Đức Phật Dạy Vô Tâm Là Đạo
Đức Phật Dạy Vô Tâm Là Đạo
Đức Phật Dạy Vô Tâm Là Đạo
Phan Tấn Hải
Chúng ta thường nghe nói rằng thiền Tổ sư là dạy pháp vô niệm, vô tâm. Cách diễn
tả như thế có vẻ như như để làm nổi bật hai ý chỉ khác nhau, rằng thiền do Như
Lai dạy chủ yếu là niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp… trong khi thiền do
các vị Tổ sư Trung Hoa và Việt Nam dạy chủ yếu là vô niệm, vô tâm. Sự thật, Đức
Phật trong tạng Pāli đã dạy các pháp vô niệm, vô tâm… nhưng nhiều vị sư đời sau
không chú ý, và đôi khi còn ngộ nhận rằng pháp vô niệm, vô tâm là sáng tác của
các vị sư Trung Hoa.
Có lẽ câu thơ nổi tiếng nhất trong Thiền tông Việt Nam là của ngài Trần Nhân
Tông, rằng “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”, nghĩa là khi gặp tất cả các cảnh
trong và ngoài, tâm vẫn rỗng rang và vắng lặng thì không cần gì tu nữa. Khi đọc
kỹ tạng Pāli, chúng ta sẽ thấy trong nhiều kinh (đặc biệt là phần lớn kinh trong
phẩm 4 và phẩm 5 của Kinh Tập trong Tiểu bộ) rằng Đức Phật đã dạy
rằng vô tâm chính là đạo, là con đường giải thoát. Nói như thế, không có nghĩa
là phân biệt pháp này hay pháp kia cao hay thấp, chỉ muốn nói rằng Đức Phật là
vị đại y vương, tùy bệnh cho thuốc.
Không chỉ phần lớn các sư không còn tu học theo lời Phật dạy về vô niệm, vô tâm…
(thậm chí có sư còn dám nói sai lầm rằng Tứ niệm xứ là pháp duy nhất), mà nhiều
vị sư cũng không nhắc tới một số lời dạy khác của Đức Phật. Thí dụ, chúng ta
không còn nghe nhiều về pháp quán bất tịnh, pháp niệm Tăng, pháp niệm thí, pháp
niệm thiên…, trong khi chỉ cần một pháp quán niệm đó là đủ để giải thoát.
Đức Phật dạy rằng chỉ cần một pháp trong các pháp sau là đủ để giải thoát, theo
bản dịch Tăng chi bộ (AN 1.296-305) của Thầy Minh Châu:
“Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến
nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ,
Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các
Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly
tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đế nhất
hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một
pháp ấy là gì? Chính là niệm Pháp… niệm Tăng… niệm Giới… niệm Thí… niệm Thiên…
niệm Hơi thở vô, Hơi thở ra… niệm Chết… niệm Thân… niệm An tịnh. Chính một pháp
này, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng
nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Trong khi đó, Đức Phật dạy trong Tương ưng bộ (SN 22.64) rằng vô
niệm (không suy tưởng) là con đường vắn tắt (Dhamma in brief) để giải
thoát. Kinh này khởi đầu bằng “Rồi một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn,
lành thay, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con...” và chuỗi đối thoại
này ghi lời Phật dạy rất minh bạch, không mơ hồ (độc giả nào ngờ vực, có thể đối
chiếu các bản tiếng Anh sẽ thấy rõ nghĩa hơn). Trích bản dịch của Thầy Minh Châu
như sau:
“- Ai suy tưởng, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng,
người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
- Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Bạch Thiện Thệ, con đã hiểu.
- Như thế nào, này Tỷ-kheo, Ông hiểu một cách rộng rãi ý nghĩa lời Ta nói một
cách vắn tắt:
- Ai suy tưởng sắc, bạch Thế Tôn, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng,
người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Ai suy tưởng thọ… tưởng… hành… thức, người
ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.
Bạch Thế Tôn, lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu ý nghĩa một cách rộng
rãi như vậy.
- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Như vậy Ông hiểu
một cách rộng rãi ý nghĩa lời nói vắn tắt này của Ta. Này Tỷ-kheo, ai suy tưởng
sắc, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi
Ác ma. Ai suy tưởng thọ… tưởng… các hành… Ai suy tưởng thức, người ấy bị Ma trói
buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. Này Tỷ-kheo, lời
nói vắn tắt này của Ta cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy”.
Nói ngắn gọn, lời Đức Phật dạy là đừng suy nghĩ tư lường gì hết. Hễ suy tưởng
đúng hay sai, xanh hay đỏ, trắng hay vàng… là hỏng.
Bản dịch của Sujato: “When you conceive, mendicant, you’re bound by Māra. Not
conceiving, you’re free from the Wicked One.”
Bản dịch Bodhi: “Bhikkhu, in conceiving one is bound by Mara; by not
conceiving one is freed from the Evil One.”
Nhà sư Nguyễn Thế Đăng giải thích qua bài viết nhan đề “Vô niệm của Lục Tổ Huệ
Năng”, trích như sau:
“Luận Đại thừa Khởi tín của ngài Mã Minh nói: ‘Thể của tâm lìa tất cả
niệm, nghĩa là vốn vô niệm. Nó như hư không, không chỗ nào mà chẳng toàn khắp.
Pháp giới Một tướng này tức là Pháp thân bình đẳng của chư Như Lai. Pháp thân
này tất cả chúng sanh vốn có, nên gọi là Bản giác’.
Luận nói tiếp: ‘Thế nên chúng sanh nào quán sát vô niệm thì chúng sanh đó đã
hướng về Trí Phật’”.
Bất kỳ ai cũng có thể thực tập pháp vô niệm. Trong kinh Lăng nghiêm chú
trọng nói về tánh nghe, vì từ nghe là cách dễ vào đạo nhất. Trong khi bạn nghe
(thí dụ, nghe chim hót, nghe mưa rơi), bạn sẽ không níu được âm thanh nào của
quá khứ và hiện tại (vì âm thanh luôn luôn biến mất trong từng khoảnh khắc), và
bạn sẽ không nghĩ gì tới được tương lai (âm thanh chưa tới và có thể sẽ không
tới). Đó là bạn đang sống với tâm xa lìa ba thời (quá, hiện, vị lai), xa lìa ngũ
uẩn của ba thời. Đó là kinh Bahiya: khi cái được thấy chỉ là cái được
thấy và cái được nghe chỉ là cái được nghe, và đó là giải thoát. Đức Phật dạy
rất minh bạch như thế. Không cần khởi niệm gì hết.
Thậm chí, trong Tương ưng bộ (SN 4.19), Đức Phật còn rầy những
người ưa khởi niệm và gọi đó là trò của ma. Bản dịch của Thầy Minh Châu viết,
trích:
“Này Ác ma, ý là của ông, pháp là của ông, thức xứ do ý xúc chạm là của ông.
Và này Ác ma, chỗ nào không có ý, không có pháp, không có thức xứ do ý xúc chạm,
thời này Ác ma, chỗ ấy không có hành xứ của ông, này Ác ma”.
Đọc hai bản dịch tiếng Anh, chúng ta sẽ kinh ngạc vì Đức Phật nói y hệt ngài Huệ
Năng, Lâm Tế, rằng khởi tâm tức là chuyện của đường ma, cửa quỷ.
Bản dịch của Bodhi: “The mind is yours, Evil One, mental phenomena are yours,
mind-contact and its base of consciousness are yours; but, Evil One, where there
is no mind, no mental phenomena, no mind-contact and its base of consciousness -
there is no place for you there, Evil One”. (Nơi đây, chúng ta dịch: Ác ma,
tâm là của ngươi, hiện tượng tâm là của ngươi, xúc của tâm và cõi ý thức của nó
là của ngươi; nhưng, này Ác ma, nơi không có tâm, nơi không có hiện tượng tâm,
nơi không có xúc của tâm và cõi ý thức của nó - thì không có chỗ cho ngươi nơi
đó, hỡi Ác ma).
Bản dịch của Sujato: “…yours are ideas, yours is the field of mind contact
consciousness. Where there is no mind, no ideas, no mind contact consciousness -
you have no place there, Wicked One!” (…của ngươi là các niệm, của ngươi là
cõi ý thức sinh khởi từ xúc của tâm. Nơi nào không có tâm, không có niệm, không
có cõi ý thức sinh khởi từ xúc của tâm - thì ngươi không có chỗ nơi đó, hỡi Ác
ma!”.
Tại sao vô tâm, vô niệm? Tại sao Đức Phật nói vô tâm là con đường giải thoát vắn
tắt? Đơn giản, vì chúng sinh không có ai thực sự vô tâm được. Và người nào vô
tâm được, ngay khi đó là xa lìa tham sân si. Trong Tương ưng bộ (SN
35.90), Đức Phật dạy rằng không nghĩ ngợi tới bất cứ cái gì, thì sẽ không chấp
thủ (nắm giữ) bất cứ cái gì, thì tự tâm sẽ tịch lặng. Bản dịch của Thầy Minh
Châu, trích:
“Chớ có nghĩ đến tất cả, chớ có nghĩ đến trong tất cả, chớ có nghĩ đến từ tất
cả, chớ có nghĩ đến: ‘Tất cả là của tôi’. Vị ấy do không nghĩ đến nên không chấp
thủ một vật gì ở đời. Do không chấp thủ, vị ấy không có dao động (paritassati).
Do không dao động, vị ấy tự mình tịch tịnh một cách hoàn toàn. Vị ấy biết rõ:
‘Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui
trạng thái này nữa’”.
Tương tự, các bản dịch tiếng Anh của kinh này cũng rất rõ ràng, không có nghĩa
nào mơ hồ. Hễ nghĩ ngợi tư lường là bị trói giữ.
Đối với người đã buông bỏ hết thấy, nghe, hay, biết, buông bỏ hết nghĩ ngợi tư
lường, thì vị đó đã vượt qua cả thiện và ác. Chúng ta sẽ thấy ngôn phong Tâm
kinh và kinh Kim cang hiển lộ trong Tương ưng bộ (SN
35.248) khi Đức Phật dạy, theo bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:
“Ai có tư tưởng (Mannamāna), người ấy bị Māra trói buộc. Ai không có tư
tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma. ‘Tôi là’, này các Tỷ-kheo, là một tư
tưởng. ‘Cái này là tôi’, này các Tỷ-kheo, là một tư tưởng. ‘Tôi sẽ là’, này các
Tỷ-kheo, là một tư tưởng. ‘Tôi sẽ không là’, là một tư tưởng. ‘Tôi sẽ có sắc’,
là một tư tưởng. ‘Tôi sẽ không có sắc’, là một tư tưởng. ‘Tôi sẽ có tưởng’, là
một tư tưởng. ‘Tôi sẽ không có tưởng’, là một tư tưởng. ‘Tôi sẽ không có tưởng
và không không có tưởng’, là một tư tưởng. Có tư tưởng, này các Tỷ-kheo, là
tham. Có tư tưởng là mụt nhọt. Có tư tưởng là mũi tên. Do vậy, này các Tỷ-kheo,
các ông cần phải học tập: ‘Tôi sẽ sống với tâm không có tư tưởng’”.
Trong khi đó, Tương ưng bộ (SN 35.133) nói y hệt Bát-nhã Tâm
kinh, rằng phải sống trong nhận biết rằng không hề có mắt hiện hữu, không hề
có tai hiện hữu… [cho tới] không hề có tâm ý hiện hữu thì đó là Niết-bàn. Đó là
lời dạy của Tôn giả Udāyi dạy cho một nữ Bà-la-môn:
“Này chị, do mắt hiện hữu, các bậc A-la-hán trình bày lạc khổ. Do mắt không
hiện hữu, các bậc A-la-hán không trình bày lạc khổ… Do ý hiện hữu, các bậc
A-la-hán trình bày lạc khổ. Do ý không hiện hữu, các bậc A-la-hán không trình
bày lạc khổ”.
Đoạn kinh vừa dẫn trong bản dịch tiếng Anh của Bodhi rất dễ hiểu: “Sister,
the arahants maintain that when the eye exists there is pleasure and pain, and
when the eye does not exist there is no pleasure and pain. The arahants maintain
that when the ear exists there is pleasure and pain, and when the ear does not
exist there is no pleasure and pain…. The arahants maintain that when the mind
exists there is pleasure and pain, and when the mind does not exist there is no
pleasure and pain”.
Nơi đây, xin dịch là: “Chị ơi, các vị A-la-hán nói rằng khi mắt hiện hữu thì
có vui sướng và đau khổ, và khi mắt không hiện hữu thì không có vui sướng và đau
khổ. Các vị A-la-hán nói rằng khi tai hiện hữu thì có vui sướng và đau khổ, và
khi tai không hiện hữu thì không có vui sướng và đau khổ... Các vị A-la-hán nói
rằng khi tâm hiện hữu thì có vui sướng và đau khổ, và khi tâm không hiện hữu thì
không có vui sướng và đau khổ”.
Chữ “maintain” trong đoạn trên có nghĩa là “chủ trương rằng, nhận biết
rằng, thấy rằng…”. Như vậy, câu hỏi rằng, làm sao để thấy rằng không hề có mắt
tai mũi lưỡi thân ý? Để thấy như thế, có nhiều cách. Đơn giản nhất là từ luật
Duyên khởi, vì thấy cái này có, nên cái kia có. Do vậy, các pháp tự thân đã xa
lìa cả có và không. Không có gì cần nghĩ ngợi tư lường, hãy để ngôn ngữ dứt bặt,
vì nói có, nói không đều sai.
Cũng y hệt tiếng đàn, có chẻ cây đàn ra trăm ngàn mảnh cũng không dò ra tiếng
đàn nơi đâu. Nhưng tiếng đàn là từ cây đàn, từ mưa nắng qua nhiều năm cho gỗ
rừng mọc lên, rồi thợ rừng cưa xuống để đóng thành cây đàn, từ nhạc sĩ học nhiều
thập niên để trình diễn, từ rất nhiều duyên mới thành tiếng đàn. Không gọi tiếng
đàn là có, vì nó là từ nhiều duyên, vì vừa sinh đã liền diệt và vì chúng ta
không chỉ ra được là nó ở đâu. Thân tâm chúng ta cũng thế, đừng tưởng mắt tai
mũi lưỡi thân ý là có, mà cũng đừng nói là không. Các pháp chỉ là như thế, và
như thế. Tất cả thân tâm và thế giới đang chảy xiết trong vô thường, không có
cái gì gọi được là cái gì. Hiện tượng sát-na vô thường được tạng Pāli so sánh
với hạt đậu trên đầu mũi kim, nơi tất cả các pháp chỉ tiếp giáp với sát-na chút
xíu rồi biến mất.
Và bất kỳ ai tự thấy đang tắm gội thân tâm mình trong sát-na vô thường đó, thì
đó là thể nghiệm Niết-bàn, nơi đó xa lìa tất cả những gì gọi là tâm, ý và thức.
Còn gọi là vô ngôn, vì ngôn ngữ và ý thức là dựa vào thời gian, dựa vào kinh
nghiệm quá khứ. Nhưng khoảnh khắc của sát-na thì xa lìa cả ba thời quá, hiện, vị
lai. Trong kinh Pháp bảo đàn, phẩm Cơ duyên thứ bảy, bản dịch của Thầy
Thích Duy Lực, ghi lời Lục Tổ Huệ Năng dạy ngài Chí Đạo, trích:
“...Chơn lạc của Niết-bàn, sát-na chẳng có tướng sanh, sát-na chẳng có tướng
diệt, cũng chẳng có sanh diệt để diệt, ấy tức là tịch diệt hiện tiền. Đang lúc
hiện tiền, cũng chẳng có số lượng hiện tiền, nghĩa là chẳng có một tí khái niệm
nào về không gian, thời gian, và số lượng của tịch diệt hiện tiền, mới gọi là
thường đức, lạc đức, nghĩa là chơn vui. Vui này chẳng có kẻ thọ dụng, cũng chẳng
có kẻ không thọ dụng...”
Trong ngôn ngữ Phật học Việt Nam có một số chữ rất khó hiểu. Thí dụ, nói về cái
được biết, thường chia làm ba chữ cho ba trường hợp: tưởng tri, thắng tri, liễu
tri.
Đối chiếu với các kinh văn tiếng Anh, chúng ta thấy rằng:
- Người phàm phu biết theo kiểu “tưởng tri” là "perceive" hay là "become aware
or conscious of". Trong cái biết này chưa lìa tham sân si. Vì luôn luôn thấy có
cái tôi đang biết, qua những lăng kính quá khứ, môi trường, xã hội…
- Bậc tu học biết theo kiểu “thắng tri” là biết trực tiếp, là “directly know”
hay “having directly known” mà không nghĩ ngợi tư lường gì trong khi nhận biết,
tức là biết của vô tâm, của ngay tức thời, của ngay ở đây và bây giờ. Kinh
Trung bộ (MN 1) ghi rằng, theo bản dịch của Thầy Minh Châu: “…Có
Tỷ-kheo, hữu học tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi khổ
ách. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy
đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, đã
không nghĩ (tự ngã) như là địa đại, đã không nghĩ: ‘Ðịa đại là của ta’, - không
dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại”.
- Bậc giải thoát biết theo kiểu “liễu tri” là biết đầy đủ, là “fully understand”
- nghĩa là, khi nghe tiếng đàn, biết ngay là vô thường, vô ngã. Kinh Trung bộ
(MN 1) ghi về cái biết của các vị A-la-hán, theo bản dịch của Thầy Minh
Châu: “...Có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn,
các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận
trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa
đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ
(tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không
nghĩ: “Ðịa đại là của ta” - không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã
liễu tri địa đại”.
Nghĩa là, “thắng tri” (hay biết trực tiếp) là rất gần với “liễu tri” (hay biết
đầy đủ, biết trong thực tướng của vô thường, vô ngã) và nơi đó cũng là đang lìa
xa tham sân si. Đó là cái biết của kinh Bahiya, khi cái được thấy chỉ là
cái được thấy, và cái được nghe chỉ là cái được nghe. Nơi đó, tâm thường trực
rỗng rang, tịch lặng. Cái biết của thắng tri và liễu tri chính là cái biết của
vô tâm, vô niệm.
Nghĩa là, không có việc gì phải mài ngói làm gương. Tuệ Trung Thượng Sĩ viết đơn
giản rằng việc tu thiền chỉ có nghĩa là trâu bùn lội qua sông. Vì là trâu bùn,
nên trâu sẽ tan trong nước, và đó là lời dạy của Đức Phật, rằng vô tâm chính là
đạo. Khi chư Tổ nói rằng vô tâm chưa phải là đạo, vì còn cần bước qua một trùng
quan nữa, đó chính là từ thắng tri bước vào liễu tri, là hình ảnh trâu bùn tan
vào nước, chứng nhập vô ngã, vô thường.
GHI CHÚ: