Giữ Thanh Tịnh Thân, Khẩu, Ý

giu thanh tinh

Giữ Thanh Tịnh Thân, Khẩu, Ý --- Keeping Body, Speech, And Mind Pure | Nguyên Giác

 

GIỮ THANH TỊNH THÂN, KHẨU, Ý
KEEPING BODY, SPEECH, AND MIND PURE 

(Nguyên Giác)

 

Giữ giới là căn bản của thực hành Phật pháp. Trong Kinh AN 10.176, Đức Phật dạy gia chủ Cunda về cách giữ giới, giữ cho thanh tịnh thân, khẩu, và ý.  Sau đây là bản viết lại cho dễ hiểu, dựa theo bản dịch của Thầy Thích Minh Châu và đối chiếu với các bản tiếng Anh.
.
Cunda, thanh tịnh có ba phần về thân, bốn phần về lời nói, và ba phần về ý.

THANH TỊNH VỀ THÂN

Thanh tịnh có ba phần về thân như thế nào? Đó là khi một người từ bỏ việc giết các sinh vật. Họ từ bỏ gậy gộc và đao kiếm. Họ cẩn thận và tử tế, sống đầy lòng trắc ẩn với tất cả chúng sinh.

Họ từ bỏ trộm cắp. Họ không lấy của cải hoặc đồ đạc của người khác từ làng mạc hoặc nơi hoang dã với mục đích trộm cắp.

Họ từ bỏ hành vi sai trái về tình dục. Họ không quan hệ tình dục với các phụ nữ được giám hộ bởi mẹ, bởi cha, bởi cả mẹ và cha, bởi anh hay chị, bởi họ hàng hoặc gia tộc. Họ không quan hệ tình dục với một phụ nữ được bảo vệ bởi nguyên tắc, hoặc có chồng, hoặc hành vi vi phạm của phụ nữ đó có thể bị pháp luật trừng phạt, hoặc thậm chí là người đã được trao vòng hoa như một dấu hiệu đính hôn.

Đây là sự trong sạch về thân ở ba phương diện.
 
THANH TỊNH VỀ LỜI NÓI

Và sự trong sạch trong lời nói ở bốn phần như thế nào? Đó là khi một người nào đó từ bỏ nói dối. Họ được triệu tập đến một hội đồng, một cuộc họp, một cuộc họp gia đình, một hội đoàn, hoặc đến triều đình, và được yêu cầu làm chứng: 'Xin hãy nói những gì ông biết.'

Không biết, họ nói 'Tôi không biết.'
Biết, họ nói 'Tôi biết.'
Không thấy, họ nói 'Tôi không thấy.'
Và thấy, họ nói 'Tôi thấy.'

Vì vậy, họ không cố tình nói dối vì lợi ích của chính họ hoặc người khác, hoặc vì một lý do thế gian tầm thường nào đó.

Họ từ bỏ lời nói gây chia rẽ. Họ không lặp lại ở một nơi những gì họ nghe ở nơi khác để chia rẽ mọi người với nhau. Thay vào đó, họ hòa giải những người bị chia rẽ, ủng hộ sự thống nhất, thích sự hòa hợp, yêu sự hòa hợp, nói những lời thúc đẩy sự hòa hợp.

Họ từ bỏ lời nói thô lỗ. Họ nói theo cách dịu dàng, dễ nghe, dễ mến, đi vào lòng, lịch sựtừ ái và dễ chịu với mọi người.

Họ từ bỏ nói những điều vô nghĩaLời nói của họ đúng lúc, đúng sự thật và có ý nghĩaphù hợp với giáo lý và sự rèn luyện. Họ nói những điều đúng lúc, có giá trịhợp lý, ngắn gọn và có lợi.

Đây là sự trong sạch về lời nói trong bốn phương diện.

THANH TỊNH VỀ Ý

Và sự trong sạch của tâm trong ba phương diện như thế nào? Đó là khi một người sống biết đủ. Họ không thèm muốn của cải và tài sản của người khác: 'Ồ, giá như tài sản của họ là của tôi!'

Họ có một trái tim nhân hậu và ý hướng yêu thương: 'Mong cho những chúng sinh này sống không thù hận và không ác ý, không gặp phiền não và được hạnh phúc!'

Họ có chánh kiến, một quan điểm không bị sai lệch: 'Tin rằng có ý nghĩa trong việc bố thíhy sinh và cúng dường. Có quả lành của việc thiện và có tai họa của việc làm xấu. Họ tin có kiếp sau. Họ tin có mẹ và có cha, và có những chúng sinh được tái sinh một cách tự nhiên. Họ tin có các nhà khổ hạnh và các vị phạm hạnh cư xử đúng đắn và thực hành đúng đắn, và những người đã mô tả về kiếp sau sau khi nhận ra điều đó bằng sự hiểu biết của riêng họ.'

Đây là sự trong sạch ba phương diện của tâm.

Đó là mười thiện nghiệp. Khi bạn có mười thiện nghiệp nêu trên, thì nếu bạn dậy sớm, dù bạn có chạm đất khi rời giường hay không, bạn vẫn trong sạch.

Dù bạn có chạm vào phân bò tươi hay không, bạn vẫn trong sạch.

Dù bạn có chạm vào cỏ xanh hay không, bạn vẫn trong sạch.

Dù bạn có thờ lửa hay không, bạn vẫn trong sạch.
 
Cho dù bạn có chắp tay cung kính mặt trời hay không, bạn vẫn trong sạch.

Cho dù bạn có nhúng mình trong nước ba lần hay không, bạn vẫn trong sạch. Tại sao vậy? Mười việc thiện nêu trên là trong sạch và làm cho mọi thứ trở nên trong sạch.
 
Chính vì những người giữ mười thiện nghiệp này mà chư thiêncon người hoặc bất kỳ cõi lành nào khác được hình thành.

Được dạy như thế, người thợ rèn Cunda đã nói với Đức Phật, “Thật vi diệu, thưa Thế Tôn! Thật tuyệt vời! … Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.”
Chia sẻ: facebooktwittergoogle