Những món quà Ngài để lại: DI SẢN GIÁO PHÁP CỦA AJAAN DUNE ATULO
nhung mon qua
NHỮNG MÓN QUÀ NGÀI ĐỂ
LẠI:
DI SẢN GIÁO PHÁP CỦA
AJAAN DUNE ATULO
Phra Bodhinandamuni ghi lại
Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh
Nguyên Giác dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
Kỳ 9
NHỮNG THỨ Ở NGOÀI VÀ TRONG
Tối ngày 2-4-1981, sau khi Luang Pu trở về từ một buổi lễ trong cung điện
và đang nghỉ ngơi tại tu viện hoàng gia Thái Lan Wat Bovorn, một nhà sư cao cấp
cũng là một thiền giả đã đến thăm và trò chuyện với ngài về giáo pháp. Câu hỏi
đầu tiên của vị sư cao cấp là: "Người
ta nói rằng một người từng là dạ-xoa trong kiếp trước, khi trở lại kiếp người,
có thể nghiên cứu các công thức huyền thuật và rất mạnh mẽ trong bất kỳ cách
nào người này sử dụng chúng. Điều đó đúng như thế nào?".
Luang Pu ngồi thẳng dậy và trả lời: “Tôi
chưa bao giờ quan tâm đến những thứ như vậy. Nhưng sư đã bao giờ thiền đến điểm
này chưa: hasituppapada, chuyển động của tâm khi tâm tự mỉm cười, mà không có ý
định nào để mỉm cười? Nó chỉ xảy ra trong tâm của một vị Thánh. Nó không xảy ra
ở người bình thường, bởi vì nó vượt lên trên các duyên tạo tác - [tâm] tự do
trong và của chính nó".
KHÔNG NGAY CẢ NĂM GIỚI
Các vị sư cao cấp thường có rất nhiều đệ tử, cả tại gia lẫn xuất gia. Và
trong số những học trò đó có cả người tốt lẫn người xấu. Đặc biệt là trong các
nhà sư: Có nhiều vị sư tốt, với một vài nhà sư không tốt xen vào. Một trong các
nhà sư thân cận với Luang Pu lộ ra kiểu thoải mái cầm nhầm mà không được phép.
Người ta báo cáo chuyện này với Luang Pu, nhưng ngài có khuynh hướng không nói
gì về điều đó.
Một lần, khi ngài cần một vật gì đó mà vị sư kia đã lấy đi, ngài đã nhờ một
vị sư khác đi hỏi, nhưng vị sư đầu tiên nói là không lấy nó. Nhà sư thứ nhì
quay lại, nói với Luang Pu về chuyện nhà sư thứ nhất nói không cầm gì. Luang Pu
không than phiền, mà chỉ đơn giản nói thế này: “Một số nhà sư quá chú tâm giữ 227 giới mà đã quên giữ năm giới”.
(LND: nhà sư Thái Lan phải giữ 227 giới, nhưng cư sĩ chỉ giữ năm giới).
KHÔNG BAO GIỜ DAO ĐỘNG
Lúc đó là sau 10 giờ tối, tôi thấy Luang Pu đang ngồi nghỉ ngơi, nên tôi
đến báo với ngài: “Luang Pu, Ajaan Khao
đã viên tịch”.
Thay vì hỏi khi nào và bằng cách nào, Luang Pu nói, “À, vâng. Sư Ajaan
Khao cuối cùng cũng đã xong việc với gánh nặng vận chuyển các hành của sư đi
các nơi. Tôi đã đến thăm sư bốn năm trước và thấy tất cả những khó khăn mà các
hành cơ thể của sư gây ra cho sư. Sư đã nhờ người khác chăm sóc sư hoài thôi.
Còn tôi, tôi không có nghiệp xấu nào về thân. Nhưng đối với nghiệp xấu liên
quan đến thân, ngay cả các bậc Thánh - bất kể mức độ thành đạt nào của họ - vẫn
phải kham nhẫn với những thứ này cho đến khi cuối cùng họ được giải thoát khỏi
chúng và không còn liên hệ đến chúng nữa. Trạng thái bình thường của tâm là nó
phải sống với những thứ như thế. Nhưng đối với tâm đã được rèn luyện thuần thục,
khi những thứ này khởi lên, thì có thể buông bỏ chúng ngay, và duy trì sự bình
yên, không lo lắng, không dính mắc, thoát khỏi gánh nặng phải can dự đến chúng.
Chỉ có vậy thôi”.
PHÁP BẢO VỆ CÁCH NÀO
Trận hỏa hoạn lớn ở Surin gây ra nhiều đau khổ: tài sản bị tàn phá nặng nề
và cảm giác mất mát to lớn. Vài người thậm chí còn mất trí. Mọi người đổ xô đến
gặp Luang Pu và than khóc những điều lành họ đã làm trong quá khứ, nói rằng, “Chúng con đã làm công đức ở chùa và thực
hành Pháp từ thời ông bà chúng con. Tại sao các công đức đó không giúp chúng
con? Tại sao Pháp không bảo vệ chúng con? Ngọn lửa đã thiêu rụi hoàn toàn nhà cửa
của chúng con”. Nhiều người trong số họ đã ngừng đến tu viện để làm công đức
vì thấy giáo pháp không giúp bảo vệ nhà cửa của họ khỏi bị thiêu rụi.
Luang Pu nói, "Pháp không giúp ích gì cho con người theo cách đó cả.
Ngọn lửa chỉ hành động phù hợp với chức năng của nó. Điều này có nghĩa là sự hủy
diệt, mất mát, tan rã, chia ly luôn ở bên chúng ta trên thế giới này. Với những
người thực hành Pháp, những người có Pháp trong tâm, khi gặp những nạn này, họ
hiểu cách an trú tâm sao cho tâm không đau khổ. Đó là cách Pháp giúp ích. Chứ
không phải chuyện rằng nó giúp ngăn chặn lão hóa hay cái chết, hay nạn đói, hay
hỏa hoạn. Hoàn toàn không phải vậy".
CHỈ THỰC HÀNH MỚI CÓ THỂ XÓA BỎ
NGHI NGỜ
Khi người ta hỏi Luang Pu về chết và tái sinh, hay về những kiếp trước và
những kiếp tương lai, ngài không bao giờ quan tâm trả lời. Hoặc nếu vài người
tranh cãi rằng họ không tin có cõi trời hay địa ngục thực sự tồn tại, ngài
không bao giờ cố gắng lý luận với họ hoặc đưa ra bằng chứng để bác bỏ lý luận của
họ. Thay vào đó, ngài cho họ lời khuyên này:
“Những người thực hành Pháp không cần
phải suy nghĩ gì về đời quá khứ hay tương lai, hay về cõi trời hay địa ngục. Tất
cả những gì họ phải làm là kiên định và quyết tâm thực hành một cách đúng đắn
phù hợp với các nguyên tắc giới, định và tuệ. Nếu thật sự có 16 tầng trời như
trong kinh nói thì người tu giỏi chắc chắn sẽ lên được những tầng trời đó. Hoặc
nếu không có cõi trời và Niết-bàn, thì người tu giỏi cũng không thiếu lợi ích ở
đây và bây giờ. Họ chắc chắn sẽ hạnh phúc, như những con người ở cấp độ cao.
Nghe người khác nói, tra cứu trong
kinh điển, không thể giải quyết được nghi ngờ của quý vị. Phải nỗ lực thực hành
để phát khởi trí tuệ minh sát rõ ràng. Khi đó, nghi ngờ sẽ hoàn toàn tự nó giải
quyết”.
ĐÓ LÀ TẤT CẢ NHỮNG GÌ HỌ MUỐN?
Mặc dù mọi người đến từng nhóm để nghe ý kiến của Luang Pu về tái sinh, rằng
người này hay người kia có thể nhớ được nhiều kiếp trước, nhìn thấy họ đã là ai
trong quá khứ, hoặc mẹ hoặc họ hàng của họ trong các kiếp trước là ai, nhưng
Luang Pu nói:
"Tôi chưa bao giờ quan tâm đến
loại kiến thức này. Ngay cả chỉ cần đắc ngưỡng định cũng có thể làm khởi lên
nó. Mọi thứ đều xuất phát từ tâm trí. Bất cứ điều gì bạn muốn biết hoặc nhìn thấy,
tâm sẽ cho bạn kiến thức hoặc cái thấy đó - và một cách nhanh chóng như thế. Nếu
bạn hài lòng chỉ với mức độ kiến thức đó, thì kết quả tốt là bạn sẽ sợ tái sinh
vào cảnh giới thấp kém. Như thế, bạn sẽ quyết tâm làm việc thiện, bố thí, trì
giới, và không làm hại nhau. Bạn sẽ có thể mỉm cười, tin tưởng vào kết quả công
đức của mình. Nhưng đối với việc đoạn tận phiền não để hủy diệt vô minh, tham
ái và chấp thủ để đạt đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi đau khổ, thì đó lại là một
chuyện hoàn toàn khác".
KHÔNG CÓ TRUYỆN THẦN KỲ
Trong suốt thời gian dài tôi sống gần Luang Pu, không bao giờ có bất kỳ
câu chuyện ngụ ngôn hay giải trí nào trong lời dạy của ngài - không có chuyện bản
sinh Jataka hay câu chuyện nào của hiện
tại. Tất cả những lời dạy của ngài đều là những chân lý cao quý, thuần khiết và
đơn giản, ở mức độ tối thượng hoặc khách quan. Hoặc nếu không thì đó là một vài
lời nhận xét được lựa chọn cẩn thận, như thể ngài hà tiện cả lời nói. Ngay cả
khi ngài chỉ dẫn về các nghi lễ tôn giáo hay về cách cúng dường hay về đạo đức
căn bản, ngài đã giảng dạy một cách rất khách quan. Phần lớn, ngài nói, “Các nghi lễ và hoạt động tạo công đức có thể
được coi là những phương tiện thiện xảo, nhưng từ điểm nhìn của một thiền gia,
chúng chỉ đưa đến một số ít kỹ năng, chỉ vậy thôi”.