Đi với nhau trên một dòng sông

ĐI VỚI NHAU TRÊN MỘT DÒNG  SÔNG

 

(Pháp thoại đám cưới do TT. Thích Thái Hòa giảng vào ngày 08 tháng giêng năm Ất Dậu, tức là ngày 16/02/2005, tại gia đình Phật tử Phận - Trúc, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, do đệ tử Nhuận Hạnh Châu và Kim Ngân kính ghi, đệ tử Nhuận Tịnh Phương và Nhuận Viên Như vi tính)

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Thưa đại chúng,

Cùng hai con:Tôn Thất Phước Gia, pháp danh Quảng Minh và Lê Hoàng Kim Ngân, pháp danh Nguyên Thạnh thương mến!

Hôm nay là ngày mồng Tám, tháng Giêng, năm Ất Dậu, tức là ngày 16 tháng 02, năm 2005, tại gia đình của hai Phật tử Phận và Trúc, tổ chức buổi lễ cầu an, để cho con rể và con gái của mình là Tôn Thất Phước Gia, pháp danh Quảng Minh và Lê Hoàng Kim Ngân, pháp danh Nguyên Thạnh đi tới với nhau thiết lập, gầy dựng hạnh phúc trong đời sống lứa đôi.

Vậy, xin Đại chúng, nhất tâm cầu cho hai cháu được thành tựu như sở nguyện.

Và hai con Phước Gia và Kim Ngân, hãy lắng hết tâm tư của mình, để nghe thời pháp thoại mà Thầy sẽ chia sẻ với hai con, để hai con làm hành trang xây dựng hạnh phúc trong đời sống lứa đôi.

Hai con thương mến,

Chúng ta có thể chuyển tải được hạnh phúc cho nhau, là khi nào chúng ta có hạnh phúc. Nếu chúng ta không có hạnh phúc, thì chúng ta không thể nào chuyển tải được hạnh phúc cho nhau.

Cũng giống như một người nông dân làm ruộng, mà không có lúa, thì họ không thể chia sẻ lúa cho ai được cả.

Bởi vậy, hai đứa con đi tới với nhau là để chuyển tải hạnh phúc lứa đôi cho nhau, thì hai con phải có khả năng chế tác được hạnh phúc, và chuyển tải hạnh phúc ấy đến cho nhau.

Hạnh phúc rất đơn giản mà cũng rất là sâu xa; hạnh phúc nằm trong tầm tay của chúng ta, nhưng mà hạnh phuc cũng vượt ra khỏi tầm tay của chúng ta.

Trong giờ phút nầy, hạnh phúc của hai con là hai con có cha mẹ, vì có những người sinh ra, cha mẹ của họ bị mất sớm, nên họ không có cha mẹ; hạnh phúc của hai con là hai con có được học hành, vì có những người sinh ra, họ không có phước duyên để học hành; và hạnh phúc của hai con là có được một thân thể toàn vẹn, để có khả năng xây dựng hạnh phúc cho mình và xây dựng hạnh phúc cho những người xung quanh, trong lúc đó có những người sinh ra với một thân thể đầy khuyết tật; và quan trọng hơn nữa, là hai con đã có được một trái tim biết thương và biết hiểu để dâng tặng hạnh phúc cho nhau.

Để chế tác và bảo toàn đời sống hạnh phúc lứa đôi, hai con phải luôn luôn nhớ và thực hiện những điều sau đây:

1.Nhìn Sâu Để Hiểu Và Thương:

Nếu ta chỉ có chất liệu thương mà không có chất liệu hiểu, thì chất liệu thương ấy là cực kỳ nguy hiểm, và nếu ta chỉ có chất liệu hiểu mà không có chất liệu thương, thì chất liệu hiểu ấy cũng cực kỳ nguy hiểm.

Nên, ta phải hiểu như thế nào để thương và ta phải thương như thế nào để hiểu. Ta chỉ hiểu ta không là chưa đủ, mà ta phải hiểu người ta yêu; ta hiểu cha mẹ của ta không là chưa đủ, mà ta phải hiểu cha mẹ của người ta yêu; ta hiểu bạn bè của ta không là chưa đủ, mà ta phải hiểu bạn bè của người ta yêu; ta hiểu những hạt giống trong tâm thức của ta không là chưa đủ, mà ta phải hiểu những hạt giống trong tâm thức của người ta yêu nữa, thì khi đó ta mới có khả năng chuyển tải được hạnh phúc cho người ta yêu. Cho nên, thương yêu mà không có sự hiểu biết, thì sự thương yêu ấy không thể nào dẫn tới hạnh phúc được, và hiểu biết mà không có sự thương yêu, không có sự chăm sóc, nâng đỡ và giữ gìn cho nhau, thì chúng ta cũng không thể tạo ra được hạnh phúc cho nhau.

Do đó, phương pháp nhìn sâu để hiểu và thương là phương pháp mà hai con luôn luôn thực tập để tạo ra hạnh phúc cho nhau trong đời sống lứa đôi và hai con có khả năng bảo toàn hạnh phúc ấy.

2. Phòng Hộ Chất Liệu Tự Kiêu:

Điều tối kỵ trong tình yêu lứa đôi là thái độ tự kiêu. Tình yêu lứa đôi không phải là một sự ban phát, mà tình yêu lứa đôi có nghĩa là ta chấp nhận những gì có mặt trong nhau để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.

Cho nên, khi tình yêu lứa đôi của chúng ta tan vỡ, là bởi vì trong chúng ta có sự tự kiêu. Ta tự kiêu về dòng họ, tự kiêu về vị trí xã hội, tự kiêu về trí thức, tự kiêu về tài năng, tự kiêu về sự giàu có, tự kiêu về nhan sắc…, tất cả những thứ tự kiêu đó không bao giờ tạo ra hạnh phúc của lứa đôi cho chúng ta.

Nên, ta muốn có hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi, ta phải biết phòng hộ và chuyển hóa chất liệu tự kiêu nơi mỗi chúng ta. Tình yêu lứa đôi của chúng ta chỉ có hạnh phúc và được bảo chứng, khi nào chúng ta biết loại bỏ những chất liệu tự kiêu ấy để đến với nhau. Ta phải biết chuyển hóa chất liệu tự kiêu ấy thành chất liệu khiêm tốn, thì ta mới có thể cùng nhau tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc lứa đôi không bao giờ được tạo nên bởi một người, mà nó được tạo nên bởi hai người và được bảo chứng bởi nhiều người.

3. Mở Rộng Trái Tim:

Hạt giống tình yêu vốn có sẵn ở trong mỗi chúng ta, nếu ta không có hạt giống ấy, ta sẽ không bao giờ biết yêu là gì và ta không bao giờ có khả năng cảm nhận những gì do tình yêu đem lại. Hạt giống tình yêu của ta càng rộng, thì hạnh phúc của ta càng lớn. Tình yêu của ta càng trong sáng, thì những hành xử của ta đối với nhau càng thanh cao. Hạt giống tình yêu của ta ít chất phàm, thì sự hành xử của ta đối với nhau càng thánh thiện. Nên, tình yêu là chất liệu vốn có ở nơi mỗi chúng ta, vốn có ở nơi Phước Gia và Kim Ngân, ta phải biết nuôi dưỡng, chăm sóc và mở rộng tầm nhìn cho tình yêu bước tới để hai trái tim hội nhập cùng nhau và có mặt trong nhau.

Trong bài thơ Tình Mầu Nhiệm, Thầy có nói rằng:

Tình yêu nào cũng trăng ngàn lồng lộng

Em cứ yêu như ngày ấy anh yêu,

Em cứ yêu nhưng em đừng bắt đuổi,

Vì đuổi bắt như gió đuổi mây chiều,…

Em cứ yêu nhưng em đừng chiếm hữu,

Vì tình yêu mầu nhiệm lắm em ơi!".

Tình yêu nào cũng đẹp, tình yêu nào cũng trăng ngàn lồng lộng. Mình yêu cha mẹ, mình yêu bạn bè, mình yêu dòng họ, mình yêu quê hương xứ sở của mình; mình yêu trời xanh mây trắng, mình yêu cánh bướm; hay hai người yêu nhau. Trong cái tình yêu đó, nó chỉ đẹp, chỉ toàn vẹn là khi nào, chúng ta yêu mà không có chiếm hữu, không có ích kỷ.

Còn ta yêu nhau mà ích kỷ, thì ta chỉ làm cho nhau ở tù mà thôi. Yêu nhau mà ta ích kỷ là ta đang nhốt nhau, ta đang đưa nhau vào tù. Ta yêu nhau mà ích kỷ là ta chỉ nhốt nhau mà thôi. Yêu nhau mà nhốt nhau vào trong đó, thì tình yêu đó không có tự do, không có tự do thì làm sao mà có hạnh phúc được.

Nh?ng ng??i khơng cĩ trí, ng??i ta yu nhau l nh?t nhau, họ sơn son thiếp vàng cái lồng tình yêu và hai người họ tự nhốt nhau vào đó. Cho nên, hai đứa con Phước Gia và Kim Ngân muốn có hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi, thì phải phát huy chất liệu tình yêu không chiếm hữu, không ích kỷ.

Không chiếm hữu, không ích kỷ thì tất nhiên sẽ dẫn đến bao dung và hỷ xả, mà yêu ích kỷ, thì sẽ phát sinh ra cái gì? Ấy là sự ghen tuông, liên tục lo lắng và sợ hãi.

4- Thắp Sáng Và Thăng Hoa:

Hạt giống tình yêu thì ai cũng có, nhưng hạt giống ấy có được thắp sáng và thăng hoa hay không, là còn tùy thuộc vào phước đức và hoàn cảnh của từng người.

Hiện nay, các con đã tốt nghiệp Đại học, các trường Đại học Việt Nam đã dạy cho các con ngoại ngữ, khiến cho các con nói tiếng Anh rất giỏi, nói tiếng Pháp rất giỏi, nói tiếng Trung rất giỏi và các trường cũng dạy cho các con về chính trị, xã hội, khoa học và tin học rất giỏi. Các trường Kế toán dạy cho các con tính toán về các con số bằng những phương pháp điện toán rất là nhanh. Các trường Kinh tế dạy cho các con về kinh tế, tính toán từng chút, từng chút một, những lợi nhuận, những sự bão hòa nền kinh tế qua cung và cầu,... Các trường Kiến trúc sư thì dạy cho các con cách cấu trúc xây dựng nhà cửa, xây cao ốc, quy hoạch đô thị, cấu trúc cầu cống,… Nhưng, trong các trường Đại học ấy, chưa dạy cho các con phương pháp làm người, phương pháp chế tác hạnh phúc thương yêu và những phương pháp bảo toàn hạnh phúc trong đời sống lứa đôi.

Yêu là bản chất vốn có của con người, con người mà không có tình yêu thì không thể yêu nhau, và không thể phục vụ nhau. Nhưng bản chất vốn có ấy phải được nuôi dưỡng, thắp sáng và thăng hoa. Nếu chúng không được nuôi dưỡng, thắp sáng và thăng hoa, thì tình yêu sẽ biểu hiện theo bản năng thú tính, và sẽ làm cho tình yêu trở nên thấp kém, và có khả năng tiêu diệt hạnh phúc của chính mình. Cho nên, hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi cũng phải có phương pháp để thực hiện mà ta cần phải học hỏi và thực tập để được thắp sáng và thăng hoa.

Trong Phật giáo, đức Phật đã dạy tình yêu cho chúng ta rất là sớm. Tình yêu mà dẫn sinh ra ái và dục, tình yêu ấy dẫn ta đi đến bế tắc và khổ đau. Tình yêu không dẫn sinh ra ái và dục là tình yêu có chất liệu của từ bi và trí tuệ. Tình yêu ấy sẽ dẫn sinh đời sống hạnh phúc, an lạc và giải thoát đích thực.

Nên, ở trong kinh Ưu bà tắc, đức Phật đã dạy những phương pháp thực tập hạnh phúc ngay trong sự quan hệ giữa con người với con người, giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng, giữa thầy và trò,… để cho con người sống với nhau hạnh phúc trong cõi người ta. Những quan hệ như vậy, sau nầy có điều kiệu các con sẽ được học tập thêm, để cho hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi của các con được thắp sáng và thăng hoa.

5-Chất Liệu Bao Dung:

Trong đời sống lứa đôi, hai con phải có chất liệu bao dung, thì mới thiết lập được hạnh phúc cho nhau. Bởi vì thường trong đời sống lứa đôi, lúc đầu họ nhìn nhau rất là đẹp, vì họ chưa thực sự sống với nhau, nên họ nhìn nhau rất là đẹp, đẹp lắm, đẹp đến nỗi mà cha mẹ ngăn cản, bạn bè ngăn cản, nhưng mà mấy sông họ cũng lội và mấy đèo họ cũng vượt qua. Tại sao như vậy? Tại vì trong tình yêu lứa đôi, nó luôn luôn tiết ra những chất liệu của đam mê và mù quáng. Chính những chất liệu nầy thường đẩy tình yêu lứa đôi rơi vào vực thẳm. Và trong bản chất của tình yêu lứa đôi, nó cũng có chất liệu chọn lựa. Chính nhờ chất liệu chọn lựa nầy, mà tình yêu lứa đôi, có thể vượt qua được những khó khăn phần nào trong lúc chung sống cùng nhau.

Hai con phải biết rằng, cái gì ta nhìn xa thì nó cũng đẹp, nhưng khi ta tới gần thì nó không có đẹp như khi ta nhìn từ xa; khi ở xa nhau ta có thể đối xử với nhau rất tử tế, rất là đẹp, nhưng khi ở gần với nhau và cùng nhau chung sống, thì sự đối xử tử tế và đẹp của ta dành cho nhau thật khó mà bảo toàn. Ta ít gặp nhau, cho nên mỗi lần gặp nhau, ta cảm thấy thú vị và hấp dẫn, nhưng khi ta thấy nhau và gặp nhau hoài, thì những cảm giác hấp dẫn và thú vị trong mỗi chúng ta, nó sẽ biến thể và đi về phía dững dưng, và một đôi khi biến thành trạng thái vô cảm nữa là khác.

Cho nên, trong tình yêu đôi lứa, mình phải biết vừa đủ trong quan hệ tình cảm, mình biết vừa đủ trong quan hệ tình dục. Còn nhiều người không biết vừa đủ, nên hạnh phúc của họ dễ bị tan vỡ, thân thể của họ ngày càng bệnh hoạn, tâm hồn ngày càng bị rách nát.

Nó giống như một người khi nấu tô canh lạt, mình bỏ thêm một tí muối thì tô canh nó ngon, nhưng có đôi người tưởng tô canh lạt bỏ thêm một chút muối nó ngon như vậy, huống gì bỏ cả muỗng muối thì nó ngon biết mấy! Cho nên, họ bỏ cả muỗng muối vào tô canh, tô canh trở thành mặn chát và không còn ăn được nữa, phải đổ cả tô canh.

Trong tình yêu lứa đôi cũng vậy, mình phải biết hiến tặng cho nhau vừa phải trong mọi nhu cầu có tính chất đời thường ấy. Nếu ta chỉ đáp ứng những nhu cầu phát triển dục vọng, thì ta sẽ lạc mất nòi giống của ta, ta sẽ tiêu diệt ý thức trong sáng của ta, và quan trọng hơn hết là ta có thể tiêu diệt nhân cách cao quý của ta, nên trong tình yêu lứa đôi ta phải thông minh, ta phải biết vừa đủ. Nếu ta không biết vừa đủ, thì hạnh phúc, trí tuệ và sự sống của ta sẽ bị tiêu diệt bởi những nhu cầu tham dục. Nên, sống trong tình yêu lứa đôi, nếu ta không thông minh, ta chỉ tạo ra những độc tố của tình yêu mà thôi. Nên, tình yêu lứa đôi rất cần đến chất liệu của thông minh và sự bao dung để bảo toàn.

6- Biết Chấp Nhận Nhiều Mặt:

Trong tình yêu lứa đôi có chất liệu mù quáng, nên ta yêu cái gì, ta tưởng nó đẹp hoài. Nhưng, thật ra không có một cái gì gọi là đẹp hoài cả, chỉ có chất liệu bao dung làm cho tình yêu lứa đôi đẹp hoài mà thôi. Ta có chất liệu bao dung là vì ta có tầm nhìn nhiều mặt về tình yêu lứa đôi.

Ta biết rõ, bất cứ cái gì, có trên đầu thì phải có dưới chân, có bên phải thì phải có bên trái, có trước thì phải có sau, có trong thì phải có ngoài, nên tình yêu lứa đôi không phải chỉ có một mặt để biểu hiện mà có nhiều mặt để biểu hiện; không phải chỉ có một điều kiện để sinh khởi mà có rất nhiều điều kiện để biểu hiện hoặc xấu hoặc tốt. Nên, trong đời sống thực tế, nếu ta chỉ chấp nhận trước mặt mà mình không chấp nhận sau lưng, chấp nhận bên trái mà không chấp nhận bên phải, chấp nhận phía trên mà không chấp nhận phía dưới, chấp nhận bên ngoài mà không chấp nhận bên trong, là ta sẽ thất bại.

Do đó, Phước Gia thương Kim Ngân thì phải thương từ bên phải sang bên trái, thương từ trước mặt lẫn sau lưng, thương từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và Kim Ngân thương Phước Gia cũng vậy, chứ đừng thương trước mặt mà không thương sau lưng…, đến khi về sống với nhau rồi mới thấy sau lưng thì chuyện đã rồi.

Nhưng, chuyện của hai đứa con đã rồi, không phải là ngang đó đâu. Chuyện hai đứa con đã rồi, và khi đổ vỡ ra, là nó đổ vỡ luôn cả hai gia đình, đổ vỡ luôn cả hai dòng họ, và đổ vỡ luôn cả Thầy nữa, vì trong buổi lễ mà hai đứa con đi tới với nhau có cha mẹ, có dòng họ nội ngoại của hai gia đình, có luôn tổ tiên nội ngoại của cả hai con, có Thầy và có cả chư Tăng nữa.

Cho nên, ta thương nhau là ta phải thấy rõ nhau, thấy rõ từ bên phải qua bên trái, từ trên đầu xuống dưới chân, từ trước mặt ra sau lưng và từ trong ra ngoài. Ta không những chỉ thấy ta, mà còn thấy dòng họ của ta, bạn bè của ta, thấy anh em của ta, và thấy hoàn cảnh thực tế của ta. Ta phải thấy rõ như vậy, và khi ta thấy rõ như vậy rồi, thì chất liệu hiểu biết, chất liệu bao dung, chất liệu của con người lớn trong ta nó trỗi dậy. Nên, chất liệu biết chấp nhận nhiều mặt của nhau là chất liệu hết sức cần thiết để hóa giải được tất cả những gì mâu thuẫn trong cuộc sống của đời thường, cũng như trong đời sống tình yêu lứa đôi của ta.

7- Được Bảo Chứng Bởi Dòng Họ:

Tình yêu lứa đôi của hai con phải được bảo chứng bởi dòng họ nội ngoại của hai con. Nếu các con chỉ vì bản thân của mình mà đi tới với nhau để thiết lập tình yêu lứa đôi, thì rất là nguy hiểm. Cho nên, hai con vì vâng lời cha, vâng lời mẹ mà đi tới với nhau thì hạnh phúc của hai con mới lớn rộng ra; hai con vì vâng lời tổ tiên ông bà nội ngoại của mình mà đi tới với nhau để thiết lập tình yêu lứa đôi, thì hạnh phúc của hai con là hạnh phúc của cả dòng họ của hai con, và tình yêu của hai con cao và đẹp như thế nào, thì dòng họ của hai con cũng cao và đẹp như thế ấy.

Còn nếu hai con, vì sự thèm khát giới tính theo bản năng mà đi tới với nhau, thì hạnh phúc lứa đôi của hai con rất là mong manh. Điều này rất rõ ràng, khi ta đọc báo và thấy có nhiều cặp trai gái, thanh niên nam nữ ở Phương tây, và ngay cả Việt Nam hiện nay, họ đi tới với nhau trong đời sống vợ chồng và rồi vợ chồng họ ly dị nhau như thay áo quần, để lại rất nhiều khổ đau cho cha mẹ, con cái của họ và ngay cả những người thân yêu của họ.

Do đó, các con rất là có phước, được sinh vào trong một gia đình có nề nếp, có truyền thống đạo Phật, và vinh dự nhất là làm được một con người có văn hóa và đạo đức Việt Nam. Hai con nên biết, có những người hình thức là Việt Nam, nhưng văn hóa, đạo đức và tâm hồn của họ không phải là Việt Nam. Đối với người có văn hóa, đạo đức và tâm hồn Việt nam, thì vai trò của cha và mẹ, vai trò của dòng họ trong đời sống của họ rất là quan trọng, và hạnh phúc của họ phải được bảo chứng bởi cha mẹ, anh em, bởi dòng họ, chú bác, cô dì của họ. Còn hạnh phúc lứa đôi của Tây phương không có được bảo chứng như vậy, cho nên nó đổ vỡ, và nó đã đổ vỡ rất nhiều; và khi tình yêu như vậy đã đổ vỡ, nó gây thiệt hại rất lớn không những cho mình mà còn cho con, cho cháu, cho cha mẹ, dòng họ và xã hội của mình nữa.

Cho nên, hạnh phúc cá nhân phải được bảo chứng bởi hạnh phúc gia đình, bởi hạnh phúc dòng họ, bởi hạnh phúc của quê hương xứ sở. Và nhờ vậy, nên mỗi khi mình làm gì, mình nói điều gì, mình suy nghĩ điều gì là mình phải nhớ rằng, mình phải nghĩ cho sâu rằng, mình nói điều này, mình làm điều này, nó có tổn thương cho cha mẹ mình không, nó có tổn thương cho ông bà mình không, nó có tổn thương cho dòng họ của mình không, nếu thấy có tổn thương thì mình không làm. Mình phải nghĩ rằng, dù có tổn thương đến danh dự của mình là mình chấp nhận, chứ mình không để những hành xử của mình làm thương tổn đến danh dự của gia đình mình, ảnh hưởng đến danh dự của dòng họ mình, ảnh hưởng đến danh dự quốc gia của mình và ảnh hưởng đến danh dự tôn giáo của mình, vì do suy nghĩ như vậy, nên mình không làm bậy, mình không nói bậy, mình không nghĩ bậy và không hành xử bậy. Và chính không nói bậy, không làm bậy, không nghĩ bậy, không hành xử bậy đó, lại bảo chứng cho hạnh phúc của mình.

8.Nuôi Dưỡng Ý Thức Hiếu Kính:

Hai con muốn có hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, hai con phải biết nuôi dưỡng ý thức hiếu kính với cha mẹ, với tổ tiên ông bà của mình, với nền đạo đức tâm linh của mình. Vì do hiếu kính cha mẹ, tổ tiên, dòng họ, đời sống tâm linh, nên mình đi tới với nhau để sinh con, chứ không phải sinh con vì tham dục. Mình sinh con đẻ cháu là sinh con đẻ cháu cho cha mẹ mình, cho ông bà tổ tiên mình, cho quê hương xứ sở của mình, cho nền đạo đức tâm linh của mình, mà không phải chỉ cho mình. Mình sinh con đẻ cháu như vậy, nó có một ý nghĩa rất là lớn. Và như vậy, mình sinh con đẻ cháu rất có ý nghĩa.

Còn nếu mình không có sự hiếu kính với cha mẹ, tổ tiên, với dòng dõi tâm linh và huyết thống mà sinh con đẻ cháu, thì chẳng khác nào thú vật sinh con. Cho nên, những đứa con mà phát xuất từ ý thức hiếu kính của mình mà sinh ra, thì đó là một hoa trái tuyệt vời của tình yêu.

Bởi vậy, khi mình sinh con được một tháng, thì mình khẳm tháng,và mình xin ông bà đặt tên cho con của mình, rồi thì trong dòng họ của mình mới đưa đứa con của mình vào gia phả để xác định đứa bé đó đích thực có mặt trong gia đình của mình, trong dòng họ của mình. Đó là những chất liệu rất đặc biệt để bảo chứng cho đời sống lứa đôi.

9.Ý Thức Huyết Thống:

Ngày nay đã có những người vì do thiếu ý thức về huyết thống, về văn hóa, về đạo đức tâm linh, nên họ đã tổ chức lễ đám cưới con cháu tại các nhà hàng, hay những khách sạn, họ kéo nhau đến nhà hàng hay khách sạn tổ chức ăn nhậu linh đình, họ cụng rượu, cụng bia, cụng chén, cụng ly theo kiểu thời trang, khiến cho tình yêu lứa đôi trở thành thấp kém, hao phí và vô nghĩa.

Trong lúc đó, ở trong gia đình mình, trong dòng họ mình có thêm một nàng dâu mới, có thêm một chú rể mới, mình không tổ chức tại gia đình mình cho nó trang trọng, mình không thiết lập bàn thờ tổ tiên để cho nàng dâu đi về với gia đình mình lạy tổ tiên một lạy, hai lạy, ba lạy hay bốn lạy cho nó xứng đáng và nhập vào trong dòng dõi huyết thống của mình; mình không tổ chức ở trong gia đình mình một cách nghiêm túc, để cho chú rể đi vào trong gia đình mình lạy tổ tiên một lạy, hai lạy, ba lạy, hay bốn lạy với những tiếp xúc và cảm nhận một cách sâu sắc để nhập vào trong dòng dõi huyết thống của mình; những bậc làm cha mẹ đã không làm như thế, mà lại đẩy dâu mình, đẩy rể mình đi tới hết khách sạn này, đến khách sạn khác để cùng nhau cụng chén, cụng ly có vẻ như là Tây, nhưng thực chất là hết sức thấp kém, thiếu văn hóa và vô vị.

Bậc làm cha mẹ như vậy rất là vô phước, vô phước cho chính mình, cho con cái mình, cho gia đình mình, cho dòng họ mình, cho quê hương xứ sở của mình. Chính vì cái hành động đẩy con trai, con gái của mình đi tới khách sạn tổ chức cho nó khoẻ, đó là hành động vô phước, một hành động thiếu ý thức huyết thống. Chính hành động ấy đã triệt tiêu dòng họ của mình.

Triệt tiêu dòng họ của mình, có nghĩa là mình triệt tiêu sự hiếu kính ở nơi hai đứa con của mình ngay nơi bàn thờ tổ tiên đạo đức và tâm linh của mình, bởi vì mình nghĩ rằng, mình có năm ba triệu thuê nhà hàng hay khách sạn tổ chức cho nó khỏe, rồi mình đi làm việc từ các cơ quan về, mặc áo quần xênh xang đến đó, cùng nhau cụng bia, cụng rượu, cụng thịt, cụng cá qua về, rồi chúc mừng nhau. Nhưng, thực ra những lời chúc tụng ấy, là những lời chúc tụng sặc mùi bia rượu và trống rỗng, những lời chúc tụng không có chất liệu tiếp xúc sâu xa với nòi giống, với hiểu biết và thương yêu.

Ta thiếu ý thức huyết thống trong đời sống lứa đôi và thiếu ý thức văn hóa, đạo đức tâm linh trong việc thiết lập đời sống ấy, là ta đã trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra một trong những nguyên nhân đưa tới sự đổ vỡ trong đời sống lứa đôi, trong đời sống gia đình, và là những nguyên nhân gây ra các tệ nạn xã hội.

Cho nên, ngày xưa tổ tiên chúng ta đã nhìn rất là sâu sắc về hạnh phúc lứa đôi, nên đã thiết lập hạnh phúc ấy, trên nền tảng hạnh phúc của gia đình và dòng họ, và hạnh phúc ấy được bảo chứng bởi gia đình, dòng họ và bởi ý thức huyết thống.

Vì vậy, hai con phải luôn thể hiện sự hiếu kính ở trong đời sống lứa đôi của mình, để sự hiếu kính ấy, là một sự kế thừa xứng đáng dòng dõi tổ tiên huyết thống, trong quá khứ và đang tiếp tục trong hiện tại và sẽ tiếp tục trao truyền trái tim lành mạnh và tuyệt vời đó, cho những thế hệ con cháu trong tương lai.

Ngày hôm nay, các con đi tới với nhau để thiết lập đời sống lứa đôi là đang còn trẻ, nhưng mà hai năm sau, các con sẽ bước lên địa vị làm cha, làm mẹ; hai mươi năm sau các con sẽ bước lên địa vị ông nội, ông ngoại, bà nội, bà ngoại; và bốn mươi năm sau, thì hai con sẽ bước lên địa vị ông cố, bà cố; cứ như thế mà lên.

Cho nên, mình phải sống như thế nào, để đến khi mình bước lên địa vị ở trên bàn thờ, cháu chắt của mình lạy mình, nó cảm thấy hết sức vinh dự và sung sướng. Nhìn lên trên bàn thờ, thấy mình ngồi trên đó, là con cháu mình nó vinh dự, sung sướng, mỉm cười và hạnh phúc.

Muốn có hạnh phúc và vinh dự như vậy, thì ngay từ giờ phút hiện tại này, mình phải biết nuôi dưỡng những gì tốt đẹp và cao quý trong đời sống lứa đôi của mình. Không dễ đâu, không dễ gì mà có cái hạnh phúc này. Cho nên, giờ phút này là giờ phút hạnh phúc nhất, quý báu nhất mà mình không cảm nhận được, mình không nuôi dưỡng được, thì cái hạnh phúc tương lai, cái quý báu trong tương lai không có cơ sở nào mà có mặt thực sự. Vì vậy, Thầy muốn rằng, hai con thực tập ý thức hiếu kính và ý thức huyết thống trong tình yêu lứa đôi, để những ý thức ấy luôn luôn có mặt trong nhau, có khả năng bảo chứng cho hạnh phúc tình yêu lứa đôi của hai con. Và hai con luôn luôn xứng đáng là con của cha mẹ, và là cháu chắt của tổ tiên, ông bà.

10- Gìn Giữ Cho Nhau:

Thầy muốn chia sẻ cho hai con một chất liệu nữa là biết giữ gìn cho nhau. Danh dự của Phước Gia là danh dự của Kim Ngân, và danh dự của Kim Ngân là danh dự của Phước Gia; danh dự của gia đình Phước Gia là danh dự của gia đình Kim Ngân, và danh dự của gia đình Kim Ngân là danh dự của gia đình Phước Gia, mình phải biết giữ gìn cho nhau, biết giữ gìn danh dự cho nhau, biết giữ gìn nhn cch cho nhau, ta khơng chỉ gi? gìn tài sản vật ch?t cho nhau, mà ta còn phải gi? gìn tinh th?n cho nhau n?a.

Cho nên, Phước Gia đối xử với gia đình Kim Ngân như gia đình của mình, và Kim Ngân đối xử với gia đình Phước Gia cũng như đối xử với gia đình của mình; bạn bè của Phước Gia là bạn bè của Kim Ngân, bạn bè của Kim Ngân là bạn bè của Phước Gia. Chứ không phải là khi bạn bè của Phước Gia tới, thì Phước Gia sai Kim Ngân chạy liến thoắng, hết làm cái này đến làm cái khác để phục vụ, mà khi bạn của Kim Ngân tới Phước Gia lơ là, không có chăm sóc, thì hạnh phúc của hai con không thể nào thành tựu được.

Nếu sống với nhau như vậy, thì được một ngày, hai ngày, qua ngày thứ ba là vỡ rồi, qua ngày thứ tư thì hạnh phúc trong tình yêu lứa đôi nó sẽ vỡ ra từng mảnh. Cho nên, cha mẹ, anh em, bạn bè của hai bên, mình phải đối xử và phải có lòng quý trọng như nhau.

Lại nữa, ta phải biết giữ gìn nhân cách cho nhau, phải biết giữ gìn giá trị không chỉ vật chất mà cả giá trị tinh thần cho nhau; ta có thể chấp nhận đổ vỡ về vật chất, nhưng đừng bao giờ để đổ vỡ về mặt tinh thần. Đổ vỡ về giá trị vật chất, ta có thể hàn gắn lại rất dễ, nhưng đổ vỡ về giá trị tinh thần của nhau, thì rất khó hàn gắn.

Cho nên, mình sống với nhau, mình phải sống hết lòng, đừng bao giờ sống trước mặt thì tốt, mà sau lưng không tốt; khi ở nhà sống với nhau thì tốt, mà đi ra ngoài xã hội thì đối xử với nhau không tốt. Và người vợ phải biết sống như thế nào, để mọi người ở trong gia đình chồng đều biết giữ gìn chồng của mình cho mình; và người chồng phải biết sống như thế nào, để những người ở trong gia đình vợ đều biết giữ gìn vợ của mình cho mình nữa. Còn, nếu mình sống không dễ thương với ông gia, bà gia, với cô, dì, chú, bác, anh em chồng, hoặc vợ, thì những người đó cũng có thể làm cho mình càng ngày, càng khó chịu và mình mất hạnh phúc. Cho nên, mình cũng phải biết giữ gìn cho ông gia, bà gia, cô, dì, chú, bác… của hai phía nữa. Muốn được như vậy, thì mình phải sống với tất cả tấm lòng dễ thương và chân thật; với tất cả trái tim hiếu kính và thỉ chung; biết nhường cái lợi cho người, biết nhận cái khuyết về mình.

Cho nên, Kim Ngân cũng phải thông minh mà Phước Gia cũng phải thông minh mới gìn giữ hạnh phúc cho nhau được. Sống nhẹ nhàng, chân thực, nhiệt tình nhưng khiêm tốn và thỉ chung, sống đảm đang nhưng không tự thị, sống biết đặt cái riêng vào trong cái chung, thì không có một sự bảo chứng nào cho hạnh phúc bằng chính những chất liệu bảo chứng ấy.

11- Hạnh Phúc Đời Đời:

Và, Thầy nhắc thêm, nếu vợ chồng trong đời sống này mà biết sống với nhau thật đẹp, và tạo ra hạnh phúc chân thực cho nhau, thì trong tương lai còn có nhiều cơ hội để đi lên, và trong đời sau cũng có rất nhiều cơ hội gặp nhau để đi lên. Và nếu mình không thông minh, thì ngay trong đời sống nầy đời sống vợ chồng đã gặp nhiều rắc rối và đau khổ, và những rắc rối và đau khổ ấy, sẽ tiếp diễn trong tương lai và còn tiếp diễn ngay cả những đời sau nữa.

Nếu có nhiều thiện nghiệp và phước báo, thì đời sống vợ chồng biết thương quý nhau và tạo ra hạnh phúc chân thực cho nhau, nhưng nếu có nhiều ác nghiệp và duyên nợ với nhau, thì đời sống vợ chồng là điểm hẹn để oán thù nhau, để trả nợ cho nhau và càng sống với nhau thì lại càng thêm khổ đau, nhưng lại không thể xa nhau và bỏ nhau được. Nên, người đời thường nói: "Bỏ thì thương mà sương thì nặng". Nghĩa là bỏ nhau, thì không đành lòng, nhưng tiếp tục sống với nhau, thì không tài nào sống nổi.

Bởi vậy, trong đời sống vợ chồng, ta phải sống hết sức thành thực với nhau, có những oán nghiệp nào từ đời trước, thì đời nầy nguyện xin giải tỏa, có những vướng mắc nào với nhau từ đời trước và ngay cả trong đời nầy, thì nguyện xin cùng nhau tháo gỡ, và có những điều tốt đẹp nào đã có với nhau từ đời trước và ngay cả trong đời nầy, thì nguyện xin nuôi dưỡng để có thể cùng nhau đi trên con đường chân thiện. Có như vậy, thì hạnh phúc của hai con mới là hạnh phúc đời đời.

12- Nuôi Dưỡng Đức Tin:

Hai con muốn có hạnh phúc đời đời, thì hai con phải luôn luôn nhớ đến Phật, nhớ đến Pháp, nhớ đến Tăng, nhớ đến năm điều giới pháp cao quý mà Đức Phật đã dạy cho hàng cư sĩ để thực hành và nuôi dưỡng đức tin. Nghĩa là làm cái gì các con cũng nghĩ có Phật ở trên đầu, có Pháp ở trên đầu, có Tăng ở trên đầu, và hai con phải hứa với nhau rằng: chúng ta cùng nhau xây dựng tình yêu đôi lứa trên nền tảng của Phật Pháp Tăng, trên nền tảng của năm giới quý báu mà đức Phật đã dạy, mà hai con đã được lãnh thọ. Nên, Tôn Thất Phước Gia được vị bổn sự truyền giới trao cho pháp danh là Quảng Minh. Quảng Minh là gì? Quảng là rộng lớn, Minh là hiểu biết, là sáng suốt. Quảng Minh là người đệ tử quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng và lãnh thọ năm giới quý báu, có sự hiểu biết rất rộng lớn. Hiểu biết rộng lớn ở đây, là hiểu biết về quá khứ, về hiện tại, về tương lai; không phải chỉ có biết cái nầy mà còn phải có khả năng hiểu biết những cái kia nữa. Phước Gia phải nhớ cho được ý nghĩa này để thực tập, chứ không phải quy y để có pháp danh, đợi đến sau khi chết để làm lễ cầu siêu đâu nhé!

Và Lê Hoàng Kim Ngân, pháp danh Nguyên Thạnh. Thạnh nghĩa là giàu có; Nguyên là cội nguồn. Người đệ tử của Đức Phật pháp danh Nguyên Thạnh là người có một đời sống giàu có gốc rễ huyết thống và cội nguồn tâm linh. Kim Ngân phải luôn luôn nhớ ý nghĩa pháp danh nầy để thực tập, làm cho đời sống tâm linh của con mỗi ngày mỗi giàu thêm!

Như vậy, những gì Thầy đã chia sẻ với hai con, rất mong muốn hai con ghi nhớ, thực tập để trong đời sống lứa đôi của hai con có được hạnh phúc thật sự và hạnh phúc đời đời.

13- Nuôi Dưỡng Và Chăm Sóc Hạt Giống:

Bây giờ, Phước Gia và Kim Ngân nghe Thầy hỏi:

Phước Gia có uống bia không?

Dạ có.

Có? Con nên bỏ uống bia và rượu đi. Con biết không? Những người uống rượu bia họ sẽ tiêu diệt hạt giống tổ tiên của họ ở nơi chính họ. Một người ghiền bia, rượu và thuốc lá, họ sinh con, con của họ sẽ bị còi, có nhiều bệnh hoạn và trí nhớ kém cỏi.

Cho nên, người ghiền bia, ghiền rượu, ghiền thuốc lá, mà thiết lập đời sống gia đình là không những tự mình tiêu diệt khả năng hiểu biết nơi chính mình, mà còn tiêu diệt ngay khả năng hiểu biết ở nơi những thế hệ tương lai của mình nữa.

Nên, khi bưng một ly bia, một ly rượu để uống hay cầm một điếu thuốc để hút là phải biết rằng, đây là một trong những duyên cớ tiêu diệt khả năng nhận thức và khả năng trí tuệ của ta và của những thế hệ tương lai sẽ có mặt từ nơi ta. Do đó, muốn bảo vệ hoa trái tình yêu của giống nòi, ta không nên sử dụng những chất men ấy.

Kim Ngân, con nghe Thầy hỏi:

Con có hay hờn mát và ghen tuông không?

Nếu có, thì con hãy thực tập tâm xả kỷ và lòng bao dung, để cho những chất liệu hờn mát và ghen tuông nơi tâm con được chuyển hóa. Hờn giận và ghen tuông làm cho đời sống vợ chồng trở nên khó khăn và có nhiều phiền muộn, làm cho hoa trái tình yêu không thể tươi mát và ngọt ngào. Hờn mát và ghen tuông không có khả năng bảo vệ hạnh phúc gia đình, nên mỗi khi chất liệu nầy xuất hiện con hãy nhìn lên để thấy bầu trời rộng lớn và thanh trong, và con cũng lại thấy rằng, tâm con cũng rộng lớn và thanh trong như bầu trời vậy, hay con nhìn xuống để thấy lòng đất sâu, kiên cố, vững chãi và bao dung, khiến cho con cũng lại thấy tâm con cũng sâu thẳm, rộng lớn, vững chãi và bao dung như quả đất vậy. Và con hãy nhìn sâu vào tâm con, để con có thể thấy rằng, những chất liệu hờn giận và ghen tuông ấy, lại có gốc rễ từ nơi những tính ích kỷ mà biểu hiện, và tính ích kỷ lại từ nơi vô minh mà biểu hiện, tất cả chúng đều không có tự tính chân thực, nhưng chúng lại có khả năng gây ra sự nghi ngờ và đau khổ cho ta. Ta hãy thay thế những hạt giống đó, bằng những chất liệu của hỷ xả và bao dung, và rồi ta cũng thấy tâm ta rộng lớn hơn cả trời và đất, tất cả những khổ đau hay hạnh phúc đều do tâm ta tạo nên, ta hãy buông bỏ tâm hờn mát và ghen tuông để tái tạo và thiết lập tâm xả kỷ và bao dung, để lúc nào và ở đâu, ta cũng tạo ra hạnh phúc cho chính mình và cho những người khác. Ta nhìn sâu vào tâm ta như vậy, thì không có cái xấu nào nơi tâm ta mà không bị phát hiện và không lắng xuống, và không có những hạt giống tốt nào nơi tâm ta mà không biểu hiện. Nhìn sâu vào lòng mình để thấy những gì đang diễn ra ở nơi thế giới ấy, là một trong những phương pháp giúp cho ta biết rõ về ta, biết rõ được những nhược điểm và ưu điểm của ta, nhờ đó mà ta có đủ bản lãnh để đối diện với ngàn sai muôn biệt của cuộc sống và tái tạo được hạnh phúc cho chính mình và cho những người mình thương yêu.

Các con hãy biết rằng, trong dòng sông tình yêu lứa đôi, không phải lúc nào cũng có gió mát trăng thanh và êm đềm trôi chảy, mà cũng có những lúc tối trời hay nóng bức hoặc có những lúc sóng gió nổi lên. Và ngay những lúc ấy, thì các con hãy nhớ lấy những gì Thầy đã chia sẻ cho các con để thực tập, khiến cho những gì đang hiện hữu một cách mất bình thường trong dòng sông ấy đều được bão hòa.

Hôm nay, Thầy chia sẻ cho Đại chúng và hai con chừng đó chất liệu, cũng đủ để làm hành trang đi vào đời, tạo ra chất liệu hạnh phúc trong đời sống lứa đôi và trong cuộc sống của mỗi con người chúng ta.

Thầy xin thay mặt chư Tăng, cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho hai con luôn luôn sống trong hạnh phúc.

LỜI CẢM TẠ CỦA GIA ĐÌNH:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Thầy,

Kính bạch chư Đại đức,

Kính thưa quý Sư cô cùng quý bạn đạo,

Thể theo lời mời của chúng con, hôm nay mặc dù Phật sự đa đoan, nhưng quý Thầy cũng như các thiện hữu đã thu xếp để đến với gia đình chúng con, làm lễ cầu an và chú nguyện phóng sanh, đó là những tâm nguyện của chúng con để hồi hướng công đức cầu nguyện cho hai cháu Kim Ngân và Phước Gia trên bước đường giữ gìn hạnh phúc. Và chúng con đã được Thầy dặn dò, dạy dỗ cho con trẻ để làm hành trang trên bước đường xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Hôm nay, tại đây chúng con có bà Nội, bà Ngoại, có gia đình của anh chị thông gia, toàn thể các anh chị trong gia đình, có con, rể, em; quý Dì, quý cô, quý chú và bằng hữu của chúng con có mặt ở đây, đó là những người rất thương yêu Phước Gia và Kim Ngân, hằng mong mỏi cho đôi trẻ được kết hợp hạnh phúc trên con đường lâu dài.

Vì vậy, chúng con xin thay mặt và xin đảnh lễ chư ân đức đại chúng Tăng, quý Sư cô và qúy bạn đạo đã đem tâm cầu nguyện và chí thành cho hai con của chúng con được phước đức để làm hành trang trên bước đường xây dựng hạnh phúc.

Chúng con xin thành kính đảnh lễ chư Tôn đức tam bái.

Nam Mô Chư Bồ Tát Ma Ha Tát.

Lê Đình Phận.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle