Trong một nắm tay

nam tay

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thế nào thì được gọi là một "nguyên lý cốt tủy của đạo Phật"?  Tôi nghĩ, trước nhất nguyên lý ấy phải chuyển hóa được khổ đau (dukkha), và thứ hai, nó phải có một luận lý mà ai cũng có thể tự mình chứng nghiệm được mà không cần phải tin vào kẻ khác.

Đức Phật lúc nào cũng từ chối không chịu luận bàn đến những điều mà Ngài thấy không đưa ta đến sự chấm dứt khổ đau.  Cái gì đi tái sanh?  Tái sanh bằng cách nào?  "Nghiệp quả thừa kế" của nó là những gì?  Những câu hỏi này hoàn toàn không hề giúp ta chuyển hóa được khổ đau của mình.  Và vì thế, chúng không phải và cũng không có một liên hệ gì đến lời Phật dạy.  Chúng cũng không nằm trong phạm trù của đạo Phật.  Và người nêu lên câu hỏi ấy cũng không có một sự chọn lựa nào khác hơn là mù quáng tin vào câu trả lời, vì thật ra người trả lời cũng không thể nào đưa ra một chứng cớ nào rõ rệt hết, họ chỉ nói theo ký ức và cảm xúc của mình mà thôi.  Vì người nghe không thể tự mình chứng nghiệm được, nên họ đành phải nhắm mắt tin vào lời nói của kẻ khác mà thôi.  Và dần dà, vấn đề mỗi lúc một đi xa đạo Pháp, cho đến khi nó hoàn toàn trở thành một vấn đề khác biệt, không còn dính dáng gì đến với chuyện chuyển hóa khổ đau nữa hết.

Và thay vì nêu lên những vấn đề như vậy, ta cũng có thể đặt lại câu hỏi là "Có khổ đau không?" và "Làm cách nào để chuyển hóa được khổ đau?"  Chắc chắn đức Phật sẽ sẵn sàng trả lời những câu hỏi ấy cho ta.  Người nghe sẽ có thể thấy rõ được chân lý trong mỗi chữ của câu trả lời mà không cần phải tin theo mù quáng.  Và với sự hành trì, ta sẽ mỗi lúc lại càng thấy được sự thật ấy rõ rệt hơn, cho đến lúc tự chính mình thấu hiểu hoàn toàn.

Thật ra, nguyên lý cốt tủy của đạo Phật cũng không có nhiều.  Đức Phật nói rằng giáo pháp của ngài chỉ có chừng đầy "một nắm tay."  Một đoạn trong Tương Ưng Bộ kinh, Samyutta-nikaya, đã làm sáng tỏ điều này.  Có một lần đang đi trong rừng, đức Phật cúi xuống và nắm một vóc lá trong tay.  Ngài hỏi các đệ tử cùng đi với Ngài rằng, lá trong tay của Ngài nhiều hay lá trong rừng nhiều hơn.  Lẽ dĩ nhiên các thầy trả lời rằng lá trong rừng nhiều gấp vô số lần số lá trong tay của Phật, sự khác biệt không thể nào so sánh được.  Ta hãy thử tưởng tượng hình ảnh ấy đi.  Và đức Phật nói tiếp, cũng vậy, những gì Ngài biết và chứng đắc được nhiều cũng như lá trong rừng.  Và những gì chúng ta cần biết, những gì chúng ta cần học hỏi và thực hành, thì cũng như số lá nằm trong bàn tay của Ngài mà thôi.

Từ bài kinh đó ta có thể thấy được rằng, so với tất cả những hằng hà sa số sự việc trên vũ trụ này, nguyên lý gốc rễ của sự thực hành để chấm dứt khổ đau gom lại chỉ chừng đầy một nắm tay thôi.  Và chúng ta cũng nên mừng rằng một nắm tay là không có bao nhiêu.  Nó không hề vượt qua ngoài khả năng học hỏi và hành trì của ta.  Đây là điểm quan trọng đầu tiên mà chúng ta cần hiểu thấu, nếu ta muốn đặt một nền móng vững chắc và hiểu đúng giáo Pháp của đức Phật.

Lời dạy của đức Phật nói về sự thực tập về tánh-không, sunnata, là lời dạy tâm yếu của đạo Phật.  Ta cần phải chú ý sâu sắc đến điều này.  Không có bất cứ một điều gì mà ta có thể nắm bắt và cho đó là "tôi" hay là "của tôi."  "Sabbe dhamma nalam abhinivesaya"

Đức Phật cũng từng nói rằng đó chính là toàn thể lời dạy của tất cả các chư Phật từ ngàn xưa đến nay.  Ngài nói rằng, chỉ cần nghe một câu ấy thôi "Sabbe dhamma nalam abhinivesaya" là ta đã nghe trọn vẹn hết tất cả Phật pháp, thực hành bấy nhiêu thôi là thực hành hết tất cả, và thành đạt được bấy nhiêu thôi là thành đạt hết tất cả.  Vì vậy ta đừng bao giờ sợ rằng biển Pháp mênh mông quá và ta không thể nào hiểu được hết.  Khi đức Phật so sánh những gì Ngài biết nhiều như lá trong rừng, với lại những gì Ngài dạy cho các đệ tử mình thực hành, nhiều như lá trong một nắm tay, số lá trong nắm tay ấy chính là lời dạy này: không nắm bắt hay dính mắc vào bất cứ một điều gì và cho đó là tôi hay là của tôi.

"Chỉ nghe bấy nhiêu thôi là ta đã nghe hết tất cả," vì tất cả những giáo Pháp khác đều có mặt trong đó.  Tất cả những gì đức Phật dạy không có một điều gì lại không liên quan đến khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau.  Nắm bắt và dính mắc là nguyên nhân của khổ đau, dukkha.  Khi nào có sự nắm bắt và dính mắc là khi ấy có khổ đau.  Và khi nào không còn sự nắm bắt và dính mắc nữa thì khi ấy sẽ không có khổ đau.  Sự thực tập ở đây là làm sao để ta chuyển hóa sự nắm bắt và dính mắc của mình trở thành một tánh-không, để nó sẽ không bao giờ còn khởi lên nữa.  Bấy nhiêu đó thôi là đầy đủ rồi.  Không còn gì khác hơn để làm nữa.

"Chỉ thực hành bấy nhiêu thôi là ta đã thực hành hết tất cả."  Bạn có thể nghĩ ra rằng ta còn cần phải thực hành thêm những gì nữa chăng?  Nếu trong giây phút nầy, một người nào đó - cho dù đó là anh A, chị B, hay bất cứ một ai - có một tâm tự tại không còn nắm bắt hay bị dính mắc vào bất cứ một điều gì hết, người ấy sẽ có được những gì?  Mời bạn hãy suy nghĩ cho thật kỹ.  Nếu bạn nhìn cho sâu sắc bạn sẽ thấy rằng thật ra người ấy đã thành đạt được hết tất cả những pháp môn trong truyền thống như là Tam quy (tisarana), bố thí (dana), trì giới (sila), thiền định (samadhi), trí tuệ (panna), và ngay cả quả trái của chúng là Niết-bàn (nibbana).

Khi ta buông bỏ hết và không còn nắm bắt nữa, thì chắc chắn là ta đã trở về và quy y nơi tam bảo (tisarana).  Ta quay trở về nương tựa vào Phật, Pháp và Tăng, tâm ta không còn mang nặng những phiền muộn nữa và trở thành một với tam bảo.  Trở về nương tựa không phải bằng những lời nói suông mà chúng ta vẫn thường tụng đọc mỗi ngày.  Những lời ấy không hề thấu được đến với Phật, Pháp, Tăng đang có mặt trong tâm ta.  Nhưng khi nào tâm ta không còn bị dính mắc, không còn thấy là "tôi" và "của tôi" nữa, cho dầu chỉ trong chừng một phút chốc thôi, là tâm ta cũng đã hiểu được tánh-không.  Và đó vừa là một mà cũng vừa chính là trái tim của tam bảo.

Sự thực tập kế tiếp là bố thí (dana).  Bố thí có nghĩa là buông xả, không còn nắm bắt vào một vật gì và cho đó là "tôi" hay "của tôi".  Khi tâm ta không còn có một cái chấp ngã, là ta đang thực hành một hạnh bố thí cao tột nhất, vì khi ta buông bỏ luôn cả cái ta của mình rồi, thì đâu còn lại gì để ban cho nữa?  Và khi đó là ta đã thực hành hạnh bố thí một cách toàn vẹn nhất.

Và kế đến là trì giới (sila).  Một người khi đã không còn nắm bắt và dính mắc vào gì nữa hết thì mọi hành động và lời nói của họ bao giờ cũng hoàn toàn thật sự chân chánh.  Còn những sự trì giới khác thật ra chỉ là một vấn đề lúc-có-lúc-không mà thôi.  Chúng ta có thể lập những lời nguyện và hứa rằng sẽ không làm việc này hay nói lời nọ, nhưng rồi ta cũng không thể giữ được.  Khi tâm ta được rỗng không, cho dù chỉ trong phút chốc, hay một ngày hoặc một đêm, là trong lúc ấy ta đang trì giới trọn vẹn.

Còn về thiền định (samadhi), một tánh-không là một tâm định sâu sắc và vững chãi nhất.  Một tâm định mà còn dụng sức và không đều đặn vẫn chưa phải là chánh định.  Chỉ có một tâm thức không còn nắm bắt và dính mắc vào cái "tôi" và "của tôi" nữa, mới thật sự có được một sự quân bình và kiên cố của chánh định.  Một người đạt được tánh-không là một người lúc nào cũng sống trong chánh định.

Phương pháp thực hành kế đến là trí tuệ, tức bát nhã (panna).  Nơi đây chúng ta có thể thấy rõ rằng, hiểu được tánh-không, sunnata, chính là tinh yếu của tuệ giác.  Khi tâm ta rỗng lặng, nó sẽ trở nên rất tinh tế, sáng suốt và minh mẫn.  Khi tâm ta không còn những ý niệm về "tôi" và "của tôi", thì đó cũng là bát nhã.  Vì vậy nên người ta thường nói sunnatapanna là một, tánh-không và bát nhã là một.  Khi tâm ta không còn những cái biết sai lầm nữa, nó sẽ thấy lại được cái bản tâm chân thật ban đầu của chính nó.

Và cuối cùng ta có thể gặt hái được quả trái của chúng là Niết-bàn, nibbana.  Nơi đây sự tiến hóa dần dà của tánh-không đã đi đến mức cao tột nhất, và nó còn được gọi là tánh-không-bát-nhã (parama-sunnata).

Bây giờ chắc các bạn cũng thấy được rất rõ rằng, hành trình từ quy y tam bảo cho đến bố thí, trì giới, thiền định, và tuệ giác, không có gì khác hơn là tánh-không, cũng có nghĩa là không dính mắc vào một cái tôi.  Và quả vị của Niết-bàn cũng không gì khác hơn điều ấy.  Mà thật ra Niết-bàn chính là một trình độ cao tột nhất của sunnata, tánh-không.

Và vì vậy mà đức Phật đã dạy rằng, chỉ cần nghe bấy nhiêu thôi là ta đã nghe hết tất cả giáo Pháp của Ngài.  Thực hành bấy nhiêu thôi là ta đã thực hành hết tất cả.  Thành đạt bấy nhiêu thôi là ta đã thành đạt hết tất cả: không nắm bắt hay dính mắc vào bất cứ một điều gì và cho đó là tôi hay là của tôi.  Nothing whatsoever should be clung to as “I” or “mine.” Sabbe dhamma nalam abhinivesaya.  Và chúng ta hãy cố gắng tinh tấn hành trì, để rồi một ngày nào đó ta có thể thật sự hiểu được tinh yếu của sunnata, chữ tánh-không ấy thật sự có nghĩa là gì!³

Buddhadasa Bhikkhu

A Single Handful

Nguyễn Duy Nhiên chuyển dịch

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle