Cơ thể ta đã có chánh niệm
than da co chanh niem
Thường
khi muốn tâm mình được an, chúng ta được dạy hãy thực tập chánh niệm
bằng cách chú ý, tập trung vào một đối tượng đặc biệt nào đó, và giữ
tâm mình yên nơi ấy.
Nhưng có một phương cách khác nữa để giúp ta phát huy chánh niệm.
Phương cách này bắt nguồn sâu sắc từ ngay nơi chính thân của ta. Với
phương cách này, thì ta thấy con đường thực tập chánh niệm không được
lát bằng những nỗ lực thuần hoá hay khuất phục tâm, mà bằng một sự
buông xả.
Tôi gọi phương cách này là chánh niệm của cơ thể.
Đây là một chánh niệm thuộc về thân, một sự chú ý thư giản, bao dung,
ngay chính trong giây phút hiện tại này, qua toàn bộ ý thức của cơ thể.
Cơ thể ta đã có chánh niệm
Cũng
giống với chánh niệm truyền thống, phương cách này cũng thừa nhận và
hiểu rằng, một tâm ý bị phân tán, chia chẻ, lan man là nguyên nhân của
khổ đau. Nhưng giải pháp chuyển hoá tâm lăng xăng này không phải là kềm
chế, kiểm soát nó, hoặc cố gắng mang sự chú ý mình trở về trên một đối
tượng nào đó.
Chánh niệm của cơ thể phát khởi từ một sự quan sát rất đơn giản: tâm ý ta bị phân tán, nhưng thân ta thì không. Thân ta không nghĩ ngợi hay suy tư. Nó chỉ là cảm giác và hiện hữu, nó luôn có mặt, thấy biết và sinh động. Nói một cách khác: cơ thể này đã có chánh niệm.
Điểm quan trọng trong phương cách chánh niệm của cơ thể,
khác với những phương cách truyền thống, là khi có sự phân tâm khởi
lên, thay vì tìm cách khắc phục nó, ta chỉ cần buông xả những cố gắng,
và cho phép sự chú ý trở về với cơ thể của mình. Đó cũng có thể là một cảm xúc của hơi thở. Vì thật ra, cảm xúc của hơi thở có mặt trong thân cũng là một cảm xúc của cơ thể.
Bắt đầu bằng sự buông xả ý muốn kiểm soát.
Nói
tóm lại, phương cách này không phải là để kiểm soát hay thuần hoá một
điều gì hết, mà là về một niềm tin. Cánh cửa dẫn đến một tâm ý an tĩnh,
vững vàng, là sự buông xả những ý đồ muốn kiểm soát, và trở về nương
tựa vào những cảm giác đang thực sự có mặt. Khi tâm ta buông xả, tuệ
giác của thân sẽ hướng dẫn con đường ta đi. Và nó cũng sẽ mang lại cho
tâm ta một sự nhẹ nhõm, thảnh thơi tuyệt vời.
Nếu như bạn đang nỗ lực để thực tập chánh niệm, thì điều tôi
chia sẻ ở đây có thể làm bạn ngạc nhiên. Bí quyết thực tập bao giờ cũng
đang có mặt ngay dưới mũi của bạn, mà thật ra nó cũng chính là tất cả
những phần của cơ thể bạn.
Nhưng bạn cũng nên chú ý đến điều khác biệt này, nghe qua thì thấy có
vẽ rất giống nhau, nhưng thật ra nó là một sự khác biệt rất quan trọng.
Cho phép sự chú ý của mình được hướng dẫn bởi cơ thể, khác với lại phát huy sự chú ý bằng cách sử dụng cơ thể.
Một ví dụ thực tập.
Dưới đây là một ví dụ về phương pháp thực hành có thể giúp bạn bắt đầu khám phá về một chánh niệm tự nhiên của cơ thể mình.
Bạn hãy chú ý đến sự vận hành của hơi thở trong thân. Ý thức và cảm
nhận những tác động thở trong cơ thể mình. Một chú ý nhẹ nhàng và tự
nhiên.
Khi bạn thấy tâm ý mình lan man, đừng cố gắng trở về với hơi thở. Thay
vì vậy, bạn hãy để chính tác động thở mang bạn trở về với cơ thể.
Hãy để cho những cảm giác có mặt tự nhiên của hơi thở đang di chuyển
trong cơ thể bạn – mát nhẹ nơi mũi, cơ hoành lên xuống, những chuyển
động trong người, con tim an tĩnh và rộng mở - mang bạn trở về với cơ
thể của mình.
Hãy buông xả để trở về với chánh niệm tự nhiên của cơ thể mình.
Willa Blythe Baker.
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch