
- ngoại trừ Đại phạm thiên - cho đến cõi trời cuối cùng là Sắc cứu cánh thiên.
Vì qua tất cả các cõi trời đến có chết đi để thọ sinh vào cõi tiếp theo cho nên
gọi là Biến một. Không có thánh giả bất hoàn nào thọ sinh lần thứ hai ở cõi đã
từng sinh (upapattyāyatana) bởi vì hàng thánh giả này chỉ cầu thắng tiến (viśeṣagamanāt) và đây cũng chính
là điều làm thành ý nghĩa của Bất hoàn, tức không bao giờ sinh trở lại nơi đã
từng sinh; đối với chỗ đang ở còn không muốn sinh trở lại huống là sinh vào các
cõi dưới.
Trong hàng thánh giả
thượng lưu, những vị nào có tạp tu tĩnh lự thì lên đến Sắc cứu cánh thiên mới
chứng đắc Niết-bàn. Những vị nào không có tạp tu tĩnh lự thì lên đến Hữu đảnh
mới chứng đắc Niết-bàn; tức vì trước đó không có tạp tu tĩnh lự mà chỉ chuyên
chú vào định cho nên đã sinh vào tất cả các xứ ở Sắc giới, ngoại trừ các cõi
thuộc Tịnh cư thiên. Sau khi mất ở Sắc giới lại lần lượt sinh vào ba cõi thuộc
Vô sắc giới cho đến khi lên đến Hữu đảnh mới chứng đắc Niết-bàn. Trong hai
trường hợp trên, các vị đầu thuộc về quán hạnh (vipasāyanacarita, prajñāpriya)
các vị sau thuộc chỉ hạnh (śmathacariya, samādhipriya) bởi vì có sự khác nhau
giữa lạc tuệ và lạc định.
Mặc dù các luận sư không
nói đến điều này nhưng chúng ta vẫn có thể nhận thấy một cách hợp lý rằng trong
hai trường hợp của thượng lưu ở trên đều có thể chứng đắc Niết-bàn ở các cõi
dưới trước khi họ lên đến Sắc cứu cánh thiên hay Hữu đảnh. Vì thế khi nói lên
đến cõi cao nhất là Sắc cứu cánh thiên hay Hữu đảnh là hàm ý sẽ không còn sinh
một lần nào nữa sau khi đã lên đến các cõi này chứ không có nghĩa là không có
một lần sinh ở các cõi này. Cũng giống như trong trường hợp của hàng Dự lưu, tuy
nói nhất định phải sinh trở lại bảy lần nhưng vẫn có trường hợp chưa đến bảy
lần.
Năm loại thánh giả trên
đây (tức trung hữu, sinh, hữu hành, vô hành và thượng lưu) đều thuộc hàng bất
hoàn bởi vì họ đều đi đến Sắc giới (hành Sắc giới).
Có một loại bất hoàn khác
được gọi là Hành Vô sắc giới (ārūpyopaga). Sau khi xả ly (virakta) Sắc giới, tức
sau khi chết ở đó, thánh giả này tái sinh vào Vô sắc giới. Trường hợp này chỉ
bốn loại là Sinh bát Niết-bàn, Hữu hành bát Niết-bàn, Vô hành bát Niết-bàn và
Thượng lưu. Trong đây không có Trung bát Niết-bàn vì Vô sắc giới không có trung
hữu.
Như vậy có sáu loại bất
hoàn gồm năm loại kể trên và loại hành Vô sắc giới, nếu không kể đến các loại
khác nhau của loại hành Vô sắc giới.
Một loại bất hoàn khác
đắc được Niết-bàn ngay ở đây, tức những hàng thánh giả “đắc được Niết-bàn ngay
trong đời này” (dṛṣṭdharma parinirvāyin). Đây là loại bất hoàn thứ bảy.
Ngoài sự phân loại trên
đây, còn có một sự phân loại khác đối với năm trường hợp của bất hoàn thuộc hành
Sắc giới.
行色界有九
謂三各分三
業惑根有殊
故成三九別.
[Hành Sắc giới có chín
loại,
Tức mỗi ba trường hợp đều
có ba loại.
Vì nghiệp, hoặc và căn
khác nhau
Nên lập thành chín loại.]
Luận: Ba loại bất hoàn,
mỗi loại được chia thành ba nhóm, tạo thành chín loại bất hoàn bởi vì tất cả đều
đi đến Sắc giới.
(Hỏi) Ba loại này là gì?
(Đáp) Đó là Trung bát
Niết-bàn, Sinh bát Niết-bàn và Thượng lưu.
(Hỏi) Tại sao lại chia
thành ba nhóm?
(Đáp) (1) Theo sự so sánh
của kinh thì có ba loại Trung bát Niết-bàn đắc được Niết-bàn là loại nhanh
(āśu), loại không nhanh (anāśu), loại sau một thời gian; (2) về Sinh bát
Niết-bàn thì cần phân biệt loại căn bổn Sinh bát Niết-bàn, Hữu hành bát
Niết-bàn, Vô hành bát Niết-bàn: Tất cả ba loại này vì đắc được Niết-bàn sau khi
sinh nên đều thuộc Sinh bát Niết-bàn; (3) về thượng lưu thì phải phân biệt ba
loại Toàn siêu, Bán siêu và Biến một.
Hoặc có thể nói rằng mỗi
trong ba loại bất hoàn này được chia làm ba nhóm là tùy theo họ đắc được
Niết-bàn nhanh, không nhanh hay phải sau một th