Sự đóng góp của Thiền sư Nhất Hạnh trong việc giới thiệu Phật giáo Việt Nam trên bản đồ Phật giáo thế giới

su dong gop

Sự đóng góp của Thiền sư Nhất Hạnh trong việc giới thiệu

Phật giáo Việt Nam trên bản đồ Phật giáo thế giới

Thích Hạnh Chơn

 

Phật giáo do Đức Phật Thích Ca sáng lập có nguồn gốc từ Ấn Độ. Ban đầu số lượng còn ít và nằm trong phạm vi nhỏ nên sự sinh hoạt thống nhất dưới sự chỉ dạy của Đức Phật. Tuy nhiên, khoảng 100 năm sau Phật nhập Niết-bàn, dù chư Tăng vẫn y cứ Pháp và Luật làm thầy hướng dẫn tu học, Tăng đoàn chia thành hai bộ phái và tiếp tục phân thành nhiều bộ phái sau đó. Đến thời vua A Dục (khoảng thế kỷ III tr.TL), Phật giáo bắt đầu được truyền đến các châu lục, đánh dấu quá trình toàn cầu hóa Phật giáo.

Từ sắc thái Phật giáo nguyên thuỷ, Phật giáo đã hòa nhập và thích nghi với văn hóa và tín ngưỡng ở những vùng đất mới, hình thành nên nét đặc trưng của Phật giáo dân tộc, tông phái. Chính nét đặc trưng của Phật giáo dân tộc tạo nên sự đa dạng trong cộng đồng Phật giáo. Hiện nay có ba truyền thống Phật giáo lớn có sự khác nhau về hình thức sinh hoạt, tu tập. Đó là Bắc truyền gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…; Nam truyền gồm Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện…; và Kim Cang thừa (Mật tông) Tây Tạng…

Lại nữa, Phật giáo tại các quốc gia tuy thuộc cùng một truyền thống vẫn có nhiều nét đặc trưng riêng, tạo nên bản sắc Phật giáo của quốc gia đó. Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam đều có nét đặc trưng riêng. Sự khác nhau đó là do con người và điều kiện khách quan tạo thành. Bài viết sẽ nêu vài nét đặc trưng về Phật giáo tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản để từ đó nhìn về Phật giáo Việt Nam trên bản đồ Phật giáo toàn cầu. Thế giới biết đến Phật giáo Việt Nam qua điều gì và ai là người đóng góp vào thành tựu đó trong thời hiện đại?

Những đặc trưng của Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản

Khi nói đến Phật giáo Ấn Độ, tất yếu chúng ta phải đề cập đến lịch sử Đức Phật, về Phật giáo sau Phật nhập Niết-bàn gồm các kỳ kiết tập kinh, về sự phân chia bộ phái, về các Thánh/cao tăng luận sư nổi tiếng, các tác phẩm kinh luận do Phật thuyết và do các đệ tử nhiều đời biên soạn. Dựa vào tài liệu hiện còn, chúng ta biết được tư tưởng Phật giáo qua các thời kỳ gồm Nguyên thuỷ, Bộ phái và Đại thừa. Những ai muốn hiểu sâu có thể đi vào tìm hiểu, nghiên cứu chi tiết.[1]

Từ thời vua Aśoka (A Dục), Phật giáo bắt đầu được truyền đến các nước thuộc các châu lục. Phật giáo được truyền vào Trung Quốc khoảng thế kỷ II Tây lịch.[2] Các bộ kinh bằng ngôn ngữ Sanskrit (và có thể có kinh bằng ngôn ngữ khác) được dịch sang Hán ngữ đã có sự pha trộn tư tưởng, tín ngưỡng địa phương, làm cho Phật giáo mang màu sắc Trung Quốc. Phương pháp thiền được Đức Phật dạy trong kinh Niệm xứ thuộc Trung bộ kinh và được Phật giáo các nước Nam truyền thực hành cho đến ngày nay lại được các Tổ sư Trung Quốc sáng tạo thành “sản phẩm” riêng. Không có tư liệu nào (trừ của Trung Quốc) công nhận ngài Ca Diếp là Tổ sư của Thiền tông và các vị tổ tiếp theo cho đến vị thứ 28. Nếu đây là sự thật thì nó phủ nhận công lao phát minh ra phương pháp thiền của Đức Phật, và trái với lời Phật dạy là lấy Pháp và Luật làm thầy và không có việc di chúc người kế thừa.

Phật giáo Trung Quốc đã sáng tạo ra một loại Thiền tông riêng của mình, phong cho ngài Ca Diếp làm Sơ tổ Thiền tông và hệ thống hóa thành 28 vị Tổ tại Ấn Độ và 5 vị Tổ tại Trung Quốc. Từ thời Tổ Huệ Năng lại phát sinh ra năm dòng thiền lớn và tiếp tục truyền đến các nước như Việt Nam, Nhật Bản… Ngoài ra, Phật giáo Trung Quốc cũng tạo ra 10 tông phái Phật giáo[3] với những đường lối tu tập đặc trưng Trung Quốc. Dù phát triển rất phong phú, Phật giáo Trung Quốc vẫn chỉ thích hợp với người Hoa và người phương Đông nặng về tín ngưỡng tôn giáo.

Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào thế kỷ VI Tây lịch[4] nhưng Phật giáo Nhật cũng đã tạo nên nét đặc trưng riêng phù hợp với tín ngưỡng bản địa. Phật giáo Nhật đã lập ra 13 tông phái[5], trong đó, Tịnh độ Chân tông, Nhật Liên tông mang nét riêng của Phật giáo Nhật bản.[6] Vào đầu thế kỷ XX, thiền sư Suzuki có công lớn trong việc giới thiệu thiền có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nhật Bản ra thế giới phương Tây.

Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam

Phật giáo được truyền vào Việt Nam rất sớm, có thể trước Tây lịch, và vào thế kỷ II Tây lịch đã hình thành và phát triển mạnh. Theo dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, ban đầu có Thiền sư Khương Tăng Hội (lúc này chưa có họ Thích). Sau đó, có các dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường đều từ Trung Quốc truyền sang. Đến thời Trần, Việt Nam có dòng thiền Trúc Lâm do vị vua-Thiền sư Trần Nhân Tông sáng lập và truyền thừa được 18 đời. Sau đó, dòng thiền bị gián đoạn cho đến cuối thế kỷ XX và được Thiền sư Thích Thanh Từ phục hồi nhưng nội dung được bổ sung thêm.[7] Từ thế kỷ XVII, do bất ổn chính trị tại Trung Quốc, nhiều Thiền sư người Hoa đã truyền bá Phật giáo Trung Quốc vào Việt Nam. Từ đó Phât giáo Việt Nam, đặc biệt từ miền Trung vào Nam, đã sinh hoạt tu tập theo khuôn mẫu Phật giáo Trung Quốc cho đến ngày nay. Nói như thế sẽ có người phản bác nhưng thực tế chứng minh vấn đề nêu trên là đúng về mặt xuất gia, học luật, tụng kinh, dòng thiền… Ngoại trừ Thiền phái Trúc Lâm có phương pháp thực hành rõ ràng, ít hình thức tôn giáo tín ngưỡng, phần còn lại chiếm đa số của Phật giáo, dù mang danh theo các dòng thiền nhưng lại sinh hoạt nặng về tôn giáo tín ngưỡng Tịnh độ. Do đó Phật giáo Việt Nam khó có thể phát triển ở cộng đồng Phật giáo quốc tế.

Một vấn đề được đặt ra là tại sao thiền phái Trúc Lâm do Tổ sư người Việt kế thừa thành quả của các Tổ sư tiền bối lập ra và hiện nay được Thiền sư Thích Thanh Từ phục hoạt đem lại kết quả tích cực cho hành giả tu học nhưng dòng thiền ấy không thể lan tỏa rộng trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam? Phải chăng cộng đồng Phật giáo Việt Nam hiện nay trung thành với pháp môn của các Tổ sư người Hoa qua hai dòng thiền Lâm Tế và Tào Động? Phải chẳng Tăng Ni Việt Nam chỉ thích hợp với pháp tu Tịnh độ cầu nguyện và sinh hoạt tín ngưỡng? Phải chăng Phật giáo Việt Nam chưa thấy được giá trị của dòng thiền Trúc Lâm của dân tộc Việt hay thiền Trúc Lâm khó thực hành? Đó là những vấn đề cần nghiên cứu để tìm hướng đi cho Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

Đóng góp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong việc truyền bá Phật giáo ra thế giới

Phật giáo Việt Nam do điều kiện chủ quan và khách quan không được thế giới biết đến cho đến khi Tăng sĩ Việt Nam giới thiệu Phật giáo ra thế giới vào thế kỷ XX. Điều kiện chủ quan là Phật giáo Việt Nam khá tương đồng với Phật giáo Trung Quốc và tư liệu về Phật giáo Việt Nam hầu như bị mất hết. Điều kiện khách quan là Việt Nam bị chiến tranh liên miên, Phật giáo bị các thế lực ngoại xâm muốn xóa bỏ để thay bằng tôn giáo, tín ngưỡng khác.

Đến thế kỷ XX, một số Tăng sĩ Việt Nam du học đã viết bài giới thiệu Phật giáo Việt Nam ra cộng đồng Phật giáo thế giới. Bên cạnh đó, sự hiện diện của cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở các nước cũng đóng góp vào việc giới thiệu Phật giáo Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam giới thiệu phương pháp tu học nào cho cộng đồng thế giới? Phương pháp tu theo tín ngưỡng Tịnh độ thì khá tương đồng với Phật giáo Trung Quốc nên khó thành công. Phương pháp hành thiền theo dòng Lâm Tế, Tào Động thì không rõ ràng hay không hiện hữu. Phương pháp hành thiền theo thiền phái Trúc Lâm thì có sự ảnh hưởng khiêm tốn về hiệu quả thực tế biểu hiện qua vị Thiền sư và cộng đồng Tăng sĩ, Phật tử. Nói cách khác, cộng đồng Phật giáo Việt Nam thực hành theo truyền thống thiền Trúc Lâm chiếm số lượng khá khiêm tốn.

Trong tình hình đó, Phật giáo Việt Nam xuất hiện pháp môn Làng Mai do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập. Từ chỗ cộng đồng Phật giáo thế giới biết đến Phật giáo Việt Nam qua lịch sử tôn giáo, tín ngưỡng và những triết lý thiền khó ứng dụng trong môi trường mới do bị cản trở bởi ngôn ngữ và thiếu phương pháp thực hành, họ được tiếp cận pháp môn Làng Mai với pháp tu “Hiện tại lạc trú” dựa trên nền tảng kinh Phật là kinh Quán niệm hơi thở, kinh Niệm xứ, kinh Người biết sống một mình[8]. Từ chỗ biết đến Phật giáo Việt Nam qua lý thuyết, giờ đây họ biết đến Phật giáo Việt Nam không những qua lý thuyết tu tập mà còn qua người thật việc thật, qua những cộng đồng tu học có kết quả thực tiễn. Nhiều người đến Làng Mai học pháp và ứng dụng thực hành có kết quả ngay trong hiện tại. Điều đó được minh chứng qua các khóa tu với sự tham dự của nhiều người thuộc các dân tộc, các tôn giáo khác nhau. Ngày nay, nói đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cộng đồng Phật giáo thế giới không ai không biết và tất nhiên biết Thiền sư cũng tức là biết đến Phật giáo Việt Nam, biết đến Việt Nam. Điều đáng suy ngẫm là dù pháp môn Làng Mai thiết thực hiện tại và ít mang hình thức tín ngưỡng tôn giáo nhưng vẫn chưa được cộng đồng Phật giáo Việt Nam khắp nơi tiếp nhận ứng dụng tu tập một cách phổ biến.

Nhìn lại dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam chúng ta thấy rằng thiền là khái niệm được dùng xuyên suốt từ thời Thiền sư Khương Tăng Hội đến thời Lý, Trần (có ba dòng thiền, sau đó thống nhất thành thiền Trúc Lâm), rồi đến thời Nguyễn (có thiền Lâm Tế và Tào Động rồi sinh sôi nhiều chi phái nhỏ) và duy trì đến nay. Ngày nay thiền Trúc Lâm được phục hoạt và thiền Làng Mai được sáng lập nhưng số lượng tín đồ theo hai dòng thiền trên để tu học thì còn khá khiêm tốn. Phật giáo Việt Nam sẽ đi về đâu khi không có một pháp hành thực tiễn để làm nền tảng phát triển?! Người ngoại quốc sẽ học gì về Phật giáo Việt Nam để ứng dụng tu tập trong đời sống hằng ngày? Thiền Trúc Lâm, và nhất là thiền Làng Mai ví như những viên ngọc quý nhưng có vẻ còn “xa xỉ” nên dù nó rất có giá trị cũng có rất ít người sử dụng.

 


 

[1] Xem Thích Hạnh Bình, Phương Anh dịch, Khái luận lịch sử Phật giáo Ấn Độ, TP.HCM: NXB.Phương Đông, 2017.

[2] Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, TP.HCM, NXB.Phương Đông, 2013, tr.17.

[3] Luật tông, Tịnh Độ tông, Thiền tông, Pháp Tướng tông, Mật tông, Thiên Thai tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông, Câu Xá tông và Thành Thật tông.

[4] Trần Quang Thuận, Phật giáo Nhật Bản, Hà Nội: NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.102.

[5] Hoa Nghiêm, Pháp Tướng, Luật, Chân Ngôn, Thiên Thai, Nhật Liên, Tịnh Độ, Tịnh Độ Chân, Dung Thông Niệm Phật, Thời, Tào Động, Lâm Tế, Hoàng Bách.

[6] Trần Quang Thuận, Sđd., tr.647-649.

[7] Thích Tâm Hạnh, Đặc trưng trong phương pháp hành trì của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam. https://thuvienhoasen.org/a34216/phan-2-phuong-phap-hanh-tri-cua-thien-phai-truc-lam-viet-nam-hien-nay, truy cập ngày 10-4-2022.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle