Cảm nhận về bài kinh Ngoài bức tường
cam nhan
Cảm
nhận về bài kinh Ngoài bức tường
Quảng
Luận
Tiểu
bộ (Khuddaka Nikāya) là bộ kinh đồ sộ nhất trong tạng Nikāya.
Tiểu bộ gồm 15 tập với nội dung cực kỳ
phong phú và thể loại đa dạng. Trong đó tập đầu tiên, kinh Tiểu tụng (Khuddakapātha), là bộ ngắn nhất với chín bài kinh, ở đó
có các bài kinh nổi tiếng như kinh Điềm
lành (kinh Phước đức) và kinh Từ bi. Tuy nhiên, bài kinh số bảy lại gây
cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt, được đặt tên là kinh Ngoài bức tường. Ở bài kinh này Đức Phật nói đến sự hiện diện của
loài ngạ quỷ là thân nhân quá cố của chúng ta, và cách cúng dường chư Tăng để hồi
hướng phước đức cho họ.
Kinh Ngoài bức tường (Tirokudda Sutta)
1. Ở bên ngoài bức tường,
Bọn họ đứng chờ đợi,
Giao lộ, ngã ba đường,
Trở về mái nhà xưa,
Ðợi chờ bên cạnh cổng.
2. Nhưng khi tiệc thịnh soạn,
Ðược bày biện sẵn sàng,
Ðủ mọi thức uống ăn,
Không một ai nhớ họ.
Sự kiện này phát sinh
Từ nghiệp xưa của họ.
3. Vậy ai có từ tâm,
Nhớ cho các thân nhân,
Thức uống ăn thanh tịnh,
Tốt đẹp và đúng thời.
4. Món này cho bà con,
Mong bà con an lạc,
Ðám ngạ quỷ thân bằng,
Ðã tề tựu chỗ đó.
5. Sẽ mong muốn chúc lành,
Vì thực phẩm đầy đủ,
Mong quyến thuộc sống lâu,
Nhờ người, ta hưởng lợi.
6. Vì đã kính lễ ta,
Thí chủ không thiếu quả
Tại đó không cấy cày,
Cũng không nuôi súc vật.
7. Cũng không có buôn bán,
Không trao đổi tiền vàng,
Các ngạ quỷ họ hàng,
Chỉ sống nhờ bố thí.
8. Như nước đổ xuống đồi,
Chảy xuống tận vực sâu,
Bố thí tại chỗ này,
Cung cấp loài ngạ quỷ.
9.Như lòng sông tràn đầy,
Ðưa nước đổ xuống biển,
Bố thí tại chỗ này,
Cung cấp loài ngạ quỷ.
10. Người ấy đã cho ta,
Ðã làm việc vì ta,
Người ấy là quyến thuộc,
Người ấy chính thân bằng.
Hãy bố thí ngạ quỷ,
Nhớ việc xưa chúng làm.
11. Không khóc than, sầu muộn,
Không thương tiếc cách gì,
Giúp ích loài ngạ quỷ,
Quyến thuộc làm như vầy,
Không lợi cho ngạ quỷ.
12. Nhưng khi vật cúng dường,
Khéo đặt vào chư Tăng
Ích lợi chúng lâu dài,
Bây giờ, về sau nữa.
13. Chánh pháp được
giảng bày,
Như vậy cho quyến thuộc,
Kính trọng biết chừng nào,
Ðối với người đã khuất,
Chư Tăng được cúng dường,
Cũng tăng thêm dõng mãnh,
Người tích tụ công đức,
Thật to lớn biết bao.
Duyên
khởi của bài kinh
Quyến thuộc đã khuất của vua Bimbisāra
do ác nghiệp ngăn cản và phá đồ dâng cúng Đức Phật và chúng Tăng trong quá khứ
nên bị đọa làm ngạ quỷ. Họ mong nhà vua hồi hướng công đức tế lễ cho họ nhưng
nhà vua không hồi hướng đến ai cả. Họ thất vọng kêu gào thảm thiết mỗi đêm ở
hoàng cung. Vua hoảng sợ đến bạch hỏi Đức Phật. Đức Phật chỉ dạy nhà vua:
- Thưa Đại vương, xin đừng sợ,
không có gì bất thường xảy ra với Đại vương đâu mà thịnh vượng sẽ đến với Đại
vương thôi. Giờ đây, quả thật là quyến thuộc của Đại vương đã tái sinh vào loài
ngạ quỷ. Trong suốt một kiếp, chúng đã lang thang khắp nơi và chỉ mong ước điều
này: “Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường Đức Phật và hồi hướng công đức ấy cho chúng
ta”. Hôm qua, khi Đại vương dâng lễ, Đại vương đã không hồi hướng công đức. Do
đó, chúng mất hết hy vọng và thốt tiếng kêu la.
Nhà
vua hỏi:
- Bạch Thế Tôn, bây giờ làm sao chúng có thể nhận được thí vật?
Đức Phật đáp:
- Thưa Đại vương, quả thật chúng có thể nhận.
Nhà
vua nói:
- Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn hãy nhận lời thỉnh cầu của con vào ngày mai, con sẽ
hồi hướng công đức lễ vật ấy cho chúng.
Đức Thế
Tôn nhận lời. Sau đó nhà vua ra lệnh chuẩn bị lễ cúng dường hào phóng và thông
báo thời giờ lên Đức Thế Tôn, và Đức Thế Tôn đã đến hoàng cung. Bầy ngạ quỷ
cũng đến và suy nghĩ: “Hôm nay chúng ta sẽ hưởng được món gì đó”, rồi đứng bên
ngoài các bức tường và hàng rào.
Sau đó, Đức
Thế Tôn đã làm cho mỗi ngạ quỷ đều hiện hình trước nhà vua. Trong khi vua dâng
nước rửa, vua hồi hướng công đức ấy cho chúng với những lời này: “Mong công đức
này dành cho quyến thuộc ta”. Lập tức xuất hiện các ao sen đầy sen súng cho bọn
ngạ quỷ. Chúng tắm rửa và uống nước ở đó, được giảm nhẹ nỗi thống khổ của chúng
vì bất hạnh, lao nhọc và khát nước, nên da chúng trở nên vàng ánh.
Nhà vua
dâng lễ cúng dường cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm rồi hồi hướng công
đức lễ vật ấy cho chúng. Trong chốc lát liền xuất hiện cho chúng các thực phẩm
khác, thậm chí cả thực phẩm thiên giới, khiến chúng hân hoan hưởng thọ.
Nhà vua lại cúng dường y phục và sàng tọa, tinh
xá rồi hồi hướng công đức lễ vật ấy. Sau đó, liền xuất hiện cho chúng các thiên
y, thiên cung, sàng tọa, khăn phủ và đồ trang sức. Đức Thế Tôn quyết định làm
cho tất cả hạnh phúc tuyệt vời này của họ được hiển lộ trước nhà vua. Khi nhìn
thấy vậy, nhà vua vô cùng hoan hỷ.
Rồi Đức
Thế Tôn, sau khi thọ thực xong, và được thỉnh cầu, đã kể chuyện Ngạ quỷ ngoài bức tường thay lời tùy hỷ công đức.
Vị trí của bài kinh
trong Tiểu bộ
Kinh Ngoài
bức tường nằm ở tập 1 của Tiểu bộ
và chỉ có phần kệ. Ở tập 7, Ngạ quỷ sự
(Petavatthu), kinh này có tên là kinh Ngạ
quỷ ngoại bức tường (Tirokuddapeta), nằm ở phẩm Con rắn, kinh
số 5, và có đầy đủ phần duyên khởi như đã dẫn ở trước. Phần kệ được dịch khác
một chút:
1. Bọn chúng đứng kia, ngoài bức tường,
Những nơi trống trải, ngã tư đường,
Chúng đang đứng ở ngoài song cửa,
Khi đã về nhà tại cố hương.
2. Dù tràn trề ẩm thực liên miên
Ðủ loại cứng mềm được dọn lên,
Cũng chẳng có ai cần bọn chúng,
Bởi vì nghiệp chúng đã gây nên.
3. Những người lân mẫn, lắm tình
thương
Ðúng lúc đem cho đám họ hàng
Các thức cao lương, đồ ẩm thực
Với lời cầu nguyện: “Ðể dành phần
Lễ này cho đám người thân thuộc,
Mong các họ hàng được phước ân”.
4. Và các đám này đã đến đây,
Các vong linh của họ hàng này,
Thảy đều tụ tập đồng vui hưởng
Các thực phẩm đều phong phú thay.
5. Chúng cầu: “Trường thọ các người
thân,
Nhờ các vị, ta được hưởng ân,
Lòng quý trọng ta đà biểu lộ,
Người cho chẳng thiếu quả dành phần”.
6. Chốn kia không có cấy cày đâu,
Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,
Buôn bán như đây đều chẳng có,
Cũng không đổi vật lấy vàng trao.
7. Bên kia thế giới các vong linh
Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh,
Như nước đổ từ trên núi xuống
Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.
8. Giống như tất cả các dòng sông
Chảy xuống đổ đầy cả đại dương,
Cũng vậy những gì người bố thí
Từ đây nuôi sống các vong nhân.
9. Những thân bằng quyến thuộc
trong nhà
Trước đã cho ta, giúp đỡ ta;
Mong mọi người ban phần ngạ quỷ,
Nhớ công họ tạo thuở xưa xa.
10. Bởi vì kêu khóc hoặc sầu bi
Thương tiếc, than van chẳng ích gì,
Không lợi gì cho người quá cố,
Khi thân nhân giữ thói lề kia.
11. Song lễ vật này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân.
12. Ðây là nghĩa vụ của thân nhân
Tôn trọng vong linh, đã cúng dâng,
Tăng chúng được thêm nhiều dõng lực,
Người làm công đức lớn vô ngần.
Bài kinh còn nói thêm: “Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn
ngàn người đã đắc Pháp nhãn do tri kiến sinh khởi từ sự kiện tái sinh vào cảnh
giới ngạ quỷ. Tâm họ đầy xúc động vì được tán thán và họ càng nỗ lực tinh cần.
Ngày hôm sau Đức Thế Tôn cũng dạy chư thiên và loài người bài kinh Ngoài bức tường ấy. Do vậy suốt bảy ngày
đều diễn ra sự đắc Pháp nhãn như trên”. (Tiểu
bộ tập 7, phẩm Con rắn, kinh Ngạ quỷ
ngoại bức tường).
Có không ít trường hợp cùng một bài kinh nhưng
xuất hiện nhiều lần ở các phần khác nhau trong Kinh tạng Nikāya nói chung và Tiểu bộ nói riêng. Ví dụ, bài kinh nói về
lợi ích của tu tập tâm từ cùng xuất hiện ở chương Tám pháp và chương Mười một
pháp của Tăng chi bộ. Ở Tiểu bộ, kinh Từ bi, kinh Châu báu và
kinh Điềm lành cùng có mặt ở tập 1 Tiểu tụng và tập 5 Kinh Tập…
Tính
nhân văn của kinh Ngoài bức tường
-
Kinh Ngoài bức tường phản ánh thế giới
của người đã khuất
Kinh Ngoài bức tường là một bài kinh đặc biệt
vì Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy sự hiện diện của những người đã khuất lẫn
tâm tư của họ. Trong lục đạo - trời, người, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ, súc
sinh - người phàm thường chỉ nhìn thấy được hai cảnh giới là người và súc sinh,
còn lại thì coi như vô hình. Nhưng không thấy không có nghĩa là không có. Bài
kinh Ngoài bức tường mô tả cảnh giới
ngạ quỷ một cách chân thực đầy xúc động, gần gũi với con người. Đó là họ tìm về
mái nhà nơi họ đã sống, mong có chút đồ ăn từ người thân. Những câu đầu của bài
kinh do đó như những câu thơ mang đầy tính hoài niệm và cho thấy năng lực “Thế
gian giải” của Đức Phật. Tâm lý của người đã khuất không khác gì người đang sống.
Hình ảnh họ trở về mái nhà xưa, đứng đợi ở ngoài bức tường trong khi người thân
không nhớ gì tới họ, đã gợi lên cho người đọc lòng thương xót sâu sắc. Đọc lên
ta thấy chạnh lòng vì trong chúng ta ai không có ít nhất một người thân đã mất!
Âm dương không còn cách biệt nữa:
1. Ở bên
ngoài bức tường,
Bọn họ đứng chờ đợi,
Giao lộ, ngã ba đường,
Trở về mái nhà xưa,
Ðợi chờ bên cạnh cổng.
2. Nhưng khi tiệc thịnh soạn,
Ðược bày biện sẵn sàng,
Ðủ mọi thức uống ăn,
Không một ai nhớ họ.
Sự kiện này phát sinh
Từ nghiệp xưa của họ.
Ta cảm thấy sự hiện diện của người đã khuất và
như họ vẫn đang ở bên ta. Đức Phật quả thật rất tâm lý. Sau khi cho thấy rằng
thân quyến đã mất chưa từng rời bỏ chúng ta, hơn nữa, tình cảnh của họ rất tội
nghiệp, Đức Phật đã làm phát khởi tâm từ ái một cách tự nhiên. Ta chợt nhớ đến
bài thơ Đêm đại dương của thi hào
Victor Hugo viết về những thủy thủ bị lãng quên:
Ôi! Biết bao thuyền viên, thuyền
trưởng
Buổi ra đi, vui sướng đường xa
Cuối chân trời u ám đã thành ma
Đã biến mất, đớn đau số phận
Đêm không trăng, giữa biển không cùng
Chôn vùi thân dưới đáy muôn trùng
(…)
Và đến lúc khép rồi nấm mộ
Chẳng còn ai biết nữa tên anh
Hòn đá trong nghĩa địa vắng tanh
Cả gốc liễu mùa thu trút lá
Và cả người hành khất bên cầu
Hát điệu buồn, ai nhớ anh đâu
Ôi! đâu hết những người thuỷ thủ
Chìm trong đêm, bi thảm đời người
Kinh hoàng bao lòng mẹ, biển ơi
Phải chăng lúc triều lên sóng vỗ
Những tiếng người tuyệt vọng kêu la
Mỗi chiều về, lại đến cùng ta!
(Tố Hữu dịch)
Yêu thương đi cùng hành động. Đức
Phật khuyên người còn sống:
3. Vậy ai có từ tâm,
Nhớ cho các thân nhân,
Thức uống ăn thanh tịnh,
Tốt đẹp và đúng thời.
4. Món này cho bà con,
Mong bà con an lạc,
Ðám ngạ quỷ thân bằng,
Ðã tề tựu chỗ đó.
Đoạn kinh này rất phù hợp với tập tục thờ cúng
ông bà tổ tiên của người Việt. Người Việt nói riêng và người phương Đông nói
chung coi trọng đời sống tâm linh. Văn hóa phương Tây chú trọng sinh nhật còn
người phương Đông kỷ niệm ngày mất một cách trọng thể. Đó là ngày họ tưởng nhớ
những người đã khuất và các món ăn được làm cúng giỗ là những món mà lúc sinh
thời người quá cố thích ăn. Đức Phật rất thực tế. Bằng trí tuệ siêu việt và
thiên nhãn của mình, Ngài chỉ cho chúng ta thấy thế giới của người đã khuất vẫn
hằng tồn tại, ở đây là cảnh giới đáng thương của loài ngạ quỷ.
Phước
báo hiện tại
Vì
bố thí cho ngạ quỷ nên phước đức đầu tiên mà người cúng nhận được là lời chúc
phúc của những thân quyến đó:
5.
Sẽ mong muốn chúc lành,
Vì thực phẩm đầy đủ,
Mong quyến thuộc sống lâu,
Nhờ người, ta hưởng lợi.
6.
Vì đã kính lễ ta,
Thí chủ không thiếu quả
Tại
đó không cấy cày,
Cũng không nuôi súc vật.
7.
Cũng không có buôn bán,
Không trao đổi tiền vàng,
Các ngạ quỷ họ hàng,
Chỉ sống nhờ bố thí.
Như
vậy, bố thí cho ngạ quỷ được phước báo ngay trong hiện tại. Đó chính là giải
thoát. Đức Phật không hứa hẹn một quả báo nào xa xôi. Cũng như khi Tăng đoàn
nguyên thủy dưới thời Đức Phật đi khất thực đều chúc lành cho thí chủ khi nhận được vật phẩm cúng
dường, ở đây các ngạ quỷ báo ơn thân quyến bằng những lời chúc lành “mong quyến
thuộc thuộc sống lâu, nhờ người, ta hưởng lợi”. Tình người, tình họ hàng thân thuộc trong
mối quan hệ hỗ tương được biểu lộ rất thắm thiết và rõ rệt.
Mặt khác, Đức Phật cũng dạy về lòng biết ơn:
10.
Người ấy đã cho ta,
Ðã làm việc vì ta,
Người ấy là quyến thuộc,
Người ấy chính thân bằng.
Hãy bố thí ngạ quỷ,
Nhớ việc xưa chúng làm.
Trong Tăng
chi bộ, rất nhiều lần Đức Phật giảng về lòng biết ơn. Ngài dạy lòng biết ơn là đặc
tính của người hiền thiện, là địa vị của bậc chân nhân, người có lòng biết ơn là
người hiếm có ở trên đời. Ở đây, Đức Phật nhắc người còn sống bố thí cho ngạ quỷ thân quyến
không chỉ vì họ đói khổ mà còn vì họ là quyến thuộc, là thân bằng, vì để nhớ ơn
và đền ơn những việc xưa kia họ làm: “Người ấy đã cho ta, đã làm việc vì ta”.
Cứu cánh của việc bố thí
Giá
trị thực tiễn của tình thương đối với thân bằng quyến thuộc đã khuất theo lời
Phật dạy là không nằm nơi việc khóc than thương tiếc mà bằng việc cúng dường chư
Tăng và hồi hướng công đức cho họ. Đó là cứu cánh của bố thí:
11.
Không khóc than, sầu muộn,
Không
thương tiếc cách gì,
Giúp ích loài ngạ quỷ,
Quyến thuộc làm như vầy,
Không lợi cho ngạ quỷ.
12.
Nhưng khi vật cúng dường,
Khéo đặt vào chư Tăng
Ích lợi chúng lâu dài,
Bây giờ, về sau nữa.
13. Chánh pháp được giảng bày,
Như vậy cho quyến thuộc,
Kính trọng biết chừng nào,
Ðối với người đã khuất,
Chư Tăng được cúng dường,
Cũng tăng thêm dõng mãnh,
Người tích tụ công đức,
Thật to lớn biết bao.
Có thể thấy truyền
thống cúng dường chư Tăng để tích lũy công đức đã được chỉ dạy từ chính kim khẩu
của Đức Phật chứ không phải do ai khác. Vậy mà ngày nay có sự ngộ nhận cho rằng
vì tham lam nên vị thầy nọ, vị thầy kia đã kêu gọi cúng dường. Trong kinh Người áo trắng, Đức Phật dạy: “Nhờ tưởng niệm tới Tăng mà tâm tư người quán niệm lắng trong,
có được niềm vui, và người ấy đạt tới tâm cao đẹp thứ ba, an trú hạnh phúc
trong hiện tại một cách dễ dàng, không khó khăn gì.” Nên diễm phúc thay là những người đã có niềm tin đối với
Tăng bảo.
Trong truyền
thống hộ niệm của Tịnh độ tông, khi người thân lâm
chung hay đã chết, tuyệt đối không nên khóc lóc mà chỉ nên niệm Phật trợ niệm
và hồi hướng cho thần thức người chết được nhẹ nhàng siêu thoát. Điều đó tương
tự lời Phật dạy trong kinh Ngoài bức tường.
Than khóc không có ích lợi gì cho ngạ quỷ thân quyến mà chỉ có cúng dường chư
Tăng để hồi hướng công đức cho họ thì sẽ có lợi ích đời này và đời sau. Chư
Tăng nhờ sự cúng dường mà càng thêm tinh tấn dõng mãnh trong tu tập.
Kết luận
Kinh Ngoài bức tường
là một bài kinh cảm động, tràn đầy tính thi ca và nhân bản sâu sắc, có giá trị
thực tiễn rất cao. Nếu được phổ biến rộng rãi và ứng dụng vào đời sống, chắc chắn
sẽ xây dựng được một xã hội “âm siêu, dương thới” với các mối quan hệ hài hòa
mà không đi vào mê tín. Bài kinh cũng phù hợp với truyền thống thờ cúng tổ tiên
của người Việt. Kinh Ngoài bức tường
thể hiện rõ nét hai yếu tố từ bi và trí tuệ của Đức Phật, góp phần tạo nên vẻ đẹp,
sự đặc sắc và thiết thực của hệ thống kinh tạng Nikāya.