Giữ tâm hài hòa: Một góc nhìn Phật giáo
giu tam hai hoa
GIỮ TÂM HÀI HÒA: MỘT GÓC NHÌN PHẬT GIÁO
Indu Girish
Ngày nay, văn hóa toàn cầu với nhịp sống nhanh ngày càng chú trọng vào vật chất.
Hầu hết mọi người, với mong muốn đạt được tham vọng, sự ổn định tài chính, tiện
nghi vật chất và một cuộc sống hoàn hảo, thường phải trả giá bằng việc chịu đựng
căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc theo đuổi điên cuồng sự phát triển
và thịnh vượng đã trở thành nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thiếu hạnh phúc, sự
hài lòng, sức khỏe và sự an lạc.
Lịch trình làm việc bận rộn, cạnh tranh cao, căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực,
v.v. đã làm hao mòn sức khỏe toàn diện của chúng ta bao gồm tinh thần, thể chất
và tâm linh. Công nghệ xung quanh chúng ta ngày càng thông minh hơn, trở nên gây
nghiện hơn, len lỏi vào mọi lĩnh vực của cuộc sống và làm giảm sự tiếp xúc giữa
con người với nhau, điều này cũng gây nên mối đe dọa đến sức khỏe tinh thần.
Trẻ em và thanh thiếu niên cũng không thoát khỏi những áp lực tinh thần. Gánh
nặng từ sự cạnh tranh, áp lực thành tích, sự giảm gắn kết trong gia đình, việc
tràn ngập các thiết bị công nghệ và mạng xã hội, cùng với những trải nghiệm tiêu
cực trong cuộc sống như phân biệt đối xử hoặc lạm dụng có thể dẫn đến các triệu
chứng lo âu, cảm xúc tiêu cực, trầm cảm, v.v. Nghiên cứu cho thấy rằng một nửa
số trường hợp mắc bệnh tâm thần suốt đời bắt đầu từ độ tuổi 14.
Những ảnh hưởng từ các rối loạn thời thơ ấu có thể lớn và tiềm ẩn, làm
gián đoạn sự giáo dục.
Các thành viên trong gia đình, với tư cách là những người chăm sóc chính yếu,
phải hỗ trợ về mặt tinh thần cho những người mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần
cũng như chịu chi phí tài chính cho việc điều trị. Mức độ gánh nặng của các vấn
đề về sức khỏe tâm thần đối với các thành viên trong gia đình rất khó đánh giá
và định lượng, nhưng không thể bỏ qua vì nó có tác động đáng kể đến chất lượng
cuộc sống của gia đình.
Hơn 200 dạng bệnh tâm thần được phát hiện trong nhiều năm nghiên cứu tâm lý.
Các vấn đề sức khỏe tinh thần không chỉ ảnh hưởng và tạo gánh nặng cho cá nhân
hoặc người thân của họ mà còn tác động đến toàn xã hội và nền kinh tế. Với 450
triệu người đang gánh chịu các vấn đề về sức khỏe tinh thần liên quan tới những
vấn đề trên thế giới đang đặt ra thách thức lớn cho sự phát triển toàn cầu. Nguy
cơ cao hơn đối với người nghèo, vô gia cư, thất nghiệp, thất học, nạn nhân của
bạo lực, người di cư và tị nạn, các cộng đồng bản địa, trẻ em và thanh thiếu
niên, phụ nữ bị lạm dụng và người già bị bỏ rơi. Số lượng cá nhân mắc chứng rối
loạn dự kiến tăng lên, do dân số già hóa và các điều kiện con người gây ra như
các vấn đề xã hội, bạo lực, bất ổn dân sự, v.v. Gánh nặng ngày càng gia tăng gây
ra sự khốn khổ cho con người, làm tổn thất kinh tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
ước tính chi phí cho các vấn đề sức khỏe tinh thần ở các quốc gia phát triển
chiếm từ 3% đến 4% tổng sản phẩm quốc nội (GNP). Tổn thất kinh tế đến hàng tỷ
đô-la do các chi phí phát sinh và giảm sút năng suất lao động, không chỉ ở các
quốc
gia phát triển mà cả ở các nước đang phát triển. Những sự kiện bên ngoài gây ra
đau khổ cùng với những đòi hỏi của cuộc sống hiện đại ngày nay đang bào mòn năng
lượng tinh thần của giới trẻ, người già và cả trẻ em. Việc đưa tâm trí của chúng
ta vào trạng thái hài hòa trở nên ngày càng quan trọng hơn để có thể duy trì sự
ổn định tinh thần và sức khỏe. Sức khỏe tinh thần đóng vai trò quan trọng đối
với hạnh phúc toàn diện của cá nhân, từ đó ảnh hưởng đến xã hội và quốc gia. Sức
khỏe tinh thần, thể chất và tâm hồn đều quan trọng và bổ trợ lẫn nhau. Các vấn
đề liên quan đến sức khỏe tinh thần cần được nhìn nhận và coi trọng ngang bằng
với sức khỏe thể chất.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới: “Sức khỏe
tinh thần là một trạng thái khỏe mạnh mà ở đó mỗi cá nhân có thể nhận biết được
khả năng của mình, có thể ứng phó với những căng thẳng thông thường trong cuộc
sống, làm việc năng suất và hiệu quả, đồng thời đóng góp cho cộng đồng của họ”.
Nhu cầu cấp thiết hiện nay không chỉ là có phương pháp điều trị y tế và chi phí
hợp lý, mà còn cần xem xét các mô hình và phương pháp tiếp cận thay thế đối với
sức khỏe tinh thần được đưa ra trong những lời dạy vượt thời gian của Đức Phật
mà cho thấy ngày càng phù hợp hơn trong thời đại ngày nay. Mục tiêu của bài viết
này là hiểu các vấn đề về sức khỏe tinh thần thông qua việc nghiên cứu các
nguyên lý Phật giáo.
Phật giáo, con đường của trí tuệ thâm sâu và duy thực, hòa hợp và bình thản, an
lạc và giác ngộ, là con đường mà Đức Phật đã chỉ ra cho chúng ta cách đây 2.500
năm trước. Triết lý Phật giáo tập trung vào tâm để tác động đến sự thay đổi
trong suy nghĩ của con người, đó là gốc rễ của mọi hành động của chúng ta, để
sửa chữa lý luận sai lầm của chúng ta về đúng và sai, để xem xét các giá trị và
lối sống đang thay đổi và đối phó với cuộc khủng hoảng đạo đức và luân lý của
con người. Có một câu nói trong Phật giáo: “Bồ-tát
sợ nhân, chúng sanh sợ quả”.
Để hiểu được khái niệm của Phật giáo về sức khỏe và
cụ thể là
sức khỏe
tinh thần,
chúng ta cần tìm hiểu về thế giới quan Phật giáo và các nguyên lý khác nhau của
nó.
Thế giới quan Phật giáo
Theo thế giới quan Phật giáo, mọi sự tồn tại đều được giải thích dưới dạng các
yếu tố hợp thành. Đó là một nguyên lý về sự trở thành có tính điều kiện và phụ
thuộc lẫn nhau, của nguyên nhân và kết quả, được gọi là lý Duyên khởi. Mối liên
hệ nhân quả này vận hành trong toàn bộ các hiện tượng - vật lý, tâm lý và đạo
đức.
Ở nơi lĩnh vực vật chất, mọi thứ trong vũ trụ đều có mối quan
hệ nhân quả với nhau mà không có khởi đầu hay kết thúc, và thế giới được cấu
trúc một cách hữu cơ mà ở đó mọi thứ đều phụ thuộc lẫn nhau. Ngay cả trong xã
hội loài người, mọi thành phần đều có mối liên hệ tương tác với nhau. Tương tự,
nguyên lý này cũng vận hành trong cả lĩnh vực tâm-vật lý, nơi tâm trí (nāma:
danh) và thân thể (rūpa:
sắc) không phải là những đơn vị tách biệt mà là các phần phụ thuộc lẫn nhau
trong toàn bộ hệ thống con người.
Cá thể chỉ là một sự kết hợp của năm uẩn (pañcakhanda):
sắc (rūpa)
hay hình thức vật chất, thọ (vedanā)
- cảm giác, tưởng (saññā)
- tri giác, hành (saṅkhāra)
- tác ý hay ý chí, và thức (viññāna)
- ý thức. Không có bản ngã thường hằng, vĩnh cửu hay nội tại nào bên trong hay
bên ngoài chúng. Sự tồn tại của một người phụ thuộc vào mối liên hệ duyên khởi
theo quy luật tự nhiên: ba đặc điểm (tilakhana) hay duyên khởi (paticcasamuppāda).
Toàn bộ mạng lưới các sự kiện đan xen phức tạp này không hề có nguyên nhân đầu
tiên dưới dạng một thực tại tối cao là đấng sáng tạo ra vũ trụ này. Người ta
thường tin rằng một chuỗi nhân quả cần có nguyên nhân đầu tiên, nhưng đối với
Phật giáo thì không có điểm khởi đầu. Sự nối tiếp của các nguyên nhân và điều
kiện xảy ra mà không có bất kỳ sự khởi đầu nào có thể quan niệm, cũng không có
bất kỳ ranh giới hay giới hạn nào.
Một trong những minh họa về duyên khởi là Tam pháp ấn: vô thường (anicca),
khổ (dukkha)
và vô ngã (anatta).
Vô
thường được đặc trưng bởi tính tạm thời. Nó giải thích rằng bất cứ thứ gì tồn
tại thì đến một lúc nào đó cũng phải biến mất. Điều này thể hiện rõ nơi quy
trình vũ trụ, nơi tiến trình lịch sử và nơi tiến trình đời sống của chúng ta.
Đức Phật chỉ ra rằng không có thực thể tĩnh mà chỉ có các tiến trình động mà đối
với chúng ta có vẻ tĩnh và ổn định chỉ vì nhận thức của chúng ta không đủ sắc
bén để cảm nhận những thay đổi. Sự tồn tại chính nó là một tiến trình trở thành.
Giáo lý về sự vô thường triệt để này áp dụng cho mọi sự hình thành mà không có
ngoại lệ, đặc biệt là đối với năm thủ uẩn, con người cá nhân của chúng ta.
Dukkha
là sự khổ đau. Đó là chân lý phổ quát và đặc điểm chung của mọi sự tồn tại có
điều kiện. Sự đau khổ phần lớn bắt nguồn từ vô thường. Chúng ta khao khát một
thế giới mà chúng ta nghĩ rằng bất cứ điều gì chúng ta trân trọng và yêu
thương sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng khi chúng
ta gặp phải những thay đổi không thể tránh khỏi, chúng ta đau khổ. Bản thân ngũ
uẩn là vô thường nhưng chúng ta cho
rằng chúng là vĩnh cửu và cố gắng chế ngự chúng bằng ý chí của mình, nhưng khi
chúng thoát khỏi tầm kiểm soát của chúng ta, chúng ta đối mặt với đau khổ.
Những
đặc điểm phổ quát của vô ngã (anatta)
giải thích rằng không có thứ gì có thể được xác nhận là ngã, tức cái tôi hay
thực thể thực hữu, một chủ thể vĩnh hằng tồn tại ở nơi con người tâm-vật lý như
là “tôi” hay “của tôi”, bởi vì là con người, chúng ta là những thực thể hợp
thành từ nhiều quá trình tâm-vật lý và các bộ phận mà chúng luôn thay đổi trong
từng khoảnh khắc.
Thế giới quan Phật giáo cũng bao gồm niềm tin vào nghiệp (kamma).
Đó là một trong những quy luật tự nhiên liên quan đến hành động cố ý hoặc có ý
chí. Đó là mối tương quan giữa hành động và kết quả sau đó của nó. Ở nơi lĩnh
vực đạo đức, nguyên lý Duyên khởi này hoạt động như quy luật nghiệp, nêu rõ điều
kiện của mối quan hệ nhân quả này. Về bản chất, nó có thể được tóm tắt như sau:
làm việc tốt mang lại quả tốt và làm việc xấu mang lại quả xấu. Tác ý là động
lực thúc đẩy ở nơi mọi hành nghiệp của con người, do đó nó là bản chất thật sự
như Đức Phật đã nói: “Cetanā
ahaṁ Bhikkhave, kammaṁ vadāmi”
(Này các Tỷ-kheo! Ta nói rằng tác ý là nghiệp). Vì tham muốn, chúng ta tạo
nghiệp thông qua thân, khẩu và ý (Tăng
chi
III, 415). Theo quan điểm của Phật giáo về nghiệp, hành động có ý chí của chúng
ta tạo ra kết quả, bao gồm những kết quả về tâm lý có chủ đích tức thời và kết
quả báo ứng về mặt đạo đức. Tuy nhiên, sự vận hành của nghiệp không phải là máy
móc. Nghiệp là một hành động có chủ ý, do đó nó cho phép thay đổi và cải thiện.
Đó không phải là định mệnh. Phật giáo không tin vào bất kỳ quyền năng tối cao
nào mà nó siêu việt thế giới tự nhiên hay quy nghiệp cho bất kỳ số
phận nào, cũng không tin rằng mọi thứ trở thành sự thật bằng cách cầu
nguyện. Do đó, bản thân chúng ta nên có những tác ý làm những nghiệp tốt và
nghiệp lành. Như Đức Phật đã nói trong kinh Pháp
cú (Dhammapad):
Tự mình
làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác/ Tự mình làm thanh tịnh/
Tịnh, không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai!
(Dh.165).
Mục tiêu của đời sống con người
Mỗi khi có sự nhận thức bên trong về bản chất của đời sống, thấy rằng nó được
đặc trưng bởi đau khổ, vô thường và vô ngã, cũng như thấy rõ bản chất của lòng
tham và sự vô ích của các phương tiện để thỏa mãn nó, chúng ta có được trạng
thái tâm thanh thản, sự nhận thức và tự do tuyệt đối mà ở đó mọi đau khổ không
còn tồn tại. Giai đoạn này đạt được bằng việc đoạn trừ hoàn toàn mọi yếu tố
phiền não như vô minh (avijjā) - không nhận chân được chân lý, xem mọi
thứ là có ngã và vĩnh hằng; tham ái (taṇhā) - mong muốn “bản ngã” tưởng
tượng này đạt được các đối tượng hoặc trạng thái mong muốn; và chấp thủ (upādāna)
- sự bám chấp và dính mắc vào những đối tượng và khái niệm sai lầm, cùng tất cả
những hệ quả mà chúng kéo theo. Bát chánh đạo hay Trung đạo là con đường duy
nhất để đạt được mục đích này, ở đó mọi khổ đau đều chấm dứt. Tám yếu tố không
phải là tám con đường khác nhau mà là những yếu tố liên quan của một con đường
duy nhất. Con đường giúp một người phát triển sức mạnh đạo đức (śīla) của
mình thông qua việc kiềm chế các hành động tiêu cực và nuôi dưỡng các phẩm chất
tích cực thuận lợi cho sự phát triển tinh thần và tâm linh. Tu tập tâm (bhāvanā)
làm sâu sắc thêm sự hiểu biết về tâm đối với mọi trải nghiệm của con người cũng
như bản chất và đặc điểm của các hiện tượng, cuộc sống và vũ trụ. Tóm lại, điều
này đưa đến trí tuệ (paññā). Khi trí tuệ này phát triển, tình thương,
lòng từ bi và niềm vui cũng phát triển theo. Chúng ta phát triển sự nhận thức và
hiểu biết sâu sắc hơn về tất cả các hình thức sống và hiểu rõ hơn về
những suy nghĩ, cảm xúc và động cơ của chính mình. Điều này sẽ đưa đến việc
chứng đạt giác ngộ, mục tiêu cuối cùng - Niết-bàn ngay trong chính cuộc đời này.
Hiểu về sức khỏe trong Phật giáo
Những nguyên tắc quan trọng này hoạt động như một nền tàng cơ bản trong việc
định hình suy nghĩ và hành động của chúng ta. Nhận thức về thực tại này sẽ giúp
chúng ta hiểu rõ về sức khỏe và cách để chăm sóc nó. Kiến thức và hiểu biết về
những nguyên tắc này không chỉ hỗ trợ xác định phương pháp kiểm tra nguyên nhân
gây bệnh mà còn giúp đưa ra giải pháp dựa trên những niềm tin cơ bản này. Tóm
lại, những nguyên tắc này có thể định hình một niềm tin cụ thể về sức khỏe và
một hệ thống y tế.
Sức khỏe phải được hiểu một cách toàn diện. Sức khỏe là dấu hiệu của sự hòa hợp
bên trong mỗi cá nhân, trong các mối quan hệ của một người cũng như với môi
trường xung quanh của người ấy. Khái niệm sức khỏe liên quan đến toàn bộ con
người, tức các khía cạnh tâm-vật lý, các mối quan hệ xã hội, gia đình và công
việc, cũng như môi trường sống mà họ gắn bó. Phật giáo không đồng ý với quan
niệm xem sức khỏe hay bệnh tật chỉ liên quan đến một bộ phận bị ảnh hưởng trên
cơ thể con người. Theo quan điểm toàn diện của Phật giáo, bệnh tật là kết quả
của sự mất cân bằng trong cuộc sống của một người. Bằng sự biểu hiện của các
triệu chứng thể chất, nó khiến chúng ta chú ý. Phật giáo không chỉ đề xuất điều
trị triệu chứng mà còn đề xuất việc chữa bệnh dưới hình thức nỗ lực kết hợp tâm
và thân để khôi phục sự cân bằng nhằm vượt qua bệnh tật.
Ngoài quan điểm toàn diện này, Phật giáo coi nghiệp là một yếu tố góp phần quan
trọng vào sức khỏe và bệnh tật. Sức khỏe tốt là kết quả của nghiệp tốt trong quá
khứ, và nghiệp tốt trong hiện tại sẽ là hạt giống cho sức khỏe tốt trong tương
lai. Điều này làm nổi bật mối quan hệ trực tiếp giữa đạo đức và sức khỏe. Sức
khỏe phụ thuộc vào cách chúng ta sống, suy nghĩ, hành động và cảm nhận. Sức khỏe
kém là kết quả của lối sống không lành mạnh hay bất thiện, trong khi việc thực
hành giới (śīla), định (samādhi) và tuệ (paññā) là phương
tiện giúp đạt được sức khỏe tốt.
Tâm và sức khỏe tinh thần trong Phật giáo
Phật giáo xem tâm và thân về bản chất tồn tại phụ thuộc lẫn nhau. Chức năng bình
thường của thân là kết quả của sự hòa hợp giữa tâm và thân. Sức khỏe thể chất
được coi là quan trọng không kém sự phát triển trí tuệ, vì nó được xem như một
phương tiện để đạt giác ngộ, như đã chứng kiến nơi sự trải nghiệm cá nhân của
Đức Phật trong suốt thời gian Ngài nỗ lực để chứng đắc giác ngộ. Mặc dù Phật
giáo xem tâm và thân tồn tại phụ thuộc lẫn nhau, nhưng chúng ta thấy hầu hết
những lời dạy của Đức Phật đều hướng đến việc hiểu, phát triển và kiểm soát tâm,
nhằm đưa đến việc thanh tịnh hoàn toàn ở trong hành vi, sự an lạc hoàn toàn
trong tâm và trí tuệ viên mãn. Tâm an lạc giúp phát triển một thái độ tinh thần
lành mạnh, đưa đến trạng thái sức khỏe tốt. Như đã được nói rõ trong kinh
Pháp cú rằng chúng ta là kết quả của những suy nghĩ của mình: “Ý dẫn đầu
các pháp/ Ý làm chủ ý tạo…”. (Dhp., kệ 1 & 2).
Giống như tất cả các hiện tượng, tâm cũng là một thực tại có điều kiện. Sự tồn
tại của nó phụ thuộc vào những yếu tố khác. Mặc dù những suy nghĩ dường như tự
phát sinh mà không có chỉ dẫn nào thúc đẩy, nhưng những quá tình tâm-vật lý khác
đã chuẩn bị cho sự khởi sinh của chúng. Theo nguyên lý nghiệp, những suy nghĩ
thiện này tạo ra khuynh hướng cho những suy nghĩ thiện khác; những suy nghĩ bất
thiện này tạo tiền đề cho những suy nghĩ bất thiện khác. Ở nghĩa này, ít nhất
chúng ta có trách nhiệm về những gì chúng ta nghĩ.
Mặc dù chúng ta có thể không kiểm soát được mọi suy nghĩ một cách có ý thức,
nhưng chúng ta có thể chọn suy nghĩ nào để nuôi dưỡng và phát triển, và suy nghĩ
nào nên bỏ qua và giải phóng. Việc rèn luyện kỷ luật để lựa chọn và nuôi dưỡng
những suy nghĩ sẽ làm tăng khả năng chăm sóc những suy nghĩ của chúng ta bằng
trí tuệ. Kinh An
trú tầm
(Vitakkasaṇṭhāna Sutta,
Trung bộ
20) cung cấp năm kỹ thuật rất thiết thực cho một kỷ luật như vậy. Bằng cách tuân
theo các phương pháp được nêu trong bản kinh này, chúng ta có thể tác động đến
các loại suy nghĩ của mình và dần dần rèn luyện tâm trí có xu hướng tạo ra những
suy nghĩ phù hợp với trí tuệ và giải thoát hơn. Đức Phật nói cụ thể về một đặc
điểm để chăm sóc tâm, đó là loại bỏ những suy nghĩ bất thiện liên quan đến tham,
sân và si.
Với việc loại bỏ chúng, tâm của hành giả trở nên vững chãi, tĩnh
lặng, đưa đến sự chuyên chú và tập trung. Như vậy, hành giả được gọi là “người
kiểm soát dòng suy nghĩ”. Người đó sẽ nghĩ bất cứ suy nghĩ nào mình muốn, người
đó đoạn trừ lòng ham muốn, vứt bỏ trói buộc và với sự thấu hiểu hoàn toàn sự
kiêu mạn, người đó chấm dứt đau khổ. Do đó mới nói rằng nguồn gốc của hạnh phúc
và bất hạnh của chúng ta nằm bên trong chúng ta. Những suy nghĩ của chúng ta
giúp cải thiện hoặc làm suy giảm sức khỏe tâm-vật lý của chúng ta, làm chúng ta
cao quý hay hạ thấp chúng ta. Cũng có một lời dạy ở trong Phật giáo rằng, gỉ sét
từ sắt có thể ăn mòn hoặc phá hủy chính sắt đó. Tâm con người có đặc điểm tương
tự, nếu được rèn luyện để phát triển những cảm xúc tích cực như từ bi, nhẫn nại,
khiêm tốn và bình thản thì nó sẽ trở nên hạnh phúc và bình an, và thể chất cũng
sẽ khỏe mạnh hơn. Còn nếu tâm nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực như tham, sân
hoặc si thì nó sẽ phá hoại con người giống như gỉ sét phá hoại sắt.
Do đó, Phật giáo coi sức khỏe tinh thần là vô cùng quan trọng và nhấn mạnh việc
rèn luyện tâm trí không chỉ để đạt được trạng thái sức khỏe cao nhất mà còn đạt
được mục tiêu cuối cùng của cuộc sống.
Vì mọi hành động của chúng ta đều bắt nguồn từ tâm, nên các nguyên tắc và thực
hành của Phật giáo tập trung vào tâm con người, hướng dẫn cách chuyển hóa các
hình thái tinh thần tiêu cực, uế nhiễm, bất thiện của chúng ta thành trạng thái
tinh thần tích cực là từ bi, yêu thương, cảm thông và hỷ xả.
Hiểu được Tứ diệu đế không chỉ giúp chúng ta nhận chân nguyên nhân gốc rễ của
đau khổ, mà còn giúp chúng ta vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và có một thế
giới quan đúng đắn.
Phật giáo bắt nguồn nơi việc tìm kiếm câu trả lời cho khổ (dukkha)
mà nó xuất hiện từ những vấn đề tồn tại của đời sống như sinh, lão, bệnh, tử,
v.v. Cuộc tìm kiếm này đã đưa Siddhartha vào một hành trình tâm linh mà nó đạt
đến đỉnh cao là sự giác ngộ của Ngài. Những hiểu biết sâu sắc mà Đức Phật đạt
được từ sự giác ngộ của Ngài là nền tảng cho cách tiếp cận của Phật giáo đối với
sức khỏe tâm thần.
Mối quan tâm ban đầu của Đức Phật về những khổ đau liên quan đến đời sống con
người, dù là về thể chất hay tinh thần, đã trở thành trọng tâm trong giáo pháp
của Ngài và những lời dạy cốt tủy của Ngài được gọi là Tứ diệu đế.
Tứ diệu đế là khung sườn cơ bản của giáo pháp Đức Phật, nó chỉ ra con đường chấm
dứt mọi đau khổ thông qua việc chuyển hóa triệt để các suy nghĩ của chúng ta,
giải thoát chúng khỏi những ô nhiễm, khiến chúng trở nên lành mạnh và thanh
tịnh.
Chân lý cao quý đầu tiên là khổ (dukkha).
Khổ đau là một hiện tượng phổ quát mà tất cả mọi người đều trải qua, khổ đau có
nguồn gốc từ nhiều nguyên nhân khác nhau như căng thẳng, trầm cảm, xung đột giữa
các cá nhân, hận thù, tức giận, tham lam, v.v. Tuy nhiên, trong Phật giáo, khổ
đau chủ yếu được phân thành tám loại: sinh, lão, bệnh, tử khổ, ái biệt ly khổ
(khổ đau do chia ly người mình yêu thương), oán tắng hội khổ (khổ đau khi phải
chung sống với người mình ghét), cầu bất đắc khổ (khổ đau do không đạt được
những điều mình mong muốn), và ngũ uẩn xí thịnh khổ (khổ đau do sự chấp thủ vào
năm uẩn).
Đức Phật nói thêm rằng, “Bất
cứ thứ gì được cảm thọ đều liên quan đến khổ/ Yaṁ kiñci vedayitam dukkhasmi”
(Tăng
chi bộ,
IV, 216). Theo tư tưởng Phật giáo, tất cả các trạng thái có điều kiện của cuộc
sống đều là khổ. Bản chất sâu xa của khổ đau còn bao gồm cả sự bất toại nguyện
vốn có của con người, đó là sự không thể thỏa mãn với cuộc sống và ham muốn
không ngừng mong cầu thêm.
Do đó, có thể suy ra rằng vấn đề không phải là bản thân khổ đau mà là cách chúng
ta phản ứng với nó. Ở nơi ngữ cảnh sức khỏe tinh thần, đó là một sự rối loạn tâm
lý, biểu hiện qua nhiều dạng bệnh tâm thần khác nhau do nhận thức sai lầm về bản
chất thực sự của sự vật. Bản thân bệnh tâm thần không được coi là một “phiền
não”, mà chỉ là một triệu chứng của những ô nhiễm tiềm ẩn của tham ái, sân hận
và si mê. Những yếu tố ô nhiễm này mang đặc điểm làm vấy bẩn tâm trí, đưa đến
hành vi bất thiện, từ đó gây ra khổ đau cho bản thân và người khác.
Đức Phật nhận thấy mối liên hệ giữa các trạng thái tâm lý tiêu cực (tư tưởng bất
thiện) với mọi đặc tính khổ đau của vòng luân hồi khi Ngài tuyên bố: sinh là
khổ, lão là khổ, bệnh là khổ, tử là khổ, xa lìa người thương và chung đụng với
người mình ghét là khổ, không đạt được điều mong muốn là khổ, và chấp thủ vào
năm uẩn là khổ. Dukkha không chỉ đơn giản là khổ đau, mà ở mức độ sâu xa hơn, đó
là sự dễ tổn thương trước khổ đau và phiền não khởi sinh từ sự ngộ nhận về thực
tại.
Chân lý cao quý thứ hai liên quan đến nguyên nhân của khổ, được gọi là Tập đế (Dukkha
samudaya).
Sự tồn tại là đau khổ đối với mỗi cá nhân bởi vì thuộc tính cơ bản của tâm là
tham ái (tṛṣṇā)
mà nó làm cơ sở cho mọi tham muốn. Tham ái không bao giờ mang lại sự thỏa mãn và
con người luôn cảm thấy bất mãn vì điều này. Đây là nguyên nhân của sự tái sinh
trong Phật giáo và ái có ba loại: dục ái (kāma tṛṣṇā) - tham muốn các đối
tượng dục lạc; hữu ái (bhava
tṛṣṇā)
- tham muốn được tiếp tục tồn tại; vô hữu ái (vibhava
tṛṣṇā)
- tham muốn không tồn tại. Tuy nhiên, ẩn sâu bên dưới tất cả những thứ này là vô
minh (avidyā),
tức là sự thiếu hiểu biết về bản chất thực sự của vạn vật. Si (moha)
là từ đồng nghĩa với vô minh và là nguyên nhân gốc rễ của mọi điều bất thiện. Nó
che mờ "con mắt trí tuệ" của con người và ngăn cản họ thấy được bản chất thực sự
của vạn vật là vô thường, vô ngã và khổ. Do không biết được thực tại của sự vật,
con người phản ứng với lòng tham ái, dẫn đến sự sân hận, oán ghét và ác ý. Do
đó, tham (lobha),
sân (dosa)
và si (moha)
là ba gốc rễ bất thiện, làm ô nhiễm tâm trí con người. Một đoạn nổi tiếng trong
Tăng
chi bộ (Anguttara Nikaya)
làm rõ điều này:
“Này các Tỷ-kheo! Có hai loại bệnh, đó là những loại nào? Thân bệnh và tâm
bệnh. Có những người dường như được thoát khỏi thân bệnh trong một năm hoặc hai
năm, thậm chí trong trăm năm hoặc lâu hơn. Nhưng này các Tỷ-kheo, hiếm có ở thế
gian này những người được thoát khỏi tâm bệnh ngay cho dù chỉ trong một khoảnh
khắc, trừ những người đã giải thoát khỏi các phiền não”. (Tăng chi bộ
II, 143; V, 157).
Theo đoạn kinh này, mỗi khi hành động của chúng ta còn bị chi phối bởi ba gốc rễ
bất thiện là tham, sân và si thì tất cả chúng ta đều mắc tâm bệnh, tức là tâm
trí không được khỏe mạnh, cho dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không.
Đức Phật đã so sánh ba gốc rễ này với cây tre và trái của nó. Ngài nói rằng
chúng xuất hiện trong tâm của một người và phá hoại cuộc sống của họ, giống như
cây tre và cây chuối bị phá hoại bởi trái của chúng (Tương ưng bộ I, 3)
Như vậy, nếu chúng ta có thể loại bỏ vô minh và tham ái, nguyên nhân làm ô nhiễm
tâm trí, chúng ta sẽ có được sự an lạc và hạnh phúc về mặt tinh thần.
Chân lý cao quý thứ ba, Khổ diệt đế (Dukkha nirodha), sự diệt trừ đau khổ
liên quan đến việc loại bỏ vô minh và tham ái. Trạng thái này được gọi là
“Niết-bàn” (Nirvāṇa)
vì tâm trí thoát khỏi mọi xiềng xích và ô nhiễm của vô minh và tham ái. Một
người đầu tiên được giải thoát một phần thông qua sự hiểu biết đến từ chánh kiến
và chánh tư duy (prajñā vimukti). Sau đó mọi ô nhiễm đều được diệt trừ
và tâm trí được giải thoát hoàn toàn - một giai đoạn được gọi là “giải thoát
tâm” (ceto vimukti). Ở trạng thái này, tâm hoạt động với sự tự do hoàn
toàn không bị ảnh hưởng bởi tham, sân hay si. Trí tuệ đúng đắn được thể hiện
thông qua việc nhận ra bản chất thực sự của vạn vật. Bấy giờ tâm đạt đến trạng
thái an lạc hoàn toàn - Niết-bàn, mục đích cuối cùng.
Chân lý cao quý thứ ba cho thấy rằng mọi người có thể tự chuyển hóa bản thân
bằng cách thay đổi cách suy nghĩ của họ, và phát triển một tâm thức lành mạnh để
những trải nghiệm đời sống hàng ngày của họ được tạo thành từ trí tuệ và lòng từ
bi.
Chân lý cao quý thứ tư, Đạo đế (Dukkha nirodhagāmini paṭipadā), là một
con đường do Đức Phật vạch ra, ở đó khía cạnh thực tiễn của giáo pháp được thể
hiện một cách cụ thể. Chân lý cao quý thứ tư đưa ra một tập hợp các cách thực
hành cần tuân theo
để đạt được mục đích được nêu ra ở nơi chân lý cao quý thứ ba. Nó giải thích
ngang qua Bát chánh đạo về việc phát triển chánh kiến để hiểu đúng các nguyên lý
Phật giáo, và thực hành đúng đắn để đạt được trạng thái tâm hoàn hảo, thoát khỏi
mọi ô nhiễm. Bát chánh đạo gồm tám phần, thực hành theo ba học pháp được gọi là
Tam học (Tisikkhā). Phần đầu tiên trong ba phần này là giới (śīla),
bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Định bao gồm chánh tinh tấn,
chánh niệm và chánh định. Tuệ được cấu thành từ chánh kiến và chánh tư duy.
Chúng không được thực hành tuần tự mà hỗ trợ và tương tác lẫn nhau, và vị hành
giả thực hành chúng đồng thời hoặc gần như đồng thời.
Giới đóng vai trò nền tảng cho việc nuôi dưỡng các trạng thái tâm lành mạnh.
Việc thực hành bắt đầu bằng việc phát triển các phẩm chất đạo đức như được nêu
trong kinh Đoạn giảm (Sallekha Sutta) thuộc Trung bộ,
bao gồm việc thực hành năm giới, Bát chánh đạo và các đức tính khác vốn có
trong dòng ý thức của chúng ta dưới dạng các tâm sở thiện (kusala cetasika).
Việc nuôi dưỡng các đức tính tích cực này giúp thanh lọc tâm trí khỏi mọi loại
suy nghĩ xấu ác và các tâm hành bất thiện. Việc nuôi dưỡng đạo đức này mang lại
lợi ích to lớn cho tâm trí ở cấp độ tâm lý. Tâm được làm phong phú bởi nhiều cảm
xúc tích cực như lòng từ bi, lòng nhân ái, tình thương và sự cảm thông đối với
người khác.
Trạng thái khỏe mạnh của tâm được biểu hiện qua các hành vi tích cực bên ngoài
như sự nhu hòa trong lời nói và hành động, không hung hăng, quan tâm đến người
khác, v.v.
Chánh định (sammā
samādhi),
yếu tố cuối cùng trong Bát chánh đạo, có nghĩa là sự nhất tâm (cittassa
ekaggatā)
hay tập trung tâm vào một đối tượng tâm duy nhất, vững chải và không bị phân
tâm. Sự tập trung của tâm được thực hiện với sự nỗ lực không ngừng. Sự tập trung
của tâm này trước khi đạt được bốn thiền hữu sắc (rūpa
jhāna)
là kết quả của một quá trình phát triển liên tục bắt đầu bằng giới (śīla),
tiến tới sự kiềm chế các giác quan - nhiếp căn (indriyasaṃvara) và tỉnh
giác (satisampajañña). Quá trình này cho phép thiền giả đạt được sự thanh
lọc nội tâm, thanh lọc tâm trí của mình khỏi năm chướng ngại (nirvana).
Nhất tâm (citta ekaggatā) được chia thành hai hệ thống có liên quan với
nhau, đó là Samatha (thiền chỉ) và Vipassanā (thiền quán).
Thiền chỉ (Samatha) nhằm đến việc đạt đến trạng thái thức được đặc trưng
bởi mức độ tĩnh lặng và an lạc ngày càng cao. Thiền chỉ có hai phương diện: đạt
được mức độ tập trung cao nhất và làm an tịnh mọi quá trình tâm. Bằng cách tập
trung vào một đối tượng duy nhất, tâm sẽ thoát khỏi mọi kích thích bên ngoài và
bên trong và cuối cùng đạt đến trạng thái ý thức thanh tịnh và không bị phân
tán.
Thiền quán (Vipassanā) hay thiền minh sát cũng bắt đầu bằng những thực
hành tập trung sử dụng các đối tượng phù hợp mà chúng ta tập trung vào. Các đối
tượng của sự quán chiếu này được phân loại thành bốn loại:
kāyānupassanā
(quán sát thân thể), vedanānupassanā (quán sát cảm thọ),
cittānupassanā (quán sát tâm) và dhammānupassanā (quán sát pháp), tức
là các chủ đề giới và tuệ khác nhau. Thủ tục là, sau khi đạt được một mức độ tập
trung nhất định, thiền giả tiếp tục kiểm tra với sự chú ý cẩn thận và chi tiết
tất cả các quá trình giác quan và tâm. Thông qua sự quán chiếu này, thiền giả
trở thành người quán chiếu tách biệt khỏi các hoạt động của chính mình. Mục đích
là đạt được sự nhận thức và tỉnh thức hoàn toàn ngay lập tức. Cuối cùng, điều
này dẫn đến sự nhận thức đầy đủ và rõ ràng về sự vô thường của vạn vật.
(Trung
bộ
I,
Tương ưng
V)
Thanh tịnh đạo luận (Viśuddhimagga)
khuyến nghị rằng cả hai phương pháp thiền định đều phải được trải nghiệm để đạt
được trí tuệ, nhằm hiểu rõ được tính vô thường của mọi hiện tượng.
Trong Phật giáo, trí tuệ là chìa khóa để nhận ra mục đích của tôn giáo. Chánh
kiến và chánh tư duy tạo nên trí tuệ. Chánh kiến có thể được hiểu là “nhìn
thấy mọi thứ như chúng thực sự là” - hiểu được bản chất thực sự của vạn pháp
thay vì chỉ nhìn thấy chúng như chúng có vẻ như vậy.
Trí tuệ trái ngược với vô minh. Khi trí tuệ xuất hiện thì không còn vô minh. Để
hiểu được trí tuệ, điều cần thiết là phải biết vô minh trong Phật giáo là gì. Vô
minh là ý niệm về một cá nhân hay một ngã thể độc lập, vĩnh cửu. Ý niệm về
một bản ngã vĩnh hằng tạo nên khái niệm về “tôi”. Chính ý niệm về một bản ngã
vĩnh hằng này đã tạo ra nhiều cảm xúc có hại như tham lam, sân hận, ác cảm, đố
kỵ, tức giận, v.v. và gây ra đau khổ.
Thông qua chánh kiến, chúng ta nhận chân bản chất thực sự của chính mình cũng
như bản chất thực sự của thế giới, thấy rằng mọi thứ đều có nguyên nhân và điều
kiện, bất cứ điều gì có nguyên nhân đều có bản chất vô thường và vô thường có
đặc điểm là không có thực thể và đau khổ. Nhận ra điều này, tâm trí thoát khỏi
sự chấp thủ vào bản ngã, thoát khỏi những tham muốn và động cơ ích kỷ.
Chánh kiến đạt đến sự hoàn hảo chỉ khi kết hợp với chánh tư duy. Vô minh, tham
ái và sân hận được cho là nguyên nhân của đau khổ. Trong khi chánh kiến loại
bỏ vô minh, chánh tư duy loại bỏ sự chấp thủ và sân hận. Do đó, chánh kiến và
chánh tư duy cùng loại bỏ các nguyên nhân của khổ đau. Để loại bỏ sự chấp thủ
hay tham ái, chúng ta phải tu tập hạnh xả ly; và để loại bỏ sân hận, chúng ta
phải tu tập tâm từ và tâm bi. Với chánh kiến và chánh tư duy, tâm sẽ phát
triển sự không chấp thủ vào bản ngã. Tâm ở giai đoạn này sẽ trở nên an tịnh và
được giải thoát với sự tỉnh thức, thanh tịnh và an nhiên. Đây là chánh hành, con
đường đưa đến sự thanh tịnh của tâm và một tâm thức hài hòa.
Do đó, theo Phật giáo, để tâm được hài hòa, chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn về
bản thân và thế giới, dựa trên sự hiểu biết về thực tại của vạn vật đúng như
chúng là: vô thường, khổ và vô ngã - ba đặc tính nối kết của đời sống trong thế
giới hiện tượng. Việc chấp thủ những quan điểm sai lầm khiến chúng ta thấy cái
vô thường là thường hằng, cái khổ là hạnh phúc và cái không phải là “ngã” lại bị
xem là “ngã” (một thực thể vĩnh hằng trong thân xác chúng ta). Niềm tin rằng
“tôi” là một tự ngã riêng biệt này sinh ra sự chấp thủ, từ đó thúc đẩy những ham
muốn, tham ái và bám víu vô tận, chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi khổ đau như
đã nêu trong chân lý cao quý thứ hai. Nhận thức về những thực tại này đúng như
chúng là (vô thường, vô ngã và khổ) làm giảm bớt tham ai và dính mắc, khiến tâm
không còn chạy theo những kích thích hay bám víu vào các đối tượng mong muốn.
Khi không còn bất kỳ suy nghĩ nào làm vẩn đục tâm (tham, sân và si), tâm trở nên
an nhiên, đưa đến sức khỏe tinh thần tốt. Bên cạnh việc thay đổi tư duy và nhận
thức và có một cái nhìn đúng đắn về bản thân và thế giới, sức khỏe tinh thần của
chúng ta còn phụ thuộc vào khả năng kiềm chế và đoạn trừ các cảm xúc tiêu cực mà
chúng vốn là nguyên nhân của nhiều căn bệnh tâm thần. Sự kiểm soát này có thể
đạt được qua việc thực hành giới và định. Tất
cả các giới luật và phương pháp thiền trong Phật giáo đều nhằm kiểm soát các
giác quan và ham muốn, loại bỏ các tư tưởng bất thiện, từ đó làm cho tâm trở nên
thanh tịnh, hạnh phúc và khỏe mạnh. Khi tâm được thanh tịnh, hành động của chúng
ta cũng được thanh tịnh. Những hành động phát sinh từ tâm trí lành mạnh này cũng
là thiện lành, có lợi cho sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra ảnh hưởng quyết định của trạng thái tâm, cảm
xúc, thái độ và niềm tin của con người đối với việc họ bị bệnh và cách họ giữ
gìn sức khỏe. Những cú sốc hay đau khổ về tinh thần như sự xa cách người thân,
cái chết, thất bại trong công việc, lo lắng về tài chính, bạo lực, sự xa lánh,
ám ảnh, v.v. tất cả đều tác động trực tiếp đến hệ thống miễn dịch. Phật giáo tập
trung năng lượng vào việc rèn luyện tâm để hiểu các trạng thái tâm hạnh phúc như
đã thảo luận trong bài viết này, để nhận diện và xoa dịu nguồn gốc của những cảm
xúc tiêu cực và nuôi dưỡng các trạng thái cảm xúc như từ (mettā), bi (karuṇā),
hỷ (mudita) và xả (upekkhā), nhằm mang lại sự hài hòa bên trong
chúng ta và trong mối quan hệ của chúng ta với thế giới xung quanh.