Hoàng Công Danh
Sư thầy đang ngồi trong thư phòng soạn
lời cho buổi pháp thoại sắp tới thì đột nhiên điệu Sanh chạy vào. Vẻ gấp gáp,
điệu Sanh túm lấy hông áo thầy và giục: "Thầy nhanh ra coi!" Dù chưa rõ chuyện
gì, nhưng sư thầy luôn chiều theo ý của điệu Sanh.
Thầy bước đến thềm cửa, nhìn ra chỗ gốc cây si ở trước sân chùa,
thấy một nam một nữ đang ngồi ở ghế đá, tựa vai vào nhau. Điệu Sanh nói với vẻ
tiếc nuối: "Thầy ra sớm chút nữa là hay rồi!"
Từ hôm đó sư thầy phạt điệu Sanh bằng cách phải nhặt lá si ở sân
chùa. Trước nay, sân chùa mỗi ngày chỉ quét một lần vào sáng sớm, nhưng bây giờ
thầy nhủ hễ lá nào rơi xuống thì điệu Sanh phải nhặt lên, cho vào chiếc giỏ mây
mang theo bên mình. Điệu Sanh khoác giỏ vào, lâu lâu nếu trời đứng gió, lá không
rụng thì điệu ngửa mặt lên kêu: "Thổi đi gió ơi cho tôi lượm lá!" Có vẻ điệu
Sanh thích thú với nhiệm vụ mà sư thầy gọi là "công án thiền - nhặt lá rụng
trong tâm". Điệu Sanh hỏi: "Thầy ơi! Có phải nhặt lá là để các cô các chú ngại
con, không dám tới đây tựa vai nhau nữa?" Thầy mỉm cười, không trả lời mà chỉ
nhủ điệu Sanh: "Con cứ nhặt đi, bao giờ con thấy sạch rồi thì sẽ rõ thôi". Điệu
Sanh ngơ ngác nhủ thầm: "Cây rậm tán thế biết đến khi nào mới rụng hết lá si
được?"
Ngôi chùa này nhỏ thôi, chỉ có sư thầy và mấy đệ tử, nhưng khách
đến viếng không phải ít. Một hôm, có nữ thí chủ độ bốn mươi tuổi vào thăm chùa.
Trông chị có vẻ khá giả, ăn mặc đẹp, đeo dây chuyền vàng, mặt thoa phấn trát son
thơm phức. Sư thầy rót trà tiếp khách, như thường lệ mỗi lần có người đến chùa.
Đối với thầy, mọi người đều đáng kính như nhau. Vào cửa Phật, sang hèn đều là hư
ảo mà thôi. Ngó qua dung mạo, thầy biết nữ thí chủ có nỗi khổ tâm. Mà thật ra ai
cũng mang nỗi khổ tâm cả, lắm người đến đây lúc đầu giấu giếm, cứ bảo hạnh phúc
bình an, nhưng hồi sau thấy thầy gần gũi nên dần dần họ bộc bạch mong được hóa
giải giúp.
Thầy nghiêng vòi ấm cho nước vào chén. "Uống đi chị! Trà này ướp
hương sen từ tối qua." Nữ thí chủ cầm tách trà, nhấp môi, khen trà thơm rồi hỏi
thầy cách ướp trà. Thầy nói sau nương chùa có hồ sen, ban đêm thả vào nhụy đóa
một ít trà sao. Sương suốt đêm thấm vào trà và quyện lấy hương sen. Sáng ra khẽ
tay hứng nhúm trà đó đem cho vào ấm. Hoa cũng như người, vẻ ngoài dẫu thanh cao
hay hèn mạt thì trong lòng vẫn có hương thơm, chỉ cần khéo một chút là ta nhận
được niềm vui từ lòng nhau.
Thầy tiếp khách tự nhiên như thế, không cần phải han hỏi tên tuổi
gia cảnh hay nỗi niềm. Cứ để cho khách tự mở lòng mình. Buổi đầu đến chùa, chị
cũng không nói gì nhiều, bảo chỉ đến thăm viếng cho biết thôi. Khi sư thầy tiễn
chị ra sân, trông thấy điệu Sanh chạy tới chạy lui giỡn lá, chị quay sang: "Chú
tiểu này ngộ quá, thầy ha?" Nói xong, chợt chị chạnh buồn, vái tay chào thầy rồi
đi ngay.
Qua vài lần tiếp xúc, thầy cũng được biết hoàn cảnh của nữ thí chủ.
Chị đã từng có chồng nhưng không sanh được con nên đồng ý ly dị, anh đi lấy
người khác để kiếm con. Từ đó chị ở một mình, bán vải ở chợ. Thu nhập cũng không
đến nỗi nào nhưng chị hay buồn rầu, nhất là mỗi lúc thấy người ta dắt con vào
quầy sắm vải. Những khi ấy chị thường không lấy tiền vải, chị bảo chỉ cần thấy
trẻ con là vui lắm rồi. Thấy trẻ con, chị đều coi như đó là con mình.
Thỉnh thoảng thầy vẫn gặp những người có hoàn cảnh như chị đến chùa.
Có người muốn vào chùa xin bế trẻ con về nuôi, ấy là những đứa trẻ từ khi còn
nhỏ bị bỏ rơi trước cổng chùa. Trường hợp này thầy cũng đã gặp vài lần. Có người
lại muốn vào chùa xuống tóc đi tu luôn, những khi ấy thầy thường tìm cách khuyên
giải, chuyển hóa. Nếu họ vẫn nằng nặc đòi tu thì thầy cho phép ở lại trong chùa
nhưng bảo họ khoan xuống tóc. Cửa từ bi luôn rộng mở nên không cần vội vàng.
Tuy nhiên, nữ thí chủ này lạ lắm, chị đến đây không phải vì hai nhẽ
trên. Cứ ngày rằm hay mùng một hằng tháng chị lại đến chùa, đôi khi ở chơi suốt
buổi. Có bữa chị nói rằng thầy tuy không gia đình nhưng lại có rất nhiều con.
Những chú tiểu, rồi các thí chủ đều xưng con với thầy. Còn chị, chị đã từng lập
gia đình mà lại chẳng có con. Rồi chị cười, méo xệch.
Khách đến viếng chùa thấy chị hay lui tới cũng sinh dị nghị. Một
người đàn bà có nhan sắc, lụa là son phấn mà đi một mình là chắc có nhẽ gì rồi?
Bụng dạ người đời không xấu, nhưng trông thế ít nhiều người ta cũng thoáng nghi
ngờ chị vướng tơ lòng với sư thầy.
Tháng trước chị đến chùa, vẻ buồn thảm hơn mọi khi. Thầy coi bộ chị
muốn khóc lắm rồi, nếu vậy thì nên đưa chị ra ngoài cho thoáng, ngồi trong chùa
lại quấy quá cửa thiền. Thế là thầy mời chị ra ngồi ở ghế đá dưới cây si, chỗ
thầy từng thấy đôi trai gái hôm bữa. Sư thầy vẫn chưa biết chị cần gì, chị không
cần xin con nuôi, cũng không muốn đi tu. Tự dưng chị chảy nước mắt, tựa đầu lên
vai thầy. "Đôi khi con cũng muốn có một bờ vai để tựa lắm, thầy ơi!" Sư thầy vẫn
cứ ngồi yên như hóa tượng.
Vài lần sau chị đến chùa, lại xin thầy cho tựa đầu vào vai một lúc.
Chỉ thế thôi, không hề ngợi nghĩ đến cảm giác trần tục. Đơn giản là chị muốn
được nhắm mắt để trí óc yên tĩnh trên một bờ vai chân chính.
Từ dạo đó khách đến chùa vãn đi trông thấy. Lại nghe phong thanh
chuyện quý đạo hữu đề nghị giáo hội mời sư thầy khác về làm trụ trì. Mấy đệ tử
trong chùa ngó thấy cảnh này đâm ra không còn tin tưởng thầy như trước, họ xin
thầy cho đi chùa khác tu. Thầy đồng ý, tự nhủ với lòng mình điều tâm niệm thứ
mười của nhà Phật: oan ức không cần bày tỏ.
Tuy đã tu lâu rồi, lòng thầy như đã an lắm rồi, nhưng nhìn từng đệ
tử khoác túi vải rời chùa, thầy cũng chạnh buồn chút chút. "Các con của ta cứ bỏ
mà đi. Biết đâu đến một lúc ta lại thành không con, như nữ thí chủ ấy. Đó là lẽ
vô thường chăng? Sắc sắc không không." Riêng điệu Sanh vẫn ở lại với thầy, vì
điệu ấy nhỏ tuổi nhất, còn vô tư lắm. Điệu Sanh chưa biết những chuyện phải trái
trong cõi người. Hay ngược lại, chính điệu Sanh mới là người hiểu rõ nhất?
Thầy đang đứng trước thềm chùa vẩn vơ nghĩ ngợi thì điệu Sanh chạy
tới kéo thầy ra dưới tán si. Điệu trỏ tay xuống nền: "Thầy ơi, ngộ quá! Có hai
chiếc lá đang tựa vào nhau. Gió thổi mà chúng vẫn không hề xê dịch như mấy chiếc
lẻ đơn kia."
Sư thầy xoa đầu điệu Sanh: "Ừ. Khéo quá ha. Bữa nay thầy cho phép
con thôi nhặt lá." Điệu Sanh hơi bất ngờ, ngước mặt lên hỏi lại: "Thế ai sẽ nhặt
hả thầy? Các sư huynh đi cả rồi. Có phải thầy sẽ nhặt không?"
Ừ. Phải chăng bây giờ đến phiên thầy nhặt lá si? Câu hỏi bâng quơ
của điệu Sanh khiến thầy giật mình. Im lặng. Chợt điệu Sanh nhớ lại chuyện hôm
bữa có hai cô chú ngồi ở chỗ ghế đá này, điệu reo lên:
"A! Con biết rồi. Cứ để yên thế cho người ta tựa vai vào nhau, khỏi
ngần ngại. Phải không thầy?"
*
Đêm mưa gió, lá ngoài kia trút nhiều. Điệu Sanh nằm nghĩ chắc sáng
mai phải dậy sớm cùng thầy quét chùa, rồi ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ điệu Sanh
thấy các sư huynh mang tay nải quay lại chùa, quý đạo hữu cũng đến viếng chùa
đông như mấy bữa. Trước chùa, không có ai nhặt lá mà sân sạch, si sạch.
Nguồn: Tập san Hoằng pháp 31