Đỉnh cô liêu kỳ nhiệm: KHỔ LUYỆN (C.III)

ĐỈNH CÔ LIÊU KỲ NHIỆM

 

The Wisdom of Solitude

 

Jane Dobisz

Người dch

Thích nữ Minh Tâm

 

 

KHỔ LUYỆN

 

21. Nhật Diện Phật, Nguyệt Diện Phật

 

B

ây giờ là đầu tháng Ba. Ngày tháng trôi qua thật nhanh. Thật lạ lùng không biết vì lý do gì hôm nay tôi bị ngã bệnh, nằm bẹp li bì trên giường, không dám ngóc đầu lên vì sợ bị nôn mửa. Đầu tôi đau như búa bổ, bao tử quặn thắt co bóp từng cơn chực chờ nôn mửa ra hết những gì còn chất chứa bên trong. Không lẽ bột gạo mạch đã hư mọt hay sao?

Tôi chợt tự hỏi: ‘Hai tháng đã trôi qua, một mình trong rừng vắng. Ta đã đạt được cái gì?’

‘Chứng đạt.’

Đây là một danh từ rất nguy hiểm đối với một thiền sinh. Một trong những điều tiên yếu nhất mà chúng ta thường nghe các thiền sư nói hay giảng giải khi mới vừa bắt đầu gia nhập thiền môn là chúng ta“phải chứng đạt” Phật tánh, tuy nhiên liền sau đó các thiền sư lại nói: “Nếu các ngươi muốn chứng đạt cái gì thì các ngươi đã “mất” mục tiêu rồi.’

Không quan tâm mình là ai, là gì hay ở tại trình độ nào, chúng ta đều mong muốn mình sẽ chứng đạt được một cái gì đó. Chúng ta muốn vượt xa hơn là chỉ suy nghĩ thông thường về sống hay chết. Chúng ta thường cho rằng “chứng đạt” là quăng bỏ được qua một bên tất cả những gì gọi là chướng ngại trên đường tu tập quả Thánh. Nếu chúng ta có thể xả bỏ được hết những triền phược của thủ chấp, ái nhiễm, sợ hãi, sân hận, và vô minh thì sẽ không còn trở ngại nào nữa và chắc chắn chúng ta sẽ ‘đạt được niết bàn hay giác ngộ vô thượng, vô đẳng đẳng. . . Bồ Đề, Bát Nhã gì gì đó. . .’ Chúng ta nghĩ rằng sự chứng đạt chân lý là một nơi chốn dừng chân, một điểm mốc hay một tiểu bang nào đó như Los Angeles hay Boston. Qua công phu tu tập khổ nhọc, qua những cố gắng nổ lực thiền định, và qua những tinh tấn miên mật không dừng nghỉ, chắc chắn chúng ta sẽ ‘đạt tới được cái mốc giác ngộ chân lý’ mà chúng ta mơ mộng mong cầu hay hy vọng từ bấy lâu nay; và một khi đã đến được đó rồi, những sợi dây vướng mắc trói buộc phiền não sẽ không còn năng lực gì nữa.

Nằm bẹp đau nhừ tử ở chốn hoang liêu này, tôi không hề nghĩ rằng tôi đã ngộ đạt được một cái gì ngoại trừ một ý niệm đơn giản là tôi ‘đang có mặt tại đây và đang thể nghiệm tất cả những thăng trầm của kiếp sống, những sáng suốt và ngộ nhận, những sự lo sợ hay an bình...’ tất cả những tâm niệm đó đến đến đi đi như tia chớp điện xẹt. Tất cả những vọng niệm đó dấy khởi trong tôi, ngay trong tình trạng thể chất bất an hiện giờ, mặc kệ những nổ lực tu tập của tôi trong thời gian qua, có ngộ đạt hay không ngộ đạt... tôi thực sự không kiểm soát nổi thân xác tôi. Cái thân xác này sẽ đau ốm, sẽ già nua, và sẽ hoại diệt dù tôi muốn hay không muốn, dù tôi có chứng đạo hay không chứng đạo, và quan trọng hơn hết là ngay cả khi tôi đã sẳn sàng hay chưa kịp chuẩn bị gì cả, cái chết đến là đến, không báo trước. Tôi vốn vẫn tưởng rằng có một ai đó ngầm che chở phù hộ cho tôi – như Phật, như Chúa, như gia đình, như các đạo sư hay những thiện hữu tri kỷ tri âm của tôi – nhưng ngày hôm nay thì qủa thực tôi bị một vố đau điếng tỉnh ngộ: không có một ai, không, không một ai có thể che chở cho tôi được. Không có một cái lưới an toàn nào có thể che chở cho tôi thoát khỏi qui luật sanh, lão, bệnh, tử được cả. Không một ai trên cõi đời này có thể làm việc đó cho tôi. Không một ai có thể giúp tôi.

Ngay Đức Phật hay Chúa cũng không thể cứu tôi.

Chỉ một mình tôi, chỉ duy nhất một mình tôi cứu độ tôi mà thôi.

Đó là sự khổ luyện trui rèn. Chúng ta đều đã nghe hay biết về ‘sự khổ luyện’ trong thiền môn. Những tấm ảnh xưa cũ chụp các vị tăng sĩ Nhật Bản đi chân trần trên tuyết giúp chúng ta có một khái niệm đầu tiên về sự tu tập khổ hạnh là thế nào; tuy nhiên điều cơ bản là mặc dù chúng ta có thể hiểu thực nghĩa của sự công phu tu tập như thế nào thì chính ngay những ý nghĩ thường dấy khởi hay chưa dấy khởi đó đã phản bội lại chúng ta. Dù chúng ta có lễ bái sói trán đi nữa, một ngày dập đầu lễ lạy hàng ngàn lễ, hay tuyệt thực nhịn ăn bao nhiêu ngày hoặc toạ thiền tập trung vào bao nhiêu công án gì gì đi chăng nữa... thì những lễ lạy bái sám tọa thiền tuyệt thực đó cũng chẳng ăn nhập gì với sự hạ thủ công phu cả. Điều đó có nghĩa là không có điểm qui chiếu, không có nơi chốn mục tiêu, chẳng có cái gì lâu dài, chẳng có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thiền sư Dok Sahn đã diễn giải ý niệm đó như sau: ‘Mặc dù người ta đã thẩm thấu triệt để tất cả những triết thuyết sâu xa thì cũng giống như treo một sợi tóc lơ lửng trên trời cao; dù người ta có nắm vững được hết ngọn ngành tất cả kiến thức thế gian thì cũng giống như ném một giọt nước vào khe núi sâu thẳm. Chẳng có gì quan trọng cả.’

Làm sao chúng ta có thể phóng xả vạn duyên, tâm không ràng buộc?

           

22. Đợi chờ một nụ ngọt

 

Ngày kia Mullah Nasrudin ra chợ ngồi xuống trước một giỏ đầy ớt đỏ, và cứ thế ông ta bốc ăn từng trái ớt cay xé họng, nước mắt nước mũi đầm đià, mắt đỏ ngầu như bốc lửa, môi miệng phồng sưng lên, nhưng Mullah vẫn cứ ngồi ăn hết trái này qua trái kia. Lâu lâu ông ta lại ‘hà’ to lên một tiếng cho bớt cay xé miệng.

Một người đệ tử của ông trông thấy và tiến đến gần, sửng sốt hỏi: ‘Mullah, trời đất ơi, ông làm cái gì vậy? Tại sao ông ăn ớt cay như vậy?’

Mullah trả lời: ‘Ta đợi chờ một trái ngọt!’

                                    Idries Shaw – Mullah Nasrudin

(Người không thể so sánh)

 

T

rưa nay, ngồi thừ người ra nghĩ ngợi, thời gian trôi qua thật chậm tưởng chừng như ngừng đọng. Người ta có thể nghĩ rằng sau hai tháng dài dằng dặc tranh đua cùng thời gian hạ thủ công phu miên mật mong tìm thấy một cái gì, có lẽ tôi đã ‘thắng được tự ngã và kiểm soát chỉ huy hoàn toàn được tâm thức mình,’nhưng không, tôi không đạt được sự may mắn như vậy đâu.

Càng cố gắng, tôi càng không tập trung vào những câu thần chú một chút nào hết. Tôi nản lòng quá. Thực sự tôi mệt mỏi quá. Tôi muốn một cái gì đó đầy đủ pháp vị chứ không phải chỉ là mặt nước phẳng lì trong suốt, không gợn đục. Đã hàng tỷ tỷ năm qua, lặn hụp bao kiếp luân hồi, những giấc mộng cũ sao vẫn cứ hoài quay đi quay lại? Trọn cả cuộc đời tôi cứ chìm đắm trong ảo giác mộng mị. Tôi thấy mình miên man chuyện trò lẩn quẩn loanh quanh với những người tôi không thân quen, và những chủ đề giao tiếp chuyện trò thù tạc thế gian đó cũng chẳng quan hệ lợi ích gì cho tôi cả. Và rồi tôi ngồi đây, bị lôi cuốn mê hoặc đi, giống như một người nào đó ngồi dính cứng vào ghế, rà đi soát lại suốt ngày suốt đêm những kênh đài truyền hình: xem hết bi kịch này đến trò chơi khác hay những mẫu truyện tình cảm đời sống con người v.v... – để làm gì?

Tôi thấy tôi y hệt như Mullah Nasrudin, ngồi xổm trong chợ nhai nhồm nhoàm những trái ớt đỏ cay nồng. Làm sao xả ly hay chấm dứt hẳn được những tập khí xấu đó? Thiền sư Bankei nói rằng ‘Loài người chúng ta luôn chấp thủ tất cả những gì chúng ta thấy và nghe, vì thế những gì mà chúng ta ôm chặt nắm giữ đó, đến một giai kỳ chín muồi, chúng sẽ tự thân phản ảnh lại trong tâm thức chúng ta thật rõ ràng, từng nét từng nét. Nếu chúng ta biết buông xả, không đắm nhiễm, không chấp thủ thì những hiện tượng đến đến rồi sẽ đi đi, không ảnh hưởng tác động được vào tâm trí để gây phiền não nội kết trong tâm chúng ta – như gương soi, như mặt nước hồ thu phẳng lặng; vật đến vật đi chẳng xao động lưu luyến gì.’[1]

Sâu thẳm tận trong hang động, nước rò rỉ nhỏ giọt qua khe hở xuống mặt đá; hàng năm, hàng trăm năm và hàng triệu triệu năm qua đi – và cuối cùng, nước chảy đá mòn – mặt đá bị nuớc xoáy mòn đi thành một lổ hổng tròn. Và ánh sáng chiếu xuyên qua lổ hổng đó, gió cũng thổi xuyên qua lổ hổng đó, và người ta cũng có thể thấy tất cả những gì phía bên kia của lổ hổng tròn đó.

Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Nước chảy đá mòn, dùi mãi cũng thủng.

Hãy trì chí khổ công tu tập – một ngày nào đó, đầy đủ nhân duyên, chúng ta sẽ an hưởng được trái ngọt Pháp vị nhiệm mầu.

           

23. Anh quyết định đi!

 

Đạo khả đạo, phi thường đạo. Danh khả danh, phi thường danh.

                                                            (Đạo Đức Kinh)

 

T

ận cùng thâm tâm, tôi rất tin vào sự hành trì nhập thất này nhưng sao có một cái gì đó ngấm ngầm nung nấu đốc thúc tôi phải rời khỏi gấp khu rừng qủi quái hoang liêu tiêu sơ này. Ngoài kia tuyết rơi.

Lại tuyết rơi!

Ngày hôm nay, nhìn căn chòi thiệt thấy ảm đạm tiêu điều hơn cả cái hoang sơ nữa. Những mẫu củi mục vương vãi ngoài sân, đất dơ bẩn ướt át trộn lẫn với tuyết, trong chòi thì tro tàn khói lạnh... tôi đang làm gì ở đây thế này? Cuốn gói rời khỏi chổ này thực có dễ dàng không? Tôi có thể quơ vội đồ đạc quần áo của tôi, dồn vào túi xách, cuốc bộ ba dặm đường ra tới ca bin điện thoại công cộng dưới đường mòn kia, gọi một xe tắc xi, và chỉ đến buổi xế trưa thôi là tôi đã vọt ra khỏi cái khu rừng âm u hoang vắng dễ sợ này. Dễ dàng thôi! Có cái gì ngăn trở được tôi đâu nhỉ? Có ai dám nói gì tôi đâu? Tôi đã sẵn sàng để đi ngay lập tức như con ngựa đang lồng lộn giơ vó đá kình kịch vào cổng chuồng, muốn tung bứt giây cương phi nước đại trên cánh đồng hoang dã.

Phải công nhận là cái không gian trống rỗng nhưng buốt lạnh, đất cứng khô đầy lá ủ mục này thật buồn tẻ, cằn cỗi đến độ héo úa đi mà chết. Tôi tự thề với lòng rằng nếu sau này tôi có nhập thất tĩnh tu đi nữa cũng sẽ tìm một nơi chốn nào khác có cây cối xanh mát hơn, có ánh sáng hơn, có sức sống hơn... Tôi vội lúc lắc đầu, xua đuổi đi cơn mộng ảo ban ngày để tập trung thần trí vào phút giây hiện tại này, ở đây. Rồi thì, thể như có Đức Phật đang nói vào tai, tôi cảm thấy vang dội giọng của Dae Soen Sa Nim những lời đáng ghét mà trước kia ông ta thường ưa nói:

            “Ta làm được, ngươi làm cũng được.

             Ta không làm được thì ngươi cũng không.

             Hãy quyết định đi!”

Sự lựa chọn tối hậu đang lởn vởn trước mắt tôi: ‘Nhận thức rõ khả năng tuyệt đối của con người có thể thực hiện được tất cả những gì mình muốn’ hay ‘tự khóa nhốt kín mình trong những bức thành quách của tuyệt vọng và bị động?’ Tôi hít sâu vào thở mạnh ra vài cái cho nhẹ bớt lồng ngực và nhớ lại câu chuyện mà bạn tôi, Mu Sang Sunim đã kể:

‘Có một lần khi Mu Sang Sunim bị rơi vào một trạng thái u uất bi quẫn trầm trọng, Mu Sang đã đến gặp Dae Soen Sa Nim hỏi phải làm gì để thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng nản chí cùng cực đó?

Da Soen Sa Nim trả lời:

-         ‘Hãy lễ 108 lạy.’

-         ‘Tôi chán quá, không muốn lễ sám gì cả.’ Mu Sang trả lời buồn bã.

-         ‘Vậy hãy ngồi yên đi!’

-         ‘Tôi cũng không thể ngồi yên được.’

-         ‘Vậy ngươi hãy ra bờ sông kia, nhìn thẳng vào dòng sông và hét lớn lên: ‘Quán Thế Âm Bồ Tát!’

-         ‘Được.’

Mu Sang Sunim đi ra bờ sông và hét lớn lên, cảm thấy dễ chịu hơn.

Giờ tôi cũng đi ra ngoài căn chòi và tụng lớn tiếng : ‘Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời...’

Có hiệu nghiệm!

Tôi có thể làm được ; tôi có thể vượt qua được ; tôi có thể thắng được tôi ; tôi đã làm được ngay khi chính tôi nghĩ là mình bất lực.

Cuối cùng, sự quyết tâm là năng lực giúp hành giả thắng được vọng niệm nghi tình.


 

24. Cái bánh của Un Mun

           

K

hi mới nhập thất, tôi đã đoán rằng hũ bơ đậu phọng có lẽ sẽ hết sạch trước thời hạn. Quả đúng như vậy, mấy tuần lễ qua, tôi đã nạo vét, đã liếm sạch nhẵn hũ đậu phọng đến nỗi một con kiến cũng không thể kiếm chác được chút lợi lạc gì. Tôi cũng đã nhâm nhi sạch luôn một trăm trái cây khô – với dự định ban đầu là chỉ một trái một đêm thôi. Thế mà và trái cây đều đã cạn kiệt chỉ trong vòng hơn năm tuần lễ đầu, và tôi còn phải chịu đựng đến bẩy, tám tuần lễ nữa mới hết hạn kỳ 100 ngày.

Qua kinh nghiệm nhập thất nhiều ngày như thế này, hôm nay tôi mới thực sự banh mắt ra để tự quán chiếu xem cái nhu cầu về thực phẩm nó cần thiết bức bách con người ta như thế nào; cái nhu cầu ăn uống đó dường như quan trọng hơn hẳn các nhu cầu khác mà trước kia tôi vẫn ngỡ rằng ăn uống, đói no... không phải là yếu tố đem lại hạnh phúc.

Xuất thân từ một gia đình trung lưu, tôi chưa hề bị đói, bị lạnh, bị khát bao giờ nên tôi chưa hề cảm nhận rằng nhu cầu vật thực lại đóng một vai trò thiết yếu đến thế trong đời sống con người. Tôi đã luôn luôn ước muốn sẽ thử tập nhịn đói một thời hạn ngắn để xem sức chịu đựng của tôi đến đâu, và hôm nay là thời gian tốt để ước muốn này được thực hiện ngay lập tức. Trước hết tôi sẽ nhịn không ăn gạo và đậu nữa. Tôi ngấy hai thứ này đến tận cổ rồi.

Tuyệt thực là một phương thức đôi khi mang tính cách huyền thoại trong nhiều truyền thống tu tập tâm linh hay tôn giáo. Tôi nhớ là thiền sư Seung Sahn đã nhịn đói không ăn trọn suốt ba tháng nhập thất khi ông còn trẻ tuổi. Thiền sư chỉ nhai bột hạt tùng nghiền nát.

Suốt ba tháng rưỡi!

Khi mãn hạn nhập thất, da dẻ của thiền sư Seung Sahn đã ngả sang màu xanh lục. Khi thiền sư về lại thiền viện, người ta phải châm cứu và xông ngải cứu ở rốn của ông hàng mấy tháng trời để làn da ông bình thường trở lại. Tôi cũng sẽ nhịn ăn nhưng theo thực đơn ‘bớt khổ hạnh hơn’ một chút : ba tuần lễ chỉ uống trà và nước bột lúa mạch.

Tôi không ra vẻ ‘ta đây anh hùng liệt nữ’ gì hết ; tôi chỉ đơn thuần tò mò thử xem cái bản chất của sự tham muốn đòi hỏi nhu cầu vật thực đó nó mạnh mẽ đến chừng nào đối với con người. Tôi muốn tự thân kinh nghiệm ; tôi muốn tìm hiểu thực chất bản năng sinh tồn của nhân sinh. Tôi đã hao phí gần hết cuộc đời tôi để truy lùng săn đuổi theo hết khát vọng này đến tham muốn khác. Cái tham muốn ấy đến từ đâu và nó điều khiển chi phối tôi như thế nào? Cái gì sẽ xảy ra nếu tôi không thỏa mãn những nhu cầu tham muốn đó cứ ám ảnh xuất hiện trong tâm trí tôi? Cái gì sẽ xảy ra nếu tôi nhịn đói trong một thời gian ngắn?...

Chẳng biết cái gì sẽ xảy ra nữa nhưng có một sự cố chắc chắn nhất là sau hơn mười ngày nhịn đói... tôi đang vật lộn với cơn đói kinh khiếp đang hoành hành cơ thể tôi đây... tôi đói quá, đói lả người ra... tôi không còn sức chịu đựng nổi nữa.

Hai loại gạo và đậu hạt mà tôi ngấy ứ cổ mấy tuần lễ trước bây giờ bốc mùi thơm ngào ngạt trước mũi tôi. Trời ơi, không còn đường nào thoát ra khỏi sức tấn công mãnh liệt của cơn đói. Tôi đã pha, đã uống bao nhiêu tách trà và nước bột lúa mạch nhưng đầu óc tôi cứ vẩn vơ quay mòng mòng với hình ảnh các món ăn hấp dẫn đầy hương vị quyến rũ. Tôi thấy tôi đảo điên giữa những bài thần chú và ảo ảnh, mùi vị của món bánh nhồi thịt băm sốt cà chua béo ngậy của Ý, món bánh bí ngọt vàng đượm, những thỏi kẹo súc cù là thơm ngon mềm dẻo tuyệt cú mèo... Tôi tưởng tượng mình sắp phát hành ra được vài quyển sách dạy nấu ăn tuyệt hảo và sẽ mở một nhà hàng bán các món ăn chay sang trọng tên là Café Joju...

Cái gì đã xảy ra vậy? Tình yêu, chứng đắc, giác ngộ, phiêu lưu, danh vọng... tất cả bây giờ là con số không to tướng. Dẹp, dẹp hết... tôi không màng gì nữa hết... đói, đói quá, thức ăn đâu??... bây giờ tôi chỉ muốn ăn mà thôi... ăn, ăn... Món ăn trên lưỡi tôi, mùi vị trong miệng tôi. Tôi không cần mùi vị gì nữa cả, mùi gì cũng được, món nào cũng được, miễn sao là món ăn, món ăn.

Thực phẩm là đời sống.

Tại sao tôi còn sống đây?

Tôi sống để làm gì? Cuộc đời là gì?

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni... Bài thần chú Đại Bi tự trỗi dậy trong tâm tôi, từng chữ, từng câu miên miên mật mật tuôn chảy khắp châu thân tôi. Hình như tôi đang trôi về một cảnh giới nào đó bồng bềnh hư hư thực thực... và rồi cơn đói vật lý lại ập đến, quật ngã tôi xuống.

Ngày thứ 19, chỉ còn 2 ngày nữa thôi là tôi đạt được tiêu điểm nhịn đói ba tuần lễ rồi; chỉ còn hai ngày nữa thôi... thế mà hai bàn tay tôi, run rẩy lóng cóng một cách vô ý thức, không người điều khiển, đã mò tới bao gạo, đong một ly và đổ ngay vào nồi. Tôi thều thào yếu ớt phản đối, ‘Không, không, đừng làm, đừng làm. Chỉ còn hai ngày nữa thôi. Hãy uống trà đi. Cố lên, cố lên!’ nhưng mặc tôi kêu gào, vô hiệu. Cái con người tôi không theo mệnh lệnh của đầu óc tôi nữa, nó cứ tự nhiên, một cách quái ác và hèn yếu, đổ nước vào nồi và quẹt diêm mồi lửa ; mặc kệ cái tiếng nói của ý thức phản kháng yếu ớt của tôi : ‘Không, không...’

Mùi thơm của gạo tỏa ra, bốc thơm lừng. Tôi nhễu nhại nước miếng đầy miệng như một con chó đói. Run rẩy như con cầy sấy, tôi lê tới, bốc cơm nóng hổi ăn ngấu nghiến, nuốt ừng ực thật tồi tàn, hèn hạ.

Qua lần nhịn đói thất bại chua cay này, tôi đã học được kinh nghiệm về sự khát ái tham muốn chính trên thân tâm tôi. Khát vọng mãnh liệt thật dễ sợ – và con người thật yếu đuối làm sao!

           

25. Ai đó?

 

            Nếu ta vào địa ngục đao gươm,

            Đao gươm kia sẽ gẫy thành từng mảnh vụn,

            Nếu ta vào địa ngục đồng sôi,

            Nước đồng sôi sẽ khô ráo cạn dòng.

            Nếu ta vào địa ngục vô gián,

            Địa ngục vô gián kia sẽ tự hủy diệt,

            Nếu ta vào trong A Tu La chiến trận,

            Loài Tu La sẽ buông kiếm đầu hàng.

            Nghiệp không tự tánh, duyên khởi tại tâm,

            Nếu tâm vắng bóng, nghiệp cũng không hình.

            Ý căn trong sạch, chẳng vướng ngại chi,

            Pháp tánh chu viên, tịnh minh thể hiện.

                        (Trích dịch từ kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn)

 

N

ửa đêm. Tôi cảm thấy còn sung mãn hưng phấn nên bước ra ngoài hàng hiên lễ sám dưới ánh trăng khuya. Thật kỳ mỹ làm sao ánh trăng sáng soi lung linh trên tuyết, trên cây. Mảnh trăng khuya treo lơ lửng trên thinh không đêm nay sao diễm tình huyền ảo khiến lòng người bâng khuâng rung động, chơi vơi, xao xuyến trước nét đẹp liêu trai huyền hoặc của trăng rơi trên sóng tuyết. Tiếng niệm thần chú của tôi nghe cũng rõ ràng hơn, trầm hùng hơn, có vẻ có định lực hơn. Một lạy xuống, một hạt chuỗi, một câu thần chú, một ánh trăng đơn... tôi cảm thấy như hồn mình phiêu du lạc bước vào chốn non bồng ; yên lặng của thinh không, hoành tráng của núi trời, diễm lệ của trăng sao, trinh nguyên của tuyết trắng... tôi sung sướng được thiên nhiên ôm choàng, thương yêu và che chở.

Đang nhắm mắt tận hưởng niềm hỷ lạc nội tại, tôi chợt giật bắn người khi thoáng nghe có tiếng chân xào xạc và giọng nói văng vẳng hướng về phía căn chòi của tôi.

‘Ai vậy?’ tôi thầm nhủ.

‘Quái qủi, ai vậy cà?’ bỗng nhiên tôi lạnh toát người, dỏng tai lên nghe ngóng. Có ai thật không đây hay lại là óc tưởng tượng suy diễn của tôi? Hay đó là những con sóc chuột? Không, không phải đâu, chắc chắn không phải đâu. Có tiếng nói mà, đứt quãng, nhưng có tiếng người nói. Tiếng chân càng gần tới, tôi nghe rõ có giọng nói đàn ông, chắc chắn. Tôi không thể đoán chắc có bao nhiêu người nữa. Tự dưng tôi nhớ lại ngay lập tức một cuốn phim xi nê rùng rợn mà tôi đã xem trước kia – Máu Lạnh – trong cuốn phim đó, bọn cướp đột nhập vào nhà một cư dân lương thiện và giết sạch cả gia đình họ, chẳng vì lý do gì cả, không phải sát thủ vì chính trị, chẳng cướp tiền, chẳng phải trả thù tống tiền tống tình gì cả, đơn giản chỉ vì thích giết, máu lạnh, ôi khủng khiếp quá!!

Tôi lại liên tưởng đến những câu truyện ghê gớm bệnh hoạn đăng trên báo chí về những vụ bạo lực, hiếp dâm, giết người man rợ, thỏa mãn thú tính, v.v... Trời ơi, như vậy là có kẻ nào đã biết là chỉ có một mình tôi đơn độc ở đây. Chúng đã mò đến tận đây rồi, tôi biết chắc như vậy. Toàn thân tôi tê cóng và đầu gối thì mềm nhủn ra như đậu hũ. Tôi cố nhấc chân lên nhưng không nổi, cơ thể tôi như không còn chút năng lực nào. Tôi không thể núp trong cái chòi nhỏ xíu đó được, hơn nữa chòi cũng chẳng có đến một cái ổ khóa mà nếu có thì cũng ăn thua gì với bọn cướp cơ chứ?? Tôi sẽ bị mềm xương ở trong đó, chẳng có cách gì để tháo chạy thoát thân. Tôi chẳng có xe, không điện thoại mà cũng chẳng kêu cầu cứu với một người nào ở cái chốn khỉ ho cò gáy này cả. Ai nghe tôi? Ai cứu tôi?

Run lập cập như cầy sấy, tôi đứng chết trân tại chỗ, tay chân lạnh toát, miệng đánh bò cạp nghe rõ mồn một... Sao bây giờ những câu thần chú văng đi đâu ráo trọi?? Tất cả những công phu tu tập thiền hành, thiền tọa hơn cả tháng qua bây giờ chẳng công hiệu gì vì không trấn áp nổi cơn sợ hãi trong tôi.  Nó cứ tăng dần lên, tăng lên thật nhanh theo dòng suy tưởng của tôi. Bỗng nhiên tôi tức quá, tôi giận tôi, tôi giận cái sợ trong lòng tôi. Tôi phải mạnh dạn lên, can đảm lên, phải vùng lên, chạy ra sân chụp lấy cái rìu chẻ cùi kia, ‘phải, tên nào dám đụng tới ta, ta sẽ...’ giời ơi, không được đâu, ngộ nhỡ những tên cướp đó mạnh hơn tôi thì chưa kịp giơ búa lên thì chúng nó lại chụp được búa mà giáng cho tôi một cái thì... ‘Không, không, đừng dại dột lại giúp cho chúng nó có thêm vũ khí để giết mình... Có lẽ tôi phải giấu cái rìu đó luôn ; ối giời ơi, tôi không muốn bị xẻ ra thành từng mảnh vụn đâu... ôi, khiếp quá, khủng khiếp quá, không đẹp mắt tí nào, không, không, chết như vậy ghê sợ quá... nhập thất tu thiền mà sao lại chết khiếp đảm thế??’

Rạo, rạo, rạo... tiếng chân bước tiến gần đến nơi rồi. Giọng nói nghe cũng lớn hơn. ‘Những tên khốn nạn nào mà mò mẫm vào đây giữa đêm khuya thế này? Để làm gì?’ Tôi tức quá, muốn chửi thề một phát... hình như cơn tức khí cũng giúp tôi lấn áp nổi cái sợ, tôi co chân và bước dài thật nhẹ núp mình vào sát cổng rào, nín thở và vễnh tai banh mắt lên nghe ngóng, quan sát. Tôi cố gắng thu mình nép sát vào cổng rào và chuẩn bị tư thế phóng mình lao nhanh vào khu rừng vắng kia, đó là lối thoát duy nhất, và phải càng nhanh càng tốt.

Tuyết rơi dầy sẽ nghe lạo xạo. Có lẽ bọn cướp sẽ nghe thấy được tiếng chân của tôi chạy lạo xạo trên tuyết nếu tôi chạy. Tôi lạnh buốt tê cóng tay chân khi nằm sát xuống mặt đất, vì lạnh và vì sợ. Tôi vẫn nghe ngóng tình hình.

Ồ, cái gì vậy? Hình như có giọng nói phụ nữ. Cô ta đang cười. Đó là một nhóm người. Họ đang nói chuyện với nhau. Hình như không có vẻ gì là dã man, bụi đời, tội phạm hay cướp bóc gì cả. Nhóm người đó vừa đi vừa nói chuyện vừa cười đùa vui vẻ. Gần hơn, tiếng chân, giọng nói cười gần hơn, gần hơn, và rồi đi ngang qua căn chòi tiến về phía cái giếng, về phía hai ca bin đằng xa kia... Ô trời ơi, đúng là ‘thần hồn nát thần tính.’ Đó là gia đình Havens, người chủ khu rừng này. Đó là Joe và Terry Havens, thảo nào nghe giọng nói quen quen. Họ từ California về sớm hơn dự định và chắc có mời thêm vài người bạn quen thân của họ đến tham quan khu rừng xanh đẹp thanh vắng này.

Ha! ha! ha! tôi cười sặc sụa, cười gập cả người xuống, cười chảy nước mắt để tự chế diễu sự tưởng tượng kinh khủng vừa qua của tôi. Thế là thoát nạn rồi! Những người đó chắc chắn là Joe và Terry Havens. Tôi không nhìn thấy họ nhưng chắc chắn là Joe và Terry vì tiếng nói tiếng chân đã hướng đúng về phía ca bin và cái giếng.

Thiệt tình là óc tưởng tượng của con người qủa phong phú và cũng dễ sợ thật. Trong đêm tối chúng ta nhìn sợi dây mà tưởng là con rắn nên mới phóng chạy thục mạng nhưng khi đèn sáng lên, nhìn lại, thì hóa ra chỉ là sợi dây thừng... thức biến, thức biến hiện, đúng là ý thức biến hiện mà thôi. Hai đầu gối của tôi vẫn còn run rẩy đến nỗi tôi phải ngồi bệt xuống đất vài phút để lấy lại bình tĩnh. Tôi cũng nghe được luôn tiếng đập thùm thụp của trái tim tôi vẫn còn đang nhẩy trong lồng ngực. Hai bên thái dương của tôi vẫn còn giật giật vì những phút giây căng thẳng vừa qua. Tôi chưa phải là Phật, tôi chưa giác ngộ được gì cả. Tôi vẫn là Jane ở Rhode Island, vẫn là cái người ngớ ngẩn vừa mới thoát cơn sợ hãi vô duyên vừa rồi.

Vô minh, lớp màn vô minh trong tôi vẫn dầy dặc.

           

26. Một con trâu ngang qua cửa sổ

 

Như có một con trâu lọt ngang qua cửa sổ. Đầu, sừng, và cả thân hình của nó... tất cả đều lọt qua được, nhưng sao chỉ còn cái đuôi không lọt được?’

(Công án Mu Mun)

 

S

áng nay tôi thức dậy sớm và hy vọng mặt trời sẽ rọi nắng hồng ấm chiếu sáng muôn vật, nhưng rồi lại một lần nữa, những hy vọng ước ao của tôi lại vỗ cánh bay hút mất. Trời xám xịt ảm đạm buồn thiu còn gấp mấy lần ngày hôm qua nữa. Sao tuyết cứ rơi hoài, rơi mãi thế, không ngừng?

 

Đã đầu tháng Tư rồi!

Tôi cuồng chân cuồng cẳng lắm rồi, chỉ mong sao mau mau kết thúc cái thời gian nhập thất và cuốn gói dông thẳng về thành phố, vĩnh biệt cái chòi nhỏ xíu lạnh lẽo này cho rồi. Đã hơn hai tuần lễ qua, tuyết đổ xuống dầy dặc mỗi ngày, càng lúc càng nặng nề hơn. Tuyết dầy cao đến nỗi phải có những đôi ủng cao tận đầu gối mới có thể lê chân ra giếng múc nước được. Tôi cũng không thể ra ngoài để xẻ củi theo giờ giấc trong thời khoá biểu. Cái đống củi ngoài kia đã bị che lấp chôn vùi dưới tuyết rồi.

Tôi xin thề với các bạn là thiệt tình ở đây sao giống như bị lưu đày ở Siberia vậy! Tôi phát khùng lên, muốn văng tục cho đỡ bực bội... Không còn những phút giây sảng khoái an tịnh với chú chim cúc cu mổ hạt hướng dương ở bàn tay tôi nữa, tôi cũng chẳng thèm quan tâm gì đến công cuộc khám phá tự ngã, nội tâm gì nữa hết. Tôi chỉ muốn có một điều thôi : mặt trời, ánh nắng mặt trời. Tất cả những nổ lực công phu tu tập của tôi vẫn chưa đủ năng lực dìm bẹp cơn tức giận của tôi khi nhìn lên bầu trời xám xịt kia. Tôi giận ông trời?? Tôi tức mùa tuyết?! Buồn quá, ảm đạm quá, thê thảm quá!! Thật vô vọng khi dơ tay nắm tóc[2] tức ông trời. Tôi như cái bóng ma thu mình trong xó tối.

Cái mô hình ‘sống gần thiên nhiên,’ ‘vui chơi cùng thiên nhiên,’ gì gì đó... thôi thôi xin dành cho loài chim muông thú vật. Tôi hết ham rồi!! Đúng là chỉ có những tên ngu ngốc hay thằng điên nào đó mới bỏ cái nơi có điện lực ánh sáng ngon lành mà đi vào rừng cưa cây xẻ gỗ, suốt ngày nhặt lượm những cành nhỏ cành to để mang về chụm lửa. Bạn nói gì? Thắp đèn lên hả? Ồ thôi, cám ơn đi. Tôi phải cạo sạch hết lớp bồ hóng đen kịt bám chặt lấy cái đèn dầu thì mới thắp sáng nổi. Thôi ngán ngẫm qúa, thà ngồi trong bóng tối cho rồi... Sao, bạn nói gì? Đun nước nóng tắm hả? Vô nghĩa...

Có đôi lúc cảm thấy khó chịu đựng nổi khi phải chui rúc ở cái xó rừng này, tôi đã bao lần tự hỏi : ‘Tại sao mình lại đến đây nhỉ?’ Dae Soen Sa Nim thường nói, ‘Đừng tạo khó khăn cho mình nhưng cũng không nên buông lung phóng túng! Nếu ngươi tạo khó khăn thì khó khăn vây bủa lấy ngươi ; vì thế có đôi lúc người ta cần sống dễ dãi một chút nhưng không nên buông lung phóng xả.’

Nếu chẳng khó chẳng dễ thì sao? Ngay cái phút giây bạn không thấy khó chẳng thấy dễ thì bạn đã đạt được Chánh Tinh Tấn. Chánh Tinh Tấn có nghĩa là không có tinh tấn gì hết. Không có tinh tấn gì hết mà lại tinh tấn. Đó chính là Chân Không Diệu Hữu. Dứt bặt hết vạn duyên ức niệm ‘có- không, trong- ngoài, sáng- tối, tới- lui!’

Ngày mai trời lại sáng.

           

27. Điên rồ của ảo mộng

 

            ‘Tại sao ảo mộng lại đẹp đến thế?’

                                                            (Thiền sư Ikkyu)

 

 ‘Nàng quan tòa’ đã xuất hiện trong thời gian tôi ngồi lặng lẽ im lìm suốt ngày hôm nay.

Cái gì? Tôi nói cái gì vậy? Nàng quan tòa ‘ở đây’ với tôi, nàng ta không ngớt phê phán cái này, phẩm bình cái kia, chê trách cái nọ đủ điều đủ kiểu...

Nàng quan tòa bé nhỏ của tôi!

Tôi luôn sánh đôi đi với nàng, không lúc nào rời xa nhau – có lẽ khi tôi còn nhỏ xíu, chưa ý thức gì thì nàng ta chưa tiện xuất hiện mà thôi, nhưng từ khi tôi bắt đầu biết nhận thức thì nàng luôn có mặt trong tôi. Đó là nhiệm vụ của nàng để so sánh chỉ trích hay phê bình. Nàng ta làm công việc đó thực hoàn hảo, hết chỗ chê!!

Trước tiên nàng so sánh tôi với một người nào đó. Tùy theo tâm trạng vui buồn, nàng quan tòa này sẽ buông lời phẩm bình... để rồi có thể tôi sẽ biến thành một siêu anh hùng hạng nặng hay một con heo ích kỷ dơ bẩn. Có khi quan tòa gật gù một cách đắc ý thỏa mãn, ‘Ờ, ờ, được, ngươi rất ngon lành, được, được!’ Tôi khoan khoái làm sao khi được khen tặng như vậy. Nhưng rồi... ‘Khoan khoan, để ta suy nghĩ lại xem. Ồ không không, ngươi qủa là một tên ngu ngốc. Cái nên làm thì ngươi không làm, cái mơ mộng điên rồ thì ngươi lại cắm đầu cắm cổ làm theo! Sao danh lợi đang chờ ngươi, ngươi không nắm lấy cơ hội, lại chạy tìm chi những ảo vọng xa vời Không Không Có Có?’ nàng ta dẫy nẫy lên phản đối. Tôi biểu đồng tình với nàng. Qủa đúng vậy, tôi là một tên thiền sinh ngu ngốc khờ khạo nhất trên đời này ; một con người ngớ ngẩn nhất đi tìm cái mà thiên hạ không thèm quan tâm tới.

Có khi nàng quan tòa lại nói những điều như phi lý, ví dụ như ‘Cuộc đời này thực lạ lẫm làm sao!’ (Lạ? Tại sao lạ? Lạ với cái gì?) hay có khi lại tán thán khen ngợi : ‘Tuyết trắng nơi đây đẹp hơn tuyết những nơi khác rất nhiều : tuyết trắng hơn, đẹp hơn, tinh khiết hơn, quyến rũ hơn, thơ mộng hơn tuyết rơi trên phố thị đông người náo nhiệt...’ Nàng quan tòa không bao giờ ngưng làm việc, nàng nói suốt ngày, nàng phê bình nhận xét chê khen đủ thứ suốt đêm... cứ hết phẩm bình cái này đến nhận xét caí khác rồi lại phê phán chê khen – chẳng có cái nào tốt hoàn toàn, chẳng có cái nào xấu hoàn toàn như là một nửa tấm gương soi, phản chiếu hết mọi hình ảnh trong tâm.

Theo nàng suốt ngày đêm, tôi nhức đầu mệt mỏi qúa : nào cái này không được, nào caí kia không xong, nào cái này được, cái kia đúng, v.v... v.v... Tôi mong sao nàng quan tòa này đi du lịch đâu đó cho rồi – bộ không mệt sao mà cứ loay hoay dò xét phẩm bình chê khen hoài vậy? Tôi đã thử đề nghị với quan tòa là phải đi du lịch an dưỡng đi – nhưng không, công việc này lý thú lắm, nàng ta thích lắm, không chịu bỏ rơi đâu!!

Cuối cùng tôi đi đến một quyết định sau khi chịu đựng ngồi nghe nàng kể lể suốt một buổi sáng – thôi nàng làm công việc của nàng, tôi làm công việc của tôi. Công việc của tôi là phải chú tâm trì chú và tu thiền, không phải là cứ tò tò đi theo nàng như con chó đói chạy theo từng khúc xương mà nàng quăng bỏ. Tôi phải để cho nàng ta tự do như cơn gió thổi ngang qua kia. Mặc kệ nàng ta tới lui và gào thét chê bai : những tiếng kêu la như tiếng kêu của loài thú hoang dại hay như tiếng động của chiếc phản lực cơ gầm rú trên thinh không. Nàng ta tới từ hư không và sẽ trở về hư không, như vạn vật nhậm vận tới lui tùy duyên tự tại.

 

Tôi cúi đầu đãnh lễ nàng ba lần. Nàng là một trong những người thầy tâm linh bậc nhất của tôi. Xin cám ơn sự khuyến dạy của nàng, thưa Quan Tòa.

 

28. Chân lý là gì?

 

            Một tăng sinh hỏi Un Mun : ‘Chân lý là gì?’

            -‘Một que cứt khô.’

                                                (Thiền sư Un Mun)

           

T

hực tế những sự kiện cơ bản thiết yếu nhất của một đời sống đơn khiết lại gắn liền rất mật nhiệm với những nhu cầu cá nhân bình thường. Tôi chú tâm đến những chi tiết đó nhiều hơn như đã từng quan tâm đến nước và rác. Đã đến lúc phải đổ cái thùng chứa vật thải bất tịnh mà trong đó đầy ứ những phân bả hôi thối của chính tôi. Trong thời gian chấp tác, tôi quyết định mang thùng phân đó đi đổ cách khá xa căn chòi hơn là chôn lấp ngoài cổng chòi.

Cái thùng phân rác này nặng thiệt và lớp tuyết dầy dặc kia còn làm cho tôi khó đi hơn. Cố gắng dò dẫm tránh sụp chân xuống những vũng đóng băng mỏng, tôi ì ạch kéo, lôi, xách cái thùng phân đi càng xa một chút càng tốt. Mỗi lần trợt sẩy, tôi chìm ngập chân dưới tuyết đến tận đầu gối. Cuối cùng tôi cũng đến được một mảnh đất hoang cách khá xa căn chòi. Mệt bở hơi tai, tôi đặt thùng xuống, đứng thở dốc. Đây là cái đống vật thải bất tịnh mà tôi đã thải ra trong mấy tuần qua. Nếu ở nhà, có lẽ tôi còn xổ ra gấp mấy lần nữa, nhưng ở đây vì ăn ít nên chỉ có cái thùng nhỏ này mà thôi.

Tôi dỡ nắp thùng lên và lật úp xuống. Nó cứng ngắc như một cục đá. Không sao. Tôi kiếm một khúc cây nhọn cứng và chọc chọc vào thùng phân. Đã gẫy hết bốn khúc cây mà vẫn chưa chọc vỡ ra được cái thùng phân rác đã đóng băng. Sau 15 phút hì hục đánh vật với nó, tôi sực nghĩ là phải làm cho nó tan băng thì mới chảy ra được. Thế là tôi lại lôi kéo cái thùng về chòi để kịp rửa sạch sẽ chân tay và lễ sám lúc 9 giờ 45.

Khoảng độ giữa 11 giờ và 1 giờ trưa, mặt trời mọc lên cao và chiếu ánh nắng xuống trần gian. Tôi xách thùng phân ra giữa sân ngay điểm ánh sáng mặt trời thường chiếu gắt xuống nhất và đặt thùng phân ngay đó, dở nắp ra để ánh nắng soi thẳng xuống mặt thùng. Khi mặt trời xê dịch, tôi cũng xê dịch cái thùng theo, hy vọng là nhờ ánh nắng, nó sẽ tan loãng được lớp băng đóng trên mặt thùng tuy nhiên nó chỉ tan được một chút khi có ánh nắng mặt trời sau đó vừa sụp tối trở lạnh, nó lại đóng băng ngay. Tôi chẳng còn cái thùng chứa nào khác nữa.

Thế mà cái công tác nhỏ bé này lại có vẻ buồn cười thú vị. Tôi, một con người xã hội, bỏ thời gian ở đây để truy tầm một cái gì vượt qua sự sống và chết, nhưng bây giờ lại đánh vật xoay trở với cái thùng phân của chính tôi, cốt sao cho nó chảy ra để đổ đi. Tuyết lại rơi xuống nhiều hơn, không còn chút ánh nắng. Ba ngày sau, mặt trời ló dạng và khí hậu ấm áp hơn một chút. Sau bữa cơm trưa tôi đi ra ngoài để xem cái thùng bất tịnh đó. Chẳng khá gì hơn. Tôi kéo vào, dở nắp lên và định ngồi xuống. Ái chà, cái gì vậy? Có một con ruồi nhặng nhỏ xíu đang đậu trên cái đống bất tịnh hôi hám đó. Hắn cũng giương đôi mắt nhìn tôi. Tôi nhìn hắn trong giây lát và chợt thét to lên một tiếng, buông cái nắp thùng xuống kêu một cái ‘cạch’ khiến chú ruồi hốt hoảng bay vù mất. Đây là sinh vật thứ hai tôi giáp mặt sau mấy tháng lẻ loi nơi nhập thất hoang vắng này.

Quả thực đây là lần đầu tiên tôi thấy trực tiếp một sinh vật bu bám vào cái vật tôi cho là hôi thối nhất trên đời này. Mỗi thứ mọi vật đều không tách rời nhau. Cá lớn nuốt cá bé, cá bé nuốt cá lòng tong. Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa cũng đã thấy con sâu bò ra trên mặt đất khi luống cày được xới lên, con chim sà xuống quắp con sâu, và người thợ săn núp sau bụi rậm giương cung nhắm bắn vào con chim. Cái cảnh người săn thú, người săn người diễn ra và tái diễn không ngừng, từ tôi đến bạn đến con ruồi, đến cái thùng, đến trái đất, đến cây cối rau trái, rồi lại đến tôi đến bạn... Vòng vòng vòng vòng. Một vòng tròn luân hồi vô tận.

Chân lý là gì?

Một que cứt khô!

 

29. Liễu xanh, hoa đỏ

 

Những ngày trước, có lẽ nhờ vào sự chú tâm gia công hành trì lễ lạy, bái sám và tụng niệm trong suốt thời gian mấy tháng vừa qua, tôi cảm nghiệm một trạng thái ‘lạ kỳ’ đưa đến.

Đôi chân tôi như không phải là đôi chân thịt của tôi nữa. Hai hàm răng như không còn bám chắc vào lợi nữa. Tôi nghe thấy được cả tiếng xương đầu gối kêu dòn êm tai. Tất cả hiện tượng như cây lá, trời mây, không khí, mùi đất thơm, mùi da thịt... tất cả như trộn lẫn vào nhau ; tất cả sao mênh mông, kỳ ảo, bay bỗng, vượt ngoài thực tại. Lạ thường, mầu nhiệm, hỷ lạc làm sao!

Và rồi, như chất thủy ngân bạc, sự cố huyền nhiệm đó vuột khỏi tay tôi và tan biến đi mặc dù sau đó tôi đã cố tình tìm bắt lại ; sự cố đó cũng không bao giờ xảy đến cho tôi một lần nữa.

Chúng ta không thể tiên đoán được những gì sẽ xảy đến cho đời mình vào một điểm thời gian nhất định nào đó. Có đôi khi nhìn trời tối đen bên ngoài, gió thổi hú lên lồng lộng nghe rờn rợn, một cảm giác lạ kỳ xâm chiếm lấy hồn, chúng ta cảm nhận được tiếng chân thời gian bước nhẹ qua đời người và sự bất lực của chúng sinh trước qui luật vô thường của vũ trụ.

Tôi tưởng tượng thấy cái thân xác này của tôi – cái đãy hôi thối chứa đầy các vật bất tịnh như thịt xương, máu mủ, đờm dãi, nước tiểu, phân dơ, ruột già, ruột non, bao tử, lá lách, tim gan phèo phổi, v.v... – cái đãy thân xác này nằm bất động, im lìm, không cục cựa gì cả sẽ xanh xám rồi phình trương lên, sình thối lên, bấy rửa ra... cái thân xác này sẽ là cái chỗ cho bọn dòi bọ ruồi muỗi tha hồ đục khoét. Sau đó thì sẽ còn lại gì?

Cái hình ảnh rùng rợn ghê tởm của một thây ma khiến tôi bỗng hãi sợ rùng mình. Tôi nghĩ tới một ngày tôi sẽ chết đi và người ta bỏ tôi vào một cỗ quan tài kín mít. Tôi không muốn nghĩ tới nữa và nhắm mắt tập trung toàn lực vào thiền tập.

Sáng hôm sau, ánh nắng hồng ấm chiếu xuyên qua cửa sổ. Đêm tối với những hình ảnh hãi hùng đã qua đi. Tôi sửa soạn buổi điểm tâm như thường lệ mọi ngày nhưng sáng hôm nay tôi sửa soạn với sự cẩn trọng hơn, tinh tế hơn, nhu nhuyến hơn. Đời sống chúng ta như bánh xe quay vòng vòng không dừng nghỉ gián đoạn. Vũ trụ cũng vậy, hết đêm tới ngày, hết tối đến sáng, hoa nở rồi tàn, trăng tròn lại khuyết... trẻ thì đến già, già thì đến chết... lại đầu thai hay tái sinh, rồi lại sanh lão bệnh tử... không cùng, không cùng.

 

Nhìn ra ngoài kia.

Liễu xanh hoa đỏ.

Hoa đỏ liễu xanh.

 

30. Sen nở trong bùn

 

‘Tôi muốn,’ ‘Tôi có,’ ‘Tôi cần.’ ‘Tôi, tôi, tôi.’ Không cùng, vô tận.

Cái đại danh từ ‘Tôi’ thật vô cùng to lớn, kềnh càng ; nó chiếm ngự, nó thủ lãnh tất cả. ‘Đây chính là tôi, đây là của tôi, đây là cái của tôi.’ Niết bàn hay địa ngục cũng chỉ tự một danh từ nhỏ bé đó. Thăng hoa trí tuệ, giải thoát đau khổ hay sa lầy trong ngục tù tham lam, sân hận, si mê cũng chỉ tự một danh từ nhỏ bé đó mà thôi.

Hôm nay tôi thèm muốn chết đi được nếu có một cái gì ăn khác ngoài gạo và đậu hột. Tôi ngấy hai thứ này đến nỗi chỉ liếc nhìn sơ qua chúng thôi, tôi cũng đã muốn ói ra rồi. Sau này khi mãn hạn nhập thất ở đây, tôi sẽ không bao giờ ăn lại gạo và đậu nữa. Sẽ không bao giờ.

Tôi lại tưởng tượng thấy mình đang ngồi trước một ly cà phê nóng, tỏa mùi thơm ngát và mấy chiếc bánh ngọt lịm trong tiệm cà phê Dunkin’ Donuts. Nếu bây giờ bạn nói tôi phải chọn lựa : 1) cà phê và bánh ngọt, 2) là một anh chàng diễn viên điện ảnh đẹp trai lừng danh số một Hollywood như Brad Pitt hay Richard Gere, tôi chắc chắn sẽ chọn cà phê bánh ngọt Dunkin’ Donuts ngay lập tức, không cần suy nghĩ đắn đo gì cả.

Tôi lại thấy những chiếc bánh ngọt sừng bò (croissant). Trong khi tọa thiền, tôi vẽ ra trong tưởng tượng tôi sẽ là một người cung cấp thực phẩm và đề xuất ra những mẫu thực đơn từ các món ăn khai vị đến các món tráng miệng hấp dẫn tuyệt cú mèo cho các đám cưới long trọng hay dạ tiệc sinh nhật, v.v... Giật mình tôi lại cố bắt tâm trí trở về nắm giữ chánh niệm, theo dõi hơi thở và các câu thần chú, tuy nhiên những món ngon vật lạ kia cứ xông xáo quay lại trả thù tấn công tôi ráo riết đến nỗi tôi chẳng còn có thể tư duy gì nữa cả. Tôi ngồi thừ ra luôn.

Xoay tới xoay lui rồi lại tới giờ ăn trưa. Nhai uể oải buổi ăn trưa thường nhật với gạo nấu chung với hạt hướng dương, tôi bước ra ngoài dạo chơi một vòng cho thư thái tâm hồn. Nắng đã lên cao, bầu trời trong xanh không một gợn mây, vạn vật như hân hoan đón chào mùa xuân mới. Vừa mới xế trưa, với khí hậu mát mẻ tuyệt vời, không gian tĩnh mịch, sự thiếu sót duy nhất ở đây chỉ là thực phẩm. Nếu có thức ăn ngon thì đời sống nơi này quả là thiên đàng hạ giới vậy!

Đang lững thững dạo bước chỉ độ một dặm đường nữa thôi là tiến đến con lộ cái dơ bẩn phía trước, tôi chợt trông thấy một cảnh mục bất thường, giữa những hàng cây thông xanh : đó là một chiếc xe hơi đậu chễm chệ dưới một gốc cây. Cái màu cam chói lọi quê mùa của chiếc xe không ăn nhập vào đâu cả ở khu rừng này. Tôi chẳng biết chủ nhân cái xe đó là ai nhưng có một điều chắc chắn là : có xe là có thức ăn ngon trong xe!

Có được không? Một cánh cửa xe đang mở hờ như mời mọc tôi, như chờ đợi tôi.

Giống như một chú gấu con mưu mẹo lanh lẹn, tôi lướt nhẹ tới cửa xe vừa đảo mắt dòm chừng xung quanh vừa hít hà nghễnh mũi đánh hơi mùi thực phẩm. À đây rồi, có một cái giỏ mây to loại đi cắm trại đang nằm thù lù tại băng ghế sau.

Cái tâm tham thắng hết mọi ý nghĩ- nó ngự trị và điều khiển cái thằng tôi thật thành thạo như một gián điệp CIA. Tôi nhìn bên phải, liếc qua trái để chắc ăn rằng không có một con thú vật khác nào có thể phỗng tay trên miếng mồi của tôi.

Ánh sáng lương tri lại lóe lên trong đầu. ‘Không, không nên làm thế, không được làm như thế! Không được tới gần cái giỏ thức ăn. Đó là ăn cắp, đó là tội lỗi, đó là tật xấu... không, khôôôông!!’ Nhưng cái ánh sáng ấy giống như tia sáng yếu ớt của ngọn đèn nhỏ hết bin rọi không thấu nổi tới cuối đường hầm, tôi run run đổ mồ hôi hột nhấc nhè nhẹ cái nắp giỏ, thò tay vào vừa lâm râm khấn nguyện : ‘Ôi, lạy Phật, lạy Chúa tôi! Tôi phải lấy trộm bao nhiêu cái đây để người chủ xe không nhận ra rằng có một thiền sinh đang lang thang nơi nầy và đang ăn trộm bánh của người ta? Có lẽ đây là món quà mà thượng đế ban thưởng cho sự siêng năng tu tập của tôi chăng? Ồ, hay đây là một trò thử thách ý chí và nghị lực của tôi?...

Ôi thôi, mệt qúa, tôi không quan tâm gì nữa hết. Chốp lấy bốn cái bánh bích qui, tôi bỏ tọt ngay một cái vào miệng nhai vội vàng. Tất cả lương tri, tâm linh, ý chí ... bay vù hết. Thần chú cũng bay luôn. Tôi vội vàng tháo chạy dông thẳng về căn chòi. Vừa về đến là tôi nuốt ngay ba cái bánh còn lại. Chỉ có 10 giây khoái lạc được ăn, thế thôi, hết, bánh hết, sự khoái khẩu cũng hết. Tôi có thể quay trở lại chiếc xe và... nhưng trời tối rồi, vả lại tôi cũng đã phá mất thời khóa biểu ngày hôm nay rồi, không, tôi không thể hành động như thế được nữa... không được như thế nữa!

Xấu hổ tội lỗi, tôi quay cuồng đảo điên với bao ý nghĩ lộn xộn trong đầu :

-         Tôi không tốt.

-         Tôi lạc đường rồi.

-         Tôi lầm lẫn rồi.

-         Không, có gì đâu! Hành động đó nhỏ nhít qúa, không đáng kể gì đâu!!

-         Có chứ, đáng kể chứ! Tội lỗi, tội lỗi. Xưa kia, Dae Soen Sa Nim chỉ ăn toàn là bột hạt tùng. Ông ta không bao giờ để mình bị đắm nhiễm vào ăn uống phàm tục...

-         Chúa ơi, Giê Su ơi! Jane, ngươi đã hành trì theo chế độ ăn uống kham khổ mà phần đông người khác không thể thực thi được. Vậy sao ngươi không tự tha thứ cho mình đi, sao ngươi lại tự hành hạ mình vì một chút lỗi lầm nhỏ đó?

-         Liệu những người chủ xe có phát giác là bị mất cắp mấy chiếc bánh không nhỉ?

-         Ồ tại sao tôi lại điên rồ như thế nhỉ? Chỉ vì mùi vị thoảng qua của mấy chiếc bánh bích qui tầm thường? Nhưng tại sao mùi vị thực phẩm lại có thể quyến rũ khứu giác đến như vậy được nhỉ??’

Nhứt thiết duy tâm tạo. Tất cả đều do tâm tạo nên.

Tâm có thể di động cả một hòn núi vào trong hạt cải ; tâm có thể dời cả vũ trụ càn khôn lên trên đầu ngọn lông xíu. Như một hòn sỏi nhỏ ném xuống mặt hồ tâm thức, những gợn sóng tư tưởng lan rộng ra thành những vòng tròn xa hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng, và nhanh hơn những gì chúng ta có thể hình dung như chớp mắt, như điện xẹt.

         Không có một kinh điển nào có thể minh họa thực tiễn được sự sa lầy của tâm dục nhiễm bằng hương vị những cái bánh tầm thường kia. Ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy – tiền bạc, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ) là những thứ mà con người tầm thường, bình thường như chúng ta đây bị đắm nhiễm sa lầy vào nhiều nhất, dễ nhất, khó lòng thắng nổi ; tuy nhiên chúng ta vẫn tận lực cố gắng hết sức sử dụng đủ mọi phương tiện ngõ hầu vươn lên khỏi bãi sình lầy tham dục đó để có thể đạt tới sự giải thoát giác ngộ toàn diện như đóa sen tuy ở trong bùn nhưng tinh khiết vô ngần như bạch ngọc.

 

(còn tiếp)



[1] Dịch đến đây, người viết nhớ đến một bài kệ rất lý thú:

        ‘Nhạn độ hàn đàm, nhạn quá, nhi đàm vô lưu ảnh

          Phong lai sơ trúc, phong khứ, nhi trúc bất lưu thinh.’

[2] Bà Jane còn có tóc để nắm cũng còn đỡ buồn hơn...

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle