Cuộc đời này là của ai?

Cuộc đời này của ai

Tôi không biết là có bao nhiêu người trong chúng ta thật sự tin vào chuyện tái sinh, rebirth?  Bạn có thật sự tin không?  Tôi có dịp gặp nhiều hạng Phật tử ở Tây phương, và dường như phần lớn cũng giống như tôi, bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa truyền thống của mình, tin rằng chúng ta “chỉ có một đời để sống” mà thôi.  Điều này khiến tôi thắc mắc là không biết chúng ta thật sự có khả năng thâu nhận giáo lý của đạo Phật đến bao nhiêu.

Ý niệm về một cái Tôi

Khi chúng ta thấy rằng con người của ta trong lúc này, nó hoàn toàn được gắn liền với những thói quen, tập quán, cách hành xử, phản ứng và cái nhìn của mình đối với thế giới chung quanh, thì thử hỏi con người của ta” trong một kiếp nào khác có nghĩa là như thế nào?  Nếu như chúng ta mang một xác thân khác, giới tính khác, nếu như văn hóa truyền thống của ta, ngôn ngữ, ký ức, giấc mơ và tánh tình của mình, hoàn toàn khác, thì ta cũng còn có thể gọi người đó là “Tôi” được chăng?

Và giáo lý đạo Phật có câu trả lời cho câu hỏi ấy: Ngay trong bây giờ ta còn không thể gọi cái tôi này là “Tôi”, thì nói chi đến một kiếp tái sinh xa xôi nào khác.  Thật ra chính vì cái cảm nhận về một cái tôi này mà mọi khổ đau và vấn đề của ta có mặt.  Giáo lý căn bản của Phật dạy chúng ta hãy buông bỏ cái tôi này, cái thân và tâm này, hãy thấy rằng ta không cần phải tin rằng mình là một cái gì đó kiên cố, độc lập và có một ý nghĩa riêng biệt nào hết.

Tôi nghi ngờ rằng nền văn hóa Tây phương này, khiến cho không ai trong chúng ta, có thể nào thật sự thực hiện được lời khuyên ấy.  Cái ý niệm về một “cái Tôi” đã có gốc rễ ăn rất sâu vào trong mỗi chúng ta.  Chủ nghĩa cá nhân trong thế giới ngày nay đã trở thành bản chất của cuộc sống, nó là nước cho ta bơi lội, không gian cho chúng ta bay lượn.  Chúng ta không thể nào tưởng tượng được sự hiện hữu có mặt được nếu như không có một cái Tôi, cũng như bơi lội hay bay lượn hoàn toàn vô nghĩa nếu như không có nước hay không khí.

Tái sinh, rebirth

Truyền thống Phật giáo có sử dụng vài ẩn dụ giúp cho ta hiểu về sự tái sinh: Giống như sửa tươi trở thành sửa đông đặc (curd), rồi biến thành bơ (butter) và rồi trở thành bơ sửa đặc (ghee).  Mỗi biểu hiện của nó rất khác biệt với nhau, nhưng tất cả đều có một sự liên hệ với nhau rất rõ rệt.

Vì vậy, có lẽ, tôi là người thừa kế về những việc làm của một ai đó đã mất lâu rồi.  Và tôi cũng rất biết ơn đối với người ấy, và những người trước đó nữa, cho những nghiệp quả tốt lành, karma, mà tôi đang nhận được trong đời này.  Nhưng tôi không hề nghĩ về người đó như là “Tôi.”  “Tôi” phải là một cá nhân nào đó được xác định bởi cái thân này, quốc tịch này, ngôn ngữ này, và bằng những tánh tình hay sự lo âu ấy… tất cả những gì đã có sẵn từ lúc mới sinh ra hoặc do thu nhận được từ những điều kiện trong cuộc sống này.  Tôi rất biết ơn cái “Tôi” của mình trước đó như là một bậc tiền nhân, nhưng trừ khi tôi có một kinh nghiệm trực tiếp nào đó (ví dụ như bằng năng lực thần thông chẳng hạn), và nhớ lại được tiền kiếp của mình, chứ bằng không thì bậc tiền nhân đó đối với tôi cũng sẽ mãi mãi vẫn chỉ là một người khác xa lạ.

Chúng ta được ban cho những món quà quý giá của sự sống và tâm thức, có lẽ từ một dòng trao truyền vô tận của những người đi trước mà mình tạm gọi là “tiền thân” của ta.  Chúng ta cũng được tiếp nhận một thế giới vật chất, với một hệ sinh thái (ecosystem) rất tinh vi để cung cấp những nhu cầu cho mình, và hơn nữa chung quanh ta còn có những người khác cùng chia sẻ sự sống này với nhau.  Nhưng rồi chúng ta cũng chỉ có thể kinh nghiệm trực tiếp trong cái phạm vi và giới hạn bấy nhiêu đó mà thôi.

Một ý thức và sự sống rộng lượng

Nhưng không lẽ tình trạng con người chỉ đơn giản và nghèo nàn như thế này thôi sao?  Tôi không nghĩ như vậy!  Có ai cảm thấy mình cần phải nhìn xa hơn, với ra xa hơn nữa, ra khỏi những môi trường, những sự sống đang có mặt chung quanh ta không?  Có ai cần cảm thấy rằng mình sẽ vẫn hiện hữu sau khi chết, hoặc là một linh hồn vào thiên đàng hay một năng lượng trở về lại với thiên nhiên thêm một lần nữa?  Và những gì chúng ta đang được tiếp nhận nơi đây rất là quý báu – một giây phút ý thức.  Và nếu như chúng ta may mắn, ta sẽ có được thật nhiều giây phút ấy, tiếp nối nhau.

Nếu như tôi cảm thấy biết ơn đối với những “tiền thân” của tôi, và tất cả những người trước đó nữa, thì tôi cũng cảm thấy mình có một trách nhiệm và tình thương lớn đối với “thân sau” của mình, người mà tôi sẽ trở thành.  Người ấy sẽ là kẻ thừa kế cho những việc làm của chính tôi, karma – tất cả những hành động, lời nói và ngay cả quả trái của những ý nghĩ của mình.  Trong giây phút cuối của mình, tôi sẽ làm xong công việc của một đời là uốn nắn nên một cái “Tôi”, mà rồi tôi sẽ trao nó lại cho một người khác.    họ cũng sẽ như tôi, tiếp nhận những gì tôi đã nuôi dưỡng, cải tiến lại cho được tốt đẹp hơn thêm, và rồi sẽ tiếp tục truyền trao lại khi thời điểm đến.

Cái quan điểm về tái sinh này làm phát khởi một nhân sinh quan của dana, sự bố thí, rộng lượng.  Khi ta được trao cho sự sống này, tâm thức này, thế giới này với những người thân chung quanh, là chúng ta cũng đang tiếp nhận được một sự ban cho, rộng lượng vô biên.  Và chúng ta cũng cùng tham gia vào sự ban cho ấy, khi ta (dù muốn dù không) vẫn sẽ phải buông bỏ và tiếp tục truyền trao những gì mình đã tiếp nhận.  Điều mà chúng ta có thể thật sự đóng góp vào tiến trình này là cái phẩm chất (quality) của những việc mình làm.  Cái phẩm chất của mỗi giây phút ý thức mà ta kinh nghiệm cũng là nơi sự sống của mình biểu hiện, nơi ta xây dựng cá tính con người mình, và nơi mà cái “Tôi” của mình thật sự hiện hữu.

Sự sống của chúng ta hoặc là cái Tôi của chúng ta, chỉ có thể là “của chúng ta” khi nào mình có một ý thức về chúng.  Kiếp trước tôi không phải là Tôi, mà là một người nào đó.  Kiếp sau, tôi cũng sẽ không còn là Tôi nữa mà đã trao truyền nó lại cho một người khác.  Và ta cũng có thể nói y như vậy đối với quá khứ và tương lai của ta trong ngay kiếp sống này.  Trong kiếp sống này chỉ duy có một điều là thật sự hiện hữu đối với mình là giây phút hiện tại, và nếu như ta không có ý thức về sự có mặt của nó, ta sẽ đánh mất nó đi.  Và rồi mất hết tất cả.

Mỗi chúng ta là một vị Bồ tát.

Tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận rằng mình sẽ không thể sống sót và còn lại sau kiếp sống này.  We will not survive this life.  Nhưng thật ra tôi nghĩ, cái ý niệm về tái sinh (rebirth) trong đạo Phật không hề nói về vấn đề sống sót hay tồn tại.  Chắc chắn là sẽ có một sự tiếp nối, và có lẽ bằng nhiều cách khác nhau người kế tiếp ấy vẫn có thể truy tìm lại và thấy được những hành động của mình trong kiếp này – nhưng đó sẽ vẫn là một người khác.  Trong đạo Phật chúng ta thường hay nghe nói rằng, người của kiếp sau thì cũng không phải là một mà cũng không phải là khác biệt với người trong kiếp này.  Nhưng chúng ta lại thích ghi nhớ ở điểm không phải là khác biệt mà quên đi phần cũng không phải là một.  Một sự tiếp nối liên tục hoàn toàn không có nghĩa là sự tồn tại của một cá nhân, mà ta vẫn hằng mơ tưởng!

Và hiểu được điều ấy cho sâu sắc rồi thì trong chúng ta ai mà lại không phải là một vị Bồ tát?  Chúng ta đâu còn có một sự chọn lựa nào khác hơn được.  Chúng ta sống vì hạnh phúc của muôn loài và muôn người – dù có muốn hay không.  Và vấn đề thật ra chỉ có bây nhiêu thôi: Chúng ta đang thật sự sống trong giây phút hiện tại này như thế nào đây?

Nguyễn Duy Nhiên  phỏng dịch

Andrew Olendzki

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle