văn học luận giải Phật giáo

luan giai

ALEXANDER L. MAYER

 

 

 

C

ác tác phẩm luận giải Phật giáo đã trải qua một thời kỳ hơn 2000 năm. Sự phát triển phong phú của nó, chỉ một phần nhỏ cũng đã tồn tại qua những thăng trầm lịch sử và phản ánh thật sát những phương diện giáo lý cùng nhiều lĩnh vực văn hóa và sự phát triển tôn giáo, xã hội.

Trong ý nghĩa rộng nhất, có lẽ với khả năng của mình, mọi người quan niệm rằng tất cả kinh điển Phật giáo, đều qua sự giải thích: Kinh đề cập đến tuệ giác của đức Phật và về Đạo. Luận (A-tỳ-đạt-ma) giải thích về giáo lý được nêu lên trong Kinh. Văn hệ Đại thừa (Mahāyāna) là nhằm luận giải ý nghĩa về tánh Không (s: śūnyata; e: emptiness) bàng bạc sâu thẳm trong giáo lý. Các luận giải trau chuốt tinh vi về cú nghĩa (e: meaning; s: artha), có nghĩa là đòi hỏi sự chú ý đặc biệt. Các tác phẩm luận giải – bên cạnh các pháp môn tu tập khác, là thuộc về phương thức duy trì và truyền bá giáo pháp. Về ý nghĩa lịch sử văn hóa, tầm quan trọng của văn học luận giải chứa đựng trong nó khả năng phản ánh nền văn hóa nói chung và khuynh hướng tôn giáo, được xem như nơi gặp gỡ để phát triển kỹ năng phiên dịch và tạo ra những yếu tố nền tảng của tri thức.

Tán Ninh[1] đại biểu của truyền thống dịch kinh Trung Hoa, giải thích ý nghĩa của Luận giải Phật giáo qua tác phẩm của ông nhan đề Tống Cao Tăng truyện[2] rằng: Thành đạo giả, pháp dã. Tải pháp giả, kinh dã. Thích kinh giả, sớ dã. (成道者法也。 載法者經也。釋經者疏也) Thành đạo là nhờ vào pháp. Truyền bá giáo pháp là nhờ kinh. Giải thích kinh là nhờ vào sớ (luận) giải. (Đại chánh tạng, quyển 50, kinh số 2061, trang 735b). Luận giải, qua định nghĩa, được đặt theo hướng xuôi theo dòng chảy của truyền thống và do vậy, không bao giờ có thể thay thế cho kinh được. Thế nên khi ưu tiên đề ra ý nghĩa (s: artha) trước ngôn cú (s: vaccana), luận giải hy vọng sẽ lập lại và đưa ra ánh sáng những ý nghĩa ẩn chứa trong kinh.

 

Văn học luận giải Ấn Độ

Giáo pháp từ khởi thủy được gọi là luận giải. Thế nên môn đệ lúc ấy không chỉ học những điều mà đức Phật thường kêu gọi mọi người hãy chiêm nghiệm thật sâu sắc lời dạy của ngài; ngoài ra, đức Phật còn có một vài đệ tử, như ngài Xá-lợi-phất, cũng có khả năng tương đương để truyền dạy giáo pháp một cách trọn vẹn. Nhưng ở giai đoạn này vẫn còn là dạng khẩu truyền. Chỉ đến khi Tam tạng kinh điển Phật giáo được kết tập, chư Tăng mới bắt đầu viết luận giải. Trong tiến trình chú giải kinh điển, các trường phái phiên dịch phát sinh. Hai dòng luận giải chính ở Đông Nam Á hiện còn lưu hành là luận của Thượng tọa bộ (Theravāda) được viết bằng tiếng tiếng Pāli, và luận của phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivāda) và Căn bản Nhất thiết hữu bộ (Mūla-Sarvāstivāda) được viết bằng tiếng Sanskrit. Dòng sau được truyền sang Trung Hoa. Thêm vào đó, một số luận giải của các trường phái khác cũng còn được lưu hành.

Vào đầu thế kỷ thứ 5, ngài Phật Minh,[3] trên nền tảng luận giải của Tích Lan (Sinhala) cổ xưa – đã soạn một loạt luận giải từ tạng kinh Pāli. Trong số đó là hai bộ luận giải thích về giới luật: Thiện kiến luật chú 善見律注P: Samantapāsādikā; E: The All-Pleasing) và Giới bản chú 戒本注 (Kaṅkhāvitaraṇī; e: Overcoming Doubt). Thiện kiến luật chú đã được Tăng-già Bạt-đà-la (Saṅghabhadra)[4] dịch sang tiếng Hán năm 489 với nhan đề Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa. [5] Giới bản chú là luận giải về Giới luật (Ba-la-đề-mộc-xoa; 羅提木叉 s: Prātimokṣa). Cũng như trường hợp tạng Luật, khi tạng Kinh được kết tập, một số các luận giải về các bộ kinh ấy lại được biên soạn. Trong số đó, các tác phẩm luận giải đặc biệt quan trọng là của ngài Phật Minh từ trong Nikāya: 1: Cát tường duyệt ý luận 吉祥悅意論; p: Sumaṅgalavilāsinī). 2. Phá trừ nghi chướng luận 破除疑障論; p: Papañcasūdanī). 3. Hiển dương tâm nghĩa luận 顯揚心義論; p: Sāratthappakāsinī). 4. Mãn túc hy cầu luận 滿足希求論; p: Manorathapūraṇī). 5. Paramāṭṭhajotikā. Và các tác phẩm chú giải về A-tỳ-đạt-ma:

1.      Thù thắng nghĩa luận 殊勝義論 (p: Atthasālinī). Chú giải Pháp tụ luận 法聚論

2.      Saṃmohavinodanī.

3.      Pañcappakaraṇāṭṭhakathā.

Về phía Nhất thiết hữu bộ, các tác phẩm luận giải của phái này phần lớn chỉ được lưu giữ ở Trung Hoa. Bộ luận quan trọng nhất là Phát trí luận ( ; s: Jñānaprasthāna; e: Foundations of Knowledge) do ngài Già-đa-diên-ni tử (迦多延尼子 Kātyāyanīputra), biên soạn vào khoảng năm 50 ttl., trong đó liên quan đến sáu bộ luận:

1.      Pháp uẩn túc luận ( ; s: dharmaskandha):

2.      Tập dị môn túc luận ( ; s: saṅgītiparyāya):

3.      Giới thân túc luận ( ; s: dhātukāya):

4.      Phẩm loại túc luận ( ; s: prakaraṇa):

5.      Thức thân túc luận ( ; s: vijñānakāya):

6.      Thi thiết túc luận ( ; s: prajñaptiśāstra).

Bộ luận chính Đại Tỳ-bà-sa (Mahā Vibhāṣā; e: Great Exegesis) được kết tập trong một hội nghị do vua Ca-nị-sắc-ca (迦膩色迦 Kaniṣka) triệu tập, cũng có liên quan đến bộ Phát trí luận. Sáu trong bảy bộ luận thuộc tạng A-tỳ-đạt-ma này đã được ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán.

Văn học luận giải Trung Hoa

Dù rất khó để xác định mốc khởi đầu, nhưng giới nghiên cứu Phật học cho biết rằng ngài Chi Khiêm[6] và ngài Khang Tăng Hội[7] là những người đã biên soạn luận giải vào giữa thế kỷ thứ 3. Nhưng văn học luận giải có lẽ đạt được sự quan trọng chỉ vào thời của ngài Đạo An (312-385).[8] Từ văn học truyện ký (biographical lilerature), có thể thu thập các dấu hiệu một thời hưng thịnh của văn học luận giải trước đó. Đại biểu cho dòng văn học luận giải sớm nhất này là các tác phẩm Yin chi ru jing của Chan Hui, Nhân Bản Dục Sanh Kinh Chú của Đạo An,[9] Chú Duy Ma Cật Kinh của Tăng Triệu,[10] Fanwang jing Pusa jie của Pháp Hiển[11].

Vào đầu thế kỷ thứ5, một dòng luận giải mới được phát sinh. Ngài Đạo An và Trúc Đạo Sinh[12] đóng vai trò chính trong dòng chuyển tiếp này. Các bộ chú giải về kinh Niết-bàn của Fayao (420-477) và chú giải kinh Pháp hoa của Trúc Pháp Sùng[13] (Cả hai bản này đều đã thất lạc) và luận giải về kinh Pháp hoa[14] của Trúc Đạo Sinh là những đại biểu sớm nhất của trường phái luận giải mới này. Hai bộ luận giải đồ sộ từ nửa cuối thế kỷ thứ 6 nay vẫn còn lưu hành: Một là bộ sưu tập các chú giải về kinh Niết-bàn (gồm 70 quyển)[15] của ngài Bảo Xướng (Baoliang), bộ khác là sưu tập chú giải về kinh Pháp hoa của ngài (Fayun; 467-529)[16] nhan đề Fahua jing yiji, năm 529. Cả hai bộ luận này đều đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập các tông phái Phật giáo Trung Hoa, và cả hai bộ luận giải đều thể hiện vai trò trọng yếu trong thể loại văn học này, cụ thể là, mối liên quan rõ rệt hay ẩn tàng của văn học luận giải trước đây.

Dòng thứ ba của văn học luận giải Phật giáo Trung Hoa bắt đầu với các luận sư đời Tùy (589-618) và tiếp theo bởi một chuỗi dài các luận sư kiệt xuất đời Đường (618-907), những vị đã phát triển vị trí học thuyết của tông phái mình trong phạm trù nỗ lực hệ thống hóa các luận giải, để sau đó phát sinh những tông phái luận giải như Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, và Pháp tướng tông. Đại biểu nổi bật đáng lưu ý của dòng này là ngài Huệ Quang (Jingying Huiyuan; 523-596), Đại sư của Địa luận tông (Dilun) và Trí Tạng (Jizang; 549-623) của Tam luận tông; Đại sư Trí Khải (Zhiyi; 538-597), Quán Đảnh (Guanding; 561-632) và Trạm Nhiên 湛 然 Zhanran (711-782) của Tông Thiên Thai. Pháp tướng tông có ngài Viên Trắc 圓 測 (Wǒnch'u; Cao Ly; 613-696); Khuy Cơ (632-682); Huệ Chiểu 慧沼 (Huizhao ?-714) và Trí Châu (Zhizhou; 679-723); Hoa Nghiêm tông có Đại sư Trí Nghiễm 智 儼 Zhiyan, ngài Nguyên Hiểu 元 曉 (Wǒnhyo; Cao Ly; 617-686), ngài Pháp Tạng (Fazang 643-712), ngài Trừng Quán (Chingquan 738-840), và Cư sĩ Lý Thông Huyền (Li Tongxuan; ?-730), và Mật tông có ngài Nhất Hạnh (Yixing; 683-727).

Các bộ luận lớn thường chú giải về những bộ kinh lớn. Thế nên cùng một bộ kinh được chú giải bằng những bộ luận rất dài. Như kinh Kim Cang, kinh Pháp Hoa, kinh Bát-nhã là những bộ kinh thường được chú giải nhất ở Trung Hoa. Có vào khoảng 80 bộ luận giải tiếng Hán cho mỗi bộ kinh này hiện còn lưu hành ở Trung Hoa. Bên cạnh đó, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy-ma-cật, kinh Vô Lượng Thọ, kinh A-di-đà, kinh Viên Giác, kinh Niết-bàn, kinh Lăng-già, và kinh Phạm võng... thu hút rất nhiều sự chú tâm để chú giải. Những bộ luận giải hiện đang còn lưu hành được xem như là nguồn tư liệu quan trọng nhất về những thông tin trong sự hình thành và phát triển tư tưởng Phật giáo Trung Hoa.

Luận giải, tính phức hợp của truyền bá giáo pháp và bối cảnh của luận giải.

 

Sự phát triển của nền văn học luận giải Phật giáo Trung Hoa được ảnh hưởng bởi thực tế của việc hoằng truyền giáo pháp không có tính hệ thống. Trong hầu hết mọi thời, các bộ kinh lớn từ các nguồn xuất phát khác nhau là điều hợp lý để phản ánh các giai đoạn khác nhau của việc phát triển giáo lý Phật học. Tính đa dạng này phát sinh từ việc phiên dịch của Thiền tông vào thế kỷ  3 và 4 các kinh điển về tư tưởng Bát-nhã và Như Lai tạng, vào đầu thế kỷ 5 bởi một loạt các tác phẩm luận giải về Trung quán luận và A-tỳ-đạt-ma của Nhất thiết hữu bộ; và vào thế kỷ thứ 6, 7 với sự truyền bá A-tỳ-đạt-ma và Du-già hành tông có hệ thống của ngài Huyền Trang. Tình trạng này tất yếu phải tạo nên một phương pháp cho phép tích hợp một cách có hệ thống các giáo pháp thích nghi qua một tiêu chuẩn chung (phán giáo).[17] Tiền đề của các phương pháp này là các kinh điển có thể được ấn định cho các từng bậc khác nhau trong việc giáo hóa của đức Phật, là giáo pháp ấy đều nhắm vào các thính chúng khác nhau tùy theo căn cơ thuần thục của họ, và tạo nên ý nghĩa mở ra cho mọi cấp độ khác nhau. Trong ý nghĩa thực tiễn của luận giải, các luận giải này được phiên dịch thành các nguyên tắc về phiên dịch. Trước nhất trong những luận này là Tứ y[18] về chú giải kinh điển Phật học, đó là:

1.      Nhấn mạnh về nghĩa hơn là câu chữ.

2.      Nhấn mạnh về liễu nghĩa hơn là không liễu nghĩa.

3.      Nhấn mạnh về trí tuệ hơn là thức.

4.      Chú trọng về pháp hơn là về con người.[19]

Một số luận sư Trung Hoa cho thấy rằng luận giải của mình là xuất phát từ lời giảng, và luận giải thường được các môn đệ ghi chép lại trên có cơ sở từ các lời giảng, thế nên chúng ta có thể cho rằng hai lĩnh vực chính của luận giải là giảng nói và phiên dịch. Có chứng cứ hiển nhiên từ động Đôn Hoàng cho thấy văn cảnh thuyết pháp trong phiên dịch kinh điển, và nền tảng này dường như hoàn toàn không bao giờ mất đi. Trong bối cảnh phiên dịch từ ngôn ngữ Ấn Độ hoặc Trung Á sang Trung Hoa, các bản dịch không thể nào bị tách rời vì dịch giả thường được giải thích Kinh văn: trong khi dịch, và sự giải thích ấy thường bám sát theo chính Kinh văn. Thế nên, chẳng hạn, các luận giải của Tăng Triệu về văn hệ Bát-nhã ba-la-mật-đa là căn cứ vào chú giải của mình và của ngài Cưu-ma-la-thập, hoặc luận giải của ngài Khuy Cơ là được tạo nên từ bối cảnh phiên dịch hàn lâm của ngài Huyền Trang.

Phân loại các luận giải

Dạng cổ xưa nhất của văn học luận giải Trung Hoa là Chú (zhu), chỉ còn ba bộ trong số này hiện còn đang lưu hành, có lẽ nó xuất phát từ bối cảnh truyền giảng. Chú là dạng giải thích trực tiếp từng dòng đan chéo với nhau giữa hai hàng chữ trong chính văn. Những luận giải này được đề tựa qua sự giới thiệu bằng phiên dịch đề kinh và giảng giải toàn bộ kinh cùng nêu ra lý do của việc tạo luận. Dạng luận giải đơn giản này được thay thế bởi Sớ giải (shu), hình thành từ thế kỷ thứ 6 đến giữa thế kỷ thứ 9. Sớ giải thể hiện trọn vẹn nhất truyền thống học thuật và tu tập, trình bày các biểu tượng của văn học luận giải đang thịnh hành và đề ra một mức độ hầu như là rất tinh tế nên ít thích hợp cho hàng cư sĩ tại gia không chuyên nghiệp.

Hai khía cạnh đặc biệt chính của sớ giải, chính là phương pháp phân đoạn (kepan) và dẫn nhập đề tài. Dẫn nhập đề tài đề cập đến phạm vi của luận giải và vấn đề then chốt của Luận giải Phật giáo. Phần dẫn nhập gồm hai nhóm đề tài chính:

1. Giáo điều (mục tiêu của giáo pháp, ý nghĩa của nhan đề, tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, điều mà giáo pháp mong đợi ở thính chúng, mối liên hệ đối với các giáo lý khác).

2. Tính chất lịch sử: sự truyền thừa của tác phẩm và lịch sử của sự truyền bá, gồm cả nơi chốn và những quy ước, lịch sử quá trình phiên dịch và năng lực vi diệu của luận.

Loại dẫn nhập mang tính luận giải này ảnh hưởng không chỉ trong văn học luận giải Trung Hoa, mà cả trong các đề mục chính của luận giải Phật giáo. Do đó, ngài Thế Thân (thế kỷ thứ 4), một Luận sư tiêu biểu của nền văn học luận giải Ấn Độ, đã tóm tắt trong tác phẩm của ngài nhan đề Vyākhyāyukti[20] (chỉ còn lưu hành ở Tây Tạng): xác định mục tiêu của giáo pháp (prayojana), xác định ý nghĩa toàn diện (piṇḍa), ý nghĩa chi tiết (padārtha), xác định kết quả nội tại (anusaṃdhika), phản chứng đối phương (codyaparihāra), đứng trên phương diện thanh âm, ngôn cú (śabda) và nghĩa (artha) mà trình bày sự viên mãn của luận (yukti). Các Luận sư Trung Hoa phân loại hai đề mục đầu tiên của ngài Thế Thân là dẫn nhập đề tài độc lập, ba đề mục tiếp theo được sáp nhập vào chính văn của luận.

Ngài Thế Thân cho rằng tất cả lời dạy của đức Phật đều là viên mãn, mọi kinh điển đều là lời Phật dạy, chỉ có những lời viên mãn là cần yếu và xứng đáng được chú giải, và mọi người không thể nào hiểu được kinh luận trừ phi người ấy hiểu được mục tiêu của một giáo pháp nhất định. Cụ thể, mọi người phải hiểu được kinh luận với ý nghĩa nêu ra cho thính chúng, đặc biệt là khi thính chúng không thấy rằng mình đủ trình độ để hiểu ý nghĩa sâu hơn của kinh. Điều giả định sau này là yếu tố căn bản trong việc xác định quyền tự do của một nhà luận giải phải có khi giải thích kinh điển.

Phân tích về sự phân đoạn

Các luận giải mang tính học thuật của Trung Hoa còn được đánh giá qua phương pháp phân đoạn (kepan), qua đó tác giả ấn định cho kinh luận một chuỗi những thuật ngữ chú giải. Khía cạnh hiển nhiên của phương pháp này, vốn đạt được tầm mức quan trọng sau thế kỷ thứ 5, cốt ở chỗ phân đoạn mỗi bộ Kinh thành 3 phần:

1: Phần giới thiệu (Tự): nêu lên bối cảnh thuyết kinh (nơi chốn, thính chúng, nhân duyên).

2. Phần chính (Chánh tông): Phần nội dung chính của kinh.

3. Phần khuyến tấn: (Lưu thông): Diễn tả tâm hoan hỷ của người nghe và sự phát nguyện sẽ hoằng truyền giáo pháp.

Bộ ba phần của kinh văn này có lẽ đã phát xuất từ Phật địa kinh luận (Fodi Jing lun; T. 1530.26:291 c). Dù phân tích về phân đoạn liên quan đến việc dịch thuật qua ngài Đạo An, nhưng những mô thức của ứng dụng hiện đang còn lưu hành có thể tìm thấy trong Pháp hoa Kinh nghĩa sớ[21] của ngài Pháp Dung[22]. Trong phần đầu từ bộ ba phần của bộ kinh, các bộ luận giải có tính học thuật còn được phân ra thêm những lớp khác, bao gồm những thuật ngữ chú giải, (có khi đến vài trăm), là để giải thích rõ văn kinh. Một dạng chú giải thuật ngữ được phân biệt rõ từng phần của kinh như là lúc đối thoại giữa người giảng kinh và đối tượng đương cơ. Vì hầu hết các kinh đều là hình thức đối thoại giữa đức Phật và chúng đệ tử, nên rất hợp lý khi các nhà luận giải phải làm trong bước đầu tiên là phân đoạn tiến trình giảng kinh. Thực vậy, trong một số luận giải trước đây vào đời Đường, tiến trình chú giải được xây dựng trên nền tảng cuộc đối thoại. Nên biết rằng một tiến trình chú giải có thể bao gồm vài trăm thuật ngữ, người đọc ngày nay có thể ngạc nhiên, vì chẳng có mấy người đọc có thể theo dõi được cấu trúc mô tả giải thích của luận giải. Để khắc phục tình trạng này, một đồ biểu mô tả cấu trúc luận giải được phát triển. Dù như thể ở trong một tình trạng khác, hầu hết các phương pháp phân đoạn (kepan) và các biểu đồ đi theo đều bắt nguồn từ bối cảnh thuyết pháp, và không phải là một sản phẩm của văn hóa bản địa dạng trứ tác. Thực tế, cấu trúc phân đoạn (kepan) đã chỉ điểm cho thời gian lùi về sau, thời kỳ sớm nhất của luận giải Phật giáo, khi chúng được xem như giúp trí nhớ cho việc giải thích bằng khẩu ngữ.

Sau đời Đường, mô dạng cấu trúc phân đoạn (kepan) được thay thế bằng các phương pháp khác, và phần dẫn nhập tổng quát mang tính học thuật được thay thế bằng dạng thức mới và đơn giản hơn. Thể loại văn học luận giải như là toàn thể từ đời Tống (960-1279) về sau cho thấy một tiến trình đơn giản hóa, một sự biến đổi có thể do kết quả một phần nào đó từ sự xuất hiện của kỹ thuật in ấn mới.

Tiến trình đơn giản hóa này cũng là một phần của sự biến đổi lớn trong phạm trù xã hội của luận giải. Trong khi trước đời Tống, các Luận sư chủ yếu là Tăng sĩ Phật giáo, thì từ đời Tống về sau, phần đáng kể của nền văn học luận giải là được trứ tác bởi các Cư sĩ. Thêm vào đó, Thiền tông và tuyên bố của họ về đốn ngộ vốn không cần nhờ vào ngôn ngữ, lập nên sự hỗ trợ trong ý niệm nền tảng tuyệt đối vô ngôn của các pháp, là điều có thể thúc đẩy về thực chất của sự phát triển xa hơn cho kinh luận chính thống. Dù những yếu tố này, và dù có nhiều thừa nhận rằng thể loại luận giải Phật giáo đã đi qua đỉnh điểm của nó hàng thế kỷ, nhưng những luận giải về giáo pháp đạo Phật vẫn còn đang được viết tiếp.®

Thích Nhuận Châu  

dịch từ Encyclopedia of Buddhism;

Mac Millan RefferenceReference. USA. 2003, do R.E. Buswell chủ biên.





[1] Tán Ninh 贊寧 Zanning (919-999)

Đại sư họ Cao, pháp danh là Tán Ninh, nguyên quán ở Bột Hải, vào cuối đời Tùy dời đến ở huyện Đức Thanh thuộc quận Ngô Hưng. Ông sinh năm Kỷ Mão (919), niên hiệu Trinh Minh thứ 7 đời nhà Lương. Ông xuất gia trong khoảng năm Thiên Thành (926 - 930) đời Hậu Đường. Vào đầu năm Thanh Thái (934) ông vào núi Thiên Thai thọ giới Cụ túc, học luật Tứ phần, tinh thông luật của Nam Sơn (Đạo Tuyên). Sau đó Ngô Việt Trung Ý Vương tấn phong Tán Ninh làm Lưỡng nhai Tăng Thống, hiệu là Minh Nghĩa Tôn Văn Đại Sư.

Theo Thích Thị Kê cổ, quyển 4 thì Tán Ninh viên tịch tháng 2, mùa xuân, năm Hàm Bình thứ 2 (999), hưởng thọ 80 tuổi, đến tháng 3 nhập tháp tại chùa Thiên Thọ. Sách Tương Sơn Dã lục, quyển hạ viết: “Tăng Lục Tán Ninh có học thức sâu rộng, thông bác mọi việc xưa nay, viết hàng trăm quyển sách, Võ Xưng Vương Nguyên, Từ Kỵ Tỉnh Huyền hễ có nghi ngờ điều gì đều đến hỏi ông, và hết sức thán phục ông”.

[2]宋高僧傳 (c: Song gaoseng zhuan; e: Song Biographies of Eininent Monks); 30 quyển.

[3]佛鳴 Buddhaghoṣa; Còn gọi là Phật Âm 佛音, Giác Âm覺音, phiên âm là Phật-đà-cù-san sa 佛陀瞿沙. Một Ðại luận sư của Thượng tọa bộ (p: theravāda). Sư sinh trong một gia đình Bà-la-môn tại Ma-kiệt-đà (magadha), gần Giác Thành (bodh-gayā). Sau khi đọc kinh sách đạo Phật, Sư theo Phật giáo, đi Tích Lan học giáo lí của Thượng tọa bộ dưới sự hướng dẫn của Tăng-già Ba-la (p: saṅghapāla thera). Sư viết 19 bài luận văn về Luật tạng (s, p: vinayapiṭaka) và về các Bộ kinh (p: nikāya). Tác phẩm chính của Sư là Thanh tịnh đạo (p: visuddhi-magga), trình bày toàn vẹn quan điểm của phái Ðại tự (p: mahāvihāra) trong Thượng tọa bộ.

[4]僧伽跋陀羅 Saṃghabhadra. Ý dịch Chúng Hiền 衆賢 hoặc Tăng Hiền 僧賢。

[5] C: Shanjianlü pibosha 善見律毗婆沙 (T.1462).

[6] c: Zhi Qian (223-253) Ngài sống vào thế kỷ thứ 3, nhưng niên đại không được ghi chép lại chính xác. Ngài trước tên là Cung Minh, người xứ Nguyệt Thị (Scythians), vào đầu đời Tùy đến cư trú ở Hà Nam. Ngài thông thạo đến sáu ngôn ngữ khác nhau, theo học với ngài Chi Lượng, đệ tử của ngài Chi-lâu-ca-sấm 支樓迦讖. Ngài học nhiều biết rộng, người đương thời tôn xưng ngài với các ngài Chi Lượng và Chi-lâu-ca-sấm là Tam Chi,. Sau gặp loạn lạc, ngài phải lánh sang nước Ngô, được vua Ngô Tôn Quyền dùng lễ tiếp đón, tôn xưng là “Bác sĩ”, mời dạy cho thái tử Tôn Lượng học. Từ niên hiệu Hoàng Vũ thứ nhất triều Ngô (222) cho đến giữa niên hiệu Kiến Hưng (253), hơn 30 năm ngài dành hết tâm huyết, sức lực vào việc phiên dịch kinh điển sang Hán ngữ. Kinh điển do ngài dịch đều được người đương thời khen ngợi là văn phong ý tứ rõ ràng, thanh nhã. Đến năm thái tử nhà Ngô tức vị, tức là năm 262, ngài vào núi Long Sơn ẩn tu, y theo ngài Trúc Pháp Lan nghiêm trì giới luật. Ngài thị tịch trong núi. Năm sinh, năm mất đều không được rõ, chỉ biết ngài thọ được 60 tuổi. Theo Lương Cao Tăng Truyện, ngài dịch được 49 bộ kinh. Theo Lịch Đại Tam Bảo Ký thì số kinh ngài dịch được là 129 bộ. Tuy nhiên, con số còn truyền lại được đến nay trong Đại Tạng Kinh là 54 bộ.

[7]康 僧 會 (c : Kang Shenghui; ?-280). Cao tăng Việt Nam. Sư sinh tại Giao Chỉ, cha mẹ mất lúc lên mười, thông thạo chữ Phạn và Hán, là người phiên dịch kinh đầu tiên ở Việt Nam như Lục độ tập kinh, Cựu tạp thí dụ kinh ; sáng tác các tác phẩm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam như Lục độ yếu mục, Nê-hoàn phạm bối, chú giải kinh An-ban thủ ý. Sư được xem là người khởi nguyên Thiền tông Việt Nam. Cuối đời, Sư sang Nam Kinh (Trung Quốc) và mất tại đây năm 280.

[8] Đạo An 道安 (312 – 385).

Cao tăng thời Đông Tấn, họ Vệ, quê ở Phù Liễu, Thường Sơn (Hà Bắc), sinh vào niên hiệu Vĩnh Gia thứ 6 triều Đông Tấn (312). Có thuyết nói là vào niên hiệu Kiến Hưng thứ 2 (314). Năm 12 tuổi ngài đã xuất gia tu học, thông minh mẫn tiệp, tinh thông kinh luận. Ngài theo học với Phật Đồ Trừng. Sau, phương Bắc binh lửa loạn lạc, ngài phải cùng thầy lánh nạn đi khắp nhiều nơi, đến Tương Dương, Hồ Bắc thuyết giảng giáo hóa trong 15 năm. Vua Phù Kiên nhà Tiền Tần nghe danh ngài, mang binh đánh Tương Dương chỉ cốt để đón ngài về Trường An, thỉnh đến chùa Ngũ Trùng, dùng lễ thầy trò mà phụng kính. Ngài thường khuyên Phù Kiên nên cầu thỉnh ngài Cưu-ma-la-thập về Trường An. Sau, Phù Kiên sai người mang quân đánh Khưu Từ cũng chỉ vì việc ấy. Ngài trước thuật, chỉnh lý rất nhiều bản dịch trước đó, rồi biên soạn thành một cuốn mục lục kinh điển, có thể xem là cuốn mục lục kinh tạng sớm nhất tại Trung Quốc. Rất tiếc là công trình giá trị này đến nay không còn nữa. Tuy nhiên, bộ Xuất Tam Tạng Ký Tập của Tăng Hựu vào triều Lương đã căn cứ vào công trình này của ngài mà soạn thành. Ngoài ra, ngài dồn hết tâm huyết, trí lực vào việc phiên dịch, chú giải, kinh luận. Cộng cả thảy được 22 bộ. Trong khi chú thích kinh điển, ngài đề xuất phép phân chia mỗi bộ kinh thành ba phần là Tự phần, Chánh tông phần và Lưu thông phần. Phép phân chia này đã được tuân theo mãi cho đến ngày nay. Ngài cũng chế định nhiều quy tắc, lễ nghi cho tăng đoàn, và khởi xướng việc lấy họ Thích đứng trước pháp hiệu của tất cả những người xuất gia. Chính bản thân ngài xưng pháp hiệu là Thích Đạo An trước nhất. Trong việc nghiên cứu kinh luận, ngài lấy hệ thống kinh điển Bát-nhã làm chủ yếu. Nhưng ngài cũng rất tinh thông các kinh A-hàm, A-tỳ-đạt-ma. Ngài thị tịch vào niên hiệu Thái Nguyên thứ 10 (385).

[9] C: Ren ben yu sheng jing shu (1 quyển). T. 33,

[10] Tăng Triệu 僧 肇; C: sēngzhào; J: sōjō; 374 hoặc 378-414;

Ngài là luận sư xuất sắc nhất của Trung Quốc ở đầu thế kỉ thứ năm và cũng là người đầu tiên trong Phật giáo Trung Quốc nắm vững và trình bày hoàn hảo giáo lí tính Không của Long Thụ. Tác phẩm nổi tiếng nhất là Triệu luận (肇 論)Bảo tạng luận (寶藏 論). Sư cũng soạn bài tựa cho kinh Duy-ma-cật, bài tựa cho kinh Trường A-hàm, bài tựa cho Bách luận.

Sư là người Kinh Triệu, xuất thân từ một gia đình nghèo. Sư có nghề viết mướn nên có điều kiện đọc rất nhiều sách và rất chú tâm đến các lời dạy của hai vị Lão Tử, Trang Tử. Sau khi nghiên cứu kĩ quyển Ðạo đức kinh của Lão Tử, Sư tự than: “Hay thì hay lắm nhưng còn trụ nơi hư vô, chưa đến chỗ tột cùng.” Sau khi đọc được kinh Duy-ma-cật sở thuyết (s: vimalakīrtinirdeśa-sūtra) – bản dịch của Cưu-ma-la-thập (s: kumārajīva) – Sư hoan hỉ nói: “Nay mới biết được chỗ về!” Sư nhân đây phát tâm xuất gia, trở thành tăng sĩ và đến với Cưu-ma-la-thập tại Cô Tàng, xin được theo học ý chỉ. Sau khi Cưu-ma-la-thập dời về Trường An, Sư cũng theo thầy về đó để phụ giúp trong việc dịch thuật. Nơi Cưu-ma-la-thập, Sư ngộ được giáo lí Trung đạo, giáo lí tính Không của Long Thụ.

Sư nổi tiếng với tính cách của một tư tưởng gia và văn sĩ là nhờ bốn quyển sách, gọi chung lại là Triệu luận (肇 論), bao gồm: Bát-nhã vô tri luận (般 若 無 知 論), Bất chân không luận (不 真 空 論), Vật bất thiên luận (物 不 遷 論) và Niết-bàn vô danh luận (涅槃 無 名 論). Trong đó, Sư nêu tính thống nhất của tương đối và tuyệt đối, của hiện tượng và bản thể, chúng vừa không rời nhau, vừa đối nghịch nhau. Tác phẩm của Sư hết sức uyên bác và có trình độ văn chương cao, là những tổng hợp thật sự của tư tưởng Trung Quốc và Ấn Ðộ.

[11] Faxian (337-418)

[12] Trúc Đạo Sinh 竺道生 người họ Ngụy . Ngài được sinh ra khi gia đình cư ngụ ở Bành Thành , nay là Từ Châu phía Bắc tỉnh Giang Tô . Nguyên quán gia đình trước ở miền Tây nam tỉnh Hà Bắc chuyển về huyện Cự Lộc 钜鹿.Trúc Đạo Sinh xuất gia với ngài Trúc Pháp Thái (320-387) tại chùa Ngõa Quan ở Kiến Khang. Cùng ngài Đạo An tham học với ngài Phật Đồ Trừng.”Chú bé thông minh này rất khôi ngô. Cùng ngài Đạo An đến Tân Dã 野新新野, ngài đã đến Lô Sơn (dãy núi nằm về hướng nam của Kiukiang trên sông Dương Tử), là trung tâm sinh hoạt Phật giáo, sớm nhất vào năm 397. Ở đây ngài gặp Huệ Viễn (334-416) và Tăng-già Đề-bà (Saṃghadeva 僧伽提; 365-384), một Luận sư thuộc Nhất thiết hữu bộ từ Kashmira đến Lô Sơn chừng 4-5 năm sau năm 385, và ở đây, ngài đã dịch A-tỳ-đạt-ma tâm luận được biên soạn bởi ngài Dharmarśresti năm 391 và Kinh Tridharmaka Sūtra, thuộc hệ A-hàm

[13] Pháp hoa Nghĩa Sớ. 法華義疏, 4 quyển

Trúc Pháp Sùng 竺法崇: Cao Tăng Trung Hoa đời Tấn. Xuất gia từ nhỏ tuổi. Nghiêm trì giới luật, thông minh hiếu học. Chuyên trì kinh Pháp hoa và mật chú, Đời Tây Tấn Vũ đế, niên hiệu Thái Thủy năm thứ tư, 268) Sư trụ ở Tương Chân, sau về núi Cát Nghiên ở Diệm Chi cho đến khi viên tịch.

[14] Diệu pháp Liên Hoa kinh nghĩa sớ 妙法蓮華經義疏 Miao-fa-lien-hua ching i-shu. Được đề cập trong phần tiểu sử. Hiện còn trong Hsü 2B 23/4 dưới tiêu đề Pháp hoa sớ. Bản khắc gỗ rất đặc sắc, riêng biệt phần kinh và luận giải vừa được in ở Bắc kinh bởi Fo-hsüeh shu-chü.

[15] Niết-bàn Kinh nghĩa sớ; c: Ni-hsüan ching i-shu ; 泥洹經義疏. Còn trong Niết-bàn kinh tập giải 涅槃經集解 , 71 quyển, Taishō 1763; Tập giải vốn thường gồm có 72 quyển, gồm cả một bản mục lục, được kết tập do Tăng Lãng (Pháp Lãng) 僧朗 cùng với Bảo Xướng 寶唱 theo lệnh của Lương Vũ đế vào khoảng giữa năm 509- 519. Việc sưu tập lại các chú giải ấy có đến 20 vị tăng.

[16] Có thể là Đạo Dung 道融 theo Thang Dụng Đồng ( KSCH 5.p. 462. 16), Đạo Dung là tác giả của các bộ luận giải về kinh Pháp hoa.

[17] Panjiao: Tông Thiên Thai

[18] Tứ y: e: fourfold prop; s: atvāri pratisaraṇāni, rton-pa-bshi:

1. Y Pháp bất y nhân 依法不依人 (s: dharma-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na pudgala-pratisaraṇena)

2. Y liễu nghĩa kinh bất y bất liễu nghĩa kinh 依了義經不依不了義經 (s: nītārtha-sūtra-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na neyārtha-sūtra-pratisaraṇena).

3. Y nghĩa bất y ngữ 依義不依語(s: artha-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na vyañjana-pratisaraṇena).

4. Y trí bất y thức 依智不依識 (s: jñāna-pratisaraṇena bhavitavyaṃ na vijñāna-pratisaraṇena)

[19] Bản tiếng Anh không ghi điều nầynày.

[20] E: Practice of Exegesis.

[21] C: Fahua jing yiji; T.1715.33:574c.

[22] C: Fayun; 467-529

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle