Chiêu Hoàng
Thiên hạ thường gọi tôi là "thằng khờ".
Nhất là đám con nít trong xóm, cứ hễ khi nào tôi ra đường một mình chúng cũng
đều xúm vào trêu ghẹo, nhẫn đến có đứa quá khích động liệng cả đá vào tôi nữa:
"Ô kìa, ra mà coi thằng khờ tụi bay ơi!!"
Những lúc bị chúng bắt nạt, đánh như thế, tôi thường khóc rống lên, ôm đầu chạy
tuốt về nhà:
"Mẹ ơiiiii..... Mẹ ơiiiiii..... Chúng đánh con đau quá....Hu...hu...hu..."
Lần nào cũng vậy, mẹ đều xót xa, ôm tôi thật lâu trong lòng cho đến khi tôi cảm
thấy ấm áp, an lạc:
"Mẹ đã dặn con bao lần mà con vẫn không nhớ. Chớ nên ra đường
chơi một mình mà không có mẹ. Chúng sẽ ném đá và làm con đau đớn. Con nhớ
chưa?"
"Con nhớ! Híc..híc..híc..."
"Ngoan lắm. Nào cho mẹ xem con bị đau đâu."
Nói rồi. Bà tỷ mỷ nhìn từng phân vuông trên da thịt tôi,
sờ đầu, nắn tay, chân v.v.. để
chắc chắn tôi không bị bầm vập, trầy sướt chỗ nào.
"Mẹ ơi. Thằng khờ là gì hở mẹ?"
"Có nghĩa là một đứa trẻ vì một lý do nào đó mà đầu óc nó phát triển rất chậm -
như con vậy - Con năm nay đã mười hai tuổi, nhưng não bộ của con chỉ bằng một
đứa trẻ lên năm. Lại nữa, đôi khi một vài bộ phận trong cơ thể
không nhận được tín hiệu từ não bộ, hoặc nhận một cách sai lạc, nên hành động
trở thành vụng về, lệch lạc rất nhiều. Cơ thể thì phát triển một cách bất bình thường, dị dạng.
Một vài cơ quan trên người bị teo lại hoặc lệch đi. Như miệng con hơi bị
méo, lệch hẳn qua một phía. Đầu óc thì khi nhớ, khi quên.
Bộ óc không đủ khả năng để nhớ được một chuyện mới xảy ra vài ngày trước đó.
Những tư tưởng thì cứ nhảy lên liên tục, hết ý niệm này nối tiếp với ý niệm khác.
Niềm vui, nỗi buồn luân chuyển luôn luôn, phát sinh ra những hành động hồ đồ khi
khóc, khi cười không thể kiểm soát nổi..."
Mẹ nói dài quá, tôi chẳng hiểu gì.
"Não bộ", "phát triển", "cơ thể bất bình thường" v.v.. và nhiều từ khác... Tất cả những ngôn từ ấy
đều rất trừu tượng đối với tôi. Tóm lại, tôi chỉ hiểu đại khái "thằng
khờ" chính là tôi, mười hai tuổi, nhưng chỉ bằng một đứa bé lên năm.
A ha… Như vậy cũng tốt lắm chứ! Chả thế mà lúc nào tôi
cũng được mẹ đặc biệt chăm sóc. Thỉnh thoảng còn thấy
mẹ vừa ôm tôi vào lòng vừa khóc nữa...
Mẹ rất thương tôi. Tôi chỉ thấy bằng cảm giác.
Rõ rệt nhất về tình yêu bà dành cho tôi là bà thường ôm tôi vào lòng, để tôi co
gọn người trong lòng bà, nghe hơi ấm từ ngực bà truyền sang, cảm nhận được tình
yêu bà dành cho tôi thật bao la. Đôi khi sung sướng quá, tôi cứ chỉ muốn mình
mãi mãi là một đứa bé năm tuổi, mãi mãi là thằng khờ của mẹ.
Về ngoại hình - dưới con mắt cực kỳ chủ quan - tôi tự nghĩ có
lẽ mình trông không đến nỗi tệ. Đôi mắt hơi lớn.
Miệng bị lệch nên lúc nào cũng hở, rãi rớt cứ chảy ra ròng ròng mà tôi chẳng hề
biết, vì vậy mà ngực áo lúc nào cũng ướt. Mẹ phải đeo
thêm cho tôi một cái yếm cho đỡ lạnh ngực.
Mẹ biết tôi rất thích mầu sắc nên cái yếm nào cũng đầy mầu xanh, đỏ, tím, vàng
v.v.. (Những cái yếm này nhiều khi cũng làm
trò cười cho thiên hạ).
Tôi thích nhất cái yếm có hình cầu vồng ngũ sắc, vì tôi luôn luôn nghĩ rằng mình từ đó mà ra.
Thật tuyệt diệu khi được sinh ra từ một vùng đầy mầu sắc như thế!
Mặc dù tôi là con trai, nhưng mẹ tôi lại cắt tóc bum bê (chắc mẹ chỉ biết cắt
một kiểu đó thôi!). Đằng trước là một mảng tóc che cái trán
ngang xuống tới chân mày. Khuôn mặt hơi vuông, nên với kiểu tóc như vậy trông tôi lại càng ngờ
nghệch.
Đôi tai hơi to quá khổ, vểnh ra phía trước. Một đôi
lần, nhìn ngắm mình trong gương, tôi thấy mình cũng đẹp trai lắm nên hay
mỉm cười và...làm điệu với chính mình...
Tôi không đến trường. Mẹ bảo đang xin cho tôi vào một ngôi trường cho những trẻ em khuyết
tật, nhưng vì trường quá xa nhà, đưa đón không tiện nên mẹ giữ tôi ở nhà luôn. Chỉ một tháng một lần, đưa tôi đi bác sĩ và lấy thêm thuốc mà thôi.
Những lúc rảnh, mẹ thường lôi những quyển sách tập cho tôi
nhận diện qua hình ảnh.
"Xe đâu?" Mẹ hỏi.
Tôi nhìn một lúc rồi chỉ vào chiếc xe
mẹ đă dạy rất nhiều lần.
"Giỏi lắm. Xe mầu gì?"
"Mầu... mầu..."
Tôi cố lục tung trong đầu những ngôn từ mà mẹ vừa dạy
trước đó coi cái mầu của xe là mầu gì. Chà. Cả tỷ thứ
nhảy lung tung trong đầu mà bất ngờ tôi chưa thể nhận
diện ra cái nào là cái nào... Hưm... Mầu gì nhỉ?
"Mầu?" Giọng mẹ nhắc nhở..
"Mầu.... xanh..."
"Sai rồi! Mầu đỏ đấy chứ.
Nè. Trái táo này cũng là mầu đỏ. Nhớ chưa?"
Tôi bá lấy cổ mẹ:
"Mẹ ơi. Cái xe cũng là trái táo hở
mẹ?"
"Ưm... Không phải đâu. Cái xe này chỉ cùng màu với trái táo thôi. Nó không phải là trái táo. Nhớ nhé!"
Tôi ngồi dựa hẳn vào ngực mẹ, nghe hơi ấm từ ngực bà truyền
qua. Âm thanh từ môi bà bay ra như mơ, như thực. Bà nói cái gì mà nhớ với quên? Tuyệt nhiên tôi không thể nhận ra bà đang nói gì.
"Nón đâu?"
Tôi mệt mỏi, không muốn suy nghĩ gì nữa hết, chỉ bừa vào một
cái hình trong quyển sách đầy những hình ảnh và mầu sắc.
Mẹ kêu khẽ:
"Không phải đâu! Đó là con ngựa. Con ngựa có bốn cái
chân và một cái bờm ở trên đầu. Con nói đi. Con ngựa!"
"Con ngựa...". Tôi lặp lại một cách
máy móc.
"Ngoan lắm..."
Mẹ biết tôi đă mệt và bắt đầu lười biếng suy nghĩ. Nên bà yên lặng. Nhìn mông lung qua khung cửa sổ sáng lòa
những nắng. Tôi thương đôi mắt mẹ.
Mắt mẹ to, có mầu nâu hạt dẻ, hun hút một chiều sâu khó hiểu. Lần nào
nhìn sâu vào mắt mẹ,tôi chỉ muốn ngụp lặn thật sâu trong đôi mắt ấy.
Tôi thấy được nỗi buồn mênh mang, mênh mang…
Gia đình tôi rất nghèo. Chỉ có hai mẹ con sống trong một căn phòng nhỏ.
Mẹ không bao giờ nhắc đến cha tôi, tôi cũng chẳng bao giờ hỏi mẹ về Cha, vì đối
với tôi, tất cả đều rất mơ hồ, lãng đãng. Tôi chỉ biết có Mẹ và không
gian riêng tư rất hạn hẹp trong căn phòng nhỏ này. Chỉ cần đi
tung tăng vài bước là hết phòng. Góc bên kia là
bếp. Mẹ ngăn một cái hàng rào gỗ cao để tôi không vào được.
Mẹ bảo phòng khi hỏa hoạn. Tôi chẳng hiểu hỏa hoạn
là gì. Nhưng mẹ cấm tiệt tôi không được bén mảng đến khu ấy.
Ngoài ra, tôi có thể ngồi lui cui chơi một mình cả ngày với
mấy món đồ chơi lỉnh kỉnh. Tôi rất thích cây súng ngắn, làm bằng một loại
gỗ khá nặng, trông y như thật, rất đẹp mắt. Những lúc tâm hồn bấn loạn, bất an,
nhất là những lúc lên cơn, tôi như người nhập đồng, la hét, lăn lộn, và trở nên rất dữ tợn. Cơn giận dữ ùn ùn xô tới như
cơn bão, tôi đập phá bất cứ gì ở trong tầm tay. Một lần, tôi dùng cây súng bổ xuống đầu mẹ phọt máu,
nhìn thấy máu chảy dài trên mặt mẹ, tôi càng thêm điên tiết, dữ tợn hơn.
Tôi nghe Mẹ kêu "ối"
một tiếng lớn rồi nhào tới ôm chặt lấy tôi vào lòng, càng dãy dụa, mẹ càng
ôm tôi chặt hơn. Như một người thợ săn thiện nghệ, bà
lôi ở đâu ra một ống chích, đẩy nhẹ vào mông tôi. Một lúc, cơn điên dần
dần hạ, tôi từ từ chìm vào giấc ngủ... Lúc đó, người đàn bà trẻ mới có thì giờ
nhìn đến vết thương mình...
Cứ hễ ba giờ chiều là mẹ phải đi làm.
Chẳng hiểu mẹ làm gì nhưng về trễ lắm. Không bao giờ tôi biết mẹ về lúc nào.
Cứ trước khi đi làm, mẹ đều căn dặn chỉ một điệp khúc tới độ tôi đã thuộc lòng:
"Thức ăn mẹ để sẵn trên bàn, khi nào con đói thì ăn
nhé. Buồn thì mở TV lên xem hay lấy sách hình ra học. Buồn ngủ thì cứ
leo lên giường ngủ nhớ chưa? Mẹ sẽ về!!"
Tôi yên lặng gật đầu. Mẹ ôm tôi vào lòng hôn lên má rồi lặng lẽ ra cửa khóa lại. Để
chắc ăn
tôi không chạy ra ngoài chơi, bà còn cẩn thận khóa thêm một ổ khóa khác phía bên
ngoài.
Đời sống của tôi dường như chỉ khép kín ở bốn khung vuông,
ngăn cách hẳn với thế giới bên ngoài. Nhưng chẳng hề gì vì tôi đã có một
thế giới rất riêng tư - ngay cả mẹ cũng không biết - không phải tôi muốn dấu mẹ,
nhưng tôi thực không biết nói sao để diễn tả cái thế giới ấy, một thế giới của
không gian thênh thang và kỳ diệu, biến đổi theo từng ý niệm tâm thức khởi lên,
lẫn lộn, từng mảnh chắp vá và có rất nhiều mầu sắc...
*
Một buổi sáng. Sau khi tắm rửa, chải đầu, mẹ mặc cho tôi một chiếc áo mới:
"Hôm nay mẹ sẽ đưa con lên chùa làm lễ quy y..."
Tôi không biết quy y là gì. Nhưng vẫn im lặng,
thõng tay để mặc mẹ mặc quần áo cho mình.
"Mẹ còn muốn thày ban phép lành cho con và nhất là xin được sám hối tất cả những
lỗi lầm mẹ đã tạo..."
Tôi thực chẳng hiểu mẹ nói gì.
Tựa như mẹ đang nói chuyện với một bóng ma nào đó.
Nhưng bằng cảm xúc bén nhậy của mình, tôi biết lúc đó mẹ đang rất buồn, đôi mắt
mẹ đong đầy những khổ đau. Tôi có thể nhìn thấy được long lanh, hạt nước
mắt sẵn sàng tràn ra khoé mi. Tôi nhìn bà ngẩn ngơ:
"Sao mẹ lại khóc thế?"
Mẹ tôi quẹt vội giọt nước mắt vào cánh
tay áo, ôm tôi vào lòng âu yếm hỏi:
"Hôm nay được mặc áo mới. Con có thích không?"
"Con thích!" Tôi máy móc trả lời rồi hỏi lại:
"Mình đi chơi đâu hả mẹ?"
"Thì hồi nãy mẹ nói con rồi. Hôm nay mình lên chùa..."
Mặc dù vẫn chẳng hiểu chùa là gì, nhưng tôi giữ im lặng,
vì nếu có hỏi thêm thì câu trả lời của mẹ càng làm tôi mù mịt.
Tuyệt nhiên, tôi chẳng có một quan niệm hay một ý tưởng nào trong đầu về cuộc đi
chơi hôm nay. Dẫu vậy, lòng tôi cũng rộn lên một niềm vui vì
được ra khỏi nhà. Được nhìn thấy một thế giới khác so với thế giới của riêng tôi. Chẳng phải sao? Mỗi thế giới đều có những
điều kỳ diệu, biến ảo riêng của nó. Mà lạ lùng thay, hình như sự biến ảo,
kỳ diệu này chỉ có mình tôi nhìn thấy, nó làm cho tâm tôi thật khích động, và
đôi khi tôi có cảm tưởng trái tim mình như muốn bị vỡ tung, muốn lập tức, nhập
vào với không gian thênh thang mang đầy những bí ẩn, kỳ diệu của một kiếp người...
Những lúc khích động như thế, tôi lại bị lên cơn...
Trên suốt con đường dài từ nhà đến chùa, cả hai cùng im lặng.
Khuôn mặt mẹ lộ rõ sự suy tư và khổ đau. Tôi không hiểu
mẹ nghĩ gì, nhưng thỉnh thoảng tôi nghe tiếng mẹ thở dài. Giọng mẹ khẽ
khàng như nói với một người trong mơ:
"Hối ơi. Cho mẹ ngàn lần xin lỗi... Mẹ thật có lỗi với
con..."
Gió mát thổi qua cửa kính xe làm tôi thiu thiu muốn ngủ.
Đôi mắt tôi xụp xuống.
Tâm thức loé lên cơ man những giải nắng với những mầu sắc rực
rỡ.
Tôi rơi vào giấc ngủ với không gian đầy mầu sắc và mộng mị ấy...
*
Vị thày khoác chiếc áo choàng mầu đỏ rực như mầu rượu chát.
Ông ngồi trên một cái bệ, dáng vững vàng, to lớn như một trái núi nhỏ.
Ông có đôi mắt rất hiền từ và ấm áp. Cả hai mẹ con quỳ thụp xuống, cái
kéo của mẹ mạnh quá tới độ tôi bị té ngồi xuống sàn trong lúc mẹ xụp xuống lạy.
Tôi thấy người mẹ run lên bần bật, nước mắt tuôn như mưa, hình như mẹ đang rơi
vào một sự khích động to lớn lắm. Sau khi lễ vị đạo sư ba lễ,
mẹ úp mặt xuống sàn nói một mạch, làm như nếu bà nói chậm, thì bà sẽ không còn
cơ hội nào để có thể nói nữa. Bằng một giọng cách quãng, gấp gáp và đầy
nước mắt:
"Thưa thày. Chúng con lên chùa hôm nay để xin thày làm
lễ quy y cho chúng con. Riêng con xin phát lồ sám hối. (Nói tới đây, giọng mẹ
nghẹn lại, nức nở...) Cha thằng nhỏ bỏ đi ngay sau khi con có
thai được bốn tháng. Cha mẹ con vì xấu hổ nên đuổi con ra khỏi nhà, lúc
đó, đời sống bơ vơ, vật vã, lại thêm cái thai cưu mang trong bụng mà con không
hề muốn giữ, nên con đã dại dột quyết định...quyết định...uống mấy thang thuốc
để...trục nó ra ngoài. Ai ngờ....
Nói tới đây. Mẹ tôi nấc lên, tiếng
nói trở thành tiếng khóc khò khè, nghẹt mũi...
Tôi chẳng hiểu thằng nhỏ là ai. Sao mẹ lại khóc nhiều tới thế?
Tôi ngây mặt nhìn mẹ, rồi nhìn lên vị sư già...
Từ nãy giờ, ông vẫn yên lặng nghe mẹ tôi kể lể và để nguyên
cho mẹ tôi khóc lóc. Dường như ông chẳng làm gì cả.
Chỉ lắng nghe. Nhưng tôi có cảm tưởng cái không làm gì cả ấy ảnh hưởng đến
tâm thức mẹ tôi rất nhiều. Tựa như ông là một cái thùng
chứa lớn, nhận tất cả những khổ đau, oan trái mà mẹ tôi đang trút vào.
Một lúc. Bà nín khóc, tâm có vẻ lắng dịu một phần
nào...
Lúc đó vị thày mới thong thả bảo:
"Lành thay! Lành thay! Con đã thành tâm sám hối. Muốn
giải trừ được những ác nghiệp mình đă phạm cần phải có bốn lực: Thứ nhất là phát
lồ sám hối. Thứ hai là thành tâm ăn năn những tội lỗi
mình đã phạm. Thứ ba là tạo công đức lành để giải trừ các ác
nghiệp và thứ tư là quyết tâm chừa bỏ. Trong bốn lực kể trên, thầy thấy con đă hội đủ ba lực. Đó là
sự phát lồ sám hối, thành tâm ăn năn
và quyết tâm chừa bỏ. Ngày rằm này, thày sẽ cho các con một buổi lễ quy y. Phần
còn lại, thì nên làm những việc lành, tích tụ công đức để thanh tịnh hóa những
ác nghiệp mà mình đã phạm. Bây giờ, lại gần đây, thày ban phước lành cho con..."
Mẹ vội kéo tôi lại phía thày. Ông đặt hai bàn
tay lên đầu chúng tôi. Tôi co rúm người lại, há hốc
miệng khóc rống lên. Có một điều thật kỳ lạ, từ trên đỉnh đầu nơi giáp
ranh với bàn tay ông chạm đến, một lực nhu hòa truyền qua đầu tôi, nó như một
dòng nước suôi chảy, lan tràn khắp cơ thể, nó chảy đến đâu, tôi nghe một sự an
lạc tới đó. Tôi ngưng khóc lúc nào không biết. Nhắm
nghiền mắt, và lại nhìn thấy cái cầu vòng ngũ sắc ẩn
hiện trong tâm thức.....
Ngày quy y đối với mẹ là một ngày trọng đại.
Tôi hiểu được điều đó vì mẹ dậy rất sớm, tắm rửa cho hai mẹ con một cách tinh
tươm, rồi mỉm cười. Ít khi tôi thấy được nụ cười trên
khuôn mặt mẹ. Ồ, nụ cười mới đẹp làm sao.
Nó làm cho khuôn mặt mẹ rạng rỡ, đẹp thêm lên. Hàm răng mẹ trắng đều, ánh
mắt lung linh một cách kỳ ảo. Tôi bỗng yêu vô cùng nụ cười ấy,
tôi muốn được nhìn thấy nụ cười luôn mãi mãi nở trên môi mẹ.
Sau khi quy y. Tâm mẹ có vẻ an hơn. Mẹ đặt một bàn thờ nhỏ ở góc phòng và thường thắp hương, niệm Phật
trước khi đi làm. Mỗi cuối tuần, bà thường đưa tôi lên chùa, dự một thời
kinh sáng, sau đó, tôi được đưa vào một lớp học Việt ngữ, còn mẹ thì xuống bếp
làm việc. Thường thì mẹ làm những việc mà nhiều người không
muốn làm, như chùi rửa cầu tiêu, phòng tắm.
Hoặc trên chùa có những ngày lễ lớn, mẹ thường ngồi miết bên
đống bát chén to như cái núi, rửa hết đợt chén này tới đợt chén khác.
Mẹ làm việc rất chăm chỉ, chẳng bao giờ than phiền. Nhiều lần, tôi thấy mồ hôi mẹ ướt đầy lưng áo. Trên trán
những giọt mồ hôi nhỏ xuống hòa với thùng nước dơ. Tôi ngẩn ngơ nhìn mẹ. Ở trong trường hợp
nào tôi cũng thấy mẹ rất đẹp. Sự chịu đựng của mẹ càng
cao, tôi lại thấy thấp thoáng nét đẹp càng tròn đầy. Những lúc như thế,
tâm tôi dường như không thể chịu đựng được sự thương yêu chứa đầy trong trái
tim, tôi chạy a đến ôm mẹ kêu lớn "Mẹ ơi... Con thương mẹ!!”
*
Ở chùa, tôi không bị ai chọc phá, đánh đập và gọi tôi là thằng khờ như
trong xóm. Họ rất tốt với tôi, thường nhường cho tôi những gì dễ dàng nhất. Họ còn cho tôi tham gia vào những sinh hoạt của một nhóm toàn con
nít. Phần đông, chúng tôi chỉ ngồi tô mầu và học đánh
vần. Trong mấy tháng đầu, học mãi tôi mới có thể đánh
vần được chữ "Mẹ". Mờ - e - me - nặng - Mẹ. Lần nào đánh vần xong
chữ Mẹ, lòng tôi lại rộn lên một niềm vui…
Trong lớp học Việt ngữ, tôi được ngồi gần với một con bé thắt tóc bím. Nó thấp hơn tôi một cái đầu. Nó ưa nói nhiều, tiếng nói của nó như chim, ríu ra, ríu rít.
Phần đông, tôi chẳng hiểu nó nói gì, nhưng tôi rất ưa nghe nó nói, tôi thích
nghe cái âm thanh phát ra từ đôi môi xinh xinh ấy.
Lại nữa, mắt nó to, giống Mẹ, những gì có liên quan đến mẹ,
tôi đều thích.
Tôi tò mò nhìn nó. Thấy nó thật lạ lùng như thế giới
chung quanh tôi. Nó biến hóa luôn luôn, không lúc nào ngừng lại.
Tất cả đều lạ lùng, mầu nhiệm. Tôi thấy nó ngồi bặm môi
tô màu lên một tấm hình dang dở.
Tôi cũng có một tấm và đã tô xong rồi, còn nó thì chưa.
"Ê. Mày tên gì thế?"
Con bé trợn mắt nhìn tôi:
"Anh không được gọi bé bằng mày. Mẹ bé bảo, gọi như vậy không có nice."
Nghe nó nói như vậy tôi im lặng. Lại tiếp tục ngồi nhìn nó. Muốn nói với nó một điều gì tôi lại quên phứt đi ngay.
Hình như tôi vẫn chưa biết được tên nó. Con bé thấy tôi câm như thóc bèn
ngừng tô màu, nhìn qua trang giấy của tôi:
"Anh tô lem hết cả ra ngoài rồi.
(Toét miệng, cười) Hihihi... Mà sao anh tô con chó nhiều mầu
quá vậy? Giống y như mầu chiếc cầu vòng vậy đó.
Bé chưa thấy có con chó nào có cái mầu này đó nghe."
"Ờ.... Ai cũng từ cái cầu vòng này mà ra đấy!"
Tôi giải thích.
Con bé cười nắc nẻ, chừng như nó không tin những gì tôi vừa nói.
Mà lạ. Những điều tôi nói toàn là sự thật, nhưng chẳng mấy ai tin.
Nghe nó cười, tôi cũng toét miệng cười theo. Con bé bị mất hai cái răng cửa. Mẹ tôi có hàm răng đẹp
hơn nó.
A. Tôi nhớ mẹ quá. Mẹ đâu rồi?
Tôi phải đi kiếm mẹ. Tôi đứng lên, đi ra khỏi lớp. Nhưng tôi lại quên mất lối xuống bếp tìm mẹ, tôi đi thẳng ra cổng
chùa. Trong tôi, chỉ có một lực rất mănh liệt đẩy tôi đi tìm mẹ.
Mẹ ơi...mẹ ơi...
Tôi chạy băng băng qua con đường rộng. Tôi nghe tiếng xe
thắng rất gấp. Tôi thấy cả thân mình bị tung
lên. Tiếng nhiều người lao xao từ một phía mơ hồ nào đó:
"Cán chết thằng nhỏ rồi..."
*
Tôi như người vừa đi từ một thế giới này qua một thế giới khác. Tựa như một
loài bướm thoát ra được cái kén hạn hẹp, xấu xí của mình để bước vào không gian
thênh thang, lớn rộng. Tôi không còn phân biệt được đâu là mình, đâu là không
gian thênh thang ấy nữa. Tâm thức tôi trở nên minh mẫn một
cách lạ lùng. Hốt nhiên, tôi hiểu được tất cả mọi sự.
Tôi hiểu được nỗi khổ đau của mẹ và niềm hối hận vô biên của bà từ bao nhiêu năm
nay. Mọi dữ kiện như một cuốn phim quay nhanh - nhưng
chẳng sót chút tiểu tiết nào - đang lần lượt chạy ngang đầu. Càng hiểu mẹ,
tôi càng thương mẹ hơn. Nếu tôi có thể đi lại được từ đầu, tôi sẽ tha thứ cho bà
tất cả, tôi sẽ nhìn bà bằng lòng bi mẫn vô biên. Cái nhìn của vị đạo sư đã làm
lễ quy y cho hai mẹ con tôi ngày nào.
Tâm tôi như một đóa hoa từ từ nở ra rất muộn màng, được tưới tẩm với giọt mật
của lòng bi mẫn ấy. Tôi thấy mình chìm dần vào vùng ánh sáng bàng bạc như một
mầu sữa, chỉ còn lại trong không gian thênh thang một mùi hương thoảng thoảng
vương ở cuối mùa...