Nhận biết chư Phật qua hình dáng tượng thờ

nhan biet

NHẬN BIẾT CHƯ PHẬT QUA HÌNH DÁNG TƯỢNG THỜ 

Nhận biết chư Phật qua hình dáng tượng thờ

-------------

Vào chùa lễ Phật, cho dù ở ngoài đời mỗi người một tâm tính nhưng khi đứng trước Ban thờ Phật, mọi bon chen, toan tính của đời thường dường như không còn nữa mà thay vào đó là những khuôn mặt hướng thiện, những ánh mắt trong sáng, chan chứa niềm tin gửi nơi cửa Phật.

Cứ nhìn cử chỉ dâng hương, ánh mắt thành kính, và những cái chắp tay lạy Phật của tín đồ Phật giáo mới thấy lòng chí thành, khẩn thiết của họ, mới cảm nhận sâu sắc sự tôn nghiêm, thanh tịnh chốn Phật đường.

Tuy vậy, cũng không ít Phật tử đang thành tâm hành lễ dâng hương lại không biết mình đang đứng vái lạy, cầu xin trước chư Phật (Phật và Bồ Tát) nào? Và lời cầu xin ấy có đúng sở nguyện của chư Phật đó khi đắc đạo, để lời cầu xin ấy được toại nguyện?

Tất nhiên, chư Phật nào cũng từ bi, hỷ xả, cứu độ chúng sinh nhưng mỗi chư Phật khi đắc đạo có sở nguyện khác nhau nên thiện nam tín nữ phải phân biệt được tượng thờ các chư Phật để lời cầu xin được chư Phật chứng giám.

1. Tượng thờ Phật Thích Ca:

Tượng thờ Phật Thích Ca mặt tròn, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao, cằm vuông vức, nơi ấn đường (chỗ đầu hai lông mày giao nhau) có nốt ruồi đỏ. Tai dày, tròn, đầy đặn, thành quách phân minh, sắc trắng hơn mặt. Hai tay dài và dày. Ngực có chữ vạn, mình vàng, sắc hoàng kim.

Cũng tùy theo bố trí thờ cúng của mỗi chùa mà tượng Phật Thích Ca có các tư thế đứng, ngồi khác nhau. Tuy nhiên, tượng Phật Thích Ca thường được tạc theo thế ngự trên đài sen, hai tay để ấn tam muội, đôi mắt khép lại ba phần tư.

Cũng có chùa ở tầng cao nhất, sát vách cửa chính điện, thờ “Tam Thế Phật”, đó là các vị Phật của ba thời gian: Quá khứ (Phật A Di Đà), hiện tại (Phật Thích Ca) và vị lai (Phật Di Lặc). Ba tượng Tam Thế có kích thước và hình dáng giống nhau, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao như búi tóc, tai dài, tóc xoắn ốc, ngực có chữ vạn, mình có sắc hoàng kim sáng rực, ngồi trên tòa sen.

2. Tượng thờ Phật Di Lặc:

Tượng Phật Di Lặc thường được an vị ngay ở cửa ra vào, hiếm khi được thờ ở chính điện.

Khi thờ ở Tam Thế Phật thì tượng Phật Di Lặc giống tượng Phật Thích Ca nhưng khi thờ riêng, thường là ở ngay chỗ cửa ra vào thì tượng Phật Di Lặc được tạc theo tư thế ngồi ngả lưng ra đằng sau, nhành miệng ra cười ngặt nghẽo, hớn hở như khoe cái bụng phệ, béo tròn, vô lo vô nghĩ của mình, mà cũng giống như niềm hân hoan chào đón khách thập phương và hoan hỉ ban niềm tin cho du khách.

Cũng có chùa thờ Ngài Di Lặc theo tượng hình một vị hòa thượng mập mạp, mặc áo phơi ngực, bày cái bụng to tướng, xung quanh Ngài có năm, sáu đứa trẻ quấy nhiễu mà Ngài vẫn cười ngặt nghẽo...

3. Tượng thờ Phật A Di Đà:

Phật A Di Đà là hiện thân đời sống vĩnh cửu và trí tuệ hào quang nên có hai danh hiệu: Vô lượng thọ Phật (đời sống của Phật dài vô lượng, vô biên) và Vô lượng quang Phật (hào quang của Đức Phật chiếu tới các cõi thập phương).

Theo lời Phật Thích Ca trong kinh A Di Đà thì cõi Phật ở phương Tây cách xa Trái Đất hàng vạn ức dặm. Cõi Phật có tên Cực Lạc quốc (Sukhavati), là nơi có đời sống hạnh phúc, an lạc. Chúng sinh nào muốn được về cõi Cực Lạc thì phải thành tâm tu trì, tin đức Phật A Di Đà.

Tượng Phật A Di Đà thường có những nét đặc trưng: Đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngực có chữ vạn ở khoảng trống của áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên toà sen.

Đi theo hầu Phật A Di Đà thường là hai vị Bồ Tát: Đại Thế Chí và Quan Thế Âm. Ba tượng này được gọi là bộ A Di Đà Tam Tôn. Tượng Phật A Di Đà thường được tạc thờ theo hai thế:

- Tượng ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, hình dáng tương tự như Phật Thích Ca nhưng có sự khác biệt so với tượng Phật Thích Ca như: Tượng Phật Thích Ca thường đắp cà sa choàng qua cổ không có đắp y (cà sa) khoát vuông để trống, trước ngực có chữ vạn và không bao giờ duỗi một cánh tay.

Ngược lại, tượng Phật Di Đà có đôi khi người ta tạc tượng Ngài ngồi tư thế kiết già và duỗi xòe bàn tay mặt. Y (cà sa) khoát cổ vuông và trước ngực có chữ vạn.

- Tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng nổi lên rất cao, mắt Ngài nhìn xuống, tay trái bắt ấn cam lồ và đưa lên ngang vai, tay mặt duỗi xuống như sẵn sàng cứu vớt những chúng sinh đang đắm chìm trong bể khổ. Tượng này gọi là tượng Di Đà phóng quang.

Về tượng đứng, bên cạnh Ngài thường có hai vị đại Bồ tát Quán Âm và Thế Chí. Bồ tát Quán Âm thì đứng bên tay trái và Bồ tát Thế Chí đứng bên tay phải của Ngài. Đây gọi là tượng Tam Thánh (như tượng thờ Phật A Di Đà ở chùa Kim Liên (Hà Nội).

4. Tượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát:

Đức Phật nói về thần lực của Quan Âm trong kinh Phổ Môn rằng: Nếu một ngàn chỗ có tâm thành cầu nguyện Đức Quan Âm thì đồng một lúc đó có một ngàn Bồ tát Quan Âm liền ứng hiện, Ngài sẽ hiện thân hình tương ứng với nhu cầu của con người như hiện thân Tỳ kheo, hiện thân cư sĩ, hiện thân ngoại đạo...

Tượng Phật Bà Quán Thế Âm được thờ tại các chùa đều theo các cách thể hiện: Quan Âm Chuẩn Đề (Tượng có ba mặt và 18 tay), Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt (Thiên thủ, thiên nhãn), Quan Âm Tọa Sơn (Quan Âm ngồi trên đỉnh núi), Phật Bà (Quan Âm đội mũ, ngồi toà sen), Quan Âm Tống Tử (Quan Âm ngồi bế đứa bé, một bên có Thiện Sĩ - biểu trưng bằng hình con vẹt)...

Tượng thờ Phật Phật Bà Quán Thế Âm tại các ngôi chùa Việt Nam thường là hiện thân hình dáng của người phụ nữ quý phái, nhân hậu, dịu dàng, đứng trên đài hoa sen tay trái cầm bình thanh tịnh, tay phải cầm cành dương liễu để phổ độ chung sinh. Cũng có một số chùa lại thờ theo lối Di Đà Tam Tông: Đức Phật Di Đà ở giữa, bên tả là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên hữu là Đại Thế Chí Bồ Tát.

5. Tượng thờ Văn Thù Bồ Tát:

Văn thù Sư Lợi là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương tiện tri thức, là một trong những vị Bồ Tát quan trọng của Phật giáo.

Theo truyền thuyết Phật giáo Trung Quốc, Văn Thù Bồ Tát được Phật Thích Ca đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp và Ngũ Đài sơn chính là nơi Bồ Tát thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Đài sơn cũng được xem là trụ xứ của Văn Thù Bồ Tát.

Văn Thù Bồ Tát thường được tạc theo tượng đứng trên hoa sen trắng, an vị bên trái tượng Phật Thích Ca (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ.

Nhưng có chùa thờ riêng Văn Thù Bồ Tát ngồi trên lưng sư tử xanh, tay trái cầm cành hoa sen xanh, tay phải cầm thanh kiếm sắc. Cũng có chùa thờ tượng Ngài theo hình thức người cư sĩ đội mũ, mặc giáp, cầm kiếm....

6. Tượng thờ Phổ Hiền Bồ Tát:

Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy theo mong cầu của chúng sinh mà Ngài hiện thân hóa độ. Trong Phật giáo Đại thừa thì Ngài là một trong những vị Bồ Tát quan trọng.

Theo truyền thuyết của Phật giáo thì Bồ Tát Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho "Bình đẳng tính trí" tức là trí huệ thấu hiểu cái nhất thể của sự đồng nhất và khác biệt.

Phổ Hiền Bồ Tát thường được an vị đứng trên tòa sen, bên phải Phật Thích Ca (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ.

Tại các chùa, Bồ Tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích Ca và Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Nhưng cũng có chùa thờ riêng Phổ Hiền Bồ Tát với tượng hình người cư sĩ cưỡi voi trắng sáu ngà (voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu giác quan)....

7. Tượng thờ Địa Tạng Bồ Tát:

Địa Tạng Bồ Tát là vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong địa ngục và trẻ con yểu tử hoặc cứu giúp lữ hành phương xa. Đó là vị Bồ Tát duy nhất được diễn tả với bạch hào (lông trắng xoáy nằm giữa hai mắt) trên trán, một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật.

Tại Trung Quốc và các nước Đông nam Á, Địa Tạng Bồ Tát được xem là một trong bốn vị Đại Bồ Tát (ba vị khác là Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền) chuyên cứu độ những người bị sa vào địa ngục. Trú xứ của Bồ Tát Địa Tạng là Cửu Hoa Sơn. Tương truyền, Địa Tạng Bồ Tát đã thật sự hiện thân tại núi Cửu Hoa vào đời Đường dưới dạng một hoàng tử xứ Triều Tiên. Sau khi chết, nhục thân của vị hoàng tử này không tan rữa và người dân bản địa đã xây một ngôi tháp để thờ và bảo tháp đó ngày nay vẫn còn trên núi Cửu Hoa.

Tượng Địa Tạng Bồ Tát thường có dáng một vị tăng đầu đội mũ thất phật (trên mũ có hình 7 vị Phật), mặc áo cà sa đỏ, tay phải cầm gậy tích trượng có 12 khoen, tay trái cầm ngọc minh châu, ngồi trên tòa sen.

Ở một số chùa, tượng Bồ Tát Địa Tạng lại được tạc ở tư thế đứng hoặc cưỡi trên lưng một con vật giống như sư tử.

8. Tượng thờ Đại Thế Chí Bồ Tát:

Đại Thế Chí Bồ tát còn gọi là Đắc đại thế Bồ tát, Đại tinh tấn Bồ tát, Vô biên quang Bồ tát... Là vị Bồ tát dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sinh thoát khổ thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề.

Theo kinh “Quán vô lượng thọ”, Bồ tát thân cao tám mươi muôn ức, da màu vàng tử kim, trong thiên quang của Bồ tát có 500 hoa báu, mỗi một hoa báu có 500 đài báu, trong mỗi đài đều hiện quốc độ tịnh diệu của mười phương chư Phật, nhục kế như hoa Bát đầu ma, giữa nhục kế có một hình báu, khác hình tượng Quan thế âm Bồ tát.

Theo “A lợi đa la đà la ni a lỗ lực”, thì hai Bồ tát (Đại Thế Chí và Quán Thế Âm) đều toàn thân màu vàng, phóng hào quang trắng, tay phải cầm phất trần trắng, tay trái cầm hoa sen, nhưng thân hình Bồ tát Đại thế chí nhỏ hơn thân hình Bồ Tát Quán Thế Âm.

Còn trong “Hiện đồ mạn đồ la thai tạng giới” của Mật tông, thì tượng Ngài ngồi trên hoa sen đỏ, thân màu trắng, tay trái cầm hoa sen mới nở, tay phải co ba ngón giữa đặt trước ngực. Mật hiệu là Trì luân kim cương, hình Tam muội da là hoa sen mới nở.

Tại các chùa Việt Nam, tượng Đại Thế Chí Bồ Tát thường được tạc theo hình dáng người cư sĩ, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm hoa sen xanh, đứng bên trái Đức Phật A Đi Đà (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật A Di Đà. Đây là lối thờ Di Đà Tam Tông: Đức Phật Di Đà ở giữa, bên tả là Quan Thế Âm Bồ Tát, bên hữu là Đại Thế Chí Bồ Tát.

Khi đứng riêng thì tượng Đại Thế Chí Bồ tát được tạc theo nhiều hiện thân, nhưng cơ bản là hình tượng cư sĩ ngồi hoặc đứng trên toà sen, tay cầm một cành sen.

9. Tượng Đức Thánh Hiền:

Đức Thánh hiền được thờ ở các chùa, chính là Ngài Anan tôn giả, đệ tử đệ nhất đa văn của Đức Phật. Theo Phật giáo Đại thừa ngài còn phát nguyện độ sinh do đó Ngài còn tái sinh nhiều lần để cứu vớt chúng sinh.

Tượng ngài được đặt ở bên trái của Bái Đường. Tượng có khuôn mặt thanh thoát, hiền từ, đầu đội mũ có 7 cánh sen, mỗi cánh sen có hình một Đức Phật, một tay cầm chén, một tay bắt ấn.

10. Tượng Đức Ông:

Có chùa ghi là Đức Chúa, được an vị ở bên phải Bái Đường. Tượng được tạc theo hình dáng quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, râu dài, vẻ mặt nghiêm nghị.

Theo điển tích Phật giáo thì khi Đức Thích Ca vừa thành đạo, Trưởng giả Cấp Cô Độc, một nhân vật thời Đức Thích Ca tại thế, đã mua một khu vườn cây xây tịnh xá, ngôi chùa rất to, thỉnh Phật Thích Ca về thuyết pháp. Sau này ông được coi là người bảo vệ tài sản của nhà chùa. Vì vậy người ta gọi là Đức ông hay Đức Chúa Già Lam Chầu Tể.

*

Trên đây là một số tượng được thờ ở các ngôi chùa Việt Nam. Nhìn chung, các vị Phật hay Bồ Tát đều ngồi hoặc đứng trên tòa sen với đôi mắt khép kín, khuôn mặt nhân hậu, thanh thản, tượng trưng cho sự đại phú, đại quý, siêu phàm và vinh quang.

*.

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT: NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle