Thiếu nữ bên bờ hồ

thieu nu ho

Chiêu Hoàng – Không Quán

 Còn lại chàng thanh niên đứng lẻ loi một mình trong buổi sáng tinh khôi. Những ánh nắng đầu ngày chiếu qua kẽ lá vỡ ra thành những hoa nắng lung linh đậu trên tóc rơi lả tả, chơi vơi trong không gian. Toàn cảnh vật như chìm vào trong một sự yên lặng lạ kỳ. Chàng vốn rất yêu sự tĩnh lặng như thế này, nghĩ rằng, nơi đây quả là một nơi rất hợp cho sự thiền định. Lại nữa, chàng cũng chùng chình chưa muốn bỏ đi vì có một cảm giác chờ đợi, dù chẳng hẹn, nhưng chàng vẫn muốn chờ người thiếu nữ ném chữ hôm qua.

Thay vì ngồi xuống thiền định, chàng lại lười biếng ngồi dựa lưng vào một tảng đá dưới gốc cây gần mặt hồ. Chân co, chân duỗi. Cánh tay phải co lại làm gối, tay kia cầm bình rượu rỗng ra dáng suy tư…

 

ảnh minh họa

Thầy ban cho ta một cái bình tịnh thủy trống rỗng, bảo rằng, muốn thành tựu đạo lớn thì con hãy thiền định trên bình tịnh thủy rỗng không này cho đến khi con thông suốt và thành tựu, rồi sẽ tự nhiên biết cách đi tìm ra một loại rượu quý, tên gọi là “Bồ Đề Luân Hồi”. Khi con đạt được đạo lớn thì rượu sẽ đầy bình, lúc đó hãy trở lại dâng thầy, vào ngày sinh nhật của thầy, cũng là ngày rằm tháng tư.

Bình sinh, ta chưa từng nghe cái tên của loại rượu này. Thiền định thì thầy đã dạy ta từ nhiều năm và ta quen thuộc trong những thời thiền định ấy, nhưng ta chỉ hành thiền định an hòa tâm chứ chưa bao giờ thiền định trên một bình tịnh thủy mà lại rỗng không như thế này. Thầy lại còn nhấn mạnh chữ “rỗng không”, ta vẫn chưa hiểu được ý chỉ sâu xa của người...

Ở đâu có đây? Ta đã đi khắp nơi hỏi thăm mà chẳng thấy ai biết gì về thứ rượu này cả. Mà lạ quá. Đã là Bồ Đề rồi lại còn Luân hồi là thế nào? Người ta tu cầu giải thoát, chứ ai tu mà đòi trở lại luân hồi đâu? (thở dài…) Cả năm nay, ta chỉ dùng chiếc bình này đựng toàn loại rượu Sầu của chính mình cất lấy. Thứ rượu cay nồng, đầy những vị buồn và cô đơn, uống vào là chỉ muốn…khóc. Uống cho say, càng say sầu lại càng cảm thấy cô đơn

Chàng nhìn lên bầu trời. Màu xanh lục của lá trộn với màu xanh thanh thanh của mảnh trời thấp thoáng trên cao chập chùng, lung lay, sống động. Hình như chúng đang kết bè đảng với nắng để bàn luận về một kẻ cùng tử đang loay hoay với nỗi buồn và niềm cô độc của mình. Có những chiếc lá làm điệu, nghiêng nghiêng nhìn chàng mỉm cười chế giễu. Buồn ư? Cô độc ư? Chúng tự nhiên đến rồi tự nhiên đi, như hoa rơi áo Phật. Ngược lại, nỗi Sầu đến với chàng, cắm lều, làm nhà ở đó, nhất định không chịu đi. Nó trở thành thâm căn, cố đế, mọc cả rễ cái, rễ con, muốn bứng nhổ tận gốc cũng không phải dễ… Tiếng cười khúc khích của lá tạo thành một âm thanh xào xạc, thêm vào sự đùa giỡn về hùa của gió làm mặt hồ không thể giữ được vẻ nghiêm trang, đạo mạo nên bắt đầu gợn lên những làn sóng lăn tăn…

Trong khi tất cả đều đồng loạt cười chế giễu chàng thì bỗng người thiếu nữ ném chữ hôm qua xuất hiện…

Nàng mặc một chiếc áo màu thiên thanh tiệp với màu trời, mái tóc dài bay bay trong gió. Trên vai đeo một cây đàn. Hai tay ôm trước ngực một cuốn vở nhỏ. Trông nàng rất nhỏ bé và tội nghiệp, cái tội nghiệp toát ra từ đôi mắt buồn, từ phong tư yếu đuối mà chỉ cần bất cứ người nào nhìn thấy nàng cũng có thể khởi lên một tâm niệm muốn che chở…

Thiếu nữ bước từng bước nhỏ như những bước chân chim, dừng lại dưới gốc cây sồi nơi có phiến đá nhẵn thín như một mặt bàn phẳng. Nàng ngồi xuống, đặt cây đàn bên cạnh, hai tay chống cằm nhìn mông lung xuống mặt hồ. Một lúc, nàng mở cuốn vở nhỏ, ngồi cắn bút rồi nắn nót viết những dòng chữ trên trang giấy. Viết rồi xoá, rồi viết…, lại xóa… Cuối cùng, nàng quăng vở, chẳng muốn viết, cũng chẳng muốn đàn… Nàng chống cằm, nhìn ra mặt hồ mênh mang với đôi mắt ướt…

Chàng thanh niên yên lặng dõi mắt nhìn. Chàng cảm nhận được tất cả những khổ đau nàng đang gánh chịu trên đôi vai gầy guộc. Chàng đổi thế ngồi, từ cách ngồi lãng đãng, nửa lười biếng, nửa phong lưu của một kẻ cùng tử, chàng ngồi thẳng, khoanh chân dưới tư thế thiền định, khép hờ đôi mắt, lấy hình ảnh người thiếu nữ áo xanh với đôi vai mảnh khảnh như cánh vạc và nỗi buồn trĩu nặng trong đôi mắt, một nỗi buồn muôn thuở bất khả hủy diệt làm đối tượng để khởi lên trong tâm một lòng bi mẫn sâu xa. Đôi mắt khép hờ, chàng điều chỉnh hơi thở trở thành nhẹ, nhẹ như tơ… Chàng bắt đầu đi sâu vào cơn thiền định. Tự khởi trong tâm chủng tử Hum tỏa ra ánh sáng tưới tẩm lên người thiếu nữ, ánh sáng tươi mát như những dòng cam lồ rửa sạch tất cả những buồn phiền, khổ đau của nàng. Rồi từ đó… Từ một hình ảnh làm đối tượng chính, tỏa ra muôn hình ảnh chập chùng… Hình ảnh này lồng vào hình ảnh khác, tạo nên một sự tương quan, tương duyên rất chặt chẽ với nhau. Từ những hình ảnh chập chùng ấy, chàng phóng tâm thức mình cho tất cả mọi loài, mọi chúng sinh… Rồi quán tưởng đến những khổ đau muôn trùng không bao giờ dứt chập chùng mọi nơi, mọi chốn… Ánh sáng từ chủng tử Hum nơi tim biến thành nước cam lồ tràn đầy rửa sạch tất cả những khổ đau khắp ba cõi, sáu nẻo, xuống tận đến loài ngạ quỷ, súc sanh…

Chưa bao giờ chàng cảm nhận một niềm bi mẫn sâu xa đến thế. Chàng bỗng cảm thấy lòng mình xúc động và cảm thương cho những nỗi đau khổ triền miên không bao giờ dứt. Từ những khắc khoải, nỗi buồn, sự cô độc riêng tư, những vọng niệm vi tế của chính mình, đến những khổ đau của những người không quen biết, loài súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục… v.v.. Những thống khổ không bao giờ dứt của tất cả mọi loài… Nước mắt lại ứa ra trên mi…

Ở một thời gian lắng đọng nào đó, thiếu nữ chợt nhận ra một điều bất ngờ. Không chỉ một mình nàng có mặt ở nơi chốn này, mà còn có thêm một nhân vật khác. Một nam nhân. Thật lạ kỳ. Tưởng như trong một câu chuyện thần thoại nào đó. Chợt hiện. Chàng ngồi đấy. Chẳng biết từ đâu đến, nhưng toàn thân tỏa một vùng ánh sáng dìu dịu, thứ ánh sáng làm cho nàng cảm thấy tâm hồn an lạc và muốn lại gần. Nàng đến bên chàng, im lặng, tò mò quan sát với cả ngàn câu hỏi trong đầu. Chàng là ai? Là bạn hay là thù? Là tăng hay là tục? Chàng từ đâu đến, v.v. Điều kỳ diệu nhất là ngồi gần bên chàng, nàng cảm thấy an tâm, mọi vọng tưởng phiền não dường như biến thành những sợi tơ trời mong manh…

Phải đợi khoảng hơn trống canh mới thấy chàng thanh niên bắt đầu cử động. Chàng mở mắt, nhìn thiếu nữ. Dường như cơn chờ đợi của nàng đã chín mùi:

“Sao ông cứ ngồi nhắm mắt mãi chẳng nói lời nào? Em đợi ông từ nãy giờ đấy! Trộm nghĩ, không chừng phải chờ suốt đêm đôi mắt đó mới chịu mở. Mà này, ông là tục hay là tăng thế? (Rồi chẳng cần câu trả lời của chàng, nàng lại tự trả lời) Nghe chừng ông là tăng, vì chẳng có người tục nào lại chịu ngồi nhắm mắt lâu đến thế!”

Chàng thanh niên muốn phì cười về những luận điệu của cô gái. Nhưng vì vừa xuất thiền nên chàng chẳng nói được gì nhiều, tiếp tục nhìn người thiếu nữ ngồi đối diện. Đôi mắt nàng có một màu nâu sâu thẳm thẳm, cái sâu thẳm làm chàng chợt nhớ đến nỗi buồn sâu thẳm của mình…

Thấy chàng im lặng. Thiếu nữ ra chiều đăm chiêu cộng với sự tò mò chưa được giải đáp:

“Em thấy ông… lạ lắm! Ông “làm ơn” nói cho em biết ông từ đâu đến và sẽ đi đến đâu? Tại sao ông lại đến đây ngồi một mình nhắm mắt? (Trách nhẹ) Ông có biết rằng ông đã... phá rối không gian thênh thang của em không? Ông thật là một người không biết điều và… có lỗi với em nhiều lắm đó!

Với sự hờn giận trẻ con và vô lý của người thiếu nữ, chàng thanh niên mỉm cười. Bằng giọng trầm trầm chàng nói một chút về mình:

“Ta sống trong một cái am nhỏ gần thành phố Thần Phật Thánh Địa…

“Thần Phật Thánh Địa? Nơi đó ở đâu thế?”

“Đó là một thành phố cổ của một nước rất nhỏ tên Thổ Phồn ở phương Tây. Vì đó là một vùng đất cao hơn đồng bằng nên đôi khi ta trộm nghĩ, đó chính là nơi giáp ranh của Đất và Trời, nơi được sưởi ấm bởi ánh sáng mặt trời nhiều nhất nên còn có tên là Thành Nhật Quang… Ta rất thích thành phố cổ ấy, nó chính là cái nôi nuôi ta khôn lớn. Thành phố mà ta chỉ quanh quẩn với những ngày tháng miệt mài với thiền định và hương trầm. Thành phố mà ta chỉ biết có thầy và một cung điện huyền bí của chư tăng. Đối với ta, cung điện đó chính là trụ xứ của các vị đại Bồ-tát, thị hiện thân người để giáo hóa chúng sinh….

Đôi mắt thiếu nữ trở nên mơ màng, nàng gần như bị cuốn hút hoàn toàn về nơi chốn chàng ở. Do sự tưởng tượng rất phong phú, nàng tưởng đến một vùng Trời nào đó, với những tâm thức thanh tịnh, mà bóng dáng khổ đau nhạt nhòa như một vết mờ không thể nhận thấy… Chẳng nói xa hơn, ngay trước mắt nàng, một nam nhân, tuy quần áo đầy bụi đường nhưng ở chàng toát ra một niềm an lạc vô biên. Niềm an lạc đó ảnh hưởng đến bất cứ người nào đến gần... Nàng nghiêng đầu, nhìn chàng… Những thắc mắc lại nổi lên:

“Nếu ông đến từ xứ Thần Phật Thánh Địa thì tại sao ông lại từ bỏ nơi đó để lang thang đến nơi đây?”

Đôi mắt người thanh niên hơi chao đi, vương vấn một nỗi buồn lãng đãng:

“Đời sống của ta từ nhỏ cho tới khi rời khỏi vùng đất thần tiên đó là một đời sống đầy yên bình và phúc lạc. Ta không đi đâu xa hơn một tầm nhìn. Suốt đời ta chỉ biết những chùa chiền huyền bí đó và Thầy. Người cha già mà cả đời ta kính yêu, (bằng một giọng cảm động như một lời tâm sự) dù có thác thân vào lửa cháy cũng không thể tạ hết được ơn thầy. Nhưng rồi một hôm… Hỡi ôi…, một hôm thầy gọi ta đến gần, ban cho ta một bình tịnh thủy trống rỗng, bảo rằng, “Gần đến sinh nhật Thầy, con nên tìm những gì quý giá nhất trên thế gian để làm quà tạ ơn. Thầy chỉ thích một loại rượu vừa cay, vừa nồng... Thứ rượu mà nhân gian không thể uống, thứ rượu mà những người con Phật đều muốn tìm cầu được gọi là “Bồ-Đề-Luân-Hồi-Tửu”, nếu tìm được loại rượu quý ấy thì hãy đong đầy vào chiếc bình này đem về tạ ơn thầy…”

Từ đó về sau, ta đi khắp nơi tìm loại rượu quý ấy, nhưng chỉ hoài công, chẳng ai biết đến loại rượu này, nhẫn đến nghe tên còn chưa từng nữa huống hồ… (Ngưng lại một chút…) Hôm qua, có cơ duyên đi ngang chốn này, nghe có người khảy khúc Trường Tương Tư, âm thanh như có nhiều điều khoắc khoải, nhớ thương. Động lòng từ, ta đã lần theo tiếng nhạc để đến đây…”

Thiếu nữ nhìn người thanh niên đối diện. Nàng bỗng chợt nhận ra một điều rất hiển nhiên. Chàng khác những nam nhân mà nàng thường gặp là chàng có một tâm thức rất thuần tịnh. Luôn luôn muốn đem lại sự an vui cho kẻ khác. Chỉ cần nghe một khúc nhạc mà đã khởi lên tâm niệm từ bi. Từ tâm niệm thanh tịnh ấy để có thể cầu nguyện cho nàng. Hốt nhiên, nàng khởi lên trong tâm mình một niềm hảo cảm mà chỉ có tâm đồng tâm mới có được… Vì những ý nghĩ đó, nàng muốn giúp đỡ chàng bằng tất cả những gì nàng có thể làm. Khuôn mặt nghiêng nghiêng, nàng nhìn chàng, rụt rè nói về một điều không chắc lắm:

“Em nghe những cụ già trong làng thường hay nói đến một vùng đất rất linh thiêng có tên là Phổ Đà Sơn. Ai ai cũng cho vùng đất đó chính là trụ xứ của ngài Quán Âm. Ồ, nói đến ngài Quán Âm thì có rất nhiều truyện truyền kỳ không sao kể hết. Ngài thường hay thị hiện để giúp đỡ và độ rất nhiều người…”

“Nhưng Phổ Đà Sơn là ở nơi chốn nào vậy?”

Thiếu nữ ra dáng suy tư. Ngẫm nghĩ một lúc rồi nhìn chàng thanh niên, nhoẻn miệng cười. Một nụ cười như một lời xin lỗi:

“Em cũng không biết rõ ông ạ… Nghe nói đó là một hòn đảo nhỏ ở phương Nam. (vỗ vỗ trán…) hình như gần một cửa biển nào đó… À... à..., em nhớ rồi… Chỗ đó… chỗ đó… thường được gọi là Hải Thiên Phật Quốc. Dĩ nhiên! Vì gần biển mà. Hay lắm cơ! Ngài Quán Âm thường thị hiện để giúp những người gặp nạn ngoài biển… Em nghe ông Nội kể rằng, xưa thật xưa, có một vị sư người Nhật đến viếng một ngôi chùa Quán Âm rất nổi tiếng ở một nơi có năm ngọn núi chọc trời. (thì thào: Truyền thuyết nói rằng, năm ngọn núi ấy chính là năm ngón tay của đức Phật đấy!) Sư thấy có tượng Quán Âm rất linh động, khởi tâm tham ái và muốn thỉnh tượng Phật đó về nước. Nhưng khi thuyền ra cửa biển bị xoay vòng vòng không thể đi thêm chút nào, cuối cùng tàu trôi vào một hoang đảo, sư bèn ở lại hoang đảo đó lập chùa. Dân chúng trong làng càng ngày càng cảm được sự linh ứng của Ngài Quán Âm nên càng sùng kính và cho rằng nơi đó chính là Thánh Địa của Quán Thế Âm Bồ-tát…

Trong khi nghe thiếu nữ kể chuyện, chàng thanh niên nhìn vào đôi môi hồng hồng, linh động... Chàng nhận ra một điều rất kỳ, rất diệu… Hình như một thế giới huyền bí, mới mẻ đang nở trên những âm thanh chập chùng phát ra từ đôi môi xinh xinh ấy. Chàng ngẩn ngơ... suy nghĩ về thế giới mình vừa cảm nhận, một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới an lạc, thiền định của chàng. Thiếu nữ đã ngừng từ lâu, nhìn thấy khuôn mặt vị sư chợt ngẩn ra mà nàng chẳng biết tại sao. Nàng nghiêng đầu nhìn chàng, rồi bỗng nhoẻn miệng cười. Nụ cười như một đóa hoa hé nở trong giây phút giao mùa giữa Đêm và Ngày. Chàng cũng bắt chước mỉm cười theo:

“Rồi sao nữa?”

Thiếu nữ ngạc nhiên:

“Sao nữa là sao nữa? Em đã kể hết rồi mà!”

“À… à…, vậy mà ta cứ tưởng câu chuyện chưa kết thúc. Nhưng nghe nàng nói là có nhiều truyền thuyết của ngài Quán Âm, nàng có thể kể thêm cho ta nghe được không? Bình sinh, ta chẳng biết mấy đỗi về những chuyện truyền thuyết như thế…”

“Truyền thuyết thì còn nhiều lắm. Nhưng ông hỏi bất thình lình làm sao em nhớ được!”

“Vậy thì hỏi sao mới không là bất-thình-lình?”

Thiếu nữ nghe chàng hỏi một cách ngây ngô, ngớ ngẩn như thế không thể nhịn được nên lấy tay che miệng cười khúc khích. Nàng trộm nghĩ, cái ông này, chắc từ ở một tầng trời nào đó, bị rách một lỗ hổng lớn mới rớt xuống đây, đi ngơ ngác trong nhân gian kiếm một loại rượu gì kỳ cục mà chẳng ai biết đến. Cái thế giới của chàng quả nhiên chẳng có gì giống với thế giới nàng đang sống. Nhưng thấy tâm thức chàng hiền lành, tử tế. Nàng muốn làm vui lòng người bạn mới bằng cách cố moi trong đầu xem còn câu chuyện truyền thuyết nào nữa để kể cho chàng nghe.

Cả hai đều im lặng. Thiếu nữ im lặng để cố nhớ thêm vài truyện kể. Chàng thanh niên im lặng vì tâm thức còn quẩn quanh với thế giới kỳ diệu chàng chợt nhìn thấy từ đôi môi hồng của người thiếu nữ…

Một lúc, thiếu nữ vỗ tay rồi nói:

“A. Em nhớ ra rồi. Em kể tiếp nhé? Kể tiếp ở đoạn trên ấy mà…”

“………”

“Vì cư dân ở đó sùng kính ngài Quán Âm nên đã lập một bức tượng ngay cửa biển Nam Hải. Ôi chao! Từ đó về sau, các tàu bè và dân chài rất ít gặp hoạn nạn, tất cả đều do Ngài khởi tâm từ bi để cứu giúp đấy!”

Cả hai đều yên lặng...

Thiếu nữ im lặng nhìn lên bầu trời xanh xanh, thả tâm thức về một cửa biển nào đó ở phía Nam, nơi có bức tượng linh thiêng, sống động. Nàng ước sao một ngày nào đó nàng có thể đến viếng và đảnh lễ Ngài. Nhưng điều đó quả là khó thực hiện còn hơn là mò kim dưới đáy biển vậy.

Còn chàng thanh niên nghe xong ra dáng suy tư, lẩm bẩm… Hải-Thiên-Phật-Quốc? Phổ Đà Sơn? (thở dài) Bầu trời lồng lộng thế này biết đâu mà tìm? Hay ta cứ trực chỉ hướng Nam đi tới, có thể đây cũng là một cơ duyên để ta có thể gặp được ngài Quán Âm. Nghĩ xong, chàng hoan hỷ bảo người thiếu nữ:

“Lành thay! Lành thay! Vậy thì ta cứ phải trực chỉ hướng Nam đi ngay.”

Nói rồi chàng dợm bước. Nhưng thiếu nữ kêu lên:

“Hãy khoan! Chẳng ít nhiều gì, hôm nay cũng là một cơ duyên chúng ta gặp mặt. Em xin khảy một khúc đàn tặng ông, và xin hẹn nếu ông kiếm được loại rượu quý ấy thì xin hãy trở lại nơi đây một lần nữa. Em sẽ chờ ông trở lại cũng giờ này vào mỗi độ trăng rằm…”

Người thanh niên chần chừ… Chàng không muốn vướng mắc bất cứ chuyện thường tình nào của thế gian này… Nhưng thiếu nữ đã bắt đầu dạo đàn, những nốt nhạc nối nhau, róc rách, xuôi chảy như một giòng suối…

Một lần nữa, người tu sĩ như bị thôi miên bởi những ngón tay búp măng lướt trên phím đàn. Chàng rùng mình, có cảm tưởng từ những ngón tay ấy phát ra những âm thanh, (chứ không phải từ những phím đàn). Hốt nhiên, chàng không còn phân biệt được âm thanh phát ra từ đâu nữa. Từ đàn, từ những ngón tay đang khảy hay từ tâm thức với khuôn mặt che nghiêng ẩn hiện qua mái tóc dài bay bay trong gió? Lại rùng mình - Cái rùng mình rung động từ đáy tầng tâm thức, cho chàng cảm nhận một điều rất rõ ràng - Một lần nữa - Một-Thế-Giới-Kỳ-Diệu-đang-chập-chùng-ẩn-hiện….

Người tu sĩ yên lặng. Bắt đầu quán chiếu về lý nhân duyên. Những duyên nghiệp chập chùng mà người thiếu nữ đang khảy đàn trước mặt chàng cũng là một duyên nghiệp đang bắt đầu trổ hoa…

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle