Tìm hiểu về Phật hiệu Như Lai

tim hieu

TÌM HIỂU VỀ PHẬT HIỆU NHƯ LAI

Thích Phước Hạnh

 

Đức Phật là Bậc Chánh đẳng giác (S. Samyak Saṃbodhi, P. Sammā Sambodhi); do thành tựu trí tuệ và có nhiều công hạnh thù thắng nên Ngài cũng có nhiều danh hiệu tôn xưng cao quý. Bên cạnh các danh hiệu phổ biến là Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuni: Bậc Thánh dòng họ Thích) hay Sa-môn Gô-ta-ma (S. Śramaṇa Gautama, P. Samaṇa Gotama), Đức Phật còn có những danh xưng đặc biệt khác, trong đó Như Lai (Tathāgata, 如來) là một trong các Phật hiệu mang nhiều ý nghĩa nhất. Theo các nhà nghiên cứu, Như Lai là tôn xưng mang ý nghĩa đặc biệt, thường xuất hiện phổ biến trong kinh điển Phật giáo, và là danh hiệu tự xưng của Đức Phật trước đại chúng khi Ngài thuyết pháp hay trong một sự kiện nào đó.

Khái niệm và từ nguyên

Tathāgata là một từ ghép được cấu thành bởi Tathā + āgata, hay Tathā + gata. Trong đó, Tathā mang nghĩa là như thế, như vậy, theo cách này, tương tự như vậy (so, thus, in this way, likewise) [2]; và āgata có nghĩa là đến hay đã đến (come, arrived)[3]. Từ điển Sanskrit định nghĩa Tathāgatangười đến và đi theo cùng một cách nên gọi là Như Lai (he who comes and goes in the same way) [4].

Về nguồn gốc của Tathāgata, học giả Theodore Stcherbatsky cho rằng đây không phải là thuật ngữ bắt nguồn từ Phật giáo mà đã xuất hiện trong các tác phẩm ngoài Phật giáo, như trong Mahabharata có nói: “Cũng như các dấu vết chim (bay) trong bầu trời và cá (bơi) trong nước không thể được nhìn thấy, thực tại (tātha) có mặt (gati) với những người nào đã nhận ra chân lý”[5].

Ngoài ra, khi thảo luận về Tathāgata, Peter Harvey cho rằng Tathāgata tương đồng với khái niệm A-la-hán (Arahat), nghĩa là người đã đạt đến mục đích tối thượng của đời sống tôn giáo (who had attained the highest goal of the religious life) [6]. Tathāgata cũng được xem tương đồng với khái niệm Vô thượng sĩ (anuttarapuruṣa), tức là bậc tối thượng trong hàng chúng sinh (uttama-puriso), người đạt được sự chứng ngộ cao tột nhất (attainer of the highest attainment) [7].  Edward Conze xem Tathāgata biểu thị cho “chân ngã” sẵn có trong mỗi chúng sinh; Tathāta là “chân như”, và về sau phát triển thành Tathāgata nghĩa là “chân ngã”, hay “chân như” nơi mỗi người [7]. Ở một định nghĩa khác, Như Lai là “đấng hoàn hảo” (The Perfect One) và “là hình ảnh thu nhỏ chỉ cho Đức Phật khi Ngài nói về mình” (is an epithet of the Buddha used by him when speaking of himself) [8]. Một giải thích tương đồng cũng được tìm thấy trong Từ điển Phật học (A Dictionary of Buddhism): Như Lai là một danh hiệu hay biểu tượng chỉ cho Đức Phật (a title or epithet of the Buddha) [9]. Thuật ngữ này còn mang nghĩa là người đã đến như vậy hay người đã đi như vậy (One who has thus come or One who has thus gone) [10].

Trong văn học kinh điển, khái niệm Như Lai được diễn tả vô cùng sâu sắc. Theo kinh Kim cang (Vajracchedikā-prajñāpāramitā-sūtra), một bản kinh quan trọng của hệ văn học Bát-nhã, Như Lai là “Không đi về đâu, đã vượt qua mọi khổ não tu tập chứng đạt Niết-bàn. Như Lai không từ đâu đến cũng không đi về đâu nên gọi là Như Lai” [11]. Ngoài ra, trong Tiểu bộ kinh (Khuddaka-nikāya), Như Lai là bậc nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy nên Ngài được gọi là Như Lai” [12]. Kinh Thế gian thuộc Trung A-hàm (中阿含) cũng có quan điểm tương tự:

“Như Lai từ đêm chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (...) nếu những gì được nói ra, được ứng đối từ chính miệng của Như Lai, tất cả những điều ấy đều là chắc thật, không hư vọng, không ra ngoài sự Như, cũng không phải là điên đảo. Đó là sự chắc thật, là sự chân thật” [13].

Bên cạnh sự lý giải của kinh điển, nhiều bộ luận của các trường phái Phật giáo cũng có cách giải thích khác nhau về danh hiệu Như Lai. Trong luận Đại tđ (Mahāprajñāpāramitā-śāstra,大智度論) của ngài Long Thọ (Nāgārjuna), Như Lai là Như pháp tướng mà hiểu, như pháp tướng mà giảng thuyết, như con đường an ổn của chư Phật mà đến”. Luận Thành thật (Satyasiddhi-śāstra,成實論) có giải thích thêm rằng: “Lời nói của bậc Chánh giác là chân thật không giả dối, nên gọi là Như lai” [15].

Tóm lại, từ sự phân tích trên, người viết có ba nhận định về khái niệm Như Lai như sau: Trước hết, Như Lai là danh hiệu tự xưng (theo ngôi thứ nhất ta, tôi) được Đức Phật sử dụng trong lúc thuyết pháp hay giao tiếp. Kế đến, danh hiệu Như Lai mang ý nghĩa khẳng định Đức Phật là người đã đi đến chân lý thật sự [16], trở thành bậc giác ngộ giải thoát hoàn toàn, thành tựu đầy đủ phẩm hạnh và trí tuệ. Sau cùng, danh hiệu Như Lai là một thuật ngữ được hàng đệ tử Phật sử dụng để tán thán những phẩm tính đặc biệt chỉ có ở Đức Phật.

Những phẩm tính đặc biệt của Như Lai

- Oai lực của Như Lai

Dù Đức Phật và các Thánh A-la-hán đều trải qua sự tu tập viên mãn, trở thành Bậc Thánh giả hay Bậc Vô học (S. Aśaikṣa, P. Asekha, C. 無學), nghĩa là đã đạt được Niết-bàn (S. Nirvāṇa, P. Nibbāna, C.  涅槃) không còn phải tu học gì nữa, tuy nhiên chỉ có Đức Thích Ca Mâu Ni và chư Phật nói chung mới được tôn xưng là PhậtNhư Lai, vì các Ngài có những năng lực đặc biệt mà các A-la-hán khác không có được.

Trong kinh điển Pāli, nơi mà hình ảnh Đức Phật thường được mô tả bình dị, gần gũi, ít mang màu sắc siêu nhiên, dù thế các nhà biên tập thánh điển này cũng không thể chối bỏ những yếu tố oai lực siêu phàm về nhân cách, và khả năng vượt thắng thế gian của Bậc Đạo sư, như trong kinh Tăng chi bộ (Aṅguttara-nikāya) có nói:

Này các T-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy được gọi là Như Lai” [17].

Nhiều kinh luận bộ phái cũng mô tả về “oai lực của Như Lai không có giới hạn” [18]. Các bộ phái cho rằng chỉ có Đức Phật mới có năng lực điều phục mà không ai có thể sánh bằng. Ngài rõ biết tất cả duyên khởi thậm thâm, pháp nghĩa sở thuyết không rơi vào nhị biên, biện tài vô song, đối với vị lai tiến hành thọ ký mà không có sai sót. Đức Phật không còn bị đắm nhiễm trước tám pháp thế gian (aṭṭhaloka-dhamma) [19], độ thoát tất cả nguy nan, đầy đủ mười tám pháp bất cộng (aṣṭādaś-āveṇika-dharma, 十八不共法) [20]: Thập lực, Tứ vô sở úy, Đại bi và Tam niệm trụ [21]. Đại chúng bộ (Mahāsāṅghika,大眾部) còn đưa ra quan điểm về Đức Phật Thích Ca là bậc hiện hữu siêu phàm, toàn thiện và toàn trí [22]. Cụ thể, các nhà Đại chúng bộ đã nêu ra tám đặc điểm siêu nhiên chỉ có ở một vị Phật: 1. Thân thể của Phật hoàn toàn siêu xuất thế tuc; 2. Sắc thân của Phật không bị giới hạn; 3. Tuổi thọ của Phật cũng không giới hạn; 4. Thần lực của Phật vô cùng tận; 5. Đức Phật không bao giờ mệt mỏi với việc giáo hóa chúng sinh; 6. Đức Phật không bao giờ ngủ vì lúc nào tâm của Ngài cũng trong thiền định; 7. Đức Phật có thể thấu hiểu mọi thứ trong một khoảnh khắc mà không phải suy nghĩ; 8. Đức Phật luôn biết rõ rằng Ngài không có tạp nhiễm và không thể bị tái sinh [23].

Đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa, các nhà Đại thừa cũng phát triển hình tượng Đức Phật với những phẩm tính siêu phàm, có oai lực thần thông vô ngại, như trong kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharma Puṇḍarīka-sūtra, 妙法蓮華經) đã diễn tả: “Bấy giờ, Phật phóng một lằn sáng nơi lông trắng giữa chặng mày, liền thấy năm trăm muôn ức na-do-tha hằng hà sa cõi nước ở phương Ðông” [24]. Hay như ở một đoạn kinh khác: “Bấy giờ, Đức Thích Ca Mâu Ni vì muốn dung thọ các vị Phật của mình phân thân nên ở tám phương lại biến thành hai trăm muôn ức na-do-tha cõi nước, đều làm cho thanh tịnh, không có Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh cùng A-tu-la, lại cũng dời các hàng trời người để ở cõi khác” [25].

Qua sự phân tích trên, có thể thấy rằng oai lực Phật là một phẩm tính đặc biệt chỉ có ở Đức Như Lai. Đây cũng là điểm tạo nên sự khác biệt giữa Đức Phật và hàng Nhị thừa [26]. Kinh Tạp A-hàm (雜阿含) nói: “Như Lai, Ứng cúng, Đẳng chánh giác chưa từng nghe pháp nhưng có thể tự mình giác ngộ pháp, tự thông đạt Vô thượng Bồ-đề, rồi để giác ngộ cho hàng Thanh văn trong đời vị lai mà thuyết pháp” [27]. Có lẽ vì lý do này mà hàng đệ tử Phật tôn xưng Ngài là Bậc Như Lai với đầy đủ oai đức tự tại mà các hàng đệ tử khác không ai có thể sánh được.

- Thọ lượng của Như Lai

Tương tự như vấn đề oai lực, nhiều trường phái Phật giáo cho rằng thọ lượng của Đức Như Lai cũng không có giới hạn [28]. Theo đó, Đức Phật có thể kéo dài thọ mạng của Ngài một cách dễ dàng mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Kinh Trường bộ (Dīgha-nikāya) viết: “Này Ananda, nay Như Lai đã tu bốn thần túc, tu tập nhiều lần, thật lão luyện, thật chắc chắn, thật bền vững, điêu luyện, thiện xảo. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại” [29]. Cũng thế, trong kinh Diệu pháp liên hoa có một phẩm nói về thọ mạng vô lượng của Đức Như Lai; cụ thể, Ngài đã thành Phật từ vô thủy vô số kiếp và thường ở thế giới Sa-bà (Sahā-lokadhātu) để giáo hóa chúng sinh. Đức Phật vì muốn chúng sinh phát khởi tâm khát ngưỡng, siêng tu tinh tấn nên Ngài mới phương tiện thị hiện diệt độ, nội dung của chánh kinh như sau:

“Bởi các chúng sinh có các món tánh, các món dục, các món hạnh, các món nhớ tưởng phân biệt, muốn làm cho sinh các căn lành, nên dùng bao nhiêu nhân duyên, thí dụ ngôn từ, các cách nói pháp, chỗ làm Phật sự, chưa từng tạm bỏ. Như thế, từ Ta thành Phật nhẫn lại, thực là lâu xa, thọ mệnh vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, thường còn chẳng mất” [30].

Theo nhận định của người viết, khái niệm thọ lượng vô cùng tận của Đức Như Lai là tương đồng với học thuyết Pháp thân (Dharmakāya, 法身). Lý giải cho vấn đề này, người viết dựa vào quan điểm pháp thân Như Lai là thường trụ chân thật, như trong kinh Tăng nhất A-hàm (增壹阿含) nói: “Đức Phật ra đời thọ mạng ngắn ngủi, nhục thân tuy mất pháp thân còn” [31]. Điều này có nghĩa rằng pháp thân của Phật là vô cùng tận, và sự kiện Niết-bàn của Ngài chỉ là sự kết thúc của nhục thân (thân năm uẩn). Nói cách khác, Pháp thân chính là sự hiện hữu vô hạn của Đức Phật. Trong kinh Tương ưng bộ (Saṃyutta-nikāya) Ngài dạy rằng: “Này Vakkali, ai thấy Pháp, người ấy thấy Ta. Ai thấy Ta, người ấy thấy Pháp” [32]. Với quan điểm trên, khái niệm Pháp thân được hình thành, và Đức Như Lai tượng trưng cho Pháp thân ở khía cạnh vĩnh cửu [33]. Ngoài ra, kinh Duy-ma-cật sở thuyết (Vimalakīrti Nirdeśa-Sūtra) nói rằng: “Thân Như Lai là Pháp thân, không phải do tâm tư dục vọng. Phật là Đức Thế Tôn, vượt ngoài ba cõi. Thân Phật là vô lậu, vì các lậu đã dứt sạch” [34]. Ở đây, thân vô lậu chỉ cho Pháp thân Như Lai là trong sạch, chân thật, bất diệt, và vô lượng công đức. Tất cả chư Phật có thể khác nhau về báo thân, nhưng các Ngài đều có chung sự thống nhất hoàn hảo, không phân biệt về Pháp thân [35].

Tóm lại, sự trình bày của người viết như trên là nhằm củng cố quan điểm rằng thọ lượng của Đức Như Lai là vô cùng tận, và vấn đề này rõ ràng có mối liên hệ mật thiết với khái niệm Pháp thân. D.T. Suzuki cũng có nhận định tương tự khi cho rằng Pháp thân (dharma-kāya), thân Như Lai (Tathāgata-kāya) và Như Lai (Tathāgata) là cùng một ý nghĩa [36].  Mặc dù Đức Như Lai phương tiện hiện tướng Niết-bàn, nhưng thật ra Ngài không nhập Niết-bàn mà luôn tồn tại ở thế gian, ở bất kỳ không gian và thời gian nào, không có nơi đâu mà Như Lai không vì lợi ích chúng sinh. Do vậy, hàng đệ tử Phật chỉ cần như pháp mà tu hành tinh tấn thì sẽ đạt được Pháp thân thường trụ bất diệt của Như Lai, như kinh nói: “Các đệ tử cùng nhau tu hành, chắc chắn sẽ được Pháp thân Như Lai thường trụ bất diệt” [37]. Quan điểm này rõ ràng là sự khích lệ mạnh mẽ, và là điểm tựa vững chắc cho những người đang tu học Phật pháp, bởi họ biết rằng Đức Như Lai luôn đồng hành với họ trên hành trình tìm cầu chân lý giác ngộ giải thoát.

Nhận định và kết luận

Hầu hết kinh luận ở tất cả các truyền thống Phật giáo đều khẳng định Như Lai là Phật hiệu cao quý nhất, Đức Phật thường sử dụng danh hiệu này để tự xưng khi nói về mình. Như Lai là tôn hiệu đứng đầu trong các Phật hiệu của Đức Phật gồm: Như lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật Thế Tôn (hay Phật, Thế Tôn). Dù giải thích 10 hay 11 hiệu thì tất cả đều là lời xưng tán trên từng phương diện trí tuệ và công hạnh của Đức Phật, và các Phật hiệu này không hề mang ý nghĩa quả vị. Như Lai cũng là A-la-hán hay A-la-hán cũng chính là Đức Phật. Qua các thời kỳ Phật giáo, danh hiệu Như Lai được hàng đệ tử Phật phân tích, luận giải theo quan điểm của từng bộ phái, đây được xem là cơ sở để hình thành những học thuyết quan trọng trong Phật giáo, tiêu biểu là tư tưởng Như Lai tạng (Tathāgata-garbha) của Phật giáo Đại thừa.

Sau cùng, việc tìm hiểu về khái niệm Như Lai nói riêng và các Phật hiệu nói chung giúp chúng ta thấy được sự vĩ đại của Đức Phật, một nhân cách cao thượng và có thật trong lịch sử nhân loại. Theo đó, Đức Phật với vô số kiếp tu tập viên mãn các Ba-la-mật (S. pāramīta, P. pāramī) nên công đức và trí tuệ của Ngài thật sự vượt trội hơn những con người bình thường. Do vậy, Đức Phật xứng đáng được tôn xưng là bậc tối thượng trong thế giới các loài hữu tình, là đối tượng để trời người quy ngưỡng.

Chú thích:

[1] Hán dịch từ Như Lai là Đa-đà-a-già-đà (多陀阿伽陀), Đa-tha-a-già-độ (多他阿伽度), Đát-đà-a-già-độ (怛陀阿伽度), Đát-tát-a-kiệt (怛薩阿竭), Đát-tha-nga-đa (怛他誐多), Đa-a-kiệt (多阿竭). Cũng gọi là Như khứ (如去), từ ngữ tôn xưng Đức Phật, là một trong mười danh hiệu Phật. Tathāgata có thể được chia thành hai là: Tathā-gata (Như khứ) và Tathā-āgata (Như Lai).

(Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang Đại tđiển, tập 3, NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2014, tr.4357.)

[2] T.W. Rhys Davids & William Stede (ed.), Pāli-English Dictionary, p.296.

[3] Ibid., p.94.

[4] M. Monier William, A Sanskrit-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2002, p.433.

[5] Florin G. Sutton, Existence and Enlightenment in the Laṅkāvatāra-sūtra: A Study in the Ontology and Epistemology of the Yogācāra School of Mahāyāna Buddhism, p.104.

[6] Peter Harvey, The Selfless Mind, p.227.

[7] Ibid., pp.227-28.

[8] Edward Conze, The Perfection of Wisdom in 8,000 Lines, p.xix.

[9] Nyanatiloka, Buddhist Dictionary: Manual of Buddhist Terms and Doctrines, p.219.

[10] Damien Keown, A Dictionary of Buddhism, p.296.

[11] Ibid., p. 296.

[12]《金剛般若波羅蜜經》:「如來者, 無所從來, 亦無所去, 故名如來」(CBETA, T08, no. 235, p.752b4-5.)

[13] Kinh Tiểu bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, tr.321.

[14] Kinh Trung A-hàm, tập 1, Tuệ S dịch & chú, tr.1043.

[15] 《成實論》:「如來者,乘如實道來成正覺,故曰如來。有所言說皆實不虛」(CBETA, T32, no. 1646, p. 242a23-26.)

[16] Edward Conze, The Perfection of Wisdom in 8,000 Lines, p.xix.

[17] Kinh Tăng chi bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, tr.358.

[18]《異部宗輪論》:「如來威力亦無邊際」(CBETA, T49, no. 2031, p. 15b29-c1.)

 [19] Tám pháp thế gian gồm: Được (lābha) và mất (alābha), danh thơm (yasa) và tiếng xấu (ayasa), ca tụng (pasamsā) và khiển trách (nindā), hạnh phúc (sukha) và đau khổ (dukkha).

[20] 18 pháp bất cộng của Phật theo quan điểm Đại thừa và Bộ phái Phật giáo có sự khác biệt: Trong Đại phẩm Bát-nhã kinh, Đại trí độ luậnĐại thừa nghĩa chương (Đai thừa) thì 18 pháp Bất cộng của Phật gồm: 1. Thân vô thất, 2. Khẩu vô thất, 3. Niệm vô thất, 4. Vô dị tưởng, 5. Vô bất định tâm, 6. Vô bất tri dĩ xả, 7. Dục vô giảm, 8. Tinh tấn vô giảm, 9. Niệm vô giảm, 10. Tuệ vô giảm, 11. Giải thoát vô giảm, 12. Giải thoát tri kiến vô giảm, 13. Nhất thiết thân nghiệp tùy trí tuệ hành, 14. Nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí tuệ hành, 15. Nhất thiết ý nghiệp tùy trí tuệ hành, 16. Trí tuệ tri quá khứ thế vô ngại, 17. Trí tuệ tri vị lai thế vô ngại, 18. Trí tuệ tri hiện tại thế vô ngại. Căn cứ theo Đại Tỳ-bà-sa luậnCâu-xá luận (bộ phái) thì 18 pháp bất cộng của Phật là: Thập lực (daśabalāni,十力), Tứ vô sở úy (catvāri-vaiśāradyāni, 四無所畏), Tam niệm trụ (trīṇismṛty-upasthānāni, 三念住) và Đại bi (mahā karuṇā, 大悲).

[21]《阿毘達磨大毘婆沙論》:「若具十八不共佛法。十力。四無所畏。大悲。三不共念住」(CBETA, T27, no. 1545, p.735c16-17.)

[22] Nalinaksha Dutt, Buddhist Sects in India, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 1998, p.72.

[23] Ibid., pp.72-74.

[24] Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Như Lai thần lực, Thích Trí Tịnh dịch, tr.312.

[25] Sđd., tr.314.

[26] Nhị thừa ở đây chỉ cho Thanh văn thừa và Duyên giác thừa: Thanh văn thừa do trực tiếp nghe Phật nói pháp, nương vào lý Tứ đế mà giác ngộ; Duyên giác thừa là không được trực tiếp nghe Phật nói pháp, chỉ tự mình quán xét lý 12 nhân duyên mà giác ngộ.

(Thích Quảng Độ dịch, Phật Quang Đại từ điển, tập 3, NXB.Phương Đông, TP.HCM, 2014, tr.4316.)

[27] Kinh Tạp A-hàm, kinh 66 Quán, Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chỉnh & chú thích, tr.145. [28]《異部宗輪論》:「諸佛壽量亦無邊際」(CBETA, T49, no. 2031, p.15c1.)

[29] Kinh Trường bộ, kinh Đại bát-niết-bàn, Thích Minh Châu dịch, tr.300.

[30] Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Như Lai thọ lượng, Thích Trí Tịnh dịch, tr.406.

[31] Kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm Tựa, Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chỉnh & chú thích, tr.15.

[32] Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, tr.744.

[33] Gadgin Nagao, On the Theory of Buddha-body (Buddhakaya), p.27.

[34] Duy-ma-cật sở thuyết kinh, Tuệ Sỹ dịch & chú, tr.125.

[35] D.T. Suzuki, Studies in the Lankavatara sutra, p.381.

[36] Ibid., p.317.

[37] 《佛垂般涅槃略教誡經》:「我諸弟子展轉行之,則是如來法身常在而不滅也」(CBETA, T12, no. 389, p.1112b11-12.)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Nguồn chính

1. Duy-ma-cật sở thuyết kinh, Tuệ Sỹ dịch & chú, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, 2020.

2. Kinh Diệu pháp liên hoa, Thích Trí Tịnh dịch, NXB.Tôn giáo, Hà Nội, 2007.

3. Kinh Tăng nhất A-hàm, Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chỉnh & chú thích, NXB.Phương Đông, TP.Hồ Chí Minh, 2011.

4. Kinh Tạp A-hàm, Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chỉnh & chú thích, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, 2019.

5. Kinh Trung A-hàm, Tuệ Sỹ dịch & chú, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.

6. Kinh Tăng chi bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.

7. Kinh Trường bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.

8. Kinh Tương ưng bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.

9. Kinh Tiểu bộ, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2015.

B. Nguồn phụ

10. Conze, Edward., The Perfection of Wisdom in 8,000 Lines, Sri Satguru Publications, Delhi, 1994.

11. Dutt, Nalinaksha, Buddhist Sects in India, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 1998.

12. Harvey, Peter., The Selfless Mind, RoutledgeCurzon, Great Britain, 2004.

13. Nagao, Gadgin., “On the Theory of Buddha-body (Buddhakaya)”, Eastern Buddhist, (1973) vol. 6, no. 1, pp. 25-33.

14. Nyanatiloka, Buddhist Dictionary: Manual of Buddhist Terms and Doctrines, Buddhist Publication Society, Kandy, Srilanka, 1980.

15. Sutton, Florin G., Existence and Enlightenment in the Laṅkāvatāra-sūtra: A Study in the Ontology and Epistemology of the Yogācāra School of Mahāyāna Buddhism, State University of New York Press, New York, 1991.

16. Suzuki, D.T., Studies in the Lankavatara sutra, Munshiram Manoharlal Publishers, Delhi, 1998.

C. Từ điển và internet (Dictionaries and internet)

17. Keown, Damien., A Dictionary of Buddhism, Oxford University Press, New York, 2003.

18. Monier William, M., A Sanskrit-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2002.

19. Rhys Davids, T.W. & William Stede (ed.), Pāli-English Dictionary, Motilal Banarsidass Publishers, Delhi, 2018.

20. https://cbetaonline.dila.edu.tw/zh/.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle