Mỗi ngày là một ngày vui

Mỗi ngày là một ngày vui

Mỗi ngày là một ngày vui

Hòa thượng Quan Thành (Guan Cheng)[1]

 

Nhiều người tự hỏi về mục đích sống của mình. Có lẽ họ phải làm việc không mệt mỏi mỗi ngày để đảm bảo có các nhu yếu phẩm: thực phẩm, quần áo, chỗ ở. Để cân bằng giữa nghĩa vụ gia đình và sự nghiệp, họ đi theo những con đường do người khác đặt ra, dẫn đến một sự tồn tại có vẻ đơn điệu và nhàm chán.

Từ cái nôi đến nấm mồ, mỗi cá nhân đóng góp vào câu chuyện của thế giới, thể hiện vai trò độc đáo của họ trong vở bi kịch của cuộc sống, cho đến khi bức màn buông xuống, sân khấu dẹp đi. Khi chết, họ ra đi tay không, không mang theo gì ngoại trừ nghiệp lực - thiện hay bất thiện - được tích tập trong suốt cuộc đời của họ và rồi sau đó chuyển sang chu kỳ tái sinh tiếp theo. Sinh ra không một xu dính túi, chúng ta cũng ra đi tay không, việc này khiến chúng ta đặt ra câu hỏi: Mục đích của sự có mặt của chúng ta trên trần gian là gì?

Khám phá ý nghĩa của cuộc sống liên quan đến việc đi sâu vào nhiều lãnh vực như tôn giáo, triết học, vũ trụ học và đạo đức. Mục đích của cuộc sống có thể khác nhau giữa các cá nhân, nhưng có một chủ đề chung giữa họ: theo đuổi hạnh phúc của con người.

Bản chất khó năm bắt của hạnh phúc

Hạnh phúc, một khái niệm trừu tượng, khác nhau giữa các nền văn hóa. Trong các xã hội coi trọng sự thoải mái vật chất, nhiều người tin rằng hạnh phúc bắt nguồn từ sự giàu có, danh tiếng hoặc quyền lực. Tuy nhiên, đạt được những điều này không đảm bảo hạnh phúc lâu dài. Người nghèo, khao khát nền tài chính vững bền, có thể coi sự giàu có là hạnh phúc vĩnh viễn. Tuy nhiên, tại sao sau đó rất nhiều tỷ phú vẫn cảm thấy không thỏa mãn?

Warren Buffett, một nhà đầu tư huyền thoại và là một trong những cá nhân giàu nhất thế giới, duy trì lối sống khiêm tốn so với tài sản của mình. Ông sống trong một ngôi nhà đơn giản ở Omaha, Nebraska, nơi ông mua vào những năm 1950, và được biết đến với thói quen tiết kiệm và phong thái khiêm tốn. Buffett thường nói rằng hạnh phúc cá nhân của ông không bắt nguồn từ sự giàu có, mà thay vào đó, nó bắt nguồn từ tình yêu của ông đối với công việc và các mối quan hệ mà ông trân trọng đối với bạn bè và gia đình. Quan điểm của ông thách thức giả định phổ biến rằng hạnh phúc trực tiếp gắn liền với sự giàu có, và quan điểm đó nhấn mạnh rằng ngay cả sự thành công tài chính to lớn cũng không đảm bảo sự hoàn thiện cá nhân.

Leo Tolstoy chuyển từ là một tỷ phú đương đại sang một nhân vật văn học lịch sử. Câu chuyện đó cung cấp một cái nhìn sâu sắc tương tự. Là tác giả của Chiến tranh và hòa bình, Tolstoy rất nổi tiếng và giàu có đáng kể. Tuy nhiên, như ông đã tiết lộ trong Lời xưng tội của tôi, ông cảm thấy vô cùng trống rỗng và đau khổ mặc dù ông thành công. Trong những năm cuối đời, sự thất vọng của Tolstoy ngày càng mãnh liệt đến nỗi ông phải bỏ trốn khỏi nhà. Sức khỏe ngày càng xấu đi và sự chán nản ngày càng tăng cuối cùng đã dẫn đến cái chết cô đơn của ông tại một nhà ga xe lửa nhỏ ở nông thôn. Rõ ràng, sở hữu của cải, danh tiếng hoặc quyền lực vốn không đưa đến hạnh phúc, và theo đuổi chúng có thể có quả nghiệp. 

Tình hình cũng tương tự đối với sự kích thích cảm giác. Một số người tin rằng cảnh đẹp cho mắt, âm thanh dễ chịu cho tai và hương vị đậm đà cho lưỡi sẽ mang lại cho họ hạnh phúc, nhưng việc theo đuổi những thú vui như vậy trên thực tế có thể phản tác dụng một cách nguy hiểm, dẫn đến đau khổ hơn là niềm vui. Những cuộc chạy đuổi này, tập trung vào sự tự hài lòng, có thể thúc đẩy hơn nữa lòng tham, sân hận và si mê. Ngay cả khi những thú vui giác quan mang lại sự hài lòng, thì hạnh phúc chỉ là thoáng qua và hời hợt, thường dẫn đến nhiều rắc rối hơn giá trị của nó. Chu kỳ của ham muốn và thất vọng có thể khiến người ta tự hỏi tại sao họ lại theo đuổi những niềm vui trần tục như vậy ngay từ đầu.

Từ quan điểm thế tục, mong muốn thỏa mãn các giác quan là tự nhiên, và không có hại gì nếu được thực hiện trong chừng mực. Tuy nhiên, nhận thức rằng hạnh phúc không phát sinh từ việc chỉ nuông chiều các giác quan là rất quan trọng. Xem dục lạc là mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là sai lầm.

Trau dồi tâm trí: Con đường đưa đến hạnh phúc lâu dài

Mỗi người có nhu cầu và hy vọng đa dạng vào những thời điểm khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau. Một khi những nhu cầu và hy vọng này được đáp ứng, họ thường cảm thấy hạnh phúc. Ví dụ, một ít tiền có thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người không một xu dính túi. Đối với một người bị bệnh, phục hồi nhanh chóng là một phước lành. Đối với người mẹ thương con, được nhìn thấy đứa con trai hư đốn cuối cùng cũng biến thành người có trách nhiệm và chăm chỉ, mang lại niềm vui to lớn cho bà. Tuy nhiên, loại hạnh phúc này chỉ tạm thời. Một khi đã trải qua, nó sẽ sớm tiêu tan.

Với dòng chảy không bao giờ kết thúc của nhu cầu và hy vọng, liệu có ai có thể thực sự và mãi mãi hài lòng? Làm thế nào, theo Phật giáo, người ta có thể duy trì hạnh phúc mỗi ngày? Câu trả lời nằm nơi việc duy trì một tâm trí bình lặng và thanh tịnh. Từ đó câu hỏi được đặt ra: Làm thế nào ta có thể giữ cho tâm được thanh tịnh và bình lặng?

Khi nghịch cảnh xảy ra và bạn cảm thấy tức giận hoặc đau khổ, tâm bạn đang báo hiệu rằng nó bị choáng ngợp bởi lòng tham, sân và si.  Bạn có thể đã mất bình tĩnh. Bạn có thể đã bị quấy rầy, kích động hoặc trầm cảm. Trong những khoảnh khắc đó, bạn có thể sử dụng đến việc nói dối, chửi bới, giận dữ hoặc thậm chí hành động bạo lực. Nếu không có sự tự phản chiếu và khả năng tự kiểm soát, bạn có nguy cơ lạc sâu hơn vào sai lầm, và ám ảnh cưỡng chế. Tuy nhiên, những người có thể kiềm chế để duy trì tâm bình an và thanh tịnh thông qua sự ổn định tinh thần và quán sát nội tâm, chẳng hạn như samatha (định) và vipassana (tuệ), sẽ không bị ảnh hưởng bởi các cảm giác cực đoan yêu, ghét trong bất cứ hoàn cảnh nào. Do đó, họ có xu hướng sống một cuộc sống tràn đầy thanh thản, mãn nguyện và bình an.

Tìm sự thanh tịnh nội tâm

Nói chung, chúng sinh đều phấn đấu cho một cuộc sống hạnh phúc, và trau dồi tâm trí là điều cần thiết để đạt được hạnh phúc. Phật giáo mô tả thế giới chúng ta hiện đang sống là "saha", một từ tiếng Phạn có nghĩa là có thể chấp nhận được. Điều này ngụ ý rằng tuy hạnh phúc tồn tại trong thế giới này, nhưng nó thay đổi và thoáng qua, trong khi nỗi đau và sự không hài lòng có mặt khắp nơi và khó tránh. Đây không phải là một bức chân dung ảm đạm; nó chỉ đơn giản phản ánh thực tế tồn tại của con người. Trong bối cảnh này, việc theo đuổi sự cân bằng tinh thần và tâm linh trở nên thiết yếu. 

Cân bằng niềm vui và nỗi khổ liên quan đến việc thiết lập sự tự nhận thức thông qua thiền định, trau dồi lòng từ bi, thấu hiểu bản chất của vô thường, và tham gia vào các hành động, và lời nói thiện lành.  Ngoài ra, điều quan trọng là phải thực hành xả ly khỏi tài sản và các mối quan hệ - không trở nên thờ ơ, mà là tìm một trạng thái cân bằng nơi hạnh phúc không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Nắm vững những sự thực hành này cho phép chúng ta thích nghi với những điều mơ hồ của cuộc sống với trí tuệ.

Dưới ánh sáng của giáo lý của Đức Phật, chúng ta có thể hỏi, thật sự việc trau dồi thanh tịnh cho tâm thức mà không gắn bó với những mối quan hệ thế gian là như thế nào? Bài kệ sau đây, được cho là của Thiền sư Vô Môn Huệ Khai (Wumen Huikai, 1183-1260) giải thích điều này một cách tuyệt vời:

Xuân, nở rộ vô số hoa,

Trăng thu thắp sáng những giờ phút yên tĩnh.

Gió hè làm dịu giấc ngủ của chúng ta.

Đông choàng áo tuyết dày

Không lo lắng nào giam hãm ta

Bản thân vũ trụ hoàn toàn thần thánh.

"Không lo lắng nào" giống như "không có chấp trước". Nếu không lo lắng, chúng ta tận hưởng vẻ đẹp của bất kỳ mùa nào, và hạnh phúc là món quà hàng ngày.

Câu ngạn ngữ Thiền: “Mỗi ngày là một ngày vui”, là một lời nhắc nhở sâu sắc, khuyến khích chúng ta nhận ra giá trị và vẻ đẹp vốn có của mỗi ngày. Sự hài lòng thực sự không nằm nơi việc theo đuổi vật chất, mà ở việc đánh giá cao từng khoảnh khắc tồn tại của chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra cơ hội trong mỗi ngày để tham gia vào công việc có ý nghĩa cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hạnh phúc lâu dài bắt nguồn từ hành trình nội tâm hướng tới sự tỉnh giác và tu luyện tâm trí của chúng ta. Hãy suy ngẫm về cách những lời dạy này có thể được áp dụng trong cuộc sống của ta, khi ta đi qua sự phức tạp của cuộc sống hiện đại và khám phá ra sự thanh thản ở bên trong.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Chuyển ngữ theo Every day is good day, Tạp chí Lion’s Roar, 6-9-2024)

 

 


 

[1] Hòa thượng Guan Cheng là trụ trì của chùa Phật giáo Quốc tế ở British Columbia, Canada. Ông đã xuất bản nhiều sách Phật giáo khác nhau bằng tiếng Trung Quốc, bao gồm Giảng luận về Tâm kinhGiảng luận về kinh Kim cương.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle