Cuộc đời tôn giả Ānanda qua kinh tạng Nikāya
CUỘC ĐỜI TÔN GIẢ ĀNANDA QUA KINH
CUỘC ĐỜI TÔN GIẢ ĀNANDA QUA KINH TẠNG NIKĀYA
Trong số những đệ tử ưu tú của Đức Phật, Tôn giả Ānanda là người có những
đức tính cao thượng và ngài đã để lại nhiều cống hiến lớn lao cho việc
truyền thừa đạo pháp đến với nhân loại. Ngoài vai trò là thị giả hầu cận Đức
Phật, Kinh tạng Nikāya còn đề cập đến nhiều vai trò quan trọng khác của ngài
mà hàng hậu học cần ghi nhớ và niệm ân.
Nói đến Tôn giả Ānanda chúng ta đều biết rằng ngài là vị đa văn và thị giả
đệ nhất trong mười đại đệ tử của Đức Phật. “Ānanda sinh trong gia đình
của dòng tộc Thích-ca Amitedana. Vì các bà con nói ngài sinh ra đem lại hoan
hỷ cho gia đình nên được đặt tên là Ānanda (Khánh Hỷ)”.
Tuy nhiên, khi xét về độ tuổi của Tôn giả Ānanda lại có sự khác biệt:
“Tôn giả Ānanda nhỏ hơn Phật ba mươi tuổi”
hay “Tôn giả Ānanda đã giáng sinh từ cõi trời Đâu-suất (Tusita) và
sinh cùng ngày với Đức Phật”.
Theo Đại Phật sử, vào ngày Thế Tôn giáng sinh có bảy nhân vật
đồng sinh, trong đó có Ānanda.
Nhưng trong Trưởng lão Tăng kệ số 56 khi đề cập đến bảy nhân vật sinh
cùng ngày với Đức Phật lại không có tên Ānanda.
Như vậy, tên gọi Ānanda với ý nghĩa Khánh Hỷ là nói đến ngày ra đời của
Ānanda đã đem lại niềm vui cho mọi người chứ không phải Ānanda sinh vào đêm
Phật thành đạo, tức nhỏ hơn Phật ba mươi tuổi và ta cũng chưa thể xác định
Ānanda có sinh cùng ngày với Đức Phật hay không.
Về thời điểm gia nhập Tăng đoàn của Tôn giả Ānanda, điều này được xác định
vào năm thứ hai sau khi Phật thành đạo. Lúc bấy giờ, Đức Phật trở về
Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) để thăm vua cha và quyến thuộc lần đầu
tiên sau khi thành đạo; các vương tử dòng tộc Thích-ca xuất gia theo Ngài
rất đông. Ānanda cũng bị thu hút bởi cốt cách uy nghi, thanh cao của Đức
Phật. Về sau, khi Đức Phật đang ngự ở Anupiyā, một thị trấn của xứ Malla,
Ānanda cùng với các vị vương tử dòng tộc Thích-ca đã đi đến đó và xin được
xuất gia, trong đó có vua Bhaddiya, Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbili,
Devadatta và thợ cắt tóc Upāli.
Từ khi xuất gia, Tôn giả Ānanda tu học tinh tấn, chuyên tâm thiền định và
chứng được quả Dự lưu (Sotapatti) ngay khi nghe Trưởng lão Punna
Mantāniputta thuyết giảng. Điều này do chính Tôn giả xác nhận: “Chư Hiền
giả, Tôn giả Punna Mantāniputta, khi chúng ta mới tu học, đã giúp đỡ chúng
ta rất nhiều. Tôn giả ấy giảng cho chúng ta lời giáo giới này. Sau khi nghe
Tôn giả Punna Mantāniputta thuyết pháp, chúng ta hoàn toàn chứng tri (Chánh)
pháp”.
Thời pháp này nói về sự khởi sinh của ngã kiến và ba đặc tính vô thường,
khổ, vô ngã của năm uẩn. Sau đó, Ānanda chuyên tâm quán xét về chúng và
chứng đắc quả Dự lưu, trở thành bậc Thánh Tu-đà-hoàn.
Tuy nhiên, Đức Phật có nhận xét rằng: “Này các Tỷ-kheo, Ānanda còn là hữu
học, nhưng không dễ gì tìm được một người có trí tuệ ngang bằng”.
Ānanda có trí tuệ không ai có thể sánh bằng. Ngài ghi nhớ rất rõ những
lời dạy của Đức Phật và truyền đạt lại không hề sai sót lời nào. Chính điều
này làm tiền đề cho vai trò của Ānanda trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ
nhất sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn. Nhưng Ānanda còn hữu học, ngài vẫn phải
tu tập như bao người khác. Do đó, Đức Phật đã dạy Tôn giả Ānanda về các pháp
tu tập để chứng đắc giải thoát tối thượng. Tôn giả Ānanda được Phật dạy về
lý Duyên khởi
hay Tứ niệm xứ.
Ngoài ra, Tôn giả còn được Đức Phật dạy về Bát chánh đạo.
Đức Phật dạy Ānanda phải thực hành theo Bát chánh đạo để đưa đến ly tham,
đoạn diệt, thắng trí, giác ngộ và Niết-bàn. Tu tập Bát chánh đạo là duy trì
truyền thống tốt đẹp do Đức Phật thiết lập, trong đó chánh niệm là yếu tố vô
cùng quan trọng. Tôn giả Ānanda cần phải luôn chánh niệm, tỉnh giác để hoàn
thành nhiệm vụ của mình trong việc phụng sự Đức Phật và toàn thể đại chúng.
Từ đó, Tôn giả Ānanda đã giành hết thời gian vào việc an tịnh nội tâm. Ngài
thực hành rất nghiêm túc những lời dạy của Đức Phật. Tuy nhiên trong thời
gian đầu, Ānanda chưa được nhiều người biết đến. Cho đến khi được chọn làm
thị giả, tên gọi Ānanda dần trở nên quen thuộc hơn trong hàng đệ tử của Đức
Phật.
Trong 20 năm đầu sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn không có vị thị giả riêng.
Có khi Tôn giả Nāgasamāla, Tôn giả Nāgita, Upavana, Cunda, hay Tôn giả
Meghiya hầu cận Thế Tôn. Cho đến khi 56 tuổi, Đức Phật muốn chọn một vị
Tỷ-kheo thích hợp luôn thường trực bên Ngài. Vì trước đó, trong quá trình
hầu cận, có vị đã làm cho Đức Thế Tôn phiền lòng. Do đó, Đức Thế Tôn bảo đại
chúng rằng: “Này các Tỷ-kheo, nay Ta đã già rồi, và khi Ta bảo chúng ta
hãy đi đường này, vài người trong chúng lại đi đường khác, có người làm rơi
bình bát và y của Ta xuống đường. Vậy hãy chọn một Tỷ-kheo luôn luôn hầu cận
ta”.
Sau đó, trong đại chúng có nhiều vị Tỷ-kheo đứng lên xin hầu cận Đức Phật,
trong đó có Sāriputta, nhưng Đức Phật đều từ chối. Lúc này, có vị Tỷ-kheo đề
nghị Ānanda hãy nhận nhiệm vụ làm thị giả. Khi được chọn làm thị giả, Tôn
giả Ānanda xin Đức Phật về tám điều sau: “Từ chối không cho Ānanda y, đồ
ăn, một phòng riêng và mời ăn. Chấp nhận cho Ānanda bốn việc là: nếu Ānanda
được mời ăn, Thế Tôn bằng lòng đi dự, Thế Tôn bằng lòng gặp những người từ
xa đi đến và do Ānanda giới thiệu; Thế Tôn chấp nhận cho Ānanda yết kiến nếu
Ānanda gặp phân vân khó xử; Thế Tôn sẽ giảng lại những giáo lý Ngài dạy khi
Ānanda vắng mặt”.
Với bốn điều trước, Tôn giả Ānanda xin Phật từ chối là để tránh sự phiền hà
khi có người cho rằng Ānanda cùng dòng tộc với Đức Phật cho nên sẽ được ưu
ái hơn về tứ y pháp. Còn bốn điều sau là để cho người khác thấy rõ sự tu tập
của Ānanda. Những điều này rất phù hợp đối với đời sống phạm hạnh của một vị
Sa-môn cho nên Đức Thế Tôn đã chấp nhận và Ngài xác định: “Không phải đây
là lần đầu tiên, trong thuở xưa cũng như bây giờ Ta đã làm thỏa nguyện
Ānanda với một đặc ân; bất cứ điều gì ông muốn xin, Ta đều ban cho cả”.
Hơn nữa, Đức Thế Tôn còn xác định rằng: “Này các Tỷ-kheo, nay Ta có vị
thị giả Tỷ-kheo tên là Ānanda, vị này là thị giả đệ nhất”.
Tôn giả Ānanda luôn tận tụy hầu cận bên Phật ban ngày cũng như ban đêm:
“Ban ngày, Ānanda ở bên Đức Phật để Ngài nhắc nhở những điều cần làm; ban
đêm, Tôn giả cầm đèn và gậy đi xung quanh phòng Đức Phật, sẵn sàng đáp ứng
khi Đức Phật gọi”.
Mỗi khi Đức Phật có việc cần truyền đạt đến đại chúng, Ānanda là người
đem những thông điệp đó truyền đến mọi người một cách chính xác; hoặc khi
Đức Phật muốn triệu tập đại chúng, Tôn giả luôn thực hành mệnh lệnh một cách
nhanh chóng và kịp thời. Có những lúc, vào nửa đêm, Đức Phật muốn gặp tất cả
đại chúng, Ānanda cũng vui vẻ triệu tập đầy đủ.
Mặc dù vất vả nhưng Tôn giả vẫn luôn vui vẻ hoàn thành nhiệm vụ của mình mà
không hề than vãn.
Không những vậy, nếu có người muốn diện kiến Đức Phật, Tôn giả Ānanda luôn
xem xét khi nào họ có thể được gặp Đức Phật để không phiền nhiễu đến Ngài.
Chính vì thế, Tôn giả được Đức Phật ngợi khen là người có trí tuệ và hiểu
rõ: “Nay đúng thời để các Tỷ-kheo yết kiến Thế Tôn, nay đúng thời để các
Tỷ-kheo-ni, nay đúng thời để các nam cư sĩ... yết kiến Thế Tôn”.
Vì lo cho sức khỏe của Thế Tôn, có những lúc Tôn giả Ānanda đã thay Ngài
thuyết pháp cho đại chúng. Có trường hợp, khi Mahanama đến hỏi pháp với Thế
Tôn, trong khi Ngài vừa mới khỏi bệnh, khi ấy Tôn giả không cho Mahanama
diện kiến Thế Tôn và đã thay Ngài thuyết pháp cho Mahanama. Cũng có trường
hợp khác cho thấy sự biết thời của Tôn giả Ānanda. Theo kinh Đại
Bát-niết-bàn, vào đêm cuối khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, có du sĩ
ngoại đạo Subbhadda muốn hỏi Đức Phật về những điều mà ông nghi vấn nhưng
Ānanda ngăn không cho vào (vị này là đệ tử xuất gia sau cùng của Đức Phật).
Vì bổn phận chăm sóc cho Thế Tôn, lo cho sức khỏe của Đức Từ phụ cho nên Tôn
giả luôn xem xét như vậy.
Ngoài ra, trong khi làm thị giả Đức Phật, Tôn giả Ānanda luôn tận tụy không
nghĩ đến thân mạng để bảo vệ Ngài.
Một lần nọ, Devadatta muốn hại Đức Phật. Ông sai người cho voi uống rượu say
để tấn công Đức Phật. Khi con voi xông đến, mọi người bỏ chạy tán loạn,
riêng Tôn giả Ānanda đứng trước mặt Đức Phật không chịu đi, mặc dù Đức Phật
đã ba lần bảo Tôn giả không được đứng trước mặt Ngài. Cuối cùng, Đức Phật
phải dùng thần lực đẩy Ānanda ra xa và con voi đã được điều phục ngay dưới
chân Ngài.
Có thể nói, Tôn giả Ānanda là vị thị giả luôn tận tụy chăm sóc Đức Thế Tôn.
Ngoài ra, Ngài còn được Đức Thế Tôn xác chứng là vị Tỷ-kheo đệ nhất về năm
phương diện: “Đa văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì và
sự hầu hạ chu đáo”.
Tôn giả Ānanda được mệnh danh là đa văn đệ nhất và có sức mạnh đi bộ rất
tốt, bởi Đức Phật trú tại đâu để thuyết pháp, Ānanda cũng đều có mặt. Vì
luôn hiện diện cùng với trí nhớ siêu việt cho nên Tôn giả đã trùng tụng lại
những lời Phật dạy một cách đầy đủ và chính xác.
Một trong năm phương diện trên, đức tính kiên trì của Tôn giả Ānanda trong
khi làm thị giả vẫn luôn nổi bật. Khi Đức Phật đi đến đâu, Tôn giả đều đồng
hành với Ngài. Chẳng những vậy, có khi Thế Tôn cùng các vị Tỷ-kheo A-la-hán
ngồi thiền cả đêm, Ānanda vẫn kiên trì ngồi đợi.
Lúc bấy giờ có các vị Tỷ-kheo đến yết kiến Đức Phật, rồi họ cùng với Đức
Phật nhập định. Trời dần về khuya, trong khi Phật vẫn im lặng. Lúc này Tôn
giả Ānanda chưa chứng A-la-hán. Ngài không biết rõ các vị ấy đang nhập định
cho nên vẫn kiên trì chờ đợi. Cho đến khi trời sáng, Đức Phật xả định và
giải thích cho Ānanda hiểu vấn đề này.
Nhìn chung, trong khoảng thời gian hầu cận Thế Tôn, Ānanda đã hoàn thành
xuất sắc vai trò của mình. Bên cạnh đó, Ngài vẫn không ngừng nỗ lực tu tập
và rèn luyện thân tâm, được thể hiện qua những câu kệ sau:
1040. Trải hai mươi lăm năm,
Ta chỉ là hữu học
Dục tưởng không khởi lên
Hãy xem pháp, pháp tánh.
1042. Trải hai mươi lăm năm
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với thân nghiệp từ hòa
Như bóng không rời hình.
1043. Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn
Với khẩu nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.
1044. Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với ý nghiệp từ hòa
Như bóng không rời hình.
Mặc dù tinh tấn tu tập, nhưng Tôn giả Ānanda chưa chứng A-la-hán cho nên khi
Phật sắp nhập Niết-bàn, Tôn giả đã tỏ ra buồn rầu: “Ta nay vẫn còn là kẻ hữu
học, còn phải tự lo tu tập. Nay Bậc Đạo sư của ta sắp diệt độ, còn ai thương
tưởng ta nữa.
Nhân đó Đức Phật dạy: “Này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính
mình, hãy tự nương tựa chính mình..., dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh
pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một thứ gì khác”.
Sau khi Đức Phật diệt độ, Tôn giả Ānanda nương vào pháp để tu tập và tiếp
bước Như Lai trên con đường giải thoát. Tôn giả đã truyền đạt lại những lời dạy
của Đức Phật khi Ngài còn tại thế đến đại chúng và thay Thế Tôn giảng pháp
truyền khắp nhân sinh.
Không chỉ hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong khi hầu cận Thế Tôn, Tôn
giả Ānanda còn thể hiện sự cống hiến thật lớn lao cho đạo pháp. Sự cống hiến đó
cũng được thể hiện nơi việc Tôn giả xin cho nữ giới xuất gia. Lúc đầu, Tăng đoàn
của Đức Phật chưa có Tỷ-kheo-ni. Cho đến khi vua Suddhodana băng hà, hoàng hậu
Mahāpajāpatī Gotamī đến xin Thế Tôn cho phép được xuất gia, nhưng bà thỉnh cầu
đến ba lần Phật vẫn từ chối. Sau đó, khi Đức Phật du hành đến Vesāli, hoàng hậu
Mahāpajāpatī Gotamĩ cùng hàng phu nhân của dòng tộc nhờ người cạo tóc, khoác y
đi bộ đến Vesāli, với hai bàn chân sưng vù, buồn rầu, nước mắt đầm đìa, đứng ở
ngoài cửa. Nhìn thấy vậy, Tôn giả Ānanda đã xin Phật cho bà cùng hàng nữ nhân
được như ý nguyện. Nhưng Tôn giả cầu xin đến ba lần mà Phật vẫn không đồng ý.
Cuối cùng, Tôn giả Ānanda đã lựa thời cơ hỏi Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, không
biết nữ nhân sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình... có thể chứng được Dự lưu quả...
A-la-hán quả không?”.
Đức Phật trả lời rằng người nữ vẫn có khả năng chứng Thánh quả. Nhân đó Tôn
giả Ānanda xin Phật cho phép nữ giới được xuất gia, sống đời phạm hạnh. Lúc này,
Thế Tôn đã chấp nhận cho hàng nữ nhân được gia nhập Tăng đoàn với điều kiện họ
phải tuân giữ Bát kỉnh pháp.
Sau khi cho phép nữ giới xuất gia, Đức Phật đã nói với Ānanda rằng: “Nếu nữ
nhân không được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong pháp và luật
do Như Lai thuyết giảng, thời phạm hạnh được an trú lâu dài và diệu pháp được
tồn tại đến một ngàn năm”.
Nữ giới vốn có tính cách mềm mỏng, yếu đuối. Do đó, Đức Phật ví trong Tăng
đoàn có nữ giới cũng như ngôi nhà có phụ nữ nhiều rất dễ bị đạo tặc, trộm cắp
não hại. Vì vậy, Ngài lo cho Chánh pháp về sau sẽ bị suy giảm. Nhưng xét theo
thực tế, việc Ānanda xin cho người nữ xuất gia là giúp cho hàng nữ nhân có cơ
hội được sống đời sống an lạc và chứng đạt giải thoát tối thượng.
Tôn giả Ānanda còn là người có lòng từ mẫn, trí tuệ và biện tài bậc nhất. Biết
rõ nữ giới (một Tỷ-kheo-ni) có tình ý với mình, Tôn giả đã giảng pháp cho vị ấy
về thân tứ đại giả hợp và bất tịnh. Tiếp đến, ngài giảng về sự nguy hiểm của ái
dục để thức tỉnh người này, khiến vị ấy thấy rõ cuộc đời là vô thường, vô ngã và
khổ đau. Như thế, ngài đã cảm hóa được họ.
Qua điều này chứng minh rằng Ānanda là bậc xuất gia chân chính; ngài đã không
dính mắc trước sự cám dỗ của dục lạc. Tôn giả Ānanda luôn sống trong Chánh pháp
và luôn dùng trí tuệ sáng suốt để cảm hóa những người có cơ duyên được diện kiến
với ngài.
Ngoài ra, trong kinh có miêu tả Ānanda là người có lời nói ôn hòa và có phước
tướng nhất trong các đệ tử của Đức Phật. Tôn giả luôn được hàng nữ nhân quý mến
và thỉnh cầu đến thuyết pháp cho họ, đặc biệt là các phu nhân của các vị vua.
Câu chuyện này kể về các phu nhân của vua Kosala, họ nghĩ rằng: “Đức Phật ra
đời thật khó. Cũng vậy, được làm người với các căn đầy đủ thật khó... Chị em ta
hãy yêu cầu nhà vua cử cho một Tỷ-kheo xứng đáng thuyết pháp cho chị em ta”.
Sau đó họ quyết định chọn Tôn giả Ānanda là vị thầy để họ học pháp.
Tôn giả Ānanda còn được biết đến là người thừa tự pháp bảo: “Tôn giả Ānanda
học thông suốt pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Vô vấn tự
thuyết, Như thị thuyết, Bổn sinh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng”.
Chẳng những học thuộc lòng, Tôn giả cũng thành tựu đầy đủ tất cả các pháp.
Tôn giả Ānanda xứng đáng với mệnh danh là người thừa tự Pháp bảo. Một hôm,
Moggallāna, người chăn bò, hỏi lời dạy của Phật là gì, có bao nhiêu tất cả. Tôn
giả trả lời:
Ta nhận từ Đức Phật,
Tám mươi hai ngàn pháp,
Còn nhận từ Tỷ-kheo,
Thêm hai ngàn pháp nữa,
Tổng cộng tám tư ngàn,
Là pháp ta chuyển vận.
Mỗi khi các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni hay cư sĩ có điều hoài nghi, Tôn giả giảng giải
một cách chi tiết và thật rõ ràng. Vì lẽ đó, Tôn giả Ānanda còn được Đức Phật
khen ngợi là người có bốn đức tính kỳ diệu,
bốn đức tính của vị Chuyển luân Thánh vương. Khi chúng Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni,
Sát-đế-lợi, Bà-la-môn đến yết kiến ngài, nếu ngài thuyết pháp thì họ được hoan
hỷ, còn không họ sẽ thất vọng. Bốn đức tính này được thể hiện rất rõ trong các
thời pháp của Ānanda. Tôn giả thuyết pháp cho Tỷ-kheo Udayi về pháp vô ngã
và pháp ấy đã giúp khai ngộ Udayi. Cũng vậy, Tôn giả đã thuyết cho các
Tỷ-kheo-ni về Tứ niệm xứ.
Sau khi được nghe Ānanda giảng pháp, họ đều rất hoan hỷ. Hay mỗi khi Đức Phật
giảng pháp vắn tắt, các Tỷ-kheo lại thỉnh cầu Tôn giả phân tích thêm cho họ. Sau
đó, Thế Tôn đã xác chứng: “Ānanda là đại tuệ, nếu các ông hỏi Ta về ý nghĩa
này, Ta cũng trả lời như vậy”.
Có trường hợp khác, Tôn giả thuyết pháp cho vua Pasenadi. Nhà vua rất hoan
hỷ và cúng dường voi, ngựa báu, vải... đến Tôn giả.
Ngoài những vai trò như trên, Tôn giả Ānanda là người luôn quan tâm đến tất cả
các sinh hoạt của Tăng chúng, nhất là đối với những vị mới xuất gia và những vị
ốm đau, bệnh tật. Tôn giả luôn quan tâm đến họ để hỗ trợ khi cần thiết. Đặc biệt
hơn, Tôn giả Ānanda chăm sóc cho vị Tỷ-kheo bị bệnh kiết lỵ,
trong khi các vị khác sợ bị lây nhiễm.
Tuy nhiên, ngoài những lần được Đức Phật khen ngợi, thì có khi Tôn giả cũng bị
khiển trách như ở trường hợp khi Phật bị đau bụng.
Tôn giả đã xin mè, gạo lức và đậu mugga rồi tự nấu cháo dâng lên Đức Thế Tôn. Sở
dĩ Tôn giả bị Phật khiển trách là vì lúc này theo luật, người xuất gia không
được tự nấu thức ăn. Nhưng vì lo cho sức khỏe của Đức Thế Tôn nên Tôn giả đã làm
như vậy. Ở trường hợp khác Tôn giả Ānanda đã bị Phật quở trách khi làm phiền
Ngài.
Tôn giả hỏi Đức Phật về vấn đề rằng các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni và cư sĩ khi mệnh
chung được sinh về cõi nào, hậu thế trạng thái như thế nào. Vì các vấn đề này
nếu người tu chứng sẽ tự biết. Câu hỏi này không có ích lợi gì cho sự tu tập.
Không chỉ có Thế Tôn quở trách, Tôn giả Ānanda còn bị ngài Mahā Kassapa khiển
trách.
Tôn giả Kassapa khiển trách Ānanda vì ngài sợ chúng Tăng nghi ngờ Ānanda có sự
liên hệ với các Tỷ-kheo-ni. Tôn giả Kassapa làm như vậy cũng là để giúp Ānanda
soi xét lại tự thân và có sự tiến bộ hơn trong tu tập. Đặc biệt, trong kỳ kết
tập kinh điển lần thứ nhất, Tôn giả Kassapa đã vấn tội Ānanda về một số vấn đề:
- Tôn giả không hỏi Đức Thế Tôn các điều nhỏ nhặt ít quan trọng là các điều nào.
- Tôn giả đạp lên y tắm mưa của Đức Thế Tôn trong khi may.
- Tôn giả cho phép phụ nữ đảnh lễ nhục thân của Đức Thế Tôn trước tiên; trong
khi họ khóc đã để nước mắt rơi trên nhục thân của Đức Thế Tôn.
- Tôn giả không cầu khẩn Đức Thế Tôn tồn tại trọn kiếp vì lợi ích của nhiều
người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự an lạc của chư thiên và nhân loại.
- Tôn giả đã nỗ lực xin cho nữ giới xuất gia, sống trong Pháp và Luật đã được
Đức Như Lai công bố.
Khi được chỉ lỗi, Ānanda luôn vui vẻ nhận lỗi và giải thích các điều trên một
cách rõ ràng, hợp lý. Bởi việc Tôn giả Mahā Kassapa cử tội Ānanda là nhằm giúp
Ānanda tẩy sạch tội lỗi và tránh sự lao xao trong đại chúng.
Nói đến đây, chúng ta không thể không đề cập đến tầm quan trọng của Tôn giả
Ānanda trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất. Trong suốt thời gian hầu cận Thế
Tôn, với trí tuệ phi thường, Ānanda đã ghi nhớ rất rõ những lời Phật dạy. Chính
vì thế, Tôn giả được tuyển chọn tham dự vào kỳ kết tập, mặc dù ngài chưa chứng
quả A-la-hán. Đây cũng là kết quả của suốt 25 năm Tôn giả đã hầu cận Đức Thế
Tôn. Khi được tuyển chọn, Tôn giả Ānanda nghĩ rằng: “Ngày mai là đại hội,
việc ta sẽ đi đến đại hội khi còn là bậc hữu học thật là không thích đáng cho
ta!”.
Do đó, Tôn giả đã nỗ lực tu tập: “Ngài phát tâm tinh cần, tinh tấn thiền quán
suốt đêm cho đến khi trời vừa hừng sáng, tâm ngài đã được giải thoát khỏi các
hữu lậu và chứng đắc quả A-la-hán”.
Trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, Tôn giả Ānanda có vai trò vô cùng quan
trọng trong việc trùng tụng lại những lời dạy của Đức Phật khi Ngài còn tại thế.
Hơn nữa, trước lúc nhập Niết-bàn, Đức Thế Tôn có giao nhiêm vụ: “Này Ānanda,
sau khi ta diệt độ, hãy hạch tội Phạm đàn đối với Tỷ-kheo Channa”
. Channa là người đã hầu hạ Đức Phật từ khi Ngài còn là
một vị thái tử. Cho đến khi Thái tử Siddhārtha rời bỏ đời sống thế tục để đi tìm
chân lý, ông lại có công đưa thái tử đến sông Anoma. Bởi vậy, sau khi xuất gia,
ông ỷ lại vào công trạng của mình và lười biếng trong tu tập. Vì thế, Tôn giả
Ānanda hạch tội Channa nhằm giúp vị ấy nhận ra lỗi lầm của mình và có tiến bộ
hơn trong tu tập.
Về sau, Tôn giả cùng với chư vị Trưởng lão đi khắp nơi để hóa độ chúng sinh vì
lợi ích an lạc cho chư thiên và loài người theo như lời chư Phật dạy. Cho đến
lúc 120 tuổi, Ānanda quán xét thấy thọ mạng của mình sắp hết nên báo cho thiện
tín biết là ngài sẽ nhập diệt.
Như vậy, Tôn giả Ānanda đã nhập Niết-bàn ở tuổi 120. Khi Tôn giả nhập Niết-bàn,
đại chúng cũng tỏ lòng thương xót giống như lúc Đức Thế Tôn nhập diệt, bởi ngài
đã cống hiến cả cuộc đời mình để phụng sự cho lợi ích và an lạc của đại chúng.